Tuesday, March 17, 2009

THƯ GỬI CHỦ TỊCH TP HÀ NỘI

Thư ngỏ gửi ông Chủ tịch Thành phố Hà Nội
Nguyễn Hiếu
( 3/17/2009 4:18:09 PM )
http://hnv.vn/News.Asp?Cat=32&SCat=&Id=1135

Thưa ông .

Quê tôi là làng Chèm một làng cổ của Đại Việt ta.Trứơc mặt làng tôi có dòng sông Hồng, tục gọi là sông Cái tức sông mẹ, một trong những con sông lớn nhất của nứơc ta.Vậy mà cha ông ta đã cho đào sông Nhuệ, tên chữ là Nhuệ Giang, còn dân làng tôi gọi nôm là sông đào. Người Pháp thời đô hộ nứơc ta từ đầu thế kỉ 20 đã cho xây dựng cả một hệ thống cống,cầu có cửa sắt có thể chuyển dịch đựơc để điều tiết nước sông Hồng khỏi gây lũ lụt mùa nước cường, những cánh đồng thuộc phủ Hoài Đức nay thuộc huyện Từ Liêm khỏi bị hạn hán trong mùa nước cạn. Ngay trong phạm vi thành Hà Nội cũ cha ông ta cũng cho đào thêm không ít con sông, nối với sông Hồng để điều hoà mực nước, khí hậu, tạo vẻ đẹp đô thị. Đó chính là sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sau đó là sông Lừ, sông Sét…Song song với việc tạo ra những con sông nhân tạo, năm 1086 khi vua Lý Nhân Tông ở tuổi 20 cùng với việc cho đắp đê Cơ Xá nổi tiếng chống lụt, ông cho đào liền hai hồ nổi tiếng là hồ Liên Hoa Đài (sau gọi là hồ Linh Chiểu) hồ Bích Trì…Và đến thời ta hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải đã từng đựơc Bác Hồ đến thăm và cổ vũ ra đời đã làm cho hệ thống sông nhân tạo của Hà Nội ta thêm phong phú. Chẳng cứ riêng Hà Nội mà có thể nói không ít các tỉnh, địa phương trên khắp nứơc ta cha ông ta cũng đều làm như vậy.Ở Sài Gòn Chúa Nguyễn đã cho đào kênh Tàu Hủ. Đến năm 1905 người Pháp còn cho đào thêm kênh Tẻ, kênh Đôi và kênh 1,2,3. Các kênh này đều có chiều rộng từ 40 đến 50 mét. Thủa mới giải phóng có 18 quận, huyện thì có đến 17 quận huyện có sông, ngòi chảy qua với chiều dài lên đến 937km...Tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long mặc dù có hệ thống sông ngòi tự nhiên phong phú, cha ông ta vẫn tạo thêm không ít sông nhân tạo …

Vậy mà ở thời ta, không hiểu vì lý do gì mà ngưòi ta lại hằn thù và ghét bỏ sông hồ và cảnh quan tự nhiên như vậy. Thật đáng buồn thủ đô Hà Nội lại là một trong những địa phương tiêu biểu cho thực trạng này. Quả tình với tư cách là một người quê Hà Nội tôi rất mừng khi biết ông, ngưòi được điều về làm Chủ tịch UBND Thành Phố Hà Nội là một kiến trúc sư với hi vọng thành phố quê hương, thủ đô của cả nứơc trong giai đoạn ông quản lý sẽ là một bứơc ngoặt quan trọng để từng bứơc biến Hà Nội từ một thành phố lộn xộn trong qui hoạch,ô nhiễm ngày càng tăng, nạn ùn tắc giao thông ngày càng nhiều trở thành một đô thị hiện đại với những tiêu chuẩn tốt về môi trường, qui hoạch, giao thông, nơi vui chơi giải trí. Nhưng thật đáng buồn, đã gần hai năm ông ở vị trí cao nhất của thành phố thì ngưòi dân Hà Nội vẫn chưa thấy sự bộc lộ năng lực kiến trúc sư của vị thị trưởng. Các dòng sông nổi tiếng một thời của Hà Nội như Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Lừ ,sông Sét ngày càng vừa bị thu hẹp bởi lấn chiếm vừa bị ô nhiễm ở mức độ ghê gớm. Ông đã bao giờ đi đến các địa điểm dân cư dọc bên bờ sông Kim Ngưu ở Quỳnh Mai, dọc bờ sông Tô Lịch thuộc địa phận làng Bưởi này …để chứng kiến giữa thủ đô đang trên đà phát triển những dòng sông này đang chết ra sao khi độ ô nhiễm lớn như thế nào với mùi xú uế bốc lên nồng nặc, màu đen đặc quánh của bùn lưu niên, rác rưởi và súc vật chết. Ngay cả sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội và sông Nhuệ cũng đang bị huỷ hoại ra sao vì sự ô nhiễm vì lấn chiếm

Cũng giống như tình trạng các dòng sông, hệ thống hồ của Hà Nội cũng đang bị xâm lấn nặng nề.Tỉ lệ mặt nước hồ của Thủ đô trong một hai năm trở lại đây bị co hẹp với tốc độ khủng khiếp.Từ khi về làm thị trưởng Hà Nội ông đã đến khu vực hồ Văn Chương chưa ? Đây là khu hồ nổi tiếng không chỉ bởi một cái tên đầy nghệ thuật mà còn vì sự đắc địa về đia hình của nó trong quần thể dân cư. Nhưng giờ đây hồ Văn Chương đang bị bức tử bởi sự lấn chiếm dần dần và đang đi đến mất hẳn. Để giết hồ Văn Chương, người ta vẫn dùng những thủ đoạn quen thuộc như khi để tiêu diệt hàng chục hồ khác ở ở Hà Nội. Đó là ngưòi ta thoải mái đổ đất, đổ rác, làm ô nhiễm mặt hồ…Ngay cả những hồ nổi tiếng luôn luôn đựơc coi là lá phổi thành phố cũng luôn luôn bị đủ thứ ngưòi khi thì nhân danh đơn vị kinh tế nọ, khi thì đoàn thể kia để lấn chiếm mặt hồ. Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch và Hồ Gươm ngay giữa lòng Hà Nội cũng không thoát. Cho đến ngày nay Hồ Tây hồ Trúc Bạch còn ngắc ngoải tồn tại và đang dần dần bị co hẹp vì những dự án đường bao ngày càng phình ra theo kiểu “mượn gió bẻ măng.” Rất may, nhờ dư luận quần chúng nhân dân và báo chí đã tạo ra đợt phản đối dữ dội khiến dự án “giết hồ” nấp dưới cái tên mĩ miều “thuỷ cung Thăng Long “ thất bại. Còn hồ Hoàn Kiếm thì cũng chỉ thiếu chút nữa trở thành cái ao tù khi dự án khách sạn Điện Lực trở thành hiện thực.Và hiện nay tôi không hiểu sao với năng lực kiến trúc sư mà ông lại có thể tán thành dự án khách sạn SAS trong đó lạm chiếm vào phần công viên Lê Nin và mặt hồ Bảy Mẩu tới 9150 mét vuông thì khu hồ mà thế hệ thanh niên giờ đây đã sáu bẩy mươi mất bao nhiêu công sức đào ra và nay thì bị lấp .Xin nhắc lại ông là diện tích 9150 mét vuông đã từng bị Chính phủ bắt ngừng lại vào ngày 12/11/1990. Vậy mà nay … Quả là khó hiểu. Cho dù ông có thể cho các nhà chuyên môn theo lệnh ông bào chữa rằng khách sạn 4 sao bảy tầng SAS đó không ảnh hưởng gì đến diện tích hồ nhưng kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo cứ thứ đến xem lại thì hồ của công viên Lê Nin sau khi khách sạn đó hoàn thành sẽ khác gì cái ao giống như Hồ Hoàn Kiếm nếu khách sạn Điện Lực được thực hiện? Và kể cả sự hợp lý về cảnh quan thì ông chủ tịch Thành phố nên biết tuyến đường Đại Cồ Việt nơi có dự án Khách san SAS toạ lạc đã nổi tiếng vì sự ách tắc thì sự ách tắc này sẽ lên đến thế nào khi khách sạn trở thành trung tâm hút thêm không biết bao nhiêu ngưòi và so với khi chưa có khách sạn?

Lại còn điều nữa cũng xin thưa cùng ông chủ tịch, kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo. Hà Nội là thủ đô đang trên đà trở thành một đô thị hiện đại ,môi trừong đựoc bảo vệ và tôn trọng ,ngưòi dân có chỗ vui chơi giải trí. Nhưng đáng buồn thay, ngài Chủ tịch tiền nhiệm Hoàng Văn Nghiên bất chấp dự luận phản đối đã huỷ diệt cả một làng đào Nhât Tân để cho xây dự án chung cư. Đến nhiệm kì của ông không những ngưòi Hà Nội và dân cả nứóc về Hà Nội không có một công viên nào mới kiểu như Công viên Đầm Sen hay Suối Tiên của TPHCM; hoặc bãi biển Thanh Thanh của Đà Nẵng mà tất cả công viên cũ từ thời pháp như vườn Bach Thảo ,vườn bách thú Thủ Lệ và ngày nay như các công viên Tuổi Trẻ (Thanh Nhàn) đều bị lấn chiếm ,cho thuê để làm những việc không thuộc về giải trí.

Thư viết đã dài, với tư cách một nhà văn, một công dân Hà Nội tôi rất mong ông trong công việc của mình nên có nhãn quan của nghề ông học và có trách nhiệm là chủ tịch một thành phố là thủ đô của cả nước. Nhất là khi Hà Nội ta sắp vào đại lễ nghìn năm .Và nhất là khi Hà Nội đã mở rộng tới mức ngạc nhiên.

Chả nhẽ Thủ đô chỉ xứng đáng là thủ đô ở bề rộng còn mọi thứ để trở thành một đô thị hiện đại, xanh, sạch và đẹp thì không mấy coi trọng ?

Gửi tới ông lời chào trân trọng và tin tưởng

Nguyễn Hiếu
Nhà văn – Công dân Hà nội


No comments: