MẸ VIỆT NAM ƠI!
DÂN TA CÓ TỘI TÌNH GÌ?
(VIETNAM, QU'AS TU FAIT DE TES FILS?)
Tác giả: Pierre Darcourt --- Dịch giả: Dương Hiếu Nghĩa
Tủ sách Tiếng Quê Hương tại Virginia ấn hành, 2007
CHƯƠNG MƯỜI MỘT
VỚI ĐOÀN NGƯỜI CHẠY LOẠN
Thứ Ba, ngày 15 tháng Tư năm 1975
Sau một đợt nghỉ ngơi khoảng 30 giờ, trận chiến Xuân Lộc lại tái diễn. Từng đợt cách nhau khoảng 30 phút, hai trung đoàn cộng sản Bắc Việt được một tiểu đoàn chiến xa T.54 dẫn đầu tràn ra tấn công vào các vị trí của Biệt động quân và của sư đoàn 18 bộ binh .Bị đẩy lui với tổn thất nặng nề, hơn 1000 tử thương và 21 chiến xa bị hạ, họ lại tấn kích với một trung đoàn thứ ba, và trận chiến khốc liệt lại tiếp tục.
Sau khi lệnh giới nghiêm vừa chấm dứt tôi lại đi lên Biên Hòa. Ở đó tôi tìm lên được một chiếc xe vận tải chở đầy thùng cây đi Trãng Bom. Một khi lên ngồi giữa hai thùng cây rồi tôi mới khám phá ra đó toàn là những thùng lựu đạn và đạn được chở ra Tràng Bom. Nếu xe nầy mà lãnh một quả đạn pháo của Bắc Việt thì tất cả những bài toán về tài chánh của tôi đều tức khắc được giải quyết.
Trời quá nóng, cái nóng của mùa khô ờ đây, với ánh nắng chói chang trong vắt. Xe cộ đều để lại vết hằn trên đường nhựa đang mềm đi vì sức nóng. Hai bên đường nhìn mút mắt là những rẩy rau cải được trồng ngay ngắn từng ô vuông vắn ... Chúng tôi đi qua Hố Nai, một trấn nhỏ với 60000 dân công giáo di cư từ Miền Bắc vào năm 1954. Hai bên con đường chính dẫn vào trấn Hố Nai. có những tiệm buôn, những quán nhỏ bán đồ mỹ nghệ, và có một ngôi thánh đường hùng vĩ nằm ngay sau một bồn cỏ tròn, nơi đó các trẻ em đang chơi, quanh 3 linh mục mặc áo dòng đen.
Chiếc xe vọt lên con đường dẫn đến một khu đồi. Hai chục cây số nữa là đến Trãng Bom rồi. Có mấy chiếc trực thăng đang lượn quanh, mấy hàng binh sĩ đội nón sắt, và hai pháo đội 155 ly , tất cả đang trong cảnh ì ầm của chiến trận. Có nhiều chiến xa lớn, mang đầy cành lá, đại bác chĩa ra phía trước, đang tung tăng trong một đám bụi như có mùi thuốc súng. Còn vài cây số nữa thì đến thị trấn, xe của tôi phải ngừng lại một lúc ở một ụ đất được đấp lên trước một tượng đài bằng đá, dựng lên để kỷ niệm cho những người thợ rừng đầu tiên người Pháp chết ở Nam Kỳ (nguyên tác: Cochinchine). Ngày xưa ở phía sau tượng đài nầy là một trong những vườn bách thảo phong phú nhất ở vùng Đông Nam Á: có đến 6000 loại cây giống, cây kiểng, và lan quí, đã được chọn trồng trong gần 70 năm. Bây giờ thì không còn gì nữa cả , vì vào năm 1968, người Mỹ đã ủi bỏ và đốt sạch để cho hai bên đường được trống trải, dễ giữ an ninh cho các đoàn xe. Ở chỗ vườn cây giống bây giờ chỉ còn lại một bãi cỏ ngắn èo uột và vài cây chuối khô cằn.
Chiếc xe của tôi tiếp tục đi trong vòng 5 hay 6 cây số nữa giữa những làng xóm tiếp giáp nhau, sau đó rẽ sang trái, đi vào một con đường đất gồ ghề dẫn tới một lô trồng cao su. Giữa những hàng cây cao su cách nhau chừng 10 thườc, tôi thấy các chiến xa đang trấn giữ một khoảng đất trống khá rộng. Chạy đến khoảng trống đó chiếc xe của tôi ngừng lại và những anh lính thiết giáp còn trẻ cởi trần trùng trục chạy ra nhận các thùng đạn và lựu đạn tiếp tế. Tôi nhảy xuống đất. Hai xe cứu thương từ mặt trận đưa những thương binh về đây, các băng ca được khiêng đến một chiếc lều kaki lớn, ờ đó có một toán quân y lưu động đang làm việc. Anh em binh sĩ tản ra, tôi nhận ra được đại úy Niệm trên một băng ca, đại úy Biệt động quân mà tôi đã quá giang với ông hôm thứ sáu vừa qua. Mặt ông nhợt nhạt, đôi môi cắn chặt lại, ông bị mất bàn tay trái. Vết thương chưa được băng bó lại, trông thật là thiểu não, máu tươi thỉnh thoảng từ cánh tay bắn lên, và gân tay chỗ đó hình như nát hết. Tôi đi theo băng ca của ông đến toán quân y Tôi nắm thật chặt bàn tay mặt của ông, ông nhìn tôi, nhíu mày lại. Một đại úy quân y gạt tôi ra và nói: "Ông cứ để anh ta ở đây, tôi sẽ lo cho ông ta ngay." Tôi trở lại một trong những xe cứu thương đang trở ra đường và ngồi đằng sau với anh em khiêng cáng. Sàn xe nơi để các băng ca vương vãi đầy vết máu và đầy "cứt đái", xông lên một mùi nồng nặc, mùi hôi thúi của phần phía dưới bụng bị vỡ tung ra, gần như có mùi của sự chết chóc, của tử thần ...
Xe rẽ về trái và chạy về hướng lửa đạn của mặt trận. Độ chừng 15 phút sau chúng tôi ngừng lại. Tôi cảm thấy dễ chịu hơn vì được thở không khí trong lành hơn. Chúng tôi đang ở ngay làng Hậu Nghĩa, làng cuối cùng trước khi đến Ngã ba Suzannah.
Nằm dài theo các hố bên dường, cách nhau chừng 5 thước một, hàng trăm binh sĩ đầu đội nón sắt đang hút thuốc nghỉ xả hơi chờ tiến ra trận. Toàn là những người vạm vở, lớn con, rạm nắng, và có đôi tay kệch cộm của người nông dân quen làm đất. Con đường hiện đang bị nghẽn vì một đoàn dân chạy loạn quá dài. Hàng ngàn người chạy giặc đang đi lần xuống Trãng Bom, hết làng nầy đến làng khác. Có những chiếc xe bò, có những xe ba bánh chở đầy đến bánh xe muốn sạt ra vì chở quá nhiều bao lúa quá nặng, có nhiều chiếc xe đạp đã chở cả 3 đứa con trên sườn trước rồi lại còn đèo thêm đứa thứ tư phía sau. Họ đến từ đường đi Dalat, tù Túc Trưng hay từ Gia Kiệm. Họ đi trong yên lặng, trang nghiêm đáng kính và nghèo khổ, vì họ đã bỏ hết tất cả lại sau lưng họ, từ làng mạc trù phú đến nhà cửa ruộng vườn, mùa màng của họ, và cả mồ mã của ông cha nữa.!.
Đoàn quân tiếp tục tiến tới và băng xuyên qua một miếng ruộng cỏ ngắn, có từng bờ đê vuông lác đác có vài đống đất khô nhỏ làm bụi đỏ tung lên theo bước chân của chúng tôi . Tôi tìm một sĩ quan và cuối cùng gặp được một người, đại úy Châu. Ông vừa đi vừa giải thích cho tôi nghe :
- " Cộng sản muốn bao vây Xuân Lộc và cắt đứt hậu tuyến của chúng tôi ở phía sau ngã ba Dầu Giây (tức Suzannah). Trực thăng chúng tôi đã đổ 1000 binh sĩ Dù xuống bìa rừng phía Tây của thị trấn nầy để tăng cường cho lực lượng phòng thủ ở đó. Hai trực thăng đã bị cao xạ phòng không Bắc Việt bắn rớt. Và lực lượng Dù đã chạm súng rất nặng, nhưng họ vẫn còn bám đất.
Hiện giờ chiến trận đang mở rộng trên 10 cây số về hướng Tây Bắc giữa Gia Kiệm và Suzsnnah. Hai bên đang đành nhau trên các đường xe be và trong các lô cao su. Cộng sản Bắc Việt đang cố cho bám chặt các trục di chuyển của chúng tôi bằng những toán đặc công được võ trang rất hùng hậu, và cố giữ chúng tôi để báo cho pháo binh của họ nện chúng tôi . Cách đây không đầy 7 cây số đang có một cuộc chạm súng lớn lắm , vậy ông đừng rời khỏi hàng quân nghen!"
Chúng tôi càng tiến tới thì càng nghe tiếng đại bác rõ hơn. Các phi cơ khu trục phóng pháo bay ngang chúng tôi thật thấp và chỉ vài giây sau tiếng rú là chúng tôi nghe được tiếng bom nổ điếc tai làm rung chuyển trận địa.. Các khu trục nối tiếp nhau từng đợt 3 chiếc một, cách khoảng nhau chừng 20 giây.
Chúng tôi tiến lên đã được hơn một giờ rồi. Con đường mòn đi sâu vào một rẽo đất có hàng tre già và vườn chuối bao quanh.Thình lình một tràng đạn pháo nổ trên con đường mòn trước mặt chúng tôi chừng vài chục thước. .
Anh em binh sĩ nhảy xuống mấy cái hố, đặt súng máy và bắn vào các hàng tre nhiều loạt đạn. Bộ đội Bắc Việt không còn xa nữa đâu. Tôi bám theo đại úy Châu. đang dùng máy truyền tin cho lệnh bố trí các trung đội của ông. Một số đạn pháo khác đang nổ trong bờ chuối, phạt ngã một số. Xuyên qua kẻ hở của vườn chuối vừa bị phạt ngã, tôi thấy có mấy cái nhà lá đang bốc cháy. những nhóm thường dân từ bốn phía chạy túa ra, đàn bà thì mặc đồ đen, đội nón lá, tay dắt con, tay xách bọc quần áo chạy băng ra đường mòn. Một chị bị một mảnh đạn vào bụng té sấp xuống phia trước như một con thỏ bị đạn trong lúc đang chạy. Một bé trai bị thương ở trán, máu chảy đỏ cả chiếc áo trắng của em, vừa đi, vừa run vừa khóc. Một em bé gái ốm yếu nắm vai em lại và dắt em đi . Anh em binh sĩ đã tiến đến bờ dậu của mấy căn nhà lá đang cháy với tiếng lên cò súng nghe lắc cắc. Một số thường dân chạy túa ra từ các hầm trú ẩn và chạy xuyên qua cánh đồng. Họ lợi dụng sự tiến quân của binh lính Chánh Phủ để cố chạy ra thẳng quốc lộ trước mặt họ. Các khu trục phóng pháo cơ đang dùng đại bác yểm trợ quân bạn chừng trăm thước trước mặt chúng tôi. Có nhiều cột khói lên thẳng trên không trung. Hàng quân bị đạn bách kích pháo chận đứng lại. Có mộ số bị thương. Đại úy Châu nói nhanh với tôi :
- "Anh hãy đi với đám thường dân lánh nạn nầy đi. Không có gì ở đây đáng cho anh xem nữa đâu.. Rồi anh sẽ bị bắn gục như một con thú vậy. "
Và tôi quay gót trở lại con đường mòn, đi ra quốc lộ.
Trở lại con đường, qua khỏi bờ tre, đến cánh đồng trống, tôi nhập vào với đoàn người chạy di lánh nạn. Đoàn người quá dài đang sắp rời khòi cánh đồng. Có nhiều người bị thương, một ông già lạ thường với chiếc áo trắng và nón cối kiểu thực dân, đang lảo đảo đi vì một vết thương to bằng nấm tay trên vai . Ông đi chừng trăm thước là ngã quỵ xuống. Tôi cố gắng đở ông ta dậy, nhưng ông không còn nhúch nhích gì nữa, ông đã chết rồi ! Một bà mẹ đi ngang qua tôi, vai gánh một đôi gióng. Có một em bé phúng phính má bầu được cho ngồi trên một cái gối đặt ở một đầu gióng đang vô tư đùa nghịch theo nhịp đi của bà mẹ. Phía bên mặt của tôi cũng có một bà khác mặt mày biến dạng lơ láo vì lo sợ và đau khổ, vừa đi vừa lớn tiếng cầu nguyện. Bà ôm cứng đứa con gái khoảng 4 hay 5 tuổi vào lòng, bị trúng đạn ở đầu, tóc tai bê bết máu. Trông thật là thiểu não chịu không nổi !
Tôi đang ở đây, lẫn lộn với một dân tộc mà tôi rất thương. Tôi được sanh ra trong lòng dân tộc nầy, tôi lớn lên trên đất nước của họ phần nào cũng là đất nước của tôi, mà giờ đây tôi chỉ đứng nhìn họ đang đau khổ, đang chết dần mà không làm gì hơn được, chỉ biết cùng đi trên con đường này với họ mà không có một miếng thuốc, không có một cuốn băng, cũng không thể bế giùm một trong những đứa bé nầy, vì chúng hiện là tài sản quý báu nhất mà mẹ của chúng không lúc nào muốn buông ra, và tôi rất hiểu tâm trạng của họ. Nhưng mà tôi muốn kêu lên, muốn hét lên thật to để cho cả thế giới cùng được nghe: "Hãy để cho họ được sống ! hãy chấm dứt sự đau khổ của họ đi..! hãy xúm nhau lại để ra sức cố dập tắt giùm các họng súng đi....."
Nhưng làng mạc cứ thay nhau cháy ... hết làng nầy đến làng khác, như những bó đuốc.. và dân chúng nghèo khổ chạy trốn với con cái của họ, quá ray rức vì nỗi lo sợ. Tôi chỉ là một nhân chứng không có một chút quyền hành . Quá thất vọng, người mẹ ôm chặt đứa con gái bị thương chỉ còn biết kêu Trời, gọi Chúa xin Người hãy ban cho sự cứu giúp.
Cuối cùng thì đoàn người lánh nạn cũng ra đến quốc lộ. Có nhiều xe vận tải đang chờ họ. Một số Dân vệ và sinh viên công giáo tình nguyện từ Hố Nai đến, đã giúp đưa họ lên xe.
Đối với những người nầy, coi như cơn ác mộng tạm chấm dứt. Nhưng còn những người khác, hằng ngàn người khác còn đang lang thang trong rừng nằm giữa hai lằn đạn của đơn vị Dù và bộ đội Bắc Việt, dưới tầm đại bác của các chiến xa đang bắn nhau, dưới các quả đạn của bách kích pháo, của pháo binh, của hỏa tiễn, và cả dưới bom đạn của phi cơ. Họ đang kẹt cứng trong cái bẫy sập của hai bên Miền Nam và Miền Bắc đang ra sức hăng say tiêu diệt lẫn nhau ...
Đến Trãng Bom, lúc tôi rời khỏi đoàn dân lánh nạn mà không có đủ can đảm dám nói với họ được nửa lời, thì một thiếu tá chỉ huy một đơn vị Dù tưởng tôi là một nhà báo Mỹ chụp cổ tôi và cho tôi một câu với một giọng khinh bĩ : " Ê ! Nầy anh Mỹ kia, ở chiến trường về, anh hãy viết rõ trong tờ báo của anh là lính Dù Miền Nam chúng tôi không cần phải có đô la mới có đủ can đảm chết cho Đất nước chúng tôi đâu nghen !"
* * *
Thủ đô Phnom Penh đang trong cơn hấp hối. Quân Khmer Đỏ chỉ còn 5 cây số nữa là đến phi trường Pochentong, một phi trường mà họ đang nện bằng bách kích pháo hạng nặng và các loại Súng Không Zdật (SKZ) Các phi cơ vận tải loại nặng của Hoa Kỳ còn có nhiệm vụ tiếp tế cho Thủ đô nầy, đáp xuống mà vẫn cho máy nổ, bỏ hàng xuống thật nhanh trong vài phút xong cất cánh bay lên ngay, dưới những tràng đạn pháo.
Tất cả nhân viên dân sự người Campuchia làm việc cho phi trường đều nghỉ hết. Việc hướng dẫn cho phi cơ Mỹ đáp xuống được tiến hành bằng các đài kiểm soát không lưu lưu động được thiết lập tạm dưới đất, trên các nạn chống, tháo ráp ra được . Tòa đại sứ Hoa Kỳ, cơ sở ngoại giao duy nhất còn làm việc ở Nam Vang, đã cho di tản hết ba phần tư nhân viên và tất cả hồ sơ lưu trữ. Phần lớn các nhà báo đều đã rời khỏi đây.
Các bệnh viện đầy người bị thương, chất nằm trên băng ca đặt ờ ngoài các hàng hiên. Dân chúng, điềm nhiên và thụ động, lo chôn cất những người chết một cách yên lặng. Những người dân chạy loạn tiếp tục đổ về đây, che lều trại bằng ván thùng, bằng giấy bồi hay bất cứ thứ gì mà họ kiếm được kể cả lá chuối và những mảnh tôn vụn , và nằm tràn lan khắp các lề đường. Đôi khi, sau một tiếng nổ khủng khiếp, một quả đạn hỏa tiễn cuốn phăng đi cả hàng chục căn lều tạm bợ nầy, vứt ra đường những mãnh vụn của thân người nát bét cùng với nồi niêu, ván, gổ.. giữa những vũng máu tươi to lớn.
Dửng dưng với thảm cảnh chung quanh chúng, những con bò sữa đói khát đang tìm gậm vài cọng cỏ hiếm hoi trong các công viên. Tất cả các xe cộ nhất là các mô tô và xcutơ đã không còn chạy được nữa vì không có xăng, được dành cho xe vận tải công cộng và quân xa..
Chánh Phủ đã mang về từ Kompong Cham và Siemreap 8000 quân nhân để tăng cường và hiện có 30 tiểu đoàn đang nằm chung quanh thủ đô.. Nhờ có cầu không vận, họ còn được 20 ngày lương thực và đạn dược. Từ khi chiếm được Neak Luông, một vị trí then chốt trên sông Cửu Long, quân Khmer Đỏ đang sẵn sàng dàn hàng ngang đến 60 tiểu đoàn. Quân trú phòng Neak Luông đã chống cự suốt trong hai tháng nhưng cuối cùng vị trí nầy đã thất thủ ngày 1 tháng 4 trong những điều kiện hơi phi lý.
Ngày đó, vào lúc 12 giờ trưa, thống tướng Lon Nol từ dinh Chamcar-Mon dùng trực thăng bay ra phi trường Pochentong để rời vĩnh viễn khỏi Campuchia trên một phi cơ Hoa Kỳ . Một tiếng đồng hồ trước khi ông rời khỏi sân bay, tất cả các đơn vị Không quân chiến đấu của Campuchia (trên 30 chiếc khu trục T.28) đều nhận được lệnh cấm bay vì lý do an ninh (sợ họ mưu sát thống tướng Lon Nol) nên tất cả đều nằm bất động tại chỗ dưới đất.
Vào lúc 12 giờ 15, tướng Limsi- Seath chỉ huy căn cứ NeakLuong, nơi binh sĩ vừa đẩy lui một cuộc tấn công của Khmer Đỏ dữ dội đến độ có lúc phải đánh xáp lá cà, đã lên tiếng trên máy truyền tin : "Tôi đòi hỏi một sự yểm trỡ cao độ của tất cả các khu trục còn xử dụng được để đánh mạnh địch quân trước khi họ tái tổ chức được trên tuyến xuất phát và trở lại tấn công chúng tôi. Đó là cơ may duy nhất để giữ vững được Neak Luong, nếu không thì tối đa chỉ trong hai giờ nữa thôi thì chúng tôi sẽ bị tràn ngập."
Bộ Tổng Tham Mưu của Phnom Penh chỉ biết trả lời là "Do lệnh thượng cấp, các khu trục không được cất cánh"
Và như thế là 2 giờ sau đó, Neak Luong thất thủ. Tướng Limsi-Seat bị thương, 80 sĩ quan và 2000 binh sĩ bị bắt làm tù binh với cả pháo đội 6 khẩu 105 ly.
Quân Khmer Đỏ dùng 6 khẩu pháo 105 ly đó để bắn vào thủ đô coi như để dọn đường chuẫn bị cho trận tấn kích cuối cùng của họ vào Phnom Penh. Họ hy vọng chiếm được thủ đô trong dịp đầu năm âm lịch của họ (từ 13 đến 15 tháng 4 dương lịch). Như vậy là quân thủ thành sấp được hưởng một cái Tết hứa hẹn là sẽ khủng khiếp và đầy tang tóc vì họ đang bị vây khổn trong một cái rọ sắt đầy lửa.
Chiếc hàng không mẫu hạm Okinawa (chuyên chở trực thăng) đậu tại cảng Kompong Som (trước kia là Sihanouk-ville) với 120 trực thăng và 900 Thủy quân lục chiến, sẽ can thiệp để bảo đảm sự "di tản" trong vòng trật tự và an toàn của 80 hay 90 người Mỹ còn đang có mặt tại Phnom Penh. Dĩ nhiên họ cũng sẽ lo cho một vài nhân vật Campuchia nào đã dính sâu vào cuộc chiến và những người khá giả giàu có.
Nhưng còn 3 triệu người dân tị nạn đã bỏ tỉnh bỏ làng chạy loạn, bỏ hết tất cả.... để "chọn tự do" và cần có sự bảo vệ của những người thuộc chế độ Cộng Hòa "đồng minh của Hoa Kỳ" thì phải ở lại trong cái bẫy đang từ từ đóng sập xuống trên đầu họ. Đó là những nông dân nghèo khổ, chất phát và dễ tin. Vả lại, họ sẽ làm được gì nếu người ta mang họ ra ngoại quốc ? Họ không biết nói tiếng Anh, Họ lại không có tiền và cũng không có một ai là thân nhân ở đó ? Họ không có con còn nhỏ và trần truồng mà họ chỉ ôm trong tay những bình tro hài cốt mà họ sẽ đem đi chôn ở các chùa. Tro cốt của những người đàn ông rạm nắng vì phải lội sình hằng ngày dưới ruộng sâu, đi theo sau những con trâu đen mập mạp nhưng ngu đần, không có thì giờ để kịp nghe theo lệnh gọi lên tỉnh thành để nhập ngũ đánh đuổi giặc "Việt Nam xăm lược" ! Họ đã giết người Khmer và chết vì bị người Khmer giết, và không một ai biết được, hay vì họ không muốn và cũng không cần biết , biết tại sao họ chết, chết cho ai hay chết bằng cách nào ....
No comments:
Post a Comment