Tuesday, March 10, 2009

TRUNG QUỐC ĐẨY MẠNH CUỘC PHONG TOẢ TÂY TẠNG

TRUNG QUỐC lập "trường thành" phong toả Tây Tạng sau 50 năm đồng hóa thất bại
Tú Anh
Bài đăng ngày 10/03/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 10/03/2009 14:32 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/111/article_2791.asp
Hôm nay là khởi đầu của một loạt ngày kỷ niệm tại Tây Tạng hàm chứa nhiều nguy cơ đối với chính quyền Trung Quốc. Ngày 10/03 đánh dấu 50 năm cuộc nổi dậy năm 1959 chống lại chính sách cưỡng chiếm của Bắc Kinh tiến hành từ 9 năm trước đó cũng như 1 năm cuộc nổi loạn đẫm máu từ Lhassa lan qua các khu vực lân cận. Để đối phó, Bắc Kinh đã phong tỏa chặt chẽ vùng Tây Tạng từ đầu năm.

Ngày 10 tháng 3 đánh dấu 50 năm cuộc nổi dậy năm 1959 chống lại chính sách cưỡng chiếm của Bắc Kinh tiến hành từ 9 năm trước. Một tuần sau, Đức Đạt Lai Lạt Ma, lúc đó mới 23 tuổi trốn khỏi Lhassa vượt biên sang Ấn Độ lánh nạn. Và 131 ngàn người tỵ nạn khắp thế giới nhưng đông đảo nhất tại Ấn độ. Nhưng đối với Trung Quốc, tháng ba năm 2009 càng nhạy cảm hơn nữa vì nó còn đánh dấu cuộc bạo loạn đẫm máu ngày 14 tháng ba năm ngoái tại vùng « Tây Tạng tự trị », sau đó lan qua các tỉnh lân cận từ Thanh Hải đến Tứ Xuyên, Cam Túc, nơi có đông đảo người Tây Tạng sinh sống. Tình hình nóng bỏng này đã biến thành « một cơn khủng hoảng quốc tế » vào lúc Bắc Kinh đánh bóng chế độ để đón tiếp Thế Vận Hội mùa Hè.

Thiết lập một bức vạn lý trường thành mới
Để tránh tái diễn tình trạng bạo loạn này, hôm qua chủ tịch Trung quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố là cần phải « thiết lập một bức vạn lý trường thành » để « bảo vệ đất mẹ ».
Theo giới phân tích , thì « bức tường » này đã được Trung Quốc khởi công từ nhiều tháng nay. Binh sĩ, xe tăng, công an võ trang đã được bố trí thêm tại Tây Tạng .
Từ tháng giêng, Trung Quốc tung biện pháp trấn áp trước để phòng ngừa mang tên là chiến dịch « đánh mạnh ». Du khách nước ngoài và nhà báo quốc tế cũng bị cấm đoán lên thăm vùng đất Phật giáo truyền thống Mật tông.Nhưng dường như các biện pháp này không mang lại kết quả. Cách nay hai hôm, một cuộc đụng độ tại Thanh Hải xảy ra giửa hàng chục người biểu tình và cảnh sát, hai chiếc xe của lực lượng an ninh bị đốt cháy. Trong những ngày trước, tại Thanh Hải và Tứ Xuyên, tu sĩ Tây Tạng nhiều lần xuống đường cầu nguyện .
Đến gần ngày 10 tháng ba, chủ tịch chính quyền địa phương do Trung Quốc bổ nhiệm lên tiếng báo động là cần phải thêm quân vì lực lượng an ninh hiện nay quá mỏng không đủ sức đương đầu với « âm mưu nổi loạn của bè lũ Đạt lai lạt ma ».
Hôm qua, Bắc Kinh gởi thêm quân tăng viện, trấn đóng và tăng cường kiểm soát biên giới Tây Tạng. Đường biên giới này chạy dọc theo dãy núi Himalaya, Ấn Độ , Népal và Bhoutan.

Lo ngại trước ảnh hưởng dây chuyền

Những sự kiện này cho thấy nổi lo ngại của ban lãnh đạo Trung Quốc trước khả năng người dân Tây Tạng gây bạo loạn vì thái độ không khoan nhượng của Bắc Kinh đối với những đề nghị ôn hoà của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Đức Đạt Lai Lạt ma cũng tuyên bố lo ngại « một cuộc bạo loạn sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào » trong khi chủ tịch Hiệp hội Sinh viên vì Tây Tạng Tự do, Tenzin Choeying khẳng định : « Hơn 10 ngàn người có thể tham gia vào một phong trào gây căng thẳng với Trung Quốc ».
Các biện pháp mang màu sắc chiến tranh như tăng cường quân đội, phong tỏa biên giới, cấm du khách nước ngoài và phóng viên quốc tế , những nhân chứng tiềm tàng vãng lai đến Tây Tạng có thể sẽ dập tắt mọi kế hoạch nổi dậy . Nhưng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và nguy cơ bất ổn xã hội trên toàn quốc, Tây Tạng không phải là mối đe dọa duy nhất.
Có lẽ ý thức được hệ quả tác động dây chuyền bằng mọi giá phải chận đứng trước, hôm 16 tháng 2, báo chí của đảng đã đưa ra nhận định : Tây Tạng là vấn đề sinh tử của đảng Cộng sản Trung Quốc .


No comments: