thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN
Số 11 - Tháng 7/2007
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai11/200711_VuQuangViet.htm
Đi tìm một giải pháp hoà bình hợp công lý cho Biển Đông Nam Á[1]
Vũ Quang Việt[2]
Tranh chấp ở “Biển Nam Trung hoa” theo cách gọi thông dụng hay “Biển Đông” theo cách gọi của Việt Nam là một vấn đề phức tạp, không chỉ liên quan đến quyền lợi của các nước có tranh chấp bao gồm Trung Quốc, Phi-líp-pin, Việt Nam và phần nào đó là Ma-lai-xi-a và Bru-nây, mà còn liên quan đến quyền tự do giao thông trên biển qua khu vực vì nhu cầu trao đổi hàng hoá kể cả dầu hỏa giữa châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á, và liên quan đến an ninh lâu dài của khu vực[3] và hoà bình của thế giới.
Chiến lược dài lâu của Trung Quốc là trở thành siêu cường, với mục tiêu tối đa là kiểm soát biển Đông Nam Á, với chính sách vừa đe doạ vừa mua chuộc các nước nhỏ trong khu vực, và đòi hỏi Mỹ phân chia lợi ích. Ngoại giao Trung Quốc hiện nay đã từ bỏ con đường sử dụng chiêu bài nhân danh mình là nạn nhân thời đế quốc - thực dân để lên án Nhật và các cường quốc Tây phương xâu xé các nước nghèo nhằm đòi hỏi quyền lợi hoặc nhằm tranh giành trở thành lãnh đạo các nước thứ ba. Chính sách ngoại giao hiện nay của Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn xác định mình là một cường quốc toàn cầu và đòi hỏi quyền lợi của một cường quốc.[4] Trong diễn đàn Liên Hợp Quốc hiện nay, Trung Quốc gần như tránh né phát biểu nhân danh quyền lợi của các nước đang phát triển, họ để cho đại diện nhóm các nước đang phát triển (được gọi là nhóm 77 và Trung Quốc) phát biểu. Làm thế, quyền lợi của họ với tư cách một nước đang phát triển được bảo đảm nhưng họ lại tránh được việc đụng đầu với các cường quốc khác. Họ chỉ phát biểu khi quyền lợi riêng của họ bị đụng chạm.
Liệu Trung Quốc có khả năng làm bá chủ trên toàn biển Đông Nam Á không? Liệu Mỹ có khả năng đối phó không? Theo đánh giá của chuyên gia, về mặt quân sự, trong khoảng 20 năm tới Trung Quốc khó có thể đối đầu lại với Mỹ, nếu đó là cuộc chiến tranh chỉ hạn chế trên biển. Nếu tính xa hơn 20 năm, với khả năng Trung Quốc tiếp tục phát triển kinh tế và tăng cường sức mạnh quân sự như hiện nay, Trung Quốc có thể trở thành ngang ngửa với Mỹ. Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ở vào bất cứ thời điểm nào và ở bất cứ mức độ nào cũng sẽ đưa kinh tế thế giới đến khủng hoảng trầm trọng, do mức độ liên kết kinh tế rất cao giữa các nước hoặc qua ngoại thương hoặc qua đầu tư nước ngoài so với trước thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, ảnh hưởng tai hại lớn nhất sẽ xảy ra với kinh tế Trung Quốc, vì thị trường thu mua lớn nhất hàng hoá Trung Quốc và nguồn cung ứng khoa học kỹ thuật sẽ bị đóng lại. Và do đó khả năng Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận một cuộc chiến tranh với Mỹ trên biển Đông Nam Á là điều gần như không thể xảy ra, tất nhiên không thể loại trừ khả năng mù quáng của những người lãnh đạo độc đoán nhưng có tư tưởng dân tộc sô vanh nước lớn. Tuy thế, tranh chấp bá quyền vẫn là chiều hướng của khu vực. Cả Trung Quốc và Mỹ đều đang muốn xây dựng lực lượng đồng minh chiến lược.
Bài viết này cố gắng đặt Việt Nam vào cuộc chạy đua bá quyền hiện nay ở châu Á và thử tìm hiểu về con đường hành xử hợp lý nhất cho Việt Nam ở tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông Nam Á.
Trung Quốc và nhu cầu dầu hoả
Trung Quốc hiện nay là nước dùng năng lượng nhiều thứ hai thế giới sau Mỹ. Tuy nhiên họ chỉ tự đáp ứng được 90% nhu cầu, chủ yếu là dùng than đá. Về dầu hoả, Trung Quốc cũng là nước dùng nhiều thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Trung Quốc dùng 6,6 triệu thùng một ngày, bằng 1/3 số tiêu thụ của Mỹ và phải nhập 3 triệu thùng một ngày. Mức dùng ngày càng tăng và dự đoán là vào năm 2020, Trung Quốc có thể dùng từ 10 đến 13,6 trệu thùng một ngày trong khi đó chỉ có thể sản xuất trong nước khoảng từ 2,7 đến 4 triệu thùng một ngày. Như vậy Trung Quốc có thể phải nhập tới 60-80% mức tiêu thụ.
Trung Quốc hiện nay giải quyết nhu cầu dầu hỏa theo hướng đa dạng hoá nguồn cung và đa dạng hoá phương cách cung cấp, không chỉ bằng đường thủy mà còn bằng ống dẫn trên bộ:
* Trung Quốc nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau trên toàn thế giới, tăng nguồn cung từ châu Phi và châu Mỹ.
* Trung Quốc đầu tư vào sản xuất ở các nước như In-đô-nê-xi-a ở châu Á, Venezuela ở Nam Mỹ, Sudan, Angola và Nigeria ở châu Phi. Hiện nay phần chia lợi tức từ đầu tư trực tiếp cung cấp cho Trung Quốc khoảng 15% tổng lượng dầu nhập. Đầu tư trực tiếp giúp bảo đảm nguồn cung cấp mà giá cả lại không bị ảnh hưởng bởi giá trên thị trường thế giới.
* Nhằm bảo đảm thêm nguồn cung cấp nếu như có chiến tranh, Trung Quốc tạo thêm đường cung cấp qua đất liền, thay vì chỉ dựa vào đường thủy từ Trung Đông và châu Phi qua Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trung Quốc ký kết xây dựng đường dẫn dầu hoả thẳng từ Kazakhstan vào Trung Quốc. Các đường dẫn dầu này đã bắt đầu hoạt động từ năm 2006. Nguồn cung từ Nga qua ống dẫn dầu vẫn còn trong vòng thương thuyết, nhưng nếu hoàn thành thì hai nguồn này sẽ cung ứng khoảng 17% dầu hoả nhập khẩu.
Việc tăng cường đầu tư trực tiếp vào ngành dầu khí ở các nước cũng tạo cơ hội cho Trung Quốc nhận thầu các công trình hạ tầng lớn ở những nước này và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Trung Quốc. Chính sách ngoại giao của Trung Quốc vì vậy sẽ phải được xử lý nhằm bảo đảm việc tiếp tục tiếp cận thị trường và do đó khả năng cọ xát, đối đầu với Mỹ càng có cơ hội phát triển. Nơi cọ xát lớn hiện nay là Iran và Sudan. Đây là hai nơi mà chính sách ngoại giao của Trung Quốc cần được theo dõi để có thể nắm bắt được sách lược chung của Trung Quốc, và để đánh giá xem nó chỉ nhằm mang lợi ích cho Trung Quốc hay nhằm mang lại lợi ích chung cho hoà bình thế giới. Sudan hiện nay cung cấp cho Trung Quốc khoảng 5% tổng lượng nhập khẩu, còn Iran khoảng 11%.[5]
Bảo đảm thủ đắc được tài nguyên trên Biển Đông Nam Á, đặc biệt là dầu hoả, cũng là một lý do quan trọng đẩy Trung Quốc tiếp tục chính sách tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông Nam Á.
Trung quốc và nhu cầu tăng cường sức mạnh quân sự
Đài Loan đã là lý do được dùng để Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự. Ít nhất đấy là lý do rõ ràng nhất mà nhiều người có thể hiểu được. Hiện nay (2007), một năm Trung Quốc chi tiêu 75 tỷ USD cho quân sự so với chi tiêu 500 tỷ USD của Mỹ, 44 tỷ USD của Nhật, 65 tỷ USD của Nga và 24 USD tỷ của Ấn Độ.[6] Quân đội Trung Quốc đã được trang bị:
Tên lửa xạ kích tầm gần, tầm trung và tầm xa (short, medium and long range ballistic missiles: MRBMs, MRBMs, LRBMs). Tầm xa là loại có thể tấn công vào châu Âu và lục địa nước Mỹ từ Trung Quốc;
Tên lửa xạ kích tầm xa lưu động (thay thế loại ở các silo bất động);
tàu ngầm với khả năng bắn từ dưới nước tên lửa điều khiển từ xa chống chiến hạm (ASCMs - anti-ship cruise missiles), với khoảng cách 100 dặm.
MARV (maneuverable re-entry vehicle), loại võ khí mới nhất mang đầu đạn nguyên tử bắn từ xa 1000 dặm (1609 km), nhưng chuẩn xác trong vòng 36m. Đầu đạn có khả năng tránh bị khám phá, ngăn chặn.
Theo đánh giá của Eric A. McVadon, Phó Đô Đốc Hải quân Mỹ (đã về hưu), Trung Quốc hoàn toàn có thể chiến thắng lực lượng phòng thủ Đài Loan. Chiến tranh có thể thực hiện trong 3 giai đoạn: tấn công bằng tên lửa mà Đài Loan không có khả năng chống lại, ngay cả với sự hỗ trợ toàn diện về phòng thủ chống tên lửa của Mỹ và Nhật. Sau đợt tấn công đó là cuộc tấn công đổ bộ bằng hải quân và cuộc tấn công trên không bằng máy bay và cuối cùng là đổ bộ đội quân đánh bộ lớn. Các tên lửa tầm trung và tầm xa là nhằm phá hoại toàn bộ hệ thống thông tin của Đài Loan, kể cả vệ tinh liên lạc. Cuộc tấn công toàn diện chỉ có thể xảy ra chớp nhoáng để Mỹ không kịp trở tay can thiệp, nếu như được phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả. Điều này McVadon nghi ngờ là Trung Quốc có thể làm được. Tuy nhiên, McVadon cũng cảnh báo là việc sử dụng “Nhóm tấn công bằng hàng không mẫu hạm” của Hải quân Mỹ (US Navy carrier strike groups) có thể không an toàn vì sự hoạt động của các tàu ngầm Trung Quốc, dù Trung Quốc chưa có biện pháp theo dõi khám phá. McValdon cho rằng Trung Quốc đã hoàn thành các tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử (nuclear-powered attack submarines SSNs) do đó hoạt động của chúng không bị giới hạn về tầm hoạt động. Trung Quốc cũng đang xây dựng hàng không mẫu hạm theo mẫu Varyag mua của Ukraine. Vừa rồi (tháng 1 năm 2007) Trung Quốc thử nghiệm việc bắn rơi vệ tinh theo dõi khí tượng của họ để trở thành nước thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Nga có khả năng này. Mặc dù không nói thẳng ra nhưng về mặt quân sự, McVadon cũng biết rõ là Mỹ có khả năng tiêu diệt toàn bộ vệ tinh của Trung Quốc và vì vậy việc điều hành chiến trận, kể cả tàu ngầm của Trung Quốc còn rất hạn chế so với khả năng của Mỹ. Tuy thế, “chúng ta và thế giới cần cảnh giác với khả năng Trung Quốc chuyển hướng theo đuổi chính sách bá chủ khu vực và ý đồ có thể có trong trong tương lai là đuổi Mỹ ra khỏi Bắc Á.”[7] McVadon cho rằng chưa thể hiểu được ý đồ của Trung Quốc, nhưng phải bằng mọi cách làm cho họ biết rằng cái giá phải trả cho việc dùng chiến tranh để giải quyết vấn đề Đài Loan là rất lớn. Cái giá này xoay chung quanh khả năng sống còn của Đảng Cộng sản, tức là dựa vào khả năng tiếp tục tăng trưởng kinh tế, ổn định của khu vực, và uy tín quốc tế của một quốc gia có trách nhiệm trên thế giới.
Lo lắng của Mỹ về việc Trung Quốc xây dựng hạm đội tàu chiến, tàu ngầm và tên lửa đã được Rumsfeld, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phát biểu năm 2005. “Không có một cuộc thảo luận thẳng thắn nào” mà có thể bỏ qua việc tăng cường nhanh chóng lực lượng quân sự. “Khi không có nước nào đe dọa Trung Quốc, người ta tự hỏi: tại sao lại phải tăng đầu tư ghê thế?” Bài phát biểu đã gây chấn động trên chính trường Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng mới Robert M. Gates, trong cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng của các nước ở khu vực Thái Bình Dương vào tháng 6 năm 2007 ở Singapore, mặc dù có dịu giọng hơn vì mục đích tạo cơ sở hợp tác Mỹ-Trung Quốc và không để tạo ra phản ứng chống Trung Quốc quá đáng ở Quốc hội Mỹ, vẫn nhắc đến sự việc là Trung Quốc không minh bạch trong hợp tác, vì chi tiêu quân sự vượt xa những gì công bố trong ngân sách.[8] Bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ một tuần trước đó cũng đã đưa ra các bằng chứng về cố gắng tăng cường sức mạnh của quân đội Trung Quốc, kể cả khả năng chiến tranh trên không gian mà Mỹ cho rằng Trung Quốc có thể dùng để tấn công căn cứ và tàu Mỹ trên Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng đã hoàn thành vào cuối năm 2006, 60 tên lửa liên lục địa loại Dong Feng 32, có thể bắn vào châu Âu hay lục địa Mỹ.[9] Và Robert M. Gates đại diện Mỹ tiếp tục cam kết “chúng tôi là quyền lực châu Á với lợi ích lâu dài và quan trọng về an ninh, kinh tế và chính trị”, “chúng tôi, dù có những cam kết ở nơi khác, sẽ hoàn thành những cam kết ở châu Á.”
Như đã trình bày, Trung Quốc có nhu cầu lớn về dầu hoả, và Trung Quốc ngày càng trở thành một lực lượng quân sự đáng kể mà các nước trong khu vực đều không có khả năng đối phó, trừ khi Mỹ sẵn sàng nhúng tay trực tiếp và toàn diện. Điều mà ai cũng thấy là việc nhúng tay của Mỹ ở bất cứ đâu cũng sẽ giới hạn, như đã chứng tỏ trong cuộc chiến tranh hạn chế của Mỹ ở Việt Nam trước đây hay hiện nay ở Iraq. Mỹ không có khả năng hy sinh mạng sống của dân dài lâu để đạt được chiến thắng.
Như thế, liệu Trung Quốc có thể sử dụng lực lượng hải quân được tăng cường để chiếm lãnh Biển Đông Nam Á vì tiềm năng dầu hoả ở đó không? Điều này chắc chắn không xảy ra với bất cứ một người lãnh đạo có lý trí nào. Như McVadon nhận định, Trung Quốc sẽ không thể hành động làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước họ. Bất cứ một cuộc chiến tranh nào kể cả chiến tranh hạn chế với Đài Loan sẽ đưa nền kinh tế Trung Quốc đến chỗ bị cô lập, cấm vận, và sẽ suy thoái trầm trọng bởi vì không ai trên thế giới có thể nhắm mắt làm ngơ với những hành động như vậy. Ở Trung Quốc, việc Đảng Cộng sản tiếp tục nắm được chính quyền vào lúc đó sẽ không phải là điều bảo đảm. Do đó, người ta chỉ có thể thấy sự bành trướng quân sự hiện nay nhằm vào 3 mục tiêu mấu chốt sau:
Hăm hoạ và áp lực Đài Loan để hòn đảo này chấp nhận những điều kiện của Trung Quốc. Mới đây, sau những hành động nâng cấp đe doạ, Trung Quốc đã phải hạ nhiệt vì thấy nó chỉ tạo ra phản ứng tăng cường lo ngại và cảnh bảo của thế giới về sức mạnh quân sự của Trung Quốc và về thái độ hăm doạ này. Còn Đài Loan tất nhiên biết rõ sức mạnh của Trung Quốc, nhưng không vì thế mà họ chịu khuất phục.
Đặt áp lực vào Mỹ và các nước trong vùng Đông Nam Á để Trung Quốc được chấp nhận như một quyền lực khu vực và quốc tế cần được lắng nghe. Điều này tất nhiên Trung Quốc đã thành công, nhất là khi Mỹ cần lá phiếu của một thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An như Trung Quốc.
Tạo niềm hãnh diện trong nhân dân Trung Quốc về sức mạnh của Trung Quốc, qua đó chấp nhận “sự lãnh đạo sáng suốt” của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này Trung Quốc cũng đã quá thành công nhất là đã tạo ra tâm lý chống Nhật trong thanh niên tới mức phải dùng biện pháp mạnh để kiểm soát.[10]
Tất cả 3 điểm trên đều có thể là hiện thực bình thường mà các nước khác chấp nhận. Chỉ có điều khi các cuộc vận động ái quốc vượt khỏi tầm kiểm soát của các nhà chính trị thì không thể loại bỏ khả năng lao vào chiến tranh. Đó mới là điều đáng lo lắng.
Trung Quốc dùng vũ lực trong tranh chấp biển Đông Nam Á và chính sách của Mỹ
Về Hoàng Sa, sau thế chiến thứ hai, quân Tưởng Giới Thạch chiếm Đảo Woody (Phú Lâm) trong quần đảo Hoàng Sa[11] đúng lúc chiến tranh Pháp Việt bùng nổ ở Hà Nội. Pháp phản đối. D’Argenlieu đưa tàu chiến Tonkinois định chiếm lại, thấy có 3 sĩ quan và 60 lính trên đảo, nhóm này kêu cứu, Chính phủ Tưởng ở Nam Kinh phản đối. Pháp không chiếm. Sau khi Trung Quốc kiểm soát lục địa năm 1949, họ cũng chiếm các đảo khác trên Quần đảo Hoàng Sa, trừ đảo Hoàng Sa thuộc Pháp. Đảo này sau đó trao lại cho Việt Nam Cộng hoà. Trong số 130 điểm trong khu quần đảo Hoàng Sa có 12 đảo nhỏ có tên, trong đó có hai đảo tương đối lớn hơn là Hoàng Sa (Pattle island) ở nhóm Crescent Group (nhóm Tây) và Phú Lâm (Woody Island) ở Nhóm Amphitrite (nhóm Đông). Không có đảo nào rộng hơn 2,5 km², tức là không có đảo nào “có khả năng kéo dài được việc cư trú (sinh sống) của con người và đời sống kinh tế riêng của nó, [và do đó] không được phép có Vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa…” theo như luật biển Liên Hợp Quốc. Khi quân Tưởng rút ra Đài Loan, quân Trung Quốc tới thay thế, vào năm 1956 đã thấy cờ Trung Quốc ở đó. Năm 1974, Trung Quốc gửi quân chiếm Đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam, kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
1972-1990: thời kỳ đồng minh chiến lược Mỹ - Trung
Giai đoạn 1972 tới 1990 là giai đoạn bành trường của Trung Quốc từ từ vào Biển Đông Nam Á. Đây là giai đoạn sau Thông cáo Thượng Hải được ký kết giữa Mỹ và Trung Quốc năm 1972, tạo thế đồng minh chiến lược nhằm chống Liên Xô và qua đó Mỹ dựa vào Trung Quốc áp lực Việt Nam ký Hiệp định Paris để tiến tới lập chính phủ Liên Hiệp ở miền Nam. Trong thời kỳ này, Trung Quốc thực hiện việc lấn chiếm từ từ ở Biển Đông Nam Á. Năm 1974, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Mỹ im lặng, không lên tiếng phản đối hành động bạo lực của Trung Quốc, và không ủng hộ đồng minh của mình là Việt Nam Cộng hoà. Có lẽ đây là cái giá Mỹ trả cho Trung Quốc để có được sự đồng minh chống Liên Xô và chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Các cuộc chiếm đóng tiếp nối của Trung Quốc sau khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975 đều không tạo phản ứng của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ lấy quan điểm là tranh chấp ở Biển Đông Nam Á “để cho các phe tranh chấp tự giải quyết với nhau.”[12]
Năm 1988, Mỹ cũng không phản ứng khi Trung Quốc chiếm các điểm đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc Việt Nam, lúc này là do Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một kẻ thù của Mỹ chiếm đóng. Nếu Trung Quốc tiếp tục chiếm các đảo của Việt Nam thì có lẽ Mỹ vẫn tiếp tục làm ngơ. Nhưng không, Trung Quốc muốn thử lửa, nhằm đẩy tới khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông Nam Á bằng cách chiếm hòn đá Mischief mà Phi Luật Tân tuyên bố có chủ quyền. Hòn đá này lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi. Mỹ phản ứng.
1990-2001: giao đoạn phản ứng của khối ASEAN
Tuy nhiên đến năm 1990, có hai sự kiện quan trọng xảy ra, đã đưa Mỹ và các nước đồng minh Mỹ xét lại chính sách hợp tác chiến lược với Trung Quốc nhằm chống Liên Xô và kiềm chế Việt Nam. Đó là sự kiện Thiên An Môn, mà Trung Quốc cho quân đội bắn dẹp sinh viên biểu tình vào tháng 6 năm 1989, cho thấy rõ rằng Trung Quốc sẽ không tiến tới một chế độ dân chủ cởi mở hơn. Sự kiện thứ hai là sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1990 đưa đến tình hình Liên minh Mỹ-Trung chống Liên Xô không còn cần thiết. Sự kiện thứ hai tất có giá trị chiến lược quyết định chính sách của Mỹ, nhưng sự kiện Thiên An Môn làm cho việc không cần Trung Quốc chuyển sang việc chống Trung Quốc trên dư luận. Sự kiện Thiên An Môn đưa đến việc cấm vận bán vũ khí cho Trung Quốc của Mỹ và Liên hiệp Âu châu. Dư luận chống Trung Quốc chỉ bị kìm hãm sau này khi có sự kiện 11/9/2001 xảy ra vì Mỹ không thể không cần Trung Quốc. Ở khu vực, việc Việt Nam và đồng minh ở Campuchia chấp nhận bầu cử tự do vào tháng 5 năm 1993 sau khi Việt Nam rút quân đã tước bỏ lý do để Mỹ và đồng minh ở Đông Nam Á tiếp tục coi Việt Nam là kẻ thù cần cô lập. Trong tình hình như thế, Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách bành trướng ở Biển Đông Nam Á. Tháng 2 năm 1992 Trung Quốc khẳng định lại chủ quyền trên toàn biển Đông Nam Á, có lẽ đã để thử lửa Mỹ và sự đoàn kết của tổ chức ASEAN của các nước Đông Nam Á.
Tháng 2 năm 1995, Trung Quốc chiếm Mischief Reef mà Phi-líp-pin tuyên bố có chủ quyền, bắt thuyền trưởng một tàu đánh cá của Phi. Mischief nằm trong vùng Kinh tế độc quyền của Phi. Phi đem tàu chiến với quan chức và 38 phóng viên tới quan sát bị tàu chiến của Trung Quốc ngăn lại. Hành động của Trung Quốc làm các nước ASEAN bất ngờ vì trước đó họ tưởng rằng Trung Quốc chỉ kiếm cách chiếm các đảo của Việt Nam. Các nước ASEAN đồng thanh phản đối Trung Quốc. Đại diện của ASEAN họp với Trung Quốc ở Hàng Châu và nói với Trung Quốc là “hành động của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa là rất nghiêm trọng và đòi hỏi Trung Quốc chấm dứt cho xây dựng các cứ điểm quân sự trên các đảo có tranh chấp.”[13]
Phi cũng thành công vận động Quốc hội Mỹ ra nghị quyết vào tháng 3 năm 1995 nhấn mạnh: “quyền đi lại tự do trên Biển Nam Trung Quốc nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ.” Ngày 10 tháng 5 năm 1995, Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu mạnh hơn: “Mỹ sẽ rất quan tâm đến bất cứ một đòi hỏi liên quan đến biển hay ngăn cản hoạt động hàng hải ở Biển Nam Trung Quốc, không phù hợp với Luật Biển.” Một nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ viết: “Mỹ không có quan điểm đúng sai pháp lý về các tuyên bố chủ quyền. Lợi ích chiến lược của chúng ta trong việc duy trì đường thông thương nối liền Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Ấn Độ Dương đòi hỏi chúng ta chống lại các xác lập chủ quyền vượt khỏi điều mà Công ước Luật Biển cho phép.” Vào 16 tháng 6 năm 1995, Joseph Nye, Phụ tá Bộ Trưởng Quốc phòng về An ninh Quốc tế nói với báo giới ở Tokyo là “nếu hành động quân sự xảy ra ở Quần đảo Trường Sa và ngăn cản tự do đi lại trên biển cả thì chúng tôi sẵn sàng hộ tống và bảo đảm rằng thông thương tiếp tục.” Mỹ đã thể hiện việc điều chỉnh thái độ ở mức độ nhất định. Và để xác định quyền tự do lưu thông, Mỹ đều đặn cho tàu chiến và máy bay đi qua vùng được phép lưu thông tự do.
Trước sự đoàn kết của khối ASEAN và thái độ của Mỹ, Trung Quốc thay đổi thái độ. Trung Quốc đã phải ký kết với khối ASEAN vào ngày 4 tháng 11 năm 2002 Tuyên bố về Hành vi của Các bên ở Biển Nam Trung Hoa,[14] “tái cam kết với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước LHQ năm 1982 về Luật Biển”, “tránh những hành động cư trú ở những đảo, đá, bãi cát, đảo thấp”, cam kết giải quyết tranh chấp chủ quyền một cách hoà bình và “tôn trọng quyền tự do giao thông và bay trên Biển Nam Trung Hoa.” ASEAN sau đó thiết lập một chế độ theo dõi sát tình hình. Đây không phải là một Hiệp ước với những điều khoản chi li, dù việc thương thảo kéo dài rất lâu nhưng nó đánh dấu hai sự kiện quan trọng:
Trung Quốc đã phải thương thảo đa phương về Biển Đông Nam Á mà trước đó họ không chấp nhận vì chủ trương của họ là thương thảo song phương với từng nước có tranh chấp với Trung Quốc theo chính sách “chia để trị”. Việc chấp nhận thương thảo đa phương này đã tăng sức mạnh của từng nước ASEAN và làm Trung Quốc yếu thế đi.
Tuyên bố này áp dụng chung ở Biển Đông Nam Á, chứ không chỉ ở Trường Sa. Với đòi hỏi của Việt Nam được sự đồng tình của ASEAN, Trung Quốc không thể coi Hoàng Sa là lãnh thổ Trung Quốc. Chính đòi hỏi của Việt Nam đã làm thương thảo chậm lại.[15]
Ngoài hành động trên, một số nước ASEAN vì lo ngại đã ký kết hợp tác quân sự với Mỹ. Năm 1999, Singapore ký kết cho phép Mỹ lập căn cứ quân sự ở đó. Cũng cùng năm, Phi-líp-pin ký kết cho phép chiến hạm Mỹ thăm cảng Phi. Năm 2003, Việt Nam cho chiến hạm Mỹ thăm thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên với sự khác biệt hiện nay giữa các nước ASEAN về chủ quyền trên Biển Đông Nam Á, và sự suy yếu của In-đô-nê-xi-a, ASEAN chưa tìm ra lý do và lợi ích để tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn trong việc đối phó với Trung Quốc.
Chuyển hướng có giới hạn trong chính sách của Tổng thống Bush từ 2001
Năm 2000, George W. Bush thắng cử. Nhằm xác định quan điểm bảo đảm giao thông quốc tế và đồng thời nhằm thu thập thông tin tình báo, máy bay Mỹ thuộc Cục An Ninh Quốc gia (National Security Agency) vào 1 tháng 4 năm 2001 bay qua vùng biển thuộc biển Nam Trung Hoa. Trung Quốc cho máy bay bay theo và đụng vào máy bay Mỹ. Máy bay Trung Quốc rớt, còn máy bay Mỹ bị hư hại phải hạ cánh xuống Đảo Hải Nam, gây ra tình trạng căng thẳng giữa hai nước. Mỹ xin lỗi về sự kiện máy bay Trung Quốc rơi, nhưng từ chối xin lỗi về cái mà Trung Quốc kết án là Mỹ xâm phạm vào chủ quyền Trung Quốc. Mỹ cho rằng bay ngoài vùng cách lãnh hải Trung Quốc 60 km (32 hải lý) là thuộc quyền tự do thông thương trên bầu trời nằm trên vùng đặc quyền kinh tế; việc này hoàn toàn hợp pháp theo Công ước về Luật Biển. Đây là quyền tự do lưu thông mà Mỹ tuyên bố sẵn sàng bảo vệ. Chắc không nắm rõ ý nghĩa của việc này, Việt Nam lên tiếng ủng hộ Trung Quốc, tức là cho rằng Mỹ không có quyền tự do đi lại theo Luật Biển.
Bush cũng xét lại chính sách quốc phòng, đặc biệt với Trung Quốc, trong tài liệu Nuclear Posture Review (tháng 12, 2001), chuyển từ đe doạ sang xây dựng tiềm năng nhằm ngăn ngừa và chống đỡ các mối đe doạ, rút khỏi Hiệp ước chống đầu đạn nguyên tử để có thể phát triển võ khí nguyên tử loại nhỏ. Bush tuyên bố “Nga trước đây không phải là Nga bây giờ, Nga bây giờ không phải là kẻ thù của chúng ta.” Bush tuyên bố “không để cho một thế lực nào ngóc cổ cạnh tranh với Mỹ.” Bush thay chính sách coi Trung Quốc là “người bạn chiến lược” của Clinton bằng chính sách “đối thủ chiến lược”.
Nhằm tăng cường khả năng phản ứng với Trung Quốc nếu cần, ngày 12/8/2005, Mỹ và Nhật ký thoả ước coi an ninh ở eo biển Đài Loan là “mục đích chiến lược chung của hai nước.”
Trong báo cáo Quadrennial Defense Review (2005) của Bộ Quốc phòng, Mỹ đánh giá là Trung Quốc đang ở ngã ba đường, hoặc chọn “hoà nhập hoà bình và cạnh tranh ôn hoà” (peaceful integration and benign competition) hoặc chọn “ảnh hưởng vượt trội trong vùng ảnh hưởng ngày càng bành trướng thêm.” (dominant influence in an expanding sphere). Chưa thể biết rõ Trung Quốc định làm gì, nhưng bản báo cáo nói lên quan ngại lớn về các chương trình tăng cường vũ khí của Trung Quốc, kể cả “đầu tư lớn vào tăng khả năng theo hướng dự phóng sức mạnh” (investment in power-projection), đang trên đường “tìm cách đối phó lại với bước tiến quan trọng của Mỹ trong việc thống trị thông tin và khả năng tấn công sâu”, về địa vị “cán cân sức mạnh đã nghiêng về phía Trung Quốc” trong khu vực Vịnh Đài Loan, và vượt xa hơn với “khả năng nhằm vào mục tiêu khu vực” (regional targeting capabilities).
Nói chung để tạo sự cân bằng mới trong khu vực châu Á và quy tụ đồng minh, phòng hờ việc đối phó với Trung Quốc khi cần, Mỹ thúc đẩy Nhật nhận vai trò quan trọng hơn về an ninh khu vực, chuyển từ một nước từ bỏ chiến tranh sang một nước có quân đội bình thường như nước khác, và tham dự cùng Mỹ vào việc phòng thủ khu vực kể cả Đài Loan bằng mạng lưới ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa. Mỹ đặc biệt tăng cường quan hệ với Ấn Độ, cũng là một cường quốc đang lên, bằng việc xoá bỏ các chính sách cấm vận võ khí với Ấn Độ do trước đây Ấn Độ cương quyết tự phát triển võ khí nguyên tử, qua đó chính thức chấp nhận Ấn Độ là một cường quốc nguyên tử. Với các nước ASEAN Mỹ cũng tăng cường quan hệ quân sự.
Theo phân tích của Daniel Twining, [16] Mỹ cũng có chính sách lôi kéo hai nước In-đô-nê-xi-a và Việt Nam. Hai nước này có lẽ sẽ không bao giờ chính thức trở thành đồng minh của Mỹ do điều kiện lịch sử và tinh thần dân tộc. Tuy nhiên cả hai nước đều lo ngại Trung Quốc cho nên với nền kinh tế phát triển và lực lượng quân sự mạnh, hai nước này cũng sẽ có thể đóng vai trò đối trọng độc lập với Trung Quốc ở vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, Mỹ đã chọn lựa In-đô-nê-xi-a là một lực lượng quan trọng và diễn viên chiến lược trong khu vực rộng lớn hơn, một phần In-đô-nê-xi-a là nước dân chủ, đa dân tộc và tương đối giầu có. Hợp tác quân sự đã trở nên toàn diện từ năm 2005. Đối với Việt Nam, Mỹ thận trọng hơn, không muốn đi quá nhanh vì sợ trở thành kẻ tiếp tay cho Việt Nam lợi dụng cơ hội đàn áp dân chủ, tăng cường chuyên chế. Đồng thời sự tranh giành giữa hai khuynh hướng ở giới lãnh đạo Việt Nam hoặc dựa vào Trung Quốc cùng bảo vệ xã hội chủ nghĩa hoặc hoà nhập với thế giới cũng đã làm chậm quá trình làm sâu hơn quan hệ Mỹ Việt.[17] Tuy vậy, đã có nhiều hành động Mỹ đã làm nhằm làm cho mối liên hệ quân sự mạnh hơn. Năm 1997, chiến hạm Mỹ thăm Việt Nam và rồi sau đó Mỹ đồng ý huấn luyện sĩ quan Việt Nam sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà sang thăm Mỹ năm 2003. Theo phỏng vấn của Twining với quan chức Mỹ, Mỹ muốn Việt Nam có khả năng tham gia vào giữ gìn an ninh đường hàng hải quốc tế ở châu Á và có thể giữ vai trò rộng lớn đối với an ninh châu Á. Nói tóm lại, Mỹ muốn Việt Nam mạnh về kinh tế để có khả năng tăng cường sức mạnh quân sự. Mặc dù bắt chước mô hình chính trị và phát triển kinh tế của Trung Quốc, cựu Đại sứ Mỹ Raymond Burghardt (2001-2004) ở Việt Nam cho rằng ”các quan chức ở Hà Nội tin rằng Trung Quốc không bao giờ muốn một Việt Nam mạnh và độc lập,” rằng “Quan chức Việt Nam trong trao đổi riêng, thừa nhận vai trò của Mỹ trong việc bảo đảm ổn định khu vực qua các cam kết về an ninh và sự lãnh đạo của Mỹ.” Ông ta viết như sau:[18]
Trong gần 10 năm sau bình thường hoá, chính sách Mỹ đối với Việt Nam không bị thúc đẩy bởi các mục tiêu chiến lược. Nhưng chính quyền [Bush] ngày càng nhận thấy ở Việt Nam tiềm năng phát triển kinh tế nhanh và lâu dài, tiềm năng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các tổ chức khu vực Đông Nam Á, và vì vậy có “tiềm năng chiến lược.”
Ông ta cũng viết:
Lãnh đạo Việt Nam đã nói lên tiếng nói có thẩm quyền về lo lắng của họ về ý định của Mỹ ở Á châu khi Phó Thủ tướng Vũ Khoan sang thăm Mỹ và đầu tháng 12 năm 2003. Khoan bóng gió về các lo lắng này trong các phát biểu trước công chúng và thẳng thắn hơn trong các cuộc gặp gỡ riêng với Bộ trưởng Ngoại giao Powell và Cố vấn An ninh Quốc gia Rice.
……….
Trong gặp gỡ riêng hay bán riêng, quan chức có thẩm quyền Việt Nam nói trực tiếp về góc cạnh Trung Quốc trong sự phấn khởi mới tìm thấy ở Mỹ. Một quan chức ngoại giao quan trọng nói với tôi “ tam giác đang mất thăng bằng.”
Và ông ta viết về chính sách của Mỹ đối với Việt Nam như sau:
Mở rộng điều chỉnh chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam là một phát triển quan trọng, nhưng không nên cường điệu. Việt Nam, trong khi đánh giá cao vai trò của Mỹ trong việc giữ cân bằng lực lượng khu vực, vẫn còn nghi ngờ thâm sâu việc truyền đạo dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo, và họ nhìn vào đó như những yếu tố của một âm mưu đen tối nhằm ngầm phá quyền lực của Đảng Cộng sản bằng “diễn tiến hoà bình.”
….
Quan hệ quân sự hai bên sẽ tăng nhưng tiến bộ sẽ chậm. Việt Nam sẽ đánh giá cao vai trò cân bằng chiến lược của Mỹ nhưng sẽ chống lại việc trở thành một phần của chính sách be bờ ngăn chặn Trung Quốc. Những người làm chính sách Mỹ hiểu và chấp nhận điều này, bởi vì Mỹ không có chính sách be bờ ngăn chặn (containment) Trung Quốc mà phòng hờ (hedging).
Đây là một chiến lược phòng hờ của Mỹ nên không thể hoàn toàn rõ ràng, đặc biệt là đối với một nước như Việt Nam. Không phải là thù, mà cũng chẳng phải là bạn, và về ý thức hệ lại được coi là anh em thân thiết với Trung Quốc nên việc chính phủ Mỹ dù có muốn tạo thế đồng minh chiến lược với Việt Nam cũng khó tranh thủ được hậu thuẫn của dư luận công chúng Mỹ. Do đó, Việt Nam với tình hình như hiện nay chỉ có thể được coi là nằm ở vùng đệm.
Đại chiến lược của Mỹ ở Biển Đông Nam Á trong tương lai
Như đã nói ở trên, chiến lược của Mỹ hiện nay chỉ có tính chất phòng hờ nhằm đối phó với một cường quốc đang lên mà ý đồ chiến lược quân sự không minh bạch. Mỹ không biết thực sự Trung Quốc muốn gì. Mỹ đã nói thẳng, Mỹ không có lý do gì để cản trở Trung Quốc phát triển kinh tế một cách hoà bình. Ngoài ra, khó khăn thực tế của Mỹ trên chiến trường Iraq, trong việc đối phó với khủng bố, với phát triển võ khí nguyên tử ở Bắc Hàn và Iran đã đòi hỏi Mỹ hoà hoãn để có sự hợp tác và lá phiếu của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên Mỹ cũng nói thẳng là Mỹ không muốn một nước nào nổi lên làm bá chủ khu vực Á châu. Nhiều nhà chiến lược Mỹ đặc biệt tụ tập quanh Bush cho rằng Clinton đã đánh giá quá thấp sức mạnh quân sự của Trung Quốc, và chính vì vậy mà Bush đã điều chỉnh chính sách. Sự đánh giá này có vẻ càng được nhiều người đồng ý.
Nhìn về tương lai thì quan điểm của Mỹ về việc không chấp nhận một bá chủ thứ hai cạnh tranh ở châu Á có nghĩa là gì? Trả lời được câu hỏi này mới hy vọng thấy được đại chiến lược của Mỹ dù đảng nắm chính quyền là ai. Có thể nói, nếu Trung Quốc cũng xây dựng hạm đội, hệ thống tên lửa và võ khí trên không ngang ngửa với Mỹ ở Biển Đông Nam Á thì Mỹ sẽ không có lý do phản ứng bằng vũ lực. Trường hợp này, Mỹ chỉ có thể cùng Trung Quốc chạy đua vũ trang tới tận răng. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự chiếm Đài Loan hoặc để thực hiện chủ quyền ở toàn Biển Đông Nam Á, tức là đuổi Mỹ ra khỏi khu vực, và đồng thời gây khó khăn trong giao thông ở Biển Đông Nam Á, Mỹ sẽ không thể bỏ chạy như đã bỏ chạy ở nhiều nơi khác vì đây là sự sống còn của Mỹ và đồng minh Mỹ và có thể nói là của nền dân chủ tây phương kéo dài từ Hàn Quốc, Nhật, qua các nước trong vùng Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu. Lúc đó có thể nói chế độ Trung Quốc đã mang mầu sắc phát-xít, bởi vì chỉ có loại chế độ như vậy mới chủ trương dùng chiến tranh và bạo lực để thực hiện mưu đồ bá chủ, bỏ qua các điều khoản về Công ước Biển mà họ đã ký kết. Điều này khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, ở vào tình huống xấu nhất này thì Việt Nam sẽ không có một lựa chọn nào khác hơn là trở thành đồng minh chiến lược của Mỹ. Trong những tình huống mà hai cường quốc chỉ gầm gừ tranh giành quyền lợi thì việc trở thành đồng minh chiến lược của Mỹ sẽ không đem lại lợi ích gì mà còn nguy hại vì trở thành kẻ thù của Trung Quốc. Nói tóm lại, khi một trong các cường quốc không minh bạch về chiến lược thì tất cả mọi nước liên quan đều phải có chiến lược phòng hờ. Hoà bình lâu dài trên thế giới đòi hỏi mọi cường quốc minh bạch hoá chiến lược quân sự.
Chính vì để sửa soạn cho tình huống xấu nhất, Mỹ đã phải tập hợp lực lượng đồng minh từ Nhật, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ cho đến cả Việt Nam.
Có thể kết luận về chiến lược của Mỹ ở châu Á như sau:
- Mỹ tăng cường hợp tác chiến lược với tất cả các nước trong khu vực châu Á, đặc biệt là Ấn Độ để có thể đối phó với Trung Quốc khi cần, nhưng Mỹ không chủ trương be bờ chống Trung Quốc như chính sách với Liên Xô trước đây bởi vì dù có muốn cũng không thể thực hiện được.
- Mỹ sẵn sàng chấp nhận Trung Quốc là một cường quốc kinh tế trong đó có việc phân chia lợi ích, kể cả việc điều chỉnh sự cạnh tranh giữa hai nước để tránh các hành động và trả đũa phi kinh tế có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của thế giới. Thí dụ như việc áp lực Trung Quốc để hối suất tự do cũng đang được làm rất thận trọng.
- Mỹ không chấp nhận Trung Quốc trở thành một cường quốc số một về quân sự ở châu Á. Nhưng Mỹ gần như không có bất cứ khả năng quân sự nào ngăn chặn được điều này, ngoài trừ chạy đua vũ trang, nhưng ở trường hợp này, khả năng đáp ứng của Trung Quốc sẽ cao hơn hẳn so với Liên Xô trước đây vì sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Mỹ chỉ có thể hành động khi Trung Quốc ra tay dùng vũ lực chiếm Đài Loan hoặc dùng sức mạnh quân sự thực hiện chủ quyền trên toàn Biển Đông Nam Á.
- Ở mức độ mà Trung Quốc bành trướng một cách hoà bình, điều Mỹ có thể làm là tạo liên minh khu vực và trên toàn thế giới để phòng hờ đối phó khi cần, và quan trọng nhất có lẽ là chính sách cấm vận kinh tế Trung Quốc nếu Trung Quốc đi vào phiêu lưu quân sự.
- Đối với Biển Đông Nam Á, với tư cách là một cường quốc có trách nhiệm và chính sách minh bạch, Mỹ sẽ không thể thay đổi quan điểm sẵn có, đã được hình thành từ lâu đời. Đó là:
*Mỹ sẽ phải tiếp tục coi tranh chấp chủ quyền trên biển Đông Nam Á là chuyện tranh chấp song phương giữa các nước.
*Mỹ sẽ tiếp tục chính sách bảo đảm quyền tự do giao thông trên Biển Đông Nam Á.
- Mỹ hiện nay chưa ký kết Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc, cho nên ở mặt nào đó Mỹ bị hạn chế trong việc dùng luật này để tranh luận với Trung Quốc. Quyền lợi của Việt Nam và một phần nào đó Phi Luật Tân và các nước ASEAN khác gắn chặt với quyền lợi về khai thác tài nguyên ở Biển Đông Nam Á. Thế nhưng chính sách của Mỹ trong hiện tại và có thể trong tương lai sẽ không giúp được gì cho Việt Nam và các nước trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, đặc biệt là khi Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng hợp tác thăm dò và khai thác với các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông Nam Á và chính Việt Nam và Phi đã đồng ý[19].
Phản ứng của Trung Quốc
Như đã phân tích ở trên, Trung Quốc đã không còn ở thế bành trướng tự do vào khu vực biển Đông Nam Á trước sự làm ngơ của Mỹ như trước đây khi mà Mỹ cần Trung Quốc để chống Liên Xô và Việt Nam.
Một số hành động của Trung Quốc sau năm 1990 như việc chiếm đá Mischief của Phi-líp-pin, tập trận chiếm Đài Loan đã làm thế giới phản ứng bất lợi cho Trung Quốc. ASEAN đã có thái độ rõ rệt như một khối đối với Trung Quốc là lên án Trung Quốc. Nhật và Mỹ ký hiệp ước phòng thủ đối với khu vực Bắc Á (kể cả Đài Loan). Singapore và Mỹ ký hiệp ước xử dụng căn cứ quân sự. Với những phản ứng trên, lúc đầu Trung Quốc phản ứng ngược lại bằng các cuộc vận động phong trào quần chúng chống Nhật. Nhưng rồi sau đó nhận thấy những hành động như thế chỉ đẩy nhanh thêm các hoạt động của khu vực kể cả Mỹ nhằm đối phó với những hành động bạo lực có thể có của Trung Quốc, Trung Quốc đã phải giảm bớt giọng điệu đe doạ tấn công giải phóng Đài Loan. Tuy thế, Quốc hội Trung Quốc năm 2005 đã thông qua “Luật chống Ly khai” cho phép quân đội Trung Quốc toàn quyền dùng các hành động “phi hoà bình” nếu như Đài Loan tuyên bố ly khai. Nhưng như đã nói ở đoạn đầu họ vẫn tiếp tục chương trình nhanh chóng tăng cường sức mạnh quân sự trên biển rất tốn kém., không phải chỉ với võ khí phòng bị mà là võ khí nhằm phóng chiếu sức mạnh, đổ bộ[20] (với kế hoạch xây dựng hàng không mẫu hạm), chiến tranh trên không gian như việc thử thành công việc dùng tên lửa liên lục địa bắn phá vệ tinh nhân tạo tháng 1 năm 2007. Các chương trình tăng cường quân sự này đã vượt quá đòi hỏi quân sự nhằm chiếm Đài Loan. Shigeo Hiramatsu đánh giá:[21]
Tổng kết từ các tuyên bố và các bài báo của nhiều giới chức hải quân có thẩm quyền của Trung Quốc, chúng ta có thể tóm lược các mục tiêu của HQTrung Quốc như sau:
- Một bán kính rộng lớn đáng kể cho hoạt động hải quân và khả năng thực hiện các cuộc hành quân ở vùng biển kế cận.
- Các khả năng độc lập kiểm soát trên biển và kiểm soát bầu trời.
- Các khả năng đối phó kịp thời mạnh mẽ.
- Các khả năng đổ quân bằng đường thủy mạnh mẽ.
- Khả năng nhất định về báo hiệu tấn công bằng võ khí nguyên tử.
Hiramatsu cho rằng khoảng 2020 đến 2040 hải quân Trung Quốc sẽ tương đương với bất cứ một cường quốc nào. Theo tiết lộ có tính báo động của Mỹ, vào tháng 11 năm 2006 tàu ngầm Trung Quốc đã tiến gần hàng không mẫu hạm USS Kitty Hawk khi Mỹ tập trận, quá mức 5 dặm mới bị khám phá. Ở tầm xa này, tàu ngầm có thể phóng ngư lôi tấn công.[22]
Như vậy mục tiêu trước mắt và trung hạn ở Biển Đông Nam Á của Trung Quốc là khá rõ ràng:
- Chiếm cứ và xây dựng các cứ điểm quân sự hoặc bán quân sự để theo dõi tình báo nhằm kiểm soát biển Đông Nam Á, hoặc tăng cường khả năng tấn công từ Hoàng Sa (theo tin Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đã xây dựng sân bay và hệ thống phòng thủ tên lửa HY-2 có thể bắn đắm khu trục hạm 3000 tấn trên đảo Woody (Phú Lâm)).
- Tăng cường sức mạnh quân sự nhằm ngấm ngầm đe doạ các nước trong khu vực, đồng thời sẵn sàng mua chuộc tạo thế đồng minh, đòi hỏi sự đầu hàng mà không cần chiến đấu qua đó ít nhất là:
- Tranh giành được quyền lợi về tài nguyên như dầu hoả ở Biển Đông Nam Á.
Theo bản báo cáo cho Quốc hội Mỹ ngoài những kết luận đã bàn ở trên, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc có khả năng chống đổ bộ vào năm 2010.
Tuy nhiên do bị phản ứng mạnh mẽ từ ASEAN và từ Mỹ, Trung Quốc cũng có chuyển đổi tương đối quan trọng về thái độ với ASEAN, tuy rằng điều này có thể đã nằm trong kế sách sẵn có của họ. Họ đã thương thảo với ASEAN như một tập thể để đạt được Tuyên bố về Hành vi của Các bên ở Biển Nam Trung Hoa năm 2002. Đây có thể là hình thức tạm chiến để chống lại khả năng lôi kéo đồng minh của Mỹ.
Có lẽ một bất ngờ hơn với nhiều người là Trung Quốc thành công trong việc mua chuộc Phi Luật Tân. Hai bên vào tháng 9 năm 2004 đã ký kết cùng nhau thăm dò địa chất ở khu vực Trung Quốc và Phi tranh chấp ở Biển Đông Nam Á (giữa hai công ty dầu khí National Oil Company của Phi và Chian National Offshore Oil Company của Trung Quốc). Việt Nam phản đối. Ký kết này đạt được sau những hành động dụ dỗ của Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ sa lầy ở Iraq. Trung Quốc tăng cường đầu tư và thương mại với Phi, đưa thương mại hai bên từ $3.3 tỷ US năm 2000 lên $17,6 tỷ US năm 2005, với cán cân thương mại $8,1 tỷ US nghiêng về phía Phi. Sau ký kết, Hồ Cẩm Đào sang thăm Phi vào tháng 4 năm 2005, hứa đầu tư $1,1 tỷ US vào khai thác mõ kẽm và cho Phi mượn $542 triệu US với lãi suất ưu đãi. Hai bên hứa hẹn đưa ngoại thương hai bên lên $30 tỷ US vào năm 2010.Trung Quốc cho rằng chính sách này là “bước đầu trong tiến trình thực thi đề nghị của Đặng Tử Bình vào năm 1988 về việc bỏ qua tranh chấp để cùng hợp tác thăm dò phá và khai thác tài nguyên.[23] Phi và Trung Quốc cũng ký kết tăng cường hợp tác quân sự ở cấp cao kể cả trao đổi thông tin tình báo ở Biển Đông Nam Á.[24] Cho đến nay sau khi tuyên bố của Hồ Cẩm Đào trong chuyến viếng thăm Bru-nây, In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin vào tháng 4 năm 2005, Hồ cũng nhắc đến việc hợp tác khai thác nhưng các nước này vẫn còn im lặng. Có tác giả đã giải thích hành động của Phi với lý do là Phi nhận thấy không có khả năng chống lại nếu như Trung Quốc đem lực lượng tới thăm dò và khai thác khu Mischiefs do đó đành phải chấp nhận hợp tác với Trung Quốc và do đó đẩy Việt Nam tới cùng một quyết định.[25] Ở đây cũng nên xem xét lại xem điều giải thích này có hợp lý không. Nếu quả đó là sự thật, tức là Mỹ một đồng minh thân tín của Phi, mà làm ngơ hoặc để cho Phi làm như thế (tất nhiên trên cơ sở Mỹ nắm được toàn bộ thông tin) thì độ tin cậy về sự giúp đỡ có tính đồng minh của Mỹ rất thấp. Theo nguồn tin chưa được kiểm chứng từ phía Việt Nam thì Phi hành động như thế vì không được hậu thuẫn của ASEAN trong đó có Việt Nam. Tập trung thông tin lại, ta có thể tìm thấy hai lý do giải thích hành động của Phi như sau: (a) tranh ăn giữa ASEAN với nhau đã làm suy yếu tổ chức này sau khi ký kết được Tuyên bố về Hành vi của Các bên ở Biển Nam Trung Hoa với Trung Quốc; (b) Mỹ không thể có thái độ nếu như ASEAN đã không có chính sách đồng thuận về tranh chấp ở Biển Đông Nam Á.
Như đã nói, Việt Nam lúc đầu phản đối ký kết hợp tác giữa Trung Quốc và Phi nhưng sau thay đổi thái độ vì có lẽ thấy không muốn hoặc không thể là một thành phần tranh chấp nhưng bị bỏ rơi phía sau, và quan trọng hơn sau khi mất hẳn một đồng minh chiến lược khu vực là Phi, Việt Nam có lẽ đã nhận định được là việc tranh thủ được sự ủng hộ của các đồng minh khác trong ASEAN là không khả thi. Việt Nam đành chấp nhận ký hợp tác ba bên Phi, Trung Quốc, Việt Nam trong vòng ba năm. Đây có thể là một thất bại khá đau của ngoại giao Việt Nam vì không nắm được hậu phương, nhưng thất bại này cũng cho thấy một thực tế không thể bỏ qua được là Việt Nam không thể tạo được hậu thuẫn trong tranh chấp ở Biển Đông Nam Á, chừng nào không giải quyết nổi tranh chấp với đồng minh của mình. Việc coi toàn thể các đảo ở Biển Đông Nam Á là thuộc Việt Nam cũng khó lòng là cơ sở tranh thủ đồng minh, bởi vì giới hạn chứng cớ chủ quyền (sẽ bàn thêm sau), hơn nữa đòi hỏi chủ quyền như thế không hoàn toàn phù hợp với Luật Biển, và cũng không thể có khả năng quân sự tự bảo vệ. Sự kiện ký kết này có ý nghĩa là Phi và Việt Nam đã chấp nhận quyền lợi của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Việc Trung Quốc mua chuộc được Phi là một hành động ngoại giao ngoạn mục. Chỗ dựa duy nhất của Việt Nam trong tranh chấp ở Biển Đông Nam Á là ASEAN đã bị Phi phá thủng. Trừ Phi, phần tranh chấp của các nước khác thuộc khối ASEAN nhỏ bé, không đáng kể. Mà ngay cả đối với Phi thì việc họ được hưởng một ít quyền lợi như thế là nằm ngoài dự tính của họ, bởi vì Phi chỉ tham gia vào tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông Nam Á từ năm 1956.[26] Cho đến nay dù ký kết hợp tác, nguyên tắc phân chia lợi nhuận vẫn chưa đặt ra, nhưng khó có thể tránh khỏi nguyên tắc chia đều.
Giải pháp cho Biển Đông Nam Á
Vậy thì giải pháp ở Biển Đông Nam Á sẽ như thế nào? Có thể nói mọi giải pháp có tính ôn hoà, không đưa đến phí phạm vật lực và sinh mạng là sự minh bạch hoá chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông Nam Á. Việc Trung Quốc vừa đòi hỏi chủ quyền ở toàn bộ Biển Đông Nam Á, vừa kêu gọi hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên là một chính sách vừa dẫn dụ bằng cách chia sẻ một tý quyền lợi vừa đe doạ nước yếu với mục đích cuối cùng là ép buộc dần các nước này chấp nhận quyền bá chủ của mình ở một vùng mà trước đây Trung Quốc không để ý tới.
Cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa thay đổi quan điểm coi gần như toàn Biển Đông Nam Á là thuộc chủ quyền của họ (coi bản đồ số 1). Cho nên dù ký kết ba phe, Trung Quốc vẫn lên tiếng vào ngày 12 tháng 4 năm 2007 phản đối Việt Nam xâm phạm chủ quyền Trung Quốc khi Việt Nam ký kết với công ty BP (British Petroleum) của Anh và ConocoPhillips của Mỹ dự án $2 tỷ US khai thác khí và xây đường dẫn khí, cách Vũng tàu 370 km (200 dặm), gần khu Lan Tây – Lan Đỏ mà BP đang hợp tác khai thác với Việt Nam từ năm 2002. Hai tháng sau khi Trung Quốc phản đối, ngày 14 tháng 6 năm 2007, BP tuyên bố ngừng dự án ở địa bàn tranh chấp. Việt Nam cho rằng nơi này thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.[27] Điều này nói lên rằng Trung Quốc không chỉ tiếp tục đòi chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà trên toàn Biển Đông Nam Á, vi phạm Luật Biển LHQ. (Coi bản đồ biên giới của Trung Quốc).
Bản đồ số 1:
Đường biên giới Biển Trung Quốc coi thuộc chủ quyền của họ nằm trong đường gạch trên biển Đông Nam Á
Nguồn: Bản đồ du khách và giao thông của Hải Nam năm 1999, phỏng theo Stein Tonnesson, “China and the South China Sea: A Peace Proposal.” Security Dialogue, Vol. 31, No. 3 September 2000. Bản đồ này đã được đưa lên www.middlebury.edu/southchinasea/
Trung Quốc đã khôn khéo tính nước đôi: vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông Nam Á, đồng thời vẫn tuyên bố hoặc áp lực Phi, Việt hợp tác khai thác. Cách nào Trung Quốc cũng hưởng lợi. Nói một cách khác, Trung Quốc có thể chia quyền lợi kinh tế nhưng đòi hỏi toàn chủ quyền trên biển với mục đích liên quan quá rõ đến quân sự. Tình hình hiện nay như thế đòi hỏi Việt Nam phải nhìn lại thế đứng của mình để có chính sách thích hợp.
Đối với Mỹ, những điều Mỹ có thể làm, khó vượt quá 3 điểm sau:
- Bảo đảm quyền giao thông tự do trên Biển Đông Nam Á;
- Phản đối việc dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông Nam Á: Điều này cho đến nay Mỹ vẫn chỉ nói mồm là chính, bất cứ một động thái nào hơn võ mồm đều có thể đưa đến khủng hoảng trầm trọng ở khu vực;
- Tham dự sâu hơn vào việc diễn giải hợp lý, đúng đắn nhằm bảo vệ Luật Biến: Điều này chỉ có thể phát huy tác dụng nếu Mỹ trở thành nước ký kết Công ước của LHQ về Luật Biển. Giá trị của điều này sẽ phân tích sau. Chính đây là chỗ cần có sự hợp tách chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam.
Đối với ASEAN, Phi và Việt Nam đã chính thức phá vỡ cái thế “có vẻ đoàn kết” của ASEAN. Thật sự cho đến nay ASEAN không tạo được bất cứ một tiếng nói chung nào về Biển Đông Nam Á ngoài trừ phản đối khi Trung Quốc dùng vũ lực với Phi.
Trong việc hình thành chính sách mới, Việt Nam cần phải nhận định lại một số vấn đề. Đó là xem xét lại ý nghĩa của chủ quyền đối với Biển Đông Nam Á. Điều này liên quan đến hai vấn đề: Luật Biển và chủ quyền ở Biển Đông Nam Á. Lý do là chừng nào các thành viên ASEAN không giải quyết được vấn đề tranh chấp với nhau về chủ quyền ở Biển Đông Nam Á thì chừng ấy thái độ theo hoặc giả vờ theo Trung Quốc “hôi của” vẫn sẽ tiếp tục.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và vấn đề Biển Đông Nam Á
Luật Biển Liên Hợp Quốc ra đời năm 1982 có một số điều khoản liên quan đến đảo, nội thuỷ (internal water), lãnh hải (territorial sea), vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone (EEZ)), thềm lục địa (continental shelf), vùng biển đóng (tức là vịnh hay biển nằm giữa nhiều quốc gia) và biên giới. Theo thông lệ đạt được từ thời tổng thống Mỹ Woodrow Wilson sau thế chiến I, quốc gia biển chỉ có toàn quyền đối với vùng biển cạnh bờ, tức là nội thủy (internal water) xa bờ không quá 3 hải lý [5.5 km], kể cả cấm các nước đi qua. Luật biển năm 1982 mở rộng sự công nhận chủ quyền, và đặc quyền kinh tế nhưng với bảo đảm quyền tự do đi lại. Một số điều quan trọng điều liên quan đến Biển Đông Nam Á gồm: [28]
Điều 2: xác định là “chủ quyến áp dụng cho bầu trời trên vùng lãnh hải cũng như đáy biển và tầng đất phía dưới đáy biển.”
Điều 3: xác nhận “mỗi quốc gia có quyền xác định bề rộng của vùng lãnh thổ biển hay lãnh hải không quá 12 hải lý [22 km].”
Nhưng chủ quyền trên vùng lãnh hải bị hạn chế vì cần tôn trọng quyền tự do đi lại của nước khác.
Điều 17: xác định là “tàu biển [gồm cả tàu dân sự và quân sự] của tất cả các nước, có biển hay không có biển, được quyền tự do thông thương “ngây thơ” (right of innocent passage) qua vùng lãnh hải.” “Ngây thơ” có nghĩa là không gây tổn hại cho hoà bình, trật tự hay an ninh tốt cho quốc gia có biển, tức là không sử dụng, tập dượt võ khí, tình báo, nghiên cứu, làm ô nhiễm môi trường, đánh cá, ngăn cản thông thương. Trong trường hợp vì nhu cầu an ninh quốc gia cấp thiết, quốc gia có lãnh hải có thể ra lệnh tạm đình chỉ quyền tự do thông thương ở một địa điểm đặc biệt nào đó, vạch đường mà tàu có thể qua lại, đòi hỏi tàu ngầm phải đi trên mặt nước và mang cờ. Như vậy quyền tự do thông thương không những được phép ở vùng đặc quyền kinh tế mà cả ở trên lãnh hải, nhưng với một số hạn chế nhất định.
Điều 55 – 85 cho phép các nước có lãnh hải có thêm Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone (EEZ)) rộng không quá 200 hải lý [370 km] tính từ đường cơ sở (baseline). Vùng EEZ cho phép quốc gia có biển “chủ quyền với mục đích thăm dò và khai thác, bảo vệ và quản lý tài sản thiên nhiên, là sinh vật hay phi sinh vật, trong nước, trên nước (superjacent to)” và thềm lục địa gồm “đáy biển, thuộc về đáy biển và tầng dưới đáy biển…” Nếu thềm lục địa kéo dài hơn thì vùng đặc quyền kinh tế có thể tăng lên tới 300 hải lý.
Điều 60 cho phép xây dựng các khu đảo, các cơ sở nhân tạo nhưng không được công nhận là đảo. Chúng không có lãnh hải, thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế riêng.
Điều 121 định nghĩa “đảo là vùng đất hình thành tự nhiên, bao bọc bởi nước và nằm cao hơn nước khi thuỷ triểu lên.” Đảo cũng có lãnh hải, vùng kinh tế độc quyền, thềm lục địa như biên giới đất.
Điều 121 xác định “Đá (rocks), nơi không có khả năng kéo dài được việc cư trú (sinh sống) của con người và đời sống kinh tế riêng của nó, không được phép có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa…” Rocks which cannot sustain human habitation or economic life of their own shall have no exclusive economic zone or continental shelf.
Quần đảo Hoàng Sa có 130 điểm hầu hết là bãi san hô, phủ cứt chim và đá, rất thấp, hầu hết ở mức 0m và chìm khi nước biển dâng cao. Có hai đảo tương đối lớn là Hoàng Sa (Pattle island) ở nhóm Crescent Group (nhóm Tây) và Phú Lâm (Woody Island) ở Nhóm Amphitrite (nhóm Đông), nhưng không có đảo nào lớn hơn 2,5km². Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa hiện nay nằm trong tay Trung Quốc.
Quần đảo Trường Sa ở phía Nam có 100 “đảo”, đá, bãi, đảo lớn nhất là Itu Aba (Đảo Ba Đình do Đài Loan chiếm từ 1956), có đất và diện tích không quá 5km2, dù có nhiều cây cối cũng khó lòng coi là đảo nếu dựa theo Luật Biển LHQ. Đất ở đây cũng như là các chỗ khác không thể trồng cấy, chưa bao giờ có thường dân sinh sống vĩnh cửu và không thể tự có đời sống kinh tế. (Coi thêm Phụ lục 1) Vì những lý do trên, khi áp dụng Điều 121 của Luật Biển, khó có thể không đi đến kết luận khác hơn là hai quần đảo này gồm chủ yếu là các điểm đá (hoặc san hô phủ cứt chim) vì chúng “không có khả năng nuôi sống con người và đời sống kinh tế riêng của nó.” Các điểm đá được các nước xây dựng lên thành pháo đài, kể cả có sân bay thì theo điều 60 không được phép có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục điạ. Chúng chỉ có thể có vùng chủ quyền không quá 3 hải lý. Luật Biển hiện nay có thể nói là chưa rõ ràng về những vấn đề này, nên cũng có giới quan sát cho rằng một số có thể coi là đảo. Đây là vấn đề bàn cãi và nên để Toà Án Công Lý Quốc tế (The International Court of Justice) giải quyết nếu như các nước liên quan đồng ý cho toà xử. Trên cơ sở Luật Biển hiện nay, hoàn toàn là không thể chấp nhận được khi Trung Quốc coi là có chủ quyền trên toàn Biển Đông Nam Á.
Phải chăng đây là đảo?
Đá Mischief do Trung Quốc chiếm đóng
Nguồn: Ảnh do máy bay của thám thính của Không quân Phi chụp ngày 20/3/1999:
http://www.geocities.com/pmcmssr/Spratlypg.html
Swallow reef (Đá Hoa Lau) trong tay Ma-lai-xi-a trước đây
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai11/200711_VuQuangViet_Fig3.jpg
Swallow reef (Đá Hoa Lau) trong tay Ma-lai-xi-a bây giờ
Nguồn: http://faculty.law.ubc.ca/scs/images/layang-now.jpg
Đảo lớn nhất: Itu Batu (Ba Bình) do Đài Loan chiếm
Nguồn: http://www.unc.edu/~rowlett/lighthouse/spr.htm
Cho đến nay Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua Luật Biển. Người đầu tiên chống là Tổng thống Ronald Reagan với hai lý do: 1) Luật cấm cản việc giao thông tự do vì các quốc gia gần biển có thể ra các điều kiện kiểm tra tàu quân sự, kể cả tàu ngầm Mỹ đi qua lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, 2) Mỹ đòi quyền tự do khai thác trên biển khơi (high sea). [29] Điểm 1 đã được điều chỉnh do đó Tổng thống Clinton đã trình Thượng viện Mỹ ký năm 1994, nhưng nhóm bảo thủ của Đảng Cộng hoà nắm quyền ngăn cản không cho bàn. TT Bush nộp Quốc hội 2 lần, lần 1 (2004) và lần 2 (2005) cũng bị ngăn chận không cho bàn. TT Bush hiện sửa soạn trình lại vào năm 2007. Việc thông qua đòi hỏi 2/3 phiếu của Thượng viện. Luật Biển hiện nay quan trọng ngay với Mỹ, vì một nước là thành viên như Trung Quốc có thể lấy lý do là Mỹ không phải là thành viên, nên có thể không áp dụng luật với tàu chiến Mỹ.
Vấn đề chủ quyền trên Biển Đông Nam Á
Như đã giải thích, Trung Quốc và Việt Nam chỉ có thể có chủ quyền cùng lắm là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chứ không phải Biển Đông Nam Á.
Về mặt chủ quyền (coi luật quốc tế về vấn đề chủ quyền ở Hộp 1), lịch sử chiếm đóng trong quá khứ cho thấy là Việt Nam có khả năng được Toá án Công lý Quốc tế (The International Court of Justice) xử thắng. Đây là cách duy nhất để Việt Nam có thể sử dụng để đạt được điều mong muốn một cách hoà bình. Tất nhiên Toà án chỉ xử nếu như các bên tranh chấp đồng ý đem vấn đề ra trước toà án. Việt Nam không có khả năng quân sự để chiếm lại đảo và dù có khả năng cũng không được các nước ủng hộ do đó cần đến toà án quốc tế.
HỘP 1
CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ
Toá án Công lý Quốc tế (The International Court of Justice) trong các vụ xử về tranh chấp lãnh thổ giữa Tây Ban Nha, Morroco và Mauritania (1975) đã dùng từ ngữ “chiếm đóng thật sự” (effective occupation) và khám phá (discovery) là yếu tố để xem xét chủ quyền, kể cả lịch sử phản đối các cuộc chiếm đóng bất hợp pháp. Một yếu tố luật pháp nữa cũng quan trọng trong việc xem xét chủ quyền là hành vi mặc nhiên chấp nhận hành động của phía bên kia vì không phản đối trong một thời gian nhất định (Estoppel by acquiescence).
Cùng với các yếu tố trên là quyền tự quyết dân tộc (self determination) ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc. Nghị quyết 1514 và 1541 năm 1960 đã làm sáng tỏ thêm quyền này. Nghị quyết 1514 cho là vi phạm Hiến chương “bất cứ một hình thức ngoại lại nhằm nô dịch, thống trị và bóc lột. ” “Mọi dân tộc có đều có quyền tự quyết, và trên cơ sở quyền này, họ có tự do quyết định thân phận chính trị và tự do theo đuổi phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá.”. Nghị quyết 1541 định nghĩa lãnh thổ thiếu quyền tự quyết là “lãnh thổ có địa lý cách biệt và khác biệt về dân tộc và hay là văn hóa với quốc gia chiếm đóng,” “bị bắt chấp nhận một cách tự tiện địa vị hay thân phận mang tính khuất phục với các yếu tố “hành chính, chính trị, pháp lý, kinh tế và lịch sử.”
Nếu một dân tộc bị mất lãnh thổ thì các chứng cớ về lịch sử như chiếm đóng thực sự và khám phá được đem xem xét. Nếu có dân cư trú vĩnh viễn ở đó thì có thể thực hiện hình thức trưng cầu dân ý cho quyền dân tộc tự quyết. Điều này dĩ nhiên không mang tính pháp lý như đã xảy ra với Tibet, bởi vì Toàn án Công lý Quốc tế chỉ xử nếu như quốc gia có tranh chấp đồng ý đưa ra xử.
Vấn đề hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều không có vấn đề dân tộc tự quyết vì không có lịch sử dân sống vĩnh viễn ở đó.
Trong bài nghiên cứu rất giá trị trình bày tại Hội thảo Hè đầu tiên năm 1998 về Phát triển Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Tranh chấp Biển Đông Nam Á,[30] Từ Đặng Minh Thu đã tổng lược và có các đánh giá quan trọng, dưới tư cách một luật sư về luật quốc tế, quan điểm của Việt Nam và của Trung Quốc liên quan đến quan chủ quyền trên hai quần đảo. Tác giả đã xem xét nhiều bài viết được xuất bản cho đến thời điểm 1998, đặc biệt là quyển sách quan trọng của Chủ tịch Hội Luật sư châu Âu, người Pháp, Monique Chemillier-Gendreau[31] có các tài liệu gốc liên quan đến việc tuyên bố chủ quyền của Pháp ở hai quần đảo trên. Bà Chemillier-Gendreau cho rằng trường hợp Trung Quốc là “biết” chứ không phải “khám phá” ra hai quần đảo, bởi vì Trung Quốc chưa hề chiếm hữu đảo dù là tượng trưng như đổ bộ lên đảo, không hề xem đảo đó là của mình và cũng không hề hành xử chủ quyền trước khi chúa Nguyễn, rồi nhà Nguyễn và sau này là Pháp chiếm đóng và hành xử chủ quyền ở hai khu vực Hoàng Sa và Trường Sa. Bản đồ Đại thanh Đế quốc Toàn đồ xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ tư năm 1910, chỉ vẽ đế quốc Đại Thanh đến Hải Nam. Như vậy vấn đề Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Pháp và sau đó là với Việt Nam chỉ xảy ra sau này từ khi Nhật chiếm Đông Sa năm 1907 và khi Trung quốc chính thức công bố chủ quyền năm 1935 khi Trung Quốc gửi công hàm cho Pháp, và cũng chỉ đến Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa.[32] Toà án quốc tế đã có tiền lệ trong việc xử, coi là chiếm hữu phải có một thời gian tương dài đối thì mới có hiệu lực. Những luận điểm khác nhằm bác bỏ luận điểm của Trung Quốc và một số học giả ủng hộ quan điểm của Trung Quốc cũng được tác giả Từ Đặng Minh Thu trình bày.
Như vậy Việt Nam chỉ có thể tranh chấp với Trung Quốc liên quan đến hai quần đảo dựa trên nguyên tắc estoppel và chứng cứ lịch sử. Dựa trên nguyên tắc này và cả Luật Biển thì lập luận chủ quyền toàn Biển Đông Nam Á của cả Trung Quốc và Việt Nam đều không đứng vững. Lập luận làm chủ toàn bộ hai quần đảo của Việt Nam cũng có thể không đứng vững mà chỉ có thể trên một vài đảo/bãi/đá trong hai quần đảo trên. Sử của Việt Nam cũng viết đội thuyền được vua gửi đi tới đảo cũng chỉ nhiều nhất là một lần một năm và đông nhất cũng chỉ có 70 người.[33] Như vậy với một diện tích rộng như hai khu quần đảo thì có thể có chỗ chưa có người tới một lần.
Tuy nhiên cách tốt nhất vẫn là Việt Nam yêu cầu Toà án Công Lý Quốc tế phân xử. Dù Trung Quốc không đồng ý và do đó sẽ không có phân xử, như Trung Quốc đã từ chối đề nghị của Pháp trước đây. Tuy thế việc làm này sẽ rất quan trọng để tạo dư luận quốc tế là Việt Nam sẵn sàng chấp nhận công lý quốc tế. Nhiều vụ tranh chấp về biển và đất đai giữa các nước đã được Toà án Quốc tế xử, kể cả giữa Singapore và Ma-lai-xi-a, mà Ma-lai-xi-a chấp nhận quyết định xử thua.
Nếu bỏ qua vấn đề phân xử chủ quyền dựa vào yếu tố lịch sử thì cách thứ hai là yêu cầu Toà án Công lý Quốc tế phân xử dựa vào luật quốc tế khác ngoài luật biển. Vấn đề thương thảo nhiều bên ở Biển Đông Nam Á để phân chia cũng có thể làm, nhưng đây là điều chưa hề có tiền lệ và lại không thể dựa vào bất cứ một điều khoản nào của Luật Biển để giải quyết. Giả dụ ta chấp nhận phân chia, thì việc phân chia phải dựa trên cơ sở pháp lý về quyền chính đáng của mỗi bên, nghĩa là mỗi quốc gia liên đới có quyền để đòi hỏi quyền lợi chính đáng đối với khu vực tranh chấp (it is presumed that each claim is legally correct, that is, that each of the states concerned is legally entitled to claim the relevant rights to the area in question.)[34] Cho đến nay thì chỉ có từng nước tự cho mình là có quyền ở Biển Đông Nam Á. Quyền chính đáng trong tranh chấp hiện nay có thể là sự gối lên nhau giữa hải phận hoặc vùng đặc quyền kinh tế dựa trên Luật Biển vì mỗi bên cách bờ dưới 200 hải lý. Tranh chấp cũng có thể phát xuất vì túi dầu nằm dưới cả hai hoặc ba vùng đặc quyền kinh tế của hai hoặc ba phe. Những thương thảo này khó khăn nhưng cũng có thể giải quyết được như vùng đánh cá chung giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ, hay sắp tới có thể là thương thảo phân chia dầu hoả nếu có dầu nằm ở vùng chung giữa hai nước ở Vịnh này, hay như thương thảo giữa Thái Lan và Ma-lai-xi-a ở Vịnh Thái Lan.
Những bước đi có thể như sau:
Đề nghị Toà án Công lý Quốc tế phân xử theo chứng cớ lịch sử.
Đề nghị Toà án Công lý Quốc tế quyết định xem trong số các đảo/đá/bãi hiện nay ở khu Hoàng Sa và Trường Sa có cái nào có thể coi là đảo.
Trong thời gian Toà án Công lý Quốc tế phân xử, các nước trong khu vực có thể khoanh hai vùng chung quanh 2 quần đảo, với lãnh hải 3.5 hải lý chung quanh (tức là coi các điểm hiện nay là đá, không có lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế) và tiến hành tìm kiếm tài nguyên dầu ở những địa điểm mà các bên đồng ý (không nhất thiết toàn vùng bị khoanh). Rất tiếc là Việt Nam đã đồng ý khai thác chung với Trung Quốc và Phi khi chính sách của Trung Quốc về chủ quyền không có gì thay đổi và nếu chấp nhận phân chia thì ý nghĩa của điểm 1 và 2 không còn như trước. Để tạo khả năng phát huy điểm 1 và 2 Việt Nam không nên nhanh chóng ký kết phân chia lợi tức khai thác, nhất là vấn đề phân chia là chuyện khó khăn. Cách chia khó lòng thoát khỏi 2 nguyên tắc (i) chia đôi giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Hoàng Sa (nếu Trung Quốc đồng ý chia phần cho Việt Nam; (ii) và chia 4 giữa Việt Nam, Trung Quốc, Phi và Ma-lai-xi-a.
Ký kết xoá bỏ toàn bộ căn cứ quân sự trên các đảo/đá trên hai quần đảo.
Bảo đảm tự do đi lại trên Biển Đông Nam Á.
Những đề nghị trên chỉ mang ý nghĩa chiến thuật trì hoãn quyết định nhằm dò xét hành động của Trung Quốc và chính sách của Mỹ.
Tuy nhiên với giải pháp đề nghị như trên, Việt Nam có hy vọng tạo được sự đồng thuận của nhiều nước, đặc biệt là ASEAN và Mỹ. Tất nhiên là Trung Quốc sẽ không hài lòng và chắc là sẽ từ chối việc dùng tới Toà án Công lý Quốc tế để phân xử vì họ không muốn rời bỏ Hoàng Sa đã chiếm của Việt Nam. Nhưng đây là bước khởi đầu. Đề nghị này sẽ tạo thế mạnh cho Việt Nam vì nó chứng tỏ Việt Nam muốn hiếu hoà, sẵn sàng chấp nhận phân xử quốc tế. Đề nghị này không phải dựa vào sự tin tưởng một cách ngây thơ là dư luận có thể ngăn chặn được Trung Quốc. Nhưng dư luận nếu được phát huy bởi các “đồng minh” quan trọng chắc chắn có tác dụng ngăn chặn. Và đồng minh quan trọng này không ai khác hơn là Mỹ khi họ ủng hộ việc sử dụng Toà án Quốc tế để phân xử. Chữ đồng minh bỏ vào ngoặc kép vì đây vẫn còn là điều viễn tưởng. Có thể Việt Nam sẽ là đồng minh của giới cầm quyền chính trị với các tính toán chiến lược quân sự, nhưng việc trở thành đồng minh trên dư luận quần chúng thế giới trong tranh chấp về chủ quyền thì Việt Nam đang gặp khó khăn bởi vì dư luận nhìn Việt Nam như là một anh Trung Quốc nhỏ bé, có vấn đề với đàn anh nên nhiều khi cần lợi dụng Mỹ mà thôi. Nhưng quả thật, nếu bỏ qua các chính sách về chính trị nội bộ, rõ ràng là văn hoá Việt Nam hiện nay và người Việt Nam hiện đại chia sẻ hoặc đi gần với những giá trị văn minh tây phương hơn là người Trung Quốc.[35] Sự đồng minh chỉ thật sự có nếu như Việt Nam tìm được con đường phù hợp để nền kinh tế và chính trị ổn định đồng thời tất cả các giá trị nhân bản về nhân quyền và tự do tôn giáo được tôn trọng.
Việt Nam không có hy vọng chiếm lại Hoàng Sa và các đá ở Trường Sa đã bị Trung Quốc chiếm. Việt Nam cũng không có hy vọng gì Mỹ ủng hộ chủ quyền ở Biển Đông Nam Á.
Trong tình hình phòng ngự, Việt Nam phải làm mọi cách tranh thủ sự ủng hộ của mọi nước, đặc biệt là các nước thuộc khối ASEAN và tranh đấu vì quyền lợi của khối, đồng thời tranh thủ xây dựng liên lạc, hợp tác chặt chẽ và sự tin cậy với cả Mỹ và Trung Quốc vì lợi ích chung. Ngoài vấn đề bảo vệ chủ quyền chính đáng ở Biển Đông Nam Á, Việt Nam cần tránh mọi hành động liên minh với Mỹ nhằm chống Trung Quốc. Tuy thế, Việt Nam có thể hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong nhiều lãnh vực: bảo vệ tự do đi lại ở Biển Đông Nam Á, cùng ASEAN hợp tác với Mỹ và Trung Quốc để xây dựng thể chế thường trực nhằm bảo vệ an ninh chống cướp biển ở Biển Đông Nam Á, bảo vệ môi trường biển (hợp tác tìm nguồn gây ô nhiễm, thải dầu trên biển như mới xảy ra ở bờ biển Việt Nam), và chống khủng bố ở khu vực cũng như trên toàn thế giới.
PHỤ LỤC 1
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: những nét chính
Quần đảo Hoàng Sa (tiếng Anh: Paracel Islands; tiếng Trung Quốc:Tây Sa (Xinsha)
Ở phía đông Tỉnh Quảng Nam của Việt Nam và phía nam Đảo Hải Nam của Trung Quốc và phía Bắc của Quần đảo Trường sa.
Gồm 130 điểm đảo (bãi san hô phủ cứt chim) và đá (reefs) rất thấp, hầu hết ở mức 0 m hoặc thấp hơn mực nước biển, chỉ nổi lên khi biển rút. Điểm cao nhất là 14 m ở Đá/Hòn Thép (Rocky Island).
Cằn cỗi, gần như không có cây cối tự nhiên. Ít nhất 6 tháng một năm nóng và khô hạn, không có nước ngọt. Không có thường dân sinh sống vĩnh cửu. Không thể tự có đời sống kinh tế.
Tổng chu vi bờ biển của khu vực là 518km.
Toàn bộ khu vực không có đảo nào có diện tích lớn hơn 2.5 km² (1 sq mile).
Trong số điểm trong khu có 12 đảo nhỏ có tên trong đó có hai đảo tương đối lớn hơn là Hoàng Sa (Pattle island) ở nhóm Crescent Group (nhóm Tây) và Phú Lâm (Woody Island) ở Nhóm Amphitrite (nhóm Đông) đá ngầm (reefs).
Quần đảo Trường Sa (tiếng Anh: Spratly Islands; tiếng Trung Quốc: Nam Sa (Nansha)
Ở phía Nam của Quần đảo Hoàng Sa.
Gồm hơn 100 đảo nhỏ (bãi san hô phủ cứt chim) và đá (reefs) rất thấp, hầu hết ở mức 0 m hoặc thấp hơn mực nước biển, chỉ nổi lên khi biển rút. Nơi cao nhất là 4 m.
Hiện nay 45 đảo/đá có lính của Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Phi và Ma-lai-xi-a. Bru-nây đòi một phần biển đánh cá ở phía nam nhưng không đòi chủ quyền ở hòn đảo nào.
Tổng chu vi bờ biển của khu vực là 926 km
Bề rộng khu có đất nhỏ hơn 5 km² (tức là gấp đôi Hoàng Sa) rải rác trong khu vực biển rộng 410.000 km².
Không có đất có thể trồng cấy. Không có thường dân sinh sống vĩnh cửu. Không thể tự có đời sống kinh tế.
Đảo lớn nhất là Itu Aba (tên Việt: Đảo Ba Đình, tên Trung Quốc: Taiping) do Đài Loan chiếm 8 tháng 6 năm 1956, hiện trên đó có 600 lính. Có đài khí tượng, radio, hải đăng và sân bay dài 2km. Đài Loan chiếm 1 Đảo và 1 Đá.
Việt Nam chiếm đóng 7 đảo và 16 Đá và 3 Bãi. Đảo Song Tử Tây, Đảo Trường Sa trong quần đảo có chỗ cao từ 2.5-4.5m có trú quân và có đường băng máy bay ở Đảo Song Tử Tây.
Phi chiếm 7 đảo và 2 Đá hoặc Bãi.
Ma-lai-xi-a chiếm 7 Đá hoặc Bãi.
Trung Quốc chiếm 8 Đá, trong đó chiếm của Việt Nam bằng quân sự năm 1988 Đá Chữ Thập (Yonghu Jiao, hay Fiery Cross Reef) và Đá Mischief của Phi (Phi cho là của họ, chỉ cách Tỉnh đảo lớn Palawan của Phi 130 dặm, tức là có thể coi là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Phi). Trung Quốc đã đem vật liệu xây dựng Đá Chữ Thập thành một pháo đài quân sự có đường băng máy bay, có diện tích 8080 m², dài 14 dặm.
Nguồn: Britannica Concise Encyclopedia, Wikipedia, CIA Fact book
PHỤ LỤC 2
Tranh chấp chủ quyền Quần đảo Hoàng Savà Trường Sa, vai trò của lịch sử
Quan điểm của Việt Nam
Được nhắc đến lần đầu tiên trong Phủ Lục Tạp Biên của Lê Quí Đôn năm 1776 và việc nhà nước Miền Trong của chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa đi kiểm hải vật tên quần đảo. Biên chế đội chỉ có 70 người, vừa phải cưỡng bức vừa thưởng quyền lợi vật chất để họ tham gia. Đội đi từ tháng 2 đến tháng 8 mới về. Hoạt động này được Lê Quí Đôn ghi từ 1702. Vua chúa Việt Nam gọi 2 nhóm đảo là Bãi Cát Vàng. Việc khám phá này là của sĩ quan hải quân Thibaud Ren Kergariou-Locmaria (1739-1795) năm 1787-1788.
Vua Gia Long tuyên bố chủ quyền năm 1816. Vua Minh Mạng năm 1933 theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên sai người dựng miếu, lập bia và trồng cây để dễ nhận ra đảo. Năm 1936 Minh Mạng sai làm địa bạ.
Bản đồ Đại thanh Đế quốc Toàn đồ xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ tư năm 1910, chỉ vẽ đế quốc Đại Thanh đến Hải Nam.
Ngày 8 tháng 3 năm 1925, Toàn quyền Đông Dương tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Pháp.
Ngày 23 Tháng 3 năm 1925, Pháp đặt Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.
Cho đến năm 1928 Chính phủ Trung Quốc không vẽ vào bản đồ quần đảo Trường Sa. Bản đồ chính thức chỉ có quần đảo này vào năm 1940.
Ngày 13 tháng 4 năm 1930, Pháp chính thức gửi tàu chiến chiếm đảo Trường Sa trong Quần đảo có cùng tên này. Báo chí Pháp đăng nhưng chính phủ không tuyên bố chính thức. Chính phủ Anh biết nhưng quyết định không phản đối. Chỉ có chính phủ Nhật chính thức phản đối vì coi nó là thuộc chủ quyền của Đài Loan thuộc Nhật. Nghe nói chính phủ Tưởng Giới Thạch tức giận nhưng không thấy phản đối chính thức.
Năm 1933, Pháp tuyên bố chính thức trên Công báo chủ quyền trên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Spratlys), và cho lập đài khí tượng trên Đảo Hoàng Sa (Pattle island) và sau đó đảo này thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hoà cho đến năm 1974. Không nước nào phản đối.
Ngày 4 tháng Giêng năm 1947, khi chiến tranh Pháp Việt bùng nổ ở Hà Nội, quân đội Tưởng Giới Thạch chiếm Đảo Phú Lâm (Woody Island). Pháp phản đối. d’Argenlieu đưa tàu chiến Tonkinois định chiếm lại, thấy có 3 sĩ quan và 60 lính trên đảo, nhóm này kêu cứu, Chính phủ Tưởng ở Nam Kinh phản đối. Pháp không chiếm. Sau khi Trung Quốc kiểm soát lục địa năm 1949, họ cũng chiếm các đảo khác trên Quần đảo Hoàng Sa, trừ đảo Hoàng Sa thuộc Pháp, sau đó trao lại cho Việt Nam Cộng hoà.
Năm 1974, Trung Quốc gửi quân chiếm Đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam, kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Nguồn: Stein Tonnesson, The South China Sea in the Age of European Decline trên Modern Asian Studies, 40, 1 (2006), Lưu Văn Lợi, Cuộc Tranh chấp Việt –Trung về Hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hà Nội (1995).
Quan điểm của Trung Quốc (chủ yếu về Trường Sa)
Tác giả Yang Fu nhà Tây Hán (23-220 AD) đã nhắc đến Quần đảo Nansha (Nam Sa tức Trường Sa). Tướng hàng hải Kang Tai thời Đông Ngô (220-280 AD) cũng nhắm đến trong quyển sách của ông ta. Nhiều sách thời Đường, Tống, Nguyên cũng nhắc đến. Người Trung Quốc đã tới đánh cá và ở đó.
Thời Nhà Đường (785-805 AD), lúc đô hộ Việt Nam, đã ghi Nam Sa vào bản đồ Trung Quốc.
Bản đồ xuất bản thời nhà Minh có vẽ với tên Shitang (Thạch Đường), Changsa (Trường Sa).
Nhà Thanh năm 1710 xác định chủ quyền ở hai hòn đảo tận phía bắc khu Trường Sa và cho dựng một cái miếu trên North East Clay (Đảo Song Tử Đông hiện Phi Chiếm).
Năm 1909 Tổng đốc Lưỡng Quảng ra lệnh thám thính đảo Hoàng Sa
Năm 1912, ông Okura Unosuke, người Nhật, trong sách Stormy Islands (Đảo bão) viết “ông ta thấy ba người từ Haikou khi ông tới đảo Beizi (tên Mỹ, Northeast Cay, tên Việt, Đào Song Tử), đảo lớn thứ năm trong nhóm Trường Sa.
Năm 1821 Tổng đốc Lưỡng Quảng sát nhập Hoàng Sa vào Hải Nam, Pháp không phản đối.
Năm 1933, khi Pháp chiếm đóng các quần đảo Nansha, dân đánh cá Trung Quốc “sống và làm việc ở đó ngay lập tức kiên quyết kháng cự xâm lược và chính phủ Trung Quốc gửi phản đối mạnh mẽ tới chính phủ Pháp.
Năm 1939 khi Nhật chiếm đóng Biển Đông Nam Á, Chính phủ Trung quốc của Tưởng Giới Thạch bổ nhiệm Cao ủy Xisha và Nansha (Tây sa và Nam Sa) tức là Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 1943, Trung Quốc, Mỹ và Anh trong Tuyên bố Cairo đồng ý cho Trung quốc thu hồi đất đai của Trung Quốc do Nhật chiếm. Như vậy là Trung Quốc cho rằng họ có quyền thu Nansha (Nam Sa tức Trường Sa) và thế giới ủng hộ họ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết như sau: “Thật vậy, Mỹ đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quấn đảo Nansha trong một lọat các hội nghị quốc tế và thực tiễn quốc tế.”
Trung Quốc cho rằng là thư ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai viết là: “Việt Nam công nhận và ủng hộ Tuyên bố của Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc về lãnh hải” là công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc.
Nguồn: China’s Ministry of Foreign Affairs, The Issue of South China Sea, June 2000, http://www.fas.org/news/china/2000/china-000600.htm
Thực tế
Trả lời của phía Việt Nam: Khi cả Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng đời nhà Đường thì không có nghĩa là Việt Nam và đất Trường Sa thuộc về Trung Quốc.
Lá thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tôn trọng quyết định ấy [quyết định ấn định lãnh hải 12 dặm của Trung Quốc] và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nha nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc...” . Công hàm này không đả động đến đảo Hoàng Sa và Trường Sa do đó không có nghĩa như Trung Quốc kết luận vì về mặt quốc tế, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không phải là chính phủ có thẩm quyền với đảo, chỉ đại diện nhân dân miền Bắc, trong khi một phần Hoàng Sa và phần lớn Trường Sa nằm trong quyền kiểm soát của Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Và một lời tuyên bố đơn phương không có tính bó buộc ví nó không phải là Hiệp ước, dù ai đó coi CHXHCN Việt Nam là tiếp nối của Việt NamDCCH.
Trung Quốc cho là chính phủ Tưởng phản đối nhưng theo Stein Tonneson dựa vào báo cáo thời gian đó của Bộ Ngoại giao Pháp, chính phủ Trung Quốc không lên tiếng chính thức phản đối. Chính phủ Anh không hài lòng, bàn đến việc Pháp đem tàu chiến Malicieuse xác định chủ quyền ở Trường Sa ngày 13 tháng 4 nnăm 1930 nhưng quyết định không phản đối, vì theo tài liệu chính thức để lại, Anh cho rằng các đảo này quá nhỏ bé, không có giá trị gì. Cũng theo Tonneson không ai chống lại, nhưng Pháp báo cáo là cứu được 4 người Trung Quốc bị bỏ trên đảo hoang khỏi chết đói. Không có chuyện như Trung Quốc viết là: “dân đánh cá Trung Quốc “sống và làm việc ở đó ngay lập tức kiên quyết kháng cự xâm lược và chính phủ Trung Quốc gửi phản đối mạnh mẽ tới chính phủ Pháp.”
Chính phủ Mỹ chưa bao giờ công nhận Hoàng Sa và Trường Sa hay biển Đông Nam Á là của Trung Quốc. Coi phần quan điểm của Mỹ về Biển Đông Nam Á.
Nguồn: Từ Đặng Minh Thu, “Chủ Quyền trên Hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Thử Phân tích Lập Luận của Việt Nam và Trung Quốc”, Kỷ yếu Hội thảo Phát triển Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Tranh chấp Biển Đông Nam Á. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000. Xuất bản lại trên Thời Đại Mới số này.
*****
PHỤ LỤC 3
Các cơ chế trao đổi và giải quyết tranh chấp liên quan đến Biển Đông Nam Á và tài liệu
Có một số cơ chế đã được thiết lập để đối phó với các vấn đề an ninh khu vực. Cuộc họp của Bộ trưởng ASEAN (ASEAN Ministerial Meeting họp vào tháng 7 hàng năm ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao,
ASEAN Regional Forum (ARF) do ASEAN thiết lập năm 1994, với mục đích cổ động đối thoại về các vấn đề chính trị và an ninh liên quan đến ASEAN có các nước ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, gồm các nước Ô-xtrây-li-a, Bangladesh, Bru-nây Darussalam, Cambodia, Canada, Trung Quốc, European Union, India, In-đô-nê-xi-a, Japan, Democratic Peoples' Republic of Korea, Republic of Korea, Laos, Ma-lai-xi-a, Myanmar, Mongolia, New Zealand, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, Nga, Singapore, Thailand, Timor-Leste, Mỹ, Việt Nam.
Council for Security Cooperation in the Asia-Pacific (CSCAP) http://www.cscap.org/about.htm có tính phi chính phủ gồm thành viên ở Ấn độ, Australia, Canada, In-đô-nê-xi-a, Japan, South Korea, North Korea, Ma-lai-xi-a, the Philippines, Singapore, Thailand, Trung Quốc, USA, Việt Nam và Liên Hiệp Âu châu. Ủy ban thường trực họp mỗi năm hai lần vào tháng 6 ở Kuala Lumpur và tháng 12 ở một nơi khác. Từ tháng 12 năm 2004, các nhóm làm việc đã được tổ chức lại như sau:
1. Capacity-building for Maritime Security Cooperation in the Asia Pacific;
2. Countering the Proliferation of WMD in the Asia Pacific;
3. Future Prospects for Multilateral Security Frameworks in Northeast Asia;
4. Human Trafficking;
5. Regional Peacekeeping and Peacebuilding;
6. Enhancing the Effectiveness of the Campaign Against International Terrorism
South China Sea Workshop (http://faculty.law.ubc.ca/scs/) hình thành với viện trợ của Canadian International Development Agency (CIDA) do In-đô-nê-xi-a tổ chức từ 1990 đến 2001, họp các chuyên gia hàng năm, nhằm đối thoại về các vấn đề liên quan đến Trường sa và Biển Đông Nam Á. Tổ chức này đã giải tán sau khi Canada chấm dứt tài trợ. Nhưng tài liệu vẫn có thể tìm thấy ở Website trên.
Ngoài ra, website sau thuộc Đại học Middlebury có nhiều tài liệu cập nhật liên quan đến Biển Đông Nam Á: http://community.middlebury.edu/~scs/
-----------------------------------------------------
[1] Hiện nay, ngôn ngữ quốc tế gọi khu vực biển có tranh chấp ở Đông Nam Á là “Biển Nam Trung Hoa” (South China Sea hay La Mer de Chine du Sud), có lẽ là vì Trung Quốc được lấy làm vị trí chuẩn, chứ không mang ý nghĩa là biển này thuộc Trung Quốc. Việt Nam đã gọi biển này là Biển Đông cũng có ý nghĩa lấy Việt Nam làm vị trí chuẩn. Phi Luật Tân cũng có thể tự lấy mình làm chuẩn và đặt tên biển này là Biển Tây. Cũng thế Ma-lai-xi-a có thể gọi là Biển Bắc. Cách tốt nhất là lấy tên của khu vực Đông Nam Á để đặt tên cho khu biển này. Và tên thích hợp nhất có lẽ là Biển Đông Nam Á. Đây là theo đề nghị cuả anh Nguyễn Ngọc Giao, nhắc lại đề nghị của Yves Lacoste trong “Les deux Méditerranées”, Hérodote, số 27, 1982, tr. 5, ngay từ Hội thảo Hè lần đầu năm 1998 ở New York về tranh chấp ở Biển Đông và được nhắc lại lần nữa ở Hội thảo Hè năm 2007 Nantes.
[2] Bài viết đã được chữa lại sau Hội thảo Hè 2007 tại Nantes, Pháp. Tác giả cám ơn các anh Vũ Hồng Lâm, Ngô Thanh Nhàn đã góp ý với bài viết này. Tuy nhiên những người này không nhất thiết đồng ý với quan điểm của tác giả.
[3] coi http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai4/200504_Hiramatsu.htm
[4] Evan S. Medeiros và M. Taylor Fravel, chính sách ngoại giao mới của Trung quốc, Thời Đại Mới: http://www.tapchithoidai.org/200204_VQViet_dich.htm
[5] Phần viết này dựa vào phát biểu trước US-China Economic and Security Review Commission (Ủy ban xem xét an ninh và kinh tế Mỹ - Trung Quốc của Chính phủ Mỹ) của Erica S. Downs, thuộc viện The Brookings Institution, tháng 8 năm 2006: “China’s Role in the World: Is China a Responsible Stakeholder?” http://www.uscc.gov/hearings/hearingarchive.php
[6] Ashton B. Carter và William Perry (cựu Bộ trưởng Quốc phòng thời Clinton), “China on the March”, The National Interest Online, 3 Jan. 2007.
[7] Phần viết này dựa vào phát biểu trước US-China Economic and Security Review Commission (Ủy ban xem xét an ninh và kinh tế Mỹ - Trung Quốc của Chính phủ Mỹ) của Eric A. McVadon, Rear Admiral, US Navy (Retired),” tháng 3 năm 2007: “China’s Military Modernization and Its Impact on the United States and the Asia-Pacific”. http://www.uscc.gov/hearings/hearingarchive.php
[8] New York Times, 3 July 2007, “Gates offers to work with China’s Military”.
[9] Wendell Minnick, Experts judge likely effects of new ICBM on China’s Nuclear Policies, Center for National Security and Cooperation, Stanford University, http://cisac.stanford.edu/News/837/
[10] Chiến dịch chống Nhật đã kéo dài suốt năm 2004 và 2006 nhằm chống Nhật trở thành thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Có lúc 20 triệu người đã ký tên trên internet để chống Nhật; 10 ngàn người biểu tình bạo động phá phách Trung tâm Thương mại của Nhật ở Thành Đô, Tứ Xuyên. (coi: http://www.chinaherald.net/2005/04/internet-anti-japanese-http://www.chinaherald.net/2005/04/internet-anti-japanese-campaign-turns.html-turns.html). Với một quốc gia kiểm soát chặt chẽ như Trung Quốc thì chiến dịch này tất phải do chính phủ tổ chức vì nếu không, các cuộc biểu tình lớn và rầm rộ như thế không thể xảy ra.
[11] Coi Phụ lục 1 về các nét chính của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Phụ lục 2 về tranh chấp chủ quyền.
[12] Far Eastern Economic Review, “Today Hsíha, Tomorrow...?”, Jan. 28, 1974.
[13] Gerald Segal, “East Asia and the ‘constrainment of China,” International Security, Vol. 20, no.4, 1995.
[14] Coi http://www.aseansec.org/13163.htm
[15] Coi thêm (1) Lee Lai To, China and the South China Sea Dialogues, Westport, Connecticut: Praeger, 1999 và (2) Joshua P. Rowan, “The US-Japan Security Alliance, ASEAN, and the South China Sea Dispute,” Asian Survey, Vol. XLV, no. 3, May/June 2005, trang 434.
[16] Daniel Twining, America's Grand Design in Asia, The Washington Quarterly, Summer 2007.
[17] Alexander L. Vuving, Strategy and Evolution of Vietnam’s China Policy, a Changing Mixture of Pathways, Asian Survey, Vol. XLVI, No. 6, Nov/Dec. 2006.
[18] Raymond Burghardt, Director of East-Seminars at the East-West Center, Honolulu and former US Ambassador to Vietnam (2001-04), US-Vietnam: Discreet Friendship Under China’s Shadow, Yale-Global Online: http://yaleglobal.yale.edu/display.article?id=6546
[19] Theo tài liệu của sứ quán Trung Quốc ở Ô-xtrây-li-a, trích Tân Hoa Xã ngày 19/7/2007, Chủ tịch Trần Đức Lương và Hồ Cẩm Đào khi gặp nhau ở Trung Quốc đã đồng ý khai thác chung với Trung Quốc. Coi: http://au.china-embassy.org/eng/xw/t204203.htm. Điều này vượt xa sự đồng ý trước đây về thăm dò chung.
[20] Về chi tiết lực lượng hải quân của Trung Quốc, coi báo cáo trước Quốc hội Mỹ, China Naval Modernization: Implications for US Navy Capabilities – Background and Issues for Congress, November 18, 2005, Congressional Research Service.
[21] Coi, Shigeo Hiramatsu, Trung Quốc Tiến công trên Biển Nam Trung Hoa: Chiến lược và Mục tiêu, Thời Đại, số 4 tháng 3, 2005: http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai4/200504_Hiramatsu.htm
[22] Washington Times, China Buildup seen aimed at US ships, Nov. 22, 2006.
[23] People’s Daily, March 18, 2005.
[24] Coi Ian Storey, China and the Philippines: Moving Beyond the South China Dispute, August 16, 2006: http://www.jamestown.org/publications_details.php?volume_id=415&issue_id=3837&article_id=2371392
[25] Coi giải thích trang 163-164, Leszek Buszynski and Iskandar Sazlan, Maritime Claims and Energy Cooperation in the South China Sea, Contemporary Southeast Asia, Vol. 20, No. 1, 2007.
[26] Coi: http://en.wikipedia.org/wiki/Spratly_Islands#Philippine_claims_on_the_Spratly_Islands
[27] Reuter, April 12, 2007.
[28] United Nations Convention on the Law of the Sea http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/texts/unclos/closindx.htm
[29] Theo Luật Biển, vùng biển khơi (high sea) không thuộc chủ quyền nước nào, sẽ được đặt dưới sự quản lý của Seabed Authority và lợi tức từ tài nguyên khai thác sẽ được phân chia cho thế giới. Vấn đề phân chia chưa được Luật giải quyết. Ronald Reagan, tổng thống Mỹ, chống vì coi việc phân chia lợi tức, chuyển giao kỹ thuật khai thác, cấm công ty tư nhân là hình thức xã hội chủ nghĩa toàn cầu. Một số phản đối của Mỹ như quyền tự do đi lại cũng đã được điều chỉnh, cũng như loại bỏ điều khoản chuyển giao kỹ thuật và cấm công ty tư nhân tham gia khai thác. Việc khai thác vẫn chờ vì có điều khoản không thể tiến hành nếu không có Mỹ tham gia vào quyết định. Coi, Ken Adelman, Cựu Đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc, “Scuttle Diplomacy”, The Wall Street Journal, June 2-3, 2007 về thái độ của Reagan.
[30] Coi Từ Đặng Minh Thu, “Chủ Quyền trên Hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Thử Phân tích Lập Luận của Việt Nam và Trung Quốc”, Kỷ yếu Hội thảo Phát triển Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Tranh chấp Biển Đông. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000, đăng lại trên Thời Đại Mới số này (tháng 7/2007).
[31] Monique Chemillier-Gendreau , La souveraineté sur les Paracels et Spratleys. L'Harmântn, Paris, 1996.
[32] Lê Minh Nghĩa, “Những cấn đề chủ quyền lãnh thổ giữa Việt Nam và các nước làng giềng », Kỷ yếu Hội thảo Phát triển Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Tranh chấp Biển Đông. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000
[33] Lưu Văn Lợi, Cuộc Tranh Chấp Việt – Trung về Hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa, NXB Công an Nhân Dân, 1995, trang 50.
[34] David M. Ong, Joint Development of Common Offshore and Gas Deposits: “Mere” State Practice or Customary International Law?, The American Journal of International Law, Vol. 93, Vo. 4, Oct. 1999., trang 773.
[35] Tác giả hy vọng trong tương lai làm được chuyện dẫn chứng được câu viết còn thiếu dẫn chứng này.
© Thời Đại Mới
No comments:
Post a Comment