Monday, March 23, 2009

PHILIPPINES ĐỀ NGHỊ HỘI ĐÀM ĐA PHƯƠNG VỀ TRƯỜNG SA

Đề nghị hội đàm đa phương về Trường Sa

Cập nhật:03:29 GMT - Thứ Hai, 23 tháng 3, 2009

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/03/090323_manila_talks.shtml

Thượng nghị sĩ Philippines đề nghị hội đàm đa phương về Trường Sa theo mô hình đàm phán sáu bên về Bắc Triều Tiên.

Sau cuộc thảo luận kéo dài vào đêm thứ Tư tuần qua với đại sứ Trung Quốc, TNS Francis Escudero đã đưa ra đề nghị rằng Phủ Tổng thống nên chủ động mời các nước quan tâm hội đàm về Trường Sa.

Báo Manila Standard Today số 21-22/03 trích lời ông Escudero nói rằng ông nhận được đảm bảo từ tân đại sứ Lưu Kiến Siêu rằng Trung Quốc muốn dùng đối thoại và các kênh ngoại giao để tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp.

Nay, vị thượng nghị sĩ nói Phủ Tổng thống Philippines cần mời các bên, từ Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan đến Brunei vào hội đàm theo mô hình sáu bên trong trường hợp Bắc Triều Tiên.

Theo tờ báo này, TNS Escudero trước đó đã thăm Hoa Kỳ, Úc và Đài Loan.

Một báo khác tờ Philippine Daily Inquirer hôm 21/03 thì đưa tin TNS Escudero cho hay về kết quả cuộc gặp với đại sứ Trung Quốc trong tuần.

Theo đó, Trung Quốc nói rằng hành động biến các tàu hải quân thành tàu đánh cá để tuần tra vùng biển xuyên qua cả các tuyến hàng hải quốc tế trong vùng "không phải là các hành động hiếu chiếu".

TNS Philippines cũng nói ông nhận lời mời thăm Trung Quốc.

Cho tới gần đây, Philippines là nước có thái độ dứt khoát nhất để phản đối Trung Quốc trong cuộc tranh chấp Trường Sa.

Quốc hội Philippines cũng thông qua Luật về đường cơ sở và đề nghị lên Liên Hiệp Quốc trước hạn chót 13/05/2009 về lãnh hải của họ.

Giải pháp đa phương

Hôm thứ Sáu 20/03, Ngoại trưởng Philippines, Cerge Remonde nói nước ông "có niềm tin rằng Trung Quốc, như mọi quốc gia văn minh khác, dùng ngoại giao là phương tiện trong các quan hệ quốc tế."

Báo Philippines trích lời quan chức nước này cho rằng hành động biến các tàu hải quân thành tàu đánh cá của Trung Quốc là do quyết định thông qua Luật về đường cơ sở của Philippines gây ra.

Các quan chức Philippines cũng nhắc lại Tuyên bố về Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) của ASEAN năm 2002 như nền tảng để đối thoại với Trung Quốc.

Cả hai báo Philippines không nhắc gì đến vụ va chạm tàu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hôm 08/03 vừa qua gần đảo Hải Nam và bờ biển Việt Nam, khá xa về phía Bắc tính từ vùng Trường Sa.

Dư luận Philippines tuy vậy rất quan tâm đến chủ đề lãnh hải và bình luận nhiều về mối liên hệ giữa Luật về đường cơ sở của họ và động thái của Trung Quốc.

Romeo V. Pefianco trong bài đăng trên trang Manila Bulletin 18/03 viết: "Chúng tôi sợ hãi trước việc đưa tranh chấp Trường Sa lên Hội đồng Bảo an LHQ, nơi Trung Quốc có ghế thành viên thường trực".

Cùng thời gian, sự quan tâm cũng đến từ báo chí Nhật Bản.

Trang mạng Japan Focus hôm 21/03 đăng nghiên cứu của Kimie Hara cho rằng các vụ tranh chấp trên Thái Bình Dương từ Đông Bắc xuống Đông Nam Á, gồm cả vùng Trường Sa, là di sản của Hiệp ước San Francisco năm 1951.

Bài viết nói các cường quốc sau Thế Chiến 2 đã không ghi rõ chi tiết chủ quyền nhiều đảo và quần đảo qua việc đặt tuyến phân ranh giới Acheson Line.

Sau đó, tác động của việc hoạch định lằn ranh bao vây nước Trung Hoa cộng sản và Bắc Triều Tiên lại tạo thêm sự phức tạp cho vấn đề.

Tác giả cho rằng nay, để giải quyết các vấn đề, mọi bên đều cần có sự nhượng bộ và giải pháp đa phương, gồm cả Nhật Bản, nước thua trận trong Thế Chiến 2.

--------------------------------------------------------------------

Việt Nam 'coi trọng' thông tin lãnh hải

Cập nhật:11:12 GMT - Thứ Hai, 23 tháng 3, 2009

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/03/090323_vnmediabiendong.shtml

Việt Nam nói việc tuyên truyền về biên giới biển, đảo ‘rất quan trọng' giữa lúc báo chí tỏ ra bớt dè dặt hơn khi đề cập tới vấn đề tranh chấp lãnh hải.

Thông tấn xã Việt Nam đưa tin hội nghị tổng kết việc tuyên truyền biển, đảo, phân giới cắm mốc và thông tin đối ngoại năm 2008 đã diễn ra cuối tuần qua ở thành phố cảng Hải Phòng.

Quan chức chính phủ được trích lời nhấn mạnh rằng tuyên truyền về biển, đảo là một trong ba nội dung 'được nhà nước coi trọng'.

Sau những động thái gần đây ở biển Đông, nhiều tờ báo ở Việt Nam đã cho đăng các bài viết về chủ đề lâu nay vẫn bị coi là ‘nhạy cảm' này.

Một số nhà quan sát cho rằng báo chí đã được ‘bật đèn xanh' trong việc thông tin tới người dân về vấn đề tranh chấp ở khu vực biển được sáu quốc gia tuyên bố chủ quyền.

Tần suất các bài báo liên quan tới quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa và những diễn biến mới ở biển Đông xuất hiện nhiều thời gian vừa qua.

Hôm nay, 23/3, tờ Tuổi Trẻ nêu ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng ‘phải hướng mối quan tâm và tầm nhìn của người dân ra biển Đông'.

Trong khi đó, báo điện tử Vietnamnet thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông trích dẫn ý kiến của chuyên gia nói ‘không thể giữ chủ quyền chỉ bằng cảm tính.

Báo này cũng đề cập tới ‘cuộc chiến không cân sức giữa học giả Việt Nam và Trung Quốc' trong quá trình nghiên cứu và xác lập chủ quyền lãnh hải ở biển Đông.

Chiến lược thông tin

Trả lời BBC sáng 23/3, Giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng đã đến lúc Việt Nam ‘cần phải thay đổi chiến lược thông tin để phù hợp với những diễn biến mới'.

"Từ trước tới nay, Việt Nam khá thận trọng về chuyện có thể sẽ gây ra xung đột lợi ích với Trung Quốc quanh vấn đề biển Đông trong dân chúng. Nhưng giờ vấn đề Nam Hải đã leo thang lên tầm chiến lược".

Chuyên gia về Việt Nam này nói thêm: "Không chỉ có các siêu cường nhảy vào, mà một số quốc gia ASEAN cũng đã có những bước đi đơn phương".

"Ngoài chuyện Philippines vẽ lại đường lãnh hải, Malaysia gần đây đã nhấn mạnh chủ quyền đối với một số khu vực ở Nam Hải".

Trong một diễn biến khác, Việt Nam mới bổ nhiệm Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Đây là cơ quan được giao ‘tham gia xây dựng chiến lược, chính sách về quốc phòng, an ninh, ngoại giao liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên biển và hải đảo'.

Trước những diễn biến ở Nam Hải, hôm 17/3, một hội thảo đầu tiên về tranh chấp chủ quyền trên biển Đông đã được tổ chức ở Hà Nội.

Một học giả tại hội nghị này nói rằng việc nghiên cứu mà "cứ như giấu diếm, như bất hợp pháp, trong khi Trung Quốc công bố tài liệu và rao giảng khắp nơi".

Sau vụ va chạm giữa tàu Mỹ và Trung Quốc ngoài biển Đông cũng như việc Philippines thông qua đạo luật khẳng định chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, các nhân vật cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đã có những chuyến thăm viếng lẫn nhau.

No comments: