Friday, March 13, 2009

HOA KỲ VÀ TRUNG QUỐC TĂNG CƯỜNG QUÂN SỰ TẠI BIỂN ĐÔNG

Hoa Kỳ gởi hộ tống hạm đến biển Đông
Thanh Thủy, Tú Anh
Bài đăng ngày 13/03/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 13/03/2009 14:49 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/111/article_2830.asp
Tình hình khu vực Biển Đông hiện đang có dấu hiệu căng thẳng lên một cách rõ rệt. Sau khi xẩy ra sự cố năm chiếc tàu Trung Quốc cản mũi quân hạm do thám không vũ trang USNS Impeccable của Hoa Kỳ ngày 8/3, hai bên đã tăng cường lực lượng trong khu vực.

Theo một viên chức Lầu Năm Góc được hãng tin Bloomberg trích dẫn hôm nay, Hải quân Hoa Kỳ đã gởi khu trục Hạm USS Chung Hoon đến hiện trường để hộ tống chiếc quân hạm do thám. Khu trục hạm Chung Hoon được trang bị thủy lôi và tên lửa.

Về phần Trung Quốc cũng đã tăng cường lực lượng tại vùng biển Đông. Theo hãng tin Malaisia Bernama, hai ngày sau khi xẩy ra sự cố liên quan đến quân hạm Impeccable của Mỹ, Bắc Kinh đã phái tàu tuần tra đánh cá lớn nhất của mình đến khu vực. Chiếc Yusheng 311, nguyên là một chiến hạm được cải tiến, đã rời cảng Quảng Châu trực chỉ biển Đông vào hôm thứ ba. Đối với Bắc Kinh, chiếc tàu tuần tra này sẽ giúp bảo toàn chủ quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc.

Tổng thống Obama tiếp Ngoại trưởng Dương Khiết Trì
Hôm qua, trong cuộc tiếp xúc dài 45 phút tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Barack Obama và ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cùng kêu gọi « khẩn cấp » vực dậy kinh tế thế giới và cùng hợp tác tránh xảy ra xung đột quân sự giữa hai nước.
Cuộc gặp gỡ này diễn ra trong bối cảnh 50 năm kỷ niệm cuộc nổi dậy chống Trung quốc tại Tây Tạng. Quốc hội Mỹ đã thông qua một nghi quyết lên án Trung Quốc và kêu gọi Bắc kinh đối thoại thực sự với Đức Đạt Lai Lạt Ma . Tổng thống Obama đã nói với Ngoại trưởng Trung quốc là Hoa Kỳ muốn thấy tình hình Tây Tạng được cải thiện.
Tình hình nhân quyền còn được ghi dấu qua sự kiện gia đình luật sư ly khai nổi tiếng của Trung Quốc, vợ và hai con của luật sư Cao Trí Thịnh đào thoát được đến Mỹ. Giới phân tích ghi nhận phản ứng của Trung quốc khá mềm mỏng, mặc dù ông Dương Khiết trì nói nhân quyền là chuyện nội bộ.

Từ Bắc kinh thông tín viên Marc Lebeaupin phân tích:
Quả là không thiếu những chỉ trích đến từ Washington, trước tiên là trên vấn đề Tây Tạng. Sự kiện Hạ Viện Mỹ thông qua nghị quyết ủng hộ Tây Tạng lẽ dĩ nhiên đã làm dấy lên những lời phản đối từ phía Trung Quốc, nhưng chỉ thế thôi. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã nhấn mạnh trên tầm mức quan trọng của vấn đề nhân quyền đối với Hoa Kỳ và ông nói với ngoại trưởng Trung Quốc rằng Washington chờ đợi bước tiến trong cuộc thương thuyết giửa lãnh đạo Trung Quốc với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đồng thời cũng có sự cố mới đây trên biển Đông, khi năm chiếc tàu Trung Quốc cản đường một quân hạm do thám Hoa Kỳ một cách thô bạo.
Theo Washington, đây là sự cố nghiệm trọng nhất giữa hai bên từ nhiều năm nay, buộc Mỹ phải đưa chiến hạm trở lại khu vực. Bắc Kinh cũng chỉ phản ứng chiếu lệ trên vấn đề này khi lên án một phản ứng thiếu cân xứng của Lầu Năm Góc.
Về phía Trung Quốc, họ đã gồng mình chịu trận. Trên trang nhất báo chí Trung Quốc vào hôm nay là bức ảnh của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bên cạnh đồng nhiệm Dương Khiết Trì. Các nhà bình luận chính thức chỉ nói đến đối thoại xây dựng và quan hệ đối tác. Không hề có vấn đề kích động dư luận nhắm vào Mỹ như Bắc Kinh đã từng làm cách đây không lâu đối với Pháp.
Nguyên là là vì ngay trong lúc khủng hoảng tài chánh đang diễn ra, Trung Quốc không thể nào đối đầu một cách cứng rắn hơn với Hoa Kỳ."

Động thái của Trung Quốc và Hoa Kỳ sau vụ đối mặt trên Biển Đông
Tqvn2004 tổng hợp
http://danluan.org/node/606

Tin liên quan:
Mỹ đưa tàu khu trục bảo vệ tàu thăm dò gần Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc đã quyết định gửi tầu tuần tiễu nghề cá đi giám sát đặc khu kinh tế (EEZ) trên biển Đông của mình, hai ngày sau vụ đối mặt giữa các tàu Trung Quốc và tàu Hải Quân Hoa Kỳ.
Tàu tuần tiễu Yuzheng 311 của Trung Quốc, được chuyển đổi từ một tầu chiến cũ, sẽ bắt đầu ra khơi vào thứ Ba, từ Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông.
"Tàu tuần tiễu này sẽ canh gác chủ quyền Trung Quốc tại biển Đông và sẽ bảo vệ quyền lợi và lợi ích của quốc gia này trên biển", Wu Zhuang, giám đốc Quản lý Hoạt động Ngư Nghiệp và Cảng Ngư Nghiệp ở Biển Đông, nói như thế trên tờ China Daily.
"Chúng tôi sẽ tăng số tàu tuần tiễu nghề cá lên trong vòng 3 đến 5 năm tới," ông bổ sung.
Wu nói rằng tàu tuần tiễu sẽ "bảo vệ các tàu đánh cá quanh Nam Sa, Tây Sa và Trung Sa thuộc lãnh hải cực nam của Trung Quốc, cũng như thể hiện chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo này." Nam Sa, Tây Sa và Trung Sa là tên gọi của Trung Quốc cho Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa, nhóm đảo đang tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Philippines.
Trung Quốc lần đầu tiên đóng mới tàu tuần tiễu nghề cá nặng 2,5 ngàn tấn, có thể mang trực thăng, và thế hệ tàu này sẽ sẵn sàng vào năm tới, Wu cho biết.

Một quan chức quân đội cao cấp dấu tên đã nói với tờ China Daily hôm thứ Tư rằng các hoạt động hải quân của Hoa Kỳ tại "khu vực nhạy cảm ở biển Đông" đã leo thang trong thời gian gần đây.
Hoa Kỳ cáo buộc 5 tàu Trung Quốc gây hấn với tàu USNS Impeccable tại hải phận quốc tế vùng biển Đông hôm Chủ Nhật.
Trung Quốc đáp trả, nói rằng tàu Impeccable nằm trong vùng đặc khu kinh tế (EEZ) của mình, và đã vi phạm luật quốc tế và luật Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã đưa tới Washington thư phản đối của mình.

Một quan chức chính phủ Mỹ cho biết, Mỹ đã quyết định cho các tàu khu trục được trang bị vũ khí hộ tống các tàu do thám Mỹ hoạt động tại biển Đông sau khi xảy ra cuộc đối đầu căng thẳng giữa tàu Mỹ và tàu Trung Quốc hồi cuối tuần qua.
"Các tàu khu trục sẽ hộ tống các tàu do thám trong tương lai, và chưa biết lúc nào việc hộ tống sẽ ngưng lại", quan chức quốc phòng giấu tên nói với AFP.

Ngay sau khi tàu Trung Quốc và tàu Mỹ đụng độ, tàu khu trục USS Chung Hoon đã hộ tống tàu Impeccable, trong các hoạt động do thám của mình tại khu vực biển Đông, quan chức trên cho biết.
Kể từ sau vụ đụng độ hôm Chủ Nhật, các hành động khiêu khích từ phía tàu và máy bay Trung Quốc đã chấm dứt, ông nói.
"Mọi thứ đã yên ắng rồi," quan chức bộ Quốc Phòng nói. "Hiện tại người ta đang chú trọng vào việc giải quyết vấn đề ở tầm ngoại giao. Và đó là điều chúng tôi đang tập trung làm".


Quan hệ Mỹ-Hoa và vụ đụng độ ở Biển Đông
Nguyễn Khanh, phóng viên RFA
2009-03-13
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/US-China-relations-interview-dr.RichardWeitz-Hudson-institute-NKhanh-03132009105421.html
Sự kiện chính trị đáng chú ý nhất trong tuần là căng thẳng ở Biển Đông, khi chiếc tầu thăm dò của Hải Quân Hoa Kỳ bị 5 chiếc tầu của Trung Quốc bao vây, gây rối.
Sự kiện vừa nêu khiến mọi người thắc mắc, không hiểu Bắc Kinh có dụng ý gì khi làm điều này.
Đó cũng là câu hỏi được Ban Việt Ngữ chúng tôi đặt ra với Tiến Sĩ Richard Weitz, Giám đốc nghiên cứu Quân sự - Chính trị của Viện Nghiên Cứu Hudson Institute.

Tiến sĩ Richard Weitz, Giám đốc nghiên cứu Quân sự-Chính trị của Viện Nghiên Cứu Hudson Institute. photo courtesy of hudson.org
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/US-China-relations-interview-dr.RichardWeitz-Hudson-institute-NKhanh-03132009105421.html/RichardWeitz-150.jpg

Đụng độ ở Biển Đông

Nguyễn Khanh: Cám ơn Tiến Sĩ đã nhận lời nói chuyện với chúng tôi. Ông có ngạc nhiên về sự việc mới xảy ra ở Biển Đông không?
TS Richard Weitz: Không, tôi không ngạc nhiên.

Nguyễn Khanh: Tại sao ông không ngạc nhiên?
TS Richard Weitz: Bởi vì trong khoảng thời gian 20 năm qua những chuyện này thường xảy ra, nhất là dưới thời của Tổng Thống George W. Bush. Đây là chuyện chẳng bao giờ chấm dứt, vụ này nối tiếp vụ khác, và cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc cũng không biết phải giải quyết như thế nào về những xung đột xảy ra thường xuyên trên mặt biển.
Nguyễn Khanh: Nhưng thưa Tiến Sĩ, tại sao Trung Quốc lại có hành động như vậy giữa lúc quan hệ hai bên đang tốt đẹp?
TS Richard Weitz: Rất khó để chúng ta có thể biết những ai ở Trung Quốc đứng đằng sau vụ này, nhưng điều rõ rệt là khái niệm của hai bên hoàn toàn khác nhau về vấn đề chủ quyền ở vùng biển đó.
Tôi cũng biết là khái niệm chủ quyền vùng biển này giữa các nước khác cũng khác nhau, chẳng hạn như khái niệm giữa Trung Quốc và Việt Nam, giữa Trung Quốc và Philippines, ngay cả khái niệm giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng khác nhau. Cuộc tranh chấp chủ quyền ở vùng biển nằm cách bờ biển Trung Quốc 200 hải lý vẫn đang tiếp diễn.

Nguyễn Khanh: Trước sự kiện vừa xảy ra, theo ông thì Tổng Thống Hoa Kỳ Obama phải giải quyết như thế nào?
TS Richard Weitz: Ông Obama nên nói chuyện thẳng với Trung Quốc, đề nghị họ nên ký kết hiệp định về vùng biển như nước Mỹ đã ký kết với Nga. Đây là điều cần phải làm mỗi khi có những va chạm như thế xảy ra.
Không thể để cho Trung Quốc đơn phương quy định ranh giới biển của họ được, nếu cần phải đưa vấn đề này ra trước diễn đàn quốc tế, như ra trước Hội Đồng Bảo An, hoặc qua cách Hoa Kỳ nói chuyện thẳng với Trung Quốc.

Nguyễn Khanh: Khi Tổng Thống Hoa Kỳ tiếp Ngoại Trưởng Trung Quốc ở Nhà Trắng, cả hai đều tìm cách làm nhẹ những căng thẳng mới xảy ra ở biển Đông, cùng chú ý vào vấn đề quan trọng là giải quyết những khó khăn kinh tế toàn cầu. Ông nghĩ đó có phải là chiêu thức đúng không?
TS Richard Weitz: Tôi nghĩ đó là điều đáng làm, không có lý do gì để tăng mức độ căng thẳng cả. Nhưng cả hai bên cũng biết đến một lúc nào đó phải ngồi lại với nhau, phải hoạch định kế hoạch phát triển quan hệ quân sự, và tránh đừng để cảnh mỗi năm xáo trộn lại xảy ra đôi ba lần, không tốt cho mối quan hệ của hai cường quốc.

Vùng biển nhiều tranh chấp

Nguyễn Khanh: Ông cũng hiểu khu vực Biển Đông là khu đang tranh chấp giữa Trung Quốc và nhiều nước khác…
TS Richard Weitz: Đúng, trong đó có cả Việt Nam. Tranh chấp chủ quyền ở các quần đảo trong vùng biển này giữa Việt Nam và Trung Quốc đến bây giờ vẫn chưa giải quyết xong.

Nguyễn Khanh: Thưa ông, Trung Quốc thì to, các nước khác thì bé. Ông có đề nghị nào cho các nước nhỏ như Việt Nam không?
TS Richard Weitz: Đây là vấn đề còn khó hơn nữa, vì liên quan đến nhiều nước. Tôi thấy là dường như Trung Quốc đã dịu giọng hơn, không còn những cử chỉ cứng rắn như họ từng làm năm, mười năm trước đây.
Điều mọi quốc gia cần làm là phải thúc đẩy Trung Quốc dịu giọng hơn nữa, phải uyển chuyển càng nhiều càng tốt, phải cho Trung Quốc hiểu rằng gây khó khăn với Việt Nam, với các nước trong vùng hay cả với Mỹ chẳng có lợi gì cho họ cả.
Hành động cứng rắn của Trung Quốc còn bị cộng đồng thế giới đánh giá là một nước không trách nhiệm trong khu vực.

Nguyễn Khanh: Trong 8 năm vừa qua, chính phủ của Tổng Thống George W. Bush thường xuyên lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ về tiềm năng quân sự của Trung Quốc. Chính phủ của ông Obama có nên tiếp tục điều này không?
TS Richard Weitz: Có chứ. Tôi cho rằng đó là cách đẩy Trung Quốc đến chỗ phải minh bạch hơn về chính sách quân sự của họ. Tôi để ý là trong những sách trắng về quốc phòng mà họ cho phổ biến hồi gần đây, mỗi năm họ lại cởi mở, minh bạch hơn trước.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Tiến Sĩ.




No comments: