Tuesday, November 11, 2008

OBAMA TRƯỚC NGÃ BA ĐƯỜNG

Obama trước ngã ba đường
Glenn Kessler
Phan Tường Vi lượt dịch

11-11-2008
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5681

Tân Tổng thống Obama trước ngã ba đường

Tân tổng thống Obam trả lời một cách thận trọng hôm qua thứ Bảy ngày 8 tháng Mười Một khi được hỏi về chuyện lá thư bất thường của tổng thống Iran ông Mahmoud Ahmadinejad gởi chúc mừng ông Obama đắc cử trước đó -- đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Iran đã gởi thư chúc mừng một vị tổng thống Mỹ đắc cử kể từ cuộc cách mạng hồi giáo năm 1979 ở Iran.

“Tôi sẽ đọc lá thư của tổng thống Ahmadinejad, và sẽ trả lời một cách thỏa đáng,” ông nói, và điều đó có nghĩa ông chưa dứt khoát sẽ phải trả lời. Tổng thống Bush thì đã từ chối trả lời lá thư dài 18 trang mà tổng thống Ahmadinejad gởi cho ông năm 2006, nhưng trong thời gian vận động tranh cử ông Obama có ngụ ý là ông sẽ sẵn lòng gặp những nhà lãnh đạo Iran.

“Chuyện phát triển vũ khí nguyên tử của Iran, tôi tin rằng, là điều không thể chấp nhận được,” ông Obama nói hôm qua. “Và chúng ta phải giàn xếp một nỗ lực quốc tế để ngăn chận điều đó xảy ra.”
Những vấn đề liên quan đến ngoại giao hiếm khi bắt đầu hay chấm dứt một cách rõ ràng với sự thay đổi chính phủ, nhưng ông Bush sẽ để lại cho người kế nhiệm mình một danh sách bao quát liệt kê những tiến trình trong chính sách ngoại giao hiện nay. Chính phủ mới của ông Obama sẽ phải đánh gía nhanh và quyết định có tiếp tục đi theo con đường ngoại giao của ông Bush, hay thay đổi chút đỉnh hoặc quyết định đi theo một con đường khác hẳn. Ông Obama sẽ thừa hưởng tối thiểu là ba cơ cấu của chính sách ngoại giao hiện nay, được xây dựng bởi ông Bush và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bà Condoleezza Rice, nhằm mục đích ngăn cản chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, hủy kho vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn và thúc đẩy đàm phán hòa bình cho Do Thái và Palestine.

Rộng đường binh

Trong thời gian tranh cử, ông Obama đã tuyên bố một số điểm chính trong chính sách ngoại giao của ông và thường là không qúa cứng rắn để trói tay trói chân ông về sau. Một trường hợp ngoại lệ và nổi bật là lời hứa rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Iraq trong 16 tháng kể từ ngày ông nhậm chức. Trong thời gian tranh cử, người ta chỉ nói đến những thách đố mà ông tổng thống tương lai sẽ phải đối diện, nhưng không nói rõ một cách chi tiết những sự chọn lựa nào trong chính sách ngoại giao.

Tám năm trước, khi ông Bush nhậm chức, ông đã theo đuổi một chính sách nổi tiếng được mệnh danh là “ABC” - viết tắt cho chữ Anything But Clinton - ngụ ý ông sẽ thực thi một chính sách hoàn toàn trái ngược với ông Clinton. Tổng thống Clinton dạo đó tin rằng ông có thể có đạt được một thỏa hiệp về hỏa tiển với Bắc Hàn, gần trong gang tấc đến nỗi ông gần như bay đi Bình Nhưỡng (Pyongyang) trong những tuần cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của ông. Nhưng khi ông Bush nhậm chức, ông nhanh chóng bỏ ngay những chính sách của ông Clinton và thay vào đó là một chính sách đối đầu với Bắc Hàn.

Ông Clinton bỏ chuyện bay đi Bắc Hàn để nhắm vào hiệp ước hòa bình cho Trung Đông nhưng không thành. Nỗ lực này bị sụp đổ hoàn toàn vì một loạt tấn công của Palestine được biết đến như cuộc nổi dậy của người Palestine ở dải Gaza và West Bank lần thứ nhì (the second intifada), và ông Bush đã không có một nỗ lực nghiêm trọng trong chuyện hiệp ước hòa bình này cho mãi đến sau này trong nhiệm kỳ hai của ông.

Các viên chức và cố vấn của ông Obama từ chối không thảo luận họ sẽ giải quyết những vấn đề ngoại giao của ông Bush để lại như thế nào, nhưng những khuynh hướng của ông Obama có thể được cóp nhặt và suy đoán qua những lời tuyên bố của ông trong thời gian tranh cử vừa qua.

Ở Trung Đông năm rồi, ông Bush bắt đầu cái gọi là tiến trình Annapolis, nhằm khuyến khích những nhà lãnh đạo Do Thái và Palestine đồng ý một số nguyên tắc của một hiệp ước hòa bình chung. Bà Rice là người đứng ra lo chuyện này, đã bay đến vùng này hầu như hằng tháng để thuyết phục hai phía đạt đến sự đồng thuận. Sự tiến bộ trong tiến trình này được hai bên giữ bí mật; và cả hai đều cho hay là đã đạt được những kết qủa khả quan.

Nhưng mới tuần này tòa Bạch Cung chính thức thừa nhận rằng họ không có hy vọng gì nữa hết cho một thỏa hiệp hòa bình được ký kết giữa Do Thái và Palestine trước khi ông Bush rời nhiệm sở. Các nhà phân tích cũng chỉ trích tiến trình Annapolis vì đã không tìm một phương cách để hòa giải và dàn xếp những quyền lợi của nhóm Hamas, vốn bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xem như là một tổ chức khủng bố nhưng trong thực tế lại kiểm soát dải Gaza Strip với gần một nữa dân số Palestine. Và bà Rice cũng bị chỉ trích vì đã bỏ qúa nhiều thời gian cho nỗ lực này mà bỏ qua những chuyện quan trọng khác.

Chiều hướng suy nghĩ mới?

Ông Obama đã không ngụ ý cho thấy ông sẽ có những suy nghĩ mới để giải quyết vấn đề với nhóm Hamas; có một lần trong lúc tranh cử, ông đã đồng ý cho một người cố vấn của ông từ chức vì người này đã gặp những viên chức của Hamas như là một phần của công việc ông ta làm cho một tổ chức hòa giải quốc tế. Nhưng, trong chuyến viếng thăm Do Thái hôm tháng Bảy, ông Obama tuyên bố là ông sẽ không chờ “cho đến vài năm sau, sau khi ông nhậm chức tổng thống hay đợi đến nhiệm kỳ hai” để tìm kiếm một thỏa hiệp hòa bình. Điều này gợi ý là ông có thể sẽ chỉ định một đặc sứ đặc trách về hòa bình Trung Đông lo về chuyện này, và để Bộ trưởng Bộ Ngoại giao rãnh tay lo chuyện khác.

Về Bắc Hàn, ông Obama sẽ thụ hưởng một tiến trình có lẽ tồi tệ hơn những gì ông Bush nhận được từ ông Clinton. Nỗ lực của ông Bush để giải quyết chuyện vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn gần như sụp đổ năm nay trước khi ông Bush đồng ý lấy Bắc Hàn ra khỏi danh sách các nước đỡ đầu khủng bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Ông Obama cũng đồng ý với chuyện lấy Bắc Hàn ra khỏi danh sách đó. Trong thời gian tranh cử, ông Obama chỉ trích ông Bush đã mất qúa lâu để thương lượng với Bắc Hàn, điều này gợi ý ông sẽ tìm cách để cho tiến trình giải trừ vũ khí vẫn được tiếp tục. Ông Li Gun, một viên chức cao cấp của Bắc Hàn, nói với các phóng viên ở Nữu Ước (New York) hôm thứ Năm tuần rồi rằng “chúng tôi sẵn sàng làm việc” với chính phủ ông Obama.

Ông Obama sẽ có những chọn lựa khó khăn trong tiến trình ngoại giao liên quan đến Iran. Bà Rice đã cần cù, nhẫn nại gom cho được sáu nước để thành lập một liên minh bao gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ - để đối phó với Iran, nhằm khuyến khích Iran chấm dứt chương trình làm giàu chất uranium của họ. Liên minh này đã vận động và được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chấp nhận ba lần cấm vận Iran, nhưng Iran không xem những áp lực này ra gì.

Trong lúc tranh cử, ông Obama đã đề nghị sẽ nói chuyện trực tiếp với Iran, một lời phát biểu làm đồng minh Âu châu đã từng đầu tư nhiều công sức cho đường lối ngoại giao này lên ruột. Điều ông Obama nói hôm qua rằng “một nỗ lực có tính quốc tế” cần có, ám chỉ rằng ông ta sẽ tìm kiếm phương cách để xây dựng cái cấu trúc liên minh mà bà Rice đã cố sức tập hợp trước đây.

© DCVOnline
-------------------------------------
Nguồn: (1)
Obama stands at diplomatic crossroads. MSNBC, by Glenn Kessler, 8 November 2008

No comments: