Friday, March 13, 2009

CÒN LỢI ÍCH CỤC BỘ CÒN THAM NHŨNG

Còn lợi ích cục bộ, còn tham nhũng
05:25' 13/03/2009 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/03/835735/
"Tham nhũng ở Việt Nam khó đánh giá và định lượng. Vì để xác định tham nhũng luôn phải đòi hỏi bằng chứng, nhưng lấy đâu ra? Ông Huỳnh Ngọc Sĩ trong nghi án hối lộ PCI cuối cùng lại bị bắt vì một tội không liên quan đến số tiền 850 nghìn đôla", bà Phạm Chi Lan bình luận về kết quả nghiên cứu "Hành chính nhà nước, chống tham nhũng và phát triển kinh tế" do Chương trình phát triển LHQ (UNDP) thực hiện.
Đây là 1 trong 6 nội dung nghiên cứu về cải cách hành chính quốc gia để đưa ra những khuyến nghị xung quanh vấn đề phòng chống tham nhũng, cải cách thể chế quản lý hành chính, phát triển nguồn nhân lực, quản lý tài chính công... Nghiên cứu đã được trình bày tại Hội thảo quốc gia về cải cách hành chính công hôm nay (12/3).

Tham nhũng ngày càng chuyên môn hóa

Nhóm nghiên cứu chỉ ra tham nhũng tại Việt Nam "xuất hiện tại mọi cấp, trong tất cả các khu vực, bao gồm cả khu vực công lẫn tư", tham nhũng không chỉ xuất hiện cùng với cơ chế thị trường mà từ thời bao cấp, mức độ "tăng đáng kể từ thời kỳ đổi mới". Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đây chính là lý do khiến công cuộc chống tham nhũng "loay hoay suốt bao năm nay".
Tham nhũng cũng được nhận diện dưới ba cách thức: tiền bôi trơn, tư nhân hóa bất hợp pháp tài sản Nhà nước và bán quyền lực Nhà nước. Việc bán quyền lực Nhà nước bao gồm việc nhận hối lộ liên quan đến tuyển dụng, đề bạt các chức vụ và bán các dịch vụ thông thường.
Nghiên cứu cũng nhận diện đường đi của tham nhũng như sự hình thành thị trường đất đai, tài chính, hoặc "rút ruột" từ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tán thành phân tích này, bà Phạm Chi Lan còn bổ sung thêm "khe cửa" khác mà tham nhũng có thể "lách", đó là "cài cắm lợi ích cục bộ khi soạn thảo luật, cơ chế". Với tư cách người tham gia vào nhiều dự án luật, bà Lan cho hay, con đường để đưa những điều khoản công khai, minh bạch vào luật "rất chật vật". Chừng nào vẫn còn có các nhóm lợi ích thao túng việc làm luật thì vẫn còn một thứ văn hóa tồi là tham nhũng.

Lý giải nguyên nhân tham nhũng, nhóm nghiên cứu của UNDP cho rằng, đang có một khuynh hướng nhìn nhận chức vụ trong chính quyền như một phương tiện để làm giàu cá nhân. Mọi chức vụ đều được ra giá.
Vấn nạn chạy chức chạy quyền được nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nhận định hiện đã thành "hệ thống": "Tham nhũng đã thành dây. Chẳng hạn, muốn chạy án cũng cần có một đội quân chuyên nghiệp. Tham nhũng đang ngày càng chuyên môn hóa. Ở đâu có quyền lực, ở đó có tham nhũng".

"Tăng thêm một cửa"


Vì những nguyên nhân như trên, cải cách hành chính công được nhóm nghiên cứu của TS David Koh và TS Đặng Đức Đạm chỉ ra là "vẫn còn yếu kém". Tư nhân chỉ được chia sẻ phần không đáng kể để mang lại những tiện ích cho người dân.

Nhóm nghiên cứu đưa ra 7 khuyến nghị như Quốc hội lập ra các cơ quan quản lý đại diện cho Chính phủ để giám sát nhưng không trực tiếp cung cấp dịch vụ công. Mỗi lĩnh vực nên có một cơ quan quản lý; tăng cường cung cấp dịch vụ công ở nông thôn và cải thiện cung cấp dịch vụ giáo dục, y tế...

Thực tế, để nhận dịch vụ công chất lượng, người dân vẫn phải "đi cửa sau". Cơ chế một cửa, theo TS Nguyễn Đình Cung, được hiểu là "tăng thêm một cửa".

Trong khi đó, một khảo sát khác về tinh giản thủ tục hành chính (đề án 30 của Chính phủ) đã cho thấy, lãnh đạo địa phương luôn tự mình đặt ra những quy định và luật lệ mới. Thủ tục hành chính rườm rà là mảnh đất cho tham nhũng. Việc đơn giản hoá thủ tục hành chính được thừa nhận là có những hạn chế và thất bại.

Theo khuyến cáo của giáo sư Martin Painter, việc tinh giản thủ tục hành chính được ưu tiên nhưng gặp nhiều cản trở do đòi hỏi phải có một sự điều phối và kiểm soát tập trung.

Như vậy, tuy đề cao việc áp dụng mô hình các nước và chưa có những khảo sát thuyết phục nhưng các khuyến cáo về chống tham nhũng và cải cách hành chính mà nhóm nghiên cứu đề xuất có ý nghĩa nhất định, cung cấp thông tin cho việc đánh giá 10 năm thực hiện chương trình tổng thể về cải cách hành chính nhà nước 2001 - 2010.



No comments: