Saturday, January 24, 2009

THAM VỌNG QUÂN SỰ CỦA TRUNG QUỐC

Tham vọng quân sự của Trung Quốc
Robert Karniol – Nguyên Hân lược dịch
24-01-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5943

Chương trình đóng hàng không mẫu hạm được ấp ủ, trù tính từ lâu

Tham vọng quân sự của Trung Quốc xưa nay vốn được chi phối bởi yếu tố là khi nào đây, quân đội sẽ phát triển và cho ra đời những khả năng nhất định nào đó, chứ không nhất thiết phải làm cho được. Hàng không mẫu hạm là một trường hợp điển hình.

Những lời nói bóng gío gần đây gợi ý là Bắc Kinh đang lót đường chuẩn bị để tiến hành một chương trình đóng hàng không mẫu hạm. Bao gồm những lời thông báo chính thức của nhà nước gởi cho báo chí ngoại quốc hay trong nước, cùng với nhiều tài liệu nói về phát triển nguyên, vật liệu.

Thuộc về nhóm đầu tiên, là những lời tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, ở cuộc họp báo hôm 23 tháng Mười Hai ở Bắc Kinh, ông ta đã nói “Trung Quốc… sẽ nghiêm chỉnh nghiên cứu và xem xét” chuyện đóng hàng không mẫu hạm cho Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Một viên chức quân sự cao cấp khác nói tương tự như thế với tờ Thời báo Kinh tế (the Financial Times) mới một tháng trước đây, xác nhận điều trên là có thật. Một vị tướng hải quân của Trung Quốc cũng phát biểu tương tự hôm đầu năm 2007, ông còn nói thêm rằng việc đóng hàng không mẫu hạm có thể bắt đầu vào cuối thập niên này.

Chuyện thông báo được cân nhắc thận trọng như thế nhằm vào chuyện phết cho Bắc Kinh một lớp sơn chính trị và làm cho cộng đồng thế giới tiếp nhận tin này dễ dàng hơn. Thêm vào đó, chuyện thông báo này có cơ sở, dựa vào những điều khởi đầu có thật.

Trước hết là tân trang chiến hạm Varyag ở xưởng đóng tàu tại Dalian, Varyag là một hàng không mẫu hạm loại Kuznetsov mua lại từ Ukraine năm 1998. Chiến hạm này thiếu những máy móc cần thiết để có thể hoạt động toàn thời gian ở biển, và vì vậy người ta nghĩ rằng chiến hạm Varyag này chỉ có thể được dùng cho mục đích huấn luyện.

Để bổ túc cho sự phỏng đoán này, tờ báo Nga Kommersant đã tường thuật hôm tháng Mười năm 2006 rằng Trung Quốc đang thương thảo với Mạc Tư Khoa để mua 50 chiến đấu cơ Sukhoi Su-33, loại có khả năng đáp trên hàng không mẫu hạm. 14 chiếc trong số này dành riêng để huấn luyện phi công. Báo chí Trung Quốc cũng đã thông báo ba tháng trước là nhóm 50 sinh viên sĩ quan đầu tiên đã bắt đầu chương trình huấn luyện kéo dài bốn năm nhằm mục đích đào tạo những phi công lái chiến đấu cơ được chế tạo nhằm mục đích hoạt động từ hàng không mẫu hạm.

Mới gần đây nhất, báo Nhật Bản tờ Asahi Shimbun nói rằng “Trung Quốc sẽ bắt đầu việc đóng chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên trong nước ở Shanghai trong năm 2009, cùng lúc có ý định sẽ hoàn tất hai hàng không mẫu hạm hạng trung khác vào năm 2015." Nhưng bài tường thuật trên báo Asahi Shimbun này chưa được kiểm chứng.

Khi hải quân Trung Quốc chính thức tiến hành chương trình đóng hàng không mẫu hạm này, nó sẽ được xem như là phản ảnh của sự trổi dậy nhanh chóng về mặt quân sự của Trung Quốc. Nhưng sự thật là dự án này đã được nghiền ngẫm, nghiên cứu trong ba thập niên qua.

Bắc Kinh bắt đầu tái định giá vai trò của hải quân trong giữa thập niên 1970. Năm 1979, nhà lãnh đạo tối cao Deng Xiaoping tái định nghĩa vai trò hoạt động của hải quân không những chỉ tập chú vào chuyện bảo vệ vùng duyên hải nhưng còn là những hoạt động ngoài khơi. Đó là một thách đố nản lòng, vì chỉ có thể giải quyết qua một kế sách dài lâu.

Báo chí Hương Cảng (Hong Kong) tường thuật rằng vào cuối năm 1988, sự chấp thuận cho phép triển khai chương trình đóng hàng không mẫu hạm xảy ra ngay sau cuộc xung đột võ tranh ở quần đảo Trường Sa giữa Trung Quốc và Việt Nam trong năm đó. Tuy nhiên, điều đó đã được chứng minh là hấp tấp vì hải quân Trung Quốc muốn tiến hành một cách cẩn thận do sự tốn kém và tính phức tạp của hàng không mẫu hạm.

Một dấu hiệu khác cho thấy Trung Quốc thiết tha với chuyện này là họ đã thành lập một chương trình huấn luyện cho những hạm trưởng của hàng không mẫu hạm trong năm 1987. Cái khác nữa, được ghi nhận bởi giới tình báo phương Tây, là báo cáo phi công Trung Quốc thực tập đáp và bay trên những phi trường được đánh dấu như sân bay của chiến đấu cơ trên hàng không mẫu hạm.

Vào khoảng đầu thập niên 1990, hai phe trong hải quân tranh dành nhau sự ưu tiên trong kế hoạch hiện đại hóa dài hạn. Một bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm trong lúc bên kia nhấn mạnh sự khẩn cấp cần phải thành lập đội chiến hạm với hàng không mẫu hạm (a carrier-based battle group). Phe ủng hộ hiện đại hóa tàu ngầm đã thắng trong lần này, nhưng thay vì bị xóa bỏ hoàn toàn, chương trình xây hàng không mẫu hạm này được dời lại. Chuyên gia về Trung Quốc Tai Ming Cheung nói rằng cuộc thảo luận nội bộ về chuyện này lại xảy ra nữa trong năm 2007.

Căn cứ tàu ngầm tại Tam Á. Căn cứ hải quân này còn có bến tàu cho các tàu nổi. Theo các chuyên viên Tây phương, Tam Á có xác xuất sẽ là nơi đồn trú các hàng không mẫu hạm mà Trung Quốc có thể hạ thủy trong 5 đến 10 năm tới. Nguồn: dailymail.co.uk
http://www.dcvonline.net/php/images/102008/SanyaBaseDGBE.jpg

Một loạt tàu ngầm thường, có quy ước và mới ngay sau đó ra đời, mục đích chủ yếu là cung cấp cho hải quân khả năng phòng thủ và khống chế mặt biển. Những tàu ngầm này bao gồm những chiếc thuộc loại Kilo (Kilo-class) mua từ Nga cũng như tàu ngầm loại Yuan (Yuan-clas) and Song (Song-class) do Trung Quốc tự đóng. Tầm cỡ chiến lược bao gồm tàu ngầm tấn công loại Shang (Shang-class) và tàu ngầm có khả năng phóng hỏa tiển đạn đạo loại Jin (Jin-class).

Tàu ngầm loại Shang-class là yếu tố phòng thủ sinh tử trong bất kỳ đội chiến hạm với hàng không mẫu hạm nào, cùng với khu trục hạm Sovremenny II mua được từ Nga. Nhiều loại khu trục hạm loại lớn và nhỏ do trong nước sản xuất cũng có khả năng tương tự, những chiến hạm này đều được trang bị với khả năng phòng không.

Hồ sơ phòng thủ công bố năm 2006 của Trung Quốc nói rằng chiến lược hoạt động của hải quân là nhắm vào chuyện “gia tăng từ từ bề sâu chiến lược cho những hoạt động bảo vệ vùng biển và gia tăng khả năng của hải quân trong những hoạt động hợp nhất giữa hàng hải và phản công với võ khí nguyên tử.” Một hoặc hai đội chiến hạm với hàng không mẫu hạm sẽ đưa những khả năng đi xa hơn chuyện khống chế mặt biển và ngăn cản sự lấn lướt quyền lực.

Sự dương oai diệu võ này không nhằm vào mục đích thôn tính Đài Loan và thay vào đó, là cái nhìn chiến lược về Trung Quốc như một nước mạnh trong vùng, và chung cuộc, là một siêu cường trên thế giới. Cái ứng dụng rõ ràng nhất của đội chiến hạm có hàng không mẫu hạm là nằm trong chính sách gia tăng sự bảo vệ và kiểm soát mặt biển tối quan trọng cho lợi ích về phương diện năng lượng và mậu dịch cho Trung Quốc.

Không ảnh chụp từ vệ tinh một ngày nào đó sẽ xác định chuyện Trung Quốc đã bắt đầu đóng hàng không mẫu hạm. Cho những ai không đếm xĩa đến sự thay đổi học thuyết của ông Deng và kế hoạch canh tân hải quân Trung Quốc của Đô đốc Liu Huaqing trong những năm đầu của thập niên 1980, cho những người không bao giờ nhận thấy hải quân Trung Quốc đang chuẩn bị về mặt vật liệu cũng như lời tuyên bố công khai về chuyện này, họ sẽ xem chuyện đóng tàu ngầm này của Trung Quốc là đột ngột và lấy làm ngạc nhiên.

Nhưng sẽ chẳng có gì gọi là đột ngột mà cũng chẳng có gì đáng để ngạc nhiên cả.

© DCVOnline

Nguồn:
(1)
CHINA'S MILITARY AMBITIONS. Long-brewing carrier programme. Robert Karniol, 5 January 2009
(2)
Trung Quốc sắp có hàng không mẫu hạm? DCVOnline, 25 tháng Mười Một năm 2008

No comments: