Đôi lời qua bài diễn văn của Barack Obama
Lê Diễn Đức
Warsaw - Ba Lan
22 Tháng 1 2009 - Cập nhật 09h33 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2009/01/090122_thoughts_on_obama.shtml
Cách đây 60 năm, một người di dân từ Phi châu đến Mỹ đã không có quyền được bước vào một số nhà hàng chỉ vì màu da đen của mình.
Ngày 20.01.2009, con trai của người đó – Barack Obama – chính thức trở thành tổng thống thứ 44 của siêu cường quốc Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ thực sự là mảnh đất của mọi điều đều có thể, của cơ hội thăng tiến và của những điều kỳ diệu khác!
Ấn tượng
Những ấn tượng sâu sắc để lại trong tôi sau khi theo dõi truyền hình trực tiếp toàn cảnh lễ nhậm chức tại Điện Capitol.
Tôi cảm phục thật sự về văn hoá làm chính trị của Hoa Kỳ khi thấy ngay trong câu thứ hai của bài diễn văn, Tân Tổng thống đã cám ơn người tiền nhiệm và bộ máy của ông trong việc chuyển giao quyền lực. Sau đó là cảnh tiễn biệt cảm động khi vợ chồng Barack Obama ôm hôn vợ chồng W. George Bush trước khi họ lên máy bay trở về quê nhà ngay trong ngày có chủ nhân mới của Nhà Trắng.
Tại sao tổng thống W. Bush không ở lại dự để các buổi lễ hội tiếp? Một tập quán chính trị rất lạ, rất Mỹ, nhưng đầy lý thú và đáng trân trọng.
Câu hỏi trên đây có lẽ xuất phát từ những trải nghiệm cá nhân của tôi qua bối cảnh của Việt Nam nói riêng và hệ thống cộng sản nói chung. Nền giáo dục và văn hoá của hệ thống này suốt gần nửa thế kỷ giờ đây vẫn còn để lại di căn tâm lý ngay cả trong những nền dân chủ trẻ tại Đông Âu.
Các chính khách xuất phát từ môi trường này thường hiếu thắng và càng không có văn hoá biết thua. Họ cũng không có văn hoá chia tay với địa vị quyền lực khi đã đến lúc, không có tinh thần mã thượng trước đối phương bất kể mình thắng hay bại. Khi về vườn họ kéo theo tài sản của nhà nước làm của riêng.
Họ thích ngồi ở hậu trường hoặc tìm cách cài cắm người thân để duy trì ảnh hưởng, quyền lợi, thậm chí cha truyền con nối như ở Bắc Triều Tiên, anh em thay nhau trị vì như Cuba hoặc quản lý đất nước như một mô hình mafia tại Nga.
Tôi kinh ngạc trước gần 2 triệu người Mỹ, nhiều gấp 3 lần dân số Washington D.C, từ khắp mọi miền đổ về thủ đô dự lễ trong giá lạnh. Họ không cần nhà nước kêu gọi, huy động, thậm chí vé cho 5.000 chỗ ngồi bán hết sạch chỉ trong vài phút.
Nếu như những rừng người đã đến với Cố Giáo Hoàng John Paul II vì đức tin và lòng tôn kính đại diện của Chúa, thì sức mạnh nào khiến người Mỹ đến với tổng thống của mình? Chỉ có thể là sức mạnh chiến thắng của nền dân chủ. Người ta hát, nhảy, huýt sáo, la hét, cười và khóc.
Tôi tin rằng đây là một trong những cuộc tổng động viên, xuống đường tự nguyện vĩ đại nhất và hiếm hoi trên thế giới. “Chúng ta-người Mỹ là một” trước “kỷ nguyên của trách nhiệm mới”. Một dân tộc như vậy chắc chắn lại tiếp tục làm nên những kỳ tích cho chính mình và nhân loại. Hoa Kỳ không phải lần đầu tiên có cuộc khủng hoảng tài chính và bị suy sụp kinh tế. Hoa Kỳ vẫn là “đất nước thịnh vượng và hùng mạnh nhất trên trái đất” như phát biểu của Barack Obama trong buổi lễ.
Chứng kiến sự hân hoan của người Mỹ và ở nhiều nước khác trong buổi lễ nhậm chức Tổng thống 44 của Hoa Kỳ, tôi càng cảm nhận hơn tầm vóc của một cường quốc tự do, dân chủ đúng với nghĩa ý của nó nhất. Dân tộc Mỹ hướng tới tương lai với quyết tâm, sáng tạo, với lòng vị tha và trân trọng mơ ước, di sản của cha ông.
Chúng ta là một
Hoa Kỳ là cường quốc không phải chỉ vì biết tạo nên những nhà chính trị tài năng mà bên cạnh là đội hình cố vấn và công chức có trách nhiệm biết quản trị đất nước trước thiện chí của người bỏ phiếu.
Nội các của Obama và cách hợp tác của ông cho thấy ông đang phải tận dụng mọi sức mạnh của công dân Mỹ, sự ủng hộ của đảng Cộng Hoà và các tổ chức chính trị, xã hội khác nhau trước thách thức mà ông gọi là “sự đối đầu với mưa đá và bão tố”.
Không khí lễ hội tràn ngập Washington D.C chưa làm giới tài chính thực tin vào các thay đổi để chiến thắng giai đoạn tồi tệ nhất của nước Mỹ kể từ cuộc Đại Khủng Hoảng. Cổ phiếu thị trường chứng khoán New York trong ngày 20.01.2009 giảm từ 4 đến 6%, bị gọi là Ngày Thứ Ba Đen.
Daniel Finkelstein của Times cho rằng, B. Obama biết được sự mong đợi, hy vọng của quần chúng như thế nào, nhưng cũng muốn cho họ thấy được giới hạn và mức độ có thể của các cải cách. “Chiến thắng của Obama được nhìn nhận phổ cập như kỷ nguyên mới của tham vọng và lạc quan. Thế nhưng cũng cần chuẩn bị cho cái gì đó ngược lại”.
Khó có thể nhận thấy hiệu quả những cải cách trong một thời gian gần, nếu không nói phải chờ đến năm cuối của nhiệm kỳ, cho dù những liều thuốc đầu tiên của New Deal mới đã, đang và sẽ được sử dụng.
Khi Roosevelt thực hiện New Deal, Hoa Kỳ bắt đầu trải qua thời kỳ khủng hoảng nhưng là cường quốc công nghiệp, vấn đề bấy giờ nằm ở chỗ thiếu thị trường tiêu thụ thế giới. New Deal có hiệu quả ban đầu và sau đó là Đệ nhị Thế chiến đã mang lại sức mạnh cực lớn cho các ngành công nghiệp.
Chấm dứt đời sống trên nợ và hạn chế tiêu thụ ở mức 20% là một bài toán khó cho “New Deal” của Obama. Thế giới hôm nay khác hẳn vì đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính, dầu mỏ quá đắt và tình hình chính trị phức tạp hơn. Người Mỹ đã quá quen với chủ nghĩa tiêu xài trong khi quốc gia nào cũng đua nhau sản xuất hàng đổ vào Mỹ. Do đó, cần phải tìm ra phương tiện để nước Mỹ sống cao hơn mức sản xuất của mình.
Về chính sách đối ngoại, báo Anh The Guardian viết: “Obama cho thấy rõ rệt rằng, lễ nhậm chức của ông không chỉ đồng nghĩa với việc đào huyệt chôn nhiệm kỳ của George W. Bush, mà còn cả cách đi của giới tân bảo thủ trong chính sách đối ngoại và thiếu sự can thiệp của chính phủ vào kinh tế”.
“Sau tám năm Bush hùng hổ với người Hồi giáo và xem họ như những thằng ngốc qua cả ngôn ngữ lấy từ Kinh Thánh (...), Obama mở ra cho họ một viễn cảnh mới dựa trên sự hợp tác lợi ích và tôn trọng lẫn nhau.”
Bản tiếng Đức của tờ Finance Times nhận xét Obama hướng mọi người “đóng lại nhưng vết thương”, kể cả vết thương Việt Nam mà nhật báo nhận ra địa danh Khe Sanh được kể đến trong bài diễn văn.
Báo Die Welt bình luận: “Thất vọng có thể gặp ngoài biên giới, trước hết là châu Âu. Sẽ rất nhanh thôi để thấy rằng, dù thế nào thì Obama trước hết là tổng thống của Hoa Kỳ và đại diện cho quyền lợi của nước mình, điều này với châu Âu không phải không có chút ít khó chịu”.
Die Welt còn cho rằng, kể cả khi tổng thống mới không đáp ứng hết những kỳ vọng được cử tri gửi gắm, “Hoa Kỳ vẫn tha thứ cho ông”.
Kết
Tác giả phần chính bài diễn văn nhậm chức lịch sử của Barack Obama là Jon Favreau (người Mỹ gốc Canada-Pháp, sinh 6.06.1981). Từ ngày 20.01.2009 Favreau trở thành sếp (Director of Speechwriting) nhóm tám chuyên gia viết diễn văn của Nhà Trắng.
Càng khó tin rằng, cách đây không lâu, chính anh chàng Favreau này đã “phát hành” tác phẩm photoshop hài hước, trong đó anh ghép ảnh Barack Obama sờ tay lên ngực của Hillary Clinton. Tất nhiên Favreau đã xin lỗi hai người và được Barack Obama cũng như bà Ngoại trưởng bỏ qua.
Không biết một người ở Trung Quốc, Việt Nam hay ngay cả Ba Lan bình thường (đừng nói đến viên chức cao cấp như Favreau) mà có hành vi tương tự, thì số phận của họ sẽ ra sao?
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Nếu quý vị có ý kiến chia xẻ hãy gửi điện thư về địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk
No comments:
Post a Comment