Tuesday, November 4, 2008

PHỤ NỮ VIỆT XẾP HÀNG CHO ĐÀN ÔNG HÀN QUỐC CHỌN VỢ

Phụ nữ tiếp tục xếp hàng cho đàn ông Nam Hàn lựa chọn
Monday, November 03, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=86407&z=157
Sài Gòn (NV) - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội của công an Sài Gòn và công an quận 8 của Sài Gòn vừa tạm giữ 161 phụ nữ, 7 người đàn ông Nam Hàn và hai người môi giới hôn nhân.

Rạng sáng ngày 3 tháng 11, ông Huỳnh Xuân Phú và bà Phùng Bích Thảo đã đón 7 người đàn ông Nam Hàn tại phi trường Tân Sơn Nhất, rồi đưa thẳng về một căn nhà tại quận 8 để giúp họ tuyển chọn vợ từ 161 phụ nữ đã tập hợp từ trước.

Theo báo điện tử VnExpress, ông Huỳnh Xuân Phú khai rằng, ông đã thuê căn nhà kể trên với giá 3.5 triệu đồng/tháng để làm nơi giúp đàn ông Nam Hàn tuyển vợ. Ông Phú được trả 2.8 triệu đồng cho việc nuôi dưỡng một phụ nữ nếu cô được chọn, cộng thêm 500 ngàn tiền thưởng. Nếu không có ai được chọn, ông Phú chỉ được trả 300 ngàn đồng. Bà Phùng Bích Thảo khai thêm rằng, chi phí môi giới mà đàn ông Nam Hàn phải trả cho bà khi tham gia những buổi chọn vợ là 100USD/người.

Cách nay khoảng một tháng cả hai đã từng tổ chức thành công một buổi giúp đàn ông Nam Hàn tuyển chọn vợ như vậy.

Công an Sài Gòn tiết lộ, 161 phụ nữ xếp hàng cho đàn ông Nam Hàn tuyển chọn làm vợ đều cư ngụ tại các tỉnh miền Tây, trong đó, nhiều người đã có gia đình. Qua giới thiệu từ thân nhân, bạn bè đã lấy chồng là đàn ông Nam Hàn, những phụ nữ này bỏ nhà lên Sài Gòn, sống tập trung trong “cơ sở đào tạo lấy chồng Hàn Quốc”, chờ ngày coi mắt với hy vọng được chọn để thay đổi số phận.

Trong hai thập niên vừa qua, đói khổ, bế tắc sinh kế và hoàn toàn vô vọng về tương lai là nguyên nhân chính khiến thiếu nữ Việt Nam thi nhau lấy ngoại kiều, dù rằng không ít người đã phải trả giá rất đắt cho những lựa chọn kiểu này.

Chẳng riêng nông thôn mà ngay tại Sài Gòn, tình trạng này cũng trở thành hết sức phổ biến. Hồi giữa tháng 8 vừa qua, Sở Tư Pháp Sài Gòn công bố một thống kê, theo đó, từ năm 2003-2008, tại Sài Gòn có 18,310 trường hợp đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Tuy nhiên, không giống như nhiều địa phương khác, tại Sài Gòn, việc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài chiếm tỷ lệ cao nhất (51.5%), kế đó mới là kết hôn với người khác chủng tộc (30%). Tỷ lệ lấy chồng Ðài Loan đang giảm song tỷ lệ lấy chồng Nam Hàn lại tăng. Sở Tư Pháp Sài Gòn nhận định: Phần lớn các trường hợp kết hôn với đàn ông Ðài Loan, Nam Hàn Quốc chỉ vì mục đích kinh tế. Bên cạnh đó, tình trạng kết hôn với người nước ngoài gia tăng còn vì các nhóm môi giới hôn nhân trái phép tô vẽ viễn cảnh xán lạn trong tương lại để dụ dỗ phụ nữ.

Cũng vào tháng 8, tờ Sài Gòn Tiếp Thị đăng một phóng sự mô tả hiện tượng thanh niên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện với nguy cơ không tìm được vợ, vì bị các thôn nữ chê.

Phóng viên tờ Sài Gòn Tiếp Thị trích lời ông Nguyễn Minh Nhị, cựu chủ tịch tỉnh An Giang, cho biết: “Tôi thường được bà con, bạn bè nhờ làm mai. Tuy nhiên mấy năm nay, nhận lời làm mai cho đám nào thì bị... ‘tổ trác’ đám đó. Mới đây, tôi nhận lời làm mai cho một đám, tuy đàng trai gia sản rất khá nhưng cô gái cương quyết cự tuyệt vì chỉ thích lấy chồng ở thành phố để thoát cảnh làm ruộng, quanh năm ‘đầu tắt, mặt tối’. Con nhỏ đó còn chê đám thanh niên ở nông thôn ít học, chỉ biết cắm mặt xuống ruộng, rảnh việc đồng áng là tổ chức nhậu nhẹt ì xèo”.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, chánh văn phòng hội phụ nữ tỉnh Ðồng Tháp, nhìn nhận: “Các thôn nữ không muốn lấy thanh niên ở nông thôn đang trở thành hiện tượng phổ biến”. Cũng theo bà Hương: “Các thôn nữ ở Ðồng Tháp đang thi nhau tìm về các thành phố lớn để kiếm việc làm. Những cô có nhan sắc thì lấy chồng nước ngoài để mau đổi đời. Tại khu vực nông thôn của tỉnh Ðồng Tháp hiện chỉ còn các cụ già, phụ nữ đã có gia đình, con nít và... trai tráng. Còn phần lớn thiếu nữ đã bỏ xứ ‘chạy’ về Sài Gòn, Cần Thơ”.

Chủ tịch hội phụ nữ tỉnh Hậu Giang là bà Nguyễn Hồng Diện, cũng có nhận định tương tự: “Hiện nay, số thôn nữ đang rời nông thôn để tìm đến các đô thị lớn làm việc càng ngày càng nhiều. Tôi chưa thấy cô thôn nữ nào đã bỏ nông thôn, đến các thành phố làm việc, chịu quay về quê lấy chồng. Nếu không thể lấy được chồng giàu sang, có học thức như họ mơ ước thì các cô thôn nữ chấp nhận lấy chồng cùng làm công nhân và cả hai cùng bám thành phố, chứ họ nhất định không quay về quê lấy trai làng”.

Trần Văn Nam, 25 tuổi, ngụ ở xã Vọng Ðông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang kể với tờ Sài Gòn Tiếp Thị: “Tôi đã đi hỏi vợ ba lần nhưng cả ba lần đều thất bại”. Trần Văn Nam, than: “Tui học hết lớp sáu thì nghỉ, ở nhà mần ba mẫu ruộng. Cha mẹ tui rất mong tui có vợ để đỡ đần việc nhà và có cháu ẵm bồng nhưng bây giờ, lấy vợ khó quá. Ðám mình ưng, đi hỏi thì họ không ưng mình. Cô ưng mình, thì... xấu người, xấu nết, làm sao dám cưới? Thôi thì tới đâu hay đó”. Ở vùng Thoại Sơn, tỉnh An Giang, 25 tuổi mà chưa có vợ đã bị là... ế song theo Trần Văn Nam: “Ðang có nhiều 'thằng'... ế như tui”. Trần Văn Nam thừa nhận: “Ở nông thôn, trai tráng tụ tập nhậu nhẹt là chuyện bình thường vì ruộng thì làm theo thời vụ, thời gian rảnh rỗi nhiều, chỉ cần có con cá, mớ ốc là có thể rủ nhau nhậu đến say mèm. Thanh niên mà không nhậu mới... lạ!”

Nhiều cán bộ của các hội phụ nữ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng, thực trạng “lực điền mất giá” trở thành phổ biến là do khoảng cách về mức sống giữa nông thôn và thành thị mỗi ngày một xa, rồi những hình ảnh về cuộc sống đầy đủ tiện nghi ở các thành phố nhan nhản trên phim ảnh& tất cả đã tác động lớn đến tâm lý của các cô thôn nữ, thúc đẩy họ cố gắng thoát khỏi cuộc sống cơ cực ở nông thôn.

Nhiều người tin rằng: Khi xu hướng thích lấy chồng ở các thành phố hoặc lấy chồng nước ngoài càng ngày càng lan rộng, không sớm thì muộn, thanh niên nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ rơi vào tình trạng... ế vợ giống như trai tráng khu vực nông thôn Ðài Loan, Hàn Quốc và phải ra nước ngoài tìm vợ.
Tờ Sài Gòn Tiếp Thị nêu thắc mắc: Thanh niên, đàn ông Ðài Loan, Hàn Quốc ế vợ thì có thể qua Việt Nam tìm vợ, còn lực điền ở miền Tây thì biết đi đâu để tìm người “nâng khăn sửa túi?” (G.Ð)


TPHCM: 2 "chú rể" Hàn Quốc xem mắt… 161 cô gái !
Người Lao Động 03-11-2008 15:15:05 GMT +7

Nếu được chọn làm “vợ”, các cô gái được trả… 3 triệu đồng !

(NLĐO)- Lúc 2 giờ 30 phút ngày 3-11, trinh sát Đội 5 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an TP phối hợp với Công an quận 8, bất ngờ ập vào nhà số 45/10 Cao Lỗ, phường 4, quận 8 bắt quả tang 7 người Hàn Quốc đang xem mắt 161 cô gái Việt Nam. Ngay lập tức các đối tượng được đưa về trụ sở Công an quận 8 để lấy lời khai.

Các đối tượng môi giới người Việt Nam bị tạm giữ gồm: Phùng Bích Thảo (SN 1974, ngụ đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1), là đối tượng đứng ra tổ chức kiêm phiên dịch; Huỳnh Xuân Phú (SN 1969, ngụ đường Lý Thường Kiệt, phường 7, quận 11), đối tượng tổ chức; Nguyễn Đào Thanh Xuân (SN 1983), phiên dịch và Trang Nhựt Linh (chuyên chở các cô gái) cùng 7 người đàn ông Hàn Quốc.

Trước đó Thảo đã gọi Phú “lựa” các cô từ các “lò” và chọn địa điểm. Để tập trung một số lượng lớn các cô gái mà không bị phát hiện, các đối tượng này đã đưa các cô gái về căn nhà trên theo từng đợt, đồng thời tập kết hàng chục cô tại Bệnh viện quận 8 (giả làm người thăm bệnh nhân) từ buổi trưa và buổi chiều ngày 2-11. Sau đó, từ 19 giờ đến 22 giờ 30 phút ngày 2-11, Phú và Linh bắt đầu chở những cô này về nhà số 45/10 Cao Lỗ.

Đối với Xuân, sau mỗi lần phiên dịch được Thảo trả công 500.000 đồng/lần. Còn Thảo thì được người Hàn Quốc trả công 200 USD/khách.

Tại cơ quan công an, Phú khai căn nhà 45/10 Cao Lỗ mới thuê được 20 ngày với giá 3,5 triệu đồng/tháng, và đang nuôi 4 cô gái trong nhà trên. Trước đó, Phú cùng Thảo đã tổ chức để 1 người Hàn Quốc xem mắt… 60 cô gái ! Đến lần này thì bị bắt.

Trong số 7 người đàn ông Hàn Quốc, theo lời khai chỉ có 2 người đến Việt Nam để chọn vợ. Nếu người nào lựa được “vợ”, sẽ trả thêm cho Thảo 2,8 triệu đồng. Số tiền này Thảo đưa cho Phú để Phú trả công nuôi cho các lò nằm rải rác trong thành phố. Ngoài số tiền trên, Phú được Thảo trả công 500.000 đồng/người (nếu được chọn) hoặc 300.000 đồng/người nếu không chọn được vợ.
Cô L.T.X. Mai (SN 1988, quê tỉnh Bình Thuận), phụ bán quán cơm ở ngã tư Bốn Xã (Q. Tân Phú-TPHCM), khai: Sáng ngày 2-11, một người bạn tới chỗ làm rủ Mai đi cho người Hàn Quốc xem mắt và không phải trả tiền cho cò. Nếu được chọn làm vợ, người ta sẽ cho thêm… 3 triệu đồng, sau đó được qua Hàn Quốc sống cuộc sống sung sướng nên Mai tham gia !

Thứ Hai, 03/11/2008 - 8:05 PM
Hơn 160 cô gái “trình diễn” cho 7 ông Hàn tuyển vợ
(Dân trí) - 2 giờ 30 sáng 3/11, khi các trinh sát ập vào căn nhà số 45/10 đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8 thì phát hiện có 161 cô gái Việt Nam đang “trình diễn” cho 7 người đàn ông Hàn Quốc tuyển chọn làm vợ.

Vụ môi giới hôn nhân trái phép trên bị Đội 5 - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an TPHCM phối hợp cùng công an quận 8 đã bắt quả tang.

Tại thời điểm trên, có đến 161 cô thôn nữ có tuổi đời từ 18 đến 27 (trong đó, có nhiều người đã có chồng) đến từ các tỉnh miền Tây đang sắp hàng cho 7 người đàn ông Hàn Quốc chọn làm vợ.

Thông tin ban đầu cho biết, đường dây môi giới hôn nhân quy mô lớn trên do 2 đối tượng là Phùng Bích Thảo (34 tuổi, ngụ quận 1) và Huỳnh Xuân Phú (39 tuổi, ngụ quận 11) đứng ra tổ chức. Được biết, trước đó Thảo và Phú đã từng tổ chức 1 buổi tuyển cô dâu với sự tham gia của 60 cô gái cho 1 khách Hàn Quốc.
Để có gái cho khách Hàn chọn làm vợ, cách đây khoảng 20 ngày, Phú đã thuê căn nhà trên với giá 3,5 triệu/tháng để nuôi 4 gái trong nhà chờ ngày coi mắt. Ngoài ra, Phú và Thảo đã móc nối với nhiều “lò” nuôi gái tại các điểm nằm rải rác trong TPHCM để chuẩn bị cho cuộc tuyển chọn ngày hôm nay.

Để có gái, các đối tượng môi giới về tận các tỉnh miền Tây dùng những lời đường mật, vẽ viễn cảnh một tương lai giàu sang khi lấy chồng nước ngoài để lôi kéo các cô thôn nữ về TPHCM. Tại các “lò đào tạo vợ” này, các cô gái được học các kỹ năng cơ bản về nội trợ, ngoại ngữ, đi đứng, trang điểm…
Nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng, đến sát giờ thi tuyển, Phú mới cho tập kết gái từ các “lò” về căn nhà trên.

Các “ông chồng” Hàn Quốc, khi vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất cũng được xe đón về địa điểm trên để xem mắt “vợ” tương lai. Mỗi khách tham dự buổi tuyển vợ này phải nộp cho Thảo 100 USD. Số tiền trên, nếu khách chọn được vợ thì Thảo trả tiền công cho Phú 500.000/khách, còn không chọn được thì Phú cũng hưởng 300.000 đồng/khách. Ngoài ra, sau khi khách chấm dược “cô dâu”, Thảo sẽ trả Phú công nuôi là 2,8 triệu đồng (tiền này do khách Hàn Quốc đưa cho Thảo) để Phú ăn chia với các lò nuôi gái đã có công đào tạo các kỹ năng cơ bản.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, công an tiến hành tạm giữ hành chính Thảo, Phú cùng 2 đối tượng chở gái và phiên dịch để xử phạt hành chính. Đối với 161 cô gái, Hội Liên hiệp phụ nữ quận 8 tư vấn và giúp các cô trở về với gia đình.

Cùng ngày, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an TPHCM cho biết, 7 người Hàn Quốc tham gia xem mắt và tuyển cô dâu Việt Nam sang Hàn Quốc đã bị xử phạt hành chính với số tiền 15 triệu đồng/người theo điểm b điều 22 Nghị định 150/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

No comments: