Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [11]
Huỳnh Ngọc Tuấn
Đăng ngày 1-3-2009
http://danchimviet.com/articles/904/1/Hi-c-v-nha-tu-cng-sn-Vit-Nam-11/Page1.html
Tôi đi dạo trong vườn nhìn những luống cải xà lách nở hoa. Tôi rất thích màu vàng của hoa cải lúc cuối mùa nhưng bây giờ tôi không còn tâm trạng gì để thưởng thức cái vẻ đẹp đó. Tôi đang bị căn bệnh quái ác hành hạ, một người bạn tri kỷ ra đi vĩnh viễn và một người bạn sắp xa tôi. Trong lòng trống rỗng, tôi hờ hững bước đi mặc cho những đoá cúc vàng cúc trắng đong đưa như vẫy chào và khoe khoang vẻ đẹp yêu kiều.
Giờ đây tôi chỉ còn là một người vô tình vô cảm...chắc nỗi buồn nhớ thương con đã hút hết những cảm xúc trong lòng tôi. Tôi như một thân cây khô héo, mỏi mòn không còn nhựa sống.
Tuy biết tôi bị bệnh lao phổi nhưng các bạn của tôi không hề sợ hãi mà xa lánh tôi, họ càng gần gũi với tôi hơn. Anh Dương Văn Sỹ, chú Phan Văn Bàn, vẫn dành cho tôi những tình cảm nồng hậu, thỉnh thoảng họ kéo tôi đến mâm trà của họ để uống vài chén và bàn bạc một chút về thời cuộc.
Anh Dương Văn Sỹ và Vũ Đình Thụy bây giờ đã hồi phục sức khoẻ, tôi nhớ khi chúng tôi từ Xuân Phước ra đi, tôi đến trại 5 Thanh Hoá, còn anh Dương Văn Sỹ và Vũ Đình Thụy và một số anh em khác (13 người) đi trại Thanh Cẩm. 6 tháng sau họ mới chuyển xuống trại 5.
Buổi trưa hôm đó chúng tôi bàng hoàng khi cánh cổng khu mở ra và 13 con người xanh xao mỏi mệt, kiệt sức đang lê từng bước tiến vào. Chúng tôi không còn tin vào mắt mình, họ không còn là người nữa, họ là những bóng ma vật vờ, những bộ xương biết nói.
Sau này họ kể cho chúng tôi nghe 6 tháng hãi hùng ở Thanh Cẩm. 13 người họ bị nhốt vào một căn phòng nhỏ tối tăm, đầy gián và dòi bọ, từ nhà tiêu..những con dòi to tướng bò ngổn ngang trên sàn chui cả vào chăn màn của họ.
6 tháng trong bóng tối, chỉ mở cửa mỗi khi đi tắm, mùa hè thì một tuần được ra tắm sông một lần, mùa đông lạnh thấu xương được BGT “chiếu cố” cho đi tắm mỗi ngày.
Không được nhận quà của gia đình, không được mua căng tin, không được nấu ăn, mỗi người một ngày chỉ được lưng một bát cơm và vài củ sắn hoặc lưng một bát cơm và cũng lưng một bát ngô ăn với muối...mọi người ai cũng chuẩn bị tinh thần để “ra đi.”
Anh Dương Văn Sỹ không có gia đình thăm nuôi nên cuộc sống rất khó khăn, có một điều là anh luôn được mọi người yêu thương đùm bọc cho nên anh mới sống sót được...hiện nay anh sinh hoạt chung với anh Phạm Văn Thành. Mâm anh PVT rất đông, có anh Thành, anh Dũng, anh Thố, chú Bàn những người này cuộc sống tương đối thoải mái, những người còn lại là những anh em khó khăn như anh VĐT. Còn lại anh TNP, HXC, TVS, DVS gần như hoàn toàn không có gì.
Cách đây mấy tháng (khoảng tháng 6/1996) khi biết ở trại 5 có một đội khoảng 12 người của tổ chức Việt Tân. Họ thuộc nhóm Đông Tiến 3 do anh Trần Quang Đô (tức Đào Bá Kế) chỉ huy về VN. Họ sống rất khổ cực, anh PAD và PVT tìm cách liên lạc với những anh em đó. Cũng không khó khăn gì vì họ thỉnh thoảng vẫn gặp nhau trên đường đi làm, gặp nhau ở Căng tin hoặc gặp nhau ở nhà bếp.
Đỗ Bạch Thố là người của Đông Tiến 3 và qua Đỗ Bạch Thố anh Dũng và anh Thành đã chi viện cho họ..nhưng sự việc này khó qua mắt được hệ thống an ninh dày đặc của trại,vậy là một số người đội bên kia bị cùm..bên chúng tôi thì Đỗ Bạch Thố xuống nằm ở biệt giam.
Thật không hiểu được việc giúp đỡ bạn bè mà phải trả bằng cái giá cùm kẹp. Không thể hiểu được những người cộng sản họ có trái tim không, não trạng có bình thường không? Khi đàn áp những người cho và nhận quà..mà có gì lớn lao đâu..mỗi người chỉ được vài gói thuốc lá và mấy gói mì tôm.
Trong thời gian từ năm 1996-2000..anh em tù chính trị đã công khai bảo vệ quan điểm của mình mà không sợ bị trù dập..trước đây chỉ những người can đảm nhất mới dám làm điều này.
Phải công nhận rằng sau khi CSVN được phía Mỹ rút ra khỏi danh sách những nước bị cấm vận và bình thường hóa quan hệ ngoại giao thì CSVN cũng nới lỏng một chút cho chúng tôi được sống. Một chút thôi để tỏ thiện chí với Mỹ chăng? Hay đây chỉ là thủ đoạn để tiếp tục đạt được những mục tiêu ngoại giao trước mắt. Đối với những người có quốc tịch nước ngoài thì được ưu đãi..thân phận của họ khác với chúng tôi xa lắm. Trường hợp anh Nguyễn ngọc Đăng - Phạm anh Dũng và Nguyễn văn Muôn là điển hình nhất.
Anh Phạm anh Dũng là một con người kiên nghị luôn sát cánh với anh em. Trong bất cứ cuộc đấu tranh nào của anh em tù chính trị chống lại sự khủng bố và đàn áp của chính quyền CSVN. Anh Dũng luôn là người đi đầu...với tinh thần trách nhiệm với anh em, với lòng dũng cảm, và với danh dự của một người trí thức, với lập trường kiên định của một người dân chủ. Anh sẵn sàng đối đầu với CS mà không hề sợ hãi.
Có thể vì anh là công dân Pháp, có thể vì anh là một trí thức am hiểu về luật pháp quốc tế (điều mà những người đấu tranh trong nước không phải ai cũng hiểu ở thời điểm này) cho nên CSVN rất nể nang anh. Tôi nghĩ là cả hai.
Khi tôi bắt tay viết hồi ký này đang xảy ra sự việc Thái Hà. Cuộc đấu tranh đòi công lý và đất đai đã bị chính quyền CSVN cưỡng đoạt. Và lời của Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt nói trong một cuộc họp với chính quyền CS Hà Nội.:”Chúng tôi đi ra nước ngoài nhiêù lần, chúng tôi cảm thấy nhục vì cầm cái hộ chiếu VN trong tay, đi đâu cũng bị người ta soi xét, không như anh Nhật bản, cầm hộ chiếu trên tay muốn đi đâu cũng được, anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế” và .lời....Đức GM Ngô quang Kiệt bị CSVN cắt xén để phê phán Đức Cha Kiệt là không yêu nước, xúc phạm đến lòng tự tôn dân tộc. Chính quyền lợi dụng việc này để kích động công luận chống Công giáo. Một lần nữa họ nhân danh dân tộc để chia rẽ dân tộc.
Tôi tự nghĩ không cần phải đi ra nước ngoài, cứ ở VN vào nhà tù sẽ thấy, chính CSVN đã dựng lên bức tường đẳng cấp giữa một người VN và công dân ngoại quốc..nhất là những nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Úc, Canada. CSVN đã dựng lên bức tường chia cắt giữa hai thân phận ..một bên trọng một bên khinh rõ rệ nhất và thô thiển nhất.
Chính CSVN là thủ phạm tạo ra cái bi kịch này.
Cho dù cuộc sống trong tù có nghiệt ngã đến mấy, anh em chúng tôi đa phần vẫn giữ được sĩ khí, tùy thời cuộc cũng như bản lĩnh và cá tính của từng người...họ có một cách thể hiện khác nhau.
Anh Nguyễn Văn Muôn là một nhân vật có cá tính đặc biệt. Anh Muôn là công dân Mỹ đi nhiều sống nhiều nên kiến thức của anh rất phong phú, với cách nói chuyện kiểu người miền Tây, thỉnh thoảng anh chửi thề..không giống như các anh PVT-NNĐ-PAD luôn luôn kề vai sát cánh với anh em trong những cuộc đấu tranh chống lại sự đàn áp khủng bố của chế độ..anh Nguyễn Văn Muôn không tích cực tham dự nhưng luôn bảo vệ lý tưởng của mình, bảo vệ và thể hiện niềm tự hào của anh về Quân Lực Việt Nam Cộng hoà.
Anh là một người lính già, luôn sống với quá khứ vinh quang của mình, bất cứ ở đâu anh cũng thể hiện sự tự hào đó..đôi lúc anh muốn dùng sự tự hào về quân lực VNCH để thách thức chế độ CS.
Anh nhờ chú NĐVL thêu vào chiếc mũ của anh Ancil binh chủng hải quân -binh chủng mà anh phục vụ trước năm 1975 và cả quân hàm của anh.
Anh đội chiếc mũ này với niềm tự hào và mãn nguyện. Đi đâu anh cũng đội nó, khi đi dạo ngoài vườn..khi đi mua căng tin, khi đi khám bệnh và cả khi đi làm việc với cán bộ..những người thường phạm trẻ họ hay tò mò nhìn chiếc mũ của anh. Có một lần ở Căng tin tôi và anh đi mua hàng, một anh bạn trẻ hỏi:
- Chú đội chiếc mũ gì vậy chú?
Anh trả lời đầy tự hào:
- Chú là sĩ quan của Hải quân VNCH. Đây là Ancil của binh chủng hải quân.
Cầm chiếc mũ trên tay anh giải thích tường tận với niềm vui thích đặc biệt cho người thường phạm trẻ tò mò này hiểu về quân đội VNCH, tay cán bộ bán hàng ở Căng tin khó chịu bực tức nhưng không thể làm gì được anh nên hắn đổ sự tức giận lên đầu người thường phạm trẻ tuổi kia.
- Mày mua hàng rồi cút đi, đừng có hỏi vớ vẩn.
Anh Nguyễn văn Muôn không phải là người nổi bậc trong anh em nhưng với cá tính của anh đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi và mọi người.
Cái ngày mà anh Đăng nói với tôi cũng đã tới, tuy trong lòng không tin nhưng tôi cầu mong việc đó là sự thật.
Cán bộ an ninh của trại vào thông báo cho anh Nguyễn ngọc Đăng, Nguyễn văn Muôn, và Phạm anh Dũng dọn đồ đạc chuyển trại. Ba người này có quốc tịch nước ngoài, Mỹ-Pháp-Canada.
Chúng tôi chia tay nhau, đó là buổi sáng tháng 3 năm 1998
Việc những người có quốc tịch ra đi làm cho những người còn lại trong tổ chức Liên Đảng vừa vui mừng vừa lo âu.
Bốn người còn lại là anh Lê Hoàng Sơn -Phạm Văn Thành -Đỗ Hông Vân -Đỗ Hườn là những thường trú nhân của Mỹ và của Pháp
Một thời gian sau chúng tôi chuyển chỗ ở.
Họ chuyển chúng tôi sang khu nhà đối diện..khu bên này chỉ có một buồng giam. Anh Lê Hoàng Sơn đại diện cho anh em cùng cán bộ chia chỗ nằm.
Số lượng người trước đây ở hai buồng bây giờ dồn lại một buồng nên quá chật, mỗi người chỉ được 40cmChúng tôi nhận thấy rất rõ..là những ưu đãi mà chúng tôi hưởng được như chỗ ở rộng rãi là dành cho mấy người có quốc tịch nước ngoài, chúng tôi chỉ ăn theo..bây giờ họ đi rồi, quy chế dành cho chúng tôi thay đổi cho dù vẫn còn có các anh PVT-LHS-ĐHV-ĐH nhưng họ chỉ là thường trú nhân.
Chúng tôi tiên liệu những ngày sắp tới sẽ rất cam go. Anh em họp lại để ký vào kiến nghị gởi BGT là chỗ ở quá chật chội không đúng với pháp lệnh thi hành án và cũng không thể sinh hoạt được, chúng tôi quyết định không dọn vào phòng...sau hai giờ dằn co, BGT chấp nhận nhượng bộ một chút. Họ cho chuyển bớt một số thường phạm sang khu khác..cán bộ an ninh tập họp chúng tôi trước sân đưa ra quyết định đó và kèm theo lời đe doạ:
- Nếu ai không đồng ý thì sẽ chuyển đi buồng khác, khu khác.
Chúng tôi biết lời đe doạ này không phải để nói suông..họ sẽ đàn áp những ai dám chống đối họ.
Chúng tôi dọn vào phòng, bây giờ thì mọi người phải thu vén cho gọn gàng, mỗi người chỉ được 60cm, không được một chiếc chiếu cá nhân.
Đây là một bằng chứng cho thấy chính quyền CSVN khinh mịêt nngười dân của mình ngay trên đất nước VN. Có sự phân biệt đối xữ giữa công dân VN và công dân Mỹ-Pháp. Chính cộng sản đã tạo ra cái tiền lệ xấu xa này.
Đối với CSVN lòng yêu nước hay tự hào dân tộc chỉ là chiêu bài mị dân để lừa phỉnh những người nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết. Chúng ta thương xót cho những người con VN tuổi còn rất trẻ bị bắt buộc hoặc tự nguyện hy sinh cho một thứ chiêu bài “Giải phóng dân tộc giả hiệu”. Sự mất mát của họ lấy gì để bù đắp để chuộc lại...cuộc sống và tuổi trẻ của họ bị hy sinh để thực hiện tham vọng quyền lực của một nhóm người.
Bây giờ cuộc sống chúng tôi quay lại với sự khó khăn.
Mùa đông năm 1998 và 1999 là hai mùa đông nghiệt ngã. Ở quê tôi, Quảng Nam, lũ lụt nặng nề, gia đình tôi các con tôi phải sống cảnh màn trời chiếu đất...nước lũ cuốn trôi nhà cửa đồ đạc, sự giúp đỡ của các hội từ thiện không đến được tay gia đình tôi vì bị chính quyền CS phong toả và cũng do chính sự thờ ơ của một xã hội mà con người đã trở nên chai lỳ với tất cả những chuyện chung quanh mình.
Khi viết những dòng này là mùa đông 2008, tôi càng đau buồn và thất vọng vì một xã hội VN đã bị nhiễm độc. CS họ đã thành công rất lớn khi họ biến mỗi một con người thành ốc đảo, thành những người máy, vô tình vô cảm...trơ trơ như tượng đá trước những vấn nạn xã hội và nỗi đau đồng loại, cảm giác thất vọng và bất lực khiến tôi lo sợ rằng con người VN sẽ vĩnh viễn thoát ly khỏi những giá trị truyền thống Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, vốn đã rất mong manh vì thời cuộc nhiễu nhương trước đây. Con người VN thời này vốn chỉ là những con người thực dụng ấu trĩ. Họ chỉ còn có hai bản năng về nhu cầu thoã mãn tình dục và ham thích ăn uống hưởng thụ...không có hy vọng gì để cứu dân tộc này nữa.!?
Nhưng theo tôi vẫn còn có hy vọng: đó là phải biết vận dụng lòng tham lam và ích kỷ của họ khi thời cuộc thay đổi. Chính sự tham lam và ích kỷ mà chế độ CSVN đã tạo nên trong mỗi con người VN (một cách liên tục và đầy thủ đoạn với nhiều tốn kém về tiền của và công sức) sẽ tiêu diệt chế độ CS khi thời cơ đến.
Nó cũng giống như con thú dữ sẽ quay lại ăn thịt người chủ của nó khi đói khát và khi người chủ trở nên bất lực, không kiềm chế được nó nữa.
Mùa đông năm 1998 những người trong tổ chức Liên Đảng không còn ở đây, họ được các quốc gia cho họ thường trú đón nhận..chỉ còn có anh Đỗ Hườn thường trú nhân của Mỹ là còn ở lại. Không hiểu tại sao, có nhiều cách giải thích nhưng cũng không ai biết được cụ thể chính xác. Anh Đỗ Hườn bị suy sụp hoàn toàn.
Tôi nói chuyện với anh động viên anh nhưng không có kết quả mấy vì một lý do đơn giản không ai có thể cứu mình ngoài bản thân mình.
BGT trại 5 cũng thay đổi cách ứng xữ với chúng tôi..nghiệt ngã hơn, họ đưa ra những hạn chế mới để khủng bố chúng tôi về tinh thần và vật chất. Những anh em của tổ chức VT đến đây từ cuối những năm 1980 chuyển đến ở chung với chúng tôi, những người CS đã thành công như ý khi họ làm mọi cách để nhắc nhở chúng tôi, hoặc buộc chúng tôi phải nhân thức rằng thân phận của người VN là thấp kém, vì chúng tôi là người Việt Nam 100%.
Không gian sinh hoạt của chúng tôi cũng chật hẹp. Không có vườn hoa cây cảnh..không có đất để trồng cây, trồng rau xanh, mọi người tù .....đi lại cứ va chạm vào nhau và họ cũng đưa thêm tù thường phạm đến ở chung với chúng tôi và những người này đã làm cuộc sống chúng tôi xáo trộn hoàn toàn.
Để cho chỗ ở mới của chúng tôi bớt đơn địệu buồn chán, Thầy Mai Đức Chương nhờ cán bộ quản giáo mang vào cho mấy gốc hoa huệ. Chúng tôi trồng mấy gốc huệ đó sát bờ tường phân cách hai khu nhà với nhau...cây hoa huệ ở đây hợp thổ nhưỡng nên phát triển rất nhanh. Thân cây không cao như hoa huệ trồng ở miền Nam nhưng hương thơm ngào ngạt.
Mùa hè năm 1999 chúng tôi chịu thêm một mất mát nữa. Chú Nguyễn Trưởng ra đi vì tai biến mạch máu não.
Buổi trưa trời nóng, anh em đang nghỉ, tôi không ngủ được ngồi tập Yoga. Lê Văn Tiến chạy vào đánh thức anh em dậy.
-Chú Trưởng bị trúng gió rồi anh em ơi
Tôi bỏ dở buổi tập bước xuống -tôi nằm ở sàn trên..anh em khiêng chú Trưởng vào chỗ của chú..Tôi thấy chú ôm đầu, miệng ú ớ..như muốn nói gì đó...Chúng tôi đi gọi cấp cứu nhưng không có ai trả lời. Anh em chúng tôi cho người khoẻ đứng ở cửa khu gọi to: Cấp cứu, cấp cứu. Tôi và những người khác xoa bóp cho chú, người bấm huyệt, người xoa ngực xoa đầu. Chú Trưởng vẫn la ú ớ trong miệng mắt nhắm nghiền.
Lúc đầu tiếng la còn rõ sau đó yếu dần, mười phút sau chú Trưởng không còn rên được nữa..chú nằm yên bất động..Tôi theo dõi mạch nơi cổ tay của chú, mạch yếu rất nhanh rồi im hẳn, tôi kiểm tra mạch cổ, lúc đầu còn rõ sau đó mất luôn.
Anh em vẫn gọi cấp cứu, những người ở khu bên cạnh không ngủ được họ nhìn qua khung cửa sổ hoặc chồm người qua bức tường ngăn cách hỏi sang,
- Có việc gì thế?
Ai đó trả lời,
- Có người sắp chết đang gọi cấp cứu.
- Thế thì "gây" rồi, giờ chúng nó đang còn ngủ trưa, đợi đến giờ hành chính thì toi mất, mẹ chúng nó coi mạng người như rác!
Tôi cứ loay hoay chạy ra chạy vào..không biết làm sao, cánh cổng khu vẫn đóng im ỉm.
Đến 13g15’, một anh trật tự đến mở cửa để chuẩn bị đi làm..chúng tôi chuyển chú Trưởng đi bệnh xá, chỉ có anh Thụy được đi theo, còn những người kia là người của trại.
30 phút sau, anh Thụy về báo lại là chú Trưởng đã mất.
Tôi về nằm dài và thấy buồn kinh khủng..tại sao những người gần gũi thân thiết với tôi cứ lần lượt ra đi. Tuy rằng ở trong tù quan hệ anh em rất thân mật, nhưng ai cũng có một vài mỗi quan hệ đặc biệt thân mật nào đó. Với tôi, tôi có nhiều mối quan hệ thân thiết và cũng được nhiều anh em thương quý. Chú Trưởng là một trong những người rất thương yêu tôi. Tôi bằng tuổi người con đầu của chú. Chú là một nông dân tỉnh Quảng Ngãi, vào Ninh Thuận lập nghiệp vào những năm cuối của thập niên 1950. Thời “Ngô Tổng thống”, đối với chú..Tổng thống Ngô Đình Diệm là một cứu tinh dân tộc, một thần tượng của chú, một vị lãnh tụ mà chú luôn kính trọng và bày tỏ lòng tri ân. Người đã mang đến cho chú và nhiều người khác một tài sản lớn từ đôi bàn tay trắng. Một vị lãnh tụ anh minh, khó có người sánh kịp. Chú là một người đơn giản, chân chất, nhân hậu, chú sẵn sàng giúp đỡ người khác, những đồng bạc cuối cùng chú có. Ở trong tù chú không phải là người giàu nhất, nhưng là người hào phóng nhất.
(còn tiếp)
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [1]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [2]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [3]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [4]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [5]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [6]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [7]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [8]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [9]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [10]
No comments:
Post a Comment