Tuesday, March 17, 2009

TỪ CHẾ ĐỘ TOÀN TRỊ SANG THỂ CHẾ DÂN CHỦ (2)

Từ chế độ toàn trị sang thể chế dân chủ
Gene Sharp


Chương Một

Đương Đầu với Chế độ Toàn Trị Một Cách Thực Tiễn

Trong những năm gần đây, nhiều chế độ toàn trị - phát xuất từ cả hai nguồn gốc nội tại và ngoại tại – đã sụp đổ hoặc tan rã khi đương đầu với nhân dân dám đứng lên chống đối và được động viên. Một vài chế độ độc tài, thường được coi là vững chắc và bất khả xâm phạm, đã tỏ ra bất lực không đối phó được với sự chống đối phối hợp chính trị, kinh tế và xã hội của quần chúng.

Bắt đầu từ năm 1980, các chế độ toàn trị đã xụp đổ trước sự chống đối mà chủ yếu là bất bạo động của nhân dân Estonia, Latvia va Lithuania, Ba-lan, Đông Đức, Nam Tư (Czechoslovakia), Madagascar, Mali, Bolivia và Phi-luật-tân. Kháng chiến bất bạo động đã đẩy mạnh phong trào dân chủ hóa tại các nước Nepal, Zambia, Nam Hàn, Chile, Argentina, Haïti, Brazil, Uruguay, Malawi, Thái-lan, Bulgaria, Hungary, Zaire, Nigeria và các khu vực khác thuộc khối Liên Bang Xô-viết trước đây (họ đóng một vai trò đáng kể trong việc đánh bại âm mưu đảo chánh của nhóm cứng rắn vào tháng 8 năm 1991).

Thêm vào đó, còn có việc chống đối chính trị của đại chúng (1) đã diễn ra tại Trung Hoa, Miến-điện (Burma) và Tây-tạng trong những năm vừa qua. Mặc dù những cuộc đấu tranh này không chấm dứt các chế độ độc tài đương trị hoặc các cuộc xâm chiếm, chúng đã phơi bày bản chất thô bạo của các chế độ đàn áp cho cộng đồng thế giới biết và đã cung cấp cho quần chúng kinh nghiệm quý giá về hình thức đấu tranh này.

------------------------------------------------------------------------------------
(1) Cụm từ dùng trong ngữ cảnh này đã được Robert Helvey sử dụng trước tiên: « Đối kháng chính trị » là đấu tranh bất bạo động (phản đối, bất hợp tác và can thiệp) áp dụng một cách ngang nhiên và năng động, với mục đích chính trị. Cụm từ được dùng để tránh nhầm lẫn và xuyên tạc do việc đồng hóa đấu tranh bất bạo động với « ý niệm chủ hòa » và « bất bạo động » mang tính chất đạo đức hoặc tôn giáo. « Đối kháng chính trị » biểu hiện sự thách đố có chủ ý chống lại chính quyền bằng cách bất tuân, không chấp nhận phục tùng. « Đối kháng chính trị » mô tả môi trường trong đó hành động (chính trị) được sử dụng cũng như mục tiêu (quyền lực chính trị). Cụm từ này được dùng chính là để mô tả hành động của quần chúng nhằm dành lại quyền kiểm soát, từ tay các chế độ toàn trị, các định chế chính quyền bằng cách tấn công không ngừng nghỉ vào nguồn gốc quyền lực và sử dụng một cách thận trọng các kế hoạch và chiến dịch để thực hiện việc này. Trong tiểu luận này, đối kháng chính trị, kháng chiến bất bạo động và đấu tranh bất bạo động, là những cụm từ sẽ được dùng thay cho nhau, mặc dù hai cụm từ sau thường quy chiếu đến những cuộc đấu tranh có mục tiêu rộng lớn hơn (xã hội, kinh tế, tâm lý, vân vân ...)
-----------------------------------------------------------------------------------------
Sự sụp đổ của các chế độ toàn trị tại các quốc gia nêu trên chắc chắn không xóa bó hết tất cả những vấn đề trong các xã hội này: nghèo khó, tội phạm, sự bất cập của hành chánh thư lại và sự phá hủy môi sinh thường là di sản của các chế độ thô bạo. Tuy nhiên, sự sụp đổ của các chế độ toàn trị ít ra đã làm bớt đi phần lớn khổ đau của các nạn nhân bị đàn áp và mở đường để tái xây dựng các xã hội này trong chiều hướng nâng cao dân chủ chính trị, quyền tự do cá nhân và công bằng xã hội.

Một vấn đề liên lỉ

Trên thế giới trong những thập niên qua, quả thật có khuynh hướng gia tăng việc dân chủ hóa và tự do. Theo tổ chức Freedom House (Nhà Tự Do), một cơ quan tổng kết hàng năm tình trạng về quyền thực thi chính trị và quyền công dân, con số các nước trên thế giới được xếp loại «tự do» đã gia tăng một cách đáng kể trong mười năm qua. (2)
Năm 1983 Tự do: 55 nước, Bán Tự Do: 76 nước, Không Tự Do: 64 nước
Năm 1993 Tự do: 75 nước, Bán Tự Do: 73 nước, KHông Tự Do: 38 nước

Tuy nhiên, khuynh hướng tích cực này bị hạn chế ở một số lớn các dân tộc hiện vẫn sống dưới sự khống chế của độc tài. Tính đến tháng Giêng 1993, 31% của 5,45 tỷ dân đang sống tại các quốc gia và các lãnh thổ “không tự do” (3), đó là những vùng bị hạn chế tuyệt đối quyền chính trị và tự do dân sự. Có 38 nước và 12 lãnh thổ thuộc loại “không tự do” bị đặt dưới ách thống trị của các chế độ độc tài quân phiệt (như trường hợp của Miến-điện và Sudan), các thể chế truyền thống quân chủ đàn áp (như tại Ả-rập Saud và Bhutan), các đảng phái chinh trị toàn thống (như tại Trung Hoa, Iraq và Bắc-hàn), các kẻ ngoại xâm (như tại Tây-tạng và Đông Timor), hoặc tại các quốc gia trong tình trạng chuyển tiếp.

Nhiều quốc gia hiện nay đang trên đà thay đổi nhanh chóng về kinh tế, chính trị và xã hội. Dù con số các quốc gia “tự do” đã gia tăng trong mười thập niên qua, vẫn còn nguy cơ lớn là nhiều quốc gia, đứng trước những thay đổi căn bản và nhanh chóng như vậy, sẽ đi theo chiều hướng đối nghịch và kinh qua những hình thức toàn trị mới. Các tập đoàn quân sự, các cá nhân tham vọng, các viên chức được bầu cử và các đảng chính trị giáo điều sẽ luôn tìm cách áp đặt quyền lực của họ. Đảo chánh là và sẽ là cơ hội thường xuyên. Số đông quần chúng sẽ tiếp tục không được hưởng quyền căn bản và quyền chính trị của con người.

-------------------------------------------------------------------------------
2) Freedom House, Freedom in the World : The Annual Survey of Political Rights and Civil Liberties,1992-1993 (New York:Freedom House, 1993) p.66 (biểu đồ 1993 thuộc tháng Giêng năm 1993). Xem trang 78-79 để xem Freedom House phân loại “tự do”, “bán tự do”, “không tự do”.
(3)Freedom House, Freedom in the World, trang 4.
--------------------------------------------------------------------------------

Bất hạnh thay, quá khứ vẫn còn đeo đuổi chúng ta. Vấn đề các chế độ toàn trị rất là sâu đậm. Nhân dân nhiều nước đã kinh qua hàng chục hoặc hàng trăm năm đàn áp, bất kể là nguồn gốc nội tại hay ngoại tại. Thông thường, sự tuân phục vô điều kiện các biểu tượng quyền lực và các kẻ cầm quyền đã trở thành quán tính từ lâu. Trong những trường hợp cùng cực, các định chế xã hội, chính trị, kinh tế và kể cả tôn giáo trong xã hội - nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền - đã bị cố tình làm suy yếu, bị khống chế hoặc còn có thể bị thay thế bằng các định chế theo khuôn mới do chính phủ hoặc đảng cầm quyền dùng để kiểm soát xã hội. Quần chúng thường bị phân hóa (biến thành một đám đông bao gồm những cá nhân lẻ loi) không có khả năng làm việc với nhau để giành lại tự do, để tạo tin tưởng lẫn nhau, hoặc kể cả làm nên việc gì do chính sáng kiến của họ.

Kết quả dễ tiên đoán: quần chúng trở nên yếu đuối, thiếu tự tin và không có khả năng đề kháng. Quần chúng thường quá sợ hãi không dám chia sẻ nỗi hận chống chế độ toàn trị và khát vọng tự do ngay với chính gia đình và bạn bè. Quần chúng cũng thường quá khiếp sợ để suy nghĩ một cách chín chắn đến việc đối kháng công khai. Trong mọi trường hợp, điều này có ích lợi gì? Thay vào đó, họ phải đương đầu với nỗi dằn vặt đau khổ không căn cớ và một tương lai vô vọng.

Những điều kiện hiện nay của những chế độ toàn trị có thể khắc nghiệt hơn trước đây. Trong quá khứ, có một vài người đã thử kháng cự. Những cuộc phản đối và biểu tình của quần chúng đã diễn ra non yểu. Có thể khí thế đã bùng lên nhất thời. Có những lúc khác, những cá nhân và nhóm nhỏ đã có những biểu lộ anh dũng nhưng bất lực, để tuyên xưng một vài nguyên lý hoặc đơn thuần để bày tỏ sự chống đối. Cho dù nhưng động cơ đó có cao thượng đến đâu đi nữa, những hành động kháng cự này trong quá khứ thường không đủ khả năng để cho quần chúng thoát khỏi nỗi sợ và thói quen tuân phục, một điều kiện tiên quyết để đánh đổ chế độ độc tài. Buồn thay, những hành động này chỉ làm gia tăng nỗi thống khố và chết chóc, không đem lại thắng lợi cũng chẳng đem lại hy vọng.

Tự do bằng bạo lực?

Cần phải làm gì trong những trường hợp như vậy? Những khả năng hiện hữu tỏ ra vô hiệu. Hàng rào hiến chế và công pháp, quyết định pháp lý và dư luận quần chúng, kẻ độc tài thường không màng đến. Một điều dễ hiểu là để phản ứng chống lại các hành vi thô bạo, cảnh tra tấn, mất tích và thủ tiêu, quần chúng thường kết luận chỉ có bạo lực là phương cách duy nhất chấm dứt chế độ độc tài. Các nạn nhân phẫn nộ đôi khi lập tổ chức để đánh lại các kẻ độc tài với tất cả những phương tiện bạo động và quân sự mà họ có thể huy động, mặc dù có nhiều chướng ngại cản bước họ. Các vị này thường tranh đấu anh dũng, và họ đã trả giá đắt về gian nan và sinh mạng. Thành tích của họ đôi khi thật nổi bật, nhưng rất ít khi họ dành lại được tự do. Phản kháng bạo động có thể gây ra phản ứng đàn áp thô bạo và điều này thường khiến dân chúng trở nên vô vọng hơn trước.

Dù việc lựa chọn bạo động có thể đưa đến những thắng lợi nào đó, nhưng có một điều thật rõ rệt. Khi đặt niềm tin vào các phương tiện bạo động, người ta đã lựa chọn đúng ngay phương cách đấu tranh mà kẻ đàn áp hầu như luôn luôn ở thế thượng phong. Những kẻ độc tài có đủ trang bị để sử dụng bạo lực một cách áp đảo. Dù đấu tranh ngắn hay dài hạn, rốt cuộc các nhà dân chủ vẫn không thể tránh né được các cuộc đụng độ quân sự khắc nghiệt. Kẻ độc tài hầu như luôn luôn chiếm thế thượng phong trong trang bị vũ khí, súng đạn, vận chuyển và tầm vóc lực lượng quân sự. Dù có can đảm, nhưng các chiến sĩ dân chủ (hầu như luôn luôn) không thể đọ sức lại với họ.

Vì cuộc nổi dậy với phương tiện quân sự chính quy được xem là không thực tế, nên một vài tổ chức đối lập chọn chiến tranh du kích. Tuy nhiên chiến tranh du kích hiếm khi, nếu không muốn nói là chưa bao giờ, đem phúc lợi đến cho nhân dân bị đàn áp hoặc đưa đến dân chủ. Chiến tranh du kích không phải là một giải pháp thực tiễn, nhất là vì nó có khuynh hướng gây tổn thất lớn lao cho chính người dân của mình. Phương pháp không hẳn bảo đảm không thất bại, dù có chủ thuyết hỗ trợ và có nghiên cứu chiến lược và đôi khi được sự hỗ trợ của quốc tế. Cuộc đấu tranh du kích thường kéo dài rất lâu. Khối quần chúng bình dân thường bị chính phủ cầm quyền bắt di chuyển thường xuyên, với bao nhiêu thống khổ của người dân và phân tán xã hội.

Dù cho thành công, đấu tranh du kích thường có những hậu quả tiêu cực trong dài hạn về cơ cấu. Ngay tức khắc, chế độ bị tấn công trở nên độc đoán hơn do phản ứng chống trả. Nếu du kích quân cuối cùng chiến thắng, chế độ mới thoát thai từ đó đôi khi còn độc tài hơn kẻ đi trước do tác động mạnh mẽ của việc tập trung các lực lượng quân sự trải rộng và do sự suy yếu hoặc sự tiêu hủy của các nhóm độc lập trong xã hội và các định chế trong lúc đấu tranh – các cơ quan này thiết yếu trong việc xây dựng và duy trì một xã hội dân chủ. Các vị đối lập với chế độ toàn trị nên tìm kiếm một giải pháp khác.

Đảo chánh, bầu cử, vị cứu tinh ngoại quốc?

Một cuộc đảo chánh quân sự để lật đổ chế độ toàn trị có thể xuất hiện như một trong những phương cách dễ nhất và nhanh nhất để đánh đổ một chế độ đặc biệt bỉ ổi. Tuy nhiên, có những vấn đề hệ trọng đối với phương thức này. Quan trọng nhất, nó giữ nguyên vẹn sự phân phối quyền lực không cân xứng giữa quần chúng và các thành tố ưu việt nắm quyền kiểm soát chính quyền và lực lượng quân sự. Việc loại bỏ nhân sự cá biệt và tập đoàn cùng chung quyền lợi khỏi những vị thế then chốt thường chỉ là để các nhóm khác vào thay thế. Trên lý thuyết, nhóm này có thể ôn hòa hơn trong phong cách của họ và có phần cởi mở đôi chút trong việc cải cách dân chủ. Tuy nhiên, họ cũng có thể làm trái ngược lại như vẫn thường xảy ra.

Sau khi củng cố được vị thế của họ, tập đoàn mới có thể trở nên thô bạo hơn và nhiều tham vọng hơn nhóm cũ. Do đó, tập đoàn mới – nơi mọi người đặt hy vọng – có khả năng làm tất cả những gì họ muốn mà không ưu tư gì đến dân chủ hoặc nhân quyền. Đây không phải là một giải pháp chấp nhận được để giải quyết vấn đề chuyên chế.

Bầu cử không thể là dụng cụ để thay đổi chế độ chính trị một cách đáng kể dưới các chế độ toàn trị. Có một vài thể chế toàn trị, chẳng hạn như các thể chế của khối Đông Âu thuộc Liên Bang Xô-viết cũ, cũng tổ chức bầu cử để tỏ vẻ như có dân chủ. Tuy nhiên, những cuộc bầu cử này chỉ là trưng cầu dân ý được kiểm soát chặt chẽ để quần chúng xác nhận những ứng cử viên đã được kẻ độc tài lựa chọn sẵn. Vào một lúc nào đó, do áp lực, kẻ độc tài chấp nhận các cuộc bầu cử mới, nhưng sau đó dựng lên những công chức bù nhìn trong các cơ quan chính quyền. Nếu ứng cử viên đối lập được phép tranh cử và đắc cử, như đã xảy ra tại Miến-điện năm 1990 và tại Nigeria năm 1993, kết quả có thể hoàn toàn bị bác bỏ và các thành phần « thắng cử » bị đe dọa, bắt giữ hoặc ngay cả bị xử tử. Kẻ độc tài không có lề thói chấp nhận bầu cử khiến họ văng khỏi ngai vàng của họ.

Có nhiều người nay đang gánh chịu khổ đau dưới chế độ độc tài hoặc đã đi lưu đày biệt xứ để thoát khỏi nanh vuốt gần kề của chúng, không tin kẻ bị đàn áp có thể tự giải phóng. Họ cho rằng nhân dân của họ chỉ có thể được giải thoát do hành động của người khác. Những người này đặt lòng tin vào các thế lực bên ngoài. Họ tin rằng chỉ có trợ giúp quốc tế mới đủ mạnh để lật đổ kẻ độc tài.

Quan điểm cho rằng kẻ bị đàn áp không có khả năng để hành động hữu hiệu đôi lúc chính xác ở một thời điểm nhất định nào đó. Như đã trình bày, thường người bị đàn áp không muốn và không có khả năng để đấu tranh vì họ không tin vào khả năng của họ có thể chống lại chế độ toàn trị thô bạo, và họ không tìm thấy con đường nào khác để tự giải thoát chính họ. Vì vậy cũng dễ hiểu nhiều người đặt hy vọng giải thoát vào người khác. Lực lượng bên ngoài có thể là « dư luận quần chúng », Liên Hiệp Quốc, một quốc gia cá biệt hoặc những chế tài về kinh tế và chính trị của quốc tế.

Kịch bản như trên có vẻ an toàn, nhưng lại có vấn đề nghiêm trọng trong việc lệ thuộc người cứu tinh ngoại quốc. Lòng tin này cỏ thể hoàn toàn đặt không đúng chỗ. Thường các vị cứu tinh ngoại quốc không đến can thiệp, nhưng nếu một nước ngoại quốc can thiệp, chắc hẳn không thể tin tưởng nước này.

Một vài thực tế phũ phàng liên quan đến việc trông cậy sự can thiệp của nước ngoài cần phải được nhấn mạnh ở đây:
• Thói thường các nước ngoài sẽ chấp nhận hoặc tích cực trợ giúp chế độ toàn trị để đạt được những lợi ích kinh tế hoặc chính trị của chính họ.
• Các nước ngoài cũng có thể muốn bán đứng nhân dân bị đàn áp thay vì cam kết trợ giúp họ giải phóng để thực hiện một mục tiêu riêng.
• Một vài nước ngoài sẽ hành động chống lại chế độ độc tài chỉ nhằm dành quyền kiểm soát kinh tế, chính trị hoặc quân sự tại quốc gia này.
• Các nước ngoài có thể tích cực tham gia với mục đích tốt chỉ khi nào phong trào kháng chiến trong nước đã bắt đầu làm lung lay chế độ toàn trị và do đó gây chú tâm của quốc tế về bản chất thô bạo của chế độ.

Các chế độ toàn trị thường hiện hữu trước nhất là do sự phân phối quyền lực trong quốc gia đó. Nhân dân và xã hội quá yếu kém không đủ sức gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho chế độ toàn trị, tài sản và quyền lực tập trung vào tay của một thiểu số. Mặc dù các chế độ độc tài có thể được hưởng lợi hoặc bị suy yếu vì các tác động của quốc tế, nhưng sự tồn tại của các chế độ này tùy thuộc chủ yếu vào các yếu tố nội tại.

Tuy vậy, áp lực quốc tế có thể rất cần thiết khi áp lực này hỗ trợ cho một phong trào kháng chiến mạnh mẽ trong nước. Và sau đó, ví dụ, việc quốc tế tẩy chay kinh tế, cấm vận, cắt đứt liên lạc ngoại giao, khai trừ khỏi các tổ chức quốc tế, bản lên án của các cơ quan Liên Hiệp Quốc, và những hành động tượng tự có thể trợ giúp mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu thiếu vắng một phong trào kháng cự mạnh mẽ trong nước, tất cả những vận động trên khó mà thành công.

Đối diện với sự thật phũ phàng

Kết luận thật là phũ phàng. Khi chúng ta muốn đánh đổ một chế độ độc tài một cách hữu hiệu nhất, với tổn thất tối thiểu, chúng ta phải thực hiện bốn công tác trước mắt:

• Chúng ta phải củng cố lòng quả quyết, lòng tự tin và khả năng đề kháng của chính người dân bị đàn áp.
• Chúng ta phải củng cố các nhóm và định chế xã hội độc lập của nhân dân bị đàn áp.
• Chúng ta phải tạo nên một lực lượng kháng cự trong nước hùng mạnh, và
• Chúng ta phải phác họa một chiến lược giải phóng khôn ngoan và toàn diện và thực hiện nó một cách khôn khéo.

Một cuộc đấu tranh giải phóng là thời gian để tự tạo niềm tin và củng cố sức mạnh nội bộ của tổ chức kháng chiến. Như Charles Stewart Parnell kêu gọi trong một chiến dịch cải cách thổ trạch Ái-nhĩ-lan năm 1879 và 1880:
« Không thể nào trông cậy vào chính phủ … Quý vị chỉ nên trông cậy vào quyết tâm của quý vị … Quý vị hay trợ giúp lẫn nhau bằng cách cộng tác với nhau … tạo sức mạnh cho kẻ yếu ớt trong số anh em chúng ta … kết hợp lại với nhau, hãy tự tố chức … và quý vị phải thắng …

Khi quý vị thấy vấn đề đã đến lúc chín muồi để giải quyết, chừng đó và chỉ vào lúc đó, vấn đề mới được giải quyết. » (4)

Đứng trước một lực lượng tự tin mãnh liệt, có chiến lược khôn ngoan, có kỷ luật và hành động can đảm và có thực lực, chế độ độc tài rồi cuối cùng sẽ sụp đổ. Tuy nhiên, bốn điều kiên trên cần phải hội đủ, tối thiếu bốn điều kiện này.

Như đã trình bày trên đây, giải phóng khỏi ách chuyến chế phần lớn tùy thuộc vào khả năng của nhân dân biết tự giải phóng. Trường hợp chống đối chính trị thành công - hoặc đấu tranh bất bạo động với mục đích chính trị - viện dẫn ở trên, cho thấy quần chúng sẵn có những phương tiện để tự giải phóng, nhưng lựa chọn này chưa được khai thác. Chúng ta sẽ khảo sát lựa chọn này trong những chương kế tiếp. Tuy nhiên, trước tiên chúng ta nên xét đến khía cạnh thương thuyết như một phương tiện đánh đổ chế độ toàn trị.

-------------------------------------------------------------------------------
(4) Patrick Sarsfield O’Hegarty, A History of Ireland Under the Union, 1880-1922 (Loondon: Methuen, 1952) pp. 490-491
-------------------------------------------------------------------------------
(còn nữa)


No comments: