Saturday, January 24, 2009

ĐÀI TỬ SĨ

Đài Tử Sĩ
Ngô Nhân Dụng
Friday, January 23, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=89918&z=7
Ngày hôm qua Nhật báo Người Việt đã đăng bức hình “Ðài Tử Sĩ,” ở Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa trước kia, nay được thoát khỏi chế độ quân quản thành nghĩa trang thường dân thuộc xã Bình An.

Ký giả Trần Tiến Dũng đã kể những mẩu chuyện cảm động về những ngôi mồ tử sĩ. Có ngôi mồ được thân nhân chăm nom, xây lại, trông rất đẹp. Gặp một người em trai đi thăm mộ anh, một hạ sĩ Thủy Quân Lục Chiến đã hy sinh từ năm 1969, ông em nói, “Mỗi lần đến đây nặng nề u uất lắm ông ơi!” Trong nghĩa trang có những nấm đất không bia mộ, có những bia mộ đề chữ Vô Danh. Nhiều ngôi mộ do anh Út Ẩn trông nom. Người lính cũ của Sư Ðoàn 18 đã bị thương và giải ngũ từ năm 1971, đến năm 77 anh Út xin vào nghĩa trang làm công việc giữ mộ, chung quanh an là hơn 20 ngàn ngôi mộ tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Ông Út nói với nhà báo: “Mấy ổng linh lắm, mấy chú còn trẻ không hiểu được hết đâu.” Câu chuyện của anh Bùi Văn Tư, một người dân gốc ấp Trung Thắng đang làm chủ quán ở gần nghĩa trang, cũng cho thấy: “mấy ổng linh dễ sợ.” Anh Tư sinh năm 1956, đáng lẽ bị bắt lính hồi chiến tranh bên Cam Pu Chia, anh “sợ đi Miên chết hơn sợ ma;” đã trốn trong Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, cầu “xin mấy ổng phù hộ che chở.” Và nhờ vậy công an không bắt được, anh được yên thân tới bây giờ. Mỗi năm trước Tết “mấy ổng khiến” anh lại được nghỉ việc để về giẫy mả cho mấy ổng.

Quý vị độc giả có thể tin hoặc không tin lời của anh Út và anh Tư, nhưng nhà báo đi thăm nghĩa trang có lẽ đã tin. Anh đến nghĩa trang dù không có ai là thân nhân trong đó. Anh và người bạn bảo nhau: Mình tìm ngôi mộ nào cúng đi. Và họ đã chọn một ngôi mồ với bia đề Vô Danh. Khi bước vào nghĩa trang, ký giả mô tả: “Trước mắt chúng tôi là đài tưởng niệm uy nghi và hoang phế.” Nhưng khi tiến đến tận nơi, ông lại thấy, “Ngọn đồi này dù không còn treo bảng là khu quân sự nhưng vẻ hoang tàn ở đây lạnh rợn người.” Ký giả vẫn nhìn thấy trong cảnh hương khói vắng tanh, bốn bề ngập xác lá vàng cùng cỏ dại, anh vẫn thấy nguyên ánh sáng, “ánh sáng từ những anh linh uy nghiêm.” Anh nghĩ, “Những người lính chôn ở đây cũng như tất cả những người lính tử trận khác, họ mãi mãi vẫn là những anh linh...”

Bài ký kể chuyện cuộc đi thăm Nghĩa Trang Quân Ðội cũ kết thúc với một mối lo: “Ðâu ai biết chắc là bao lâu nữa nơi đây sẽ bị những người đang phát cuồng vì lợi nhuận làm ô nhiễm tất cả.”

Ðây là một mối lo chung. Làm sao bảo vệ được vẻ tôn nghiêm cho nơi an nghỉ của hơn hai chục ngàn tử sĩ? Làm sao chống lại được lòng tham của những người có quyền muốn khai thác lợi nhuận trên khu đất nằm ở địa điểm tốt này?

Chính quyền trung ương cộng sản đã trút trách nhiệm cho chính quyền địa phương quản lý khu đất có Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Nhưng không có gì ngăn cấm được những người nắm quyền để họ bỏ qua những món lợi mà việc khai thác đất đai có thể mang lại cho họ. Họ không cho biết một quy chế nào, không ai biết giới hạn của quyền hành mà những quan chức địa phương được hưởng. Trong chế độ đó, thường những người làm quan có quyền hành vô hạn.

Cho nên những người còn thiết tha với lịch sử cần tự động cùng nhau đi thăm viếng Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, để bầy tỏ ý chí của mình. Nhất là trong dịp Tết Nguyên Ðán năm nay. Càng đông người bầy tỏ ý nguyện bảo vệ và tôn kính nghĩa trang này, thì những kẻ có quyền càng phải e dè không dám lạm dụng.
Ðồng bào ở hải ngoại về quê ăn Tết hãy bỏ ra một ngày hay một buổi đi thăm Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Cho nên bà con đang sống ở trong nước hãy cùng nhau đi thăm mộ các tử sĩ, kể từ ngày đầu năm Kỷ Sửu cho tới tháng Ba âm lịch, chấm dứt trong dịp Lễ Thanh Minh tảo mộ. Mỗi người về thăm mộ chỉ cần chọn một ngôi mồ, có tên trên bia mộ hay vô danh, không cần là thân nhân hay đồng hương với mình. Hãy quét dọn sạch sẽ, thắp một nén nhang hay đặt một bông hoa trên ngôi mồ đó. Và khấn anh linh người tử sĩ xin phù hộ cho đất nước được bình an, nhân dân được no ấm.

Cứ một người hay một gia đình về Việt Nam ăn Tết mà đi thăm một ngôi mộ thì tất cả các tử sĩ trong Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa sẽ có người thăm viếng.

Khi chứng kiến cảnh đó, những người dân ở chung quanh, những anh Tư, anh Út trong câu chuyện đăng trên Nhật báo Người Việt hôm qua, sẽ được khích lệ để chính họ sẽ chăm nom các ngôi mổ tử sĩ một cách bền bỉ và hăng hái hơn. Và chính những người dân ở địa phương sẽ là người sẽ bảo vệ tính cách tôn nghiêm, thiêng liêng của khu nghĩa trang này, mãi mãi.

Khi đó, chính những đồng bào địa phương sẽ lo trông nom ngôi đài tử sĩ trong nghĩa trang. Bức hình trên Nhật báo Người Việt cho thấy ngôi đài tử sĩ giống như một cửa tam quan, tuy bị bỏ thành hoang phế hơn 30 năm nhưng vẫn giữ nguyên vẻ uy nghi đáng kính. Ðây là nơi nhiều thế hệ đã tới cử hành lễ nghi tôn giáo, tuy đã bị bỏ hoang 33 năm nay nhưng sẽ còn giữ nguyên tính chất thiêng liêng. Chúng ta có bổn phận bảo vệ tính linh thiêng đáng kính đó.

Sau khi bài báo được phát hành ngày hôm qua, một số anh em cựu chiến sĩ thuộc Sư Ðoàn 18 đã bàn nhau liên lạc với anh Út Ẩn, để hỗ trợ anh trong việc trông nom những nấm mồ đồng đội. Chắc chắn sẽ còn nhiều anh em cựu quân nhân đích thân về tận nơi để góp công với những người như anh Út. Chúng ta phải đền ơn những người đã chết. Phải chứng tỏ lòng biết ơn của mình.

Tất cả mọi dân tộc đều phải bầy tỏ lòng biết ơn các chiến sĩ đã bỏ mình khi làm bổn phận đối với quốc gia, dù quốc gia đó có lúc theo chính thể này hay chính thể khác, theo chủ nghĩa này hay lý thuyết khác. Những tử sĩ đó biết họ chiến đấu, hy sinh vì bổn phận đối với quốc gia, dân tộc. Cho nên dân tộc tri ân họ. Lòng biết ơn đó là một nền móng để xây dựng quốc gia lâu dài. Ðó là một bổn phận thiêng liêng, không một chế độ nào dám từ chối không cho người dân quyền thể hiện và thi hành bổn phận đó.

Cho nên người Việt ở nước ngoài cũng như ở trong nước, xin cùng nhau “tảo mộ” các tử sĩ trong Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa cũ trong dịp Tết Nguyên Ðán năm Kỷ Sửu này. Mỗi người, mỗi gia đình hãy âm thầm đi tảo một. Không cần phải tạo ra một tổ chức hoặc gây một phong trào. Không cần phải chính trị hóa một hành động hoàn toàn có tính cách tâm linh và lịch sử.

Tấm lòng thành kính của chúng ta chính là một đài tử sĩ để tưởng niệm các người anh, người em, người cha hay chú bác của chúng ta, những người công dân nước Việt Nam Cộng Hòa.

No comments: