Saturday, November 15, 2008

TỪ NÔNG DÂN DO THÁI ĐẾN NÔNG DÂN VIỆT NAM (Phần 1)

Từ nông dân Do Thái đến nông dân Việt Nam
Việt Dương
http://www.doi-thoai.com/baimoi1108_193.html

Ôi! Đất nước sa cơ.
Phùng Cung

Trên nửa thế kỷ qua, trên tiến trình dựng nước, dân tộc Do Thái, đã đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lãnh vực, trong đó nông nghiệp phải kể là một thành tựu phi thường. Vì từ bốn phương trời trở về Palestine, phải mua lại những vùng đất khô cằn hoặc đầm lầy, nhưng chỉ trong vài năm, người Do Thái đã biến vùng đất đó thành màu mỡ, và đã xây dựng được những cộng đồng nông thôn giàu mạnh và tiến bộ. Nhìn lại Việt Nam, một đất nước không thiếu đất, không thiếu sự cần cù, nhưng sau nửa thế kỷ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Macxit-Leninit, người nông dân Việt Nam vẫn phải đắm chìm trong nghèo đói, lạc hậu. Đến nay, trước những thảm kịch của nông dân đang diễn ra hàng ngày, cùng với Hội Nghị Trung Ương 7 của đảng Cộng Sản Việt Nam, đặc biệt thảo luận về tam nông và ra nghị quyết về tam nông, chúng tôi xin ghi lại đây ít điều về tam nông Do Thái để từ đó nhìn vào thực trạng tam nông Việt Nam.

I. Nông dân Do Thái

A. Tìm về đất tổ

Trên 2000 năm phải sống lưu lạc trên khắp thế giới, người Do Thái đời đời ghi khắc nguyện ước là sẽ có ngày dân tộc Do Thái trở về đất tổ ở Palestine. Với niềm nguyện ước này, trong những thế kỷ 18, 19, đã có những nhóm nhỏ Do Thái tìm đường về Palestine. Nhưng phải tới cuối thế kỷ 19, nguyện ước này mới thành một phong trào rộng lớn có tổ chức và lý luận cụ thể để chuyển nguyện ước thành hiện thực. Theo lịch sử Do Thái thì sự chuyển biến này đã do mấy nguyên nhân sau:

1. Sự xuất hiện của Theodor Herzl

Theodor Herzl là ký giả Hung, gốc Do Thái, là thông tín viên ở Paris của New Free Press, một nhật báo hàng đầu ở Vienne. Nhân ở Paris, ông đã được chứng kiến chủ nghĩa bài Do Thái (Anti-Semitism) ở Pháp trong vụ án xử Dreyfus, một sỹ quan gốc Do Thái trong quân đội Pháp can tội bán tài liệu quân sự mật cho Đức. Tuy sau này Dreyfus được minh oan và phóng thích, nhưng vụ án đã làm bùng lên phong trào bài Do Thái của báo chí và dân chúng Pháp. Và Herzl đã bàng hoàng trước những tiếng hò hét “Giết chết bọn Do Thái” trên khắp đường phố Paris. Từ đó ông nghĩ về thảm kịch của dân tộc Do Thái và viết tập sách The Jewish State, trình bày quan điểm là người Do Thái phải tự mình tái lập một quốc gia để có thể sống như một người tự do. Mặc dù phong trào Zionist (trở về Palestine) đã có từ lâu, nhưng Jewish State đã đưa ra một kế hoạch thực tiễn về lãnh đạo, về tổ chức, về chương trình vận động và đã vạch ra một hướng thực tiễn cho phong trào Phục Quốc (Zionism). Vì thế sau khi Jewish State xuất bản được một năm, Herzl đã thành công trong việc triệu tập một hội nghị, qui tụ các đại biểu Do Thái trên toàn thế giới, ở Basle, Thụy Sĩ tháng 8 – 1879. Kết quả của hội nghị là thiết lập tổ chức The World Zionist Organization và Theodor Herzl được bầu làm chủ tịch. Như thế với hội nghị Basle gọi là The First Zionist Congress, người Do Thái đã đặt nền cho phong trào Zionist như là một phong trào chính trị thế giới.

2. Phong trào bài Do Thái ở Âu Châu

Trong 2000 năm lưu lạc, người Do Thái bị kỳ thị, ngược đãi ở nhiều nơi, nhưng không ở đâu nặng nề như ở Nga và các quốc gia Đông Âu. Lịch sử đó quá dài và phức tạp, nên ở đây chỉ xin trích lại ít điều từ bản nghiên cứu Anti-Semitism and Holocaust của Laureen Moe trên mạng Anti-Semitism.
Theo L. Moe thì từ năm 1881, sau vụ ám sát Nga Hoàng Alexander II, người Do Thái bị nghi là dự phần âm mưu, nên việc tàn sát Do Thái trở thành chính sách của chính quyền Nga. Từ đó, những cộng đồng Do Thái lớn đã là những mục tiêu của sự bạo động, gọi theo chữ Nga là Pogrom, có nghĩa là sự tấn công với tàn phá, cướp bóc tài sản, giết chóc và hãm hiếp. Đáng kể là những trận pogroms ở Kiev và Odessa. Vì ở đây việc tàn sát toàn gia là việc rất thường. Theo tài liệu được ghi lại thì trong 530 cộng đồng đã phải chịu 887 vụ tàn sát lớn và 349 vụ tàn sát nhỏ với số người chết khoảng 60.000, chưa kể số người bị thương.
Trong những nước Đông Âu như Ba Lan, Rumania, Hung Gia Lợi và Áo, người Do Thái cũng phải chịu những trận tàn sát, nhưng ở con số nhỏ hơn. Tới thập niên 1930 thì số phận người Do Thái ở Đức và Đông Âu phải chịu một kiếp nạn tàn sát khủng khiếp, được gọi là Holocaust, chữ này đã được dùng để chỉ giai đoạn hủy diệt người Do Thái ở Đức khi Adolp Hitler lên nắm chính quyền năm 1933.

Tài liệu của The United States Holocaust Memorial Museum (online) cho biết năm 1933, Đức Quốc Xã bắt đầu thực hiện ý thức hệ chủng tộc và 525.000 người Do Thái (khoảng 1% trong tổng số dân Đức) đã là mục tiêu chính, vì Quốc Xã coi Do Thái là chủng tộc thấp kém, là mối hại cho sự thuần khiết của chủng Đức (Aryan) là chủng cao cấp. Từ đó Quốc Xã tiến hành việc hủy diệt Do Thái qua mấy giai đoạn:
Thứ nhất là thay đổi vị thế công dân của Do Thái.
Tháng 4-1933, với đạo luật công bố ở Nuremberg, Do Thái đã bị xếp thành công dân hạng nhì và bị loại ra khỏi các cơ quan công quyền, trường đại học, tòa án, không được học trường công, đi coi hát, tới những vùng nghỉ mát, nghỉ hè, đồng thời bị cấm cư trú và đi lại trong một số khu vực của nhiều thành phố.
Thứ nhì là thu hẹp đời sống kinh tế:
Từ 1937 tới 1939, người Do Thái bị tách khỏi đời sống kinh tế với những biện pháp tước đoạt hay ép buộc người Do Thái bán lại cơ sở doanh nghiệp với giá rẻ. Sau đó là tổ chức những cuộc bạo động phá hủy giáo đường, cửa tiệm, nhà cửa và giết người.
Thứ ba là tập trung người Do Thái vào những trại tù:
Từ 1938, Quốc Xã đốt hết giáo đường Do Thái và những người Do Thái chưa kịp hay không thể tẩu thoát khỏi nước Đức hay những nước Quốc Xã mới chiếm ở Đông Âu đều bị bắt và đưa đến những trại tập trung.
Và cuối cùng là khoảng 6 triệu người Do Thái trong những trại tập trung đã bị hủy diệt trong những lò hơi ngạt.

Tuy áp dụng phương pháp hủy diệt hàng loạt, nhưng do thời gian kéo dài cùng với những khó khăn trong chiến tranh, nên Đức Quốc Xã đã không thể thực hiện nổi điều mà Hitler gọi là “Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái”, nên từ 1933 đến 1939, khoảng một nửa số dân Do Thái Đức và 2/3 Do Thái Áo đã trốn thoát khỏi tay Đức Quốc Xã. Phần lớn số này đã tìm đường qua Hoa Kỳ, Palestine và một số nước Âu Châu, và số này lại rơi vào tay Quốc Xã khi Đức xâm chiếm các nước Đông Âu.

Như thế từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, những trận pogroms ở Nga, ở Đông Âu, và Holocust ở Đức đã là những động lực tạo thành những đợt di dân tràn về Palestine, gọi là Aliya (nghĩa là Đi lên Zion), mà sử Do Thái đã phân chia thành nhiều đợt với tính chất khác nhau của mỗi đợt như sau:
1. Aliya thứ nhất: Từ 1882 đến 1903, khoảng 35.000 đến từ Nga do phong trào bạo động chống Do Thái trên khắp nước Nga từ 1882, trong đó có một số đến từ Yemen. Đợt này đa số tìm sinh kế trong mấy hành phố và chỉ một số nhỏ đi vào nghề nông.
2. Aliya thứ nhì: Từ 1904 đến 1914, đa số cũng từ Nga. Trong giai đoạn này, để vượt qua những khó khăn trong việc khai khẩn những vùng đất hoang khô cằn hoặc đầm lầy, phải cần sự hợp tác làm chung, nên di dân đã thiết lập một thứ làng tập thể gọi là kibbutz và đồng thời cũng tổ chức lực lượng tự vệ để bảo vệ cộng đồng chống lại những toán cướp Ả Rập.
3. Aliya thứ ba: Từ 1919 tới 1923, gần 50.000 người cũng từ Nga tới sau thế chiến thứ I. Giai đoạn này Anh quốc đã chiếm Palestine của Đế quốc Ottoman và được quyền ủy trị (mandate) của Hội Quốc Liên. Di dân đợt này cũng theo chân đợt trước thiết lập những cộng đồng nông nghiệp tự túc.
4. Aliya thứ tư: Từ 1924 tới 1929, khoảng trên 80.000 người đến từ Ba Lan và Hung do phong trào bài Do Thái ở mấy nước Đông Âu. Đợt này gồm nhiều gia đình trung lưu, nên đã tới những thành phố phát triển và thiết lập nhiều ngành kinh doanh nhỏ và kỹ nghệ nhẹ.
5. Aliya thứ năm: Từ 1929 tới 1939, khoảng 250.000 người tới từ Đức và các nước Đông Âu để tránh chế độ Đức Quốc Xã, trong đó khoảng 174.000 đã tới giữa những năm 1933-36, còn sau đó vì chính quyền Anh thực hiện chính sách hạn chế người Do Thái vào Palestine, nên số còn lại đã phải tới bằng những đường bí mật bất hợp pháp do những tổ chức Do Thái ở Palestine tổ chức, được gọi là Aliya Bet. Đợt di dân này có nhiều nhà chuyên nghiệp gồm bác sĩ, luật sư, giáo sư và nghệ sĩ thuộc nhiều bộ môn. Và tới năm 1940, dân số Do Thái ở Palestine đã lên tới 450.000 người.

B. Tạo dựng cộng đồng nông thôn

Người Do Thái trở về đất tổ Palestine, nhưng là di dân không có đất, nên trong Aliya thứ nhất, đa số đã tìm kế sinh nhai bằng buôn bán ở mấy thành phố, và chỉ một số ít đi vào nghề nông. Nhưng sau khi tổ chức Zionist quốc tế ra đời thì những hội viên Zionist đã mở văn phòng The Zion Colonizationing Society ở Jaffa để cùng với tổ chức Palestine Investment Corporation của Rothschild và De Schmann Foundation gia tăng việc mua đất để thiết lập làng cho di dân.

Trong thời kỳ này Palestine là tỉnh thuộc Đế quốc Ottoman, hầu hết đất đai do vài chục gia đình điền chủ thế lực Ả Rập làm chủ và đám điền chủ này đã bán những vùng đất khô cằn cỗi hoặc vùng đồng lầy cho Do Thái, vì nghĩ rằng những vùng đất ấy không thể trồng trọt gì được. Cứ như thế, theo Amos Elon, những người định cư trước, những nhà từ thiện khuyến khích định cư như Baron de Rothschild ở Paris hay những quỹ công được những hội viên Zionist hải ngoại quyên góp đã tiếp tục mua đất của những điền chủ Ả Rập vắng mặt. Vì thế tới năm 1900, Do Thái đã mua được 218.000 dunams, và đến 1914 diện tích do người Do Thái làm chủ đã lên tới 419.000 dunams, trong đó 220.000 dunams đã được trồng trọt. (4 ½ dunams bằng 1 acre).
(A. Elon, The Israelis: Founders and Sons, Holt and Winston, New york, 1971, p. 90)

1. Thực hiện con đường bắt rễ vào đất

Đợt Aliya thứ nhất chỉ tăng thêm sự hiện diện của người Do Thái trên đất Palestine chứ không đặt được nền cho lý tưởng phục quốc như Ben Gurion nhận định khi ông từ Nga trở về Palestine trong đợt Aliya thứ nhì. Ở đây, ông đã đụng phải những thất vọng mà thất vọng đầu tiên là nhìn thấy những người Do Thái của đợt Aliya thứ nhất đã sống như những điền chủ thuê mướn công nhân làm vườn cho mình, và lợi dụng ngay những người đồng chủng trong cảnh khốn khó. Theo ông thì người Do Thái không bao giờ có thể phục quốc theo cách đó, vì giữa đất và người phải có mối liên hệ lao động.
(Ben Gurion, Israel: Years of Challenge, Holt and Winston, New York, 1963, p. 7)

Từ nhận định này, Ben Gurion đã là một trong những người tiền phong đi khẩn hoang thành lập những làng kiểu mẫu đầu tiên cho mục đích bắt rễ vào đất Palestine như Joan Comay đã thuật lại:
“Khi Ben Gurion bắt đầu tìm kiếm việc làm, thực tế chán nản hơn. Thật khó kiếm ra việc. Chủ nông trại Do Thái, cũng như chủ trại Ả Rập, thích dùng lao động Ả Rập địa phương trả vài cents một ngày hơn là những người di dân trẻ thiếu kinh nghiệm từ Nga đến. Trong một năm, việc chính của David (Gurion) là đẩy xe cút kít chở phân bón từ chuồng súc vật tới vườn cây trái và rải phân quanh cây. Làm việc này, anh được trả đủ cho một cái giường và một bữa ăn đạm bạc mỗi ngày. Vùng này là đầm lầy nên chẳng bao lâu David bị sốt rét. Bac sĩ ở làng đã khuyên anh nên trở về Ba Lan như một số người mới đến trước đây đã đụng phải tình cảnh của anh, nhưng chuyện trở về là điều anh không bao giờ nghĩ đến.

Trong thời gian làm thuê ở đây, David thường lội bộ trở lại Jaffa tham dự những cuộc họp với nhóm Poalei Zion (Labor Zionist). Nhóm này quan niệm rằng người Do Thái ở Palestine không nên chỉ là những học giả tôn giáo, mà phải phát triển một giai cấp nông dân và công nhân. Vì thế nhóm đã quyết định tổ chức những công nhân Do Thái ở nông trại và ở hãng rượu vang gần làng Rishon le Zin để cải thiện tiền lương và điều kiện làm việc. Theo mục đích này, David và 2 người khác đã được phái đi như là một phái đoàn để thảo luận với ban giám đốc của hãng rượu và đã đạt được kết quả là điều kiện làm việc ở đó đã trở nên khá hơn.

Sau đó, David mong muốn ra khỏi vùng Jaffa để tới Galilee, nơi mà khi còn ở Plonsk anh đã nghe là có cảnh sống giống như đời sống của những người đi khai quốc ở biên ải. Vì thế anh và một người bạn đã đi bộ 2 ngày lên phía bắc vùng đồi núi Galilee ở Nazareth và tới Sejra. Và ở đây hai người đã nhập vào một nhóm thanh niên nam nữ đang khai hoang một vùng đất đầy đá. Nhóm này khai hoang nhưng không định cư vĩnh viễn mà họ chỉ làm công việc cải tạo đất cho một làng định cư Do Thái mới, rồi sẽ di chuyển để khẩn hoang một vùng khác. Đây là những khu đất do tổ chức Jewish Colonization Association (JCA) mua để di dân Do Thái định cư. Tổ chức JCA trả cho công nhân một số lương trong việc cải tạo đất. Nhóm của David và nhiều nhóm tương tự thấy rằng họ đang thực hiện lý tưởng Zionist bắt rễ vào đất. Vì từ bàn tay lao động, họ đang dựng lại quê hương và tạo cơ hội cho người Do Thái lại trở thành nông gia.

Sau khi làm xong đất ở Sejra, nhóm lại tiếp tục công việc cải tạo vùng đất đầm lầy ở bờ phía tây sông Jordan do tổ chức Jewish National Fund (JNF) mua. Nhưng lần này, Joseph Baratz, một nhóm viên, đã đặt vấn đề là tại sao họ không ở lại nơi này làm ăn sinh sống thay vì đi làm đất ở vùng khác. Và vấn đề đã dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt. Một số cho rằng làm như thế sẽ phản lại lý tưởng của nhóm vì sẽ trở thành nông gia và điền chủ. Baratz luận giải là họ sẽ không là nông gia tư hữu, thuê mướn nhân công mà sẽ kết thành nhóm, tự làm mọi việc và phân chia những gì họ có. Tổ chức JNF đồng ý cho nhóm thuê đất, và tiền thuê sẽ được trả trên hoa lợi. Từ đó nhóm đã gọi nơi này là Degania, lấy từ chữ Hebrew là Dagan, nghĩa là hạt, và Degania là kibbutz đầu tiên của Israel.
(J. Comay, Ben Gurion and The Birth of Israel, Randon House, New York, 1967, p. 28 )

Thử nghiệm thành công của Degania đã là đáp án cho con đường phục quốc. Vì thế phong trào kibbutz đã phát triển nhanh với trên 100 kibbutzim (số nhiều của kibbutz) được xây dựng trong thập niên 1920. Nhưng cũng trong thời gian này, nông gia Do Thái với khuynh hướng tự do đã chống lại tính chất tập thể của kibbutz, nên đã xây dựng một loại làng khác gọi là moshav. Loại làng moshav cũng phát triển nhanh và từ đó đã cùng với kibbutz tạo thành nông thôn Do Thái.

2. Sự phát triển của kibbutz và moshav

a. Kibbutz:

Kibbutz, tiếng Do Thái có nghĩa là nông trại tập thể, là một cộng đồng đặc biệt, thực hiện một chế độ kinh tế xã hội đặt căn bản trên nguyên lý sở hữu chung tài sản, làm chung và hưởng chung.

Về tổ chức: Hầu hết các kibbutz có hệ thống tổ chức giống nhau như sau:
Khu vực cư trú gồm có nhà trại viên, vườn, nhà trẻ, sân chơi cho mọi lứa tuổi và những cơ sở chung như phòng ăn, hội trường, thư viện, bệnh viện, nhà giặt, tiệm tạp hóa…. Cạnh khu vực cư trú là trại bò sữa, chuồng gà, và một hay vài nhà máy kỹ nghệ. Bên ngoài khu vực này là đồng ruộng, vườn cây trái và ao cá.
Trong kibbutz, mọi người bình đẳng về trách nhiệm và thụ hưởng. Phụ nữ và nam giới làm việc như nhau. Trại viên không có lương, nhưng được cung cấp mọi nhu cầu của đời sống gồm cả giáo dục và y tế, cùng ăn trong một nhà ăn. Theo sự phát triển, nhiều kibbutz có nhà ăn tân tiến, hồ bơi, nhà tập thể dục, phòng triển lãm, phòng hòa nhạc và trung tâm văn hóa.
Hệ thống quản lý kibbutz là chế độ dân chủ trực tiếp được điều hành với những ủy ban được đại hội bầu ra theo những chức năng như nhà cửa, tài chánh, kế hoạch sản xuất, y tế và văn hóa. Những trưởng ban của những ủy ban này cùng với viên thư ký, người đứng đầu kibbutz, họp thành Ban Điều Hành Kibbutz. Trong đó, chức thư ký, thủ quỹ và nhân viên điều hợp lao động thì làm toàn thời, còn những thành viên khác thì ngoài việc làm ở uỷ ban vẫn làm những việc sản xuất như những người khác.

Về việc nuôi dạy trẻ:
Trước kia, ở những giai đoạn khởi thủy, trẻ em sống riêng, xa cách với cha mẹ. Chúng có thể về với cha mẹ vào những buổi chiều hay những ngày cuối tuần. Sau đó, trong nỗ lực xây dựng gia đình bền vững với mối ràng buộc tình cảm, nhiều kibbutz đã để trẻ nhỏ ngủ tại nhà với cha mẹ cho tới tuổi đi học.
Từ mẫu giáo, hệ thống giáo dục nhấn mạnh đến sự hợp tác trong đời sống hàng ngày. Khi đến cấp cao hơn, trẻ nhỏ được chỉ định làm việc theo nhóm cùng tuổi: Nhỏ làm những việc thích ứng với tuổi, lớn hơn phải làm một số việc trong kibbutz và ở cấp trung học, mỗi tuần chúng phải dành một ngày cho một ngành nào đó của nền kinh tế kibbutz.
Đối với hệ thống giáo dục thì tiểu học, học tại trường tiểu học của mỗi kibbutz. Cấp trung học có trường trung học khu vực, gồm một số kibbutz để mở rộng các môn chuyên biệt và sự liên hệ xã hội. Ngoài ra kibbutz còn cung cấp chỗ ăn, ở cho những người trẻ thuộc mọi lứa tuổi có khả năng đặc biệt cần phát triển.

Về phát triển:
Ngày nay Israel có khoảng 270 kibbutzim với dân số khoảng 130.000 người (2.5% dân số toàn quốc). Đa số các kibbutz có từ 500 tới 600 người. Từ sự làm việc cần mẫn với những phương pháp canh tác tân tiến, nông dân Do Thái đã đạt được những kết quả đáng kể trong các ngành nông nghiệp như trồng tỉa, vườn cây trái, chăn nuôi gia cầm, bò sữa và nuôi cá. Và trên một thập niên trở lại đây, ngoài nông nghiệp, hầu hết các kibbutz đã phát triển nhiều ngành kỹ nghệ sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ và cả du lịch.

b. Moshav

Làng kibbutz đã là giải pháp cho việc định cư trong hoàn cảnh đặc biệt của di dân Do Thái, nhưng có nhiều di dân đã không chấp nhận đời sống ở kibbutz vì loại làng tập thể này đã không cho họ một đời sống riêng tư với một ngôi nhà, một mảnh đất riêng. Do đó họ đã tách ra thực hiện một loại làng khác gọi là moshav, tiếng Hebrew là làng hợp tác, mà moshav đầu tiên đã do Shmuel Dayan xây dựng. Amos Elon cho biết Shmuel là thân phụ của tướng độc nhãn Moshe Dayan. Ông đã từ Ukraine tới Palestine năm 1908 trong đợt Aliya thứ nhì, là người đi xây dựng kibbutz, nhưng rồi ông đã chống lại chế độ làm chung, sống chung và ăn chung của kibbutz. Vì thế tới đầu thập niên 1920, ông đã tới thung lũng Jezreel, lập làng moshav và đặt tên là Nahalal (the heritage) theo địa danh trong kinh thánh. (Amos Elon, đd, trg. 18)
Về tổ chức: Moshav giống kibbutz mấy điểm ở cơ cấu lãnh đạo, ở sở hữu chung nông cụ (loại nặng) và ở hệ thống mua bán chung. Còn khác kibbutz ở điểm về tự do cá nhân với gia đình có nhà riêng và tự canh tác trên mảnh đất của mình.

Về phát triển: Do đáp ứng được hai nhu cầu về hợp tác để phát triển cộng đồng và giữ được đời sống tự do, nên phong trào moshav đã phát triển nhanh. Trong thập niên 1950, nhiều di dân Do Thái từ các nước Đông Âu và Ả Rập về Palestine, thấy đó là kiểu làng thích hợp, nên họ đã xây dựng nhiều làng moshavim (số nhiều của moshav). Vì thế tới thập niên 1960, moshav đã vượt qua kibbutz với trên 400 moshavim. Và tới thập niên 1980, con số lên tới 448 làng với số dân khoảng 156.700.

B. Thành tựu

Nông thôn Do Thái đã được tạo thành từ hai loại làng kibbutz và moshav, và chỉ trong vài thập niên, nông dân Do Thái đã tạo được những kỳ công mà lịch sử Do Thái gọi là phép lạ. Xin tóm tắt ít điều về những kỳ công đó như sau:

1. Về kinh tế:

a. Làm sống lại miền đất khô cằn
Nông dân Do Thái đã làm sống lại một miền đất đã bỏ hoang hàng nhiều thế kỷ với khai hoang, dẫn thủy và trồng cây. Làng được tạo lập ở đâu là ở đó trồng nhiều cây và việc trồng cây, trồng hoa đã trở thành một nếp sống văn hóa Do Thái, vì cây đã cho họ màu xanh trên những vùng đất khô cằn, và mươi, hai mươi năm sau cây sẽ giúp họ giữ đất khỏi bị soi lở. Vì thế những làng kibbutz và moshav khởi đầu được tạo dựng trên những vùng đất cằn nứt nẻ, toàn là một màu nâu đen, nhưng chỉ sau vài năm, những làng đó đã đầy cây xanh và trong làng đầy hoa.
Tổ chức Jewish National Fund được thành lập năm 1901 để mua đất cho dân Do Thái lập làng định cư, nhưng sau khi Israel được thành lập năm 1948 thì hoạt động của JNF đã chuyển sang công tác phát triển và cải thiện đất cũng như trồng cây gây rừng. Với những chương trình đó, nhiều đầm lầy đã được rút nước, những ngọn đồi được dọn đá, san thành những bậc thang để canh tác. Còn trồng cây gây rừng thì chỉ trong thập niên 1990, JNF đã trồng trên 200 triệu cây trên diện tích 120.000 ha rừng. Về dẫn thủy, theo thống kê, số đất canh tác đã tăng từ 250.000 ha năm 1950 lên 440.000 ha năm 1984, và trong số đất này, tỷ lệ đất được dẫn thủy đã tăng từ 15% năm 1950 (37.000 ha) lên 54% năm 1984 (237.000 ha). Lượng nước đã được dùng cho nông nghiệp đã tăng từ 332 triệu mét khối năm 1950 lên 1.2 tỉ mét khối năm 1948.

b. Chinh phục sa mạc
Sa mạc Negev rộng 13.310 ki lô mét vuông, chiếm hơn một nửa diện tích Israel, đã bị bỏ hoang nhiều thế kỷ. Toàn sa mạc là đất đá xám với đồi núi đá và hẻm núi sâu. Khí hậu thay đổi đột ngột từng tháng và ít mưa (2-4 in/năm), nên trên toàn sa mạc không có một cộng cỏ. Vì thế để chinh phục Negev, Israel đã thực hiện mấy chương trình sau:

Thứ nhất là tìm nước:
Năm 1964, Israel hoàn thành chương trình Israel National Water Carrier (INWC) với hệ thống ống nước khổng lồ, dài 350 km, dẫn nước từ Hồ Galilee ở phía bắc xuống những vùng ít mưa ở miền trung và miền nam. Từ hệ thống dẫn nước này, hàng năm Negev đã có thêm 320 triệu mét khối nước (tăng 75%). Vì thế, tới năm 1985, khoảng 60.000 hectares đã được cải tạo canh tác, và một vùng cát đá đã nhường chỗ cho vườn cây trái, các loại rau, ngũ cốc và bông. Ngoài việc dẫn thủy bình thường, người Do Thái còn sử dụng thêm môt kỹ thuật dẫn nước mới là hệ thống ống phun nước trên cánh đồng và trong các vườn cây.
Tuy nước hồ Galilee đã xanh hóa sa mạc Negev, nhưng không đủ, vì hồ Galilee còn phải dành nước cho những vùng khác, nên Israel đã phải đi tìm những nguồn nước ngầm nằm dưới sa mạc. Đó là những dòng nước đã bị chôn vùi từ thời Băng Hà (Ice Age). Một phần nhỏ của tầng nước ngầm này đã được hút lên và khoa học gia Israel tin tưởng là rồi đây cả sa mạc Negev sẽ tràn đầy với nước ngầm.

Thứ nhì là di dân:
Cùng với nước, trong thập niên 1950, 60, nhiều kibbutzim và moshavim đã được thiết lập trên khắp sa mạc. Và cũng trong thời gian đó, kibbutz và moshav đã tạo ra màu xanh của làng, của vườn cây trái, của cánh đồng, để lấp dần màu xám và nâu của sa mạc. Từ đó, nông dân Negev đã chăn nuôi bò, dê và cừu, đã sản xuất cam, nho, táo, dầu olive, khoai, cà rốt, hoa và bông… vừa cung cấp cho nhu cầu trong nước, vừa xuất cảng. Chẳng hạn ở phía bắc thành phố cảng Eilat, kibbutz Yotrata là một trong những trung tâm chế biến sữa hàng đầu trong xứ. Ở miền trung Negev, Kibbutz Na’ama và Roa, gần kibbutz Sde-Boker, nơi định cư của Ben Gurion, đã sản xuất rượu vang bằng nho của địa phương. Ở biên giới Israel và Ai Cập, moshav Kadesh-Barnea chuyên trồng các loại hoa để xuất cảng. Rồi ở phía bắc, kibbutz Yad Mordekhai là trung tâm sản xuất mật ong lớn nhất của Israel.

Thứ ba là khai thác quặng mỏ:
Người Do Thái đã biến sa mạc Negev thành nông trại màu mỡ, xanh tươi, nhưng dưới mặt đất đá, Negev còn chứa nhiều thứ quặng mà đầu thập niên 1960, thủ tướng Ben Gurion đã cho biết: “Negev có một cái biển khác (ngoài Hồng Hải), không quan trọng về chuyển vận, vì là một cái hồ bị đóng kín trong đất liền: Đó là Biển Chết (Dead Sea). Tuy thế, nó đặc biệt, vì nằm trong cái khe hở sâu nhất trên mặt địa cầu, khoảng 400 mét dưới mực mặt biển, và nó có nhiều muối và khoáng sản hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới. Nó chứa khoảng 2 tỉ tấn potash, trên 20 tỉ tấn magnesium chloride, trên 10 tỉ tấn sodium chloride, khoảng 6 tỉ tấn calcium chloride, khoảng 1 tỉ tấn magnesium bromide và những khoáng sản khác.

Từ khi Negev được quân lực Israel khai phá thì tuy việc nghiên cứu chưa được nhiều, nhưng cho thấy là ở đó không phải chỉ có đồng và sắt mà còn tiềm tàng nhiều thứ quan trọng khác. Chẳng hạn nhiều quặng phosphate đang được khám phá, trong đó nguồn uranium, nguyên tố cần thiết cho việc nghiên cứu nguyên tử đã được phân tách. Chúng tôi cũng đã tìm ra thạch cao, bảo thạch, đá granit, quặng cát làm kính có phẩm chất hàng đầu, đá chứa hắc ín, kaolin, khí đốt thiên nhiên…”
(David Ben Gurion, sđd, trg. 197)

Qua những khám phá này, kỹ nghệ khai thác quặng mỏ đã phát triển. Với hệ thống đường xuyên sa mạc, từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, các thành phố đã mọc lên. Và tới nay thì tiếng “sa mạc” đã gần như bị lãng quên, vì Negev đã trở thành đất sống cho gần 700.000 dân Do Thái và trên 70.000 dân Bedouin, với hai thành phố quan trọng: Thành phố Beershera ở trung tâm có 190.000 người (2005) và thành phố Eilat, 55.000 người, là hải cảng trên vịnh Aquaba, đường thủy thông ra Hồng Hải (Red Sea) để qua phi Châu và Á Châu.

c. Tự túc lương thực

Mặc dù phải chịu những điều kiện bất lợi, nông nghiệp Israel đã vượt xa những nước Ả Rập chung quanh, và đã đạt tới mức ngang với những nước tư bản tân tiến. . Kết quả này có thể thấy ở mấy điểm sau:
Về lương thực: Năm 1948, Israel chỉ sản xuất được 30% lương thực cần thiết, nhưng đến thập niên 1980, con số này đã đạt tới 80%.

1. Về xuất cảng: Với hiệu quả gia tăng năng xuất cùng với việc đa diện hóa khu vực nông nghiệp, Irael đã có thể xuất cảng một số lượng lớn nông sản sang Âu châu. Có thể kể:
- Trái cây gồm cam, táo, chanh, nho, chuối, avocado và đào.
- Rau đậu gồm cà chua, khoai tây, khoai lang, các loại dưa, ớt ngọt, củ cải ngọt và đậu phụng.
- Hoa gồm nhiều loại như hồng, huệ, tulip, phong lan và cẩm chướng. Đặc biệt là hoa Do Thái đã nổi tiếng từ lâu và có giá trị cao ở thị trường Âu Châu.
- Và các thứ nông sản khác như thịt bò, gia cầm, sữa và các loại sản phẩm sữa. Đặc biệt về ngành nuôi bò sữa, Israel đã đạt được mức kỷ lục là một con bò có thể cho 11.000 lít sữa trong một năm.
Tính chung về nông sản xuất cảng (cả tươi và chế biến), năm 1997 đã đạt trên 1.329 tỉ mỹ kim, chiếm khoảng 6.4% tổng số xuất cảng năm 1997.

2. Về văn hóa
Nông thôn Do Thái đã đóng một vai trò then chốt trong việc phục hưng nền văn hóa Do Thái trên đất Palestine. Ở đây xin ghi lại mấy vấn đề căn bản:
a. Thứ nhất là tôn giáo:
Do Thái giáo (Judaism) là tôn giáo độc thần.
Về thượng đế, người Do Thái tin có vị Thượng Đế (God) tạo và ngự trị thế giới. Ngài toàn năng, toàn tri, hiện diện khắp nơi, công minh và nhân từ.
Về loài người, người Do Thái tin rằng mỗi người được tạo ra trong hình ảnh của Thượng Đế. Vì thế, mọi người được sinh ra bình đẳng, và tin rằng con người có ý chí tự do và chịu trách nhiệm đối với những việc đã làm.
Về đức lý, Do Thái giáo dạy rằng khi người Israel đã chấp nhận 10 điều răn của Thượng Đế trên đỉnh Sinai thì họ phải cam kết tuân theo luật qui định cách thờ phụng Thượng Đế và cư xử với người khác.
Về sách kinh, Do Thái giáo có kinh Torah. Torah nghĩa là Dạy, là sự mặc khải của Thượng Đế cho dân Do Thái. Do đó, người Do Thái tuân theo kinh để nghĩ và hành động, để cảm về cái sống và cái chết, để biết về sự liên hệ của Thượng Đế với dân Do Thái.
Về lãnh thổ, Do Thái giáo tin rằng miền đất Israel (Eretz Yirael) là một phần theo lời hứa của Thượng Đế với dân tộc Do Thái trên núi Sinai. Từ thời Abraham đã có sự hiện diện liên tục của Do Thái trên đất Israel. Vì thế đất Israel đã được gọi là đất hứa (Promised land).
Về đấng cứu thế, Người Do Thái tin đấng cứu thế (Messiah) sẽ là một người (không phải là một vị chúa), từ gia đình của vua David, sẽ đưa thế giới tới thống nhất và hòa bình. Người Do Thái không tin chúa Jesus là đấng cứu thế.

Trên 2000 năm bị lưu tán, Do Thái giáo đã là mối giây liên kết người Do Thái ở bất cứ đâu và đã cung cấp cho người Do Thái một niềm tin và một nếp sống văn hóa tín ngưỡng Do Thái. Mặc dù trong những hoàn cảnh nghiệt ngã, bị bách hại ở những nước Âu Châu như Nga và nhiều nước Đông Âu, nhưng người Do Thái vẫn giữ tôn giáo của mình để cuối cùng đem tín ngưỡng ấy về Palestine, củng cố và phát triển trong những làng kibbutzim và moshavim.

b. Thứ nhì là ngôn ngữ:
Từ thân phận lưu đày qua nhiều đời, tiếng Hebrew, ngôn ngữ cổ Do Thái, đã trở thành tử ngữ, chỉ còn được dùng để cầu nguyện trong các giáo đường Do Thái trong các ghettos. Tuy dân Do Thái có thứ tiếng nói riêng là Yiddish, một thứ phương ngữ Đức được kết hợp với tiếng Hebrew, Ba Lan và Nga, và được khoảng 4 triệu người dùng ở Rumania, Nga, Pháp và Hoa Kỳ, còn đa số Do Thái, ở xứ nào thì nói tiếng xứ đó. Nhưng tiếng Hebrew đã được hồi sinh nhờ công trình của nhà ngôn ngữ học Elira Ben-Yehuda (1858-1922). Ông đã từ Lithuany trở vể Palestine năm 1882, và đã cùng một nhóm cộng sự tận tụy cho công trình làm sống lại ngôn ngữ Hebrew. Để thực hiện mục tiêu này, Ben Yehuda đã lập ủy ban ngôn ngữ Do Thái, tạo hàng ngàn từ mới cùng ý niệm trên những nguồn kinh thánh, Talmudic và những nguồn khác để đáp ứng với những nhu cầu của thế kỷ XX. Công trình của Ben Yehuda đã được dân Do Thái hưởng ứng và cộng đồng nông thôn từ những ngày đầu đã là những trung tâm phát triển tiếng Hebrew.

c.Thứ ba là nghệ thuật và ca nhạc:
Nhiều nông dân Do Thái trong kibbutz và moshav, trở về từ Nga, hay từ các nước Đông Âu và Tây Âu, vốn là trí thức và nghệ sĩ đủ các bộ môn nghệ thuật, nên cùng với đời sống lao động canh tác, họ đã biến cộng đồng nông thôn thành những trung tâm sáng tạo văn hóa, nghệ thuật với đủ các bộ môn thi ca, vũ, nhạc và họa. Từ đó, nông thôn Do Thái đã làm sống lại những lễ hội cổ truyền và những ngày quốc lễ. Để yểm trợ những tài năng trong các kibbutzim trên khắp nước, nhiều nhóm kibbutzim đã tổ chức phong trào yểm trợ các đoàn nghệ sĩ chuyên nghiệp gồm nhạc giao hưởng, nhạc thính phòng, các ban vũ mới và dân gian cùng kịch nghệ đi trình diễn thường kỳ ở Israel hay xuất ngoại.

Những viện bảo tàng do một số kibbutzim xây dựng, chuyên biệt nhiều bộ môn như nhân chủng, tự nhiên, nghệ thuật, lịch sử Do Thái và sự phát triển của Israel đã là những trung tâm lôi cuốn nhiều khách.
Về chuyện văn hóa này, Leon Uris đã tổng kết qua lời của bác sĩ Lieberman, một nhân vật trong tác phẩm Exodus như sau:
“Người Do Thái chúng tôi đã kiến tạo một nền văn minh đặc biệt ở Palestine. Ở mọi nơi trên thế giới, văn hóa của mỗi xứ hầu như luôn luôn phát xuất từ các thành phố lớn. Ở đây thì ngược lại. Cái khát vọng muôn đời làm chủ quê hương mình của dân tộc Do Thái đã quá lớn đến độ đã biến nông thôn thành nơi tạo ra di sản mới. Vì thế, thơ, nhạc, nghệ thuật, học giả và chiến sĩ của chúng tôi đã sinh xuất từ kibbutz và moshav”
(Leon Uris, Exodus, Doubleday&Company, New York, 1958, p. 356)

3. Về dựng nước và giữ nước
Trong việc lập quốc, nông thôn Do Thái đã đóng những vai trò then chốt sau đây:

a. Nông thôn chiếm giữ nhiều vị trí trên khắp Palestine:
Ngay từ những thập niên 1920, 30, những đợt di dân thứ nhì và thứ ba đã thiết lập những làng kibbutz và moshav từ phía bắc sát cao nguyên Golan vùng hồ Galilee, thung lũng Jezreel, dọc theo sông Jordan, biên giới Jordan, gọi là West bank, ở miền trung, dọc theo biển Địa Trung Hải xuống phía nam vùng núi Judean, rồi tới sa mạc Negev và Gaza.

Về việc này, tự điển bách khoa Wikipedia đã ghi:
“Kế hoạch và sự phát triển của những người Zionist tiền phong từ khởi đầu, ít nhất, một phần đã được quyết định theo những nhu cầu chính lược (politico-strategic). Việc chọn lựa địa điểm định cư, chẳng hạn, đã chịu ảnh hưởng không phải chỉ ở những tính toán về khả năng kinh tế mà còn chủ yếu vì nhu cầu phòng vệ địa phương, chiến lược định cư toàn thể, và vai trò những nhóm làng như thế có thể đóng trong tương lai, có lẽ cho một cuộc chiến đấu toàn lực. Vì thế, đất đai đã được mua hay được khai hoang ở những phần hẻo lánh của Palestine.
Những làng kibbutzim cũng đã đóng một vai trò xác định biên giới của quốc gia Do Thái (Jewish State) tương lai. Vào cuối thập niên 1930, khi có tin là Palestine sẽ được phân chia giữa Ả Rập và Do Thái, làng kibbutz đã được xây dựng ở những vùng rất xa trên lãnh thổ mandate của Anh, thậm chí nhiều kibbutzim đã được dựng trong đêm, để như chứng tỏ đất đai sẽ được sát nhập vào quốc gia Do Thái (sau này gọi là Israel), chứ không phải quốc gia Ả Rập Palestine.
Năm 1946, sau lễ Yom Kippur, mười một tháp và hàng rào của những làng kibbutzim đã được thiết lập vội vã ở miền bắc sa mạc Negev để cho Israel quyền đòi hỏi miền đất khô cằn, nhưng quan trọng về chiến lược này”.

b. Nông thôn thu hút di dân:
Từ tính chất tổ chức, những làng kibbutzim và moshavim là nơi có khả năng ổn định đời sống cho những người Do Thái mới về Palestine. Vì thế, những làng Do Thái đã phát triển nhanh theo những đợt di dân Aliya II và III. Năm 1922 chỉ có 700 người với 12 Kibbutz. Năm 1937 tăng lên 4000 với 29 kibbutz. Đến những năm trước thế chiến II, con số lên tới 26.000 với 82 làng.
Cho đến nay, trên toàn quốc có 268 kibbutzim, từ miền cao nguyên Golan ở phía bắc tới Hồng Hải ở phía nam. Dân số mỗi làng, cao nhất là 1000, còn hầu hết là mấy trăm. Khoảng 80% kibbutzim đã được tạo dựng trước ngày thành lập quốc gia Israel năm 1948.

c. Nông thôn là cơ sở luyện quân:
Từ khởi đầu, để bảo vệ việc định cư, năm 1920, những người lãnh đạo Yishuv (Palestine Jewish Community) đã thiết lập một đội quân bí mật gọi là Haganah (đội quân tự vệ). Đó là lực lượng dân quân, ngoại trừ một nhóm nhỏ là những người lãnh đạo và huấn luyện viên làm việc toàn thời được trả lương, còn tất cả là dân thường như nông dân, công nhân, học sinh, nhà chuyên môn…, được huấn luyện quân sự trong đêm và những ngày cuối tuần trong những vùng nông thôn. Về chuyện này, Leon Uris trong Exodus đã viết: “Trong việc tạo dựng Haganah, kibbutz đã là nơi tốt nhất để huấn luyện những chiến sĩ trẻ. Con số mươi hay hai chục người có thể dễ dàng sống giữa 3 hay 400 nông dân. Rồi kibbutz lại là nơi tốt nhất để chôn dấu vũ khí và chế tạo vũ khí nhỏ, và đa số những người lãnh đạo có tài của Haganah đã xuất thân từ các Kibbutzim”.
(Leon Uris, sđd, trg. 279)

d. Nông thôn là hàng rào chiến lược:
Trong những năm cuối thập niên 1940, kibbutzim và moshavim đã được giải khắp lãnh thổ Mandate Palestine. Mỗi làng đã trở thành một pháo đài (stronghold) được rào kín bằng những hàng rào thép gai với giao thông hào hay hàng rào cây với đất và dân làng đã sẵn sang tự vệ bất cứ lúc nào. Chính từ cảnh sống tay súng tay cày này mà nông dân Do Thái đã có thể chận đứng được những cuộc đột kích của những đội quân du kích của Ả Rập để giữ làng. Và khi Do Thái tuyên bố thành lập quốc gia Israel, hệ thống làng Do Thái đã là những hàng rào chận đứng những cánh quân chủ lực có xe tăng, pháo binh của Syria, Iraq và Ai Cập trong trận chiến cứu nước, khi những cánh quân này tiến vào Israel để “Ném người Do Thái xuống biển” như chính quyền mấy nước Ả Rập đã tuyên bố với Liên Hiệp Quốc.

D. Nông thôn Do Thái ngày nay


Khi mới xây dựng, kibbutz và moshav, thế hệ tiền phong với tư tưởng lấy lao động bắt rễ vào đất, đã đặt căn bản vào nông nghiệp, sau đó theo nhu cầu đã phải phối hợp sản xuất nông nghiệp với một số ngành kỹ nghệ như nông cụ, chế biến nông sản…. Rồi tới thập niên 1990, trước những tiến bộ về kỹ thuật và kinh tế thế giới, kinh tế nông thôn Do Thái đã biến đổi nhanh chóng, ngoài việc canh tân nông nghiệp, nông gia đã đa diện hóa nhiều ngành khác. Có thể kể:

Về sản xuất chế tạo: Thiết lập những xí nghiệp chế tạo sản phẩm kim loại, điện tử, plastics, cao su, dụng cụ nhãn khoa, dệt vải, y dược, văn phòng phẩm, đồ chơi, nữ trang và khí cụ âm nhạc…
Về sản xuất chế biến: Thiết lập những xí nghiệp liên hợp nông nghiệp chế biến các loại thực phẩm đóng hộp như thịt bò, thịt gia cầm và trái cây…

Về dịch vụ: Do dân số gia tăng và đô thị phát triển, nhiều vùng nông thôn trở thành những vùng ngoại ô đô thị, vì thế nông dân đã phát triển kỹ nghệ dịch vụ như giặt ủi, cung cấp thực phẩm, cửa hàng bán lẻ và trung tâm giữ trẻ.

Về du lịch: Ngành du lịch của Israel đã phát triển rất sớm, vì Palestine là miền đất chứa đựng nhiều thánh tích tôn giáo. Do đó, từ thập niên 1990, nhiều kibbutzim và moshavim đã tận dụng vị thế sẵn có là cái đẹp của làng, ở khắp nơi từ miền núi, hồ, biển tới sa mạc, để biến nông thôn thành những trung tâm du lịch. Du khách tới đây có nhà khách, khách sạn, bể bơi, đi ngựa, viện bảo tàng, sở thú, nghe hòa nhạc bên hồ và dự những hội lễ nông nghiệp với vũ điệu dân gian Hora trong lễ Olive tháng mười, lễ hái nho mùa hè, lễ hái đào vào cuối Xuân và nhiều thứ hội khác nữa.

Theo sự đa diện hóa, nông dân Do Thái đã tham gia các ngành nghề theo tỷ lệ như sau:
- Nông nghiệp và nuôi cá: 24%
- Kỹ nghệ, quặng mỏ: 24%
- Du lịch, thương mại và tài chánh: 11%
- Vận tải: 5%
- Xây dựng: 1%
- Dịch vụ cộng đồng: 18%
- Dịch vụ cá nhân: 17%
(Từ web Israelmybeloved.com)

Trên tiến trình biến đổi, tính chất của kibbutz và moshav cũng đã thay đổi về nhiều mặt:
Về cơ cấu quản lý: Trước kia theo chế độ tự quản với dân chủ trực tiếp, nay được thay bằng những ban đại diện.
Về gia đình: Trước kia, con cái được nuôi dạy riêng và ở xa cha mẹ, ngày nay, từ thập niên 1970, đời sống ở kibbutz đã đặt trọng tâm ở gia đình, nên con cái được cha mẹ nuôi dạy và sống với cha mẹ, và trong nhiều kibbutzim nông gia đã có thể nấu ăn tại nhà.
Về công hữu: Trước kia, mọi tài sản là công hữu, nay thì nguyên tắc công hữu đã giảm vì sự phát triển kỹ nghệ, và nông gia đã tự mình thiết lập những liên doanh sản xuất, dịch vụ tư. Rồi trong kibbutz, có nhiều nông gia đi làm ngoài với lương cao, đã tích lũy tài sản riêng, mua nhà ở thành phố cho thuê. Vì thế, từ thập niên 1990, tính chất của kibbutz đã có nhiều thay đổi từ phạm vi cá nhân tới cộng đồng:
- Với cá nhân thì không còn chuyện cùng làm, cùng hưởng, vì đã có người giàu người nghèo, nên kibbutz đã phải điều chỉnh chính sách. Chẳng hạn, một số kibbutzim đã chấp nhận một hệ thống lương khác biệt, trong đó ngoài mức lương tối thiểu, còn có mức cao hơn cho những thành viên kỳ cựu, những người chịu trách nhiệm nặng nề và những người đi làm ngoài kibbutz có lương cao. Từ đó, đời sống cá nhân trong kibbutz đã thay đổi về việc làm, ăn và ở. Rồi trong một số kibbutzim khác, thành viên đã phải trả một loại thuế căn bản cho tất cả những dịch vụ trong kibbutz.
- Với cộng đồng thì trước kia cũng đã có kibbutz giàu nghèo khác nhau, nhưng tất cả đã cùng sống và cùng làm theo nguyên tắc tập thể và công hữu. Còn bây giờ sự phân cách giàu nghèo ngày càng lớn (do sự thành bại trong cách làm ăn mới) nên đã có sự thay đổi về nguyên lý nền tảng giữa các kibbutzim, trong đó kibbutz giàu duy trì nguyên lý cũ, còn kibbutz nghèo thì tìm đường ra khỏi cách làm và cách sống cũ.

Như thế, chuyện vô sản ở kibbutz đã biến dần và quyền tư hữu đã trở về với những đứa con và cháu của thế hệ tiền phong.

Còn đối với moshav thì sự biến đổi tự nhiên hơn, vì tính chất tư do từ khởi thủy: Làm riêng và sống riêng. Nhưng ngày nay thì nông dân moshav tìm cách đạt tới độc lập hơn về kinh tế. Vì thế, các ngành sản xuất kỹ nghệ liên hợp, dịch vụ và du lịch cũng được phát triển song song với nông nghiệp giống như hệ thống kibbutz đã thực hiện.

Để nhìn về tương lai của cộng đồng nông thôn Israel, xin trích dẫn ít điều của mấy nhà nghiên cứu Do Thái:
- Dân số Israel là 6.500.000, trong đó nông dân chiếm khoảng 9% với 3.7% trong các làng thường, 2.2% trong kibbutzim và 3.1% trong moshavim. Nông dân với những hình thức định cư đặc thù đã đem đến một bầu khí riêng biệt cho Israel. Khi Israel đi vào thế kỷ 21, nông thôn đã thích ứng với đời sống mới: Kibbutzim và moshavim đã bớt tập trung hóa, đồng thời đặt nặng đời sống gia đình và cá nhân; làng đã đầu tư thêm tài nguyên vào kỹ nghệ và nông nghiệp; đô thị thể hiện khuynh hướng ngoại ô hóa và kỹ nghệ được chuyển tới vùng ngoại ô.
- Hình như mỗi kibbutz cuối cùng sẽ tìm ra kiểu phát triển của riêng nó từ cái cũ và cái mới. (Henry Near, Kibbutz historian)
- Kibbutz đã đi vài giai đoạn bể ra từng mảng. Một số đang đi vào chế độ lương và giá cả…Từ đó, người ta nghĩ là sự cáo chung của đời sống tập thể đang tới.
(David Bailey, Sociologist, University of Birmingham)
(Focus on Israel: Kibbutz, mfa.gov.il)

(còn tiếp)

No comments: