Saturday, January 31, 2009

MỘT PHONG TRÀO CHỐNG ĐỐI CỦA QUẦN CHÚNG Ở TRUNG QUỐC

Tại Nước Tàu, Một Phong Trào Chống Đối Của Quần Chúng
In China, a Grass-Roots Rebellion
Ảnh hưởng của Bản Tuyên Cáo Đòi Nhân Quyền dần dần lan rộng mặc dù chính phủ cố gắng dẹp tan
Rights Manifesto Slowly Gains Ground Despite Government Efforts to Quash It
http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2009/01/28/AR2009012803886.html?hpid%3Dtopnews&sub=AR
Bài của Ariana Eunjung Cha trong phần Tin Quốc Ngoại của Báo Washingpon Post
Ngày thứ năm 29 tháng Giêng, 2009, trang 1 xấp A
TD chuyển ngữ


Tin Thượng Hải
Lần đầu tiên cô Tang XiaoZhao đọc thấy bản thỉnh nguyện kêu gọi dân chủ trong điện thư của cô, cô thấy cô đồng ý với tất cả các điểm nêu trong thư thỉnh nguyện đó, nhưng thực tình cô không muốn liên lụy vào chuyện này.
Cô XiaoZhao, một thiếu nữ xinh xắn trong lứa tuổi 30 trong ngành thẩm mỹ không bao giờ nghĩ mình lại có thể trở thành một người tranh đấu cho nhân quyền, mặc dù cũng như một số bạn, cô có một blog để viết về những chuyện xẩy ra xung quanh cô và những chuyện đời của cô, nhưng chính trị thì không hề có. Tuy nhiên vài ngày sau đó, cô làm một chuyện chính cô cũng không ngờ tới. Cô vào máy computer, và ghi tên cô vào văn kiện đó cùng với đầy đủ tên họ, địa chỉ, cũng như nơi làm việc rồi gửi đi tới một địa chỉ điện thư ghi trong văn kiện.
Trong buổi phỏng vấn, cô nói: “Tôi sợ chứ, nhưng tôi đã ký tên thầm trong bụng cả trăm lần trước khi gửi đi.” Chữ ký của cô là chữ ký thứ 3.943 trong danh sách đang thâu được trên 8.100 chữ ký trên toàn quốc. Mặc dù con số chữ ký này quá nhỏ bé, nhưng những người ký tên ủng hộ gồm đủ mọi thành phần đã giúp cho Bản Tuyên cáo Đòi Nhân quyền, còn gọi là Hiến Chương 08, trở nên một mốc quan trọng trong việc đòi dân chủ ở nước Tàu, một trong số rất ít cuộc tranh đấu chịu đựng được lâu dài, kể từ cuộc phản kháng ở Thiên An Môn năm 1989. Những người ký tên dĩ nhiên là có thể bị công an bắt giam hay bị trừng phạt.
Khi văn kiện được phổ biến trên mạng vào giũa tháng 12 thì số người biết đến rất ít. Phần lớn những người ký tên đầu tiên là những người thuộc thành phần trí thức, luật gia, học giả có tiếng tăm từ lâu, với lập trường rõ ràng đấu tranh đòi hỏi dân chủ. Chính phủ Trung quốc lập tức có biện pháp ngăn chặn việc phổ biến hiến chương, như là theo dõi chặt chẽ những người tình nghi là đã soạn thảo hiến chương, thẩm vấn, chất vấn những người ký tên, xóa bỏ tất cả những gì nói tới hiến chương này trên những mạng điện tử nằm sau tường lửa do họ đang kiểm soát.
Thế nhưng có chuyện khác thường xẩy ra. Những người dân thường như cô XiaoZhao từ trước tới nay không hề thắc mắc gì với chính quyền bây giờ bắt đầu gửi chuyền văn kiện tới mọi nơi và tự nhận mình là người ủng hộ cho cuộc tranh đấu đó. Những người ủng hộ bây giờ lan ra gồm cả các học giả, ký giả, phóng viên, chuyên viên điện toán, những người buôn bán, thương mãi, giáo sư sinh viên mà từ trước tới giờ không liên hệ đến một cuộc tranh đấu nào, và thêm cả những người thuộc các thành phần yếu kém hơn trong xã hội Tàu như những công nhân trong cơ xưỏng, các công nhân trong ngành xây dựng và kể cả các nông dân nữa.
“Đây là lần đầu tiên ở Trung Hoa có một văn kiện truyền bá ra công chúng với một hoạch định tương lai về chính trị cho Trung Quốc mà lại không do đảng Cộng Sản đề xướng,” Giáo Sư Xiao Quang, phụ giảng khoa báo chí tại Viện Đại học Berkely California, một người vận động cho nhân quyền và là giám đốc của China Internet Project. Chương trình này theo dõi các cuộc đối thoại trên mạng điện tử rộng lớn của Trung Hoa, những blogs và những trang điện tử. “Liên hệ với những người chống đối là một điều rất nguy hiểm, vì thế trong quá khứ, những người dân thường không ai ký tên vào những văn kiện như vậy. Nhưng lần này thì khác. Phong trào này đã trở thành phong trào của công dân.”
Đảng Cộng Sản Trung Hoa vẫn nắm giữ độc quyền cai trị, nhưng quyền lực của họ đang bị Hiến chương 08 chất vấn cũng như bị các hệ phái tư tưởng khác thử thách.
Vào ngày 13 tháng Giêng, 2009 một nhóm gồm hơn 20 nhà trí thức ký một lá thư ngỏ kêu gọi tẩy chay các chương trình về tin tức của đài truyền hình quốc doanh bởi vì các nhà trí thức này cho rằng chương trình đó là một hệ thống để tẩy não và loan truyền sai lạc một cách có hệ thống. Không liên quan gì tới nhóm này, cùng ngày, một nhật báo đã đăng một bài bình luận nêu rõ rằng quyền tự do ngôn luận đã được quy định trong hiến pháp, do vậy chính quyền không thể đơn phưong tự mình quyết định rằng một ý kiến nào đó là một ý kiến ‘vô lý hay không vô lý”, “cấp tiến hay phản động”.
Vào ngày mùng 7 tháng Giêng, 2009 một luật sư danh tiếng, ông Yan Yiming, đích thân tới Bộ Tài Chánh và nộp một đơn đòi hỏi phải công bố cho dân chúng biết toàn bộ ngân sách 2008 và 2009 kể cả các dữ kiện liên quan đến chương trình chấn hưng kinh tế 586 tỉ Mỹ Kim. “Chính quyền phải thực thi quyền hành một cách minh bạch giữa ánh sáng ban ngày, ” ông Yan YiMing khẳng định như vậy.
Và vào đầu tháng này, nhật báo Southern Weekend cũng nói lên nội dung tương tự như ý tưởng trong Hiến Chương 08, nhưng không nêu hẳn tên Hiến Chương 08. Báo Southern Weekend bày tỏ mối lo ngại cho tương lai của Trung Quốc và xác nhận việc ủng hộ các điểm “tiến bộ, dân chủ, tự do và nhân quyền.”
“Việc duy trì an ninh quốc gia và ổn định xã hội hiện nay đang lâm vào tình trạng trầm trọng,” ông Bộ Trưởng Công An Meng JianZhu cảnh giác các nhà lãnh đạo nước Tàu, theo như tường thuật của báo chí nhà nước.
Hiến Chương 08 đưa ra một kế hoạch thay đổi toàn diện hệ thống chính trị hiện hữu, chấm dứt chế độ chuyên quyền độc đảng, cho phép tự do ngôn luận, thiết lập một hệ thống tư pháp độc lập, thiết lập chế độ bầu cử trực tiếp. Hiến Chương 08 soạn thảo theo mẫu của Hiến Chương 77 ở Tiệp khắc năm 1977, 12 năm trước khi chế độ cộng sản bị sụp đổ ở Liên sô.
“Chính sách đổi mới của chính phủ Trung Quốc đã thất bại thảm hại,” Hiến Chương 08 nhận định như vậy. “Chính sách đổi mới đã tước đoạt quyền sống của người dân, tiêu diệt nhân phẩm và hủy hoại sự sinh sống bình thường của công dân. Do đó chúng tôi muốn biết Trung Hoa sẽ đi về đâu trong thế kỷ 21 này?”
Trọng tâm của văn kiện là kêu gọi viết lại hiến pháp đặt nặng việc tôn trọng quyền tự do.
“Tự do là nòng cốt trong tiêu chuẩn phổ quát của nhân loại. Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tụ họp, tự do liên lạc, tự do chọn chỗ sinh sống, và các tự do đình công, biểu tình và phản đối là một số trong các quyền tự do, là những hình thức thể hiện quyền tự do. Không có tự do, Trung quốc sẽ mãi mãi xa vời với thế giới văn minh, đã được khai hóa,” Hiến Chương 08 khẳng định như vậy.
Các cơ quan ngoài nước Trung Hoa theo dõi chặt chẽ sự biến chuyển của Hiến Chương 08 để coi xem chính phủ Trung Quốc làm sao để diệt được phong trào này.
Lãnh tụ số 4 của Trung Hoa, Jia QingLin, trong tờ báo Qiu Shi chuyên về lý thuyết Cộng Sản trong số phát hành giữa tháng Giêng đã cảnh cáo rằng quốc gia cần “phải thiết lập một bức tường phòng thủ chống lại sự quấy rối của những tư tưởng sai lầm của Tây phương .” Jia QingLin cho rằng hệ thống đa đảng và phân quyền là không đúng.
Tại trường Luật của Viện Đại Học Bắc kinh, các sinh viên thuộc đảng Cộng Sản được cảnh cáo không được liện hệ tới Hiến chương 08. Các nhà nghiên cứu tại các nhóm nghiên cứu do chính phủ tài trợ, Học Viện Khoa Học xã hội cũng đều được nhắc nhở như vậy.
Ít nhất đã có một người bị bắt giam vì tình nghi là người tổ chức của nhóm soạn thảo Hiến chương 08. Đó là ông Liu XiaoBo (Lưu Hiểu Ba) 53 tuổi, nhà phê bình văn học và là người chống đối chính quyền từng bị tù 20 tháng vì gia nhập đoàn sinh viên phản kháng biểu tình ở Thiên An Môn. Việc bắt giữ ông đã gây sôi nổi trên khăp thế giới. Các văn sĩ như Salman Rushdie và Margaret Atwood đã kêu gọi trả tự do cho ông.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Sean McCormack tuyên bố rằng Hoa Kỳ “cực kỳ lưu tâm đến các báo cáo rằng công dân Trung Hoa đã bị giam giữ, tra vấn, sách nhiễu” từ khi bản Hiến Chương được công bố. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Hoa Liu JanChao trả lời rằng Washington phải ngừng ngay việc xen vào nội bộ của nước khác.
Những vị nổi danh khác đã ký tên vào bản Hiến chương 08 kể cả Ai WeiWei, con của Ai Qing. một thi sĩ của chính quyền nổi tiếng về nghệ thuật và kiến trúc. He GuangHu, một giáo sư khoa tôn giáo của Trường Đại Học Nhân dân chuyên dạy về Cơ Đốc Học cũng đã ký tên, cũng như Bao Tong, một cựu lãnh tụ đảng Cộng Sản cũng đã ký tên ủng hộ Hiến Chương 08. Mao YuShi, 80 tuổi, một kinh tế gia là người đã góp phần vào việc duy trì chính sách đổi mới về kinh tế thị trường, đã công bố rằng mặc dù ông chưa ký tên vào Hiến Chương, nhưng ông đã giúp ý kiến cho những người soạn thảo Hiến Chương, cũng như ông đã ủng hộ bản Hiến Chương.
“Nước Tàu đang ở trong một giai đoạn chuyển tiếp rất khó khăn. Chúng ta phải nhận ra được tiêu chuẩn giá trị chung của thế giới mà đi theo chiều hướng dân chủ,’ ông Teng BiAo, một luật sư ở Bắc kinh nói. Ông được cảnh sát kêu lên sau khi ký tên. Cãnh sát cũng cảnh cáo ông từ đó về sau ông không được liên hệ gì với Hiến Chương 08 nữa.
Một khía cạnh nổi bật của Hiến Chương 08 lại chính là những người ký tên mà không có tiếng tăm gì, những người giống như cô Tang XiaoZhao.
Trên nhiều phương diện, cô XiaoZhao là một công dân kiểu mẫu. Một cô gái gan dạ cao chưa tới 150cm, quê ở Tứ Xuyên, sống ở Thượng Hải, là một người yêu nước, đóng thuế đầy đủ, thiện nguyện viên cho một trường coi sóc trẻ con của những người lao động du phương và khán giả mộ điệu của tuồng cổ. Cô là chị lớn của một gia đình có ba cô con gái của vùng nông nghiệp quê mùa, một nơi thiếu thốn việc học hành nhưng cô tự học bằng cách vớ được cái gì thì đọc hết cái ấy, kể cả chuyện tình Nhật bản cho đến các hòa ước chinh trị ở Trung Đông
Cô viết một blog vào tháng chạp, tựa đề là “Sau một trận khóc như mưa, tôi đã ký tên ủng hộ Hiến Chưong 08.” Chính quyền liên tục dập tắt blog của cô. Mặc dầu vậy bài viết được chuyển bằng imeo và các trang điện tử ra khắp thế giới. “Chúng tôi lớn lên, được nuôi sống băng những tin tức chính trị đầy những chất ngọt giả tạo như melanine trong sữa. Sự sợ hãi đã chất chứa đóng cứng như đá vào trong xương tủy chúng tôi,” cô viết, theo như bản dịch của báo China Digital Times, một trang tin điện tử do ông Xiao, giáo sư ngành báo chí của trường Berkley, một nhà tranh đấu cho nhân quyền.
Ở đây cô dùng chữ melanine để nói tới một chất hóa học cho thêm vào các công thức bào chế sữa cho trẻ em và một số thực phẩm của thú vật trong nhà. Hóa chất này làm cho số đo của lượng dinh dưỡng cao lên một cách giả tạo và gây bệnh hay có thể làm chết một số người tiêu thụ. Trong một cuộc phỏng vấn cô nói rằng nỗi lo sợ của cô nay đã biến thành sân hận sau khi cô nhận ra là blog của cô và các bài về Hiến Chương 08 bị kiểm duyệt xóa bỏ. Một buổi tối, cô chợt thấy thật buồn vì nhận ra rằng cô bị mất quyền tự do bày tỏ quan điểm mình. Do đó cô phải làm một cái gì.
“Như tôi, một người kém cỏi nhỏ bé với đầy lo âu sợ hãi, mà ký tên thì tôi nghĩ chắc có thể lôi cuốn người khác làm theo được,” cô nói. Trước khi blog của cô bị triệt hạ hoàn toàn vào ngày 13 tháng Giêng, cô đếm được 17 người góp ý cho biết đã ký tên vào Hiến Chương 08.
“Tôi mới ký tên,” một người viết. “Tôi khóc lúc tôi được biết là XiaoZhao khóc. Tôi không phải nổi cơn khóc vì những giọt nước mắt của XiaoZhao, nhưng tôi khóc vì phẫn uất và vì cảm thấy bất lực, bơ vơ.” Một người khác nhìn thấy môt tia hy vọng khi gặp phải sự kiểm duyệt gắt gao. “Bọn họ sẽ không cần phải kiểm duyệt xóa bỏ một cách điên cuồng như vậy, nếu như họ không sợ chúng tôi.” Một người khác viết ông “chuẩn bị quần áo ngay sau khi tôi ký tên. Tôi sẵn sàng. Tôi không muốn đi tù, nhưng tôi sẽ không sợ phải vào tù.”
XiaoZhao nói, cô cũng sẵn sàng nhận chịu hậu quả: “Tôi biết rõ những cái gì có thể xẩy ra cho tôi từ khi tôi ký tên tôi vào đó, nhưng tôi không còn sợ nữa. Tôi có quyền phát biểu ý kiến của tôi về một chuyện gì đó bằng chữ ký của tôi và tôi phải giữ cái quyền đó của tôi.

Liu Songjie và Zhang Jie ở Bắc Kinh đóng góp vào bản tin này
TD chuyển ngữ
http://www.doi-thoai.com/baimoi0109_389.html


No comments: