Saturday, November 1, 2008

NỖI BUỒN "KIỀU NỮ" LY HƯƠNG

Nỗi buồn “kiều nữ” ly hương
Khắc Văn - Tường Lộc

Bài 1: Rơm rạ khó giữ được người quê!

Thứ năm, 30/10/2008, 15:40 (GMT+7)
http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/2008/10/170174/
Tạm rời xa gia đình với những công việc đồng áng, nhiều cô gái ở vùng quê đã lao vào chốn thị thành đầy cám dỗ hầu mong một ngày nào đó có cuộc sống tốt hơn, nhưng…

Ước vọng đổi đời
Cánh đồng mùa nước nổi nắng chói vàng. Đàn vịt chạy đồng của Hai Khải có cả ngàn con, ráp nhau kêu inh ỏi. Hai Khải cầm chiếc roi sậy dài hơn một thước đi phía sau bầy vịt, tay vung roi đập xuống nước bành bạch thúc đàn vịt chạy, còn miệng thì la: “Có hai con vịt chạy lạc bầy kìa, con Thơm mầy lùa nó vô… Còn con Tho nữa, đã tìm thấy thúng lúa chưa”. Thấy chúng tôi, Hai Khải nhảy cẫng lên: “Xuống hồi nào mà không cho hay trước vậy mấy cha?”.
Hai Khải làm nghề nuôi vịt chạy đồng ở Thoại Sơn, tỉnh An Giang, đã hơn 15 năm. Nhìn cha con Hai Khải, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Mùa lúa vừa xong, chưa kịp nghỉ ngơi lại đến mùa chăn vịt. Đứa con gái lớn của Hai Khải vừa tròn 18, còn đứa em thì 16 tuổi. Lứa tuổi đang thì con gái nhưng chúng đâu có được ăn diện se sua với bạn bè trang lứa. Con gái nhà nông, lại còn nhà nghèo nữa. Chiếc chòi nhỏ là chỗ để cha con Hai Khải nghỉ ngơi lúc làm lúa, chăn vịt. Trong chòi chỉ có tấm vạt tre dùng để ngả lưng, một cái bếp gồm ba cục đá chụm lại và một cái nồi đen kịt, móp méo.

Trên bờ đê, một người phụ nữ đang đi về căn chòi của Hai Khải, trên tay cầm hai con cá lóc xỏ xâu. Hai Khải xởi lởi giới thiệu: “Đây là cô Sáu Bảnh, cũng nuôi vịt chạy đồng như tui. Chòi vịt của cổ cách đây một giang đồng”.
Trạc ngoài bốn mươi tuổi, cô Sáu Bảnh trông mặn mòi, duyên dáng, hàm răng trắng đều cùng cái lúm đồng tiền trên má. Hai Khải với lấy hai con cá lóc còn nhúc nhích từ tay của cô Sáu Bảnh: “Để tui nướng trui, sẵn có hai anh bạn xóm cũ từ TPHCM về, mình lai rai”.

Trưa hôm đó, ngồi nhậu trong chòi bên đống lửa un đã tàn mấy bận, gió mênh mông từ cánh đồng trắng xóa nước nổi thổi về mát rượi, chúng tôi và Hai Khải, Sáu Bảnh trò chuyện rôm rả. Hai đứa con gái của Hai Khải cũng tham gia, với những câu hỏi về cuộc sống ở thành phố, từ chuyện phố xá, nhà cửa, việc làm, đến đến chuyện ăn mặc, vui chơi.
Chầu nhậu dần tàn, chợt bé Thơm thổ lộ: “Con nói thiệt nhe, con chỉ muốn lên thành phố kiếm chuyện làm cho thay đổi cuộc sống. Ngặt nỗi con học ít quá, chữ nghĩa chẳng đầy lá mít, nghề nghiệp cũng không”.
Nghe vậy, bé Tho xía ngang: “Sợ gì mấy chuyện nhỏ đó. Xóm mình cũng có mấy chị đi làm ở thành phố vậy, có người nào học tới nơi tới chốn đâu. Vậy mà ai cũng khá ra, về quê nhìn mọi người bằng nửa con mắt”. Nghe Thơm, Tho nói, chúng tôi chỉ biết khuyên hai đứa rằng ở thành phố phức tạp lắm, nếu không có nghề, không có vốn thì khó sống lắm, đừng có dại dột bỏ quê ra đi.

Em chỉ là lục bình trôi...

“Cần Thơ có bến Ninh Kiều/Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân”. Những năm gần đây, TP Cần Thơ - thủ phủ của miền Tây Nam bộ, được đô thị hóa mạnh ra nhiều phía, đặc biệt là phía Nam, với nhiều khu dân cư mới, khang trang như: Phú An, Hưng Phú, Long Thịnh, khu cao ốc - thương mại Cái Khế… Cầu Cần Thơ - niềm mơ ước của bao đời của người dân nơi đây - đang vươn đến ngày hợp long. Bến Ninh Kiều được chỉnh trang thật đẹp. Bờ sông được lót gạch mới, bờ kè lót đá, dưới sông tàu thuyền xuôi ngược chở đầy sản vật đồng bằng. Từ vốn hỗ trợ của World Bank, những con hẻm chật chội ở Ninh Kiều đã được mở rộng.
Cần Thơ xưa nay đẹp là vậy nhưng vẫn đang còn loại tệ nạn dường như không dẹp nổi, đó là bia ôm.

Bước vào một nhà hàng có sân đậu xe khá rộng rãi ở khu Bãi Cát, chúng tôi được cô tiếp tân đưa vào một phòng riêng ẩm thấp. Chưa kịp ngồi yên, một “má mì” vào mời: “Em tuyển mấy em vào ngồi chơi với các anh cho vui nha”. Khi mọi người đã có cặp có đôi, “má mì” lại vào nói: “Bây giờ các em… chào hàng đặc sản nha. Hàng của ai thì người đó có trách nhiệm bo cho em nhen”. Thế là từng em một bước lên bàn đứng dang tay dang chân, ưỡn mông ưỡn ngực. Có em còn cởi cả áo ra…
Cô gái ngồi bên tâm sự: “Lúc đầu em xấu hổ lắm nhưng không chấp hành thì bị đuổi ra khỏi quán tức thì. Riết rồi thấy quen. Thôi thì cũng vì cuộc sống, nhắm mắt cho qua”.
Cô gái ngồi bên cạnh nghe được câu chuyện tằng hắng xen vào: “Nước nhiều, cơm hơi nhão đó nghe. Bây giờ là dân chơi thứ thiệt rồi. Dân chơi đâu sợ mưa rơi, đúng hôn”.

Sau màn “đặc sản”, không khí có vẻ chùng xuống. Có tiếng anh bạn bên cạnh mời: “Kiều nữ, uống với anh 50% nhe”. “Hổng dám là kiều nữ đâu. Em chỉ là lục bình trôi sông, trôi rạch…”.

Đi Lạng Sơn gặp… Phụng Hiệp

Lạng Sơn mùa thu tiết trời thật tuyệt. Núi non hùng vĩ, muôn ngàn sắc hoa hòa vào sắc lúa vàng của các cánh ruộng bậc thang làm ngây ngất khách đường xa. Chúng tôi vào một khách sạn nhỏ ở gần chợ Kỳ Lừa, cô chủ liền đon đả: “Các bác lên xứ Lạng với chúng em, ở đây các bác cứ vô tư”.
Vừa nhận xong phòng nghỉ thì phía ngoài cửa phòng có tiếng phụ nữ nói giọng miền Nam: “Nước sôi đây anh ơi”. Chúng tôi mở cửa, gặp một cô gái khoảng 25-26 tuổi trên tay cầm bình thủy nước sôi.

- Em là người miền Nam?
- Dạ phải. Các anh ở trỏng mới ra?

Chúng tôi gật đầu. Cô em mừng rỡ: “Lâu quá gồi mới được nghe lại giọng miền Nam, thiệt lòng cảm động. Tối nay hẹn anh tại phòng massage số 7 nha. Gặp “Linh miền Nam” nha. Những gì thuộc về khách sạn, anh phải mua phiếu, những gì thuộc về em, em miễn phí”.

Đêm đó, mải vui chầu rượu Mẫu Sơn với các đồng nghiệp báo Lạng Sơn, chúng tôi không đến gặp Linh. Đến sáng hôm sau, chúng tôi mời Linh đi ăn sáng, không thấy cô trách cứ gì cả, mà chỉ hỏi thăm về quê em ở Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nay có gì mới. Giọng nói của Linh chợt nghẹn ngào: “Em muốn về quê lắm nhưng phải nán ở lại một thời gian nữa để kiếm thêm chút tiền”.

Bài 2: Những “cuộc say đầy tháng…”
Thứ sáu, 31/10/2008, 15:57 (GMT+7)
http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/2008/10/170284/
(SGGP 12G).- Hiện tại ở TPHCM có đến gần 12.000 cơ sở kinh doanh các lĩnh vực nhạy cảm. Nếu tính cả cơ sở nhà hàng, quán ăn, hớt tóc thanh nữ, cà phê nhạc… thì con số lên đến khoảng 25.000 cơ sở. Có thể nhẩm tính, trung bình mỗi cơ sở dịch vụ có 2 lao động nữ ở tỉnh lên, thì tổng số đã là 50.000 cô. Hầu hết các chủ cơ sở đều không ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho các cô.

“Bơi” giữa chốn thị thành

Đặc sản quán bia ôm . Ảnh: Q.L.
http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2008/10/images267706_ee67a.jpg

Những nghịch cảnh ốm đau, mất mùa, nợ nần… ở các gia đình nông thôn nghèo, đã nhen nhóm nơi các cô gái quê ý nghĩ phải ly hương tìm cách… đổi đời. Trong khi đó, một số cô gái đi “làm ăn xa” trở về với quần là áo lượt, vòng vàng đeo đỏ tay, xây sửa nhà cho cha mẹ, tặng tiền anh chị em, đã thúc đẩy các cô khác lần lượt “lên đường”.
Hiện tượng này lan từ ấp này sang ấp nọ, từ xã này qua xã khác. Cô nào đang có chuyện buồn gia đình, gặp trắc trở tình cảm đôi lứa thì bước chân ly hương cũng nhanh hơn.

Tại một nhà hàng trên đường Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM chúng tôi hỏi cô phục vụ quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu, tên Vân:
- Em làm ở đây được bao nhiêu một tháng?
- Dạ, mỗi tháng lãnh 1 - 2 triệu đồng, mỗi ngày được bao một bữa cơm.
- Chà, lương vậy sao đủ sống?
- Dạ, ở đây còn có tiền tip của khách nữa.
- Được nhiều không em?
- Dạ, khoảng 100.000đ/ngày.

Còn ở khu nhà trọ công nhân trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, cô Mỹ Xuân, có giọng nói ngọt ngào và cách trò chuyện tự tin, cho biết: Từ sự giới thiệu của người chị, Xuân từ An Giang lên làm công nhân may ở Nhà máy Hisonvina, ấp Bình Đường III, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương (giáp ranh với TPHCM). Sau 4 năm làm công nhân may, Xuân đã được “thăng chức” phụ trách kiểm tra sản phẩm của xưởng, thu nhập mỗi tháng được hơn 4 triệu đồng.
- Xuân có người yêu chưa?
- Dạ, có “gồi”, nữa về dưới làm đám cưới. Không phải cô gái nào ở “quê ra tỉnh” cũng may mắn có được chỗ làm khá tốt như Vân và Xuân. Nếu đi làm công nhân nhà máy hoặc làm phục vụ ở những điểm kinh doanh đàng hoàng thì tiền chợ, tiền áo quần, tiền nhà trọ cùng các chi phí khác đã ngốn hết gần 2 triệu đồng thu nhập hàng tháng. Sống còn chật vật, lấy đâu tiền gửi về quê phụ giúp gia đình, lấy đâu tiền sắm sửa? Vì vậy, muốn kiếm nhiều tiền, nhiều cô đã tìm đến các dịch vụ “nhạy cảm”, sa vào những “cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm”…

Mốt tậu… “bà phường”

Đức, chủ cửa hàng bán điện thoại di động, sau khi lãnh gần 2 tỷ đồng tiền đền bù miếng đất ruộng của cha mẹ để lại nằm trong khu quy hoạch Mỹ Phước II, tỉnh Bình Dương bèn tậu ngay chiếc Toyota Camry 3.0 mới cáu và rủ chúng tôi đi Bình Dương thử xe. Khi chúng tôi bước lên xe, Đức hỏi: “Ủa, không dẫn theo người đẹp nào cho vui?”. Thấy chúng tôi nghệch mặt ra, anh ta khẽ nhếch miệng nói với ánh mắt tinh nghịch:
- Chút nữa, tôi sẽ rước “bà phường” của tôi đi chung.
- “Bà xã” với “bà phường” khác nhau chỗ nào? - Chúng tôi hỏi.

Như trúng hệ, Đức tuôn một tràng:
- “Bà xã” là cơm nguội, là phát thanh viên... bởi vậy cho làm thủ quỹ. Còn “bà phường” là phở, là hủ tíu mì, là đặc sản bún nước lèo, là bà chủ đại lý nước ngọt, lúc nào cũng ngọt ngào, dịu dàng. Phân công: Xài tiền.

Xe đến thị xã Thủ Dầu Một, Đức dừng lại trước một tiệm may ven Quốc lộ 13. Bên trong tiệm, một cô gái trạc 20,21 tuổi, vóc dáng thon thả, gương mặt xinh xắn, da trắng như bông bưởi bước ra. Cô nhoẻn miệng cười tươi, nũng nịu trách Đức: “Xí, hẹn 10g mà hơn 11g mới tới”. Đức trả lời gọn lỏn: “Thông cảm, kẹt xe”. Rồi anh ta nhoài người sang mở cửa xe, cô gái nhanh nhẹn bước lên. Đức giới thiệu cô gái với chúng tôi: “Đây là Đào, “bà phường” của tôi”.

Nhìn cô gái vóc dáng hiền lành, chúng tôi gợi chuyện:
- Tiệm may đó của em làm chủ?
- “Dạ, không phải. Tiệm may của người ta, em chỉ đến học nghề”. Nói rồi cô liếc Đức tình tứ, nói nũng nịu: “Nhưng có học hành gì được đâu, bị người ta dụ dỗ, bỏ nhà đi hoài”.

Đức quay lại chúng tôi, giải thích: “Trước đây Đào làm ở tiệm massage, bị bà chủ ăn hiếp quá. Tui bốc ra khỏi tiệm, nhận làm “bà phường”, lo chỗ ăn, chỗ ở, chỗ học nghề”. Suốt bữa ăn trưa hôm đó, Đức và Đào cứ âu yếm như cặp vợ chồng son, mặc dù anh ta đã có vợ và 2 con.

Còn chuyện về một “đại gia” tên Năm Tách chơi ngông thì rất nhiều cô phục vụ ở các nhà hàng quận 1, quận 3 biết đến. Nhập vai ông chủ lớn, đi đâu anh Năm cũng xách chiếc cặp Samsonite và túi áo dắt chiếc bút hiệu MontBlanc.
Đến các nhà hàng, gặp “kiều nữ” mặt đẹp, chân dài, mới chân ướt chân ráo lên thành phố là Năm Tách liền mở chiếc cặp lấy ra chiếc điện thoại Nokia 6500 mới cáu tặng, rồi giở bài cũ rích ra là cần thư ký riêng, em nào chịu làm thì sẽ được cho đi học lớp thư ký chuyên nghiệp, trả lương 6 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng.
Nhiều cô phục vụ nghe thấy mê, liền bỏ việc phục vụ, đi làm thư ký cho anh Năm. Thế nhưng thư ký anh Năm chỉ có mỗi việc duy nhất là đi theo sếp ăn nhậu từ nhà hàng này sang nhà hàng khác. Gặp lúc thuận tiện, anh Năm ép thư ký uống thật say, rồi đưa vào khách sạn “xơi” luôn.

Thực ra, “đại gia” Năm chỉ là một tay chuyên cò dự án, chạy giấy phép. Chiếc xe hơi là xe thuê, mấy chiếc điện thoại anh Năm luôn bỏ sẵn trong cặp tặng các em cũng đều là hàng Trung Quốc. “Xơi” thư ký chán rồi, khi gặp “đối tác” anh Năm “gả” luôn, rồi lại chọn “thư ký” mới.

Bây giờ, chuyện “ kiều nữ” ở các hàng quán, dịch vụ nhạy cảm mà cặp bồ với khách đầy như nấm sau mưa, chẳng ai thấy là lạ nữa. Có cô cặp vì có tình cảm thực, có cô vì chuyện “cơm áo gạo tiền”, nhưng hầu hết là do ham vui, ham có nhiều tiền ăn xài, rong chơi, đua tranh với bạn bè, dần dần bị lôi cuốn.

Bài 3: Lục bình vẫn trôi
Thứ bảy, 01/11/2008, 14:44 (GMT+7)
http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/2008/11/170370/
Phải chăng là số phận? Chỉ biết rằng sau những “cuộc vui” ấy, kiếm ra những đồng tiền ấy, giờ đây họ lại mơ tìm được một lối thoát cho tương lai.

Tiếp viên trong quán bar, một nghề được nhiều cô gái từ dưới quê lên lựa chọn. Ảnh:Q.L
http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2008/11/images267826_o-mot-quan-Bar.jpg

Sang Hà Khẩu gặp… Hà Đông

Theo một đoàn khách du lịch, chúng tôi đến Hà Khẩu - một trong những thị trấn của Trung Quốc tiếp giáp với tỉnh Lào Cai của Việt Nam, nơi đây có mức độ “Việt hóa” rất cao. Một người sành sỏi giới thiệu với cánh đàn ông: “Chúng ta đi chợ Việt Nam ở Hà Khẩu nhé. Vô trong chợ, bác nào có “nhu cầu” thì xin mời lên lầu. Còn nếu không, thì tìm mua các thứ… trợ giúp đặc biệt, có thể giúp một binh nhì đặc cách lên lon đại úy”.

Chợ Việt Nam ở Hà Khẩu là một khu thương mại nhỏ với hầu hết các cửa hàng của người Việt buôn bán. Tầng trệt của chợ bán các mặt hàng quen thuộc như trái cây, bánh kẹo, giày dép, vải, hàng mỹ nghệ… Tầng hai và tầng ba là các dịch vụ ăn uống, massage, cắt tóc, làm móng tay. Trong lúc đưa chúng tôi lên tầng hai, người bạn ấy dặn dò: “Các anh cẩn thận, có nhiều du khách bên mình sang, bị mấy tay đểu xứ này làm tiền trắng trợn. Họ chỉ chờ phe ta “lên tàu” bèn xông vào nhận xằng là công an kiểm tra vi phạm thuần phong mỹ tục. Muốn không bị rắc rối thì nộp cho chúng vài trăm nhân dân tệ”.

Dọc theo hành lang, có 7-8 cái phòng đều thấp thoáng bóng hồng. Bỗng nghe tiếng phụ nữ: “Hàng tới”, tức thì từ trong các phòng, hơn chục cô gái bước ra nhìn về phía chúng tôi. Một cô nhoẻn miệng cười: “Chà, chắc hàng này… đồng hương quá”. Rồi cô tự nhiên nắm lấy tay tôi: “Mời đồng hương vào phòng em ăn… trái cây”.

Căn phòng bên ngoài chỉ rộng chừng 12m2 nhưng có 4 cái ghế hớt tóc gội đầu. Một ông khách người Hoa đang lim dim nằm trên ghế gội đầu, nhưng buồn cười là đầu ông hói, “tóc gió thôi bay”. Phòng bên trong được ngăn bằng vách ván, cửa ra vào che tấm nhung xanh quyến rũ. Bên trong vọng ra tiếng rù rì, rồi tiếng cười bỡn cợt.

Cô gái nắm tay tôi kéo vào phòng lúc nãy, lên tiếng: “Thấy bộ dạng của anh, em biết ngay là ở bên mình sang… rồi”. Qua trò chuyện, cô cho biết nhà ở Hà Đông, tên là Thúy. Trước khi sang đây, đã có 5 năm trôi dạt khắp Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. Thúy cho biết, sang đây 3 năm rồi mà chỉ về thăm nhà được 1 lần vì bà chủ bắt làm việc liên tục, vả lại cũng không có tiền về nhiều. Lần về thăm nhà năm ngoái Thúy phải làm bộ rủng rỉnh tiền của, vì cô đã nói dối gia đình rằng sang Trung Quốc mở tiệm buôn bán.
Ông khách đầu hói gội đầu đã xong, Thúy đắt tay đưa ông vào phòng trong, rồi bước ra nói với chúng tôi: Phòng ngoài mới chỉ là “sân ga”. Còn vô phòng trong để… “lên tàu”.

Sang Singapore, đến phố bar Việt

"Kiều nữ Việt" ngồi chờ "khách" trong một con hẻm ờ Joochiat Singapore.Ảnh: K.V
http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2008/11/images267828_ngoi-cho-khach-o-joochiat.jpg

5 năm trở lại đây, khi hãng hàng không Tiger Airways mở đường bay giá rẻ Việt Nam - Singapore, thì các “kiều nữ” ào ào đổ sang Singapore hành nghề theo dạng đi du lịch. Điểm tập kết của các cô ở Singapore là phố Joochiat. Phố này nhỏ và ngắn nhưng có hàng chục quán bar, hộp đêm, karaoke với bảng hiệu viết bằng 3 thứ tiếng Hoa - Anh - Việt.

Buổi tối, người ta bày bàn ghế dài ra hai bên hè phố. Có đến vài trăm “kiều nữ” người Việt phục vụ ở đây. Họ ăn mặc mát mẻ, ưỡn ẹo ngồi uống bia, uống rượu với khách phía trong quán và cả ngoài vỉa hè. Cùng chung nhịp ăn chơi ở Joochiat còn có mấy cái khách sạn mở cửa 24/24, là “bãi đáp” của khách và các các em.

Chúng tôi chọn ngồi ở quán tên Trang, nằm ở giữa phố. Chốc lát, có vài cô đến ngồi bàn bên cạnh. Thấy chúng tôi nhìn có vẻ soi xét, một cô đứng dậy, nói: “Có gì mà nhìn tụi em kỹ vậy? Các anh mới sang hả?”.
- Đúng rồi. Các em qua ngồi chung cho vui nha.
- Dạ!

Những cuộc gặp gỡ giữa người Việt với người Việt ở nơi xứ người thường dễ thông cảm và dễ chia sẻ. Sau mấy vòng bia, các cô thổ lộ: Tiền bo ngồi bàn với khách không đủ trả tiền vé máy bay, tiền ăn, ở trọ. Vì vậy tụi em phải “đi” khách.
Tụi em qua đây làm chui, khổ lắm: Lớp thì bị “má mì” ăn chặn, lớp thì bị khách ăn quịt tiền, có thằng còn đánh đập tụi em. Đã vậy, còn bị cảnh sát Singapore “hốt” hoài. Em ở đây thêm vài ngày nữa, kiếm cho đủ 500 đô Singapore trả nợ cho “má mì” là bay về liền.

Từ Joochiat, chúng tôi di chuyển qua khu “đèn đỏ” Geylang. Buổi tối ở Geylang, gái điếm đầy ắp trong các căn nhà treo lồng đèn đỏ và đứng đầy vỉa hè các Lorong. Họ lả lơi chào mời khách bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hoa. Gái ở Geylang chủ yếu đến từ Trung Quốc lục địa, Thái Lan, Phillipines, Malaysia, Campuchia và Việt Nam.
Giá cho 1 lần “đi khách” là từ 50 đến 90 đô la Singapore trong 30 phút, tùy theo loại “hàng”. Từ cuối năm 2007 đến nay, các “kiều nữ” Việt từ Joochiat kéo qua Geylang khá nhiều, chủ yếu tập trung ở Lorong 28 đến Lorong 42. Mỗi lần có cảnh sát đến là các cô chạy loạn xạ khắp phố.

Có đến Joochiat và Geylang, mới thấy được nỗi khổ của các “kiều nữ” Việt Nam sang “hành nghề” chui ở đây. Thế nhưng, khi những cô này tủi nhục trở về, thì có những cô khác tưởng rằng dễ kiếm được nhiều tiền lại lao sang, để đến khi phải trả giá mới thấm thía ra.

Chờ những giải pháp

Hầu hết những “kiều nữ” đã có thâm niên ở thành thị vài năm khi được chúng tôi hỏi đều trả lời rằng chẳng ai thích bỏ quê lên thành để làm những việc như vậy, chỉ là do hoàn cảnh. Thế nhưng, nhiều người ngoài cuộc lại phê phán gay gắt: Không chỉ là do hoàn cảnh hay số phận đưa đẩy đâu, hầu hết là là do lười lao động thôi.
Trong khi chờ các giải pháp và hành động hữu hiệu của các ngành chức năng, thì hiện tại, hàng trăm ngàn “kiều nữ” với nhiều điều đáng nói như trên vẫn đang long đong khắp chốn thị thành.
Nhóm PV

No comments: