The Washington Post
Khi những tổn hại kinh tế của Trung Quốc tăng lên, niềm tin chuyển thành nỗi khiếp sợ
As China's Losses Mount, Confidence Turns to Fear
Officials Use Bailouts to Forestall Unrest
By Ariana Eunjung Cha
Washington Post Foreign Service
Tuesday, November 4, 2008; Page A01
http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2008/11/03/AR2008110303486.html?hpid=topnews
SÂM CHẤN, Trung Quốc - Khi Công ty Chong Yik Toy Co. bị phá sản, những ông chủ ở đây đã chạy trốn mà không thanh toán lương cho nhân viên của mình và những người công nhân tức giận đã xuống đường phản kháng. Chưa tới 72 giờ sau, chính quyền địa phương đã phải tới giải cứu.
Được vũ trang bằng những chiếc túi đầy tiền với tổng cộng nửa triệu đô la, các nhân viên kế toán bắt đầu phân phát tiền để cho 900 cựu nhân công có thể có cái gì đó xoay xở được. Các giới chức Trung Quốc thực hiện vụ chi trả khẩn cấp ngày 21 tháng Mười này đã gọi nó là một "khoản tiền tạm ứng," một phần của thứ "quỹ bảo hiểm trả lương chậm."
Song thực tế hiển nhiên đối với mọi người là: Đó là một khoản cứu trợ tài chính của chính quyền.
Trong những tuần đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các quan chức Trung Quốc đã tuyên bố một cách kiên quyết rằng họ không bị tác động đáng kể. Thế nhưng giờ đây, khi các vụ đóng cửa nhà máy, các báo cáo về tình trạng thảm khốc về tiền lương công nhân và sự thua lỗ của thị trường chứng khoán tiếp tục tăng cao, thái độ quả quyết của Đảng Cộng sản đã thay đổi sang cảm giác hoàn toàn khác: nỗi sợ hãi.
Vì là lần đầu tiên trong 30 năm qua kể từ khi Trung Quốc bắt đầu chương trình chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản của mình, đã có một nhận thức rằng nền kinh tế đang ở trong cơn rối loạn thực sự. Và đối với Đảng Cộng sản, cơn khủng hoảng không phải chỉ là một vấn nạn kinh tế, mà nó còn là một vấn đề chính trị. Phản ứng của chính phủ đưa một ý niệm lờ mờ vào trong mối quan hệ vẫn còn nhập nhằng của mình với chủ nghĩa tư bản -- không được động vào một cách tương đối ở những thời điểm thuận lợi, nhưng nhanh chóng can thiệp trực tiếp khi có những tín hiệu đầu tiên của tình trạng suy sụp, cốt để tránh xảy ra náo động trong dân chúng.
Trong những tuần gần đây, các chính quyền địa phương đã bố trí những khoản cho vay đặc biệt đối với các doanh nghiệp ốm yếu và những khoản tiền lương từng phần được đề nghị giành cho những công nhân đã bị mất việc làm. Các quan chức đã vô tư thừa nhận về những nỗ lực cần thiết để đánh lạc hướng những gì mà họ gọi là "những rắc rối với quần chúng" -- một lối nói trại đi của Đảng Cộng sản đối với những hành động phản kháng.
Sự tàn phá kinh tế tồi tệ nhất là trong những trung tâm công nghiệp ở miền nam Trung Quốc, những khu vực phát triển mạnh trong những thập kỷ gần đây bởi các ngành chế tạo điện tử, may mặc, đồ chơi và đồ đạc trong gia đình tràn ngập những siêu thị bán lẻ ở Hoa Kỳ.
Với các đơn đặt hàng xuất khẩu suy giảm bởi tốc độ sản xuất chậm lại trên toàn cầu và giá nguyên liệu thô và lao động tăng lên, hơn 68.000 công ty nhỏ trên khắp đất nước đã sụp đổ trong nửa đầu năm 2008 và khoảng 2,5 triệu việc làm trong khu vực Châu thổ Sông Ngọc Trai có thể bị mất vào cuối năm nay, theo ước đoán của chính phủ và ngành công nghiệp.
Trong lúc tình hình kinh tế đã trở nên xấu hơn, sự bất mãn đã gia tăng: từ giữa tháng Mười, đã có hàng tá các cuộc phản kháng của giới lao động lôi cuốn hàng ngàn công nhân tại các hãng xuất khẩu lớn, bao gồm vài công ty niêm yết giá công khai [trên thị trường chứng khoán].
Trong lúc đó, các số liệu của chính phủ đã được đưa ra trong tháng qua cho thấy rằng tổng thu nhập quốc nội đã đạt tới 9% trong quý ba -- tăng mạnh so với bất cứ tiêu chuẩn nào, song không phải với bản thân Trung Quốc. Tại điểm này, con số đã miêu tả mức tăng trưởng chậm nhất trong năm năm qua, và tiến gần một cách nguy hiểm tới mức 8%. Đó là mức độ của những gì mà các kinh tế gia cho rằng Trung Quốc cần tăng trưởng hợp lý để giữ cho việc phát sinh đủ công ăn việc làm tại các nhà máy nhằm duy trì sự ổn định trong thị trường lao động, khi mà hàng triệu nông dân vẫn tiếp tục đổ tới các thành phố của nước này để kiếm việc làm.
Cùng lúc, một số trong các công ty được kính nể nhất Trung Quốc, nơi có mức tăng trưởng từng có vẻ như vô hạn, lại đã báo cáo về những thua lỗ đáng kinh ngạc trong ít ngày qua. Air China, hãng vận chuyển quốc tế lớn nhất nước này, đã niêm yết mức thiệt hại đầu tiên của mình trong bảy quý do sự suy giảm số hành khách và những dự đoán sai về giá xăng dầu. Bank of China, nhà băng ngoại hối lớn nhất nước này, đã cho biết rằng trong khi những thua lỗ trên thị trường tín dụng gia tăng, thì mức tăng trưởng lợi thuận của họ đã suy giảm tới mức thấp nhất trong hai năm qua.
Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã thực hiện đủ các loại biện pháp nhằm cố gắng ổn định kinh tế -- ba lần hạ lãi suất trong vòng sáu tuần, những cắt giảm mới cho mức thuế xuất khẩu, giảm giá cho những người mua nhà, và chi hàng tỉ đô la cho cơ sở hạ tầng. Song bất cứ hy vọng nào về một nền kinh tế Trung Quốc vững mạnh -- một mình đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng toàn cầu -- sẽ bù đắp cho tình trạng suy trầm ở những nơi khác đã tiêu tan.
Những nỗ lực của chính phủ làm chỗ dựa cho các công ty riêng lẻ là một động thái quyết liệt đối với một đất nước mà những năm gần đây đã cố dọn dẹp đi thứ triết lý "cái bát ăn cơm bằng sắt" của mình, mà trong đó nghề nghiệp và lương bổng đều được đảm bảo suốt đời, và quá độ tới một kiểu chủ nghĩa tư bản khôn-sống-mống-chết hơn.
Tại tỉnh miền biển Chiết Giang, chính quyền địa phương đang thiết lập một quỹ cho vay đặc biệt 9,5 triệu đô la để giúp cho các công ty như tập đoàn Feiyue Group chuyên xuất khẩu các loại máy khâu và vali đang mắc nợ chồng chất. Tại tỉnh Giang Tô, chính quyền đã nới rộng trợ cấp thất nghiệp cho những công nhân nhập cư bị mất việc từ các nhà máy bị đình đốn; những công nhân này từng từ chối các dịch vụ công cộng do họ không có thẻ cư trú.
Chính quyền tỉnh Quảng Đông ở miền nam đang gom góp tiền bạc lập một quỹ đặc biệt để bồi thường cho những công nhân mất việc làm nhằm "bảo hộ đề phòng một số vấn đề về tài chính và xã hội gây ra bởi những hệ quả đó."
Eddie Leung, chủ tịch tập đoàn Dailywin Group, nơi sản xuất các loại đồng hồ Modova và Anne Klein, đã cho biết các quan chức Quảng Đông cũng có vẻ như đang chùn lại trước những nỗ lực biến đổi khu vực này từ một trung tâm chế tạo trở thành một trung tâm công nghệ cao và dịch vụ. Trong những năm gần đây, chính quyền đã tỏ thái độ chấp nhận những nhà máy gây ô nhiễm và các xí nghiệp bóc lột công nhân tàn tệ sa thải nhân công đề giành chỗ cho những người có năng suất lao động cao hơn. Giờ đây chính quyền tỏ ra sẵn sàng giúp những công ty này sống sót.
Chong Yik Toy là một ngoại lệ trong một số những công ty bị phá sản có công nhân được nhận những khoản trợ cấp của chính quyền.
Tại thành phố Vũ Giang miền tây, gần 1.000 công nhân từ công ty Chunyu Textile Co. bị phá sản đã nhận được bốn tháng lương hôm 27 tháng Mười sau khi họ bâu đầy bốn con đường chính trong khu vực để lôi cuốn sự chú ý đến vấn đề của mình. Cuối tháng trước, sau khi hơn 1.000 công nhân làm việc cho nhà sản xuất trang thiết bị trong nhà BEP International Holdings tụ tập bên ngoài nhà máy để phản kháng, các giới chức trong quận đã phát cho mỗi người trong số họ 44 đô la. Những người làm công cũng được phép tiếp tục sống trong khu ký túc xá của cái nhà máy không còn tồn tại này mà không phải trả tiền thuê phòng. Cùng trong tuần, chính quyền đã cấp ba tháng lương bị chậm trả cho 900 công nhân thuộc công ty Gangsheng, một nhà cung cấp hàng điện tử, sau khi họ tổ chức một cuộc phản kháng tại một cửa hàng gần nhà máy của mình.
Tại thành phố láng giềng Đông Quan, chính quyền địa phương hôm 21 tháng Mười đã chuyển giao khoảng 3,5 triệu đô la cho những người lao động thuộc Smart Union -- công ty chuyên bán đồ chơi trẻ em cho Mattel, Disney và Hasbro -- sau khi 7.000 công nhân tiến hành một cuộc bãi công.
Ông Hu Weicai, 38 tuổi, người từng làm việc với các loại khuôn đúc bằng nhựa dùng để sản xuất các loại đồ chơi điện tử, đã cho biết các công nhân ở đây trở nên lo lắng khi giới chủ lờ đi ba tháng nay không chịu trả lương cho người lao động. Công nhân đã chiếm nhà máy và bao vây các con phố cho tới khi các quan chức chính quyền hứa rằng họ sẽ được trả tiền.
"Chính quyền đã tỏ ra rất lo sợ khi họ thấy những gì đang xảy ra. Điều mà chính quyền sợ nhất là những người công nhân gây tình trạng rối loạn. Họ đã phải chi tiền cho chúng tôi để giữ ổn định tâm lý của chúng tôi," ông Hu nhận xét.
Thế nhưng những người làm công đã cho là một lần chi trả như vậy sẽ chỉ lo liệu được việc cứu giúp tạm thời để tránh tình trạng náo loạn một khi công nhân không thể tìm được việc làm mới.
Chồng của chị Jia Yingge, một nhân viên bảo vệ, đã nhận được ít tiền không bằng với mức lương hàng tháng 300 đô la của anh. Với viễn cảnh trước mắt không có việc làm, chị lo lắng hai vợ chồng sẽ nuôi đứa con trai mới sinh ra sao đây.
"Nếu anh nói đến tên công ty này, sẽ không ai muốn thuê anh đâu, bởi vì họ biết về tình trạng bị phong tỏa và giờ đây chúng tôi bị mang tiếng xấu," chị Jia nói.
Khi ông Liu Fangping, 38 tuổi, được trả tiền, chính quyền đã lăn tay điểm chỉ cho ông bằng mực đỏ -- có lẽ để đảm bảo cho đúng người đáng được nhận khoản chi trả này. Thế nhưng ông Liu lưu ý rằng dấu lăn tay cũng có thể được sử dụng để xác định những kẻ phá rối mặc dù được nhận của bố thí nhưng vẫn tiếp tục phản kháng.
"Tôi không nghĩ là chính quyền đang làm cái điều tử tế nhất để bảo vệ quyền lợi công nhân," ông Liu nói, rồi nhận xét thêm rằng các giới chức đã tỏ ra quan tâm tới việc kiểm soát tình trạng náo động hơn là trợ giúp cho cá nhân những người công nhân.
Thực vậy, những tờ cáo thị được niêm yết trên lối vào các nhà máy đã bị đóng cửa không chỉ dẫn cho công nhân bị mất việc những địa điểm họ có thể nhận được sự trợ giúp, mà thay vào đó lại phô ra một lời cảnh báo. Trong những dòng chữ màu đen khổ lớn, người ta nhắc nhở các công nhân rằng họ có thể bị bắt giữ về việc kích động náo loạn, không tuân lệnh các giới chức an ninh hoặc do "tụ tập bất hợp lệ."
Các nhà nghiên cứu Crissie Ding và Liu Liu đã bổ sung cho bài báo này.
Hiệu đính: Blogger Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2008
http://blog.360.yahoo.com/blog-C6To.awlc6eMWmDUvAozkYGe?p=2443
No comments:
Post a Comment