Tuesday, November 4, 2008

SÔNG SÀI GÒN SẮP CHẾT THEO SÔNG THỊ VẢI

Đến lượt sông Sài Gòn chết theo sông Thị Vải
Ngày 04.11.2008 Giờ 20:43
http://www.sgtt.com.vn/detail29.aspx?newsid=42882&fld=HTMG/2008/1104/42882
Chi phí "trị bệnh" cầm hơi cho nguồn nước uống của 1,5 triệu người dân TP.HCM, do tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng của sông Sài Gòn, do nhà máy nước Tân Hiệp khai thác, tiêu tốn tối thiểu mỗi năm 50 tỉ đồng, tính đến thời điểm hiện nay.

Nước sông Sài Gòn, đoạn tại cầu Bình Triệu bị phân chia thành hai màu rõ rệt do ô nhiễm. Ảnh: M.P
http://www.sgtt.com.vn/HTMG/2008/1104/42882/01.jpg

Các nhà khoa học đã hoàn tất giai đoạn 1 đề tài nghiên cứu khoa học về tình hình ô nhiễm sông Sài Gòn ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các chỉ tiêu đối với nguồn nước thô trên sông Sài Gòn cung cấp cho các nhà máy nước Tân Hiệp như pH, Mn, Fe, Coliform, DO, độ đục… đều vượt chuẩn cho phép.
So năm 2005, năm 2008 chỉ tiêu về Mn tăng bốn lần, ammonium 10 lần, riêng tổng coliform – khuẩn gây ngộ độc đường ruột - tăng đến 30 lần.

Chỉ rõ nguồn gây ô nhiễm


Các nhà khoa học nhận định, hàm lượng Mn cần thiết cho con người nhưng tiếp xúc quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho thần kinh, não, làm giới hạn sự phát triển trí thông minh và trí tuệ của trẻ em.
Theo nghiên cứu, nguồn gây ô nhiễm là từ khu vực tây bắc tỉnh Bình Dương, nơi có nhiều doanh nghiệp luyện sắt, thép, giấy, cao su xả thải ra sông Thị Tính đổ vào hạ lưu là sông Sài Gòn.

Toàn lưu vực sông Sài Gòn hiện có 29 khu công nghiệp và tám cụm công nghiệp, trong đó khu vực thượng nguồn là tỉnh Bình Dương có 18 khu công nghiệp và tám cụm công nghiệp. Trong tương lai con số này sẽ tiếp tục tăng cao; đồng thời, một địa phương vùng thượng nguồn khác là tỉnh Tây Ninh đang phát triển các nhà máy sản xuất thực phẩm, hóa chất. Nhưng đáng lo ngại nhất là việc chế biến mủ cao su, giấy bột, sản xuất hóa chất và dệt nhuộm vì các ngành này phát sinh các loại hóa chất độc hại.

Kết quả nghiên cứu trên khá trùng khớp với kết quả quan trắc mới nhất của chi cục Bảo vệ môi trường thành phố. Các chỉ tiêu trên lưu vực thượng nguồn sông Sài Gòn, nhất là sông Thị Tính đều vượt tiêu chuẩn cho phép và gia tăng so với cùng kỳ. Đơn vị này cũng nhận định, trong đó các chỉ tiêu BOD5, COD tăng mạnh nhất ở trạm Thị Tính chứng tỏ ô nhiễm hữu cơ từ phía Bình Dương chảy về TP.HCM.
Mỗi năm tiêu tốn ít nhất 50 tỉ đồng

Nhà máy nước Tân Hiệp có công suất 300.000 m3/ngày, mỗi ngày khai thác 324.000 m3 nước thô với họng thu nước đặt trên sông Sài Gòn, tại xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM. Nhưng trong bán kính 15 km xung quanh nhà máy nước Tân Hiệp, sông Sài Gòn hiện hứng chịu nhiều nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động của các doanh nghiệp và việc xả thải từ sinh hoạt.

Chất lượng nước mặt luôn “nhảy múa” khiến nhà máy nước Tân Hiệp phải tăng lượng hóa chất để đảm bảo xử lý, cung cấp nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn. Nhưng có lúc ô nhiễm quá cao, nhà máy nước buộc phải giảm công suất cung cấp nước sạch cho người dân.

Trong xu thế ô nhiễm hiện nay, việc cải tiến công nghệ của nhà máy nước Tân Hiệp phải được đặt ra vì theo thiết kế, nhà máy chỉ có thể cung cấp nước đạt tiêu chuẩn với điều kiện nước mặt với các chỉ tiêu như Mn, chất hữu cơ và ammonium không quá ô nhiễm. Nếu cải tiến công nghệ xử lý và tính khấu hao 10 năm thì chi phí xử lý nước tăng thêm ít nhất gần 460 đồng/m3. Bình quân hơn một triệu dân thành phố ở các quận Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, 6, 7, 8… phải chịu chi phí tăng thêm mỗi năm là gần 50 tỉ đồng.

Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng nguồn nước sông Sài Gòn tiếp tục ô nhiễm, vượt quá khả năng xử lý của nhà máy nước Tân Hiệp thì bắt buộc phải di dời trạm bơm lên hồ Dầu Tiếng. Khi ấy, xã hội sẽ phải gánh thêm phần chi phí gia tăng tương ứng với công suất của nhà máy nước Tân Hiệp là 300.000 m3/ngày và 900.000 m3/ngày (trong tương lai) là gần 580 triệu đồng/ngày và 1,55 tỉ đồng/ngày. Tổn thất chung cho một năm lên đến hơn 212 tỉ đồng và hơn 565 tỉ đồng.
Minh Phong


Rừng đặc dụng Nam Hải Vân “sắp chết”
Thứ hai, 03/11/2008, 16:31 (GMT+7)
http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/2008/11/170585/
Rừng đặc dụng Nam Hải Vân (thuộc địa bàn quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) với những cây thông Caribe hàng chục năm tuổi đang chịu sự tàn phá của “lâm tặc”. Việc ngăn chặn của các lực lượng chức năng chưa hiệu quả nên không lâu nữa, gần 300ha rừng thông quý sẽ bị xóa sổ...?

Lợi dụng trời mưa để phá rừng

Lợi dụng những ngày mưa lớn, Nguyễn Văn Minh (SN 1989), trú tổ 2 Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu) vác cưa và rừng “xẻo” gỗ. Lúc 9g30 ngày 22-10, khi đang loay hoay vận chuyển gỗ tại Tiểu khu 16 ra ngoài , Minh bị tổ tuần tra Đồn biên phòng 244 bắt giữ. Kiểm tra hiện trường, lực lượng kiểm tra phát hiện có 27 khúc thông (đường kính khoảng 20cm, dài từ 2-3m) còn nằm la liệt giữa rừng đang chờ đưa đi. Qua điều tra ban đầu, Minh khai nhận trước đó (ngày 19-10) đã từng vào rừng chặt 12 khúc thông mang về bán cho một người tên Nhị được 150.000đ.

Ông Trần Huy Độ, Trưởng ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân cho biết, lợi dụng đợt mưa lũ trong mấy ngày qua, nhiều người dân ở Kim Liên lại lén lút vào chặt phá rừng đặc dụng Nam Hải Vân để lấy gỗ. Qua kiểm tra của lực lượng bảo vệ rừng, chỉ từ ngày 16 đến 19-10, có ít nhất 40 - 50 cây thông gần 30 năm tuổi bị đốn hạ, chở đi tiêu thụ trót lọt, trong đó có nhiều cây ở Tiểu khu 11, chỉ cách khu dân cư tổ 1 Kim Liên vài chục mét.

Trước đó, ngày 16-10, lực lượng bảo vệ rừng phát hiện 10 khúc gỗ trong nhà dân ở tổ 5 - 6, vừa tịch thu thì một ngày sau phát hiện thêm hàng chục cây tại Tiểu khu 11 bị hạ ngổn ngang.
Ông Trần Văn Hà, Chi cục phó, Hạt trưởng Kiểm lâm Liên Chiểu còn cho biết: Vào ngày 6 và 7-10 vừa qua, gần 30 lâm tặc xếp đá lên đường ray chặn tàu để chuyển hơn 50 súc gỗ lên tàu, làm cho tàu chậm 1 giờ đồng hồ; có những vụ kiểm lâm thu giữ gỗ lậu trên tàu liền bị hàng chục lâm tặc chặn tàu tại ga Kim Liên (Lăng Cô) để cướp gỗ và đe dọa trưởng tàu.

Nguy cơ “trắng rừng”

Trong những ngày cuối tháng 10, chúng tôi vào các Tiểu khu 16, 4A, 11... Tại Tiểu khu 16, hàng chục gốc thông với đường kính khoảng 50-70cm nằm trơ trọi, nhựa thông ứa ra từng cục, đặc quánh. Xen lẫn số gốc thông bị triệt hạ kéo dài nhiều tháng qua thì hàng chục gốc thông 25-30 năm tuổi cũng vừa bị lâm tặc triệt hạ.

Còn nhớ hồi giữa năm 2008 khi chúng tôi đến khu rừng này, thông vẫn còn độ dày, ngăn được tầm mắt nhìn, nhưng mới vài tháng mà đã gần như trống trắng. Các Tiểu khu 11, 4A cũng không khác, thông Caribe bị cưa đổ ngổn ngang, có cây đã bị lâm tặc cưa ra từng khúc để đưa đi…

Chuẩn bị rời Tiểu khu 11, chúng tôi gặp tổ kiểm lâm 3 người do anh Đinh Văn Miền chỉ huy khi đang “vật lộn” với 4 khúc thông vừa bị lâm tặc “xẻ thịt”. “Lực lượng đã mỏng mà lâm tặc cứ hoành hành thế này thì rừng trắng ngày nào không hay. Chỉ trong vòng gần 1 tháng trở lại đây, chưa kể lượng gỗ được lâm tặc đưa trót lọt ra ngoài tiêu thụ, đơn vị còn phát hiện gần nhiều khối gỗ chúng để lại trong rừng”.

Vài năm trở lại đây, các ngành chức năng và chính quyền quận Liên Chiểu đã triển khai hàng chục đợt ra quân truy quét lâm tặc tại rừng đặc dụng này, nhưng rồi sự việc chỉ lắng xuống một thời điểm ngắn lại tái phát trở lại, dẫn đến việc giữ rừng không hiệu quả, thậm chí các đơn vị còn cho rằng do hoạt động “dẫm chân nhau” nên trách nhiệm cứ đổ qua đổ lại! Trong khi đó, lâm tặc thì lì lợm, thậm chí còn ngang nhiên triệt hạ hàng loạt cây thông lớn sau đó băm nát để “dằn mặt” lực lượng giữ rừng.

Cạnh đó, hiện trên địa bàn Liên Chiểu đang tồn tại gần 10 xưởng cưa xẻ gỗ góp phần tàn phá rừng, bởi phần lớn các xưởng cưa này là nơi tiêu thụ gỗ do “lâm tặc” khai thác từ rừng đặc dụng Nam Hải Vân chuyển về. Nguy cơ rừng đặc dụng Nam Hải Vân bị xóa sổ là rất lớn.

Theo ông Trần Huy Độ, Trưởng BQL rừng đặc dụng Nam Hải Vân: Một địa bàn ít rừng như Liên Chiểu lại có 2 cơ quan là BQL rừng đặc dụng và Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu nên chăng cần cho sáp nhập làm 1 để dễ bề quản lý. Thực tế, BQL rừng đặc dụng là chủ rừng nhưng không có quyền phạt lâm tặc, còn Hạt Kiểm lâm có trong tay quyền phạt thì việc xử phạt lại không hiệu quả cao, cuối cùng, rừng vẫn bị tàn phá nghiêm trọng. Phải phạt thật nặng tay, cần thiết khởi tố hình sự may ra lâm tặc mới chùn tay.

NGUYỄN HÙNG

No comments: