Friday, March 20, 2009

SỰ IM LẶNG CỦA BẦY CỪU

Sự im lặng của bầy cừu
Nguyễn Hoàng Bảo
http://www.vneconomist.net/newsdetail.php?f=36&t=4&sid=0c0bedb7c35e9168ee209ae08d989b8b
Đó là tên một bộ phim được giải Oscar. Tại sao bài viết này lại vay mượn tên của một bộ phim? Có lẽ là dễ dàng thấy rằng không có câu nào ngắn gọn hơn, chính xác hơn và đầy đủ hơn để có thể diễn tả một hiện trạng được minh họa dưới đây. Cũng có thể có những từ ngữ trần trụi hơn, hiện thực hơn và tàn nhẫn hơn để diễn tả hiện trạng bên dưới. Nhưng có lẽ là sự dằn xé trong văn hóa xứ sở và lối nói cho phù hợp với lối nói của cộng đồng mà hình thành nên tên bài viết này, hơn là sự yếu kém trong ngôn ngữ tiếng Việt không đủ để diễn tả.

Trước hết, bài viết của tác giả có đề cập đến một vấn đề lưu thông. Lưu thông không chỉ dừng lại lưu thông xe cộ trên đường, lưu thông hàng hóa và dịch vụ trên thị trường, lưu thông giấy tờ trong hành chính,... mà còn là lưu thông tư tưởng. Mọi sự tắc nghẽn hay thắt cổ chai (bottleneck) trong lưu thông đều dẫn đến tình trạng kém phát triển hay phát triển dưới mức tiềm năng của nó.

Khó khăn lắm mới có thể có được những ý kiến mới mang tính sáng tạo và đổi mới, những ý tưởng mang tính đột phá và cách mạng và cũng khó khăn lắm người ta mới đưa ra được các chiến lược, các kịch bản, các kế hoạch dài hạn, nhất là trong thế giới khủng hoảng tư duy.

Việc giải bày ý tưởng này và nhận được sự chia sẻ, đồng cảm và thấu hiểu là một ân huệ to lớn đối với họ, chứ đừng nói gì đến chuyện xa xỉ là người nghe tác động vào hệ thống và làm thay đổi hệ thống. Nhưng những người đưa ý tưởng thường bị cô độc bởi vì quây quanh họ là sự im lặng, một thứ nguyên tắc bằng vàng. Hậu quả trực tiếp là năng suất phát ý tưởng và chất lượng của ý tưởng lại không thể không có quan hệ với sự đồng cảm và chia sẻ của đám đông. Liệu ý tưởng cho lần sau có thể phát triển toàn diện và đầy đủ theo mọi kích cỡ của nó hay không nếu hành xử của đám đông là như vậy? Một sự nghẽn mạch trong lưu thông ý tưởng mà con người ít nhận ra.

Những ý tưởng ủng hộ hay bác bỏ có thể tốt hơn rất nhiều so với không ý tưởng, vì có tranh biện trên văn đàn thì sẽ có tương tác ý kiến, mối liên hệ khoa học sẽ cao hơn, hạt giống ý tưởng sẽ được nẩy mầm và đâm chồi nẩy lộc, vấn đề sẽ được nhìn nhận ở mọi lăng kính khác nhau, ở mọi không gian và thời gian khác nhau.

Hệ thống phản hồi hầu như không có, không chính thức và nếu có chỉ là tự phát riêng lẻ. Trong những quán cà phê, bàn nhậu và những buổi gặp mặt không chính thức thì người ta khoác lên một gương mặt có thể là thật nhất, nhưng trong các cuộc họp hay những cuộc gặp mặt chính thức thì cũng chính con người này khoác lên bộ mặt giả tạo nhất và đáng ghét nhất, họ bị tê liệt và điều khiển bởi sợi dây vô hình, đó có thể là những quy định và luật lệ ngầm và cũng có thể là nỗi lo sợ, ám ảnh thường trực đã ăn sâu vào tiềm thức. Hệ thống phản hồi cũng vẫn tồn tại nhưng chưa thể phát huy hết tác dụng. Có thể có phản hồi lại các ý kiến, rồi dừng lại đó. Không hề có phản hồi của phản hồi và hơn thế nữa có các vòng lập khác nhau của phản hồi để có thể có được sự hội tụ ý tưởng tương đối nào đó.

Ở đây cũng có tác động ngược lại của đám đông, người trình bày hầu như biết rõ hành xử của đám đông là không phản ứng gì cả. Một đám đông hoàn hảo nhất, thuần chủng nhất và đồng nhất nhất. Diễn giả thao thao bất tuyệt trên những ý tưởng và ngộ nhận một cách thảm hại trên những ý tưởng này. Mặt khác, người nghe thì tiếp nhận âm thanh một cách không cảm xúc đến vô hồn, lâu lâu liếc nhìn đồng hồ coi đã hết giờ chưa và xem sự hiện hữu của họ như là một thành quả. Điều tốt hơn hiện trạng này rất có thể là tất cả đám đông ngủ gục tại các cuộc họp này, một tín hiệu phản hồi tốt nhất.

Đám đông này có thêm 4 loại nữa:
(1) Một số người được học tập và nghiên cứu ở các quốc gia phát triển bậc nhất trên thế giới, những tưởng họ sẽ tác động và làm thay đổi hệ thống theo chiều hướng tích cực, nhưng khi trở về thì họ là con người hệ thống, cũng có đặc tính im lặng thường trực và thuần túy nhất. Khốn khổ thay là sự thay đổi của họ đến mức họ cũng không nhận ra nữa;
(2) Một số người khác có thể quá ngu ngơ hay có thể quá khôn ngoan tùy góc nhìn, đồng thuận về một ý kiến này trong đám đông này và đồng thuận về một ý kiến khác trong đám đông khác, nhưng hai ý kiến này hoàn toàn lệch pha nhau 180 độ. Họ không còn là họ tự bao giờ?
(3) Một số người ăn theo hay ăn bám ý tưởng của người khác thường đông đảo và hùng hậu hơn so với những người đưa ý tưởng gốc, mới ra đời. Những ý tưởng ăn theo thường bám víu vào một ý tưởng gốc như là một trục tuyến tính cân bằng ổn định, rồi tha hồ xoay quanh trục đó, mà khó đi xa và phá vỡ thế cân bằng đó. Những con người này luôn là bản sao chép;
(4) Một số người trước đây thường hay lên tiếng về chuyện này chuyện nọ, nay họ im lặng thường trực đến mức đáng sợ. Họ cho rằng có nói cũng không ai nghe, giống như tiếng kêu cứu giữa xa mạc, chứ đừng nói gì đến chuyện người ta nhận thông tin phản hồi của họ và cải thiện hệ thống.

Nguyên nhân do đâu mà sản sinh ra những con người như vậy? Có thể do điều kiện kinh tế lệ thuộc? Có thể do khấm khá hơn và đời sống tiện nghi hơn làm cho con người ta mất đi sức đề kháng cần thiết tối thiểu? Có thể do địa vị xã hội? Có thể do không muốn phá vỡ hào quang của quá khứ? Có thể nương náu theo đám đông để được cái an toàn nhất? Có thể do lịch sử hay văn hóa? Có thể từ trong tư duy con người Việt? Có thể là do những nguy cơ đe dọa khác? Hay rất có thể là mớ hỗn độn trong những câu hỏi vừa nêu ra? Câu trả lời không thể trình bày trong bài viết hạn hẹp này.

Sự im lặng này có tính lan tỏa quá nhiều, quá rộng, quá sâu và quá lâu như một bệnh dịch hoành hành văn minh xứ sở. Nó nhảy từ người này sang người khác, từ tổ chức này sang tổ chức khác, từ không gian này sang không gian khác, và rất có thể từ thế hệ này sang thế hệ khác với các tốc độ nhanh chậm khác nhau. Tác hại trực tiếp và gián tiếp của nó đối với xứ sở thì không thể lường trước được. Nhưng chỉ biết chắc rằng nó làm nghẽn mạch lưu thông dòng ý tưởng và làm cản trở sự phát triển đất nước. Để thực hành cho việc phá vỡ sự im lặng truyền thống của xứ sở, hãy lên tiếng đi các bạn. Ủng hộ hay bác bỏ bài viết này? Bài viết này cần bổ sung và sửa chữa gì? Hay là đọc xong bài viết này lại tiếp tục im lặng và là một sự im lặng có ý thức?

Sàigòn, một ngày mưa tháng 7 năm 2007

No comments: