Wednesday, November 19, 2008

THƯ NGỎ GỬI NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG

Thư ngỏ gửi Nxb Đà Nẵng của Vũ Ngọc Tiến
Ngày đăng: 18.11.2008
http://www.vannghesongcuulong.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=9078&LOAIID=21&LOAIREF=1&TGID=798

Hà Nội 17/11/2008
Kính gửi Nxb Đà Nẵng và anh Đà Linh

Thưa các anh chị,
Trước hết, tôi xin thành thật gửi lời chia buồn tới Nxb Đà Nẵng và cá nhân anh TBT Đà Linh về sự cố vừa xảy ra với cuốn Rồng Đá (Hay là mũi uốn ván) của tôi và Lê Mai in chung (6/2008) đã có quyết định thu hồi. Sau nữa, với tư cách 1 tác giả, tôi xin có mấy lời nói thêm cho rõ về tập sách và 3 truyện ngắn của tôi bị xem là có vấn đề.

Thứ nhất, mục đích ra tập sách này các tác giả chỉ nhằm thử nghiệm sự đổi mới tư duy, cách tiếp cận nhiều vấn đề phức tạp của cuộc sống quanh ta. Lúc đầu gồm 3 cây bút gốc gác Hà Nội, những thằng bạn thân với 3 văn phong và bút pháp khác biệt hẳn nhau là Tôi (VNT), Hòa Vang và Lê Mai, song đều có chung tâm nguyện tha thiết tự đổi mới nên rủ nhau thử nghiệm ra chung tập sách, mỗi đứa 4 truyện. Sau vì anh HV đột ngột ra đi, tôi và LM bàn nhau mỗi đứa bù thêm vào 2 truyện cho đủ con số 12 và tạm gác 4 truyện của người bạn văn quá cố, đợi sẽ in riêng vào tuyển tập sau này. Tóm lại, chúng tôi ra sách thuần túy vì mục đích học thuật thử nghiệm trong nghề viết mà thôi. Nó có thể có vài tình tiết gây xốc, nhưng nhìn nhận kỹ thì đó mới là chính cuộc sống mà như nhà mỹ học Nga thế kỷ XIX, Xec-nư-xep-xki từng viết: “Cái đẹp là cuộc sống. Một thực thể đẹp là thực thể cho ta nhìn thấy hoặc nghĩ về cuộc sống như nó vốn có.”

Thứ hai, về 3 truyện ngắn của tôi bị xem là có vấn đề, có thể chia làm hai nhóm đề tài tuy cùng nói về chiến tranh và đều có căn cứ từ cuộc sống muôn màu của nó:

- 2 truyện Âm bản chiến tranh, Vị phồn thực tôi viết vào giữa năm 2005, sau chuyến đi tìm mộ chú em liệt sĩ ở E572, một trung đoàn tăng- pháo kết hợp của QK5, họat động chủ yếu ở chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tôi không phủ nhận sự vĩ đại của cuộc chiến chống Mỹ, càng khâm phục sự dũng cảm, sức chịu đựng phi thường của người lính, trong đó có cả em trai tôi. Song để tìm được mộ chú em hy sinh vào 8/1972, tôi đã gặp hàng trăm đồng đội cũ ở E572, cùng họ lăn lộn khắp vùng đất Quảng và may mắn gặp mặt khá nhiều nhân chứng còn sống là những người dân ở Đức Hiệp, Quế Sơn (Quảng Nam), Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Từ thực tế ấy tôi nhìn ra góc khuất của chiến tranh và đời lính khi sau mỗi trận đánh oai hùng họ quay về hậu cứ rèn cán, chỉnh quân hoặc do bị thương mà chuyển về công tác ở ATK. Nó thật khắc nghiệt và đầy rẫy những mâu thuẫn vốn là muôn thủa của cõi người. Giờ là lúc ta đủ độ lùi thời gian để nhìn nhận và phán xét bởi đôi khi vì cái góc khuất vô hình ấy mà có thể vào thời hậu chiến; người dũng cảm, lập nhiều chiến công chịu thiệt thòi; còn kẻ gian manh, cơ hội lại thăng tiến, làm băng hoại kỷ cương xã hội, kìm hãm sự phát triển đất nước. Mạch truyện và tư tưởng tác giả là thế, còn tình tiết có đôi chỗ khốc liệt thì chuyến đi tìm mộ chú em, tôi được nghe nhiều tình tiết khốc liệt gấp bội phần hơn thế.

- Truyện ngắn Chù Mìn Phủ và tôi đề cập đến cuộc chiến biên giới phía Bắc (1979) thì cũng lùi vào dĩ vãng ¼ thế kỷ rồi. Nó là cuộc chiến phi lý nhất trong thế kỷ XX đối với cả 2 dân tộc mà cả ta và phía bên kia đều phải nghiêm túc nhìn ra nó cần phải tránh và hoàn toàn có thể tránh được. Những thảm cảnh do cuộc chiến ấy gây ra thì nhiều lắm, khốc liệt hơn những gì tôi mô tả bởi trong chuyến đi làm phim tài liệu cho Bộ Y tế về loại trừ bệnh uốn ván vùng cao 11/2005 tôi nghe được từ các nhân chứng ở Hà Giang. Giờ ta không thể bình thản coi đó như một vụ va quyệt xe trên đường mà phải tỉnh táo và sòng phẳng với lịch sử. Tôi đã từng nghiên cứu khá kỹ văn học TQ giai đọan 1979- 1991, từng viết một tiểu luận khá dài về hai dòng văn học Vết thương và dòng văn học Bộc lộ của họ thời kỳ này. Nhiều nhà văn TQ trong hai dòng văn học ấy (Lương Phụng Nghi, Trương Hiền Lượng, Dư Hoa, Lưu Chấn Vân, Khâu Hoa Đông…) khi viết tiểu thuyết đã từng có đọan nhắc tới cuộc chiến biên giới Việt- Trung với tâm trạng dày vò sâu sắc. Họ viết được, sao ta lại cứ tự hù dọa mình để rồi tảng lờ, không dám viết? Tôi tin những người có lương tâm, trách nhiệm bên kia hay bên này biên giới đọc truyện ngắn của tôi sẽ không oán hận nhau mà chỉ càng ghê sợ chiến tranh, thiết tha muốn hai nước sống trong hòa bình hợp tác lâu dài.

Cuối thư, một lần nữa xin chia xẻ cùng anh Đà Linh và các anh chị Nxb Đà Nẵng về sự cố đáng tiếc lẽ ra không đáng có, nhưng nó đã xảy ra và như thế nó mới lại là cuộc sống!...

Chúc các anh chị mạnh khỏe, hạnh phúc!
Vũ Ngọc Tiến



Thêm rắc rối với NXB Đà Nẵng
Quốc Phương
www.bbcvietnamese.com
18 Tháng 11 2008 - Cập nhật 15h09 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/11/081118_danang_publisher.shtml
Tin trong nước cho hay có thể có thêm một cuốn sách nữa của Nhà xuất bản Đà Nẵng gặp rắc rối cùng với việc Ban Giám đốc Nhà xuất bản này có thể bị thay thế.

Tập truyện ngắn trên 200 trang 'Rồng Đá (Hay là mũi uốn ván)', của tác giả Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai do NXB Đà Nẵng ấn hành quý III năm 2008, được cho là sẽ bị thu hồi do 'có vấn đề về nội dung' và đây có thể là nguyên nhân dẫn đến việc NXB Đà Nẵng sắp đóng cửa.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đà Nẵng cho hay: "Cuốn con Rồng Đá là một trong những cuốn sách thể hiện một thời kỳ đổi mới của văn học trong nước... Nếu có chuyện thu hồi cuốn sách thì đây có lẽ là rất bất ngờ."

Nghe tường thuật sự việc

"Dư luận xã hội, một số phương tiện trên mạng bắt đầu có dư luận về cuốn sách. Những cuốn sách như thế này biểu hiện cho xu hướng đổi mới mà hiện nay đất nước đang rất cần. Nếu có vấn đề xem xét, thu hồi, thì chắc sách của các nhà văn chúng ta bị thu hồi phải nhiều lắm," ông Hùng nói thêm.

Còn ông Phan Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP Đà Nẵng nói với BBC Việt ngữ: "Tôi có thể cam kết rằng [NXB] không có vấn đề gì về an ninh văn hoá hay về nội dung họ làm ra."
"Cho đến giờ này có thể khẳng định không có vấn đề gì về chính trị hay an ninh văn hoá. Chỉ có một vấn đề là quản lý kém và người ta tái cấu trúc lại thôi."

'Làm ăn thua lỗ'?
Ông Sơn cho biết thêm: "Bây giờ người ta tái cấu trúc lại bằng cách tổ chức như một doanh nghiệp. Quyết định thành lập doanh nghiệp đã có từ cách đây hai tháng... Việc tái cấu trúc chỉ xuất phát từ lý do làm ăn thua lỗ, không có lý do gì khác."

Tuy nhiên, về cuốn sách 'Rồng đá' bị thu hồi hôm 17.11.08, trong một bức thư, được đăng tải lại trên trang mạng internet, một trong hai tác giả cuốn sách gửi NXB Đà Nẵng, nhà văn Vũ Ngọc Tiến cho thấy cuốn sách đã có 'quyết định thu hồi':
"Trước hết, tôi xin thành thật gửi lời chia buồn tới Nxb Đà Nẵng và cá nhân anh Tổng Biên tập Đà Linh về sự cố vừa xảy ra với cuốn Rồng Đá (Hay là mũi uốn ván) của tôi và Lê Mai in chung (6/2008) đã có quyết định thu hồi..."

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến cho rằng trong cuốn sách có ba chuyện ngắn 'động chạm', trong đó có hai chuyện liên quan tới Chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979 giữa Việt Nam và Trung Quốc và chuyện khác liên quan tới thời gian cuộc chiến tranh giữa Việt Nam với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, dư luận trong nước cho rằng, cả hai chuyện liên quan tới khả năng thu hồi cuốn "Rồng Đất" và việc NXB Đà Nẵng bị cho là làm ăn kém chỉ là những cái cớ cho việc ban lãnh đạo NXB sắp bị thay đổi.

'Cách tân... nên ngại'
Một trong số những người chia sẻ quan điểm này, PGS. TS. Trần Ngọc Vương, từ Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn, nhận định:
"NXB Đà Nẵng mấy năm gần đây in một số cuốn có tính chất hơi cách tân so với ở trong nước cho nên người ta cũng ngại. Có thể người ta muốn đưa một bộ sậu mới 'mềm' hơn, để 'dễ bảo' hơn. Từ hồi thu hồi cuốn Trần Dân Thơ đã có chuyện rồi, thậm chí trước đó nữa."
Nhà phê bình văn học này cho biết thêm: "Trước đó, một số sách tương đối khó in của một số tác giả khác, người ta đưa Đà Nẵng in. Người ta cố gắng không để nó trở thành các sự kiện."
"Nhưng đã có việc tích tụ lại các sự kiện theo kiểu ghi nợ... ghi nhận các chuyện này chuyện kia có vẻ rằng NXB hơi bất trị, hay cứng đầu. Đối với NXB Đà Nẵng, không sớm thì muộn cũng sẽ có chuyện đó."

Hiện dư luận vẫn đang chờ xem diễn biến cụ thể đối với tập truyện Rồng Đá và số phận Ban Giám đốc cùng bản thân Nhà xuất bản Đà Nẵng sẽ ra sao.

Nhưng sau các diễn biến với một số cơ quan báo chí như Thanh niên, Tuổi trẻ, Đại Đoàn Kết, Tiền phong và thậm chí tờ Vietnamnet trước đây, nếu việc thu hồi tập truyện và cách chức Ban Giám đốc NXB Đà Nẵng diễn ra, đây có thể là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang có sự điều chỉnh được cho là siết chặt không hề ngẫu nhiên đối với truyền thông và xuất bản trong nước.


Tổng kiểm tra 55 nhà xuất bản trên cả nước
"Nhiều NXB không biết mặt mũi cuốn sách đã in"
09:19' 19/11/2008 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/vanhoa/2008/11/814288/
Nhiều NXB thậm chí không biết mặt mũi cuốn sách ra sao, thiếu trách nhiệm buông lỏng hoạt động liên kết - Bà Đỗ Kim Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Xuất bản.

Từ 6/11 đến hết năm 2008, Cục Xuất bản – Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành tổng kiểm tra 55 NXB trên cả nước nhằm rà soát lại hoạt động XB thời gian qua để chấn chỉnh lại hoạt động trong thời gian tới. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Kim Thịnh – Phó Cục trưởng Cục XB về đợt tổng kiểm tra này.

Cục chỉ hậu kiểm nếu phát hiện sai phạm

Bà có thể cho biết nội dung cụ thể của hoạt động kiểm tra 55 NXB trên cả nước của Cục XB lần này ?
Đây là một đợt tổng kiểm tra có quy mô rộng lớn nhất và toàn diện nhất từ trước tới nay trong hoạt động quản lý xuất bản.
Thời gian tiến hành kiểm tra 55 NXB trên cả nước từ 6/11 cho tới hết năm. Lý do và mục đích của cuộc tổng rà soát lần này là thực hiện kết luận của hội nghị sơ kết 3 năm về việc thực hiện chỉ thị 42 về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù trình chính phủ xem xét, quyết định, đồng thời chấn chỉnh những sai phạm nếu có.
Hoạt động xuất bản thời gian qua có một bước ngoặt rất lớn là bước từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường nên tất yếu có những thay đổi cho phù hợp nhưng cũng phát sinh nhiều khó khăn vướng mắc cho các NXB trong đó có việc làm thế nào để vừa thực hiện được nhiệm vụ chính trị vừa đảm bảo được hiệu quả kinh tế.
Trong cuộc chuyển đổi này, nhiều NXB thực hiện tương đối tốt nhưng cũng có một số NXB lúng túng nên đã có những biểu hiện lệch lạc ví dụ như chúng ta thấy xuất hiện hiện tượng vi phạm bản quyền, liên kết giữa NXB và bên ngoài không tuân thủ những quy định của pháp luật. Những vi phạm đó là biểu hiện của việc chạy theo lợi nhuận thuần tuý, không đảm bảo cân đối được giữa hai nhiệm vụ. Việc này có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan và chúng ta cần phải xem xét toàn diện.
Chuyến đi lần này của đoàn vừa kiểm tra nhưng đồng thời cũng khảo sát xem các NXB còn gặp phải khó khăn vướng mắc gì. Nhìn chung, cho đến giờ này có rất nhiều kiến nghị từ các NXB, tập trung chủ yếu ở 4 điểm là: Cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động; biên chế tổ chức; cơ chế chính sách và chế tài xử phạt..
Những kiến nghị này cũng biểu hiện sự lúng túng của các nhà xuất bản trong thời gian qua. Lấy ví dụ như hoạt động XB được tổ chức dưới dạng đơn vị sự nghiệp có thu thì cơ quan chủ quản ít nhất phải tạo kinh phí hoạt động ban đầu nhưng nhiều NXB phải tự trang trải hoàn toàn, vừa phải tuân theo tôn chỉ mục đích, định hướng của Nhà nước nên gặp khó khăn, một số NXB chạy theo thị hiếu của thị trường dẫn đến sai phạm. Sự thiếu đồng bộ về cơ chế gây ra rất nhiều sự lộn xộn trong hoạt động xuất bản thời gian qua.

Trong những NXB đã kiểm tra, Cục đã phát hiện ra sai sót nào chưa, thưa bà?
Theo quy trình XB thì trước khi phát hành, các NXB phải nộp lưu chiểu và Cục chỉ hậu kiểm nếu phát hiện sai phạm thì sẽ có hình thức xử lý phù hợp. Đợt này chúng tôi tập trung vào việc đánh giá toàn diện năng lực hoạt động, mô hình tổ chức của các NXB như nhân sự, vốn, trụ sở và cả quy trình xuất bản.

Những NXB Cục đã kiểm tra được đánh giá là tương đối “lành” bởi họ ít liên kết với bên ngoài nên ít có ít sai phạm ?
Những sai phạm chủ yếu nằm trong hoạt động liên kết thì chúng ta đã có quy chế về liên kết rồi nếu phát hiện sai phạm cứ theo đó mà giải quyết. Điều 14 của luật xuất bản đã quy định rõ quyền và trách nhiệm của NXB, giám đốc NXB phải chịu trách nhiệm về ấn phẩm của NXB trước pháp luật.

Vậy Cục đã có biện pháp gì để ngăn chặn những sai phạm, không để xảy ra rồi mới xử lý?
Mình quản lý nhà nước là quản lý bằng các văn bản pháp luật và việc đó đòi hỏi tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực này chứ chạy theo các vụ việc cụ thể thì không giải quyết được vấn đề gì?
Luật xuất bản nước ta quy định “Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản”(Điều 5), vì vậy trước hết phải nâng cao trách nhiệm của các NXB, sự kiểm tra, hướng dẫn của cơ quan chủ quản NXB, vai trò hậu kiểm và xử lý vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước.

Không thể giải quyết sách in nối bản trong thời gian ngắn

Thời gian qua, hiện tượng sách lậu từ các nguồn như sách giả, sách in nối bản cũng gây ra rất nhiều nhức nhối, lộn xộn trong hoạt động XB. Cục xử lý hiện tượng này như thế nào?
Hiện tượng đó là có chứ không phải là không. Hiện nay, Cục đang phối hợp với công an và thanh tra xây dựng một thông tư về phối hợp giữa các cơ quan nhà nước để chống in lậu. Cục XB phải phối hợp với công an và thanh tra. Khi đã phát hiện ra rồi thì chế tài xử phạt phải tương thích đối với những sai phạm. Việc phát hiện in nối bản rất khó nên đòi hỏi chấm dứt ngay lập tức trong một thơi gian ngắn là không khả thi, mà phải kiên trì trong một thời gian với sự vào cuộc của nhiều lực lượng.
Chế tài xử phạt cũng hết sức rõ ràng trong nghị định 56: Phạt tiền từ 5tr – 15tr đồng nếu in quá từ 50 đến 500 bản. Nhưng xử như thế này vẫn nhẹ và không đủ sức răn đe. Nhưng sửa đổi Nghị định này phải do cấp có thẩm quyền quyết định, sau khi sửa Luật xử phạt vi phạm hành chính.

Việc quản lý những nhà sách quốc doanh trong hệ thống phát hành của Cục thì tương đối dễ dàng, nhưng việc quản lý các nhà sách tư nhân thì sao, thưa bà?
Luật pháp hiện hành không có phân biệt nhiều giữa nhà sách quốc doanh với tư nhân. Trên thực tế, phát hành sách quốc doanh đã cổ phẩn hóa hẩu hết. Các đơn vị này chỉ cẩn đăng ký kinh doanh với các Sở Kế hoạch và đầu tư là có thể hoạt động. Vì vậy, trên thực tế vai trò quản lý theo địa bàn mới là yếu tố quyết định.

Thời gian qua, một số NXB địa phương đã có những vi phạm tương đối nghiêm trọng và chuyện này rất dễ xảy ra nữa nếu như không có sự phát giác của báo chí và các cơ quan truyền thông. Cục sẽ quản lý như thế nào đối với các NXB này?
Nhà xuất bản địa phương có cơ quan chủ quản là chính địa phương. Luật xuất bản tại điều 13 quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan chủ quản rất rõ ràng. Điều 14 quy định về quyền và trách nhiệm của NXB cũng rất rõ. Cần nhắc lại rằng quản lý cũng phải theo luật pháp

Như vậy chúng ta vẫn phải chờ đến khi có vi phạm thì mới xử lý chứ không ngăn chặn trước được?
Khi xảy ra sai phạm, Cục sẽ yêu cầu cơ quan chủ quản và bản thân NXB phải tự xử lý trước. Nếu vi phạm quá nặng thì Cục xuất bản và Thanh tra của Bộ sẽ vào cuộc.

Không thể phủ nhận được những đóng góp của các đơn vị liên kết xuất bản nhưng hoạt động này cũng gây ra một số lộn xộn thời gian qua. Cục sẽ quản lý hoạt động này như thế nào để tránh xảy ra những sai phạm ?
Trong cơ chế thị trường hiện nay việc liên kết xuất bản là tất yếu nhưng vấn đề là quản lý làm sao thật tốt tác phẩm liên kết. NXB phải có trách nhiệm đến cùng chứ không thể thiếu trách nhiệm như thời gian vừa rồi. Rõ ràng khi nộp bản thảo thì không có một truyện ngắn A nhưng khi lên bản can thì họ đưa thêm vào. Nếu như NXB có trách nhiệm đến cùng thì sẽ không có chuyện đó xảy ra. Đó là bài học cho các NXB phải có trách nhiệm với xuất bản phẩm của mình. Nhiều NXB thậm chí không biết mặt mũi cuốn sách ra sao, thiếu trách nhiệm buông lỏng hoạt động liên kết. Cần phải sớm chấm dứt chuyện thiếu trách nhiệm này.

Xin cảm ơn bà!

Tuấn Hải (thực hiện)

No comments: