Tuesday, March 17, 2009

TỪ CHẾ ĐỘ TOÀN TRỊ SANG THỂ CHẾ DÂN CHỦ (4)

Từ chế độ toàn trị sang thể chế dân chủ
Gene Sharp

Chương Bốn
Chế độ toàn trị có những nhược điểm


Các chế độ toàn trị thường tỏ ra kiên cố. Cơ quan tình báo, công an, lực lượng quân sự, nhà tù, trại giam và các biệt đội hành quyết do một thiểu số có quyền lực điều khiển. Tài chánh, tài nguyên thiên nhiên và khả năng sản xuất thường bị kẻ độc tài tuy tiện bòn tỉa và được dùng để hỗ trợ ý muốn của kẻ độc tài.
So sánh với họ, lực lượng đôi lập dân chủ thường tỏ ra cực kỳ yếu ớt, không hiệu quả và bất lực. Cảm tưởng về sự kiến cố đối nghịch với sự bất lực khiến cho đối lập khó lòng đạt được ý nguyện.
Tuy nhiên câu chuyện chưa kết thúc.

Tìm kiếm nhược điểm (gót chân Achille)

Một huyền thoại của thời Thượng Cổ Hy-lạp minh họa rõ nhược điểm của kẻ tưởng chừng vô địch. Không có đòn nào có thể gây thương tích cho chiến sĩ Achille và không có gươm giáo nào có thể đâm thủng da của y. Khi con bé, mẹ của Achille dường như ngâm y trong nước của dòng sông thần diệu Styx, nhờ vậy toàn thân y được che chở chống mọi hiểm nguy. Tuy nhiên, có một vấn đề. Vì đứa bé được nắm bằng gót để nó không bị cuốn trôi, nước thần diệu này không chạm đến phần nhỏ bé trên thân thể hắn. Khi Achille trưởng thành, y không hề suy xuyển trước vũ khí của kẻ thù. Tuy nhiên, trong cuộc chiến đánh thành Troy, được thông báo bởi một người biết yếu điểm này, một binh sĩ bên địch nhắm mũi tên vào gót chân nhược điểm của Achille, điểm có thể gây tổn thương cho Achille. Mũi tên quả nhiên tác hại. Ngày nay, câu “gót chân Achille” dùng để chỉ nhược điểm của một người, một kế hoạch hoặc một cơ chế nếu tấn công vào đó sẽ không chống đỡ được.

Cũng đem nguyên lý này áp dụng cho các chế độ toàn trị. Họ cũng có thể bị chiếm đánh, nhưng một cách nhanh nhất và giá phải trả ít nhất nếu nhược điểm của họ được nhận diện và đòn đánh tập trung vào đó.

Những nhược điểm của chế độ toàn trị

Trong những nhược diểm của chế độ toàn trị có những điểm sau:
1- Sự cộng tác giữa những người, những nhóm và những tổ chức để điều hành hệ thống toàn trị bị hạn chế hoặc rất dè dặt.
2- Những đòi hỏi và những hệ lụy của chính sách trong quá khứ của chế độ có phần giới hạn khả năng giải quyết những xung đột trước mắt của họ.
3- Chế độ có thể bị chết cứng trong guồng máy điều hành vì vậy không có khả năng thích ứng mau chóng với tình huống mới.
4- Nhân sự và tài nguyên dành cho những phần vụ hiện hành khó có thể đáp ứng cho những nhu cầu tình thế mới.
5- Cấp dưới vì e sợ mất lòng cấp trên báo cáo không chính xác và sai sót những thông tin cần thiết để kẻ độc tài quyết định.
6- Hệ tư tưởng không còn chỗ ứng dụng, những huyền thoại và biểu tượng của chế độ từ từ sụp đổ.
7- Nếu có hệ tư tưởng mạnh sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn về thực tế của các cán bộ, việc gắn bó chắc vào hệ tư tưởng có thể gây ra việc không quan tâm đến tình hình và nhu cầu trước mắt.
8- Hệ thống hành chánh thư lại không có hiệu quả và mất khả năng điều hành, hoặc hệ thống kiểm soát và điều hành quá gắt gao khiến cho việc thi hành chính sách không đạt kết quả.
9- Xung đột nội bộ giữa các định chế, sự kình địch cá nhân và thái độ thù địch làm phương hại và có thể phá vỡ bộ máy điều hành của chế độ.
10- Trí thức và sinh viên, sẽ liên tục có phản ứng với những tệ trạng, những nghiêm cấm, chủ nghĩa giáo điều và đàn áp.
11- Đa số quần chúng lâu ngày trở nên thờ ơ, lãnh đạm và đôi khi thù địch với chế độ.
12- Khác biệt về địa phương, về giai cấp, về văn hóa cỏ thể trở nên sâu sắc.
13- Thứ bậc quyền lực của chế độ độc tài luôn luôn bất ổn ở một số cấp bậc, và đôi khi cực kì bất ổn. Vị trí cá nhân không bao giờ ổn định ở một chỗ, có thể được cất nhắc hoặc bị hạ bệ hoặc bị hoàn toàn khai trừ và thay thế bởi những phần tử mới.
14- Các phần tử trong lực lượng công an hoặc lực lượng quân sự có thể hành động vì mục đích riêng của họ, chống lại ý hướng của kẻ độc tài, tham dự vào một cuộc đảo chính.
15- Những kẻ mới chiếm ngôi vị trong chế độ toàn trị cần có thời gian để lo củng cố vị thế của mình.
16- Kẻ cầm quyền chỉ là thiểu số và phải quyết định quá nhiều việc nên không thể tránh khỏi phán đoán sai lầm trong chính sách và hành động.
17- Nếu chế độ toàn trị kiếm cách loại trừ những hiểm nguy này và phân quyền kiểm soát và quyết định, trung ương sẽ mất dần quyền kiểm soát.

Đánh vào nhược điểm của chế độ toàn trị

Biết được những nhược điểm nội tại như vậy, đối lập dân chủ có thể quyết ý tìm cách khiến những « gót chân Achille » suy yếu trầm trọng hơn để biến chất chế độ một cách quyết liệt hoặc để tiêu hủy nó.

Kết luận trở nên rõ ràng : mặc dù bề ngoài hùng mạnh, tất cả các chế độ toàn trị đều có nhược điểm, không có hiệu năng nội tại, kình địch cá nhân, vô hiệu năng về cơ chế và xung đột giữa các tổ chức và cục ngành. Các nhược điểm này về lâu về dài khiến cho chế độ trở nên thiếu hiệu năng và dễ chao đao trước những biến đổi và kháng cự có chủ ý. Không phải tất cả những gì chế độ quy hoạch để thực hiện sẽ được hoàn tất. Đôi khi, ví dụ, ngay cả lệnh trực tiếp của Hitler không bao giờ được thực hiện vì các cấp thuộc hạ từ chối thi hành. Chế độ toàn trị đôi lúc có thể tan rã nhanh chóng, như chúng ta đã có dịp quan sát.

Điều này không có nghĩa là việc đánh đổ các chế độ toàn trị không có hiểm nguy và tổn thất nhân mạng. Mọi quá trình hành động nhằm giải phong sẽ có hiểm nguy và thiệt hại, và cần thời gian để tác dụng. Và lẽ dĩ nhiên không phải phương tiện nào cũng có thể đảm bảo thành công nhanh chóng trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, những loại đấu tranh nhắm vào những nhược điểm đã được nhận diện của chế độ toàn trị có cơ may thành công nhiều hơn là đấu tranh nhằm vào những điểm chế độ toàn trị mạnh nhất. Vấn đề là làm thế nào để phát động cuộc đấu tranh này.


Chương Năm
Thực Thi Quyền Lực


Ở Chương Một, chúng ta ghi nhận kháng chiến quân sự chống lại chế độ toàn trị không đánh vào điểm họ yếu nhất, nhưng lại đánh vào điểm họ mạnh nhất. Khi lựa chọn tranh đua trong lãnh vực sức mạnh quân sự, cung cấp đạn dược, kỹ thuật vũ khí và những điều tương tự, các phong trào kháng chiến đã đi vào chiều hướng tự đặt mình vào tư thế thua sút bất lợi. Các chế độ toàn trị hầu như luôn có khả năng tập trung những nguồn năng lực vượt trội trong những lãnh vực này. Trông cậy vào sức mạnh ngoại quốc để giải phóng cũng có những nguy cơ. Ở Chương Hai chúng ta đã xem xét những vấn đề liên quan đến thương thuyết dùng làm phương tiện để đánh đổ chế độ toàn trị.

Như vậy chúng ta có những phương tiện nào thực tiễn để cung cấp cho kháng chiến dân chủ những lợi thế đặc biệt và khiến cho những nhược điểm đã nhận diện của chế độ toàn trị càng trầm trọng hơn ? Kỹ thuật hành động nào sẽ sử dụng được lí thuyết quyền lực chính trị đã được bàn ở chương ba ? Lựa chọn khác là chống đối chính trị.

Chống đối chính trị có những đặc điểm sau:
• Không chấp nhận kết quả đã được dàn xếp bằng những phương tiện đấu tranh do chế độ toàn trị lựa chọn.
• Chế độ khó lòng đương đầu.
• Chỉ làm trầm trọng thêm nhược điểm của chế độ toàn trị và có thể cắt nguồn cung cấp quyền lực của nó.
• Có thể trải rộng hành động khắp nơi nhưng cũng có thể tập trung vào một mục tiêu nhất định.
• Khiến dẫn kẻ độc tài phán đoán và hành động sai lầm
• Có thể sử dụng quần chúng một cách hữu hiệu như một đơn vị thuần nhất và các nhóm và cơ chế trong xã hội để đưa họ vào cuộc đấu tranh chấm dứt sự thống trị bạo tàn của một thiểu số.
• Giúp trải rộng phân phối quyền lực thực sự trong xã hội, làm cho việc thiết lập và duy trì một xã hội dân chủ khả thi hơn.

Tiến hành cuộc đấu tranh bất bạo động

Giống như khả năng quân sự, chống đối chính trị có thể dùng trong một số những mục tiêu khác nhau, từ những cố gắng thúc đẩy những người đối lập có những hành động đa dạng cho đến việc tạo những điều kiện đi đến một giải pháp ôn hòa cho sự xung đột, hoặc tiêu hủy chế độ đối lập. Tuy nhiên, chống đối chính trị vận hành theo những chiều hướng khác với bạo lực. Mặc dù cả hai kỹ thuật có chủ đích phát động đấu tranh, nhưng lại dùng những phượng tiện rất khác nhau và hệ quả cũng khác nhau. Phương pháp và kết quả của xung đột bạo lực mọi người đều quá rõ. Vũ khí vật chất dùng để đe dọa, gây tổn thương, giết và tiêu diệt.

Đấu tranh bất bạo động là phương pháp đấu tranh phức tạp và đa dạng hơn đấu tranh bạo lực nhiều. Thay vào đó, cuộc đấu tranh dùng vũ khí tâm lý, xã hội, kinh tế và chính trị do quần chúng và cơ chế xã hội phát động. Chúng ta được biết những cuộc đấu tranh này dưới nhiều tên khác như phản đối, đình công, bất hợp tác, tẩy chay, từ nhiệm và quyền lực của nhân dân. Như đã ghi nhận trước đây, tất cả các chính quyền chỉ có thể cai trị khi họ còn nhận được sự bổ sung các nguồn cung cấp quyền lực cần thiết bằng sự hợp tác, lòng phục tùng và tuân phục của quần chúng và các cơ chế của xã hội. Chống đối chính trị, khác với bạo động, là phương thức duy nhất thích hợp để cắt đứt những nguồn quyền lực này.

Vũ khí bất bạo động và kỷ luật

Sai lầm chung của các chiến dịch chống đối chính trị tự phát trong quá khứ là chỉ trông cậy vào một hay hai phương pháp, chẳng hạn như đình công và biểu tình đám đông. Thực ra có rất nhiều phương pháp cho phép các chiến lược gia kháng chiến tập trung và phân tán lực lượng đối kháng tùy theo đòi hỏi của tình thế.

Chúng ta có thể nhận dạng khoảng hai trăm phương pháp cá biệt đấu tranh bất bạo động và chắc chắn còn nhiều nữa. Những phương pháp này được sắp xếp thành ba loại lớn: phản đối và thuyết phục, bất hợp tác và can thiệp. Phương pháp phản đối và thuyết phục bất bạo động là những cuộc biểu tình chỉ có tính cách tượng trưng, trong đó bao gồm diễn hành, tuần hành và canh thức (54 phương pháp) Bất hợp tác được chia làm ba phó hạng: (a) bất hợp tác xã hội (16 phương pháp), (b) bất hợp tác kinh tế, trong đó có việc tẩy chay (23 phương pháp) và (c) bất hợp tác chính trị (38 phương pháp). Can thiệp bất bạo động bằng những phương tiện tâm lý, vật chất, xã hội, kính tế và chính trị chẳng hạn như tuyệt thực, chiếm đóng bất bạo động và chính quyền song hành (41 phương pháp), thuộc nhóm cuối cùng.

Việc sử dụng vô số những phương pháp này – được lựa chọn cẩn thận, áp dụng liên lỉ và trên bình diện rộng lớn, vận dụng trong bối cảnh của một chiến lược khôn ngoan và chiến thuật thích hợp và được thực hiện do các công dân đã được huấn luyện kỹ lưỡng - có thể gây nên những vấn đề nghiêm trọng cho bất cứ một chế độ không hợp pháp nào. Điều này áp dụng cho tất cả các chế độ toàn trị.

Trái ngược với phương tiện quân sự, các phương pháp đấu tranh bất bạo động nhắm trực tiếp vào các vấn đề tranh chấp căn bản. Ví dụ, nếu vấn đề của chế độ toàn trị căn bản là chính trị, các hình thức đấu tranh chính trị bất bạo động là chủ yếu. Điều này bao gồm việc không chấp nhận tính hợp pháp của kẻ độc tài và bất cộng tác với chế độ của họ. Bất hợp tác cũng có thể áp dụng chống lại những chính sách đặc cách. Đôi lúc sự ngăn chặn và trì hoãn cũng có thể thực hiện một cách thầm lặng và cả bí mật nữa, và có lúc khác lại cần bất tuân phục công khai và biểu tình chống đôi công khai để cho mọi người đều thấy.

Mặt khác, nếu chế độ toàn trị có thể bị suy yếu do áp lực kinh tế hoặc nếu mối bất bình của quần chúng là kinh tế thì hành động kinh tế, như tẩy chay hoặc đình công, có thể là phương pháp kháng cự thích hợp. Nỗ lực của kẻ độc tài nhằm khai thác hệ thống kinh tế có thể bị ngăn chặn với những cuộc tổng đình công giới hạn, hoạt động ngưng trệ và từ chối tiếp tay của (hoặc thiếu bóng dáng của) các chuyên viên cần thiết. Việc lựa chọn các loại đình công đa diện để đem áp dụng vào những điểm then chốt trong ngành chế xuất, ngành chuyên chở, trong việc cung cấp những vật liệu thô và việc phân phối sản phẩm.

Một vài phương pháp đấu tranh bất bạo động đòi hỏi người dân thực hiện những công việc không liên quan đến cuộc sống thường ngày, chẳng hạn như rải tờ rơi, thực hiện một cơ quan ngôn luận bí mật, khởi xướng tuyệt thực hoặc ngồi vạ ngoài đường. Những phương pháp này có thể khó thực hiện đối với một vài người ngoài trừ trong những trường hợp đặc biệt.

Những phương pháp đấu tranh bất bạo động khác cho phép người dân gần như tiếp tục cuộc sống thường nhật, dù là sống một cách khác. Ví dụ, người dân có thể nhận công việc thay vì đình công nhưng sau đó cố tình làm việc chậm hơn hoặc thiếu hiệu quả hơn lúc bình thường. “Lỗi lầm” có thể cố tình gây nên thường xuyên hơn. Một người có thể trở nên “ốm đau” hoặc “bất năng” không thể làm việc vào một thời điểm nào đó. Hoặc một người có thể đơn giản từ chối không làm việc. Một người có thể tham gia sinh hoạt tôn giáo, hành động này không những bày tỏ đức tin tôn giáo mà còn chứng tỏ thái độ chính trị. Một người có thể ra tay che chở các trẻ em tránh tuyên truyền của kẻ địch bằng cách giáo dục tại tư gia hoặc lớp học ngầm. Một người có thể từ chối gia nhập một tổ chức được chị định hoặc “được giới thiệu” mà trước đây họ đã không muốn tự nguyện tham gia. Sự tương đồng của những loại hành động này với sinh hoạt thường nhật của người dân và mức độ cách biệt không nhiều với cuốc sống thường ngày có thể giúp cho việc tham gia đấu tranh giải phóng dễ dàng hơn cho nhiều người.

Đấu tranh bất bạo động và bạo lực vận hành theo những phương pháp hoàn toàn khác nhau. Ngay cả kháng cự bạo động giới hạn trong lúc phát động chiến dịch chống đối chính trị cũng sẽ có phản tác dụng vì cuộc đấu tranh sẽ chuyển sang lãnh vực kẻ độc tài có những lợi thế vượt trội (trang bị quân sự). Kỷ luật bất bạo động là chìa khóa mở cửa đi đến thành công và phải được duy trì mặc dù có những khiêu khích và hung bạo của kẻ độc tài và thuộc hạ.

Việc duy trì kỷ luật bất bạo động chống lại kẻ địch có hành vi bạo động giúp cho sự vận hành của bốn cơ chế thay đổi trong đấu tranh bất bạo động (sẽ bàn dưới đây). Kỷ luật bất bạo động cũng rất quan trọng trong tiến trình nhu thuật chính trị. Trong tiến trình này, tính chất tàn bạo lộ liễu của chế độ nhằm đối phó với các chiến sĩ bất bạo động tạo ảnh hưởng chính trị bất lợi cho vị thế của kẻ độc tài. Điều này sẽ tạo nên sự bất đồng ngay trong hàng ngũ của họ, cũng như khích động sự hỗ trợ của đại bộ phần quần chúng, những người hỗ trợ thường xuyên cho chế độ và thành phần thứ ba.

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, bạo động giới hạn chống chế độ toàn trị không thể tránh khỏi. Lòng ấm ức và căm thù chế độ có thể bùng nổ gây nên bạo động. Hoặc, một vài nhóm có thể không muốn từ bỏ phương tiện bạo động mặc dù họ công nhận vai trò quan trọng của đấu tranh bất bạo động. Trong những trường hợp này, chúng ta không nhất thiết từ bỏ chống đối chính trị. Tuy nhiên, chúng ta cần tách biệt hành vi bạo động với hành vi bất bạo động càng xa càng tốt. Điều này cần được thực hiện tùy theo địa lý, thành phần quần chúng, thời điểm và vấn đề tranh chấp. Nếu không bạo lực có thể có hậu quả tai hại cho việc sử dụng chống đối chính trị, một việc có tiềm ẩn nhiều sức mạnh và thành quả hơn nhiều.

Lịch sử ghi nhận tuy trong chống đối chính trị luôn có tổn thất nhân mạng và thương nhân, nhưng con số này thua xa con số tổn thất trong một cuộc chiến quân sự. Hơn thế nữa, loại đấu tranh này không đóng góp gì cho chu kỳ bất tận của chém giết và tàn bạo.

Đấu tranh bất bạo động vừa đòi hỏi vừa đưa đến việc mất đi (hoặc chủ động nhiều hơn) nỗi sợ chính quyền và việc đàn áp bạo tàn của họ. Việc từ bỏ hoặc chủ động nỗi sợ là điểm then chốt trong việc triệt phá quyền lực của kẻ độc tài đối với đại bộ phận quần chúng.

Sự thẳng thắn, việc giữ bí mật và các chuẩn mực cao

Việc giữ bí mật, việc dùng thủ đoạn lường gạt và âm mưu kín đặt ra những vấn đề rất khó khăn cho một phong trào áp dụng chính sách bất bạo động. Thường là khó giữ bí mật không để lộ cho công an chính trị và nhân viên tình báo biết những ý định và kế hoạch. Đối với phong trào, việc giữ bí mật không những bắt nguồn từ sự sợ hãi nhưng cũng đóng góp cho sự sợ hãi, điều này làm giảm sút ý chí kháng cự và số người có thể tham dự vào một chiến dịch nào đó. Nó cũng làm gia tăng những ngờ vực và tố cáo, đôi khi không chính đáng, ngay trong nội bộ phong trào, để dò xem ai là điềm chỉ viên hoặc là nhân viên nằm vùng của kẻ địch. Việc giữ bí mật cũng ảnh hưởng đến khả năng phong trào trong vị thế duy trì tinh thần bất bạo động. Trái lại, sự thẳng thắn bày tỏ ý định và kế hoạch không những có tác dụng trái ngược mà còn đóng góp cho hình ảnh phong trào đối kháng trên thực tế cực kỳ dũng mạnh. Vấn đề lẽ cố nhiên phức tạp hơn những gì đã trình bày và có những khía cạnh quan trọng trong sinh hoạt kháng chiến đòi hỏi phải bảo mật. Cần có một bản lượng định tình thế chính xác do những người hiểu biết động lực của đấu tranh bất bạo động cũng như những phương tiện kiểm soát của chế độ độc tài trong một tình thế nhất định.

Việc biên tập, ấn loát và phát hành các ấn phẩm, việc sử dụng đài phát thanh bất hợp pháp trong nước và việc thu thập tin tức về những chiến dịch của chế độ toàn trị nằm trong những loại hoạt động đặc biệt giới hạn trong đó đòi hỏi mức độ bảo mật cao.

Việc giữ vững các chuẩn mực cao trong cách hành xử bất bạo động là một điều cần thiết trong suốt tiến trình cuộc xung đột. Những yếu tố như lòng bất khuất và gìn giữ tinh thần kỷ luật bất bạo động luôn luôn cần thiết. Một điều quan trọng nên nhớ là luôn cần có một số đông quần chúng để tạo nên những thay đổi đặc biệt. Tuy nhiên, số đông này chỉ được xem là những thành phần đáng tin cậy khi các chuẩn mực về đạo đức của phong trào được duy trì ở mức độ cao.

Những mối tương quan thay đổi quyền lực


Các chiến lược gia nên nhớ cuộc xung đột trong đó chống đối chính trị được áp dụng là một môi trường đấu tranh luôn thay đổi với sự tiếp diễn qua lại giữa những nước cờ tấn công và phản công. Không có gì tĩnh cả. Mối tương quan quyền lực, cả hai đều tuyệt đối và tương đối, thay đổi liên tục và nhanh chóng. Việc này diễn ra nhờ các chiến sĩ bền bỉ tiếp tục kháng cự mặc dù bị đàn áp.

Những thay đổi về quyền lực của hai bên tranh đua trong loại tranh chấp này có phần mạnh bạo hơn trong những cuộc xung đột bạo lực, có thể xảy đến mau chóng hơn và có những hệ quả đa dạng và đáng kể hơn trên phương diện chính trị. Vì những diễn biến thay đổi này, những chiến dịch đặc trưng của các kháng chiến quân có thể tạo nên những hệ quả vượt lên trên thời gian và không gian đang xảy ra. Những tác động này có ảnh hưởng phản hồi để củng cố hay làm suy yếu nhóm này hay nhóm kia.

Thêm vào đó, do những hành động của mình nhóm chủ trương bất bạo động ảnh hưởng rất lớn đến việc tăng hoặc giảm sức mạnh đương thời của nhóm địch thủ. Ví dụ, đối kháng bất bạo động kỷ luật và can đảm đứng trước sự tàn bạo của kẻ độc tài có thể khiến cho quân đội và quần chúng của kẻ độc tài cảm thấy bứt rứt, bất bình, bất tín nhiệm và trong những trường hợp cùng cực có thể nổi loạn. Cuộc đối kháng này cũng có thể khiến cho quốc tế gia tăng việc lên án chế độ độc tài. Thêm vào đó, việc áp dụng chống đối chính trị còn đưa đến kết quả càng lúc càng có nhiều người tham gia kháng chiến, bình thường những người này ngấm ngầm ủng hộ kẻ độc tài hoặc nói chung tỏ ra trung lập trong cuộc xung đột.

Bốn cơ chế thay đổi


Đấu tranh bất bạo động tạo nên sự thay đổi trong bốn chiều hướng. Cơ chế thứ nhất là trường hợp ít xảy ra nhất, mặc dù đã có xảy ra. Khi thành viên của nhóm đối nghịch bị kích động tâm lý vì những khổ đau của việc đàn áp mà người đối kháng phải chịu hoặc họ cảm nhận chính nghĩa của nhóm đối kháng, họ có thể chấp thuận mục tiêu của nhóm đối kháng. Cơ chế này được gọi là phản tỉnh. Mặc dù trường hợp phản tỉnh trong cuộc đấu tranh bất bạo động thỉnh thoảng mới xảy ra, chúng rất là hiếm hoi và trong phần nhiều các xung đột điều này không bao giờ diễn ra hoặc nếu có xảy ra thì xảy ra trên một bình diện không đáng kể.

Thường xuyên hơn, đấu tranh bất bạo động vận hành bằng cách thay đổi tình hình đối kháng và xã hội khiến cho đối thủ không thể hành xử theo ý muốn của họ. Chính thay đổi này là động cơ thúc đẩy ba cơ chế khác: sụ thích nghị, áp lực bất bạo động và phân hủy. Những sự việc này xảy đến tùy theo mức độ tương quan quyền lực tương đối và tuyệt đối thuận lợi cho các chiên sĩ dân chủ.

Nếu vấn đề tranh chấp không có tính chất cơ bản, đòi hỏi của nhóm đối lập trong một chiến dịch ngắn hạn không mang tính đe dọa và việc đọ sức đã làm thay đổi tương quan quyền lực ở một mức độ nào đó, cuộc xung đột trước mắt có thể chấm dứt bằng một thỏa thuận, một thỏa hiệp hoặc một sự tương nhuợng. Cơ chế này gọi thích nghi. Nhiều cuộc đình công được dàn xếp theo kiểu này, ví dụ cả hai bên đều đạt được một vài mục tiêu nhưng cả hai bên cũng không đạt được tất cả những gì mình mong muốn. Một chính quyền có thể cảm nhận những dàn xếp như vậy có một vài lợi điểm tích cực, như là giảm bớt sự căng thẳng, tạo nên cảm tưởng “công bằng”, hoặc đánh bóng hình ảnh của chế độ trên trường quốc tế. Vì vậy, việc đặc biệt lưu tâm lựa chọn những vấn đề đưa lên để chấp nhận dàn xếp là một việc quan trọng. Cuộc đấu tranh đánh đổ một chế độ độc tài không theo phương thức này.

Đấu tranh bất bạo động có thể dũng mạnh hơn những phương thức chỉ dẫn của cơ chế phản tỉnh và thích nghi. Bất hợp tác và chống đối của đám đông có thể làm thay đổi tình thế xã hội và chính trị, đặc biệt là tương quan quyền lực khiến cho khả năng kiểm soát của kẻ độc tài trong lãnh vực kinh tế, xã hội và tổ chức chính trị của chính quyền và xã hội trên thực tế không còn nữa. Lực lượng quân sự của đối thủ có thể không còn đáng tin cậy nữa vì chúng chẳng còn tuân lệnh đàn áp nhóm kháng cự. Mặc dù cấp lãnh đạo của đối thủ vẫn cố thủ vị trí của họ và tiếp tục gắn bó với mục tiêu của họ, nhưng khả năng hành động hữu hiệu của họ đã bị tước mất. Điều này được gọi là áp lực bất bạo động.

Trong một vài trường hợp đặc biệt, những điều kiện tạo nên áp lực bất bạo động được tiếp nối rộng rãi hơn nữa. Cấp lãnh đạo của đối thủ trên thực tế mất hết khả năng hành động và chính cơ cấu quyền lực của họ sụp đổ hoàn toàn. Đường hướng tự tại của kháng chiến, sự bất hợp tác và đối kháng trở thành toàn diện khiến cho đối thủ nay mất luôn cả hình thức kiểm soát. Bộ máy hành chánh của đối thủ từ chối tuân lệnh ngay cả cấp trên của mình. Quân đội và công an của đối thủ nổi loạn. Các ủng hộ viên thường lệ hoặc quần chúng của phe đối nghịch không thừa nhận cấp lãnh đạo cũ, từ chối không chấp nhận bất cứ mệnh lệnh ban hành nào của họ. Do đó, sự hỗ trợ và lòng tuân phục trước đây không còn nữa. Cơ chế thứ tư trong việc thay đổi, phá hủy hệ thống cai trị của chế độ đối nghịch, nó toàn diện đến độ họ không còn quyền lực gì để trao lại. Chế độ mạc nhiên tan rã.Trong việc thiết lập chiến lược giải phóng, bốn cơ chế này cần phải ghi nhớ. Đôi khi chúng xảy đến tình cờ. Tuy nhiên, việc chọn lựa một hoặc hai cơ chế này làm phương pháp vận hành thay đổi trong một cuộc xung đột giúp phác họa những hệ thống chiến lược đặc trưng, có tính cách hỗ tương. Việc chọn lựa một cơ chế (hay nhiều cơ chế) tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quyền lực tuyệt đối và tương đối của hai bên tranh chấp và thái độ và mục tiêu của nhóm tranh đấu bất bạo động.

Tác động dân chủ hóa của chống đối chính trị

Trái ngược với tác động tập trung của bạo động, việc sử dụng kỹ thuật đấu tranh bất bạo động đóng góp cho việc dân chủ hóa xã hội về mặt chính trị trong nhiều chiều hướng khác nhau.

Một phần của tác động dân chủ hóa có tính cách tiêu cực. Có nghĩa là, trái ngược với phương thức quân sự, kỹ thuật này không cung cấp phương tiện đàn áp dưới sự chỉ huy của thành phần ưu tú lãnh đạo để có thể quay ngược trở lại chống quần chúng nhằm thiết lập hoặc duy trì một chế độ độc tài mới. Cấp lãnh đạo của phong trào chống đối chính trị có thể ảnh hưởng và tạo áp lực lên trên các đồng đội, nhưng họ không thể bỏ tù hoặc hành quyết những người này khi họ bất đồng hoặc lựa chọn cấp lãnh đạo khác.

Một phần khác của tác động dân chủ hóa có tính tích cực. Có nghĩa là đấu tranh bất bạo động cung cấp cho quần chúng những phương tiện đối kháng để sau này họ có thể hoàn thiện và bảo vệ các quyền tự do chống lại những kẻ độc tài hiện hữu hoặc độc tài tương lại. Dưới đây là những tác động dân chủ hóa tích cực mà đấu tranh bất bạo động có thể đem đến:
• Kinh nghiệm trong việc áp dụng đấu tranh bất bạo động có thể làm cho quần chúng có lòng tự tin nhiều hơn để đương đầu với những mối đe dọa của chế độ (độc tài, toàn trị) và khả năng nhiều hơn để chống đàn áp thô bạo.
• Đấu tranh bất bạo động cung cấp phương tiện bất hợp tác và chống đối (chính trị) nhờ đó quần chúng có thể kháng cự lại những việc kiểm soát không dân chủ của bất kỳ một nhóm độc tài nào.
• Đấu tranh bất bạo động có thể dùng để xác tín việc thực thi các quyền tự do dân chủ, chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, các cơ quan độc lập, quyền tự do tụ họp đương đầu với kiểm soát đàn áp.
• Đấu tranh bất bạo động đóng góp mạnh mẽ cho sự tồn tại, tái sinh và củng cố của các nhóm độc lập và các định chế của xã hội, như trước đây đã thảo luận. Những điều này quan trọng đối với thể chế dân chủ vì chúng có năng lực huy động tiềm lực của quần chúng và ấn định giới hạn về quyền lực của những kẻ có thể trở thành độc tài trong tương lai.
• Đấu tranh bất bạo động cung cấp phương tiện cho quần chúng sử dụng quyền lực chống lại công an đàn áp và tác động quân sự của chính quyền độc tài.
• Đấu tranh bất bạo động cung cấp phương pháp để quần chúng và các cơ chế độc lập có thể vì quyền lợi của dân chủ ngăn chặn hoặc cắt đứt nguồn cung cấp quyền lực cho thiểu số lãnh đạo, do đó tác hại đến khả năng tiếp tục cai trị của thiểu số này.

Tính cách phức tạp của đấu tranh bất bạo động

Như chúng ta thấy trong cuộc thảo luận này, đấu tranh bất bạo động là một kỹ thuật phức tạp của hành động xã hội, bao gồm vô số phương pháp, một loạt cơ chế thay đổi và những tác phong đặc thù cần thiết. Để được hữu hiệu, đặc biệt chống lại chế độ độc tài, chống đối chính trị đòi hỏi một kế hoạch và một sự chuẩn bị chu đáo. Các người tham gia trong tương lai cần phải hiểu những yêu cầu đối với họ. Những phương sách cần có để sẵn sàng đem ra ứng dụng. Và các chiến lược gia cần phải điều nghiên sao cho cuộc đấu tranh bất bạo động được phần hữu hiệu nhất. Bây giờ chúng ta chú ý đến yếu tố then chốt này: nhu cầu bàn định sách lược.

-----------------------------------------------------------------------------
Chú thích
(7) Câu chyện này, nguyên ủy có tựa là “Cai trị bằng xảo thuật” của Úc Ly Tử do Lưu Cơ (1311-1375) ghi lại và đã được Sidney Tai chuyển ngữ, tác giả giữ tác quyền. Úc Ly Tử cũng là bí danh của Lưu Cơ. Bản dịch được đăng lần đầu tiên trong Nonviolent Sanctions: News from the Albert Einstein Institution(Cambridge, Mass.) Vol. IV, No.3 (Winter 1992-1993), p.3.
(8) Karl W. Deutsch, “Cracks in the Monolith” , in Carl J. Friedrich, ed., Totalitarianism (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1954) tr. 313- 314.
(9) John Austin, Lectures on Juriprudence or the Philosophy of Positive Law (Fifth Edition, revised and edited by Robert Campbell, 2 vol., London: John Murray, 1911 [1861]), Tập.I, tr. 296.
(10) Niccolo Machiavelli, “The discourses on the First Ten Books of Livy”, inThe Discourses of Niccolo Machiavelli(London: Routledge and Kegan Paul, 1950), Tập.I, tr. 254
(11) Xem Gene Sharp, The Politics of Nonviolent Action (Boston: Porter Sargent, 1973), tr.75 và đây đó để tìm thấy những ví dụ lịch sử.

(còn nữa)



No comments: