Monday, March 23, 2009

TRÍ THỨC, AI CẤM CÁC ANH VIẾT ?

Phát hiện ở quán cà phê

Đào Hiếu

23/03/2009 7:38 sáng

http://www.talawas.org/?p=1303

Những điều người ta nói sau lưng mình không hẳn đã là xấu. Bởi vì nếu không có những lời đó chưa chắc tôi đã viết được bài báo này.
Chỉ khi rời quán cà phê, về nhà, tôi mới nhận được những lời đó. Nó vang lên trong điện thoại. Cuộc gọi của một người bạn thân: “Lúc nãy khi mày vừa đi thì có người nói: cái tay Đào Hiếu này viết bạo quá, chỉ trích nhà nước cỡ đó thì chỉ có mấy tay cò mồi hoặc là công an văn hóa đội lốt nhà văn mới dám làm.”
Câu nói sau lưng ấy như cái công tắc đèn điện, nó vừa bật lên trong cái đầu mù mịt của tôi, làm bừng sáng một khuôn mặt. Rồi nhiều khuôn mặt. Lố nhố. Lướt qua trí nhớ tôi, trôi dạt, đọng lại, hội tụ, định dạng ngay trước mũi. Tôi ngửi thấy được mùi của họ. Nhưng họ không là ai cụ thể. Họ là một tầng lớp, một nhóm bạn thân quen. Vẫn chơi. Vẫn bù khú, nhậu nhẹt, tán dóc. Một đám bằng hữu mà tôi không bao giờ từ bỏ, ghét bỏ. Vì họ có tri thức, có tấm lòng. Họ tốt. Họ là bạn tôi.
Chỉ có điều…
*
Tôi biết mình là ai. Tôi viết bạo. Tôi có một trang web cũng rất bạo. Sao tôi không bị bắt, sao trang web của tôi không bị dẹp tiệm hay phá hoại?
Trước nay tôi vẫn nghĩ mình là một thằng liều mạng, một kẻ chịu chơi. Cái gì mình cho là đúng thì viết, cái gì mình thấy là sai thì lên án, phê phán, nguyền rủa. Đơn giản là vậy. Vài người bạn bảo tôi: “Công an nó theo dõi mày đấy, coi chừng!” Tôi nói: “Việc của họ thì họ làm, việc của mình thì mình làm, hơi đâu mà lo. Cứ lo sợ thì chẳng làm gì được.”
Đó là chuyện trước đây.
Bây giờ, sau khi nghe “câu nói sau lưng” kia, thì đã khác rồi.

*
Khác như thế nào?
Rằng không phải tôi “chịu chơi” hay “liều mạng” mà chỉ là một thằng “cò mồi”, một tên “công an văn hóa đội lốt nhà văn”. Bằng chứng là tôi viết tự do thoải mái như thế nhưng có ai hù dọa răn đe bắt nhốt gì tôi đâu.
Rất may là khi biết có người nghĩ về mình như vậy tôi mới phát hiện một sự thực: đó là sở dĩ tôi có thể viết tự do thoải mái như thế là vì chế độ cộng sản ở Việt Nam hiện nay phớt lờ những gì người ta viết trên mạng. Mặt của họ đã dày như cái mo rồi, có lấy ngòi bút mà chọc vào má, họ cũng chẳng “ngứa”.
Rồi tôi lại phát hiện thêm một sự thực nữa: đó là chính giới cầm bút trong nước hiện nay bị nỗi sợ hãi truyền kiếp (từ thời Nhân văn giai phẩm) làm cho khiếp đảm nên không dám viết, thi thoảng mới có vài anh nhà báo, nhà văn viết một bài gì hơi “có vấn đề” một chút, thì giấu giấu, đút đút, quan trọng hóa đến khốn khổ.


Còn viết huỵch tẹc như tôi thì được khen là “dũng cảm” hoặc bị nghi ngờ là “cò mồi” là “công an văn hóa”. Tôi cám ơn lời khen ấy nhưng tôi xin thưa rằng tôi chẳng dũng cảm gì cả, cũng chẳng bao giờ được cái hân hạnh làm anh công an văn hóa vô cùng cao quý của Đảng.
Tôi chỉ là một anh công chức quèn đã về hưu. Đơn giản như vậy. Nhưng tôi dám viết. Còn các anh (đang sống trong nước) sao im lặng? Sao chết nhát thế? Cứ viết đi. Viết như những gì các anh đã suy nghĩ, đã từng nói với tôi. Với bè bạn, với đồng nghiệp. Viết đi chứ. Tại sao cứ nghĩ rằng nhà nước cộng sản sẽ xét nhà, tịch thu máy tính, bắt bỏ tù?…
Tôi cũng đã từng bị như vậy, nhưng thời đó qua rồi. Các anh cứ mạnh dạn viết đi. Nếu không dám viết thì đừng có mà đổ thừa cho chế độ.

Nếu các anh không dám viết thì chẳng lẽ quanh đi quẩn lại chỉ có Lữ Phương, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Đào Hiếu, Hà Sĩ Phu…thôi sao? Các anh nghĩ chúng tôi là ai? Háo danh? Chơi nổi? Thích chính trị? Muốn làm bộ trưởng? Muốn lập đảng phái này nọ?

Hay các anh đứng ngoài cuộc vì các anh muốn làm văn học phi chính trị? Đó chỉ là ngụy tín. Không bao giờ có thứ văn học đó đâu. Hay các anh đang mai phục, náu mình? Ôi thôi, trong tình hình này mà còn mai phục và náu mình thì có khác gì “bọn cơ hội”. Hay các anh muốn nói: “Hãy để yên cho nhà nước xây dựng cầu đường, bệnh viện, trường học, nhà máy, đừng la lối chỉ trích, rách việc…” Các anh không biết rằng nhà nước xây dựng có một mà “ăn” tới năm ba phần sao? Xây cầu thì cầu sập chết hàng trăm người, làm đường thì đường sạt lở, bỏ ra hàng trăm triệu đô-la để làm hệ thống thoát nước Hà Nội thì Hà Nội chìm trong biển nước, hao tốn 10.000 tỷ đồng để làm hầm ngầm Thủ Thiêm thì hầm nứt, nuớc rò rỉ tùm lum… chuyện đó ở Việt Nam đứa con nít nó cũng biết.

Vậy các anh lấy cớ gì mà đứng ngoài cuộc? Sao không giúp chúng tôi một tay? Có ai cấm các anh viết đâu? Có ai bỏ tù các anh đâu? (Tôi đã chứng minh bằng chính bản thân mình, các anh không tin sao? Hay là các anh cũng nghĩ tôi là cò mồi, là công an văn hóa?)

Trong bài “Tổ quốc của kẻ sĩ” nhà văn Nguyễn Gia Kiểng đã viết:
“Mỗi người có cách riêng để luồn lách và tồn tại. Tất cả đều khôn, không ai chịu dại cả. Kết quả tổng hợp là đất nước vẫn tiếp tục quằn quại trong độc tài và lạc hậu. MỘT DÂN TỘC GỒM TOÀN NHỮNG NGƯỜI KHÔN LÀ MỘT DÂN TỘC RẤT ĐẦN ĐỘN. Chỉ có thể coi là yêu nước những người sẵn sàng chấp nhận một sự dại dột nào đó cho đất nước.”
Nếu những nhận xét trên của ông Nguyễn Gia Kiểng là chính xác thì giới trí thức văn nghệ sĩ chúng ta có vĩnh viễn làm gia nô cho chính quyền cộng sản cũng là đáng đời.

Ngày 21.03.2009
ĐÀO HIẾU

No comments: