Tuesday, March 17, 2009

LOẠN PHÍ CHẤT TRÊN LƯNG NÔNG DÂN

Tiền Giang
“Loạn” phí chất trên lưng nông dân
Bài và ảnh: Hùng Anh
Ngày 17.03.2009 Giờ 07:29
http://www.sgtt.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=48331&fld=HTMG/2009/0315/48331
Nông dân Tiền Giang đang oằn lưng đóng góp những khoản tiền rất lớn trái quy định của pháp luật, trong khi đời sống khó khăn vì giá nông sản bấp bênh

Cầm tờ giấy báo đóng góp tiền giao thông nông thôn (GTNT) và quỹ đền ơn đáp nghĩa (ĐƠĐN) lên đến hơn 400.000 đồng của UBND xã, ông Nguyễn Văn Năng (tổ 4, ấp An Bình, xã An Cư, huyện Cái Bè) bần thần, than: “Tui có hơn 3.000m2 ruộng với 3.500m2 vườn cây tạp, trong khi gia đình gần chục nhân khẩu, lo cái ăn còn không xuể, năm nào cũng phải đóng góp hơn 400.000 đồng làm đường xi măng”. Nhiều gia đình khác trong tổ 4 cũng sử dụng con đường này để ra đồng, đưa nông sản ra chợ, năm nào cũng đóng tiền làm đường, nhưng mãi không thấy đường.

Thu tiền bằng mọi giá
Lệnh cấm các khoản thu phí người dân trái phép của UBND tỉnh Tiền Giang đã bị phớt lờ. Ở xã An Cư, khi chi cục Thuế huyện Cái Bè gởi giấy báo đóng thuế nhà đất cho các hộ dân (cao nhất 31.000 đồng/hộ), UBND xã có “sáng kiến” in thêm tờ thông báo đóng góp tiền xây dựng GTNT và quỹ ĐƠĐN, sau đó, đóng dấu treo vào góc tờ thông báo, rồi chuyển xuống từng ấp, để cán bộ ấp tuỳ ý ghi số tiền đóng góp của từng hộ vào, đem phát từng nhà. Thậm chí có người đã chết vẫn bị gởi giấy báo như trường hợp ông Nguyễn Văn Nguyên. Năm 1991, mẹ ông Nguyên là bà Nguyễn Thị Sâm qua đời, đến nay chính quyền gởi thông báo bà Sâm phải đóng 12.000 đồng tiền thuế nhà đất (76m2), 80.000 đồng tiền GTNT và quỹ ĐƠĐN, đồng thời anh Nguyễn Văn Định là con ông Nguyên cũng nhận được một thông báo đóng 80.000 đồng, dù anh Định đang sống chung với gia đình ông Nguyên.
Ở xã Hoà Khánh, huyện Cái Bè, người dân cũng nhận được “lời kêu gọi” in sẵn của UBND xã và ban nhân dân ấp gởi đến tận nhà, vận động góp tiền xây dựng GTNT và quỹ ĐƠĐN. Tiếng là vận động, nhưng kèm với “lời kêu gọi” là số tiền buộc hộ dân phải đóng rất lớn, như trường hợp bà Phạm Thị Phỉ ở ấp Hoà Phú, phải nộp 100.000 đồng quỹ ĐƠĐN và 2.050.000 đồng tiền xây dựng GTNT; ông Đoàn Văn Hào phải đóng 100.000 đồng quỹ ĐƠĐN và 1.650.000 đồng tiền GTNT; ông Trần Văn Hữu ở ấp Hoà Hảo phải đóng 1.000.000 đồng cả hai khoản thu… Người dân xã Hoà Khánh cho biết, họ không hề được UBND xã, ban nhân dân ấp mời họp lấy ý kiến về các khoản đóng góp tự nguyện. Trong khi đó nông dân xã An Cư nói, họ được mời họp sinh hoạt định kỳ, khi đến dự họp, cán bộ ấp yêu cầu ký tên vào danh sách có mặt, sau đó danh sách này trở thành “ý kiến thống nhất và biểu quyết mức tự nguyện đóng góp”.

Phép vua thua lệ làng?

Ngày 12.3.2009 ông Nguyễn Quốc Thanh, phó chủ tịch thường trực UBND huyện Cái Bè, cho biết việc các xã vận động người dân tự nguyện đóng góp xây dựng GTNT và quỹ ĐƠĐN là không sai, vì UBND và HĐND tỉnh chỉ nghiêm cấm thu các khoản tiền trái pháp luật. Tuy nhiên, việc các xã áp đặt mức đóng góp cho từng hộ dân không trên cơ sở tự nguyện là không đúng, bởi lẽ, khi vận động dân đóng tiền làm đường, phải tuân thủ quy trình: công khai hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, giá trị công trình với dân, lấy ý kiến về mức đóng góp. Khi dân đồng ý, phải họp HĐND xã ra nghị quyết, thành lập ban vận động, giám sát công trình, có đại diện của dân tham gia. “UBND huyện sẽ kiểm tra, chấn chỉnh, buộc các xã phải làm đúng quy trình vận động. Huyện không đặt chỉ tiêu, hay tạo áp lực buộc xã phải nhanh chóng xây dựng GTNT”, ông Thanh nói.
Theo thông tin chúng tôi có được, ở nhiều huyện của tỉnh Tiền Giang, người dân vẫn phải đóng góp rất nhiều khoản tiền, đặc biệt nặng nề là khoản đóng góp xây dựng GTNT, dù những năm gần đây, UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết định mỗi năm sẽ cấp cho ngân sách xã từ 150 triệu đồng đến 350 triệu đồng để xây dựng cầu, đường. Đối với các xã khó khăn, số tiền được tỉnh cấp lên đến 900 triệu đồng. Gần đây nhất, đầu tháng 3.2009, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục ban hành quyết định 636/QĐ-UB công bố thêm 44 xã vùng sâu, vùng xa đang khó khăn được tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng GTNT và thuỷ lợi nội đồng, nhằm giảm gánh nặng đóng góp cho dân. Nhưng UBND các huyện vẫn “bật đèn xanh” cho các xã ép dân nộp tiền dưới danh nghĩa “tự nguyện đóng góp”, dù biết đó là việc làm trái pháp luật.

Bài và ảnh: Hùng Anh


No comments: