Friday, March 20, 2009

MÁU CHẢY RUỘT MỀM

Máu chẩy ruột mềm
Nguyễn Ðạt Thịnh
Thứ Sáu, ngày 20 tháng 3 năm 2009
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20090320_01.htm
Thành phố xôn xao, người này thì thào hỏi người kia, “họ trốn ở đâu?”, giọng hỏi âu lo, nét mặt bi thương. “Họ” là 20 người thợ hàn từ Việt Nam qua làm công cho ụ tầu Southwest Shipyard; tại sao họ lại phải trốn? Không ai biết rõ lắm cho đến ngày tờ Houston Chronicle, tờ báo hàng ngày đăng bài về trường hợp của họ.
Họ được một cai thầu nhân công người Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng, mướn qua làm việc bên này, và vì hết khế ước họ phải trở về Việt Nam. Nhưng câu chuyện không giản dị như vậy; những công nhân này gặp nhiều ẩn tình khuất tất nên họ liên lạc với cộng đồng người Việt Houston xin giúp đỡ...

Anh NgyThanh, ngòi bút phóng sự sống động của tờ Thời Báo bảo tôi, “người duy nhất có thể trả lời câu hỏi ‘họ trốn ở đâu?’ là luật sư Hoàng Duy Hùng, vị chủ tịch cộng đồng người Việt tại Houston.”
Tôi đồng ý và điện thoại gọi luật sư Hùng...
“Mời chú đến, cháu chờ chú tại chùa PQ vào lúc 10 giờ sáng,” anh Hùng trả lời tôi. Tôi hỏi anh về việc tôi đồng hành với anh NgyThanh và ống kính phóng sự của anh, Hùng đáp, “không trở ngại, anh NgyThanh muốn chụp gì thì chụp.”
Hùng đưa chúng tôi đến một căn nhà tương đối còn mới, và những anh em công nhân từ Việt Nam sang làm việc tại Houston đón chúng tôi với cà phê và trà nóng trong những cái tách hạt mít.

Thấy mọi người tỏ ra rất hiếu khách, không còn trốn tránh người Việt Nam nữa, tôi hỏi đùa một anh, “hết sợ người Việt hải ngoại rồi sao?”
Anh hóm hỉnh trả lời, “chỉ còn sợ có một người, ông Vũ Quốc Hùng.” Họ sợ vai trò “thu hụi chết” của ông này.
“Còn một ông Hùng nữa, luật sư Hoàng Duy Hùng thì sao, có sợ không?”
“Ðối với chúng em, ảnh không phải là luật sư, ảnh là ‘anh’ Hùng.”
Hùng chỉ cho tôi cập máy giặt, máy xấy tặng phẩm của cô Mai; anh khoe cô Tường Vi tặng 2 tháng tiền nhà, dược sĩ Diệu Thảo tặng $200, và ngay chiều hôm đó, cô Bạch Hạc tặng 100 pao tôm tích, do chính ls Hùng đứng ra làm đầu bếp nấu nướng; ngoài ra anh cũng cho tôi một danh sách rất nhiều ân nhân khác.

Máu chẩy ruột mềm là hiện tượng rất Việt Nam; ngày xưa, ngày còn là một phóng viên chiến tranh, tôi đã chứng kiến cảnh người lính VNCH vừa đút từng muỗng nước cho anh thương binh Việt Cộng, vừa ứa nước mắt nhận những kỷ vật cuối cùng, và những lời trăng trối của anh lính địch sắp lìa đời; tôi thầm nhủ “máu chẩy ruột mềm.”
Hôm nay tôi lại đang chứng kiến cảnh những người Việt hải ngoại, nạn nhân của Việt Cộng, không một chút ngần ngại đến giúp những công nhân từ trong nước bị xuất cảng sang đây, qua một hệ thống chằng chịt gian manh. Họ cuống cuồng lo lắng, tận tình giúp đỡ, cũng vẫn cảnh máu chẩy ruột mềm.

Dĩ nhiên cảnh máu chẩy ruột mềm làm tôi vui mừng, có thể nói là tôi hãnh diện nữa, nhưng điều tôi quan ngại là mọi giúp đỡ đều nặng tính chất tình cảm và xã hội, trong lúc 20 công nhân này cần một vị trí thật mạnh trên địa hạt pháp lý. Thiếu vị trí này họ có thể bị cảnh sát Mỹ bắt, và bị cưỡng bách hồi hương ngay chiều nay, vì tình trạng cư trú của họ đang trở thành bất hợp pháp khi họ không còn là công nhân cho ụ tầu Southwest Shipyard nữa.

Vấn đề của họ nằm trên bình diện pháp luật. Tôi đã điện đàm với luật sư Trần Minh Tâm, một trong hai luật sư bênh vực họ. Bà tỏ ra rất vững vì một luật sư khác, ông John M. Quinn, nhận lời giúp bà; vị luật sư này, theo lời bà Tâm, giỏi cỡ bậc thầy của nhiều luật sư trên địa hạt luật di trú.
Nghe bà nói như vậy tôi rất mừng, nhưng trong bụng vẫn phập phồng; lo sợ tôi tìm gặp những nhân vật có uy tín nhất trên địa hạt luật di trú, và cả những luật sư của Boat People SOS để hỏi họ, mọi người đều tỏ ra dè dặt, vì hai luật sư đang phụ trách gần 20 hồ sơ này là những người có uy tín trước pháp đình và trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Tôi van vái họ thành công, vì họ không thể thất bại được trước cái giá khiếp đảm của thất bại.

Hai chục người thợ hàn này không thể trở về Việt Nam trong tình trạng hiện tại của họ, tình trạng chưa trả hết nợ vay mượn để đóng cho bọn gian manh, hầu được tuyển đi làm tại Mỹ. Tôi chưa cần sử dụng đến khả năng tưởng tượng để tìm hiểu khó khăn của họ, vì trường hợp của một người trong nhóm công nhân này đã giúp tôi hiểu rất rõ.
Xin tạm gọi anh là Vinh, dù cái tên giả không giúp che giấu được chân dung của anh giữa đám anh em đồng nghiệp, đồng cảnh, những người đã tận tình giúp đỡ anh, che chở cho anh, chỉ vì anh “hơi” thiếu may mắn hơn họ.
Vinh bị tai nạn trong lúc đeo máy hàn, giây hàn, một sức nặng khoảng 150 pao trên lưng, đi trên cầu ván, từ trên bờ xuống xà lan để làm một mối hàn. Anh vấp vào một trong những sợi giây đỏi cột xà lan vào bờ, và ngã xuống sông với toàn bộ sức nặng của dụng cụ hành nghề. Bị thương, không có bảo hiểm y tế, không được chăm sóc, anh còn bị nhà thầu làm thủ tục cho hồi hương để tránh trách nhiệm cho họ.
Vinh không thể hồi hương, không những vì nợ nần chồng chất, mà còn vì nhục nhã nữa. Trước ngày anh đi Mỹ, thân nhân, thân hữu, đều mừng cho anh vì số lương $15 mỗi giờ làm việc thông thường, và $22.50 mỗi giờ làm over time. Anh tự nguyện bao nhiêu giờ over time cũng làm để chóng trả hết nợ và tạo ra một số vốn nho nhỏ lận lưng trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Không hồi hương, anh trốn tránh trong sự che chở đùm bọc của những người đồng nghiệp; nhưng trốn tránh, không được đi làm, anh không có lương, từ 10 tháng nay.
Phỏng đoán những khó khăn khác của Vinh, ngoài những khó khăn trốn tránh cảnh sát và viên chức sở di trú, khó khăn thất nghiệp, không có tiền để sinh sống, tôi hỏi anh, “Có gia đình chưa?”
“Em có vợ,” Vinh bảo tôi.
Tháng tháng mỗi người thợ hàn đều gửi tiền về Việt Nam cho gia đình thanh thỏa bớt nợ nần, Vinh không làm được việc này, và dĩ nhiên phải gặp khó khăn. Tôi đang lựa lời cho câu hỏi sắp tới, thì Vinh giúp tôi khỏi phải hỏi câu khó hỏi.
“Bây giờ em không còn có vợ nữa,” anh bảo tôi.
Vinh nhìn lên trần nhà; anh khóc? Tôi nhìn anh xót xa, nhưng dĩ nhiên hoàn toàn bất lực trước khó khăn quá lớn của anh, khó ngoài tầm tay tôi, và ngoài tầm tay của mọi người.

Luật sư Tâm đang bênh vực hai chục người thợ hàn vô cùng đáng thương này; mỗi tuần tôi nghe bà nói chuyện luật pháp trên đài truyền hình. Cũng như đa số khán, thính giả khác, tôi tín nhiệm bà ở mức vừa phải.
Có lẽ thông cảm được nỗi lo sợ của tôi về số phận của 20 cậu thanh niên vô tình, vô tội, bà bảo tôi là luật sư Quinn nhiều hy vọng thành công trong việc bênh vực cho những nạn nhân nguyên cáo.
Nhiều người, trong số có luật sư Huy Tuấn, một nhân vật uy tín trên địa hạt luật di trú, cũng xác nhận với tôi về khả năng rất lớn của luật sư Quinn; họ kể với tôi nhiều thành tích của ông.
Tôi van vái mọi người nói đúng, đánh giá đúng về ông Quinn, vì nếu ông tài giỏi như mọi người tin tưởng, để thắng vụ kiện này thì không những hai chục người thợ hàn vô tội có thể được hưởng một quy chế di trú tốt hơn, mà họ còn được những hãng thầu bồi thường nhiều tổn thất mà họ đã thiệt thòi gánh chịu từ ngày còn ở trong nước ký khế ước cắt cổ.
Trong số những khoản bồi thường này có cả hai khoản mental anguish (dằn vật tâm thần) và loss income (mất lợi tức).

Riêng anh Vinh còn xứng đáng được hưởng một khoản bồi thường đặc biệt hơn nữa, vì ngoài những dằn vật tâm thần và mất lợi tức anh còn mất hạnh phúc gia đình nữa. Dù không chủ tâm, nhưng những bị cáo đã tạo ra cảnh anh không được chăm sóc khi bị thương tích trong lúc làm việc, và bị mất việc, mất vợ vì bị thương.
Một trong những anh thợ hàn bảo tôi tình yêu thương của người Việt hải ngoại dễ dàng hơn, tự nhiên và bất vụ lợi hơn tình yêu thương của người Việt trong quốc nội; anh thấy người Việt Nam tại Houston thương yêu các anh chỉ vì các anh hoạn nạn, không vì một nguyên nhân nào khác.
Tôi hỏi lại anh, “theo anh, chúng tôi còn có nguyên nhân nào khác nữa để yêu thương các anh, ngoài cái nguyên nhân thứ nhì là các anh cũng là người Việt Nam như chúng tôi, và là đồng hương, đồng bào với chúng tôi?”
Anh đứng tần ngần rồi khen anh Hoàng Duy Hùng nấu tôm tích thật ngon, và cô Bạch Hạc hát dân ca Việt Nam thật hay. Anh muốn nói lảng sang chuyện khác, mà không ý thức được là hoạn nạn đã phong cho anh và những người thợ hàn bạn anh vai trò thượng khách của Houston để ông chủ tịch cộng đồng trổ tài hỏa đầu vụ, và nữ danh ca Bạch Hạc “vét” sạch mớ crownfish của chợ Sài Gòn chiều thứ Bẩy 14 tháng Ba.

Tôi nói “máu chẩy ruột mềm”; anh nhìn tôi, mặt không thể hiện một nét xúc động nhỏ; có lẽ cũng không hiểu tôi nói máu nào chẩy, ruột nào mềm.
Anh còn trẻ hơn số năm Việt Cộng cưỡng chiếm Nam Việt; sinh ra và lớn lên trong nền giáo dục cộng sản, anh không hiểu những xúc động “tiểu tư sản”.

Ðiều dễ thương là người Việt Houston không cần hai chục anh công nhân cộng sản hiểu việc họ thương các anh. Họ chỉ yêu thương những người đồng hương hoạn nạn, không giải thích, mà cũng không cần đối tượng được họ yêu thương hiểu họ. Tôi vừa nhận được một cú điện thoại mời tham dự một bữa cơm gia đình đãi đằng các anh chiều thứ Năm.

Các anh hoạn nạn, máu các anh chẩy, nghĩa bóng hay nghĩa đen, lòng ruột người Việt cư dân Houston mềm ra trong thương xót, và họ đang làm những gì trong tầm tay họ để giúp các anh.

Nguyễn Ðạt Thịnh


No comments: