Ới cái ông tiến sĩ Đỗ Minh Khôi ơi (!!)
Văn Thánh (sinh viên Thương Mại, năm thứ 2)
Posted on March 22, 2009 by admin
Lần này thì một người vô danh như tôi đủ sức hầu chuyện ông. Vì tôi đã đọc những lời lẽ nguỵ biện của ông trả lời phỏng vấn trên BBC, đồng thời đọc bài của Lan Châu và Phan Hưng (SV sư phạm) giúp ông can đảm mở mắt, chớ đừng có cố tình giả câm giả điêc. Họ đã cung cấp cho ông biết bao tư liệu do anh chị em sinh viên trong nước viết nhân dịp kỷ niệm 59 và 60 năm Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền ra đời, mà Nhà nước VN đã long trọng cam kết thi hành.
Không hiểu ông được ĐCS giáo dục quá kỹ (khiến u tối) hay là ông không thể nói khác, mà tới nay ông vẫn nhai lại luận điệu nguỵ biện cũ rích.
Kính mời các bạn sinh viên đọc bài mới nhất của ông tiến sĩ Đỗ Minh Khôi trả lời báo Pháp Luật (Sài Gòn) nhan đề Việt Nam luôn hướng đến những giá tri nhân quyền, để thấy rằng ông tiến sĩ vẫn tỏ ra ù lỳ, tuy có khôn khéo hơn.
Ông cứ việc ù lỳ, nhưng ĐCS thì không thể ù lỳ được. Đảng thấy thái độ của ông rất cù nhầy, trơ trẽn khi “nói chầy nói cối” rất hớ hênh trên BBC, do vậy đã chỉ thị cho báo Pháp Luật (Sài Gòn) phải phỏng vấn ông, tạo cớ cho ông nói năng khéo léo hơn, kín kẽ hơn. Nhưng với tôi (một sinh viên sau khi đã đọc các bài liên quan) vẫn thấy ông không dấu nổi cái đuôi nguỵ biện.
Từ nay tới khi chết, xin ông chớ quên rằng Nhân Quyền là quyền bẩm sinh tối thiểu của mỗi cá nhân con người, không phân biệt sinh ra ở đâu, khi nào, giàu hay nghèo, làm nghề gì, tôn giáo và ý thức hệ ra sao… Sao ông cứ đánh tráo quyền làm người của một cá nhân với quyền dân tộc ?
Đặc thù ? Về sinh học, con người Âu và Á có thể có vài đặc thù không cơ bản, nhưng về nhân quyền (quyền làm người) thì phải như nhau. Ông tiến sĩ Đỗ Minh Khôi có “đặc thù” gì mà tự thấy không dám nhận đầy đủ các quyền làm người? Sao ông dám gán não trạng của ông cho dân Việt Nam ?
Còn nhiều điều có thể nói tiếp, nhưng một điều cần ghi nhận: Ông Khôi đã nhã nhặn hơn, biết điều hơn (so với luận điệu hùng hổ trước đây của Đảng CS), không gọi những người chỉ trích là “bọn phản động” và “thế lực thù địch” nữa.
Lẽ đơn giản là Đan Mạch giúp tiền để đảng CSVN lập ra cái trung tâm (nhờ đó ông Khôi có cái ăn) không phải để ông muốn nói năng bậy bạ gì thì nói.
Lần nói này của ông Khôi chủ yếu là nhằm bịp những đồng bào chưa hiểu đầy đủ về nhân quyền mà thôi. Liệu đảng CS có đạt mục đích ?
Xin đọc nguyên văn bài trả lời phỏng vấn của TS Khôi trên Báp Pháp Luật Sài Gòn (dưới đây):
Việt Nam luôn hướng đến những giá tri nhân quyền
22-03-2009 07:23:46 GMT +7
MINH CƯỜNG thực hiện
Chúng ta luôn cùng hướng đến những giá trị chung của nhân quyền nhưng phương pháp thực hiện tùy thuộc vào điều kiện của mỗi nước.
Ngày 6-3 vừa qua, Trường đại học Luật TP.HCM đã thành lập Trung tâm nghiên cứu pháp luật về quyền con người và quyền công dân. Mục tiêu hoạt động của trung tâm là thực hiện các nghiên cứu và hỗ trợ giảng viên nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy pháp luật về quyền con người. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Đỗ Minh Khôi, Giám đốc trung tâm, xoay quanh một số vấn đề về nhân quyền.
Nâng cao hiểu biết về nhân quyền
. Một số người hay chỉ trích Việt Nam không có nhân quyền. Theo TS thì vì sao lại có nhìn nhận như thế ?
+ Đó là quan điểm chưa thực sự tích cực và cầu thị. Nếu động cơ, mục đích khác nhau thì cách tìm hiểu về quyền con người có thể sẽ khác nhau. Nếu thực sự muốn làm hoặc có thiện chí thì quan tâm đến điều kiện, hoàn cảnh, những điều đã làm được để từ đó có thể thực hiện quyền con người tốt hơn. Còn muốn đánh giá hoặc chỉ trích thì sẽ quan tâm nhiều hơn đến những điều chưa làm được.
. Thưa TS, trong khi thực tiễn trong nước chúng ta có những hành động rất cụ thể để thực hiện dân chủ, nhân quyền thì dư luận bên ngoài vẫn có những chỉ trích. Phải chăng là chúng ta đã thông tin chưa đầy đủ cho thế giới biết hay là do chúng ta còn e ngại ?
+ Nói e ngại thì chưa chính xác lắm. Tôi nghĩ nếu thực sự có ai đó ngại nói về dân chủ và nhân quyền thì có lẽ do đây là vấn đề ảnh hưởng, liên quan đến nhiều người, phản ánh những nhóm lợi ích khác nhau, quan điểm trái chiều nhau và được toàn thể xã hội quan tâm. Cho nên phải nói là thận trọng thì đúng hơn.
Một nguyên nhân khác là có sự tác động từ bên ngoài. Đã có việc dùng báo cáo về nhân quyền (thực ra là đánh giá về việc quyền con người bị vi phạm chứ không phải là đánh giá cả mặt chưa được và mặt đã đạt được) nhằm đạt mục đích khác chứ không hẳn là nhân quyền.
Tôi nghĩ giải pháp tốt nhất là nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của mọi người về dân chủ và nhân quyền. Người dân cũng có quyền và cũng có nghĩa vụ biết về dân chủ, nhân quyền vì đây là cơ sở cho sự tham gia vào công việc nhà nước, tôn trọng quyền con người của người khác.
Hướng đến giá trị chung
. Ông từng nói rằng nhân quyền có những giá trị chung nhưng có những đặc thù riêng. Ý kiến khác thì lại cho rằng: Con người thì ở đâu cũng là con người nên quyền con người chỉ có một. Nên hiểu thế nào về điều này ?
+ Hiện nay có hai quan điểm về nhân quyền. Quan điểm thứ nhất cho rằng chỉ có một quyền con người, không có đặc thù. Quan điểm thứ hai cho rằng quyền con người (và cả khái niệm dân chủ) là đặc thù riêng của mỗi quốc gia. Trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập, người ta nói nhiều đến cái chung, giá trị chung nhưng cái riêng, cái đặc thù cũng có vai trò quan trọng bởi nó phản ánh thế giới đa dạng, đầy màu sắc.
Theo tôi, đúng ra là cách hiểu về nhân quyền có những điểm chung và đồng thời có những điểm đặc thù. Điểm chung là hầu hết các quan điểm thống nhất về cách hiểu những quyền con người cơ bản như quyền sống, quyền không bị phân biệt đối xử về giới, quyền học tập, quyền tự do.
Điểm khác biệt của quyền con người có thể có ở Việt Nam là việc đảm bảo thực hiện quyền con người phải xuất phát từ những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Vấn đề đặt ra là khác có phải là xấu không. Chúng ta cùng hướng đến những giá trị chung của nhân quyền, mặt khác để thực hiện những giá trị đó thì chúng ta phải có những phương pháp của Việt Nam tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, văn hóa, khung cảnh, thể chế chính trị - pháp lý…
. Ông có thể nói rõ hơn ?
+ Xét về mặt thời gian, nhân quyền là khái niệm biến đổi bởi xã hội loài người luôn biến đổi. Nhân quyền và việc bảo đảm nhân quyền không phải là một đại lượng cố định, bất biến. Việc bảo đảm thực hiện quyền con người là công việc liên tục, lâu dài. Vì vậy, không một quốc gia nào tuyên bố đối lập với quyền con người và cũng không một quốc gia nào tự cho rằng mình đã hoàn thiện về nhân quyền.
Tóm lại, cách hiểu và cách thực hiện quyền con người mà chỉ có một nghĩa, không trong thời gian và không gian nhất định sẽ không mang tính thực tiễn.
Phân định trách nhiệm giữa nhà nước và nhân dân
. Để nâng cao nhận thức về nhân quyền, theo ông thì cần thực hiện những gì ?
+ Thứ nhất, phải chủ động tiếp cận nghiên cứu, đối mặt với vấn đề này. Thực ra những người chỉ trích nhân quyền ở Việt Nam cũng nghiên cứu dựa trên quan điểm, lý lẽ của họ. Tôi nghĩ nếu mình phản biện lại không phải là mình chống đối mà giúp họ có cái nhìn toàn diện hơn về quyền con người ở Việt Nam.
Thứ hai, phải tăng cường giáo dục từ học sinh, sinh viên cho đến những nhà quản lý để nâng cao hiểu biết của họ về nhân quyền. Giáo dục và phổ biến kiến thức về quyền con người không chỉ là vấn đề quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm, nó còn là một trong những điều kiện quan trọng để thúc đẩy sự phát triển con người và quyền con người.
Điều không kém phần quan trọng là nhân quyền phải do chính nhân dân thực hiện chứ không chỉ là trách nhiệm của nhà nước. Chúng ta nên tin tưởng vào người dân và nâng cao tính cộng đồng trách nhiệm. Điều quan trọng là xã hội hướng đến cái nhân bản, hòa đồng, tiến bộ, thân thiện với thế giới. Tất nhiên, tất cả điều đó phải dựa trên một nền tảng pháp lý với mức độ phát triển tương ứng.
. Như vậy, sự phân định chức năng giữa nhà nước và xã hội trong vấn đề này như thế nào, thưa ông ?
+ Tất nhiên phải phân định hợp lý và đúng đắn. Nếu phân định không khéo thì dẫn đến việc nhà nước làm những cái nhà nước không nên làm và xã hội không được làm những cái mà xã hội đáng lẽ cần được làm.
. Dự án luật về tiếp cận thông tin đang được xúc tiến. Ông nghĩ quyền được biết ở nước ta đã được thực hiện ở mức độ nào ? Vị trí của nó trong việc thực hiện dân chủ và nhân quyền như thế nào ?
+ Theo đánh giá của mình, tôi thấy có nhiều việc người dân đã được biết hơn so với trước đây. Ví dụ có nhiều hơn những quy định về công khai thông tin, thủ tục hành chính.
Vị trí của thông tin, tri thức đối với dân chủ là rất quan trọng bởi muốn tham gia và tham gia thực sự có ý nghĩa đòi hỏi phải có thông tin đầy đủ.
Một trong những biểu hiện của dân chủ là người dân phải được quyết định những vấn đề quan trọng nhất, nếu có khó khăn thì tất cả tổ chức, thiết chế trong xã hội hỗ trợ, giúp đỡ chứ không thể quyết định thay cho nhân dân. Vì vậy, quyền được biết của người dân là điều kiện quan trọng để người dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Vì thế, nên hiểu là quyền được biết là quyền lực chứ không chỉ là quyền của nhân dân và đồng thời là trách nhiệm pháp lý của nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền này. Nếu luật này được thông qua, dù ít hay nhiều nó cũng là một bước tiến quan trọng hướng đến một nhà nước của dân, do dân và vì dân.
. Xin cảm ơn ông !
TS Đỗ Minh Khôi cho rằng trong thời gian qua, nhiều chương trình thể hiện tính dân chủ và nhân quyền đã có kết quả tích cực ở Việt Nam. Chẳng hạn như chăm sóc cho người nghèo, người tàn tật, thực hiện quyền cho trẻ em, bình đẳng giới. điều này đã được thể hiện trong báo cáo phát triển con người của UNDP. Chỉ số phát triển con người ở Việt Nam tăng liên tục trong 20 năm qua, đặc biệt là các mặt như giảm nghèo, tiếp cận giáo dục, bình đẳng giới… Cần chú ý là khái niệm phát triển con người rộng hơn khái niệm quyền con người.
http://www.phapluattp.vn/news/can-canh/view.aspx?news_id=246737
No comments:
Post a Comment