Wednesday, January 28, 2009

ÔNG ĐỒ VÀ HOA ĐÀO

Ông Đồ và Hoa Đào
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, January 27, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=90082&z=7

Mỗi năm hoa đào nở,
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tầu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Các học sinh ở Sài Gòn trước năm 1975, không ai không biết mấy câu thơ cổ của Vũ Ðình Liên. Hầu như thầy giáo, cô giáo dạy văn nào cũng dạy bài thơ đó, một bài thơ chân phương mộc mạc, với những nét chấm phá đẹp và buồn. Ông Ðồ, hai chữ đó hàm ý kính trọng. Vì chỉ các nhà Nho, có thể làm thầy dạy người ta chữ nghĩa Thánh Hiền mới mang danh hiệu đó. Bài thơ này Vũ Ðình Liên viết năm 1936, thời văn hóa Nho giáo tuy đã mất địa vị xã hội nhưng vẫn còn ảnh hưởng mạnh trong luân lý, đạo đức trên lối sống hàng ngày của dân Việt Nam. Nhưng đời sống, tín ngưỡng, và quan niệm thẩm mỹ đã đổi nhiều; người ta không còn thưởng thức được nét chữ đẹp của các ông Ðồ như xưa nữa. Ít người treo câu đối, ít người muốn treo những bức đại tự trên tường để đón Xuân, người ta cũng không còn chuộng mầu giấy đỏ thẫm và mầu mực đen. Cho nên trước đây hơn 70 năm Vũ Ðình Liên đã nhìn thấy cảnh tiêu điều:

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay.


Năm 1982 thi sĩ Vũ Ðình Liên đã 70 tuổi, ông viết thêm một bài “Bóng Ông Ðồ.” Trong thành phố Hà Nội cũ kỹ, không ngờ ông còn thấy những ông đồ về ngồi ngay chỗ cũ trên hè phố, tuy khăn áo đã bạc mầu:

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Khăn áo bạc màu dưa
Nhắc cho người qua thấy
Lẽ Nhân đạo, Thiên cơ


Năm 1982 là năm đói và rét ở miền Bắc Việt Nam dưới chế độ kinh tế bao cấp theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chắc bài thơ Xuân này cũng giúp cho tác giả được một số tiền nhuận bút để vui Xuân, 14 năm trước khi cụ qua đời. Việc làm thơ của mình, cũng giống công việc viết chữ của các ông đồ đã trở lại, tác giả nhìn thấy như một món nợ từ kiếp trước:

Người chết nghiệp không chết
Nợ tiền kiếp luân hồi


Trong thời cực thịnh của chủ nghĩa cộng sản giáo điều ở Việt Nam, luân lý Nho Giáo đã bị ông Mao Trạch Ðông đả phá, ông Hồ Chí Minh bắt toàn dân học khẩu hiệu “Trung với Ðảng,” lấy Ðảng thay cho Vua, lấy chính trị thay cho đạo đức học. Các ông đồ lúc đó còn được bầy giấy bút viết trên lề đường mà không bị quốc doanh hóa, không bị “đánh tư sản;” phải coi đó là một ân huệ của đảng và nhà nước cộng sản. Cho nên, dưới “sự chỉ đạo văn nghệ” của đảng, thi sĩ kết thúc bài thơ rất đúng lập trường như sau:

Cách mạng là nhân nghĩa
Ông đồ là thi thư
Chữ tuôn dòng Thiện Mỹ
Từ ngón tay ông đồ

(1982)

Làm bổn phận với các cán bộ chi tiền nhuận bút của đảng bằng lời suy tôn coi “Cách Mạng (viết hoa) chính là nhân nghĩa (viết chữ thường); xong rồi Ông Ðồ Vũ Ðình Liên chỉ khiêm tốn nhận vai trò của mình là “thi thư.” Không biết hai chữ “thi thư” đó nghĩa là gì, đó là danh từ hay động từ, nghe thì thấy nó ngô nghê, rõ ràng ghép vào lấy lệ cho đủ 4 câu 5 chữ.

Những lời ca tụng đảng và nhà nước cố ý viết một cách ngây ngô này là một kiểu “xỏ lá” của giới sĩ phu Bắc Hà khi phải uốn mình viết theo lệnh cán bộ, mà trong tay không còn thứ vũ khí nào ngoài tài trào phúng. Bài thơ năm 1982 này khác hẳn phong thái thong dong với những âm thanh và ý tứ bay bổng, đã chấm dứt bài thơ năm cũ khi để lại một dư vị mang mang nhớ tiếc:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

(1936)

Vũ Ðình Liên may mắn đã qua đời năm 1996, cho nên cụ không phải trông thấy cảnh các ông đồ dưới chế độ Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng năm 2008, 09 này!

Như quý vị đã đọc và coi hình ảnh trên Người Việt hoặc các mạng lưới khác, các ông đồ Hà Nội đã bị đảng và nhà nước cộng sản đè ra, áp dụng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi các ông không chịu vào “công xã viết” của nhà nước thì công an sẵn sàng đem dùi cui đánh chữ nghĩa!

Từ khi đảng cộng sản thả cho dân làm ăn để tham nhũng trục lợi, người Việt nào có đồng ra đồng vào cũng bắt đầu tìm lại nếp sống xưa. Người ta dám trưng bầy cảnh sung túc mới của mình. Ngày xưa dân muốn ăn thịt con gà cũng không dám chặt thịt bằng dao, bằng thớt, sợ hàng xóm nghe thấy sẽ bị “kiểm điểm.” (Dân Hà Nội là thủy tổ khai sáng món thịt gà xé bằng tay). Nhưng bây giờ những tay tư bản đỏ sẵn sàng khoe mình có tiền mua xe sang, ở nhà sang; thì người dân nghèo nhất cũng cố đi “thỉnh” mấy chữ Nhân, chữ Nghĩa, chữ Hòa, chữ Nhẫn (chữ này cần nhất, nếu không sống không nổi) đem về treo trên vách, trên cửa trong ba ngày Tết.

Nhưng cái cảnh các cụ “bầy mực Tầu giấy đỏ - bên phố đông người qua” giống như các cụ đồ hàng ngàn năm ở đất Thăng Long cũ như vậy, là “làm ăn theo lối cá thể,” không còn thích hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của thời đại Nông Ðức Mạnh, với những tổng công ty và tập đoàn kinh tế theo kiểu Nguyễn Tấn Dũng.

Cho nên mới có anh cán bộ ma lanh nó nhìn thấy cảnh Phố Ông Ðồ là một cơ hội để đảng viên không phải làm mà vẫn được ăn chia! Cái đó các đồng chí gọi là kinh tế thị trường.

Làm cách nào để mình có thể ăn chia tứ lục trên công phu gò lưng ngồi viết của các ông đồ? Muốn vậy phải trông cậy vào ủy ban nhân dân của thành phố Hà Nội! Lê Nin đã viết “nhà nước và cách mạng” làm kim chỉ nam. Khi nhà nước ghé vào ăn ké mấy miếng, sẽ không ai dám cãi lại nền chuyên chính vô sản. Cái đó các đồng chí gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa!

Thế là những cái lều được dựng lên, các ông đồ được “tập trung cải tạo” dưới sự chỉ đạo của các cô gái thu tiền. Công viết được tính đồng đẳng theo lối cộng sản hóa. Ngày xưa còn làm ăn cá thể, các cụ chẳng thèm ra giá bao giờ. Ai thích chữ đẹp thì biếu nhiều, ai không có mắt tinh đời đưa ít thì cụ cười khà, nháy một cái ra cái điều ở đời “Biết lòng ai đỏ mắt ai xanh?” (Thơ Vũ Hoàng Chương, sau 1975). Nhưng người sành điệu “thỉnh chữ” mà không đi “mua chữ;” các cụ đồ “cho chữ” chứ không ai “bán chữ.” Bây giờ, nhà nước cộng sản đã tập trung cải tạo các ông đồ, lại còn “siêu thị hóa” việc viết lách. Các cán bộ định giá nhiều chữ nhiều tiền ít chữ ít tiền, giấy lớn chữ lớn thì giá đắt, giấy nhỏ chữ nhỏ giá rẻ, vân vân, văn minh không khác gì Wal-Mart hay Cotsco bên Mỹ! Ðó là kinh tế thị trường! Và nhà nước đứng làm chủ hồ, lấy sâu! Có người nói ngày xưa Năm Cam mở sòng bài còn chia tứ lục cho tay em, bây giờ đảng làm ăn chính thức nên cứa đôi, lấy béng 50%. Ðó gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa!

Nhưng các ông đồ đất Thăng Long ngày nay không còn nhút nhát như thời 1982 nữa. Nhiều ông đã từ chối không chịu vào “hợp tác xã” cho đảng lãnh đạo! Cho nên mới có cảnh dùi cui đối phó với chữ nghĩa! Nó cũng chứng tỏ câu “Con giun xéo lắm cũng quằn” đời nào cũng đúng.

Tết năm nay dân Hà Nội được coi màn kịch Dùi Cui Ðại Náo Phố Ông Ðồ, đủ đem kể với nhau làm chuyện cười vui trong ba ngày Tết.

Ðể bù lại với một cảnh buồn. Ðó là cảnh Hội Phố Hoa Hà Nội, ở phố Ðinh Tiên Hoàng bên bờ Hồ Hoàn Kiếm.

Tháng trước một tờ báo trong nước loan tin “Rộn rã lễ hội phố hoa Hà Nội”: Ngày 31 Tháng Mười Hai năm 2008 hàng ngàn du khách đã kéo nhau về Hội Phố Hoa để thưởng thức nghệ thuật cắm hoa của thủ đô Hà Nội.

Ba ngày sau, vẫn trên mạng lưới tờ báo này, là bản tin cho biết phố hoa đã tan hoang rồi! Dân đi coi hoa vì yêu hoa quá nên có người bẻ, có người nhổ, “thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hoa!”

Ðọc tin trên, chúng tôi nhớ đã nhận được một đoạn video của bạn bè, nhiều người cùng gửi một đoạn trong youtube hồi cách đây mấy tháng. (
http://www.youtube.com/watch?v=3IdolO05M9I&eurl=http://video.rfvn.com/?p=5767).

Mở địa chỉ ra, sẽ thấy cảnh thanh niên, thiếu nữ Hà Nội đi dự lễ hội hoa anh đào Nhật Bản tại Việt Nam, Sukura Festival in Vietnam, tổ chức vào đầu Tháng Tư năm 2008. Họ dự lễ như thế nào?

Thế này: Mạnh ai nấy chôm: hái, ngắt, vặt, bẻ, giật, có dao dùng dao, có kéo dùng kéo, vừa bẻ trộm hoa công khai giữa ban ngày, vừa hò hét, kêu gọi nhau ơi ới (Mày ơi, sao nó bẻ được cành to tướng kia kìa!) Trong chốc lát, những cây hoa anh đào Nhật Bản đã biến thành những cành cây trơ trụi đứng trên một bãi rác. Tác phẩm của nền văn hóa chụp giật của Chủ Nghĩa Cộng Hòa Xã Hội Việt Nam (tôi không biết mình có nhớ đúng tên gọi như thế hay không).

Tại sao tư cách con người lại xuống thấp đến như vậy?

Chỉ vì có những trẻ em lớn lên chỉ thấy những tấm gương Bùi Tiến Dũng, Mai Văn Dâu, Nguyễn Tấn Dũng, Nông Ðức Mạnh, Huỳnh Ngọc Sỹ, Hồ Chí Minh, Lương Quốc Dũng, Nguyễn Việt Tiến. Các em không được học tấm gương những “Ông Ðồ” như Nguyễn Khuyến, như Nguyễn Văn Giai, như Nguyễn Tri Phương hay Hoàng Diệu; vì những người đó chưa giác ngộ chủ nghĩa Mác Lê Nin.

Lớp thanh niên được đào tạo với “tư tưởng” đặt lòng trung với đảng lên cao nhất của Hồ Chí Minh, cho nên mới có cảnh hai xe vận tải đụng nhau trên Quốc Lộ 1 ở Huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, các tài xế bị thương nhưng người ta xúm tới mà không ai cứu hết. Vì toàn dân còn lo hôi của, lo cướp những trái cây từ chiếc xe đổ lăn ra đường! Trong cảnh hồ hởi thi đua hôi của đó, có anh lơ đễnh để mất 2 chiếc xe gắn máy nữa! Trên đầu những thằng ăn cướp có những thằng ăn cướp, trên đầu nó lại có những thằng ăn cướp khác. Và trên cùng là ai? Hà Sĩ Phu gọi là Phường Ðịa Tặc (khác hải tặc!)

Cả một chế độ đã giết chết ý thức về công ích trong mấy thế hệ thiếu nhi. Khi bọn lãnh đạo đảng chỉ biết dùng tiền để mua chuộc lẫn nhau và dùng dùi cui, còng số tám để đối phó với dân, nhìn đâu cũng thấy cơ hội kiếm tiền bất nghĩa; thử hỏi làm sao các em không bắt chước thói sử dụng bạo lực, gian trá và trò ăn cướp?

Cho nên Hà Sĩ Phu, một ông đồ thời đại mới, đã viết mấy dòng thơ Tết khi nhớ về quê hương Hà Nội như sau:
Ðất đã nảy trăm phường địa tặc
Trời lại hành một trận thiên tai
Chuột dẫu rút, lưu manh còn đó
Trâu đang về vẫn ách trên vai?


(Tết con Trâu nhớ về Hà Nội)

No comments: