Saturday, November 15, 2008

TỪ NÔNG DÂN DO THÁI ĐẾN NÔNG DÂN VIỆT NAM (Phần 3)

Từ nông dân Do Thái đến nông dân Việt Nam (Phần 3)
Việt Dương
http://www.doi-thoai.com/baimoi1108_193.html

Ôi! Đất nước sa cơ.
Phùng Cung

(Tiếp theo và hết)

III. Nghĩ gì

Qua những phần trình bày trên đây về nông dân Do Thái và nông dân Việt Nam, chúng tôi có một số nhận định như sau:

1. Về cộng đồng nông thôn

Từ quan niệm quốc gia giống như cây cối, phải có sự bắt rễ và đất, người Do Thái trở về Palestine đã lấy nông nghiệp làm nền cho việc phục quốc, và họ đã xây dựng cộng đồng nông thôn, gồm những làng kibbutz và moshav, trên 3 cột trụ là dân tộc, dân chủ và xã hội.

Trên trụ dân tộc, người Do Thái đã thiết lập làng để phục hưng văn hóa truyền
thống Do Thái, vốn đã bị vùi dập sau hơn 2000 năm con dân Do Thái phải lưu lạc trên khắp thế giới.

Trên trụ dân chủ, người Do Thái đã thiết lập cơ chế dân chủ trực tiếp trong việc điều hành trong kibbutz và moshav: Đồng quyền, đồng lợi và đồng nghĩa vụ. Họ coi dân chủ là hiện thân của giá trị làm người. Vì họ đã là nạn nhân của những chế độ kỳ thị chủng tộc, của những chế độ chuyên chế ở Nga và Đông Âu.
Trên tiến tình phát triển chính trị, sau khi quốc gia Israel được thiết lập, nông dân Do Thái đã đóng vai trò then chốt trong việc thiết lập cơ chế dân chủ ở thượng tầng: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Còn ở nông thôn, các kibbutzim đã tập hợp thành những Liên Đoàn (federations) trong đó 2 liên đoàn lớn nhất là United Movement và Kibbutz Artzi movement (khoảng 90% kibbutzim), số còn lại nhập và các kibbutzim nghiêng về tôn giáo như Kibbutz Dati.
Cũng trên tiến trình đó, các moshavim đã kết hợp với nhau thành những khối tham gia vào những đảng chính trị khác nhau, trong đó đa số nhập vào đảng Lao Động (Labor Party), số còn lại nhập vào những đảng tôn giáo.

Trên trụ xã hội, chịu ảnh hưởng từ phong trào xã hội chủ nghĩa ở Nga và Đông Âu, người Do Thái đã thực hiện một chế độ bình đẳng giữa các thành viên trong kibbutz và moshav. Trên nền tảng dân chủ tự nguyện và tự trị, công đồng nông thôn Israel đã phát triển vững mạnh về kinh tế, chính trị và văn hóa. Và điều cần nói là từ nền dân chủ, nông dân Do Thái đã có thể chuyển đổi thích ứng với đà tiến của nền kinh tế kỹ thuật cao trên hướng đa diện hóa các ngành sản xuất để thu dụng nguồn nhân lực mà ngành nông nghiệp cần phải giảm.

Còn Việt Nam thì cộng đồng nông thôn đã tồn tại hàng ngàn đời với chế độ kinh tế hữu sản. Nhưng dưới chế độ Cộng Sản, cơ cấu ấy đã bị phá hủy và đảng Cộng Sản đã tổ chức nông thôn theo một hệ thống mới là đảng ủy và hợp tác xã.

Với đảng ủy, đảng Cộng Sản đã áp đặt nền cai trị chuyên chính tới tận thôn ấp. Còn với hợp tác xã, nông dân thành vô sản làm công cho đảng và nhà nước Cộng Sản theo tương quan chủ - nô, phải gọi như thế vì dân trong hợp tác xã phải sản xuất và được phân phối theo lệnh đảng ủy.
Chế độ chuyên chính vô sản có thể phá vỡ cơ cấu truyền thống dễ dàng, nhưng tới xây dựng cơ cấu mới đã thất bại. Vì hợp tác xã do đảng quyền ép buộc với con người vô quyền đã trở thành cơ cấu nhà tù mà kết quả là chế độ đảng ủy – nông nô đã dìm nông thôn Việt Nam vào bần cùng lạc hậu trong mấy chục năm qua.

Ở đây cần nói thêm một điểm là chế độ tập thể của kibbutz và hợp tác của moshav khác với chế độ đảng ủy và hợp tác xã ở Việt nam. Vì trong hoàn cảnh đặc biệt của Do Thái, người Do Thái phải tạo dựng làng tập thể và làng hợp tác, nhưng họ đã hoàn toàn tự ý và tự nguyện để cùng nhau lập làng và họ có quyền tự do đổi từ kibbutz này qua kibbutz khác, hoặc bỏ kibbutz để ra ngoài làm ăn sinh sống theo ý họ muốn. Thêm một điểm nữa là người Do Thái muốn nhập vào một kibbutz không dễ dàng, vì họ phải qua một giai đoạn thử thách xem có thích hợp với đời sống tập thể hay không. Chẳng hạn thủ tướng Ben Gurion, khi về hưu năm 1953, muốn vào kibbutz Sde-boker ở sa mạc Negev đã phải xin nhóm thanh niên đang lập làng cho ông gia nhập và trong 2 năm ở Sde-Boker ông đã được phân công nhiệm vụ chăn cừu.

2. Về văn hóa

Theo những nhà nghiên cứu lịch sử Do Thái thì đợt Aliya II, người do Thái từ Nga đã đem chủ nghĩa xã hội về Palestine, vì trong đó có nhiều người chịu ảnh hưởng chủ nghĩa xã hội và có cả những chiến sĩ xã hội chủ nghĩa đã tham dự vào cách mạng 1905 ở Nga. Vì thế, khi về Palestine họ đã vận dụng chủ nghĩa xã hội ở mặt tổ chức và cổ võ sự bình đẳng xã hội trong việc tổ chức công nhân và nông dân thành lực lượng thống nhất để đấu tranh cho việc tái lập quốc gia Do Thái. Và tiến trình này đã diễn ra với những nhà xã hội chủ nghĩa như Ben - Zvi, Moshe Sharett, Levy Eshkol, Golda Meir và Ben Gurion và những tổ chức chính trị mà họ đã lãnh đạo như Poalei Zion (Zionist Workers), Yishuv (Jewish Community of Palestine), một tổ chức gần như là chính quyền của Do Thái ở Palestine trước khi thành lập Israel, Histadrut (Labor Federation), và đảng Mapai (Labor Party), nhưng ở đây không thấy những tổ chức này cổ võ đấu tranh giai cấp, cổ võ văn hóa vô sản Marxit – Leninit trong khi ở Palestine đã có những tầng lớp Do Thái kinh doanh giàu có ở thành phố và nhiều điền chủ ở nông thôn. Còn chuyện xây dựng cộng đồng nông thôn với sự hình thành kibbutz và moshav cũng không do sự áp đặt của những tổ chức trên mà do những người di dân tìm cách thích ứng hoàn cảnh, và sẵn có ý thức bình đẳng xã hội chủ nghĩa nên họ đã dễ chấp nhận hai hình thức tổ chức làng này để có thể sống còn, phát triển và thực hiện ước nguyện phục quốc.

Từ đó, chúng ta thấy là những nhà xã hội chủ nghĩa từ Nga về đã là những người vạch đường lối đấu tranh và sau đó xây dựng Israel, nhưng họ đã không cổ võ văn hóa vô sản Marxit Leninit mà phục hưng văn hóa dân tộc Do Thái như chúng tôi đã đề cập ở phần trên. Để nhìn cụ thể hơn về chuyện này, chúng tôi xin dẫn Ben Gurion, vì ông là người tiền phong đi lập làng kibbutz, là người lãnh đạo Histadrut và Yishuv, là người đọc tuyên ngôn thành lập quốc gia Israel và giữ chức thủ tướng trong 13 năm, nhưng lại là người xây nền chính trị dân chủ, là người phục hưng và tin tưởng vào văn hóa dân tộc Do Thái như ông đã nói về sứ mệnh của người Do Thái lập quốc:
“Aliya không có nghĩa là chỉ đem người Do Thái tới bờ biển Israel, mà còn có nghĩa là giúp họ bắt rễ vào đất quê hương và nền kinh tế độc lập trong ngôn ngữ Do Thái, trong di sản tâm linh và những giá trị của quốc gia; đem đến cho họ niềm hãnh diện và niềm tin dân tộc cùng ý chí, khả năng xây dựng, bảo vệ đất nước, và khuôn đúc một xã hội mới, đặt căn bản trên tự do, công lý và sự hợp tác”.
Và ông đã tin tưởng vào sự trường cửu của nền văn hóa đó:
“Chúng ta đã lưu truyền di sản tâm linh của quá khứ và nâng nó lên với những thành tựu tâm linh của thế hệ này và những thế hệ tương lai. Một lần nữa, ánh sáng sẽ tỏa sáng từ Zion tới những người Do Thái ở khắp nơi và tới những dân tộc trên thế giới. Chúng ta sẽ hòa nhập những kho tàng truyền thống của chúng ta với những tác phẩm tinh thần của cả loài người”.
(David Ben Gurion, sđd, trg. 60-94)

Từ chuyện người Do Thái gìn giữ nguồn văn hóa tâm linh của họ, nhìn lại Việt Nam trên nửa thế kỷ qua, chúng ta thấy một sự kiện khác với Do Thái là đảng Cộng Sản Việt Nam trên đường thực hiện cách mạng vô sản Mac xit - Leninit đã hủy diệt văn hóa dân tộc truyền thống, vì coi nền văn hóa đó là tàn tích phong kiến phản động, cổ hủ và lỗi thời. Sự tàn phá này đã kéo dài trên 40 năm, ở miền Bắc 20 năm (1954-75) và trên cả nước cho tới những năm cuối thập niên 1990, khi tổ quốc xã hội chủ nghĩa Liên Sô sụp đổ thì đảng Cộng Sản Việt Nam đành phải quay lại với văn hóa dân tộc. Vì thế, Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản khóa VIII đã họp hội nghị lần thứ 5 để bàn chuyện văn hóa và ra nghị quyết “Về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Sau 40 năm tàn phá, nay quay về tính chuyện làm lại thứ văn hóa phong kiến phản động, nhưng kết quả của 40 năm tàn phá đó ra sao thì mấy nhà văn hóa của đảng Cộng Sản đã có một số tổng kết. Xin kể:

- Nhà nghiên cứu Phan Ngọc cho biết:
“Nhiệm vụ của cách mạng là phải đổi mới. Cho nên Đảng phải lãnh đạo công việc này. Theo tôi, trong công việc này chúng ta thiếu một lý luận thích hợp để vượt gộp, nên trong cách làm có điều vội vã. Trong thái độ đối với nhà thờ, mồ mả, chữ hiếu, thờ cúng tổ tiên, trách nhiệm con cái với cha mẹ, học sinh với thầy cô giáo, có những xáo trộn không cần thiết gây nên thiệt hại cho cả gia đình lẫn cách mạng. Những điều vội vã ấy đang được sửa chữa, nhưng sự sửa chữa không phải dễ dàng”.
(Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1998, trg 73”

- Nhà nghiên cứu Bùi Thiết nhận định:
“Chúng ta đã từng nghe nói về việc xóa bỏ văn hóa cũ xây dựng nền văn hóa mới, từng chứng kiến hàng loạt những hành vi đập phá văn hóa cũ và đưa vào những thứ được gọi là văn hóa mới… song thực tế khá phũ phàng: Những giá trị văn hóa truyền thống bị loại bỏ mà vẫn chưa thấy đâu những cái gọi là văn hóa mới, hay đại bộ phận dân chúng trong khi bị cắt đứt với hàng loạt giá trị cũ truyền thống vẫn chưa được hưởng thụ cái gì là văn hóa mới. Chẳng hạn trong mấy chục năm qua, hàng loạt các đình làng, hội làng, những nếp sinh hoạt của làng xóm truyền thống bị loại bỏ, bị phê phán gay gắt mà dân làng chưa có cái gì mới thay thế vào đó, làm sao có thể làm cho người dân yên lòng, khi họ dường như trống vắng tất cả đến ghê sợ!
(Bùi Thiết, Cảm nhận về văn hóa, Viện văn hóa, Hà Nội 2000, trg. 50)

- Nhà văn Hoàng Quốc Hải cho thấy rõ hơn:
“Trở về vấn đề văn hóa tâm linh, là bởi trong văn hóa dân tộc của chúng ta, nhất là các sinh hoạt lễ hội có ít nhiều gắn bó với tâm linh. Mà tâm linh đôi khi lại là cặp bài trùng với tôn giáo. Phải nói chính quyền đã có khá nhiều biện pháp cứng rắn trong lĩnh vực này như cấm các hội lễ, phá chùa, đập tượng, dỡ bỏ hoặc ngăn cấm các đền thờ Mẫu, đưa đi cải tạo, bắt giam các người làm nghề bói toán, đồng cốt nhảm nhí… Đảng viên, đoàn viên phải từ bỏ các tôn giáo mình theo. Trong các gia đình phần lớn không còn bàn thờ tổ tiên. Các chùa chiền ở nông thôn nếu còn sót lại thì hoang phế, quạnh hiu, các điện thờ Mẫu ở các gia đình không được phép tồn tại. Các chùa chiền, đền miếu còn sót lại ở đô thị cũng vắng tanh vắng ngắt. Một số người già lui tới các nơi thờ phụng này, gần như là một sự lén lút. Tưởng như chúng ta đã triệt bỏ được tận gốc của vấn đề”.
“Thế hệ chúng tôi đã bắt đầu tỉnh ngộ, và thấy xót đau về những tổn thất nặng nề của nền văn hóa truyền thống. Thật là đại hạnh cho dân tộc, bởi còn có sự tỉnh ngộ…
Xin thưa…, việc phục hưng nền văn hóa dân tộc là một việc vô cùng phức tạp, và sẽ diễn ra rất chậm chạp, trải qua nhiều thế hệ, may ra mới vớt vát được phần nào, nó hoàn toàn không thể hấp tấp, vội vàng với tốc độ chóng mặt như khi phá được”.
(Hoàng Quốc Hải, Văn hóa phong tục, Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001, trg. 435, 467)

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi cho thấy tâm trạng bi quan:
“Hầu như mọi di tích đền, miếu, chùa chiền đều bị đập phá tan nát rồi lại sửa chữa vá víu hoặc làm lại, ít có cái nào còn ra dáng một di tích cổ (Đập phá kể từ những năm 1948, trong thâm ý chắc cũng nhằm mục tiêu hạn chế truyền thống đa nguyên văn hóa, may sao tiềm thức dân tộc đã âm thầm cưỡng chống, và rốt cục cưỡng chống thắng lợi). Mới trước Tết âm lịch 2007 đây thôi, tôi về thăm di tích đền Gióng, quá sửng sốt khi có 3 bức cuốn thư rất đẹp, khắc 1 bài thơ của cụ Hồ, 1 bài thơ của Tố Hữu, 1 bài thơ của Ngô Chi Lan, đều bằng tiếng Việt, treo ngay tiền sảnh ngôi đền lớn khi ta vừa bước chân vào. Hỏi người dân địa phương thì ra đấy nguyên là loại cuốn thư cổ khắc chữ Hán, bị bào đi để “tân trang” quốc ngữ. Và chẳng nói chi xa, cả một di tích Hoàng Thành vô giá kia, người ta có muốn bảo tồn thực hay không?”.
(Talawas/6/11/2007)

Tất nhiên chỉ sau Đại Hội VII và VIII, rồi hội nghị 5 với những nghị quyết về việc phục hưng nền văn hóa dân tộc, những nhà văn hóa của đảng Cộng Sản mới có thể viết những tập sách bàn về bản sắc dân tộc và thú nhận những điều trên đây. Ông Phan Ngọc nói ít rồi lại cố bào chữa, còn các ông Bùi Thiết, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Huệ Chi thực tâm nói lên nỗi lòng của những người trí thức trước nạn tàn phá văn hóa truyền thống của cách mạng vô sản. Riêng ông Bùi Thiết không những nói thật mà còn than là đảng Cộng Sản đã tàn phá hết văn hóa truyền thống, nhưng dân làng chưa có cái gì mới thay thế vào đó! Chúng tôi không hiểu tại sao ông Bùi Thiết là cán bộ văn hóa cấp cao mà lại than như thế, còn chúng tôi thì hiểu là đảng đã có một hệ thống văn hóa Marxit-Leninit thay thế văn hóa cũ với những điều mà dân Việt ai cũng phải học, phải làm sau đây:
Thứ nhất, đảng lấy giai cấp đấu tranh để thay ý thức sống thuận hòa giữa đồng bào.
Thứ nhì, đảng dùng độc trị với quyền uy tuyệt đối để thay thế vị trí của vua quan.
Thứ ba, đảng lấy mấy ông thánh Marx, Lenin, Mao, Hồ thay thế các vị Phật, thánh, thần, tiên tổ.
Thứ tư, đảng lấy Marx giáo thay thế đạo thờ tổ tiên, Nho giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo…
Thứ năm, đảng dùng những ngày lễ của đảng thay thế lễ hội của đình chùa, đền miếu.
Thứ sáu, đảng dạy ý thức vô sản và bắt sống vô sản để xây dựng xã hội chủ nghĩa, rồi tiến lên xã hội cộng sản.
………………………………..

Chắc hẳn đội ngũ trí thức văn hóa của đảng đã làm những việc này bằng đủ thứ chương trình với giáo dục, truyền thông, sách vở độc quyền, nhưng kết quả đã ở ngoài lông da con người, vì Marx giáo trái với bản chất sống của con người, vì thế, khi tổ quốc Cộng Sản Liên Sô sụp đổ, đảng Cộng Sản Việt Nam đành phải trở về với những thứ mà đảng đã tàn phá như kinh tế tới cùng đường vô sản thì trở lại tư sản để làm ăn với tư bản, còn văn hóa tới cùng đường Marxit Leninit thì trở về với mùi vị “đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”

Từ chuyện văn hóa này, chúng tôi có thêm một nhận xét là những người đấu tranh dựng nước Do Thái cũng xã hội chủ nghĩa, cũng đủ thứ Marxit cánh tả, cánh hữu, nhưng đã không liệng bỏ văn hóa truyền thống mà giữ gìn, tôn vinh nó là linh hồn Do Thái. Và trên nền văn hóa đó, họ đã kiến tạo được một quốc gia Israel tôn trọng giá trị con người, giàu kinh tế và mạnh quốc phòng. Còn ở Việt Nam thì ngược lại là đảng Cộng Sản đã đã đem chủ nghĩa Marx Lenin về phá hủy văn hóa dân tộc để làm cách mạng vô sản và tạo nên một chế độ toàn trị bạo ngược với nước nghèo dân nhục.

3. Về con người

Với Do Thái thì trên 2000 luân lạc, dân Do Thái đã bị các dân tộc khác kỳ thị, ngược đãi và tàn sát ra sao, phần trên đã trình bày. Vì thế, khi tìm đường về Palestine, người Do Thái có một khát vọng là tái lập quốc gia để được sống tự do với giá trị làm người. Và họ đã sống và dạy con cái sống với giá trị này ngay từ những buổi đầu trong những kibbutz với ý thức là một nông dân tự do và không bao giờ còn là một người Do Thái sống trong ghetto. Rồi sau khi quốc gia Israel được thiết lập thì giá trị người dân được tôn vinh với những quyền dân chủ chính trị, dân chủ kinh tế và dân chủ văn hóa trong một chế độ dân chủ đa đảng, gồm đủ các khuynh hướng: Tôn giáo, dân chủ xã hội và cả cộng sản mà trong đó có sự hiện diện của nông dân trong các kibbutz và moshav

Nhìn lại Việt Nam thì trên nửa thế kỷ nay, người nông dân đã hy sinh nhiều trong đấu tranh, nhưng cuối cùng đã phải chịu nhiều thảm kịch dưới chế độ Cộng Sản, chế độ mà chính những tầng lớp nông dân đã góp phần lớn tạo dựng. Những thảm kịch này phần trên đã đề cập. Ở đây xin đúc kết lại như sau:

Thứ nhất, nông dân đã trở thành con vật và con thú trong cải cách ruộng đất, vì đảng đã kích động hận thù để nông dân giết nhau. Những cách giết tàn bạo để người giết thành những con thú, còn người bị giết thành những con vật. Người Do Thái bị những dân tộc khác thù và giết, còn người Việt đã tự tạo nên hận thù để giết nhau.

Thứ nhì, nông dân đã thành nông nô dưới chế độ hợp tác hóa nông nghiệp, và giá trị làm người ở nông thôn đã được biểu hiện ở chỗ những người già già cúi đầu, chắp tay xá anh Đội, còn nông nô phải tôn xưng những ông chủ Cộng Sản là những bậc ban ơn với câu tung hô: Ơn Bác, ơn Đảng, ơn Nhà Nước như câu nhật tụng hàng ngày.

Thứ ba, từ thời cởi trói (1988) đến nay, nông dân trở thành tá điền thuê đất của đảng và chịu sưu cao thuế nặng, nhưng vô quyền, nên làm mà không dám nghĩ đến ngày mai, đến nỗi nhà văn Nguyên Ngọc đã phải nói: “Họ từng làm chủ lực quân vô cùng kiên cường bỗng trở nên lúc nào cũng nơm nớp lo sợ: Sợ mất đất, cái mảnh đất vốn đã không phải là của họ, họ cứ như được cho sống nhờ, bất cứ lúc nào cũng có thể bị thu hồi, bị chuyển đổi, bị đoạt mất. Cái thứ đất quen thân, thống thiết, máu thịt với họ thế, mà bỗng trở nên rất đỗi kỳ lạ, ở trong tay họ, khi họ bị tước đi thì giá chỉ có mấy đồng, nhưng chỉ cần chuyển sang tay doanh nghiệp nào đó, một ông nước ngoài xa lạ, sang trọng nào đó thì bỗng có giá hàng nhiều tỷ! (Bài đã dẫn).

Thứ tư, từ việc đảng thu hồi đất, cán bộ cướp đất, nhiều nông dân đã trở thành dân oan tới cửa quan cầu xin công lý. Nhưng quan không xét và khi nào dân oan tới nhiều quá làm phiền lãnh đạo thì quan ra lệnh cho công an nhân dân hốt quẳng lên xe chở đi, rồi liệng xuống ở một nơi nào đó như những con vật. Và cứ như thế quyền lực độc trị, và bạo lợi đã tạo thành chồng chất oan khiên. Tìm đâu ra thứ màu “đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc ở đây?

Cũng đất, cũng lao động mà sao nông dân Do Thái có thể sống an vui với giá trị làm người, còn nông dân Việt Nam lại đau khổ, nghèo đói và tủi nhục tới dường ấy?

IV. Làm gì

Thời hợp tác hóa với hợp tác xã, nông dân chỉ có thể nói lời nhớ ơn đảng, nhưng thời cởi trói với với chế độ kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nông dân đã có thể tố cáo sự bất nhân của đảng, và hiển lộ những thảm kịch mà họ đã phải chịu. Đến nay thảm kịch nông dân bùng vỡ, không thể đàn áp mà cũng không thể che dấu, nên đảng Cộng Sản Việt Nam đã làm hai việc là cho phép báo chí, và một số trí thức thảo luận về tam nông, góp ý với đảng và họp Hội Nghị Trung Ương 7 để thảo luận về tam nông.
Sau đây chúng tôi xin tóm tắt tiếng nói của trí thức về tam nông và nghị quyết để giải quyết thảm kịch tam nông của đảng Cộng Sản.

1. Trí thức lên tiếng

Trước hội nghị trung ương 7, Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Tiển Nông Nghiệp Nông Thôn, tạp chí Tia Sáng (Bộ Khoa Học và Công Nghệ), và báo Nông Thôn Ngày Nay đã phối hợp hội thảo chủ đề Người Dân Nông Thôn Trong Quá Trình Công Nghiệp Hóa tại Hà Nội (17/6/08) với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, khoa học và văn hóa, nhằm góp phần hoàn thiện báo cáo về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn. Trong cuộc hội thảo ba vấn đề sau đây đã được các đại biểu quan tâm:

Về đời sống kinh tế văn hóa:

- Nhà văn hóa Nguyễn Quân cho biết là trong điều tra xã hội học ở thành phố HCM thì chỉ tiêu của người dân dùng cho vui chơi giải trí chiếm 30% thu nhập, Hà Nội và Huế 20%, còn ở nông thôn gần như bằng 0. Nguồn giải trí chủ yếu ở nông thôn là các phim “cúng cụ”, thành phố không mấy người xem thì đưa về nông thôn. Nông thôn từ nơi tiêu dùng văn hóa một cách chủ động thì giờ trở thành nơi chứa các văn hóa cặn bã, phế thải từ thành phố về.

- Phó giáo sư Trần Ngọc Vượng (Đại Học Quốc Gia Hà Nội) nhận định là hai yếu tố cấu thành văn hóa làng là văn hóa Nho giáo và văn hóa tín ngưỡng, nhưng đến nay thì cả hai yếu tố văn hóa này đã bị tận diệt một cách không thương tiếc. Ông cảnh báo về sự sụp đổ của văn hóa làng và đặt câu hỏi: chẳng lẽ chúng ta đành khoanh tay ngắm nhìn sự một đi không trở lại của làng, của văn hóa làng sao?

Về giáo dục:

Từ một nhận định tổng quát là giáo dục ở nông thôn từ nhiều năm nay luôn là vùng trũng giáo dục của cả nước, bài tổng kết cuộc hội thảo ghi lại một số ý kiến:

- Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang, khái quát về chất lượng giáo dục ở vùng quê ông: tiến sĩ bằng đại học, đại học bằng cấp ba, cấp ba bằng cấp hai, cấp hai bằng cấp một, cấp một bằng mù chữ.

- Ông Nguyễn Minh Thuyết, phó Chủ Nhiệm Ủy Ban GDTTN&NĐ Quốc Hội cho rằng nguyên nhân của thực trạng giáo dục không chỉ là do đời sống nhiều vùng còn quá khó khăn, đói nghèo mà còn là do một nguyên nhân khác là chưa có chính sách luân chuyển những giáo viên ở thành phố về nông thôn và ngược lại, phần lớn những giáo viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm thì đưa về nông thôn giảng dạy, không ít giáo viên yếu cả về phẩm chất và năng lực. Ông cho biết thêm một điều là hầu như không có một tổ chức nào(?) quan tâm đến việc dạy nghề ở nông thôn. Theo khảo sát của cả nước, đến năm 2006 vẫn còn 30.6 triệu lao động nông thôn, trong đó hơn 91% chưa qua đào tạo, chỉ 3% được đào tạo ở mức sơ cấp và trung cấp kỹ thuật.

Về môi trường:

- Giáo sư Phạm Duy Hiển đưa ra một số nhận định: Bụi ở nông thôn và thành phố tương đương nhau. Bụi ở thành phố là bụi mịn, bụi công nghiệp có thành phần độc hại hơn rất nhiều so với bụi thành phố, nên đừng có nghĩ là về nông thôn sẽ được hưởng không khí trong lành. Hiện nay sông Nhuệ và sông Đáy trong xanh đã là con sông chết. 500 xí nghiệp và nhiều làng nghề hoạt động trong vòng 15 năm nay đã thải không biết bao nhiêu chất thải độc xuống 2 con sông đó. Nhà nước đang có kế hoạch chi trên 3000 tỷ đồng để làm sống lại hai con sông chết này. Còn một thứ ô nhiễm cũng đáng sợ không kém cho nông thôn, đó là hàng rởm, hàng tồn kho, hàng hết đát… được cố ý trút về nông thôn. Từ nhận định này, ông Hiển đặt vấn đề là trong sự tăng trưởng của đất nước hiện nay, riêng về mặt môi trường sống, lẽ nào lại để những người nông dân làm nên thương hiệu cho một đất nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới lại phải chịu thiệt thòi nhất chính từ sự đóng góp của mình.
Về sở hữu ruộng đất:

- Luật sư Phạm Duy Nghĩa (Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng vấn đề nhà nước ứng sử với quyền sử dụng đất đai của người nông dân tiềm ẩn ba nguy cơ lớn: Người dân bị mất đất, chán đất, chán quê. Vì vậy theo ông, hiến pháp năm 1992 và luật đất đai năm 2003 cần được viết lại vì quyền lợi của người dân. Muốn thành thực với nông dân không thể né tránh một cuộc cách tân đến tận gốc rễ, đó là minh định quyền tài sản của người nông dân Việt Nam đối với ruộng đất… Đất đai của toàn dân thì nhà nước trả lại cho người dân cũng là một lẽ đương nhiên. Phải thay đổi cách nhìn về sở hữu toàn dân, tăng quyền tài sản tư đối với ruộng đất cho các gia đình nông dân, tôn trọng và nêu rõ thái độ của nhà nước sẽ bảo vệ sở hữu của họ khi cần thiết.

Từ những nhận định về thực trạng tam nông trong cuộc hội thảo, trong phần góp ý về những việc phải làm, bản tổng kết ghi lại ý kiến của tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện Trưởng Viện Chiến Lược và Chính Sách Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn, về chiến lược và chính sách phát triển tam nông như sau:

Thứ nhất, nhà nước cần nâng cao mức đầu tư, tập trung vào phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thứ nhì, khuyến khích mở rộng quy mô sản xuất theo hướng gia trại, trang trại, liên kết trong các hợp tác xã, được tiếp thu khoa học công nghệ, phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng chuyên canh, thâm canh.

Thứ ba, tổ chức dạy nghề, hỗ trợ thông tin, vốn liếng để một bộ phận lao động có điều kiện rời khỏi sản xuất nông nghiệp tham gia thị trường lao động công nghiệp và dịch vụ một cách thuận lợi, hỗ trợ cho bộ phận khác từng bước chuyển sang tham gia các hoạt động phi nông nghiệp tại nông thôn.

Thứ tư, tạo cơ chế thuận lợi để khi lao động chuyển khỏi nông thôn thì đất đai được giao vào tay những người làm ăn giỏi mở rộng sản xuất.

Thứ năm, đổi mới quản lý Hội Nông Dân theo hướng từng bước trở thành tổ chức thực sự đại diện (?) cho quyền lợi và tiếng nói của người nông dân, phát triển tổ chức cộng đồng nông thôn để người dân thông qua tổ chức này tham gia quản lý các hoạt động phát triển nông thôn.
(Xây dựng nông thôn phát triển bền vững, tiasang.com/17/07/08)

2. Đảng và nghị quyết 7

Trong hội nghị trung ương 7 (9-17/7/08), Ban Chấp Hành Trung Ương đã thảo luận về những vấn đề công nhân, nông dân và trí thức và ra nghị quyết về Công Nông Trí. Sau đây là nghị quyết về nông dân:

Thứ nhất, trong những năm tới phải xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng xuất chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp dịch vụ, phát triển đô thị theo qui hoạch, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo tốt môi truờng sinh thái, hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của đảng được tăng cường; nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh ở các vùng còn nhiều khó khăn để không thua kém xa so với các đô thị.

Thứ nhì, trên cơ sở phân tích, làm rõ các mục tiêu cần đạt được từ nay đến năm 2020 và trước mắt đến năm 2010. Ban Chấp Hành Trung Ương đã thảo luận và xác định các nhóm giải pháp về quy hoạch (đất đai, sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, xây dựng nông thôn mới); xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân cư nông thôn, nhất là những vùng còn nhiều khó khăn, tăng cường sự lãnh đạo của đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước, phát huy sức mạnh của Mặt Trận Tổ Quốc và các đoàn thể chính trị xã hội ở nông thôn.

Từ nghị quyết 7 và cuộc hội thảo về tam nông, chúng tôi có mấy nhận định sau:

Thứ nhất, cuộc hội thảo đã chính nthức nói lên thảm trạng của nông dân sau mấy chục năm biến đổi theo nhiều nghị quyết, một sự thật bức bách đang diễn ra hàng ngày, có muốn đè nó xuống, dấu nó đi cũng không được, nên đành phải nói để chứng tỏ trí thức có quan tâm đến số phận nông dân. Nhưng đến phần đề nghị giải pháp thì bản tổng kết chỉ ghi lại một số đề nghị của Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, một trí thức quan chức cao cấp của nhà nước mà không thấy ý kiến của những người khác. Đến nghị quyết 7 thì đó là những chương trình lớn đảng sẽ ban phát cho nông dân, nhưng chỉ 2 đoạn nghị quyết mà đảng phải nhấn mạnh đến việc tăng cường lãnh đạo của đảng tới 2 lần. Như vậy có lẽ 50 năm qua, nông dân vẫn chưa nhận được đủ sự lãnh đạo của đảng!

Thứ nhì, trí thức thú nhận thảm trạng của nông dân, nhưng không chịu nhận một điều hay không dám nói lên là đảng làm chủ đất với đảng quyền toàn trị là nguyên nhân tạo nên thảm trạng tam nông. Đó là một thứ dây trói mà nếu không mở thì nghị quyết to lớn đến đâu số phận nông dân vẫn là số phận của tá điền nô lệ trong trong cái vòng sinh sát của đảng.
Chuyện chủ đất đảng đã không xét lại, nhưng vấn đề đó đã trở thành cấp thiết nên trong dịp này một số trí thức đã lên tiếng. Ngoài luật sư Phạm Duy Nghĩa đã nói ở phần trên, xin ghi thêm hai vị nữa:

- Nhà văn Nguyên Ngọc trong bài “Đất và nông dân” đã viết:
“Nông dân, thời nào cũng vậy, xưa nay đều vậy, là cái nền của xã hội. Và cái nền thì không ồn ào, không hào nhoáng, không huênh hoang, nhưng chính vì là cái nền, nên xã hội sẽ không thể yên nếu cái nền không yên. Mọi sự phát triển, mọi bước đi tới sẽ chông chênh, nếu không đổ vỡ. Và cách củng cố, trả sức lại cho cái nền ấy là vô cùng quan trọng nhưng không khó, chỉ cần dám dứt khoát làm mỗi một việc: Trả toàn quyền có đất thật sự lại cho từng người nông dân. Khi nông dân đứng chặt chân trên mảnh đất thật sự của họ, của riêng họ thì chẳng ai chiến thắng nổi họ. Xã hội sẽ bền, đất nước sẽ vững chãi trong cuộc đi tới đầy sóng gió”
(Tiasang online/2/7/08)

- Luật sư Trần Lâm, trong bài “Luật đất đai và tam nông” đã viết:
“Mọi người trong xã hội đều phải làm ăn sinh sống. Họ cần có sự quan hệ, trao đổi. Mọi quan hệ trao đổi đều dựa trên cái trục là sở hữu, sở hữu trí tuệ và sở hữu vật chất. Người không có sở hữu nào là người đứng ngoài xã hội… Mọi hạn chế con người phát triển tài sản riêng là trái với nhân tính… Những người cầm quyền chỉ có nhiệm vụ duy nhất làm mọi cách nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân, đó là làm cho nước giàu dân mạnh, nhiệm vụ này phải được thực hiện bằng cách tạo cơ hội, dẫn dắt người nông dân chủ động tự giác giải quyết cuộc sống của mình. Làm thay, mệnh lệnh hay nói mà không làm hoặc lờ đi là điều cấm kỵ.
Nghĩ đến đây thấy trong người ớn lạnh: Nông dân chiếm 80% dân số, 2000 năm họ dựng nước, giữ nước. Nước ta, nước nông ghiệp, mọi sự phát triển đều bắt đầu từ tam nông, thế mà ta để mọi thứ trên góc khuất!
Nói đến tam nông, việc đầu tiên là làm luật ruộng đất, cái cốt lõi là trả lại sở hữu cho người dân. Không có con đường nào khác, dù con đường này làm thương tổn đến chuyên chính, sự toàn trị của đảng cũng phải làm. Nếu không, nguy hại nó có thể làm chấm dứt sự toàn trị”
(Đối-Thọai.com/9/15/08)

Trên đây là những tiếng nói can đảm và tâm huyết của những người trí thức cảm được sự khốn cùng của nông dân khi không có quyền là “chủ thật” một mảnh đất để sống trên quê hương mình. Nhưng đảng Cộng Sản đã không xét căn nguyên của sự tàn phá tam nông và chỉ sửa chữa bằng nghị quyết “chiếu cố” tam nông mà nhà báo Hữu Thọ (nguyên tổng biên tập báo Nhân Dân) trong cuộc phỏng vấn của báo điện tử Tổ Quốc (9/2/08) đã nói là “Đã thấy có cuộc sống trong nghị quyết 7. Đã xác định vị trí chiến lược của nông dân, nông nghiệp và nông thôn, là cơ sở lực lượng quan trọng để phát triển ổn định chính trị đất nước”. Nhận định thật lạ, vì nông dân chiếm 80% dân số và đảng đã vận dụng lực lượng nông dân để thực hiện đủ thứ chính sách cách mạng xã hội chủ nghĩa mà đến nay ông Thọ mới thấy có cuộc sống trong nghị quyết 7, mới xác định vị trí chiến lược của nông dân… thế thì 50 năm qua với những nghị quyết đã được đảng ban hành thì vị trí nông dân ở đâu để có cải cách ruộng đất, có hợp tác hóa, có khoán 100, khoán 10… Nông dân có uất hận không khi nghe những điều này?

Nhưng thôi, cứ coi với sự sửa sai “có cuộc sống” ở nghị quyết 7 là đảng sẽ đưa về nông thôn nhiều ngân sách hơn để làm những chương trình lớn “Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, đổi mới hoạt động các hình thức tổ chức sản xuất để xây dựng nông thôn mới”. Nhưng xin hỏi: Những chương trình này sẽ vào tay ai khi nông dân vẫn chỉ là tá điền vô quyền trên mảnh đất thuê của ông chủ đảng toàn trị. Nông dân nào có đủ khả năng, đủ vốn để ứng dụng khoa học công nghệ? Và nông dân nào dám mở rộng sản xuất theo hướng trang trại khi đất thuê chưa biết lúc nào sẽ bị thu hồi? Từ đó có thể hình dung thêm một thảm kịch là khi nông thôn được chia nhiều ngân sách hơn thì nông dân sẽ phải chịu nhiều bóc lột oan khuất hơn, vì đất sẽ bị cướp nhiều hơn để những ông lãnh chúa lập nông trại, điền trang và lấy ngân sách dành cho tam nông thiết lập hệ thống “Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới hoạt động các hình thức tổ chức sản xuất”.

Cho đến nay, giai cấp địa chủ Đỏ đã lớn lắm mà nông dân cũng đang bị bóc lột trong nhiều nông trường của những ông lãnh chúa địa phương, thế mà đảng lại ra nghị quyết tạo cơ chế thuận lợi cho những ông ông quan vô sản thiết lập thêm nhiều điền trang hiện đại sản xuất lớn để tuyển dụng thêm đám nông dân vô sản. Tiếng khóc của dân oan mười mấy năm nay vẫn chưa thấu trời xanh và nay sẽ thêm nhiều tiếng khóc hơn. Vì dân vô quyền biết kêu ai trong một chế độ đảng trị mà người cai trị đã trở thành kẻ cướp nhân danh đủ thứ chính sách to lớn và được chế độ bảo kê.

Trước thảm trạng của nông dân, vấn đề sinh tử là trả lại quyền tư hữu đất đai để giải quyết tận căn cho sinh kế cùng ước nguyện của nông dân. Đó là sự hòa giải với con người theo truyền thống sở hữu đất đai của Việt Nam. Nhưng đảng Cộng Sản đã không làm mà tìm cách chạy quanh với mớ chữ nghĩa to lớn. Vì thế thảm trạng nông dân sẽ tiếp diễn và trận chiến dân oan đòi công lý sẽ ngày càng dâng cao. Thứ vũ khí bất nhân “Thời Gian, Màn Trời Chiếu Đất và Công An” của đảng có làm kiệt sức nhiều dân oan, nhưng không thể dập tắt được nguồn uất hận đang tích tụ hàng ngày với oan khuất cũ còn nguyên đó và oan khuất mới gia tăng. Đảng đang dùng bè bạo lực để bơi trong một biển dân uất hận.

Nhìn vào thảm kịch của nông dân trong trận chiến này, chúng tôi xin góp vài ý như sau:

Với đồng bào dân oan:

Thứ nhất là chúng ta phải kết hợp được con số đông đảo – Vài trăm, hàng ngàn hay nhiều hơn - để có thể tuần hành, nói lên tiếng nói lớn và có khả năng đối đầu, không dễ để công an nhân dân bao vây khiêng quẳng lên xe bít bùng. Xin nhắc lại một gương của phụ nữ Nam Hàn đấu tranh đòi dân chủ, công lý thời Park Chung Hee và Chun Doo Hwan (thập niên 70 và 80) là nhiều lần trước những nhà thờ ở Seoul, hàng trăm phụ nữ đã khỏa thân cầm tay nhau làm hàng rào chống cảnh sát, và cảnh sát Nam Hàn đã chùn tay ( Họ còn liêm sỉ!). Dân oan Việt Nam đã có người làm việc này, nhưng chỉ một, hai người thì chẳng tới đâu. Chẳng hạn đêm 21/10/08, công an An Giang đã lên Sài Gòn bắt mười mấy dân oan An Giang đem về tỉnh, và một bà tên là Dì Bảy đã lột hết quần áo để chống đối, nhưng bà vẫn bị công an chụp quẳng lên xe.

Thứ nhì là tập hợp đông đảo quỳ lạy trước dinh chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội. Việc quỳ lạy này có thể sẽ chẳng làm động lòng được các ông Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng, nhưng sẽ làm động lòng các tầng lớp nhân dân Việt Nam, làm động lòng các tổ chức nhân quyền thế giới và truyền thông quốc tế. Thời nô lệ Pháp, dân ta đã phải hy sinh nhiều để đòi quyền độc lập, tự do thì bây giờ bị nô lệ đảng Cộng Sản, ta cũng phải hy sinh để đòi lại quyền sống làm người tự do.

Với quý vị trí thức:

Trước thảm kịch dân oan, năm 2007, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã lên tiếng đòi đảng Cộng Sản trả lại quyền tư hữu cho dân. Và tới nay, trước và sau Hội Nghị Trung Ương 7 có thêm ba vị trí thức: Luật sư Phạm Duy Nghĩa, nhà văn Nguyên Ngọc và Luật sư Trần Lâm lên tiếng mạnh mẽ đòi công lý cho nông dân. Những tiếng nói đó lớn, nhưng vẫn chỉ là tiếng nói của một cá nhân. Cuối năm 2007, chỉ tập thơ Trần Dần bị thu hồi mà học giả Nguyễn Huệ Chi đã có thể thu được chữ ký của mấy trăm vị trí thức lên tiếng phản đối lệnh thu hồi. Thế mà một vấn đề sinh tử như thảm kịch dân oan, như việc đòi nhà nước trả lại quyền sở hữu đất đai cho nông dân lại chỉ có mấy người lên tiếng, rồi sau nghị quyết là im lặng, mọi chuyện coi như đã giải quyết xong. Không phải vậy. Đâu đã xong, vì cuộc đời nông dân vô sản còn nguyên đó và sẽ còn bi thảm hơn. Chuyện đó đơn giản, ai cũng biết như thế. Vì vậy chúng ta mong các vị trí thức nghĩ đến nước, nghĩ đến số phận nông dân mà cùng nhau lên tiếng. Chắc hẳn tiếng nói chung ấy sẽ có nhiều tác dụng. Xin quý vị tạo thành chủ lưu dư luận, thêm sức cho việc đòi công lý của dân oan.

Với những nhà báo tự do:

Rồi đến những nhà báo tự do, những bloggers, chúng ta có nhiều bloggers. Những bài viết của Song Chi, Tạ Phong Trần, Trần Khải Thanh Thủy… là những lời chí thành, lao tâm khổ tứ, thốt tự tâm can… khóc cho nỗi đau của nước, nỗi khốn cùng của dân. Mong sao những nhà báo tự do (chắc đa số là những trí thức trẻ) lên tiếng cho dân oan, lên tiếng đòi đảng Cộng Sản trả lại quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân. Xin quý vị đi vào chủ lưu đòi đất, thêm sức cho dân oan.

Hàng ngày nông dân mất đất. Hàng ngày dân oan trương biểu ngữ kêu cứu, thất thểu trên đường phố. Họ đi đâu, kêu ai mà ai cứu? Người ta lên tiếng rất nhiều trước nạn ô nhiễm, trước những con sông chết, nhưng hầu như lại im lặng trước thảm kịch dân oan, trước thảm trạng người cày thuê đất của đảng và bị tước đoạt. Ô nhiễm và những nỗi oan khiên! Những dòng sông chết và những người nông dân khốn cùng. Đảng Cộng Sản Việt Nam đang sống với vinh quang hay đang sống với ô nhiễm, với những dòng sông chết, với những nỗi thống khổ của nông dân?

Kết luận

Qua những phần trên đây, chúng tôi đã trình bày về sự thành công của nông dân Do Thái và những thảm kịch của nông dân Việt Nam trên nửa thế kỷ qua. Để tổng kết câu chuyện, có thể nhận định là nông dân Do Thái đã đạt được những thành tựu lớn trong việc xây dựng đời sống và cộng đồng nông thôn vì họ có ý chí, niềm tin và chế độ dân chủ. Trong ba yếu tố này, ý chí và niềm tin đã giúp họ đạt được ước nguyện làm người Do Thái tự do trên đất tổ Palestine, còn chế độ dân chủ đã củng cố cho ý chí và niềm tin đó, vì biết rằng họ làm việc và họ sẽ làm chủ những thành quả đạt được trong việc thăng tiến con người về chính trị, kinh tế và văn hóa.

Còn đối với Việt Nam thì người nông dân thiếu cả ba yếu tố đó: Họ không còn ý chí thăng tiến vì đảng áp chế và đẩy họ vào sự khốn cùng, tuyệt vọng. Họ không có niềm tin, vì đảng sử dụng chính sách gian dối, nên gian dối trở thành một nếp sống xã hội chủ nghĩa. Họ không có dân chủ, vì đảng toàn trị không có chỗ cho tiếng nói của người dân.

Từ đó, nông dân đã bị đảng Cộng Sản làm tình làm tội trong những chính sách vô sản mà kết quả đã được giáo sư Tương Lai, nguyên cố vấn các vấn đề xã hội của cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, trong một cuộc phỏng vấn của BBC Việt ngữ (19/8/08) đã nhận định:
“Nông dân Việt Nam là người chịu trên vai mình gánh nặng nhất của đất nước. Nhưng về sau, bản thân người nông dân lại phải chịu đựng rất nhiều thiệt thòi… Họ cống hiến nhiều nhất. Hy sinh lớn nhất. Hưởng thụ ít nhất. Được giúp kém nhất. Bị đè nén thảm nhất. Bị tước đoạt nặng nhất. Là những ngưòi cam chịu lâu dài nhất và là người tha thứ cao cả nhất”.

Nhưng trước những khổ nạn đó thì phải làm gì để cứu nông dân (chớ chẳng lẽ lại bảo họ phải tha thứ mãi!), giáo sư Tương Lai không nói, nên chúng tôi xin nhắc lại giải pháp của nhị vị Luật sư Phạm Duy Nghĩa và Trần Lâm:

- Theo luật sư Phạm Duy Nghĩa thì “Không thể né tránh một cuộc cách tân đến tận gốc rễ, đó là minh định quyền tài sản của người nông dân Việt Nam đối với ruộng đất… Hiến pháp 1992 và luật Đất Đai 2003 cần được viết lại vì quyền lợi của nông dân. Đất đai của toàn dân thì nhà nước trả lại cho người dân cũng là một lẽ đương nhiên”.

- Còn luật sư Trần Lâm thì quả quyết: “Nói đến tam nông, việc đầu tiên là làm luật ruộng đất, cái cốt lõi là trả lại sở hữu cho người dân. Không còn con đường nào khác, dù con đường này làm thương tổn đến sự chuyên chính, sự toàn trị của Đảng, cũng phải làm. Nếu không, nguy hại nó có thể làm chấm dứt sự toàn trị./.

Việt Dương

No comments: