Monday, January 26, 2009

SÀI GÒN BÊN THỀM KỶ SỬU

Sài Gòn bên thềm Kỷ Sửu
Ghi nhận của Trần Tiến Dũng
Sunday, January 25, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=90002&z=1
Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Mua bán không lời chèo chống mỏi mê.

Tuấn Khanh đã buột miệng hò như vậy khi chứng kiến cảnh dân miền Tây mang hoa kiểng bán và tan tác trong chiều ba mươi Tết ở bến Bình Ðông. Trước mắt chúng tôi là bờ kênh dài bày đầy hoa kiểng, dưới sông, từng chiếc ghe cũng chất đầy hoa và cây kiểng. Ở đầu một cây cầu sắt, người đàn bà bán hoa, cố sức mời khách đến khan cả giọng. Giá một cặp bông vạn thọ, cúc chỉ còn mười lăm ngàn đồng (chưa tới 1 USD). Giá những chậu bông giấy, bông mồng gà, bông hướng dương còn giảm thê thảm hơn nhiều.

Chiều 30 Tháng Chạp Âm lịch, người Sài Gòn đổ xô đi chợ hoa. Người xem rất đông nhưng ai cũng chờ giá hoa, cây kiểng rớt xuống thêm chút nữa. Một vị khách đi mua hoa cảm thấy bất bình, buột miệng: “Nghĩ kỹ thấy dân Sài Gòn ác thiệt, giá hoa chỉ còn như vậy mà vẫn trả giá...”

Một người đàn ông bán mai kể như khóc: “Tôi ở Cái Mơn, đem lên đây một trăm gốc mai. Tới giờ này bán chưa tới mười gốc. Không tính tiền ăn uống trong hàng chục ngày, chỉ riêng tiền bao ghe chở mai lên đây đã hết sáu triệu, tiền mướn chỗ bày mai năm triệu rưỡi, tiền điện bảy ngày, bảy ngàn một bóng đèn, tiền thuế... Tết này coi như chết hả họng”. Cũng người đàn ông này cho biết: Năm nay ai bán hoa, cây kiểng chưng Tết cũng chết hả họng như vậy. Anh không biết gì về suy thoái kinh tế. Theo cách anh nhìn, mai ế chỉ vì thời tiết không thuận hòa, trời lạnh lại có mưa nên mai ít bông, không xung nên người ta không mua. Anh bảo: “Tụi tôi bán mai, có lỗ thì chở về gầy lại, năm sau bán tiếp. Tội nghiệp mấy người bán bông. Chút nữa, công an đuổi tới họ phải bỏ của chạy lấy người, khi về nhà chỉ còn nước bán nhà, bán ruộng trả nợ”.

Nếu gặp con nước xuôi, đi đường sông từ Sài Gòn về Cái Mơn mất 12 tiếng. Sẽ không có ai trong số họ kịp về cúng ông bà trong đêm giao thừa. Sự mỏi mòn vì gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” khiến họ bỏ mất thời khắc giao thừa thiêng liêng, nó như là số kiếp của dân thương hồ.

Ở góc khác của Sài Gòn, chúng tôi nhìn thấy một cửa hàng bán dưa hấu vuông. Cô bán hàng cho biết đây là loại dưa hấu được người ta trồng theo công nghệ Nhật Bản. Khi hỏi thăm về giá, cô bán hàng nhìn tôi nghi ngại. Cô nói: “Anh dám mua à!” Tất nhiên một người như tôi không dám mơ một cặp dưa hấu với giá gần hai trăm USD ( hai triệu bảy trăm ngàn đồng). Người bạn đi cùng tôi nói nhỏ: “Tui và anh thì không nhưng cỡ Huỳnh Ngọc Sĩ thì dư sức mua cả ghe để hối lộ hết trung ương”.

Ðầu đêm giao thừa, dân Sài Gòn đổ ra nghẹt đường. Người lớn thì đi nhà thờ, chùa, người trẻ tuổi thì ra đường Nguyễn Huệ xem hoa và đèn trang trí ở phố trung tâm. Khoảng 9 giờ tối, tại Chùa Vĩnh Nghiêm, chúng tôi gặp một đôi thanh niên người Hà Nội vào Sài Gòn chạy rét. Cô gái đòi chàng trai mua những nhánh sen giả gắn đầy những lá vàng giả, loại đồ cúng cầu tài, cầu lộc, do Trung Quốc sản xuất. Cô nói: “Anh không tin thì mặc nhưng bạn em bảo sang năm suy thoái kinh lắm, vào đây mà không cầu chỉ thiệt thân”.

Người đi chùa đúng là nhiều hơn mọi năm. Dự báo kinh tế suy thoái toàn diện vào năm con trâu đang hăm dọa tất cả, ai cũng thấy cần thần thánh che chở nhiều hơn. Ở trước mọi cổng chùa, đội quân ăn xin và bán nhang, đèn, đồ cúng rất đông. Một cậu bé bán nhang chạy theo một người đàn bà vừa bước xuống từ một chiếc Mercedes đen bóng, cậu năn nỉ: “Mua giùm con một bó nhang đi bà giá chỉ có hai ngàn à”. Ở một số chùa, năm nay, người ta không cho đốt nhang trong chánh điện, nếu có, mỗi người chỉ được phép đốt ba cây, cũng vì vậy những người bán nhang và đồ cúng ế hơn mấy người bán lá số tử vi photocopy.
Riêng chùa Vĩnh Nghiêm thì để yên cho đội quân bán sách bói toán và số tử vi chiếm một góc rộng trước chánh điện. Khi thiên hạ cảm thấy bất an, tiên tri, bói toán được mùa.

Ở một xóm lao động thuộc quận Tân Bình, nhà nào đèn cũng còn sáng để chờ đón giao thừa. Ðôi chỗ có những nhà mang bàn ra đầu hẻm để chờ cúng xong rồi nhậu. Chuyện dân Sài Gòn càng khó khăn, càng nhậu nhẹt tưng bừng trong mấy ngày Tết là chuyện khỏi bàn. Ở một quán nhậu mở suốt Tết bên bờ kênh Nhiêu Lộc, cứ ba bàn đàn ông thì có một bàn nhậu của phụ nữ. Thời nay, đàn bà, con gái kéo nhau tới quán nhậu đã thành bình thường. Mỗi khi Tết đến, các bà, các cô lại có cơ hội tự do hơn khi ngả nghiêng hát hò theo men rượu. Một cô có nickname là Dì Út khoát tay: “Uống thoải mái đi mấy bồ, qua Tết về quê rủi chìm đò chết cũng vậy hà.”

Sự kiện ngày cuối cùng trong năm, ở Quảng Bình có hơn 40 người đi chợ Tết chết vì chìm đò khiến dư luận xúc động. Một blogger nói: “Ðâu phải thủy thần ác, thói vô trách nhiệm của nhưng người quản lý giao thông mới là thủ phạm”.

Cuối cùng thì giờ giao thừa không tiếng pháo vẫn lặng lẽ đến. Trong câu chuyện đêm giao thừa lúc này, có nhiều người đang thật lòng mong muốn những người lao động nhập cư an toàn và kịp về đến nhà. Ai cũng hy vọng là thời tiết sáng mùng một Tết, trời Sài Gòn lại rực rỡ nắng Xuân như mọi năm. Song không ai dám chắc là năm mới công việc làm ăn của mình và chất lượng sống của cộng đồng sẽ tốt hơn. Những nhánh mai chỉ lưa thưa nở ở Sài Gòn được xem như một thông điệp từ Trời.


No comments: