Friday, March 27, 2009

NGƯỜI VIỆT CHỐNG LẠI CÔNG AN THAM NHŨNG

TIME

Tấm bưu thiếp gửi từ Hà Nội

Người Việt Nam phản công chống lại công an tham nhũng

Martha Ann Overland / Hà Nội

Thứ Tư, ngày 25-3-2009

http://www.time.com/time/world/article/0,8599,1887317,00.html

Khi anh Trần Công Tiến kể lại chuyện đó (anh nói rằng) anh đã tức giận điên lên và đã không còn nhịn nhục được nữa. Cách đây vài tuần, anh bị ra lệnh tấp vào lề đường bởi một công an giao thông vì anh lái xe chạy ngược chiều trên con đường một chiều, anh kể là anh đã cố gắng tỏ ra biết điều. Tiến cho rằng khoản tiền đút lót 6 đô la [100 nghìn đồng] đã được anh đưa ra là cao hơn mức bình thường; thế nhưng viên công an muốn có nhiều hơn để bỏ qua lỗi vi phạm luật lệ giao thông này. Lời qua tiếng lại giữa hai bên đã gia tăng. Những lời xỉ nhục đã tuôn ra. Và thế rồi Tiến đã hành động rất nhanh. “Tôi đã chộp cổ hắn ta và đẩy thật mạnh,” anh kể. “Trước đây tôi đã chưa bao giờ dám thách thức công an. Tôi đã chán ngấy với trò tham nhũng rồi và vào thời điểm đó tôi đã quá thất vọng!” Cuối cùng, Tiến đã được cho đi khi một viên công an khác tới và xoa dịu tình thế đó.

Nhưng Tiến không phải là người duy nhất sống trong sự cuồng giận. Ở tỉnh Kiên Giang thuộc miền nam, vào tháng 12 -2008, những nông dân giận dữ đã ném những hộp xăng đang cháy vào công an đang trưng thu nhà đất của họ và đã cầm giữ trong một thời gian ngắn ba trong số những công an đó làm con tin, bắt một công an phải lột hết cả áo quần.

Năm ngoái 2008, những nông dân ở tỉnh Hưng Yên đã đánh nhau với các giới chức chính quyền khi những người này đang cố tịch thu ruộng đất của nông dân rồi bán lại cho những nhà kinh doanh. “Đàn ông, đàn bà và trẻ con đã đánh trả bằng tay không, ném bùn đất, và đánh bằng bất cứ thứ gì họ túm được,” theo lời ông Nguyễn Đình Liên, ông ta đang làm việc ngoài ruộng khi công an đến. “Trước nay tôi chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng kiểu như thế.”

Nạn tham nhũng ở Việt Nam là không có gì mới mẻ. Năm ngoái, tổ chức Minh bạch Quốc tế đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 121 trong tổng số 180 quốc gia trong Chỉ số Đánh giá Tham nhũng. Thế nhưng có lẽ thật là dễ dàng để bỏ qua những hành động tống tiền thường ngày vẫn xảy ra của các cán bộ nhà nước khi mà nền kinh tế của Việt Nam lúc trước đang phát triển thuận lợi và mức thu nhập đã từng tăng lên gấp hai lần mỗi vài ba năm.

Trường hợp đó hiện nay không còn nữa. Người dân đang bị bóp chặt bởi sự suy thoái kinh tế, họ đang ngày càng thất vọng bởi tệ nạn tham nhũng dai dẳng tại quốc gia này, theo lời ông Trịnh Hòa Bình, viện trưởng về môi trường và sức khỏe ở Viện Nghiên cứu Xã hội thuộc nhà nước tại Hà Nội.

Các cán bộ nhà nước đang nắm giữ các đặc quyền đặc lợi dành riêng cho họ trong khi tình trạng kinh tế của những người Việt Nam bình thường đang trở nên không ổn định hơn. Dân chúng tức giận, ông nói, các cán bộ tham nhũng đó hiếm khi bị trừng phạt vì nhận tiền hối lộ.

Phản ứng bạo lực mạnh mẽ chống lại công an đang diễn ra khắp đất nước là bất thường, khi xét rằng Việt Nam là một quốc gia áp dụng chế độc tài tương đối có hiệu quả, nơi những người bất đồng chính kiến hiếm khi được khoan dung. Trong hai vụ xô xát xảy ra gần đây, những người đi xe gắn máy bị cảnh sát kéo vào lề đường đã đốt cháy xe máy của họ hơn là để xe bị công an giam giữ.

Tháng 2-2009, một chiếc xe hơi đã kéo một viên công an ở Hà Nội đi xa 15 foot trước khi bỏ chạy luôn.

Tại tỉnh Đồng Nai ở miền nam, một đám đông giận dữ chứng kiến việc một viên công an đánh một người lái xe, họ đã dùng gạch đá đập vỡ chiếc xe mô tô của viên công an này.

Những vụ xô xát đó chỉ gom góp được chút ít mối quan tâm của báo chí do nhà nước quản lý, hệ thống truyền thông bỏ qua hầu hết mọi chuyện khi đề cập tới tội phạm hay lưu manh côn đồ. Thế nhưng nhân chứng, những người đưa lên mạng trực tuyến các đoạn phim từ máy quay video hay điện thoại di động có camera quay cảnh những chiếc xe máy bị đốt cháy và nông dân đánh nhau với công an , đã nói rằng sự bùng phát bạo lực là một dấu hiệu cho thấy công chúng cuối cùng đã sử dụng chính thứ bạo lực này để chống lại tham nhũng.

Chính quyền đã không xác nhận rằng liệu những vụ tấn công cảnh sát có phải đang gia tăng hay không, song mối quan ngại đã đủ để Bộ Công An phải tổ chức một hội nghị vào cuối năm trước để bàn về vấn đề này. Đại tá Huỳnh Thế Kỷ, giám đốc công an tỉnh Ninh Thuận ở phía nam, người tham gia trong hội nghị này, đã quy cho tình trạng gia tăng bạo lực là do “số thanh thiếu niên thiếu sự giáo dục thích hợp và bị hư hỏng.”

Ông Kỷ nói là ông muốn thấy công an được trang bị hơn nữa những công cụ tinh vi hiện đại hơn để tự bảo vệ họ, song ông nói thêm rằng “thái độ của một số công an đôi khi chưa thích hợp. Công an phải làm việc với tinh thần phục vụ nhân dân. Họ phải có hành vi đúng đắn hơn.”

Những tầng lớp lao động chân tay ở Việt Nam đã nổi lên chống lại các nhà chức trách từ trước đây — với những thắng lợi. Cuộc nổi dậy nổi tiếng nhất của nông dân đã nổ ra tại tỉnh Thái Bình ở miền bắc vào năm 1997. Bị đè nặng quá sức bởi thuế má và các lệ phí bất hợp pháp, hàng ngàn nông dân đã thách thức các viên chức địa phương qua một diễn biến kéo dài vài tháng. Khi những yêu cầu của họ cần được lắng nghe nhưng lại bị phớt lờ, họ đã ném đá vào các cán bộ cốt cán của Đảng Cộng sản, tấn công các trụ sở làm việc và nhà ở của những cán bộ này, và cầm giữ một số cán bộ làm con tin trong nhiều ngày. Sau cùng, chính phủ trung ương đã nắm lấy quyền điều hành, kỷ luật xử phạt các viên quan chức địa phương và tống một số viên chức nầy vào tù cùng một số nông dân nữa.

Vào năm sau 1998, một bản quy định trên toàn quốc được biết đến như là Nghị định 29 đã được thông qua, cho phép sự tham dự nhiều hơn vào việc đưa ra quyết định ở địa phương và ban cho các công dân nhiều cơ hội hơn nhằm để xả cơn giận của họ trước những viên chức cấp xã.

Thập niên tăng trưởng kinh tế đáng ngạc nhiên vừa qua ở Việt Nam đã giúp làm dịu những tâm trạng thất vọng này. Thế nhưng 10 năm trôi qua, với những cải thiện chỉ ở bên lề về tính minh bạch và với tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục lan tràn, lòng nhẫn nại đang mòn dần để trở nên mong manh nguy hiểm - một thực tế mà ban lãnh đạo của Việt Nam đang nhận ra. “có tình trạng tham nhũng và lạm dụng chức quyền tại các địa phương,” theo thừa nhận của ông Nguyễn Minh Thuyết, một đại biểu lâu năm trong Quốc hội Việt Nam.

Mặc dầu vậy, ông Thuyết đã không tha thứ những vụ tấn công gần đây vào tài sản (xe, cơ quan) của chính quyền, ông Thuyết nói là ông hiểu về nỗi tức giận và đồng ý rằng chính phủ phải làm nhiều hơn nữa để cải thiện tính minh bạch.

Trong lúc công ăn việc làm tiếp tục biến đi mất và nạn lạm phát ngốn vào đồng lương, sẽ không dễ dàng gì để xoa dịu những con người đang bị giáng những cú đòn mạnh mẽ nhất này khi mà công an vẫn đang toan tính chỉa tiền của người dân để lấy những khoản rất nhỏ nhoi. “Công an hiện nay thậm chí còn tham nhũng hơn trước đây,” một tài xế taxi ở Hà Nội tên là Nguyễn Văn Cường đã nói một cách cay đắng.

“Ngày nào tôi cũng bị công an chặn lại vài lần.” Và khi mà ít năm trước chỉ chi có 100.000 đồng, tức là khoảng 6 đô la là đủ, thì bây giờ không thể ít hơn 200.000. “Điều ấy có nghĩa là có một số ngày tôi làm việc mà chẳng có tiền công, vì công an lấy đi hết tất cả những gì tôi làm ra,” anh Cường bảo. “Làm sao mà quí vị có thể không tức giận được cơ chứ?”

-------------------------------

Hiệu đính: Trần Hoàng

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009

27/03/2009 by hoangtran204

http://anhbasam.wordpress.com/2009/03/27/ng%c6%b0%e1%bb%9di-vi%e1%bb%87t-nam-ph%e1%ba%a3n-cong-ch%e1%bb%91ng-l%e1%ba%a1i-cong-an-tham-nhung/

-----------------------------------------

TIME

Postcard from Hanoi

Vietnamese Fight Back Against Cop Corruption

By Martha Ann Overland / Hanoi

Wednesday, Mar. 25, 2009

http://www.time.com/time/world/article/0,8599,1887317,00.html

No comments: