Friday, November 7, 2008

SẢN XUẤT RƯỢU TỪ CỒN

Đột kích khu chế xuất rượu… cồn
Cập nhật lúc 11h02" , ngày 28/10/2008
http://www.vnmedia.vn/newsdetail.asp?NewsId=147673&Catid=18
Mỗi phuy nước được chia làm bốn phần, nước chiếm ba phần còn cồn chiếm một phần. Sau khi phân đủ gáo cồn đã định, từ trong nhà, một người phụ nữ kéo theo một vòi bơm vội phun xối xả nước vào trong những chiếc phuy đã được sang chiết cồn. Sau khi nước đã đầy thùng, chị ta tiếp tục cầm một chiếc đòn gỗ cật lực khoắng. Toàn bộ công nghệ "chế" ra hàng trăm lít rượu trên chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy hai mươi phút.

››Đựng rượu bằng... săm ô tô và thùng sơn
››Thêm mẫu rượu có hàm lượng chất độc vượt quy định 400 lần

Nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng 40km, thời gian gần đây, người dân làng Đại Lâm (xã Tam Đa) nói riêng và huyện Yên Phong, Bắc Ninh nói chung đang hết sức bức xúc về tình trạng pha chế rượu cồn với công thức: "Nước lã + cồn + hương liệu" của một số cơ sở, hộ gia đình.

Việc làm này không chỉ làm cho cái danh về một làng nghề nấu rượu xưa ở Đại Lâm bị mai một, vấy bẩn mà còn đang trực tiếp đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng…

“Giá nhập siêu rẻ, lợi nhuận lại cao”

Để "mục sở thị" cách chế rượu "độc đáo" từ cồn của một số lượng không nhỏ các hộ gia đình người làng Đại Lâm, xã Tam Đa đang làm, trong vai người đi buôn rượu, chúng tôi đã có cuộc thâm nhập thực tế, tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra ở nơi đây.

Đại Lâm vốn là một làng nghề truyền thống nổi tiếng khắp các vùng trong cả nước về nghề nấu rượu. Gần đây nhất vào năm 2007 tại hội chợ triển lãm Vân Hồ (Hà Nội) sản phẩm rượu của làng Đại Lâm đã đạt giải nhì trong hội thi các sản phẩm làng nghề.

Thế nhưng có về tới làng rượu truyền thống lâu đời của vùng quê Bắc Ninh mới thấy hết được bên cạnh những lò nấu, chưng cất thuần túy còn có sự ra đời rất độc đáo của một số cơ sở cá biệt vì chạy theo vụ lợi cá nhân đang tâm sản xuất ra những loại rượu ẩn chứa nhiều nguy hại, mà ngay chính cả người dân trong làng cũng không khỏi ngỡ ngàng, bàng hoàng.

Con đường làng Đại Lâm chỉ dài vài km song lại la liệt các thùng phuy dùng để chứa rượu, cồn của các hộ làm rượu tại đây. Mỗi hộ gia đình là hàng chục các phuy nhựa bầy la liệt hai bên vệ đường. Những phuy nhựa này chỉ chờ tới khi trời chạng vạng tối vào cuối ngày là sẽ được ôtô từ khắp các nơi đổ về lấy đi chuyển tới khắp các thị trường người tiêu dùng.

Trong vai người khách buôn rượu, chúng tôi không khó để tiếp cận các đại lý, các đầu mối về rượu lớn nhất nhì tại đây.

M. - một đầu nậu chuyên cung cấp rượu ra thị trường Hà Nội diễn giải về những loại rượu mà làng mình có thể sản xuất: "Ngoài rượu sắn, rượu gạo, ở đây bọn tôi còn sản xuất ra được cả loại rượu có giá nhập siêu rẻ mà lợi nhuận thu được lại cao".

Trong câu chuyện, M. không ngần ngại đưa ra giá thành cũng như quy trình cung cấp những loại rượu cho năng suất cao chính là rượu cồn - một loại rượu được pha chế từ nước lã, cồn thực phẩm và hương liệu.

Theo M., hiện số lượng hộ bán rượu xịn (nấu từ gạo, sắn) là rất ít, hầu hết các đại lý lớn tại đây thường chỉ chuyên cung cấp rượu cồn. Các phuy bầy ở hai bên đường công dụng chính nhằm đựng cồn và nước lã hoàn toàn không phải là những phuy rượu xịn như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Những chiếc phuy rượu cồn đã được pha chế (loại 200ml) có giá dao động từ 1.000.000đ - 1.200.000đ, còn đối với phuy rượu sắn thực thụ thì giá của nó là 1.600.000đ -1.800.000đ.

Lòng vòng qua vài câu chuyện, chúng tôi được ông chủ M. bắt mối ngay: "Nếu các anh thích lấy rượu xịn cũng được, nhưng nói trước là hàng rất ít và lợi nhuận thu được là không cao!", "Thế lấy rượu cồn như anh vừa nói liệu có đảm bảo?" - tôi vờ hỏi nhỏ. "Đừng lo xa, bọn tôi bán với số lượng lớn cho rất nhiều đầu mối khắp các nơi đổ về có vấn đề gì đâu".

Cũng chính nhờ M., mà tôi được biết, rượu cồn thường được đổ buôn mỗi lần cho các đại lý có số lượng từ 3 phuy trở lên. Qua lời bộc bạch của M. tôi đã hiểu tại sao mỗi ngày, làng Đại Lâm lại có thể xuất xưởng hàng chục thậm chí là hàng trăm phuy rượu mỗi ngày với tổng số rượu được đưa ra thị trường lên đến cả chục ngàn lít.

Trong khi trên thực tế, để có được vài chục lít rượu, các hộ dân phải mất một khoảng thời gian là cả tuần và công đoạn khá cầu kỳ chứ chưa nói đến chuyện sản xuất ra hàng trăm, chục ngàn lít rượu…".

"Choáng" công nghệ pha chế!

Tạt vào quán nước ven đường, chúng tôi tiếp tục được chứng kiến thêm cảnh "chế" rượu của một đại lý khác. Họ chế rượu không dựa vào bất kỳ một công nghệ cao siêu nào và hoàn toàn giữa "thanh thiên bạch nhật" như không có gì phải che đậy. Ba nam thanh niên mình trần mỗi người một việc, họ ngả dần từng phuy nhựa rồi lần lượt múc từng gáo nước đổ vào trong mỗi phuy.

Bà chủ quán nước vừa chỉ tay về chiếc gáo nước nhựa mà một nam thanh niên đang hỳ hục múc từ phuy khác đổ vào vừa giải thích: "Những gáo nước đó chính là cồn đấy, mỗi phuy được chia ra làm bốn phần, nước chiếm ba phần còn cồn chiếm một phần".

Sau khi phân đủ gáo cồn đã định, từ trong nhà, một người phụ nữ vận chiếc áo nâu sòng kéo theo một vòi bơm vội phun xối xả nước vào trong những chiếc phuy đã được sang chiết cồn. Sau khi nước đã đầy thùng người phụ nữ này tiếp tục cầm một chiếc đòn gỗ cật lực khoắng. Toàn bộ công nghệ "chế" ra hàng trăm lít rượu trên chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy hai mươi phút. "Rượu đấy!" - bà lão nhoẻn miệng cười.

Theo chân H. - một anh bạn cũ và cũng là một tay chuyên cung cấp rượu của làng Đại Lâm ra Hà Nội về căn nhà nơi H. đang sinh sống. Tại đây, chúng tôi đã được "thưởng thức" trực tiếp công đoạn pha chế rượu cồn. Từ trong góc tối của căn nhà, H. lôi ra 3 chai dung dịch màu trắng đặt ra lên mặt bàn.

"Xem tôi biểu diễn đây thì biết" - vừa nói H. vừa trộn đều 3 chai dung dịch lại với nhau. Chỉ sau 5 phút, thứ nước hỗn độn trước mắt tôi khi nãy giờ đã trở thành một thứ rượu có mùi hương nếp nồng không khác nhiều so với những loại rượu mà tôi đã từng được uống tại những quán ăn ngoài Hà Nội.

Theo H. giải thích, mỗi một lít cồn sẽ cho ra đời được 4 lít rượu. "Quả là lãi, chỉ với một lít cồn giá 10.000đ các đại lý có thể bán ra được 4 lít rượu có giá là 20.000đ".

Đem "công nghệ" pha chế rượu từ cồn của một số hộ ở làng Đại Lâm đến trao đổi với lãnh đạo UBND xã Tam Đa, chúng tôi được ông Hoàng Đắc Tư - Chủ tịch UBND xã Tam Đa cho biết, tình trạng pha chế rượu cồn của một số cơ sở ở làng Đại Lâm đã xuất hiện từ vài năm trước đây.

Và hiện toàn làng Đại Lâm, ngoài những hộ nấu rượu bằng phương pháp thủ công, chưng cất ra, có khoảng hơn 10 hộ làm đại lý chuyên cung cấp rượu có dấu hiệu pha chế từ cồn.

Cũng theo ông Tư, công nghệ pha chế rượu cồn được thực hiện khá đơn giản. Chỉ với 1 lít cồn thực phẩm (có nồng độ từ 95-98 độ) và 3 lít nước cộng với một số hương vị phụ gia sau ít phút lắc đều sẽ cho ra ngay 4 lít rượu có nồng độ cũng như hương vị không khác gì là mấy so với những ly rượu quê thông thường. "Nhiều hộ để có thêm hương vị của rượu sắn, họ đã đổ thêm một chút rượu sắn vào trong các phuy rượu cồn".

Cũng theo ông Tư, các đối tượng làm rượu cồn thường chỉ pha chế trước khi có xe chở hàng đến khoảng 1 tiếng chứ không để tồn hàng nhiều ngày ở trong nhà. Thời gian vận chuyển cũng như giao dịch rượu cồn từ các đại lý tới những địa phương khác diễn ra không cố định.

Rượu Đại Lâm vừa đạt giải nhì trong hội thi các sản phẩm làng nghề của hội chợ Vân Hồ, Hà Nội. Song hình ảnh về một làng truyền thống với nghề nấu rượu lâu đời lại đang bị vẩn đục bởi cách chế rượu từ cồn và nước lã mà một số lượng không nhỏ các hộ gia đình, các đại lý tại đây đang làm. Rượu từ cồn và nước lã sẽ còn đưa lại cho người tiêu dùng bao nhiêu những ẩn họa khi chưa có sự vào cuộc từ phía các cơ quan chức năng?!
(Theo CAND)

No comments: