Tình tính tang, Ta đi xuyên Việt (7)
Vương Văn Quang
Đăng ngày 11-1-2009
http://danchimviet.com/articles/769/1/Tinh-tinh-tang-Ta-i-xuyen-Vit-7/TrangPage1.html
Tới gần sáng mới chợp mắt, nên khi tỉnh hẳn và bước ra khỏi giường, đồng hồ trên tay tôi đã chỉ 11h20. Thế là vội vội vàng vàng, vừa thu xếp đồ vào cặp, vừa đánh răng vừa … ị. Cuống hết cả lên, chỉ vì anh lễ tân cảnh báo từ hôm qua, lúc trước khi cầm chìa khóa lên phòng, rằng trả phòng quá 12h là tính tiền … thêm một ngày. Đúng kiểu làm ăn lối bề trên, lối bá quyền nước lớn chưa (!?) (khách sạn này của Việt Nam, nhưng tôi đã nói rồi, nếu bỏ đi mấy hàng chữ Việt, nó hoàn toàn là một khách sạn Tầu)
Hú hồn hú vía, khi giao chìa khóa phòng và lấy lại chứng minh thư tôi liếc đồng hồ, thấy vẫn còn thừa tới 25 phút. Hóa ra, cả xếp đồ (tuy rất ít - chỉ mỗi cái laptop là phải xếp ngay ngắn, còn thì cái gì cũng nhét đại - nhưng vẫn cứ là xếp đồ) cả đánh răng rửa mặt, cả đi ị, thậm chí vẫn còn nhớ tới Trái núi cô đơn phía sau khách sạn, vẫn bình tĩnh kéo rèm, trèo lên bàn để bấm một nhát (chụp hình) trái núi ấy. Thế mà tất tần tật hết có…15 phút. Tôi thầm nghĩ, bỏ mẹ, không khéo mình quên, chưa… chùi rửa cũng nên.
Mọi thủ tục trong quầy lễ tân đã xong, nhét cái chứng minh thư vào ví, tôi bước ra đường. Tân Thanh lại hiện nguyên hình như buổi trưa hôm qua, lúc tôi mới nhìn thấy Tân Thanh lần đầu trong đời. Tưng bừng. Náo nhiệt. Sầm uất. Thật không thể tưởng tượng ra nếu như chưa từng kinh qua như tôi hồi tối qua. Thoắt cái thành tiên, thoắt lại thành cú. Cú-tiên, tiên-cú, cứ thế mà diễn. Tôi vào một quán nước trà, gọi một ấm trà và nửa gói Vina (mặc dù trong cặp, trong túi quần hoặc túi áo tôi lúc nào cũng găm ngót nghét một cây thuốc lá Marlboro Light, vì đây là loại thuốc tôi quen dùng, nhưng trên toàn miền Bắc, nói chung, thuốc này rất khó mua) vì mục đích chính của tôi là thăm dò, hỏi han chứ không phải trà thuốc. Bà chủ quán nước này chắc chuyên phục vụ quân cửu vạn osin gì đây, bán trà chén và thuốc lá điếu là chính, nay gặp con khứa sộp chơi cả ấm trà với nửa bao thuốc nên lởi xởi (có vẻ như) trên mức bình thường. Hỏi một trả lời hai. Bà cho biết, từ Tân Thanh về Lạng Sơn có hai loại phương tiện, xe bus và xe cóc. Tôi hỏi bà, xe cóc là xe gì, lập tức bà chỉ cho tôi những chiếc Suzuki loại 7 chỗ vẫn chạy tíu tít qua lại. Bà cho tôi lời khuyên, chú nên đi xe bus, an toàn hơn, giá rẻ hơn, xe to nên ngồi cũng thoải mái hơn, chú tha hồ mà ngắm cảnh, không như bọn xe cóc chạy ẩu nguy hiểm lắm, vì đường từ đây về Lạng Sơn nhiều cua, lắm chỗ cua gấp như đường đèo, chớ có dại dột mà đi xe cóc chú ạ .
Tôi vẫn nghe bà chủ quán nói, nhưng trong đầu tôi đang/đã phác qua một kế hoạch.
Một con cóc chạy qua, tôi đưa tay vẫy, lập tức cóc ta phanh gấp. Tôi lên xe, trên xe độc bà lơ, có thêm tôi nữa là hai người trên xe. Bà lơ chứ không phải anh lơ nhé. Thế mới vui. Xe chạy vòng vòng thị trấn, mãi vẫn chưa có thêm mống khách nào. Tôi hỏi bà lơ, giá tiền về Lạng Sơn là bao nhiêu. Bà lơ (chừng ngoài năm mươi một chút, vẻ mặt phúc hậu hiền lành) bảo 15 nghìn người lớn, 10 nghìn người nhơ nhỡ và 5 ngìn cho trẻ con. Tôi bảo, bác cho cháu lên cửa khẩu Hữu Nghị Quan, cháu trả riêng ba chục nghìn, được không. Bà lơ nghe vậy đã có vẻ hài lòng, nhưng vẫn hỏi tôi lên cửa Hữu Nghị làm gì. Tôi bảo, nghe nói bọn Tầu nó lấn cửa Hữu Nghị của mình vào tới cả mấy chục cây số, cháu muốn lên xem thế nào. Bà lơ bảo, chục hay trăm thì tôi chả biết, nhưng lấn là có, cũng nhiều ra phết đấy. Tôi nói bâng quơ, ai cho phép chúng lấn như thế nhỉ ? Bà lơ nói, chú hỏi vậy thì tôi hỏi ai, dưng cơ mà ban đêm bọn nó nhổ cột mốc chạy sâu vào đất mình cắm lại là có thật. Có khi nó chạy vào cả chục, hai chục cây thật ấy chứ. Tôi hỏi, làm vụng làm trộm sao chúng nó chạy nhanh chạy khỏe thế. Ôi dào, vụng trộm gì, chúng nó làm ban đêm cho phải phép thôi, chứ quân ta nhìn thấy có dám ý kiến ý cò gì đâu. Nhưng mà ông chả ghê bà chả gớm, quân mình cũng chơi lại y như thế, chỉ khác là nó thì làm gần như công khai còn mình phải vụng trộm thật. Sao lại thế ạ, sao mình phải vụng trộm? Sao giăng gì, không vụng trộm nó bắn cho bỏ bố ý chứ lại đùa à …Nhưng mà kiểu gì thì cuối cùng mình vẫn thiệt, vì nó thì chơi công khai trong khi mình phải lén lấy lại đất của mình, anh tài xế lúc này mới lên tiếng tham gia.
Tòa nhà trạm cửa khẩu Hữu Nghị Quan (thuộc Trung Quốc) hồi năm 1994. Ảnh: VVQ
http://danchimviet.com/articles/769/1/Tinh-tinh-tang-Ta-i-xuyen-Vit-7/TrangPage1.html
Có thể lắm, và tôi thấy anh tài nói là có lý. Cứ lấn qua lấn lại, bên công khai bên vụng trộm, tất nhiên lợi thế sẽ thuộc về kẻ công khai, đường hoàng. Kết quả cứ khiêm tốn cho là nó chơi được chừng dăm cây số thôi, mà chiều dài trên toàn tuyến biên giới giữa mình và Tầu vào khoảng nghìn tư hay nghìn rưỡi cây số gì đó, tôi không nhớ chính xác. Như vậy ta sẽ mất bao nhiêu đất nhỉ? Làm một phép tính nhỏ để rồi giật mình. Ái chà! Cắm qua cắm lại như trò đùa trẻ con thế mà nó cũng nuốt được bẩy, tám nghìn ki lô mét vuông chứ ít ỏi gì.
Ngẫm đi nghĩ lại vẫn thấy khó hiểu, đất nước Trung Hoa bao la như thế, sao họ cố tình lấn của ta vài thước đất bằng cả những trò dị mọ bẩn tưởi đến khó tin như thế, để làm gì nhỉ? Nhưng nghĩ kỹ hơn một chút là từ khó sẽ thành dễ hiểu ngay, bởi vì (nói ví dụ) diện tích của Hà Nội khi mở rộng, đã xóa sổ Hà Tây quê lụa để nhập vào Hà Nội, lại mở lấn thêm tứ lung tung nữa, Hà Nội trở thành topten trên thế giới về mặt diện tích thì cũng mới chỉ có hơn ba nghìn cây số vuông, chính xác là 3.200 km vuông. Phải nghĩ như thế mới thấy cái trò dị mọ của người Tầu lợi hại biết chừng nào. Làm trò dị mọ như trò đùa trẻ nít, thế mà sểnh một cái là họ liếm gần ba cái Thủ đô Hà Nội, hay là…5 cái tỉnh Ninh Bình. Phải nhìn, nghĩ như thế mới biết rằng đúng là người Tầu giỏi kinh doanh, họ đang buôn thất nghiệp lãi quan viên về vấn đề đất đai, lãnh thổ nơi biên giới.
Chuyện vãn với bà lơ chỉ một nhoáng, con cóc đã đưa tôi tới cửa Hữu Nghị Quan. Không còn chút gì như hồi 1994 tôi sang biểu diễn. Hàng đoàn xe, loại xe chở hàng to, biển số các tỉnh, chủ yếu là các tỉnh miền Trung, miền Nam, xếp hai dẫy dài, tôi căng mắt nhìn về phía trước, chỉ thấy bụi mù bụi mịt. Tôi bảo tài xế, cứ chạy thẳng tới đi, tài xế bảo, chạy thêm được tí nữa thôi là tới trạm của nó rồi. Nghe vậy, tôi thật sự ngạc nhiên. Tôi hỏi anh ta có phải trạm là tòa nhà xây theo kiểu cổ, mái cong cửa vòm rất hoành tráng, rất đẹp phải không? Anh tài xế cứ ớ người ra, anh bảo chưa nhìn thấy tòa nhà đó bao giờ, trạm của nó cũng là nhà bình thường thôi, còn kém xa tòa nhà bên cửa Tân Thanh. Cũng có thể, vì trông anh tài còn trẻ lắm, có lẽ anh thuộc thế hệ 8X đời chót, nghĩa là những năm cuối của thập kỉ 80, và cái trạm cửa khẩu như tôi biết, khi anh sinh ra thì nó đã nằm vào sâu lắm, nằm tận đẩu tận đâu trên đất Trung Quốc rồi.
Như vậy, chuyện mất mục Nam Quan, chuyện Hữu Nghị Quan bị lấn là có thật.
Tôi bảo bà lơ quay về chợ Tân Thanh đón khách rồi về Lạng Sơn thôi, “phi vụ” đến đây là kết thúc. Nói rồi tôi rút ví trả bà ngay ba chục theo đúng thỏa thuận. Nhận từ tay tôi ba chục, bà lơ toe toét nở một nụ cười thu hoạch, mặc cho ải Nam Quan mất hay còn. Vâng, đó là thứ tâm lý chung của người Việt ta hiện nay.
Cửa động Nhị Thanh. Ảnh: VVQ
http://danchimviet.com/articles/769/2/Tinh-tinh-tang-Ta-i-xuyen-Vit-7/TrangPage2.html
Con cóc Suzuki quay lại trung tâm Tân Thanh, bà lơ bảo tôi, chú xuống chơi chợ hay ngồi quán uống chén nước cho thoải mái, cho tôi đảo độ dăm vòng kiêm khách rồi quay lại đón chú nhé. Vừa nói bà vừa rút ra bao thuốc lá Tầu, cắm vào mồm một điếu rồi vừa bật lửa châm thuốc, sau đó chìa bao thuốc mời tôi, lúc ấy, sao tôi trông bà ta giống quân bát sách1 thế. Vâng, xe bác, bác muốn làm gì thì làm chứ sao lại phải nói với cháu cứ như là xin phép thế.
Trong khi chờ xe, tôi lại đảo cái “Trung tâm thương mại Tân Thanh” một vòng. Cuối cùng thì chợ Tân Thanh cũng ăn giỗ của tôi được sáu trăm nghìn. Tôi mua hai cái lọ lục bình kiểu rất lạ, hình dáng thì đúng là lọ lục bình, nhưng vỏ ngoài là một lớp rỗng, phía trong lớp rỗng để mấy bông hoa, mấy thứ trái cây rồi đổ nước vào sóng sánh lóng lánh, giống như kiểu mấy cục chặn giấy, trông rất lạ mắt. Tôi lấy một đôi, dự tính mang về Hà Nội tặng chị D.T.H một cái, và tha vào Sài Gòn một cái (không hiểu sao, lúc đó dường như tôi quên béng rằng cái tổ ấm của tôi đang có nguy cơ tan tành lanh tanh bành rồi, nên vẫn hồn nhiên sắm sửa). Người bán hàng bảo, ba trăm một lọ, thấy trên thân lọ cũng có giá ghi như vậy, dù chẳng biết như thế là đắt hay rẻ, nhưng chẳng biết trả giá sao cho hợp lý, nên cứ rút tiền ra mà đếm. Sau được bà bát sách cho biết, mua hơi đắt, nhưng thanh niên như chú mua thế cũng là phải giá.
Chừng 15 phút sau thì xe quay lại, trên xe vẻn vẹn thêm được ba mống khách, nhưng chỉ có hai mống về đến Lạng Sơn, còn một mống đi có một quãng là xuống. Vậy là xe về Lạng Sơn cũng chỉ có ba mống khách, cộng bà lơ là bốn trên chiếc xe 7 chỗ. Thật thoải mái
Xe đang chạy trên đường Trần Đăng (hay Khương) Ninh, thuộc thị trấn Đồng Đăng - sở dĩ tôi nhớ tên con đường này bởi tôi sẽ ở trong một khách sạn mini nằm trên con đường đó – tôi nhìn thấy tấm biển đề: Động Nhị Thanh 200 m. Tôi vội vàng bảo anh tài dừng xe cho tôi xuống. Động Nhị Thanh rõ ràng là nơi cần chiêm ngưỡng, lại cách có 200m, tôi sẽ đi bộ, vừa khỏe chân, vừa đỡ tốn tiền xe ôm. Giả sử không nhìn thấy tấm biển đó, không biết Tam Thanh, Nhị Thanh ở đâu, ú ớ Việt gian gọi xe ôm, nó thấy dân du lịch nó chém cho tan nát thì có phải oan gia khổ sở không. Nghĩ thế nên tinh thần tôi phấn chấn hẳn
Theo hướng mũi tên trên tấm biển, tôi đeo lại chiếc cặp trên vai. Đeo hẳn hoi chứ không khoác nữa, vì một tay tôi phải xách đôi lọ lục bình (mỗi lọ để trong 1 hộp cacton như hộp đựng phích nước nóng loại hai lít rưỡi, buộc chập hai lọ thành một, cũng khá gọn gàng) rồi hùng hổ quả quyết tiến bước tiến dưới quốc kì thắm tươi, nhằm thẳng Nhị Thanh động mà tiến. Vài chú xe ôm chạy vè vè cạnh tôi mời mọc, nhưng không ăn thua, tôi biết rồi, chỉ có 200 mét thôi.
“Chỉ có” 200 mét thôi ! Nhưng hỡi ơi, cặp giò vốn quen ngồi miết bên computer, nay phải đi tuy chỉ có 200 mét, nhưng cũng khiến nó mỏi đến rã rời. Khi tới cổng Nhị Thanh, tôi ngồi phệt xuống đất mà thở và …hút thuốc. Thật là… khoa học và hợp lí. Ngồi nghỉ chừng 10 phút, tôi vào mua vé tham quan, giá vé là 5000 đồng. Trên tờ vé thấy ghi: Cục thuế thành phố Lạng Sơn.
Trung tâm động Nhị Thanh (ngửa máy, chụp thẳng từ dưới lên đỉnh). Ảnh: VVQ
http://danchimviet.com/articles/769/2/Tinh-tinh-tang-Ta-i-xuyen-Vit-7/TrangPage2.html
Động Nhị Thanh quả danh bất hư truyền, tuyệt đẹp. Đẹp đến mê hồn. Có lẽ chính động Nhị Thanh mới là Nam thiên Đệ nhị động chứ không phải như các tua gai thành phố Ninh Bình giới thiệu Tam Cốc của họ là Nam thiên Đệ nhị động. Còn Nam thiên Đệ nhất động là động chùa Hương Tích, có lẽ không động nào trên đất Việt qua mặt nổi nên tua gai các nơi rất tự giác, không nhận vơ, nhận xằng (!) Nhị Thanh là động cạn, tuy cũng có hồ trong động, nhưng người tham quan hoàn toàn có thể đi bộ. Không như động ở Hương Tích hay Tam Cốc, ba động liên hoàn ở Ninh Bình, người tham quan phải thuê thuyền hay đò đi trong động.
Khi mới vào trong chừng hơn chục mét, ông bạn ở Hà Nội gọi, tôi vẫn nói chuyện bình thường, vừa đi vào động vừa nói chuyện, đến một điểm thì tín hiệu lạo xạo, tậm tịt thêm một quãng nữa rồi mất hẳn. Một mình tôi trong động, không có người khách tham quan thứ 2. Ban quản lí thắng cảnh nơi đây cũng thật có trách nhiệm với du khách, thu được 5000 đồng bạc xong là thôi, phủi tay. Khi điện thoại mất sóng, nghĩa là tôi đã vào trong động khá sâu, một cảm giác rờn rợn chạy dọc sống lưng tôi. Tự nhiên, tôi đâm ra bực mình cái kiểu làm ăn của thành phố Lạng Sơn, nhà nước ôm tất, kiểu bao cấp, và như một lẽ thường tình là rất vô trách nhiệm. Chỉ bán vé. Không người hướng dẫn. Không bảo hiểm. Không… không không là không, em bảo u rồi…
Ninh Bình thì khác, họ cho tư nhân đấu thầu, rồi ngồi khểnh thu tiền. Vừa có tiếng vừa có miếng. Rõ ràng thành phố Ninh Bình biết làm ăn hơn, khôn hơn thành phố Lạng Sơn. Tư nhân làm dịch vụ nên cũng trách nhiệm, chu đáo hơn. Điều này thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể. Họ bán vé, tổ chức đưa người vào tham quan, kèm theo cả tua gai (tour guide) tua ghiếc tử tế.
---------------------------------
Chú thích:
1Bát sách: Một quân/cây bài trong bộ bài “chắn”, hay còn gọi là “tổ tôm”. Quân “bát sách” vẽ hình người đàn bà hút thuốc, trông khá tếu
© 2008 Đàn Chim Việt
This article is part 7 of a 7 part series. Other articles in this series are shown below:
Tình tính tang, ta đi xuyên Việt (1)
Tình tính tang, ta đi xuyên Việt (2)
Tình tính tang, ta đi xuyên Việt (3)
Tình tính tang, ta đi xuyên Việt (4)
Tình tính tang, ta đi xuyên Việt (5)
Tình tính tang, ta đi xuyên Việt (6)
Tình tính tang, Ta đi xuyên Việt (7)
No comments:
Post a Comment