Monday, January 26, 2009

MÙA XUÂN CÁCH BIỆT

Mùa Xuân Cách Biệt
Trần Khải
http://anhduong.info/joomla/index.php?option=com_content&task=view&id=3083&Itemid=1
Việt Nam đã thống nhất từ hơn ba thập niên, nhưng các ngăn cách trong văn hóa vẫn rất nhiều cách biệt. Vì sao như thế? Nền giáo dục hai miền đã thống nhất, và tất cả thanh thiếu niên từ bậc tiểu học tới qua đại học đều chung một học trình từ hơn ba thập niên tới giờ, vậy mà sao khoảng cách văn hóa hai miền vẫn cách biệt? Đó là những điều hết sức lạ lùng, và hiện tượng này đã lộ rõ qua một số chuyện khi hai thành phố lớn - Hà Nội và Sài Gòn - chuẩn bị đón xuân.

Hiện tượng này hẳn là phải nằm sâu hơn là tập quán địa phương. Bởi vì chúng ta thấy rằng sau năm 1975, chính phủ Hà Nội đã áp dụng chính sách tàn bạo có thể gọi là thực dân đối với dân Miền Nam. Nhưng sự căm thù giữa người dân hai miền chỉ trong vài năm là không còn nữa, mà chỉ còn ở các cấp cán bộ và dân. Ngăn cách này thể hiện ở cả cách cư xử hiển lộ ở tầm vóc quốc tế: chính phủ Hà Nội vận động và áp lực hai chính phủ Indonesia và Mã Lai để đập phá hai tấm bia tưởng niệm thuyền nhân tại nơi trước kia là hai trại tị nạn. Thù dai như thế đối với đồng bào mình, mà lại không giấu giếm gì với thế giới, có phải là đặc chất Việt Nam hay đặc chất cộng sản? Hay là đặc chất tổng hợp hay đã bị biến chất? Có một điều chắc chắn có thể thấy: văn hóa Miền Nam, dù là sau khi đã bị "thực dân hóa từ Hà Nội" hơn ba thập niên, không thể nào thù dai như thế. Không tin, cứ hỏi người dân Sài Gòn hay Cần Thơ thì biết. Bởi thế, nền văn hóa Miền Nam đơn giản và bao dung đã thu hút rất nhiều người Miền Bắc vào lập nghiệp, mà rồi không kỳ thị gì.

Trong những ngày chuẩn bị xuân, hai miền lại thấy cách biệt ngay ở Hà Nội và Sài Gòn. Thí dụ, như chuyện phố hoa. Trong khi các phố hoa tổ chức ở Sài Gòn đã nhiều thập niên, thực tế là từ nhiều năm trước 1975 khi toàn bộ con đường Nguyễn Huệ (quận 1, Sài Gòn) biến thành con đường hoa mừng xuân, mọi chuyện vẫn êm đẹp, dịu dàng. Nhưng tại Hà Nội, lần đầu năm nay mới làm phố hoa, thì ngăn cách văn hóa thấy rõ một trời cách biệt.

Bản tin thông tấn nhà nước VnExpress đang ngày 1-1-2009 cho thấy hình ảnh rực rỡ ngay ở nhan đề "Rộn rã lễ hội phố hoa Hà Nội," và rồi các dòng đầu bản tin ghi lên một câu chuyện hứa hẹn là sẽ vui, êm đềm:
"Chiều 31/12, hàng nghìn du khách đã đổ về khu vực hồ Hoàn Kiếm, dọc phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) để đón xem nghệ thuật sắp đặt hoa và các sản phẩm thủ công..."

Vậy mà chỉ vài ngày sau, chưa quá ba ngày, bản tin cùng thông tấn này đăng vào ngày 3-1-2009, có nhan đề cũng "rực rỡ' theo một dạng khác. Bản tin nhan đề "Tan hoang phố hoa Hà Nội," có dòng đầu là:
"Một ngày sau khi khai mạc (31/12), phố hoa bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tan hoang, nhiều bông hoa bị nhổ, cánh héo quắt do không chăm sóc."

Tại sao như thế? Có phải là dân Hà Nội không thích hoa, nên mới vô tình như thế? Không phải. Bởi vì dân quá thích hoa, nên mới tới gần mà chụp hình, và ngắt vội mấy cành về nhà làm tài sản riêng. Trời ạ, đúng là phong thái người cán bộ cộng sản gộc: cứ thấy tài sản chung, là vô tư cầm về làm của riêng. Nhìn lại Sài Gòn, đâu có tác phong này, dù là đã hơn ba thập niên bị đồng hóa bằng mọi cách.

Thế cho nên, nói chi hai bia đá tượng đài thuyền nhân. Phải chi Nông Đức Mạnh cứ để yên các tượng đài này, đích thân tới trước tượng đài để thắp nhang tưởng niệm các thuyền nhân đã chết ngoài biển, thì sẽ chiêu dụ thêm biết bao nhiêu là những con nhạn về quê tìm chùm khế ngọt.

Một hình ảnh nữa của chuyện mừng xuân là các Phố Ong Đồ. Trong khi các hình ảnh ông đồ ngồi vỉa hè Sài Gòn từ nhiều thập niên là cái gì tự nhiên, và bây giờ gom lại làm các khu phố ông đồ thì vẫn êm thắm, không có gì là lạ lùng. Chuyện thư pháp ầm ĩ trên báo chí Hà Nội nhiều năm nay thực sự là cái gì rất là hồn dân tộc, tuy rằng nét bút trong thế kỷ mới phải là khác, nét tân kỳ của người tân học phải là khác, nhưng mỗi nét mực trên tờ giấy hoa tiên vẫn là một tấm lòng với văn hóa quê nhà. Một cái gì phảng phất hồn nước.

Sài Gòn không chỉ một Phố Ong Đồ, mà là nhiều. Trước đây hai "phố ông đồ" cũ đã thành hình từ năm 2003 tại Nhà văn hóa thanh niên (quận 1) và lề đường Trương Định (quận 3), bây giờ một "phố ông đồ" nữa đã được một CLB Thư pháp chữ Việt tổ chức sinh hoạt trước mặt tiền Cung văn hóa Lao động TP Sài Gòn ( thời Tây xưa kia là Cercle Sportif Saigonnais, sát bên vườn Tao Đàn, gọi tắt là Hội Xẹc). Tại địa chỉ mới này, có hơn 20 "chiếu" giấy, mực của phần lớn là các ông đồ, cô đồ thật trẻ trung. Cùng với các nhà thư pháp kỳ cựu, các anh chị em cặm cụi múa bút viết tặng và bán tranh thư pháp, thư họa, thủy mặc…, cho bà con - cả khách nước ngoài - yêu nét đẹp tao nhã, phóng dật của chữ Việt được trình bày trên lụa, đá, giấy hồng điều, giấy dó…

Lặng lẽ ngồi, vẽ hồn nước. Tuyệt vời. Thế mới gọi là tết. Chúng ta không thấy có gì làm công an thắc mắc, hay ngược lại chưa thấy có chuyện công an tới đòi tiền bảo kê tại Sài Gòn. Hay ít nhất, cũng chưa có chuyện để đưa lên mặt báo.

Vậy mà, Phố Ong Đồ Hà Nội lại có chuyện. Công an tới làm ầm ĩ, đưa xe xúc các ông đồ ngồi vỉa hè, bắt phải vào ngồi nơi bàn ghế, có nhà dù che nắng… Nghĩa là dù là mang theo hồn dân tộc, các ông đồ vẫn bị cấm ngồi ở lề trái, mà phải ngồi theo lề phải. Và sẽ được bảo kê kiểu "cưa đôi." Trời ạ, giá bảo kê này đắt quá. Dù là trùm băng đảng Năm Cam cũng may ra là lấy giá "tứ lục" cho hợp đạo nghĩa giang hồ. Thậm chí tới như chơi bảnh, có thể mời các công ty du lịch chi trả cho khoản tiền bảo kê này thì đẹp biết mấy.

Bởi vậy các ông đồ Hà Nội mới bất mãn. Không phải vì chuyện tiền, nhưng vì cách đối xử thiếu văn hóa với những người đang lưu giữ hồn dân tộc.

Báo Đất Việt trong ngày 20-1-2009 có bản tin nhan đề "Xung đột ở phố Ông đồ," đã cho thấy ngay tình hình có những người đặt bục công an ngay giữa lòng phố các cụ đồ. Bản tin viết:
"Phố Ông đồ khai trương trong không khí khá căng thẳng giữa các thư pháp gia bám trụ lâu năm trên hè đường Văn Miếu (Hà Nội) với Ban tổ chức gồm: Công ty Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt và Câu lạc bộ Unesco thư pháp Việt Nam.
Một bên đường Văn Miếu là các dãy lều bạt và bàn ghế ngay ngắn, thẳng hàng với sự tham gia của CLB UNESCO thư pháp Việt Nam, nhóm Nhị Thập Bát Tú, nhóm thư pháp ĐH KHXH&NV; bên kia là nhóm ông đồ quen thuộc tại con phố này, nhưng đứng ngoài "cuộc chơi", bàn tán trong bức xúc…
Khoảng gần 20 ông đồ thường cho chữ ở Văn Miếu từ nhiều năm nay, quyết định treo lên hè tường những câu chữ thư pháp để phản đối: "Ông đồ vỉa hè, cụ nghè ngồi xổm", "Phản đối viết chữ vì tiền"...

Theo đề án từ Ban tổ chức, phố Ông đồ tại đường Văn Miếu - Quốc Tử Giám hoạt động từ 8h30 đến 21h30 hằng ngày, kéo dài từ ngày 19/1 đến 9/2. Phố quy tụ 18 gian hàng viết chữ theo nhiều trường phái thư pháp như: hành, chân, triện, lệ, thảo và thư pháp quốc ngữ, vẽ tranh phong thủy... trên các chất liệu giấy, lụa, trúc, đá…, đồng thời triển lãm tác phẩm của những nhà thư pháp nổi tiếng Hà Nội. Theo Ban tổ chức, đây là một cách giúp hoạt động truyền thống này đi vào quy củ, văn minh hơn, thể hiện nét văn hóa thanh lịch người Thủ đô trong mắt du khách thập phương.

Tuy nhiên, các ông đồ phố Văn Miếu quyết định "tẩy chay" dự án này, dù đã nhận được lời mời. Thư pháp gia Trần Lụa lên tiếng: "Ban tổ chức đòi chia tỷ lệ 50 - 50, nghĩa là cứ bán được một tờ giấy thì họ thu 50%. Chúng tôi không chấp nhận cách cào bằng". Ông Lụa còn cho rằng, Ban tổ chức đã chiếm hết chỗ của các ông đồ, khiến họ không còn được ngồi tự do như trước đây. Một thư pháp gia khác nhận định, việc làm này của Ban tổ chức là một kiểu "kinh doanh sức lao động của các ông đồ".

Hình thức hoạt động của phố Ông đồ vấp phải nhiều phản đối. Tiến sĩ Cung Khắc Lược, được nhiều người coi là một trong "tứ trụ Thư pháp Việt Nam" (cùng các bậc lão thành về thư pháp: Lê Xuân Hoà, Nguyễn Văn Bách, Lại Cao Nguyện) khẳng định, ông bất đồng với Ban tổ chức không phải về tài chính, bởi ông sẵn sàng tặng chữ miễn phí. Theo ông, cách dựng lều mà Ban tổ chức thực hiện là thiếu hiểu biết. "Tôi là một trong những người đầu tiên ngồi ở nơi này viết chữ. Tôi không tham gia vào các gian hàng vì không quen với các dãy lều đỏ. Văn Miếu ngày xưa rất nhiều ông nghè ngồi, dù không làm nhà, lều mà vẫn làm đẹp cho văn hóa Thăng Long", ông Lược nói gay gắt…" (hết trích)

Trời ạ. Chuyện đơn giản thế, vậy mà nhà nước vẫn không giải quyết được. Đáng lý ra, nhà nước còn phải mời các ông đồ vào, cho ngồi miễn phí, khỏi có chuyện "cưa đôi" hay "tứ lục" làm chi. Mà còn phải trao tặng các ông đồ tiền giấy, mực… Hãy xem Nam Hàn khi mở cuộc vận động du lịch có tên là Korea Sparkling (Triều Tiên Lấp Lánh), quảng cáo cả trên truyền hình Mỹ CNN, mời gọi du khách toàn cầu tới thăm, đã mở nhiều lễ hội múa hát, biểu diễn võ thuật… và không hề lấy "tiền bảo kê" các ca sĩ hay võ sư, mà còn trả tiền cho họ nữa.

Không chỉ vì chuyện du lịch, mà vì còn phải cảm ơn vì họ đã hiển lộ được hồn dân tộc cho cả thế giới xem. Việt Nam cũng cần đối xử với các cụ đồ như thế. Hình ảnh một cụ đồ, một thiếu nữ ngồi bên phố, vẽ các chữ chúc xuân… có sức mạnh hơn cả guồng máy tuyên truyền của Bộ Du Lịch.

Và để nhắc tới ước mơ dân chủ cho cả nước, nơi đây xin chép lại bài thơ của Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu cho Xuân Kỷ Sửu 2009:

Xuân bất tái lai
(Tết con Trâu nhớ về Hà Nội)
Đất đã nảy trăm phường địa tặc
Trời lại hành một trận thiên tai
Chuột dẫu rút, lưu manh còn đó
Trâu đang về…vẫn ách trên vai ?
Than/cười rằng… Xuân bất tái lai!

Sau cùng, xin gửi lời chúc Xuân tới quê nhà, cầu nguyện cho sớm có mùa xuân dân chủ đa nguyên đa đảng.

No comments: