Saturday, November 15, 2008

ĐOẠN TRƯỜNG TÌM BỆNH

Đoạn trường tìm bệnh
Rạc người chờ khám
12-11-2008 23:55:48 GMT +7
http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/phong-su/245832.asp
Bệnh viện nào ở TPHCM cũng hầu như quá tải, khiến bệnh nhân phải chầu chực mỏi mòn chờ đợi được khám bệnh. Vào gặp bác sĩ khám, chẩn đoán bệnh rồi cũng chưa yên, vì người này chẩn bệnh này, bác sĩ ở bệnh viện khác lại đoán bệnh khác. Chưa kể, nhiều bệnh nhân còn bị bác sĩ “tuyên án”...

4 giờ. Những chuyến xe đò trờ đến rồi đi thật nhanh, để lại trước cổng Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy - TPHCM nhiều người mệt mỏi, vẻ ốm đau càng lộ rõ. Họ ngơ ngác một hồi rồi tản ra xung quanh, ngồi chờ đến giờ vào lấy số thứ tự khám bệnh.

Hành trình trong đêm
Trời càng sáng, dòng người đổ về BV Chợ Rẫy mỗi lúc một đông. Dọc theo hàng rào BV, từng tốp người tranh thủ ngủ thêm, hoặc ăn lót dạ miếng cơm, xôi đem theo từ nhà. Một người đàn ông ngồi cạnh tôi tại quán cóc trước BV than: “Sao đông quá không biết! Chắc mẹ tôi tới chiều mới khám được...”. Ông cho biết tên là Ba Hùng, nhà ở Cai Lậy - Tiền Giang, đi cùng em gái đưa mẹ lên TPHCM khám bệnh từ lúc 2 giờ. Những người ngồi trong quán cóc cũng góp chuyện. Họ đều từ các tỉnh, TP khác đến nên phải đi từ nửa đêm, thậm chí có người phải đi từ tối qua. “Phải tranh thủ đến lấy số khám trước để kịp về, chớ không thì phải ở lại qua ngày mai”- một người đàn bà ở Đồng Tháp nói với vẻ từng trải- “Tháng trước tôi dắt thằng con lên khám, xe hư giữa đường, mãi 7 giờ mới vào BV lấy được số thứ tự. Vậy mà loanh quanh khám, chụp X-quang, xét nghiệm... đến tối mịt, phải ở lại hôm sau mới về được”.
Mỗi chuyến đi tìm bệnh đối với họ không hề đơn giản, phải chuẩn bị tiền bạc, sắp xếp công việc... trước cả tuần. Ông Trần Văn Đực, quê Vĩnh Long, buồn hiu: “Vợ con sợ tôi đi đường bệnh trở nặng nên đòi theo, nhưng mà đi hết thì ruộng vườn, heo gà ai coi?”.
Tôi theo ông Ba Hùng vào bên trong BV. Ở một góc hành lang, em gái ông đang ngủ gà gật bên người mẹ trên tấm áo mưa trải dưới nền. Xung quanh đó chật kín người trải báo, chiếu hay áo mưa tranh thủ chợp mắt. Khuôn mặt người nào cũng mệt mỏi, hốc hác vì bệnh tật và trải qua chuyến xe đêm.

Vật vờ chờ đợi
8 giờ. BV Ung Bướu TPHCM mới bắt đầu khám, song từ 6 giờ, những hàng ghế trước phòng khám đã chật kín. Tôi phải ngồi xuống nền nhà, cạnh một chị bồng đứa bé trai chừng 10 tháng tuổi. Chị cho biết nhà ở Long An, đi từ nhà 2 giờ và vừa đến BV. “Tôi đau đã đành, chỉ tội cho cháu còn bú nên không gửi ai được” - chị buồn bã. Nghe nói khám bệnh rất lâu nên chị đem theo lỉnh kỉnh đồ đạc đựng trong 3 chiếc túi to.
Nhiều người ngồi chờ đến lượt khám bệnh mệt mỏi thiếp đi. Có người căng thẳng nhìn đăm đăm vào đèn báo số thứ tự. Người khác sốt ruột đi đi lại lại trước phòng khám. Không khí mệt mỏi, nặng nề bao trùm. Tôi chú ý một cặp vợ chồng đã luống tuổi, người chồng chốc chốc lại ôm đầu đau đớn, còn người vợ bất lực đưa đôi mắt đỏ hoe hết nhìn chồng lại ngó đèn báo số thứ tự. Đèn báo nhấp nháy, chậm chạp nhảy nhích từng con số... Nhiều người từng đi khám bệnh cho biết mỗi đợt khám “tìm cho ra bệnh” ở BV Ung Bướu kéo dài từ 5 ngày đến nửa tháng. Sau đợt khám tổng quát, các bệnh nhân được kê một loạt các xét nghiệm máu, nội soi, sinh thiết, siêu âm, chụp X-quang... Khi có kết quả xét nghiệm mới được chẩn đoán bệnh, người nào bệnh nặng lại phải tiếp tục làm thêm các xét nghiệm và... chờ đợi. Ông T.N.S (quê Bình Định) rùng mình nhớ lại: “Tụi tôi chạy tới chạy lui cũng đủ bệnh rồi! Nội soi, sinh thiết thì đến Hòa Hảo; khám răng lại quay về BV Răng- Hàm- Mặt... Tôi đi nội soi, sinh thiết ở BV Hòa Hảo đến hai lần. Mỗi lần ống nội soi chọc vào mũi nhức buốt, máu ra liên tục tưởng ngất đi được; phần thì khối u hành hạ, đau đến tê dại. Kết quả sinh thiết khác kết quả chụp CT nên bác sĩ yêu cầu sinh thiết lần nữa, nghe mà tôi bủn rủn, muốn té xỉu!”. Người ở TP rành đường sá còn đỡ, bệnh nhân ở quê lên thì đành phó mặc số phận cho... xe ôm!
Ông V.V.T, ngụ Cái Bè- Tiền Giang, năm nay đã 60 tuổi, bị đau cuống họng nhập viện điều trị ngoại trú. Đi cùng ông là hai người con gái. Ban ngày, ba cha con ông T. tá túc bên hông khu E BV Ung Bướu, tối đến ngủ bên hiên nhà thuốc BV. Chị Kiều, con gái lớn của ông, kể: “Vật vạ như vậy nửa tháng rồi, xét nghiệm gì cũng đã làm nhưng bác sĩ vẫn chưa biết ba tôi bị bệnh gì, điều trị ra sao”.
Không được may mắn như ông T., chị V.T.T.H (quê Đà Nẵng) phải đi khám bệnh một mình. Vào BV Ung Bướu cả tháng nay song chị vẫn chưa được điều trị, những cơn ho xé ngực về đêm chỉ nhờ thuốc giảm đau. Chị H. tâm sự: “Ngủ ngoài hiên BV nên bữa nào trời mưa thì phải đứng đến sáng, mệt kinh khủng!”.

Đụng mặt cò bệnh viện
Tôi vừa đến cổng BV Da liễu TPHCM liền bị 2 thanh niên chặn xe, tỏ ra nhiệt tình: “Khám bệnh hả em? Vào hẻm đằng kia, cách 20 m, bên tay phải, lấy số chờ khám, nhanh lên kẻo hết!”. Tưởng phòng khám nằm ngoài BV, tôi chạy xe vào hẻm, té ra đây là một phòng khám tư mang tên “Bác sĩ N.”. Nhân viên phòng khám đon đả: “Vô BV làm gì, vào đây khám vừa nhanh lại vừa kỹ!”. Tôi từ chối, trở lại cổng BV thì lại gặp 2 thanh niên ban nãy. Một người cố thuyết phục: “Hôm nay thứ sáu, BV chỉ khám BHYT thôi!”. Nghe tôi bảo có thẻ BHYT, anh ta liền văng tục rồi mới chịu bỏ đi. Nhiều người đến BV Da liễu khám bệnh cũng rẽ vào hẻm giống tôi. Một người vừa trở ra, than vãn: “Tôi ở tỉnh lên không biết, tưởng gặp người tốt chỉ đường, ai dè bị lừa đi khám phòng mạch tư”.
Không chỉ BV Da liễu, hầu hết các BV ở TP đều có rất nhiều cò dùng lời ngon ngọt dụ dỗ bệnh nhân đến các phòng khám tư, nhất là người ở tỉnh đến.
------------------------
Khám dịch vụ cho nhanh (!)
16 giờ. Khu vực siêu âm, chụp X-quang của BV Ung Bướu vẫn đông nghịt người xếp hàng chờ đợi. Tôi hỏi ra mới biết họ khám dịch vụ ngoài giờ và phải chịu 100% chi phí. Một bệnh nhân bộc bạch: “Đành chấp nhận bỏ thêm tiền khám ngoài giờ để có kết quả sớm, hôm sau nộp cho bác sĩ để được chẩn đoán bệnh”.
Khi tôi đến BV Phụ sản Từ Dũ, tình cảnh cũng tương tự. Mới 13 giờ, nhân viên phát số thứ tự báo hết, chỉ tôi ra ngoài khám dịch vụ, chi phí cao gấp đôi. Hầu hết bệnh nhân ở tỉnh đều chấp nhận khám dịch vụ để rút ngắn thời gian chờ đợi.
Bài và ảnh: THU SƯƠNG


Đoạn trường tìm bệnh
Lạc vào mê hồn trận
13-11-2008 23:09:12 GMT +7
http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/phong-su/245922.asp
Có bệnh thì phải cầu đến bác sĩ. Nhưng đến các bệnh viện, người bệnh lạc vào thế giới quá phức tạp như mê hồn trận với những xét nghiệm, kết quả chẩn đoán bệnh khác biệt giữa nơi này và nơi khác

Sau khi khám sức khỏe định kỳ tại Trung tâm Y khoa Medic, đồng nghiệp của tôi bị phát hiện cao huyết áp, cholesterol tăng, men gan cũng tăng nhẹ. Mượn hồ sơ này, tôi bắt đầu hành trình vào mê hồn trận ở các bệnh viện (BV) tại TPHCM.

Xét nghiệm: Chẳng ai tin ai!
Thoạt tiên, tôi đến BV Đa khoa Vạn Hạnh. Tôi được hướng dẫn đóng 52.000 đồng tiền khám bệnh trước khi vào gặp bác sĩ. Tôi yêu cầu bác sĩ cho toa điều trị từ kết quả của Medic. Sau khi xem xét hồ sơ và đo mạch của tôi, bác sĩ liền cho một phiếu xét nghiệm và hẹn sau khi có kết quả thì quay lại để cho toa uống thuốc. Tôi phát hoảng khi nhìn vào phiếu thấy tổng cộng có đến 10 xét nghiệm sinh hóa được liệt kê, như: SGPT, SGOT, Triglyceride, Urea, Creatinin..., kèm theo là xét nghiệm miễn dịch Anti HCV. Tổng cộng tiền xét nghiệm lên đến 330.000 đồng.
Cũng bộ hồ sơ này, tôi sang BV Chợ Rẫy. Sau khi đóng 20.000 đồng tiền khám bệnh, tôi được tiếp cận với một nữ bác sĩ của Khoa Nội tổng quát. Liếc qua hồ sơ của tôi, bác sĩ liền cảnh cáo: “Sức khỏe thế này mà không lo điều trị, chờ tới bao giờ?!”. Tôi cho biết đã có các xét nghiệm của Medic, nhờ bác sĩ kê toa giùm. Bác sĩ lắc đầu, lại... liệt kê ra hàng loạt các loại xét nghiệm cần làm. Chỉ riêng xét nghiệm sinh hóa máu, tổng cộng có 18 loại mà bác sĩ đã yêu cầu tôi phải thực hiện 14 loại! Chưa hết, tôi lại được yêu cầu xét nghiệm thêm 6 loại khác, từ nước tiểu, siêu âm bụng, đến đo điện tim... Điều kỳ lạ là trong hồ sơ bệnh của đồng nghiệp mà tôi mang theo, Medic đã thực hiện đầy đủ các loại xét nghiệm này. Tổng cộng các xét nghiệm tại BV Chợ Rẫy mất 250.000 đồng.
Trong khi đó, khi đến BV Bình Dân, bác sĩ Nguyễn Bá Minh Nhật khẳng định khi đọc hồ sơ tôi đưa: “Những xét nghiệm của Trung tâm Medic đã quá rõ ràng, chẳng có gì phải lo lắng!”. Bác sĩ Nhật cũng đã cho toa thuốc để tôi uống điều trị.
Chưa hài lòng, tôi lại tiếp tục sang BV Đại học Y Dược. Tại đây, tôi được hướng dẫn đóng tiền khám bệnh rồi lấy số, chờ khám tổng quát. Đã 16 giờ mà khu khám bệnh vẫn đông nghịt người, ước lượng gần cả ngàn bệnh nhân, trông ai cũng phờ phạc. Thấy vậy, tôi đành ra về.

Ông nói gà, bà nói vịt!
Hôm sau, tôi trực tiếp đi khám bệnh và có kết quả dở khóc dở cười: Hai lần khám, từ một người khỏe mạnh tôi đã trở thành người có bệnh!
Mới 6 giờ 15, tôi đã đến BV Đại học Y Dược để lấy số thứ tự sớm, song đã là số 442. Khi làm hồ sơ bệnh lý, dù không bị gì nhưng tôi vẫn ghi triệu chứng là xây xẩm, chóng mặt. Tôi được chỉ vào phòng khám thần kinh. Chờ đến hơn 9 giờ, tôi được gọi vào khám. Sau khi hỏi triệu chứng, làm một vài thử nghiệm tại chỗ, bác sĩ kết luận: Tôi bị “đau đầu căng cơ, chóng mặt” và cho toa mua thuốc uống, hai tuần sau sẽ tái khám. Té ra, tôi phải chờ đợi suốt hơn 3 giờ mà khám chỉ trong vòng 5 phút. Toa thuốc của tôi có 3 loại, mua mất 250.000 đồng.
Để kiểm tra, tôi trở lại BV Bình Dân. Tôi được chỉ định vào phòng khám tổng quát. Chờ mòn mỏi mới được gọi vào phòng khám, song nhìn hoài chẳng thấy bác sĩ đâu. Vài người sốt ruột hỏi thì được chị điều dưỡng cho biết: “Bác sĩ sang bên kia đường một lát”. Hơn 20 phút sau, bác sĩ phụ trách phòng khám mới trở về, bắt đầu khám. Đến lượt mình, tôi tự nhủ phải trả lời cho đầy đủ các triệu chứng để bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác. “Bị cái gì?”- bác sĩ hỏi. “Dạ, em bị xây xẩm, chóng mặt...”- tôi đáp. Vị bác sĩ không hỏi gì nữa, ghi vài dòng vào cuốn sổ khám bệnh của tôi và ném qua bàn chị điều dưỡng. Chị này cho biết tôi phải đi đóng tiền chụp X-quang xoang, có kết quả rồi quay lại khám tiếp. Mãi đến đầu giờ chiều tôi mới nhận được kết quả X-quang với kết luận: “Các xoang mặt sáng bình thường”. Sau khi xem kết quả, bác sĩ kết luận tôi bị viêm xoang và cho toa thuốc uống trong một tuần sẽ tái khám!
Khám cùng lượt với tôi có bà N.T.B, 72 tuổi, ở Tây Ninh, bị đờm ở cổ, nói chuyện và ăn uống đều khó khăn. “Tôi đã khám ở BV Tai-Mũi-Họng TP. Sau khi chụp X-quang xoang và nội soi thực quản, nơi này kết luận tôi bị “vướng họng kéo dài” và chuyển sang BV Bình Dân để chữa trị” – bà B. kể. Tại BV Bình Dân, bà B. lại được yêu cầu chụp X-quang và nội soi, dù đã đưa kết quả thực hiện bên BV Tai-Mũi-Họng. Sau khi có kết quả X-quang, bà B. trở lại phòng khám và được bác sĩ kết luận bị bệnh... dạ dày! “Tôi hỏi về cái cổ bị đờm thì bác sĩ im lặng, không nói gì” - vừa quày quả chuẩn bị đi về, bà B. vẫn chưa hết ngơ ngác...

--------------------

Giá thuốc: Bệnh nhân lãnh đủ
Tại BV Da liễu TPHCM, chúng tôi tiếp cận với bệnh nhi H.D.P đang bị thủy đậu vừa được BV Đa khoa Tân Bình chuyển lên. Tuy chỉ là thủy đậu nhưng P. bị bộc phát toàn thân, gây sốt cao. Tại đây, bác sĩ khám sơ và cho một toa thuốc tổng cộng 262.000 đồng. Cầm toa thuốc này, tôi mua tại một nhà thuốc ở quận 11 chưa đến 150.000 đồng!
Lý giải vấn đề này, dược sĩ phụ trách nhà thuốc nêu trên cho biết: “Bác sĩ đã cho toa những loại thuốc đắt tiền, trong khi còn nhiều loại thuốc khác có cùng công dụng nhưng rẻ hơn thì không cho. Chẳng hạn, thuốc Virless là một loại kháng sinh, giá 9.000 đồng/viên; trong khi Acyclovia cũng là kháng sinh tương tự, giá chỉ 4.000 đồng/viên. Phổ biến nhất là loại thuốc giảm đau mà một số bác sĩ ở các BV kê toa là thuốc Nimotad của Ấn Độ, bán khoảng 80.000 đồng/hộp; trong khi thuốc Dologesic cùng công dụng cũng của Ấn Độ chỉ 24.000 đồng/hộp hoặc thuốc sản xuất trong nước chỉ khoảng 15.000 đồng/hộp. Một dược sĩ đang làm trình dược viên cho biết: Các công ty dược phẩm tìm cách quan hệ với bác sĩ và nhà thuốc BV để đưa thuốc của đơn vị mình vào, dù thuốc này có cùng công dụng với các loại thuốc đang có mặt trên thị trường nhưng giá cao gấp nhiều lần. Khi bác sĩ kê toa và nhà thuốc bán những loại thuốc này thì nhận được hoa hồng của công ty phân phối thuốc, có khi lên đến 30% giá thuốc; còn công ty phân phối thì nâng giá thuốc để lấy lời từ bệnh nhân.

Phạm Hồ - Thu Sương


Đoạn trường tìm bệnh
Khi bác sĩ “tuyên án”
15-11- 2008 00:35:42 GMT +7
http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/246064.asp
Bác sĩ chẩn bệnh nặng ra bệnh nhẹ khiến bệnh nhân điêu đứng đã đành; song bệnh nhẹ đoán ra bệnh nặng cũng khiến nhiều người dở sống dở chết. Bệnh nhân chưa chết vì bệnh nhưng có khi “chết” vì sự “tuyên án” vội vã của bác sĩ

Chị họ tôi, tên Lê Thị Bích, hiện ngụ tại phường 9, quận Tân Bình- TPHCM, đến giờ vẫn còn ngao ngán khi nhớ lại chuyện đưa con đi bệnh viện (BV) khám bệnh hồi Tết năm rồi. “Chỉ vì bác sĩ thăm khám qua loa, chẩn đoán bệnh này thành bệnh kia mà năm rồi vợ chồng tôi phải đón Tết trong BV theo con nhỏ” - chị Bích chua chát.

Viêm phổi ra... viêm thận!
Cận Tết năm rồi, bé Nguyễn Lê Hoàng, con chị Bích, 20 tháng tuổi, bỗng dưng nổi ho, người sưng phù. Vợ chồng chị liền đưa con vào BV N. “Sau khi hỏi sơ qua triệu chứng, bác sĩ khám bệnh yêu cầu đưa cháu đi xét nghiệm máu, nước tiểu. Có kết quả xét nghiệm, bác sĩ bảo cháu bị viêm thận và cho toa thuốc uống, hẹn vài ngày sau tái khám” - chị Bích kể.
Uống hết toa thuốc, bệnh tình bé Hoàng vẫn không thuyên giảm, người vẫn sưng phù, ho nhiều và thường mệt lả. Gia đình nôn nóng chờ đến ngày tái khám để đưa bé Hoàng trở lại BV N. Hôm đó đã là 28 Tết.
“Bác sĩ cũng yêu cầu làm lại xét nghiệm máu, nước tiểu như hôm trước, cuối cùng quyết định cho cháu nhập viện điều trị. Té ra cháu bị viêm phổi! Do không được điều trị kịp thời nên phổi của cháu bị viêm nặng đến mức đã có vết trắng mờ” - chị Bích nhớ lại.
Dẹp bỏ công chuyện làm ăn cũng như mọi chuẩn bị cho gia đình đón năm mới, vợ chồng chị Bích theo vào BV để chăm sóc con. Mãi đến mùng 4 Tết, bé Hoàng mới hồi phục, được xuất viện. Chị Bích nhận xét: “Tôi nghĩ do BV quá tải, bác sĩ không có thời gian khám kỹ nên làm qua loa, bệnh này mới chẩn đoán thành ra bệnh khác như thế”.
Cùng học chung trường mầm non với bé Hoàng ở khu Tân Sơn Nhì, quận Tân Bình, có cháu N.H.V, cũng là nạn nhân của việc bác sĩ chẩn đoán bệnh sai. Bé V. bị cảm sốt, được gia đình đưa đến BV khám nhiều lần. Bác sĩ cho rằng cháu sốt bình thường, nên cứ cho toa thuốc về nhà uống. Mãi một tuần lễ sau, bé V. ngày càng sốt cao, gia đình đưa cháu trở lại BV, cương quyết đòi nhập viện điều trị. Khi đó, bé V. đã bị biến chứng qua bại não, nửa người tê liệt. “Vào trường, các cô phải tập luyện nhiều lắm nhưng cháu vẫn đi cà nhắc từng bước, rất khó khăn” - cô giáo phụ trách lớp bé V. cho biết.

U thường thành... ung thư !
Chẩn bệnh nặng ra bệnh nhẹ khiến bệnh nhân điêu đứng đã đành; song bệnh nhẹ đoán ra bệnh nặng cũng khiến nhiều người dở sống dở chết. Một người quen của tôi, chị T.T.P, bệnh thông thường uống thuốc nhưng bị dị ứng, được chuyển đến cấp cứu tại một BV ở quận 10. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ lại cho P. biết chị bị ung thư buồng trứng. “Tôi như bị sét đánh ngang tai. Bám víu chút hy vọng mong manh, tôi tìm đến Trung tâm Medic để xét nghiệm lại toàn bộ và được nơi đây cho biết chỉ là khối u bình thường. Tôi đã mổ bóc tách khối u và khỏe mạnh đến nay” - chị P. kể. Hiện chị P. đã lấy chồng, có 2 con. “Tôi vẫn còn lưu giữ hồ sơ bệnh án vụ “tuyên án” u thường ra ung thư của mình, để làm kỷ niệm” - chị P. bộc bạch.
Lương y Đinh Công Bảy, phụ trách phòng khám Đông y từ thiện tại chùa Pháp Hoa (quận Phú Nhuận - TPHCM), cho biết mới đây, một người quen của ông, tên P.M.T, bàng hoàng tìm đến phòng khám. Ông T. kể, do đau tức trong ngực nên trước đó ông đến một BV tại quận 3 để khám. Sau khi chụp CT, bác sĩ cho biết trong gan ông T. có 2 khối u và khẳng định đây chính là ung thư gan, ông chỉ có thể sống được thêm khoảng 4 tháng. “Ông T. suy sụp từ đó. Theo tôi, chỉ chụp CT thì chưa thể xác định được gì, nên khuyên ông T. đến khám chi tiết tại BV Ung Bướu TPHCM. Thêm nữa, dù bị ung thư gan cũng không thể khẳng định là bất lực, hết cách chữa trị” - lương y Đinh Công Bảy nhận xét. Thế đó, nhiều khi bệnh nhân chưa chết vì bệnh mà đã “chết” vì những “tuyên án” vội vã của bác sĩ!
Hoàng Long - Phạm

No comments: