Friday, November 21, 2008

PHÁP QUYỀN và CÔNG LÝ HÌNH THỨC

Pháp quyền và Công Lý Hình Thức
Nguyễn An, Biên tập viên RFA
2008-11-20
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Jurisdiction-and-the-formalistic-Justice-11202008172546.html

Trao đổi với BTV Nguyễn An trong buổi phát thanh trước, Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về nhân quyền, trụ trụ sở đặt tại Paris có nêu lên vấn đề Tổng thống G W Bush đã để lại một di sản về nhân quyền ở Việt Nam.

Luật sư Trần Thanh Hiệp. Photo: RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Jurisdiction-and-the-formalistic-Justice-11202008172546.html/TranThanhHiep_by-VietTan9-2004.jpg

Hôm nay BTV Nguyễn An tiếp tục bàn với Luật sư Hiệp về về thực chất pháp lý và thực tế của di sản ấy. Trước hết, luật sư Hiệp nhắc lại hiện tình nhân quyền Việt Nam, với gần 50 người hiện đang bị giam giữ chỉ vì đã phát biểu ý kiến cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền một cách ôn hòa.

Nhân quyền ở Việt Nam thời kỳ TT Bush

Trần Thanh Hiệp: Theo tôi, đó là kết quả của đường lối ngoại giao về nhân quyền ở Việt Nam của Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm kỳ, George W. Bush. Ông Bush sẽ để lại cho người kế vị mình là Tổng thống vừa đắc cử Obama di sản này. Ta có thể nhận biết di sản ấy ở hai mặt thực tế và pháp lý.
Về mặt thực tế thì tôi chỉ xin kể ra một số trường hợp nạn nhân bị đàn áp, là luật sư tranh đấu Lê Quốc Quân, sinh viên Ngô Quỳnh, ông Nguyễn Văn Hải, (tức nhà báo Điếu Cày), nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, ông Phạm Văn Trội, nhà thơ Trần Đức Thạch, dân oan Nguyễn Văn Túc, sinh viên Bùi Quang Toản, dân oan Đỗ Duy Thông cô Phạm Thanh Nghiên, nhà giáo Vũ Hùng, bà Lê Thị Kim Thu, vân vân…
Điều đáng nói là tất cả những vi phạm nhân quyền trắng trợn này đều đã dựa trên cơ sở luật pháp do chế độ đặt ra và cũng đã được đem ra duyệt xét trong những cuộc đối thoại tay đôi hàng năm với phía Mỹ.

Nguyễn An: Phải chăng vì thế mà Luật sư đã muốn gián tiếp nói rằng những hành vi ấy đã được phía Mỹ chấp nhận?
Trần Thanh Hiệp: Tôi chỉ muốn vạch ra rằng Hoa Thịnh Đốn quả thật có chính thức yêu cầu Hà Nội tôn trọng những tiêu chuẩn của luật quốc tế về nhân quyền và trong suốt hai nhiệm kỳ 8 năm của ông George W. Bush đã có nhiều cuộc đối thoại song phương Việt Mỹ về nhân quyền trên những cơ sở ấy.
Nhưng trong thực tế thì không phải là để làm áp lực buộc Hà Nội phải triệt để thi hành mà có lẽ chỉ để cho Hà Nội tự do mặc cả việc thi hành này rồi duy trì sự đàn áp dưới hình thức này hay hình thức khác.
Tức là có vẻ như phía Mỹ đã cố ý hay vô tình tạo điều kiện pháp lý cho Hà Nội mượn luật pháp che đậy việc làm sai trái là đàn áp. Dư luận trong nước dư luận quốc tế từ lâu đã thấy rõ điều đó rồi. Riêng tôi thì suốt hơn nửa cuộc đời tôi đã lên tiếng tố cáo hành động lạm quyền tiếm quyền phi pháp của Đảng Công sản trên đất nước Việt Nam và thật đáng buồn khi thấy tình trạng phi pháp này vẫn cứ kéo dài mãi.

Việt Nam: chế độ phi pháp?

Nguyễn An: Luật sư nói rằng đó là một tình trạng phi pháp. Vậy đó là tính phi pháp của cả chế độ hay chỉ là của một số hành vi nhất định. Dù gì thì CHXHCNVN cũng là một nước có Hiến pháp, có quốc hội và chủ trương cai trị theo tinh thần pháp quyền.
Trần Thanh Hiệp: Chế độ là phi pháp vì không do người dân bầu ra mà đã được áp đặt bằng những cuộc bầu cử do Mặt Trận Tổ Quốc sắp xếp trước. Thêm nữa, nó lại theo đuổi đường lối cai trị độc tài chà đạp lên nhân quyền và dân quyền, đi ngược lại lòng dân nên dân không tự nguyện tuân theo luật pháp của chế độ.
Đảng cầm quyền tự cho mình quyền lãnh đạo vô thời hạn là tiếm quyền. Làm ra luật pháp độc đóan để bảo vệ bằng mọi giá việc tiếm quyền ấy là lạm quyền. Đứng về các mặt dân chủ và luật học mà nói thì đó nó là một chế độ hoàn toàn bất hợp pháp và phi chính thống.

Nguyễn An: Để bảo vệ trật tự thì xã hôi nào cũng phải có luật pháp. Tại Việt Nam một bộ luật Hình sự đã được ban hành, và việc xét xử lại được trù liệu trong một bộ luật hình sự tố tụng,
Đó là những chỉ dấu của nền Công lý của một nước và trước dư luận quốc tế nhà cầm quyền Việt Nam đã biện minh như vậy cho những biện pháp bảo vệ trật tự của họ. Luật sư nghĩ sao về cách biện minh này?
Trần Thanh Hiệp: Tất nhiên là chính quyền nào thì cũng phải cai trị bằng pháp luật. Hơn hai nghìn năm về trước quân chủ chuyên chế tại Trung Hoa đã chủ trương pháp trị, Thế kỷ trước Phát xít quốc xã Đức và chuyên chính toàn trị Nga cũng không thiếu luật pháp.
Hiện nay có thể nói bộ máy cầm quyền cộng sản ở Việt Nam đã sản xuất ra một hệ thống văn bản pháp lý phức tạp chưa từng thấy. Nhưng chính vì thế mà người dân đã bị tước đoạt hết mọi quyền tới mức cũng chưa từng thấy.
Vậy vấn đề là khi nói luật pháp thì phải biết rõ là loại pháp luật nào đã được áp dụng ở Việt Nam. Nếu không phải là luật pháp dân chủ mà là luật pháp độc tài thì thật là một tai họa lớn cho dân. Bởi vậy luận điệu chống chế pháp quyền của viên chức công an chuyên trách việc đàn áp chỉ là thủ doan của chuyên viên chối tội.
Nếu tình trạng lạm quyền phi pháp còn cứ tồn tại trong mối quan hệ ngoại giao bình thường Việt Mỹ như hiện nay thì ở Việt Nam chỉ có pháp quyền và công lý hình thức. Liệu tân Tổng thống Mỹ Obama có muốn và có cách gì hữu hiệu để thay đổi tình trạng này không? Tôi xin nhường cho mọi người tìm câu trả lời cho nghi vấn này

Nguyễn An: Xin cảm ơn Luật sư Hiệp và xin được nhắc lại rằng ý kiến của Luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài ACTD.

No comments: