Tổng thống Mỹ Obama sẽ làm thế giới thay đổi
Nguyễn Tường Tâm
Đăng ngày 4-11-2008
http://danchimviet.com/articles/580/2/-Tng-thng-M-Obama-s-lam-th-gii-thay-i/TrangPage2.html
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn 33 tiếng đồng hồ nữa là bắt đầu và 41 tiếng đồng hồ nữa là ngã ngũ. Không những người dân ở Mỹ mà ngay cả toàn thế giới đều đang theo dõi kết quả cuộc bầu cử này. Theo truyền thống, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong những năm gần đây vốn vẫn thu hút sự chú ý của thế giới, nhất là giới lãnh đạo chính trị tại các quốc gia tiền tiến Âu Châu, bởi vì chính sách ngoại giao của Mỹ đóng vai trò then chốt trên cục diện thế giới. Nhưng đặc biệt năm nay, ứng cử viên Obama người da đen (thực sự ông có một nửa máu mẹ ông là người Mỹ trắng) đã khiến cuộc bầu cử thu hút sự chú ý cuồng nhiệt hơn không những của dân chúng Mỹ mà còn cả của hầu khắp các quốc gia trên thế giới, trong đó Anh, Pháp, Đức là mạnh nhất. Chính vì thế, khi viếng thăm Berlin, Đức quốc, Obama đã được đám đông tới 200.000 (hai trăm ngàn) người tiếp đón một cách cuồng nhiệt. (1) Trong bài báo “Europe has a long wait for its Obama” viết bởi ELAINE GANLEY, cho hãng thông tấn AP ngày mùng 2-11-2008, ở phần nhập đề tác giả đã viết, “Barack Obama của Âu châu đang ở đâu? Đám đông người Âu châu không chỉ hy vọng ứng cử viên Obama của đảng Dân chủ Hoa Kỳ chiến thắng mà nhiều người còn tự hỏi khi nào thì nước Pháp, Đức hay Anh sẽ có cơ hội bỏ phiếu cho một người lãnh đạo xuất thân từ cộng đồng thiểu số đang chớm nở của họ” (2) Nếu, ứng cử viên da đen Obama đắc cử tổng thống Hoa kỳ thì hệ thống tâm lý tại Hoa kỳ cũng như hệ thống chính trị và tâm lý tại một số quốc gia, nhất là ở Âu Châu, sẽ có thay đổi lớn. Và như thế, trong tương lai, tuy không gần lắm, nhưng cũng không còn trong ảo tưởng, nhân loại sẽ tiến tới một thế giới trong đó các sắc tộc trong cùng một quốc gia sẽ sống hoà hợp nhau hơn, mở đường cho các quốc gia giao tiếp thân thiện và thành thực với nhau hơn, ít nguyên nhân chiến tranh hơn, đặc biệt là nguyên nhân sắc tộc. Phải chăng đó là hình ảnh thế giới đại đồng mà Karl Marx mơ ước?
Tại Hoa kỳ, cộng đồng người Mỹ da trắng chắc chắn cũng theo dõi sát sao sự kiện có thể một tổng thống da đen lần đầu tiên lên lãnh đạo đất nước này. Chính vì vậy, khi trả lời truyền thông về việc ông ủng hộ Obama, Đại Tướng về hưu Colin Powell, cựu ngoại trưởng Hoa kỳ, một người da đen thuộc đảng Cộng Hoà, bạn lâu năm của ứng cử viên McCain, đã phải đề cập tới vấn đề mầu da của Obama cùng đen như ông, và ông trả lời, ông biết rất rõ vấn đề mầu da trong việc ủng hộ của ông, nhưng ông cho hay, đó không phải là yếu tố chủ yếu đưa tới quyết định đó (Powell said he was cognizant of the racial aspect of his endorsement, but said that was not the dominant factor in his decision.) (3) Đại tướng Powell nói thêm, về Obama, “Ông ta (Obama) vượt qua mọi ranh giới, ranh giới chủng tộc, ranh giới sắc tộc, ranh giới phân cách thế hệ. (4) Do truyền thống dân chủ cao tại Hoa kỳ, cộng đồng người Mỹ da trắng tại Hoa Kỳ không có biểu hiện hay tập họp công khai nào cho thấy họ lo ngại một tổng thống da đen. Nhưng trong tiếp xúc riêng tư, tâm trạng lo ngại đó cũng vẫn còn trong không ít người. Chính bởi thế FBI mới vừa phá vỡ được âm mưu của một nhóm da trắng trẻ quá khích có ý định ám sát ứng cử viên Obama và thực hiện những vụ giết chóc bạo động lớn trong những địa phương, trường học mà người da đen chiếm đa số. (5)
Các cộng đồng người Mỹ sắc tộc khác và cộng đồng người da đỏ bản địa, gọi chung là các cộng đồng da mầu tại Hoa kỳ, từ lâu nay không công khai lên tiếng ủng hộ ứng cử viên tổng thống của đảng nào. Đó là biểu hiện của mặc cảm đứng bên lề, một mặc cảm tự nhiên mang bản chất tự ti sắc tộc, vì nghĩ rằng tiếng nói của mình không được lắng nghe. Trong lần bầu cử này, tuy không biểu hiện công khai, nhưng trong tiếp xúc riêng tư, các cộng đồng sắc tộc có khuynh hướng thiên về Obama. Đó là sự trỗi dậy tự nhiên một cách âm thầm của những cộng đồng còn yếu thế trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ.
Người Mỹ da đen tại Hoa kỳ, ngoại trừ với tính cách cá nhân (như Đại Tướng Collin Powell), tuy không ai lên tiếng với tính cách cộng đồng công khai ủng hộ Obama (có lẽ vì sợ bị cho là kỳ thị sắc tộc, một điều trái với văn hóa Mỹ), nhưng trong liên hệ cộng đồng chặt chẽ, họ đã có những gặp gỡ để chia sẻ quan điểm và có hành động chung. Ví dụ trong những buổi tranh luận giữa hai ứng cử viên, thay vì ngồi ở nhà xem TV cũng có thể theo dõi được, thì một số cộng đồng người Mỹ da đen lại tập trung tại quán rượu địa phương để vừa giải trí, vừa cùng nhau chia sẽ nỗi niềm chung, vừa là một cách đóng góp cho quĩ tranh cử của Obama qua số tiền lời bán rượu tối hôm đó mà chủ quán tổ chức.
Điều ngạc nhiên, trái với truyền thống dân chủ của Hoa kỳ, giới lớn tuổi trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt lại ồn ào trên một số làn sóng phát thanh địa phương lên tiếng ủng hộ ứng cử viên McCain. Sự cuồng nhiệt ủng hộ McCain tới độ có phong cách phản dân chủ thể hiện trên những buổi gọi là “góp ý của thính giả” tại thành phố San Jose, tiểu bang California. Trong một số buổi phát thanh tiếng Việt đó, nếu có ai lên tiếng ủng hộ Obama, sẽ có hàng loạt người, tất cả đều lớn tuổi, lên tiếng “chửi rủa” (theo đúng nghĩa đen) cho là đồ “vô ơn”, đồ ngu dốt, trình độ chỉ đáng lớp năm, trong khi người có ý kiến bị chỉ trích đó là một luật sư trẻ tại San Jose. Hầu hết những lý luận của giới người Mỹ gốc Việt lớn tuổi này để đả kích Obama, bênh vực McCain thường không có tính cách thuyết phục, không thể hiện tinh thần công bằng, dân chủ, mà chỉ dựa vào những cảm tính cố cựu gắn liền với cuộc chiến Việt Nam. Thái độ thiên lệch đó có tính cách tự nhiên vì ứng cử viên McCain có những điểm chung với họ như cùng tham dự cuộc chiến Việt Nam, cùng bị cộng sản Việt Nam bỏ tù, đã ủng hộ những dự luật cho phép nhiều người Việt Nam tị nạn qua chương trình HO được tới Hoa kỳ. Những tình cảm đó cũng có thể hiểu được vì trong văn hoá gốc của người Mỹ gốc Việt, lòng biết ơn được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, trong khi nhấn mạnh tới lòng biết ơn đối với ứng cử viên McCain, họ lại không biết ơn cộng đồng người Mỹ da đen, vì nhờ các cuộc hy sinh tranh đấu gian khổ cho nhân quyền của người Mỹ da đen vào thập niên 1950 và 1960, mà các cộng đồng da mầu (color community) tại Mỹ trong đó có cộng đồng người Mỹ gốc Việt mới được hưởng những sự bình đẳng về pháp lý và xã hội như ngày hôm nay. Ngoài lòng biết ơn đối với ứng cử viên McCain, sự chống đối Obama của người Mỹ gốc Việt lớn tuổi còn thể hiện tinh thần kỳ thị sắc tộc hơn cộng đồng nào hết. Giới người Mỹ gốc Việt lớn tuổi, trong tiếp xúc giữa cộng đồng, vẫn đủ “cam đảm” lên tiếng đả kích Obama chỉ vì theo họ, “không thể chấp nhận một anh da đen” lên lãnh đạo đất nước. Tinh thần kỳ thị sắc tộc này, xuất hiện ngay cả trong giới được cho là có hiểu biết, tức là có bằng cấp cao, có thể hiểu được bởi vì trong quá trình trưởng thành tại Việt Nam, những người đó được giáo dục bởi một nền văn hoá đầy tinh thần kiêu ngạo dân tộc và kỳ thị các sắc tộc khác. Ví dụ, sách báo Việt Nam, luôn luôn đề cao “Đất nước ta tiền rừng, bạc biển”; “Dân tộc ta cần cù, thông minh và đầy lòng nhân đạo”, “Dân tộc ta bốn ngàn năm văn hiến”. Những điều đó đúng một phần, nhưng điều đáng trách là cách diễn đạt, văn phong thể hiện trong nội dung cả bản văn chỉ dựa trên lòng yêu nước quá khích chứ không dựa trên tinh thần khoa học khách quan khiến người dân mang một tâm trạng sai lầm là chỉ có Việt Nam là “nhất về mọi phương diện”. Sang quê hương mới, tâm trạng kỳ thị đó, đã ăn sâu bám rễ trong đầu, không dễ gì từ bỏ. Tâm trạng đó rất không hợp thực tế văn hoá Hoa kỳ.
Trái với lớp người gốc Việt lớn tuổi, giới trẻ gốc Việt hấp thụ nền văn hoá dân chủ và logic Hoa kỳ, như giới trẻ Hoa Kỳ khác, theo thống kê, đa số ủng hộ Obama. Thế nhưng họ không có chỗ nói lên quan điểm của họ trong cộng đồng gốc Việt, bởi vì nền văn hoá “con cãi cha mẹ trăm đường con hư” đã được giới cha, chú áp dụng không đúng trường hợp.
Bên ngoài Hoa kỳ, theo báo chí trong nước, đa số người Việt Nam quốc nội cũng muốn Mỹ chọn McCain làm tổng thống. Những phát biểu đó hoàn toàn dựa trên duy nhất một sự kiện McCain trước đây đã bị cầm tù tại Việt Nam. Quan điểm của người Việt quốc nội không thể hiện một quan tâm thuần túy chính trị vì không cho thấy họ có hiểu biết nào về sự khác biệt giữa các ứng cử viên trong chính sách của Hoa kỳ đối với Việt Nam .
Đối với dân chúng các quốc gia tiền tiến Âu châu, cuộc bầu cử tổng thống Hoa kỳ năm nay, ngoài sự quan tâm tới khác biệt giữa các ứng cử viên trong chính sách đối ngoại, lại còn có sự quan tâm tới khả năng Hoa kỳ có một tổng thống da đen sẽ làm thay đổi hệ thống chính trị và xã hội trong từng quốc gia mà họ đang sinh sống. Giả thiết Obama lên làm tổng thống Hoa kỳ đã khiến cộng đồng di dân tại Âu châu, mà đa số là người da đen tới từ Phi châu, có hứng khởi. Có thể nói lần đầu tiên, trên truyền thông, họ đã được quan tâm thăm dò ý kiến nhiều, và cũng lần đầu tiên trên truyền thông đại chúng họ đã bộc lộ thành thật hết nỗi niềm thiểu số, luôn luôn phải đứng bên lề hệ thống chính trị của quốc gia mà trên lý thuyết họ được quyền bình đẳng. Ông Mkalache, người gốc Algeri sinh đẻ tại Pháp 48 năm về trước, đã bày tỏ cảm tưởng rằng mặc dù ông ta là công dân Pháp từ lúc sanh, nhưng ông ta không có cảm tưởng ông ta là người Pháp một chút nào. (6)
Một cách sơ khởi, tác giả bài báo đã ghi nhận được sự kiện con số những người di dân gốc phi châu lên nắm các chức vụ cao trong chính quyền quốc gia sở tại có thể đếm được trên đầu ngón tay, và con số đại biểu trong quốc hội hết sức bất cân xứng với tỉ lệ dân số của họ trên toàn quốc. Tại Anh, cộng đồng thiểu số chiếm ít nhất 8 phần trăm dân số nhưng chỉ có 15 đại biểu trong quốc hội có 646 ghế. Tại Pháp với 5 triệu người hồi giáo đa số tới từ Phi Châu, nhưng chỉ có một nhà lập pháp người da đen trong quốc hội có 577 ghế. Tại Đức, chỉ có 10 đại biểu thiểu số trong quốc hội có 612 ghế. (7)
Bài báo còn ghi nhận được rằng, so với các di dân gốc da trắng, thì sự bất bình đẳng này còn thể hiện trên bình diện tốc độ hội nhập. Bài báo viết rằng, hoàn toàn trái với cộng đồng di dân da đen, rất khó nắm các chức vụ chính trị cao dù sinh đẻ nhiều đời tại địa phương, người di dân da trắng có thể mau chóng hội nhập và nắm giữ các chức vụ cao, ngay cả chức vụ tổng thống, chỉ trong vòng thế hệ thứ nhất, tức là thế hệ sinh đẻ tại bản xứ. Ví dụ tổng thống đương nhiệm của Pháp, ông Sarkozy, là người có cha là người Hungary (8)
Với viễn tượng ứng cử viên da đen Obama có thể trở thành tổng thống thứ 44 của Hoa kỳ, cộng đồng di dân gốc phi châu tại các nước tiền tiến Âu châu như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha… đang nuôi hy vọng rằng sự kiện tương tự sẽ có thể xảy ra tại các quốc gia Âu châu họ đang sinh sống, và giải thoát cho họ khỏi hoàn cảnh mà họ cho rằng vẫn còn bị trói buộc bởi hệ thống chính trị quốc gia khép kín.
Một tổng thống Hoa kỳ người da đen không những giúp thay đổi hệ thống chính trị khép kín tại Âu châu, mà còn làm thay đổi hệ thống tâm lý lâu này vẫn trói buộc họ. Đó là tâm lý tự tôn của người da trắng và tâm lý tự ti da mầu của chính họ. Họ đã gọi việc ứng cử viên da đen Obama lên làm tổng thống Hoa kỳ là hình ảnh của “giấc mơ Hoa kỳ” (American Dream), và họ tự hỏi, bao giờ thì xảy ra “Giấc mơ Pháp quốc” (French Dream). (9)
Một sự thay đổi hệ thống chính trị như vậy tại các quốc gia tiền tiến Âu châu, khi xảy ra, chắc chắn theo thời gian sẽ kéo theo sự thay đổi hệ thống chính trị trong phần còn lại của thế giới, như bao thay đổi chính trị khác trong lịch sử tại Âu châu, chẳng hạn cuộc cách mạng dân chủ 1789 tại Pháp.
Và một sự thay đổi hệ thống chính trị trong nội bộ các quốc gia, theo chiều hướng đó, chắc chắn sẽ kéo theo sự thay đổi cấu trúc xã hội, tạo sự bình đẳng hơn và thông cảm nhau hơn giữa các sắc dân trong cùng một quốc gia.
Một sự thông cảm giữa các sắc tộc sẽ khiến dân chúng trên thế giới có thể di cư tự do và dễ hội nhập hơn từ quốc gia này tới quốc gia khác, đưa tới sự tương đối đồng dạng hơn, bình đẳng hơn, và cảm thông nhau hơn giữa các quốc gia. Nhân loại vì thế sẽ giảm thiểu được chiến tranh sắc tộc hiện vẫn đang khốc liệt tại nhiều vùng trên trái đất. Phải chăng đó là tiến tới hình ảnh “thế giới đại đồng” mà Marx mơ ước?
Nhưng viễn tượng đó còn xa. Ngay cả viễn tượng sẽ có một người thiểu số lãnh Anh quốc thôi, theo bài báo, cũng còn phải đợi ít ra là vài thập niên nữa (10). Nhưng nếu xét từ cuộc cách mạng dân chủ 1789 tại Pháp cho tới khi quốc gia văn minh nhất thế giới là Hoa Kỳ đạt được sự bình đẳng trên pháp lý cho người da đen phải mất gần 200 năm (thập niên 1960), thì niềm hy vọng về một xã hội đại đồng mà Karl Marx vẽ ra có rất nhiều cơ may hiện thực. Lúc đó, nhìn lại thế kỷ 20 và 21 hiện nay, nhân loại sẽ đánh giá rằng đó là một thời kỳ mông muội, đen tối của con người, khi tìm cách thực hiện giấc mơ tuyệt vời đó bằng giải pháp phi nhân bản, thông qua con đường Xã Hội Chủ Nghĩa.
--------------------
Ghi chú:
(1) US presidential candidate Obama speaks in Berlin, Germany
From Wikinews, the free news source you can write!
Monday, July 28, 2008 - United States Presidential hopeful Barack Obama, spoke to over 200,000 last Thursday in Berlin, Germany at Tiergarten Park.
(2); (6); (7); (8); (9); (10) - Europe has a long wait for its Obama
By ELAINE GANLEY, Associated Press Writer Elaine Ganley, Associated Press Writer – 2 hrs 7 mins ago-2008-Nov-2
(3) Colin Powell endorses Barack Obama for president
By STEPHEN OHLEMACHER, Associated Press Writer - Monday, October 20, 2008
(4) Top of the ticket - LA Times Blogs
Mr. Obama, at the same time, has given us a more inclusive, broader reach into the needs and aspirations of our people. He's crossing lines-- ethnic lines, racial lines, generational lines. He's thinking about all villages have values, all towns have values, not just small towns have values.
(5) Feds disrupt skinhead plot to assassinate Obama
By LARA JAKES JORDAN, Associated Press Writer – Mon Oct 27, 7:53 pm ET
© 2008 www.danchimviet.com
No comments:
Post a Comment