Tuesday, March 24, 2009

HOÀ BÌNH KHÔNG PHẨM GIÁ

Hoà bình không phẩm giá

Trần Vũ

25/03/2009 3:29 sáng

http://www.talawas.org/?p=1402

Nguyễn Tâm Bảo hỏi Nguyễn Việt: ”Nếu phải chọn, ông Nguyễn Việt sẽ chọn sống ở Việt Nam độc tài hay ở Campuchia dân chủ? Và nếu là người nghèo thì ông muốn sống ở Việt Nam độc tài hay ở Ấn Độ dân chủ?”

Dường như nhiều triệu người Việt Nam đã chọn lựa. Khắp thế giới và trên đất Cao Miên khá đông người Việt, đôi khi không tự nguyện như nhiều ngàn thiếu nữ Việt Nam bị bán sang làm điếm. Một lần sang Thái Lan, lang thang trong những hẻm chật của Vọng Các, tình cờ tôi trông thấy những quầy giò chả, nem nướng, bánh xèo… Tôi vừa ăn thức ăn của quê nhà trên đất Thái, vừa hỏi thăm những người bán. Họ cho biết sống không giấy tờ hợp pháp, vì nhập cảnh lậu. Tôi hỏi họ sao không trở về quê nhà, họ lắc đầu: ”Ở đây thoáng hơn, có tương lai hơn…” Tôi không nhìn thấy tương lai của họ ở đâu, nhưng có lẽ ở miền quê của họ còn khổ hơn nữa. Một lần khác, lang thang ở Patong trên đảo Phù Kết, khu phố tràn ngập điếm, đứng hai bên lề, tràn ra ngoài quán. Một thiếu nữ đưa tay ngoắc: ”Anh, anh, vào uống bia với em…” Tôi bước chân vào quán, cô gái cười tươi: ”Nhìn anh là biết Việt Nam liền…” Qua câu chuyện, tôi hỏi: ”Sao cô không ‘làm việc’ ở Việt Nam, bây giờ nhiều quán bia, phố Phạm Ngũ Lão nhiều khách Tây…” ; ”Trời ơi, ở đây đi khách tự do hơn chứ anh, hồi ở Việt Nam em bị hốt hoài. Thu nhập cũng khá hơn, mình có thẻ hành nghề là công an Thái Lan để yên.” Ở Phù Kết chưa nhiều điếm Việt, nhưng ở Tân Gia Ba có cả một khu điếm Việt Nam, mà tài xế taxi hỏi tôi có muốn đến hay không ngay khi tôi vừa xuống phi trường. Một lần khác nữa, tôi đến Langkawi, Mã Lai. Tôi gặp những thanh niên Việt xếp hàng gửi tiền về quê nhà. Nhìn họ, tôi biết họ rất cực. Nhìn họ, tôi cảm thấy mình may mắn, đang làm du khách.

Tôi đã sống trong trại tỵ nạn Phi Luật Tân gần một năm, tôi đã biết nhục nhã mỗi sáng thứ hai phải chào cờ Phi, nếu không sẽ bị lính Phi vào từng căn lều lục tìm, lấy gậy đánh lôi ra sân… Ngày trở về quê nhà, tôi kể chuyện ở trại tỵ nạn cho mẹ nghe, mẹ thản nhiên: “Mẹ không hối tiếc. Con ở lại đây để rồi đi lính mất xác bên Campuchia. Tự do có cái giá của nó. Mẹ không hối tiếc đã bắt con đi vượt biên. Mẹ chỉ tiếc không đủ tiền để cùng đi, để anh em con có mẹ đùm bọc ở xứ người.” Mẹ trả lời như vậy. Không hối tiếc. Nếu làm lại, bà sẽ di tản ngay từ tháng 3, ngay khi Ban Mê Thuột thất thủ, bà bảo vậy.

Nguyễn Tâm Bảo hỏi Nguyễn Việt: ”Ông Nguyễn Việt sẽ chọn sống ở Việt Nam độc tài hay ở Campuchia dân chủ? Và nếu là người nghèo thì ông muốn sống ở Việt Nam độc tài hay ở Ấn Độ dân chủ?”

Tôi đã không chọn lựa. Tôi đi học ở trường Lê Thị Hồng Gấm về nhà buổi trưa, thấy vali mẹ đã làm sẵn, cả nhà đầm đìa nước mắt, và xe đến đón, khi tôi quay đầu lại, mẹ và chị hãy còn đứng khóc dưới gốc cây. Suốt 15 năm trên đất Pháp, tôi mang trong lòng hình ảnh này, hình ảnh buổi trưa nắng và mẹ đứng khóc dưới gốc cây. Tôi hứa với mình, sống chết tôi cũng phải trở về nhà. Và tôi đã trở về, để nghe mẹ nói: “Tự do có cái giá của nó. Mẹ không hối tiếc.” Cái giá của mẹ là 15 cây vàng phải trả cho tôi, và 15 cây vàng cho anh tôi, đóng cho công an để đi chuyến tàu MT-603 xuất phát từ Mỹ Tho, theo diện bán chánh thức. Đóng 30 cây vàng, nên cảnh nhà sa sút. Mẹ không đủ tiền để đi cùng. Chị hy sinh cho hai em đi. Vì anh đang bị bắt nghĩa vụ sang Campuchia. Anh em tôi ra đi, cho đến khi học xong kiếm được tiền gửi về nhà, gia đình tôi sống trong bần hàn.

Gia đình tôi có thể trả lời câu hỏi ”Người nghèo muốn sống ở Việt Nam độc tài hay ở Ấn Độ dân chủ?” Người nghèo không có quyền chọn lựa trên đất nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa này. Không an sinh xã hội, không trợ cấp tàn tật, không tiền thất nghiệp, học phí ngay từ mẫu giáo, bệnh tật không tiền là chết; không có một cái gì để có thể gọi là xã hội chủ nghĩa. Những ai sống ở Pháp, phân biệt được Xã hội Chủ nghĩa khẩu hiệu và nền Cộng hòa thật sự.

Trong một chế độ mà việc buôn bán phụ nữ, trẻ em trở nên… phồn thịnh, và chính nhà nước đứng ra thương lượng giá rẻ để xuất khẩu nhân lực quốc gia, nền độc tài này không xứng đáng. Càng không xứng đáng, khi Adolf Hitler đi tìm ”Không gian sinh tồn” cho chủng tộc Đức, đi tìm quyền bá chủ thế giới cho dân tộc này, còn dân chúng Việt được gì ngày mai, khi ”không gian sinh tồn” cứ bị Trung Quốc lấn dần?

Về ”giả thiết cuộc chiến 1979 (sử dụng nguồn lực của binh sỹ miền Nam Việt Nam) hiện đang bị nhiều nguời chỉ trích là mơ tưởng”, như Nguyễn Việt nhắc lại và chia sẻ. Khi viết, tôi biết là mình mơ tưởng hão huyền, các bạn tôi đã nhắc: năm 79, chính quyền không đủ can đảm giao súng trở lại cho lính miền Nam đâu. Nhưng tôi vẫn viết, vì với tôi, đây là cơ hội sửa lại lỗi lầm đã xem miền Nam là đất chiếm được, nên đã áp dụng chính sách chiếm đóng, phân biệt, tịch biên và canh chừng, khiến người miền Nam không còn vị trí trong xã hội, phải ra đi. Những ai đã sống ở miền Nam giai đoạn này, còn nhớ: Dân chúng đã vui vì miền Bắc bị Tàu đánh. ”Đáng kiếp”, là câu nói thầm trên môi. Không đủ can đảm giao súng trở lại cho lính miền Nam và cũng không muốn… phải trả lại nhà cửa, của cải trong Nam đã tiếp thâu. Nhưng nếu không đủ can đảm, và chỉ nghĩ đến tư lợi, thì đi làm Cách Mạng để làm gì?

Tất cả học sinh Việt Nam được giáo dục: gắng học để giúp nước hùng cường. Tôi ở trong số nam sinh đã tin phải gắng học để giúp nước hùng cường. Nhưng tất cả những gì xảy ra sau tháng 4-1975, ngược hẳn với tất cả những giá trị được giảng dạy.

Hôm nay tuổi trẻ Việt Nam sinh sau 75, không còn biết đến xã hội miền Nam để có thể so sánh, và thường xuyên lặp lại câu nói của Kennedy: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho mình, mà phải tự hỏi mình đã làm được gì cho tổ quốc?”

Trên thế giới, tuổi trẻ bây giờ đã không còn đặt câu hỏi này nữa, mà đặt một câu hỏi khác: ”Chính phủ đã làm gì tiền thuế của dân?” Đây mới thật sự là câu hỏi của thời đại.

Nhưng tôi đã đi lạc đề rồi. Đề tài là “Hòa bình trong phẩm giá hay hòa bình trong nô lệ”.

© 2009 Trần Vũ

© 2009 talawas blog

No comments: