Đăng ký thềm lục địa mở rộng trước 13/05/2009
Dương Danh Huy, Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông
Viết cho BBCVietnamese.com từ Oxford
Cập nhật :16:38 GMT - Thứ Hai, 9 Tháng 3, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/03/090309_duongdanhhuy_shelf.shtml
Theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mỗi nước ven biển được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa là 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước đó. Trong vùng đặc quyền kinh tế, nước ven biển có đặc quyền khai thác kinh tế đối với biển và đáy biển.
UNCLOS cũng quy định là nếu thềm lục địa của nước ven biển kéo dài ra xa hơn 200 hải lý thì nước đó có đặc quyền khai thác tài nguyên dưới đáy biển trong một vùng bên ngoài 200 hải lý gọi là thềm lục địa mở rộng.
Quy định về thềm lục địa mở rộng
Theo UNCLOS, thềm lục địa mở rộng của nước ven biển không được ra xa hơn bất cứ "đường công thức" hay "đường giới hạn" quy định như sau:
1. Đường công thức: Nước ven biển có thể kết hợp 2 đường sau để vạch đường công thức sao cho có lợi nhất cho mình:
a. Đường Hedberg: Đường nối các điểm cách chân dốc thềm lục địa không quá 60 hải lý.
b. Đường Gardiner: Đường nối các điểm nơi đá trầm tích dày hơn 1% khoảng cách tới chân dốc thềm lục địa.
2. Đường giới hạn: Nước ven biển có thể kết hợp đường sau để vạch đường giới hạn sao cho có lợi nhất cho mình:
a. Đường cách đường cơ sở 350 hải lý.
b. Đường cách đường đẳng sâu 2500 m (là đường nối liền các điểm có độ sâu 2500 m) 100 hải lý.UNCLOS quy định là nước ven biển phải đăng ký yêu sách về phạm vi của thềm lục địa mở rộng với Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf - CLCS) trong vòng 10 năm kể từ khi UNCLOS bắt đầu có hiệu lực với nước đó hay từ khi Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa ban hành hướng dẫn khoa học kỹ thuật về ranh giới thềm lục địa, ngày 13/05/1999. Nếu nước ven biển không đăng ký kịp thời hạn thì vùng thềm lục địa mở rộng đó có thể được ban cho nước đăng ký kịp thời hạn, hay có thể được cho là tài sản chung của nhân loại.
Bản đồ 1: Minh hoạ quy định về ranh giới thềm lục địa mở rộng
Sau khi nhận được hồ sơ của nước ven biển, CLCS sẽ khuyến nghị về ranh giới thềm lục địa mở rộng của nước này. Nếu nước này vạch ranh giới theo khuyến nghị đó thì ranh giới đó sẽ có tính chất ràng buộc vĩnh viễn.
Đường cơ sở
Trong việc khuyến nghị, nếu CLCS cần xác định là thềm lục địa của nước ven biển có thật sự ra cách đường cơ sở hơn 200 hải lý, hay nếu nước ven biển muốn dùng đường giới hạn 350 hải lý trong việc giới hạn thềm lục địa mở rộng, thì CLCS có thể yêu cầu nước ven biển xác định đường cơ sở của mình.
Trên thực tế, đường cơ sở của nước ven biển có thể không phù hợp với UNCLOS và đã bị những nước khác phản đối, thí dụ như đường cơ sở 1982 của Việt Nam và đường cơ sở 1996 của Trung Quốc. Trong trường hợp này, CLCS có thể khuyến nghị nước ven biển về phương pháp để tính đường giới hạn 350 hải lý, thí dụ như tính đường này từ một đường ad hoc phù hợp với quy định của UNCLOS về đường cơ sở, thay vì tính từ đường cơ sở của nước đó.
Tranh chấp chủ quyền
CLCS không có thẩm quyền để phân xử tranh chấp chủ quyền đối với vùng đất được dùng làm cơ sở để đăng ký thềm lục địa mở rộng, hay tranh chấp do các vùng biển của các nước khác nhau nằm chồng lấn lên nhau. Trong trường hợp tồn tại tranh chấp, các nước trong tranh chấp có thể tiến hành như sau:
Đăng ký toàn bộ thềm lục địa mở rộng, nêu rõ những vùng bị tranh chấp.
Chỉ đăng ký yêu sách cho phần không bị tranh chấp và sẽ đăng ký yêu sách cho phần bị tranh chấp sau, có thể sau hạn định 10 năm.
Một số nước trong tranh chấp có thể đăng ký chung phần chỉ có những nước này tranh chấp và những nước này sẽ phân định phần này với nhau sau.
CLCS chỉ xét đăng ký cho vùng bị tranh chấp nếu tất cả những nước trong tranh chấp đồng thuận với việc đó. Tuy việc đăng ký với CLCS và khuyến nghị của CLCS không ảnh hưởng tới việc phân định chủ quyền giữa các nước trong tranh chấp Biển Đông, tranh chấp này sẽ ảnh hưởng tới việc các nước trong tranh chấp nên đăng ký thế nào và tới việc CLCS sẽ xử lý hồ sơ đăng ký thế nào.
Phải đăng ký trước ngày 13/05/2009
Việt Nam phê chuẩn UNCLOS ngày 25/07/1994 cho nên Việt Nam phải đăng ký yêu sách về thềm lục địa mở rộng với CLCS trước ngày 13/05/2009. Nếu lỡ thời hạn này Việt Nam có thể sẽ mặc nhiên mất tất cả tài nguyên trong thềm lục địa bên ngoài 200 hải lý. Vì việc đăng ký thềm lục địa mở rộng có ảnh hưởng lớn tới quyền lợi quốc gia, nhân dân và Nhà nước Việt Nam cần tạo mọi điều kiện để cơ quan có chức năng hoàn thành nhiệm vụ của mình trong công việc quan trọng này.
Tác giả xin cảm ơn Phạm Thu Xuân và Nguyễn Thái Linh đã góp ý cho bài này. Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả.
------------------------------------------
Xem thêm: Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Bảo Vệ Dân Quyền Cảnh Giác Hà Nội
No comments:
Post a Comment