Wednesday, January 28, 2009

DIỄN ĐÀN KINH TẾ DAVOS

DIỄN ĐÀN DAVOS
Khai mạc trong nỗi lo sợ kinh tế suy thoái

Anh Vũ, Bảo Thạch
Bài đăng ngày 28/01/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 28/01/2009 16:37 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/109/article_2360.asp
Khác với mọi năm, Diễn đàn Kinh tế Davos 2009 khai mạc hôm nay trong bầu không khí nặng nề và bi quan. Theo thăm dò của Pricewaterhouse Coopers, được công bố nhân dịp khai mạc Diễn đàn, chỉ có 1 phần 5 các lãnh đạo doanh nghiệp cỡ lớn trên thế giới tỏ ra lạc quan, còn tuyệt đại đa số lo ngại cho triễn vọng 2009.

Năm nay, trong số khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng sẽ hiện diện tại Davos kể từ chiều tối hôm nay và trong bốn ngày tới, nổi bật nhất là thủ tướng Nga Vladimir Poutine. Ông sẽ có vinh dự đọc bài diễn văn khai mạc Diễn đàn. Trong khi đó, Hoa Kỳ chỉ phái đến quan chức cấp trung.

Đặc phái viên Dalida Berritane tường thuật từ Davos:

" Điểm nổi bật của diễn đàn năm nay là sự vắng mặt của tổng thống Mỹ. Sau 8 ngày chính thức lên nhậm chức, ông Barack Obama muốn tỏ ra kín đáo. Ban đầu dự tính hai cố vấn của ông, một về kinh tế, một về an ninh sẽ được cử tới dự Davos, nhưng cuối cùng cả hai đã được thay thế bởi bà Valerie Jarette, một trong những cố vấn thân cận của gia đình Obama, đại diện cho chính quyền mới của Mỹ.
Tâm điểm của hội nghị là thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Cùng đi với ông còn có một phái đoàn đông đảo các doanh nhân. Tuy nhiên, sau hai tuần kể từ khi chấm dứt cuộc khủng hoảng khí đốt nghiêm trọng ở châu Âu, thủ tướng Nga Vladimir Poutine mới là người khai mạc diễn đàn Davos lần thứ 39.
Về phần mình các nguyên thủ quốc gia của châu Âu đã không có mặt đầy đủ và hùng hậu. Chỉ có thủ tướng Anh Gordon Brown và thủ tướng Đức Angela Markel, đại diện cho châu Âu có thể sẽ phác thảo một số giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Đại diện của Pháp là hai gương mặt vốn đã quen thuộc trong hậu trường các diễn đàn Davos, đó là ngoại trưởng Bernard Kouchne và bà Christine Lagarde, bộ trưởng kinh tế."

Trong khi đó, hôm qua, Diễn đàn xã hội thế giới, phong trào đối trọng với Davos, cũng đã khai mạc tại thành phố Belem, Braxin. Tại đây, khoảng 70 ngàn người đã biểu tình đòi toàn cầu hóa cách khác.

Thông tín viên Annie Gasnier tường trình từ Belem:


"Như mọi khi, những người chủ trương toàn cầu hóa theo cách khác cũng có mặt. Hôm qua, họ đã có cuộc biểu tình ầm ĩ trên các tuyến phố tại trung tâm Belem lịch sử. Trong số hàng nghìn người tham gia vào cuộc tuần hành nhân khai mạc diễn đàn này, người ta thấy có các thổ dân đến từ vùng rừng rậm Amazon gần đó. Họ tới để yêu cầu mọi người tôn trọng cách sống và truyền thống của họ.
Giờ đây tổng thống Bush không còn có mặt nữa để đại diện cho cái ác, những người đấu tranh đòi toàn cầu hóa theo cách khác lại lên án cuộc khủng hoảng tài chính cùng các hậu quả của nó và những hạn chế của chủ nghĩa tư bản. Francois Tarist một người đấu tranh trong Phong trào vì Hòa bình nói : "Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã cho thấy các chính phủ phải điều tiết thị trường. Mặt khác, nó chỉ ra rằng cần phải có rất nhiều tiền để cứu vãn hệ thống tài chính thế giới. Đồng thời, cũng cần có rất nhiều tiền để trợ giúp các thổ dân, bảo vệ vùng Amazon, ngăn chặn nạn đói trên thế giới".
Sáng nay, các cuộc thảo luận đã bắt đầu ngay bằng một chủ đề chính đó là cuộc khủng hoảng và tương lai của Amazon giữa hai đường lối : phát triển hủy diệt môi trường hay phát triển bền vững. Thời điểm mong đợi của diễn đàn này sẽ là cuộc thảo luận giữa 5 nguyên thủ quốc gia Nam Mỹ cùng tổng thống Lula. Những tổng thống thuộc cánh tả này, mỗi người theo cách riêng của mình, đang cố gắng tạo ra một thế giới mới mang tính xã hội hơn".



DIỄN ĐÀN KINH TẾ DAVOS
Thầy bói xem voi
Bảo Thạch

Bài đăng ngày 28/01/2009 Cập nhật lần cuối ngày 28/01/2009 16:48 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/109/article_2355.asp
Diễn đàn kinh tế Davos khai mạc hôm nay, 48 tiếng đồng hồ sau khi lần đầu tiên, do khủng hoảng tài chính toàn cầu, một chính phủ đã bị lật đổ vì sự bất mãn của dân chúng. Đó là trường hợp của Aixơlen.

Aixơlen vừa tan vỡ bong bóng
Quốc gia châu Âu nhỏ bé này, từng là đứa con cưng của Davos, đã rơi rụng đột ngột trong mối lo âu: nền kinh tế của Aixơlen một khi xụp đổ có thể làm rung chuyển nhiều nước khác trong khu vực. Nguy cơ bong bóng tan vỡ tại Aixơlen đã được dự báo sau khi thực tế cho thấy quốc gia nhỏ bé 300 ngàn dân cư này lại mắc phải món nợ Nhà nước khổng lồ, lên đến 70 tỷ đôla. Chỉ một con số chóng mặt này đủ nói lên sự kém cõi của tầng lớp lãnh đạo đã đưa Aixơlen vào chổ khánh tận: hệ thống ngân hàng sụp đổ trong vài tháng, giá trị đồng tiền tiêu tan.
Một sớm một chiều, Aixơlen, một quốc gia nhỏ bé từng được xếp hạng trong nhóm giàu nhất thế giới, đã phá sản và phải cầu cứu Quỹ Tiền tệ Quốc tế để vay nợ. Ngày nay, theo các nhà phân tích của Aixơlen, nguyên nhân của sự thể này được tóm gọn trong đường lối lãnh đạo quốc gia của ông David Oddsson.
Là thủ tướng của Aixơlen từ 1991 đến 2004 và sau đó, với cương vị Thống đốc Ngân hàng Trung ương từ 2005, ông Oddsson đã tư nhân hoá tất cả các ngân hàng của Aixơlen và giải trừ các quy định. Ông là nhà vô địch của chính sách tài chính hoá nền kinh tế, mà ngày nay, sau khủng hoảng, người ta đặt tên là chủ nghĩa tư bản '' sòng bạc '', tức là thả lỏng cho thị trường tài chính đầu tư thì ít, đầu cơ thì nhiều. Ông Oddsson, ngày nay đã được báo Times đặt tên là "kẻ bị oán nghét nhất nước Aixơlen"

Davos tìm cách chữa cháy
Đám cháy sẽ lan tớI đâu ? Làm sao phòng ngừa đại họa ? Nên chăng phục hồi vai trò của Nhà nước trong thị trường ? Những câu hỏi này kể từ hôm nay sẽ được nêu lên tại Davos, bởi vì chủ đề Diễn đàn kinh tế năm nay được chọn là '' tạo dựng thế giới cho thờI kỳ hậu khủng hoảng ''. Nói cách khác, đó là tìm cách chữa cháy cho thế giới.
Tuy nhiên, thời kỳ hậu khủng hoảng nay còn xa vời, khi mọI người chán ngán e ngại : 2009 sẽ bi đát hơn năm ngoái và có lẽ phải đợi đến 2010 mới nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Mặt khác, các thành phần ưu tú của ngành ngân hàng và tài chính thế giới nhóm họp tại Davos vào đúng lúc mà hai ảo vọng cũng vừa tan vỡ.
Ảo vọng thứ nhất, liên quan đến chủ thuyết mang tên là phát triển tách biệt - tiếng Pháp là la théorie du découplage -. Theo chủ thuyết này, các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, vẫn tiếp tục cất cánh, cho dù Hoa Kỳ hay Châu Âu có bị khựng lại. Nhưng thực tế cho thấy tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn quốc, các chỉ số đang ở mức báo động. Châu Á không đủ sức đóng vai trò đầu tàu kinh tế cho thế giới vươn dậy.
Do đó mà ảo vọng thứ hai cũng vừa tan biến, liên quan đến quan niệm cho rằng, khủng hoảng hiện nay diễn biến theo hình chử V. Theo quan niệm này, kinh tế thế giới suy sụp đột ngột nhưng cũng trỗI dậy ngoạn mục không kém, theo biểu đồ hình chữ V . Điều này cũng đã tan biến như bọt bể, bởi vì ngày nay, mọI người đều gần như tìm được đồng thuận ở một điểm không mấy gì lạc quan : khủng hoảng thế giới sẽ còn kéo dài. Cho nên, khi Davos năm nay đặt trọng tâm là tìm thần dược trị bệnh, việc này chẳng khác chi câu ngụ ngôn : thầy bói xem voi.


No comments: