Monday, November 10, 2008

NẠN BUÔN NGƯỜI GIA TĂNG

Nạn buôn người gia tăng: Mặt trái của toàn cầu hoá
Lao Động Cuối tuần số 45 Ngày 09/11/2008 Cập nhật: 3:28 AM, 09/11/2008
http://www.laodong.com.vn/Home/Nan-buon-nguoi-gia-tang-Mat-trai-cua-toan-cau-hoa/200811/113408.laodong
(LĐCT) - Theo Văn phòng LHQ về ma tuý và tội phạm (UNODC), buôn người hiện là một thị trường có giá trị 30-40 tỉ USD/năm, thường liên quan tới tội phạm có tổ chức. Sự gia tăng nhanh chóng hoạt động buôn người chính là mặt trái của toàn cầu hoá

Các nô lệ thời hiện đại
Theo báo cáo năm 2006 của UNODC, các nước có nhiều nạn nhân là Thái Lan, Trung Quốc, Nigeria, Albania, Bulgaria, Belarus, Moldova và Ukraina. Thái Lan, Nhật Bản, Israel, Bỉ, Hà Lan, Đức, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ là những điểm đến phổ biến nhất.
Trước thực trạng gia tăng đáng sợ của các đường dây buôn người trên toàn cầu, Ngoại trưởng Mỹ - bà Condoleezza Rice - đã từng thốt lên rằng: "Nạn buôn người không có gì khác hơn là một hình thức nô lệ".
Những nạn nhân của đường dây buôn người bị đối xử và phải sống cuộc sống như những nô lệ. UNODC cho rằng, các kiểu bóc lột "nô lệ hiện đại" khác nhau giữa các châu lục. Tại Châu Âu, có thể tồn tại sự bóc lột liên quan tới tình dục, trong khi ở những nơi khác trên thế giới có những trẻ em bị buộc lặn xuống biển để mò ngọc trai và sò huyết, những người bị đánh đập giống nô lệ hiện đại, phụ nữ trong các mỏ đá.

2,5 triệu người là nạn nhân
Hiện vẫn chưa có thống kê chính xác về số nạn nhân trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các đường dây buôn người trên toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng khoảng 2,5 triệu người trên thế giới là nạn nhân của nạn buôn người. Nhiều người trong số đó là phụ nữ và các bé gái bị buộc làm việc trong ngành công nghiệp tình dục. Trong khi đó, những người khác là nam giới bị buộc làm việc trong điều kiện nguy hiểm với tiền lương thấp hoặc không được trả công. Tiền lương của những lao động này quá thấp, không đủ để bù đắp các nhu cầu cơ bản của họ hoặc để họ trở về nhà. Do vậy, họ trở thành tù nhân của chủ sử dụng lao động.
Theo tài liệu của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), có đến 12,3 triệu người trên thế giới đang bị cưỡng bức làm "nô lệ lao động". Chính phủ Mỹ cho biết có tới 800.000 bị vận chuyển giống hàng hoá qua các đường biên giới quốc tế như là nguồn lao động rẻ mạt. Khoảng 50% người bị buôn bán và bị bán để lao động cưỡng bức là người vị thành niên và 80% là phụ nữ.
Ước tính lợi nhuận mà bọn buôn người thu được hàng năm có thể lên đến 32 tỉ USD, hay là khoảng 13 ngàn USD mỗi người. Lợi nhuận khổng lồ đã khiến các đường dây buôn bán người chăng vòi bạch tuộc khắp toàn cầu để tìm kiếm nạn nhân.
"Đây là một hoạt động mang lại lợi nhuận cực lớn, vì "không giống như ma tuý, cơ thể người phụ nữ có thể bán đi bán lại nhiều lần", phóng sự nổi tiếng "Những Nô lệ của thế kỷ 21" được đăng tải trên tạp chí National Geographic hồi năm 2003 viết.
Nghị định thư LHQ chống buôn người đã được phê chuẩn năm 2003 và đã được 117 quốc gia ký kết. Nghị định thư này làm cho buôn người trở thành một loại tội phạm quốc tế. Tuy nhiên, việc thực thi luật tại các nước còn yếu và các hình phạt có xu hướng nhẹ tay. Do vậy, UNODC kêu gọi các quốc gia mạnh tay hơn nữa đối với những kẻ buôn bán người.
Mỹ An


Khi con người trở thành hàng hoá
Lao Động Cuối tuần số 45 Ngày 09/11/2008 Cập nhật: 4:15 AM, 09/11/2008
(LĐCT) - Theo công bố mới nhất từ Bộ Công An, VN hiện là địa bàn của các hoạt động đưa người di cư, xuất khẩu lao động trá hình cũng như nhiều đường dây mua bán phụ nữ, trẻ em, tế bào thai, nội tạng ra nước ngoài.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2008 đã có 193 vụ xảy ra, với hơn 430 phụ nữ, trẻ em bị buôn bán. Như vậy, trung bình mỗi ngày, có ít nhất 2 phụ nữ, trẻ em bị những kẻ buôn người biến thành hàng hoá.

Gần 50% nạn nhân là người mù chữ
Từ năm 2005 đến nay, cả nước phát hiện gần 1.100 vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em với 1.980 đối tượng tham gia, lừa bán 2.800 phụ nữ trẻ em. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì tình hình phụ nữ trẻ em bỏ nhà đi khỏi địa phương không rõ lý do, nghi bị buôn bán ngày càng gia tăng.
Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH), có gần 50% phụ nữ, trẻ em bị bán qua biên giới không biết chữ, gần 40% mới học xong bậc tiểu học và 88% nạn nhân đều thuộc diện gia đình khó khăn.
Buôn bán phụ nữ, trẻ em diễn ra ở bốn tuyến rõ rệt: hai tuyến đầu diễn ra ở khu vực biên giới VN - Trung Quốc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng... chiếm 70% tổng số vụ trên toàn quốc) và biên giới VN - Campuchia (An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, Hậu Giang...); tuyến thứ ba buôn bán quốc tế tới các địa điểm như Macau, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và tuyến cuối cùng buôn bán trong đất liền, xuyên qua Campuchia và Lào đến Thái Lan và Malaysia.
Hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em không chỉ diễn ra bằng đường bộ. Các tổ chức tội phạm trong nước và quốc tế còn hợp pháp hoá hoạt động qua việc tổ chức cho nạn nhân đi du lịch, hợp tác lao động... bằng đường hàng không và đường biển, sau đó đưa họ sang Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Malaysia, Đài Loan... để ép buộc bán dâm.

Nam giới cũng là... hàng hoá
Cùng với sự bùng nổ rầm rộ về số lượng các vụ buôn người thì tính phức tạp của nó cũng ngày một tăng lên. Không chỉ phụ nữ bị buôn bán để làm nô lệ tình dục hay làm vợ, ngay cả nam giới cũng bị lừa bán để khai thác sức lao động và bán nội tạng, như vụ 6 nam thanh niên bị lừa bán sang Trung Quốc để bóc lột lao động mới đây tại Lào Cai và Hải Dương.
Theo Tổ chức Chương trình quốc tế của Liên Hợp Quốc về nạn buôn người ở khu vực hạ Mê Kông (UNIAP), buôn bán người là loại tội phạm diễn ra rất tinh vi và phức tạp. Đây là một vấn nạn lớn nhưng cũng là một vấn nạn được che giấu, vì thế khó nói được con số chính xác (các vụ án và bị can). Hình thức buôn bán người ở mỗi nơi một khác. Ở chỗ này là buôn bán phụ nữ và trẻ em để làm mại dâm, ở chỗ kia là để làm lao công trong các nhà máy, trong lĩnh vực nông nghiệp, chỗ khác lại bắt buộc trẻ em đi ăn xin hoặc làm con mồi cho dịch vụ kết hôn.

Bán từ người quen đến... người thân
Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), những thủ phạm buôn người có thể chính là người thân, bạn bè hoặc người cùng làng xã của các nạn nhân. Chính vì vậy, chúng có thể dễ dàng chiếm được lòng tin của các nạn nhân khi lừa phỉnh đưa họ đi thành phố, hoặc sang biên giới kiếm việc làm, nhưng thực chất là bán họ làm hàng hoá.
Một nạn nhân sau khi được trở về nhà cho biết đã đồng ý theo một người phụ nữ sang Trung Quốc tìm việc, vì "cô ta biết cả gia đình em". "Cô ấy đã có chồng, có con và chơi với cả các anh trai của em. Em không thể tưởng tượng được rằng cô ta dám bán em, trong lúc biết rõ rằng các anh của em rất ghê gớm" - cô gái mới 16 tuổi cho hay.
Mức giá mà những kẻ buôn người nhận được thường từ 5-7 triệu đồng cho một phụ nữ. Tuy nhiên, mức giá đó có thể cao hơn nhiều, nếu đó là những cô gái xinh xắn. Theo nghiên cứu của ILO, đàn ông Trung Quốc thường trả từ 7.000-8.000 Nhân dân tệ cho một cô dâu Việt "ưa nhìn". Nếu cô gái không xinh, giá sẽ giảm xuống còn 3.000-4.000 ND tệ.
Ông Paul Buckley - quan chức UNIAP - nhấn mạnh tình trạng buôn bán người trên thế giới và trong khu vực cũng đang là vấn nạn phức tạp và nhức nhối của các nước. Lợi nhuận của việc buôn bán người mỗi năm lên đến 31 tỉ USD. Bọn tội phạm này còn liên quan chặt chẽ đến tội phạm buôn bán vũ khí và ma tuý.
Ông Paul cho rằng, để phòng chống buôn bán người đạt được hiệu quả cao, Chính phủ các nước sở tại phải hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là những phụ nữ, trẻ em gái ở vùng nông thôn nghèo cần phải được trang bị kiến thức pháp luật, xã hội, và phải có nghề nghiệp ổn định.
Anh Phương

Lời tâm sự của hai nạn nhân của buôn người
Lao Động Cuối tuần số 45 Ngày 09/11/2008 Cập nhật: 3:35 AM, 09/11/2008
(LĐCT) - Chuyện của chị Yến: Vì muốn thoát cảnh nghèo, mẹ và tôi đã lên tận xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên để gặp môi giới tên Nga. Sau khi gặp, giá cả cho chuyến đi là 5.000USD. Đến Đài Loan, bọn môi giới tịch thu hộ chiếu và các loại giấy tờ liên hệ.
Họ đưa tôi đến một căn nhà ở vùng Nan-Kan, phía nam Đài Bắc. Tôi bị nhốt ở đây 1 tháng; không được đi ra ngoài, không được đi làm. Tôi lúc nào cũng sống trong phập phồng lo sợ. Sau 1 tháng họ đưa tôi đi Tân Trúc, một thành phố công nghiệp phía Đông Nam thành phố Đài Bắc, làm người giúp việc. Tôi phản kháng, vì theo hợp đồng tôi sẽ làm công nhân. Họ nói, "Không làm thì về VN !" Tôi buộc phải chấp nhận, vì về VN lấy tiền đâu trả nợ ?
Rồi họ lại đưa tôi về nhốt trong nhà ở Nan-Kan sau 1 tháng làm kẻ "ở đợ" ở Tân Trúc. Tôi bị nhốt ở đây cho đến đầu tháng 10. Cuối cùng tôi cũng được đưa đến một công xưởng để đi làm. Sau hai tháng, tôi tê tái người sau khi chủ công ty bảo tôi cung cấp giấy tạm trú và hộ khẩu của chồng. Hoá ra, bên môi giới lừa tôi lấy chồng giả ở Đài Loan. Tôi bị đuổi việc.
Tôi lang thang trên đường phố đi kiếm việc làm. Cuối cùng tôi đến xin được việc tại một công ty chuyên nhận những người bị lừa, bị buôn bán qua Đài Loan bằng ngả giấy tờ giả. Nhưng tôi có thể bị cảnh sát Đài Loan bắt bất cứ lúc nào, do không có giấy tờ hợp lệ. Tôi quyết định ra đồn cảnh sát trình báo về thân phận bị lừa gạt của mình.

Chuyện chị T. Chị T đến Đài Loan vào tháng 3.2006. Ngay khi hạ cánh xuống sân bay, một người tên Tiểu Phong tịch thu hết hộ chiếu, điện thoại di động chị mang theo từ VN rồi đưa về một căn nhà ở tầng 4, nơi đã có khoảng gần 30 chị em VN bị nhốt ở đây. Ít lâu sau, người môi giới tên Trang và tên Tiểu Phong dẫn chị đến một nơi làm nghề đấm bóp Thái Lan ở thành phố Chung Li, phía tây nam Đài Bắc. Tuy nhiên đây chỉ là một tiệm mại dâm trá hình. Chị không còn chọn lựa nào khác, vì cần có tiền trả nợ.
Tuy nhiên, do sự truy ráp của cảnh sát, chủ tiệm đã đuổi các chị đi do sợ bị phiền nhiễu. Chị T. lang thang kiếm chỗ đi làm và rồi tìm được công việc chăm người già. Nhưng khi người chủ biết chị không có giấy tờ hợp lệ, đã lập tức đuổi chị đi. Sau đó, chị đã được đưa đến Văn phòng trợ giúp pháp lý công nhân và cô dâu VN tại Đài Loan để giúp đỡ.
M.A (Theo website Taiwanact)


Nạn buôn người gia tăng tại các quốc gia tiểu vùng Mekong
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

2008-11-09
Tờ Vientiane Thời Báo phát hành tại Lào hôm thứ Năm ngày 7, trích dẫn lời viên chức Lào rằng tệ nạn buôn người tại sáu quốc gia tiểu vùng Mekong tăng cao với những hình thức tinh vi và nguy hiểm hơn chứ không chỉ trong phạm vi mãi dâm mà thôi.
Thanh Trúc có bài chi tiết:

Hội Nghị Viên Chức Cao Cấp lần thứ sáu được tổ chức tại thủ đô Vientiane của nước Lào hôm thứ Tư ngày 6 tháng này, với sự tham dự của đại biểu Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Kampuchia, Miến Điện và Việt Nam.
Mục đích của hội nghị là tạo cơ hội cho viên chức trách nhiệm các nước chia sẻ kinh nghiệm hầu tìm kiếm giải pháp cho vấn đề buôn người.

Ngày càng tinh vi
Viên chức Lào đứng đầu Ủy Ban Phòng Chống Buôn Người, ông Kiengkham Inphengthavong, cho biết vào khi vấn đề di dân trở thành phổ biến thì nạn buôn bán con người cũng theo đó tăng cao, càng ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức và vì thế khó kiểm soát được.

Viện dẫn số liệu của Cơ Quan Di Dân Quốc Tế IOM là mỗi năm khoảng hai trăm cho đến bốn trăm năm mươi ngàn người bị buôn ra hay bán vào tiểu vùng Mekong.
Ông Kiengkham Inphengthavong nói ngày nay con người không chỉ bị mua bán vào đường mãi dâm mà còn bị khai thác vào những lãnh vực khác như lao động trong các cơ xưởng các nhà máy với đồng lương rẻ mạt, giúp việc nhà, đánh bắt cá , thậm chí đi ăn xin ngoài đường phố.
Ông kết luận rằng tệ nạn buôn người đang biến dạng thành những tệ đoan xã hội khác mà người ta không thể lường nỗi.

Tệ nạn buôn người ở tiểu vùng Mekong dễ làm người ta liên tưởng đến cảnh phụ nữ trẻ em từ nước này bị buôn sang nước khác để hành nghề mãi dâm, nhất là những quốc gia có phần biên giới chung hoặc lân cận nhau như Việt Nam Trung Quốc, Việt Nam Kampuchia, Thái Lan Miến Điện, Lào và Kampuchia.

Nguyên nhân ?
Nói riêng về nạn buôn người từ Việt Nam sang Kampuchia hay Thái Lan, bà Nga, nhân viên của tổ chức ngoài chính phủ có tên Pacific Links, Vòng Tay Thái Bình, thường về Việt Nam nhiều lần để hoạt động trong lãnh vực chống buôn người ở Tiền Giang, Long Xuyên, Cần Thơ, Hồng Ngự, cho rằng nạn buôn người tăng cao có nguyên nhân chính là:
“Cái tình trạng đó với hình thức này hay hình thức khác thì chỉ vì vấn đề kinh tế và nếu mà hạn hẹp hơn là vì tiền. Một cái thí dụ là tiếp xúc với một vài gia đình có con ở trong tình trạng đó thì họ nói là thà hy sinh một người để mà đổi lấy cái đồng tiền để mà nuôi sống những người khác trong gia đình, đối với họ là như vậy thôi. Về quê thì tôi đọc tin tức hàng ngày của các tờ báo ở địa phương. Nếu muốn so sánh để nói rằng tăng cao hay hạ thấp thì tôi thấy ngày nào cũng có những tin tức đó.”

Ông Thắng, một doanh nhân thường đi về qua lại giữa Trung Quốc và Việt Nam, phân tích hai khía cạnh gọi là khai thác lao động và khai thác mãi dâm trong vấn đề buôn người lồng dưới hình thức di dân:
“Về đi làm việc thì không nhiều đâu. Người Việt Nam chủ yếu hướng đến những thị trường mang thu nhập cao hơn một chút . Ở Trung Quốc thì hầu như không mang được thu nhập cao hơn.

Đại bộ phận người Việt Nam nếu có xu hướng di cư họ không di cư sang Trung Quốc chỉ trừ trường hợp buôn người đến những cái vùng nghèo khổ ở Trung Quốc thôi. Đấy là buôn người thực sự và những người đấy bị bán , tức là một phần họ nhẹ dạ cả tin, một phần họ không có việc rồi bị lừa bán sang Trung Quốc.
Còn nếu nói nạn buôn người ở tiểu vùng Mekong tăng cao thì tôi hoàn toàn đồng ý là đang tăng cao và có thể sẽ tăng cao trong thời gian tới nữa. Bởi vì cái việc Trung Quốc đang thiếu phụ nữ một cách trầm trọng dẫn đến cả một loạt thu hút phụ nữ từ những vùng khác đến. Còn nói về Kampuchia giáp biên giới Việt Nam thì phụ nữ Việt sang bên đó cũng rất là nhiều kể cả trẻ em.

Người ta khai thác tình dục của trẻ em Việt Nam ở Kampuchia hay ngay tại Phnom Penh. Lào thì vấn đề buôn bán phụ nữ không rầm rộ lắm, nhưng vùng giáp biên giới Trung Quốc phía Nam từ Lạng Sơn hay Lào Cai sang cửa Hà Khẩu hay Đông Hưng, đi sâu vào nội địa Trung Quốc đều có gái Việt Nam sang đấy cả.
Xa hơn một chút chẳng hạn đến Phúc Kiến Quảng Đông thì nhiều trường hợp cả gia đình ba người con trai chỉ lấy một vợ thôi. Nhiều trường hợp không kiếm được vợ họ đành sang Việt Nam bắt một người con gái Việt Nam sang làm vợ cho gia đình đấy. Hoàn cảnh như thế rất là khổ.”

Cô Trang, từng cộng tác với một tổ chức NGO chuyên giúp đỡ trẻ cơ nhở và trẻ đường phố ở Việt Nam, hiện ở Hoa Kỳ , đang nghiên cứu về nạn buôn người toàn cầu, phân tích lời viên chức Lào về tình trạng buôn người ở sáu nước thuộc khu vực Mekong đang tăng cao:
“Về góc độ nghiên cứu thì tôi cho rằng điều ông ta nói sát với thực tế. Trong toàn bộ báo cáo đọc qua thì tôi biết họ có những con số nghiên cứu từng nước và chính xác là tăng từ năm 2006 đến 2007.
Câu hỏi ở đây là vấn đề tăng hay là vấn đề nhận định, vì rõ ràng định nghĩa của chuyện mua bán người đến giờ vẫn chưa được hiểu rộng và hiểu đúng. Vì vậy cho nên nói số lượng tăng có thể là do họ đã từ từ nhận dạng ra vấn đề chứ không phải số lượng tăng hoặc giảm.
Các hình thức mua bán người vừa trình bày theo tôi cũng không phải là mới. Thực tế về vấn đề của Việt Nam thì những mô hình đó đã và đang hiện hữu từ rất lâu. Các tổ chức nước ngoài và trong nước đang nhận ra rằng đây là vấn đề buôn người. Nhìn ở góc độ mới thì đây là hình thức biến trướng càng lúc càng tinh vi, càng lúc càng khó nhận dạng hơn.”

Với câu hỏi làm sao có thể kiểm soát hay giảm thiểu được tệ nạn buôn người tại sáu nước trong tiểu vùng Mekong, cô Trang trả lời:
“Nếu giảm được cầu thì có thể giảm được cung. Tại vì khi cầu không có thì cung cấp không còn nữa . Có thể một trong những nguyên nhân đầu tiên của nạn buôn người là kinh tế, nhưng ở những nước phát triển thì vẫn có vấn đề buôn người. Tôi không nghĩ vấn đề kinh tế là nguyên nhân chính yếu mà cầu là một vấn đề đương nhiên, nếu giảm cầu thì sẽ dứt được cung. Tương tự trong vấn đề buôn người vào đường mãi dâm là như vậy.”

Ủy Ban Phòng Chống Buôn Người của Lào đang soạn thảo tài liệu hướng dẫn để từ đó đẩy mạnh công tác phòng chống tệ nạn buôn người núp dưới hình thức di dân, đồng thời bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân một cách hữu hiệu.

Cô dâu Việt lại bị bôi nhọ tại Singapore
Thanh Niên Online 08/11/2008 23:09
Ngày 24.10, báo Straits Times của Singapore đăng bài một công ty môi giới hôn nhân giảm một nửa phí môi giới cho những người đàn ông nước này muốn lấy một cô gái Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sa sút. Bài báo gây bất bình và kinh tởm trong giới báo chí và trí thức; trong khi lại trở thành một trò đùa cợt của giới trẻ trên diễn đàn điện tử của tờ báo này.

Bài báo xúc phạm cô gái Việt đăng trên Straits Times ngày 24.10
http://ykien.net/img0811/ts_CoDauViet_081108.jpg

Bài báo của nữ phóng viên Theresa Tan có tựa đề Vietnam brides: Agency slash fees (Cô dâu Việt Nam: Công ty môi giới giảm phí) đăng ở mục “Home” (chuyện trong nước) đồng thời xuất hiện “hoành tráng” trên trang nhất báo điện tử, cộng thêm phần nhật ký cá nhân (blog) có tựa đề “Khi tình yêu chỉ là thứ yếu” của nữ phóng viên này nằm nhiều ngày ở vị trí đập ngay vào mắt người đọc.

Bài báo viết rằng Công ty Vietnam Brides International Matchmaker đã rút lại quảng cáo của mình trên một tờ báo tiếng Hoa để thay đổi phí môi giới một cô gái Việt đến với một người đàn ông Singapore. Theo đó, mức phí này nay chỉ còn 4.000 SGD (khoảng 46 triệu đồng) thay vì 8.000 SGD như trước, lý do là kinh tế khó khăn khiến nhiều người đàn ông không còn muốn kiếm vợ nữa. Một người đàn ông ngoài 50 tuổi đã chọn một cô gái 21 tuổi, xinh xắn và đặt cọc 2.000 SGD, nhưng nay cũng “bỏ của” chạy luôn. Vì vậy, cô này cùng 2 cô khác (19 tuổi) với tên họ, xuất thân được nói rõ, đã lởn vởn mỗi ngày tại văn phòng môi giới này ở phố Orchard đô hội gần 2 tháng qua mà chưa tìm được “khách hàng”!
Tệ hại hơn, bài báo được minh họa bằng bức ảnh rõ mồn một 3 cô gái đứng thành một hàng bên trong văn phòng sau làn cửa kiếng mặt tiền trong suốt với dòng chữ khổ lớn đỏ chót “Vietnam Brides International Matchmaker”. Bài báo cũng trích dẫn lời của Mark Lin, giám đốc công ty, nói rằng việc kinh doanh lúc này tệ hơn cả trong giai đoạn dịch SARS hoành hành năm 2003, cùng lời 2 giám đốc của hai công ty môi giới khác.

Nhiều phóng viên các hãng thông tấn phương Tây tại Singapore đã gọi điện và e-mail đến Văn phòng Báo Thanh Niên tại đây bày tỏ sự bức xúc của họ về bài báo. Phóng viên một hãng tin lớn cho biết vài chục người của hãng tin này nhốn nháo lên vì sự phản cảm của bài báo. Một phóng viên kỳ cựu khác viết: “Thật là kinh tởm khi thấy những cô gái bị “rao” như thể họ là một bị gạo hay đôi giày. Tôi hiểu hoàn cảnh của những cô gái. Tôi cũng biết Việt Nam có một nền văn hóa đáng tự hào, và có nhiều lý do tốt đẹp để tự hào. Bởi vậy, hãy hình dung nhiều người Việt sẽ bất bình thế nào bởi bài báo đã hạ nhục những phụ nữ của họ. Thật đáng tiếc, đồng tiền có tiếng nói lớn quá và giẫm lên các giá trị đạo đức và xã hội. Tôi thật sự yêu mến con người Việt Nam, nên bài báo cũng làm tôi tổn thương nặng nề”.

Phóng viên Thanh Niên tại Singapore đã gửi e-mail đến bộ phận biên tập của báo Straits Times và tác giả Theresa Tan để phản ánh các khía cạnh phản cảm của bài báo về mặt đạo đức xã hội cũng như đạo đức của người làm báo. Câu trả lời nhận được từ cô Theresa là rằng quá nhiều đàn ông Singapore không tìm được vợ trong nước nên phải trả tiền để kiếm một cô vợ Việt Nam qua mai mối là một vấn đề xã hội của Singapore, và nó trở nên một vấn đề quan trọng để viết báo; rằng chính các cô gái đã đồng ý phỏng vấn và chụp hình nên báo đưa nguyên tên tuổi và hình ảnh của họ (!).

Phóng viên Thanh Niên đã đem chuyện này trao đổi với bà Tôn Nữ Thị Ninh, một nhà sư phạm, nhà ngoại giao tầm cỡ của Việt Nam được thế giới ngưỡng mộ, khi bà đang công tác tại Singapore. Thoạt nhìn thấy bài báo, bà Ninh kêu lên: “Ôi trời ơi!”. Bà Ninh nói rằng chuyện nhạy cảm thế này mà người ta cho đăng quảng cáo, hoạt động lộ liễu, rồi còn xuất hiện trên một tờ báo lâu nay được cho là uy tín như thế. Theo bà, việc đặt tên công ty “Vietnam Brides International Matchmaker” là một sự xúc phạm đến Việt Nam.

Nếu chấp nhận việc môi giới hôn nhân giữa một người đàn ông Singapore với một cô gái nước khác để ăn phí là hợp pháp thì cũng không nên đặt tên một quốc gia nào đó vào, vì như thế tạo ra một cảm nhận rằng phụ nữ nước đó là “on sale” (có thể mua được).

Khi được biết dư luận tại Singapore cho rằng, sở dĩ nhiều người đàn ông Singapore không lấy được vợ không phải vì nước này thiếu phụ nữ mà vì nhiều phụ nữ Singapore quá đòi hỏi về vật chất với các tiêu chí chọn chồng được đúc kết trong 5 chữ C: Cash, Credit Card, Car, Condo, Country Club (tiền mặt, thẻ tín dụng, xe hơi, nhà sang, thành viên các câu lạc bộ danh giá), và nghề môi giới hôn nhân được xem như một loại hình kinh doanh với vài chục công ty có giấy phép hẳn hoi của chính phủ, bà Ninh nói: “Như vậy thì chỉ dùng thước đo “xã hội dân sự” (civil society) để đánh giá thôi. Ở nhiều quốc gia phát triển phương Tây, một bộ phận giới trẻ không muốn kết hôn chính thức ngay cả khi họ yêu và chung sống với nhau. Nhưng nếu không lấy chồng chỉ vì anh ta có thu nhập thấp thì thật vô duyên!”. Bàn về chuyện bức ảnh, bà Ninh nói đó là “lợi dụng sự dại dột của các cô gái nghèo khó”.

Trong khi đó, bài báo trên trang điện tử thu hút rất đông người xem, chỉ ít hơn những bài báo gắn liền với chuyện “cơm áo gạo tiền” của người Singapore. Có khá nhiều bình luận (comment) về bài báo này. Trong số đó, nhiều phản hồi cho rằng loại hình kinh doanh này chẳng khác gì “buôn người” hoặc những bức xúc về xã hội, danh dự và nhân phẩm, nhưng con số nhiều hơn chính là những lời bỡn cợt, rẻ rúng, xem bài báo như một chủ đề mua vui ngày thứ sáu. và đây không phải là lần đầu các cô dâu Việt bị bôi nhọ tại Singapore

Thục Minh (Văn phòng Singapore)

No comments: