Saturday, November 1, 2008

CHÀNG TRAI 22 TUỔI KHÔNG THỂ SỐNG TRONG BỘ QUẦN ÁO THIẾU NIÊN

"Chàng trai 22 tuổi không thể sống trong quần áo thiếu niên"
Nguyễn Trung
31/10/2008 10:11 (GMT + 7)
http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/5058/index.aspx
Sự giảm sụt thứ hạng cạnh tranh nói lên cái ngưỡng không thể vượt qua được của một phương thức phát triển kinh tế theo chiều rộng Việt Nam đã theo đuổi trong suốt 22 năm Đổi mới. Đã đến lúc Việt Nam cần chuyển giai đoạn nếu không muốn tụt hậu - Nguyễn Trung nói.

>> Họp Quốc hội: Gọn nhưng phải chất
>> "Không bội chi, lấy gì mà tiêu"

Trên diễn đàn Quốc hội, những vấn đề kinh tế nóng bỏng đang được các đại biểu mổ xẻ, phân tích để chung tay cùng với Chính phủ đưa kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển sau "bão". Chuyên gia Nguyễn Trung chia sẻ góc nhìn của ông về tình hình kinh tế Việt Nam và những vấn đề cần được đặt ra và giải quyết thấu đáo.

Chuyên gia Nguyễn Trung. Ảnh VNN
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/69/2008/10/TVN-NgTrung-1.jpg

Đến lúc phải đụng vào "gốc" của lạm phát

1. Nhìn vào những chỉ số CPI, nhập siêu mới nhất, lạc quan hay bi quan lúc này không thích hợp lắm. Bình tĩnh nhận xét, tôi cho rằng những chỉ số CPI và nhập siêu đang giảm là những kết quả tốt đầu tiên trong quá trình thực hiện 8 biện pháp chống lạm phát.
Điều này cho thấy VN có thể chống được lạm phát trong tình hình rất phức tạp hiện nay, nhắc nhở chúng ta nên tiếp tục làm những việc đúng đắn. Nghĩa là VN cần cố gắng hơn nữa trong những việc làm chưa tốt: hiệu quả đầu tư công và DNNN, chống lãng phí, chống tham nhũng...
Các giải pháp thắt chặt đầu tư, chi tiêu công Chính phủ đưa ra nhưng thực hiện còn chậm bởi 2 loại nguyên nhân chính. Một là, thắt chặt đầu tư trong khu vực kinh tế quốc doanh - nhất là đầu tư từ ngân sách nhà nước, và trong chi tiêu công là những công việc khó; không thể nói là làm ngay được, mà đòi hỏi phải có sự cân nhắc, tính toán, sắp xếp lại rất nhiều thứ một cách thấu đáo, nhưng phải khẩn trương như cứu hỏa.
Công việc này rất phức tạp, thường là "dứt dây động rừng" - nghĩa là cắt giảm một khoản này sẽ kéo theo sự hy sinh hay đổ vỡ của những khoản mục khác, việc khác; và sự cắt giảm này bao giờ cũng rất đau đớn - vì không hiếm trường hợp là cắt luôn cả những “lợi” và “ ích” này khác, hoặc nếu vụng về là gây thêm tổn thất không đáng có. Ví dụ, cắt giảm chi tiêu công mà chỉ chằm chằm vào cắt giảm khoản mục chi tiêu thường xuyên của một cơ quan thì dễ rơi vào nguy cơ làm tê liệt cơ quan ấy.
Nguyên nhân thứ hai có thể mô tả bằng hình ảnh: Giả thử trên thân thể mình có khuyết tật, như một nốt ruồi to hay một cục thịt thừa, ít ai dám tự tay đốt hoặc cắt bỏ nó đi - với biện minh trước xã hội, hoặc tự biện minh cho chính mình: “Liệu hồn, đụng vào là dính ung thư đấy!”
Việc xử lý loại nguyên nhân thứ hai có thể được dùng làm thước đo sự sáng suốt và bản lĩnh của người cầm quyền, bởi sự tự giác của các Bộ, ngành hay tập đoàn thường thấp hơn đòi hỏi của 8 biện pháp.
Có thể nói, những vấn đề thuộc tầng “ngọn” của lạm phát - trước hết là những vấn đề tài chính tiền tệ - đang được giải quyết đúng hướng. Đã đến lúc ta phải thực sự bắt tay vào giải quyết những vấn đề thuộc tầng “gốc”: tập đoàn và DNNN, cơ cấu kinh tế, hệ thống tài chính - ngân hàng, chính sách phát triển và đầu tư...

Chất lượng tăng trưởng mới là vấn đề nóng bỏng

2. Nhiều người vẫn loay hoay với câu hỏi, liệu VN có thể đạt con số tăng trưởng là bao nhiêu, có thể đạt mức 7% như Chính phủ kỳ vọng và đặt mục tiêu. Theo tôi, tăng trưởng là quan trọng, cần phấn đấu, nhưng cũng không nên quan tâm nhiều đến chỉ số tăng trưởng cao. Đạt 5,5% hay 7% không phải là điều tôi lo lắng. Nếu vì những lý do nhất định - ví dụ như cần giữ ổn định vĩ mô trong tình hình cả thế giới sóng gió vì khủng hoảng tài chính, chỉ số tăng trưởng có phải giảm cũng không sao.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế lâu nay vẫn là vấn đề nóng bỏng của nước ta.
Những thách thức VN đang phải đối mặt và sự cạnh tranh gay gắt trong hội nhập không cho phép kéo dài tình trạng chất lượng tăng trưởng thấp nữa.

Việt Nam đã kịch trần phát triển kinh tế theo chiều rộng

Chất lượng kinh tế gắn với năng lực cạnh tranh. Trong khi đó, những xếp hạng mới đây đều cho thấy VN đang tụt hạng: Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF, năng lực cạnh tranh của kinh tế VN 3 năm liền tụt hạng từ thứ bậc 64 năm 2006, xuống thứ bậc 68 năm 2007 và thứ bậc 70 năm 2008. Đó là cảnh báo nghiêm trọng từ bên ngoài, nhắc nhở chúng ta: Không thể tiếp tục duy trì phương thức phát triển chủ yếu dựa vào tăng đầu tư, khai thác lao động rẻ, bán tài nguyên và cách thu hút FDI như hiện nay.

Riêng về FDI, “Vedan” và hạt “nix” là những ví dụ điển hình nói lên nhiều điều. Thu hút FDI như vậy trên thực tế là cho thuê đất để làm ra những sản phẩm hàm lượng công nghệ thấp nhưng sức tàn phá môi trường cao... Như thế là quá đủ rồi.

Sự thật là kinh tế nước ta, nhất là từ 10 năm nay, đạt tốc độ tăng trưởng cao, song chậm phát triển - biểu hiện dễ thấy nhất là càng tăng trưởng càng mất cân đối trên cả 3 phương diện quyết định: kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, năng lực quản trị quốc gia.

Tiếp tục xu thế này có nghĩa VN sẽ đi sâu hơn vào con đường đi làm thuê và sẽ chỉ có thể trở thành đất nước cho thuê, với những mất cân đối lớn kinh niên. Đây sẽ là kịch bản đầy ác mộng.
Năng lực cạnh tranh của ta hiện giảm sụt liên tục, không đơn thuần chỉ là chuyện thua kém của một sản phẩm, một DN hay một ngành kinh tế nào nữa. Sự giảm sụt này nói lên cái ngưỡng không thể vượt qua được của một phương thức phát triển kinh tế theo chiều rộng nước ta đã theo đuổi trong suốt 22 năm Đổi mới.

Có thể nói, phương thức này đã làm xong nhiệm vụ của nó, thậm chí có thể nói là xuất sắc. Vả lại, 22 năm đi theo phương thức phát triển như thế là quá đủ rồi, kịch trần rồi, không còn nhiều “dư địa” để cứ tiếp tục đi mãi theo hướng này - về bất kể phương diện nào: tài nguyên, môi trường, đất đai, sức lao động rẻ, huy động vốn nước ngoài theo cách hiện nay, năng lực quản trị quốc gia hiện nay...

Chuyển giai đoạn?

Tôi nghĩ tình hình đã chín muồi phải tìm đường chuyển bằng được sang một phương thức phát triển khác cao hơn. Không nhận thức được yêu cầu bức bách này sẽ là tự gây ra hiểm họa.

Tuy nhiên, dù sốt ruột đến mấy về tình trạng tụt hậu cũng không thể phát triển đất nước ào ào một cách nóng vội theo kiểu tư duy đào tạo hai vạn tiến sỹ,
khai thác bauxite ở Tây Nguyên, làm một lúc 4 nhà máy điện hạt nhân... Lại càng không nên khai thác bauxite Tây Nguyên hôm nay để sẽ có một “Vedan” toàn diện và khổng lồ mai sau.

Khác với trước, giai đoạn phát triển mới cần phải dựa trên phát huy nguồn lực con người và xu thế hội nhập. Chính đặc điểm này đòi hỏi cải cách thể chế, hệ thống quản lý, cơ chế quản lý quốc gia, nói cách khác là cải cách hệ thống chính trị, phải đi trước cải cách kinh tế một bước.
Bởi vì làm sao phát huy được nguồn lực con người nếu không có một thể chế chính trị phát huy được nguồn lực sáng tạo của con người? Đất nước làm sao hội nhập thắng lợi nếu thiếu một thể chế chính trị phát huy được sự sáng tạo của mọi công dân, thiếu một nhà nước thao lược hậu thuẫn đắc lực cho công dân của mình?
Có con người và nhà nước như vậy, mới có thể có công nghiệp hóa - hiện đại hóa với đúng nghĩa của khái niệm này - nếu không, xin nhắc lại, sẽ chỉ có người đi làm thuê và trở thành đất nước cho thuê mà thôi. Lâu nay ta nói nhiều về CNH-HĐH, song thật sự là chưa quan tâm được như thế về con người và về nhà nước với nội dung mới này. CNH-HĐH không bao giờ chỉ là vấn đề kinh tế.

Giai đoạn phát triển vừa qua ở mức độ nào đó còn cho phép, còn có thể chấp nhận sự chậm trễ nào đó của cải cách thể chế; và đất nước đã trả giá cho sự khập khiễng này. Bây giờ, nếu cải cách thể chế không đi trước được một bước, hoặc thậm chí còn duy trì sự khập khiễng đang có, việc chuyển đất nước đi vào giai đoạn phát triển mới có lẽ sẽ chỉ là không tưởng.
Cuộc cải cách nào cũng chỉ có thể bắt đầu từ nhận thức và từ cải cách thể chế đi trước một bước. Đổi mới từ năm 1986 bắt đầu từ nhận thức phải xóa bỏ thể chế kinh tế kế hoạch hóa theo kiểu bao cấp, đã từng bước làm được các việc xóa bỏ thể chế này.
22 năm đổi mới đủ nói lên cải cách thể chế không làm sụp đổ chế độ chính trị của đất nước. Song 22 năm Đổi mới cũng cho thấy rõ ràng phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế để tiếp tục phát triển đất nước về mọi mặt, kể cả phát triển hệ thống chính trị. Đó là một tất yếu, cả nước phải bắt tay vào thực hiện bằng được.
Khi tiến hành Đại hội X, đã có nhiều ý kiến về chuyển giai đoạn của công cuộc Đổi mới, song chưa được đưa vào nghị quyết Đại hội. Bây giờ là giữa nhiệm kỳ Đại hội, tình hình hiện nay càng thúc bách phải đặt vấn đề “chuyển giai đoạn” lên bàn nghị sự, với một nội hàm rộng hơn.
Có người sẽ đặt câu hỏi: đang khủng hoảng lạm phát 2 con số mà ông nói đến “chuyển giai đoạn” thì có thích hợp không? Theo tôi, khủng hoảng chỉ là vấn đề tạm thời, trước mắt và cần khắc phục sớm. Ngay từ bây giờ đã phải phải tính đến xử lý những nguyên nhân gốc dẫn tới khủng hoảng, để tránh tình trạng yên ổn được vài năm rồi lại khủng hoảng tiếp. Nếu vậy, không thể không tính đến việc chuyển giai đoạn.
Nói một cách khác: Ngay từ bây giờ, việc khắc phục những nguyên nhân gốc phải tính theo hướng chuyển giai đoạn.

Nhà nước thao lược làm chủ tình hình để tránh đổ vỡ

3. Nhiều đêm tôi khắc khoải với mong muốn: Phải chi vào lúc này GDP kinh tế Viêt Nam đã đạt được mức 3 - 4 nghìn USD/người sẽ đỡ bị o ép biết bao trong tình hình thế giới ngày nay! Lẽ đời thường là mạnh được yếu thua, càng yếu càng dễ bị bắt nạt! Vì thế, trong mọi nỗi lo, không có nỗi lo nào lớn hơn nỗi lo tụt hậu. Vào lúc kinh tế thế giới chao đảo như thế này, tụt hậu như đang có thêm nanh vuốt mới gằm ghè...
Khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay thôi thúc ta phải mau sớm ra khỏi tụt hậu! Có nhiều điều cần học hỏi từ những kinh nghiệm đổ vỡ của khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay.

Các chuyên gia người Việt trong nước hoặc đang sống ở nước ngoài... gần đây nêu nhiều kinh nghiệm và bài học cụ thể rất có ích cho nước ta - nhất là trong các vấn đề liên quan đến hệ thống tài chính - ngân hàng của nước ta, cơ cấu đầu tư, cơ cấu kinh tế, tập đoàn quốc doanh... Xin miễn cho tôi việc nhắc lại.
Tựu chung lại, tôi thấy: Không có kinh tế thị trường phát triển cao thì không phát triển năng động được; nhưng không có nhà nước thao lược làm chủ được quá trình phát triển này thì đổ vỡ - đến nỗi giỏi như Mỹ và nhiều nước tư bản phát triển khác cũng khó thoát được khủng hoảng.
Tôi khao khát cho nước mình có được nhà nước thao lược cho quốc gia và đảm bảo dân chủ của dân. Tôi mong Đảng lãnh đạo phát huy được trí tuệ và ý chí của nhân dân xây dựng bằng được một nhà nước như vậy. Đây là cái nước ta đang cần nhất, chứ không phải là FDI hay công nghệ cao hay bất cứ cái gì khác!
Xây dựng được một thiết chế như vậy, dân tộc Việt Nam sẽ tự đổi mới chính mình và sẽ có tất cả.
Chàng trai 22 tuổi không thể sống mãi trong bộ quần áo thiếu niên
Phải chờ đến lúc có khó khăn mới có cơ hội nhìn nhận lại mình là chuyện bất đắc dĩ, nhưng trong khó khăn mà còn không chịu nghiêm túc nhìn nhận lại mình thì còn tệ hơn nhiều lần. Nói thế, để thấy rằng bây giờ bắt buộc phải nhìn nhận lại mình, nhìn nhận một cách tỉnh táo - như một thời Đại hội VI của ĐCSVN đã làm việc này.
Bản thân những thành tựu đạt được trong 22 năm đổi mới đặt ra đòi hỏi này - giống như chàng trai 22 tuổi không thể cứ sống mãi trong bộ quần áo thiếu niên. Những đòi hỏi mới của phát triển và những thách thức trong hội nhập từ khi là thành viên WTO cũng đặt ra đòi hỏi mới này.
Hãy khoan nói đến chuyện bài toán nào cho cải cách; vấn đề trước tiên là cần nhận thức sâu sắc thực tế bức xúc là phải đi vào một thời kỳ cải cách cao hơn, sâu rộng hơn, triệt để hơn. Nhận thức đã ghi được trên nhiều văn bản chính thống - các báo cáo chính trị của các kỳ Đại hội Đảng CSVN, các báo cáo của Thủ tướng chính phủ trước Quốc hội, là sự chậm trễ của cải cách thể chế (trong đó cải cách hành chính chỉ là một bộ phận) đang kìm hãm sự phát triển mọi mặt của đất nước. Bây giờ là lúc phải hành động khắc phục sự chậm trễ này.

Thích nghi và phát triển

Trong khủng hoảng, các quốc gia trên thế giới đều phải tự thay đổi chính mình để ứng phó, thay đổi để thích nghi và phát triển được trong tình hình mới. Ngay ở Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, người ta cũng phải tính đến thay đổi rất nhiều trên 2 hướng: vai trò của nhà nước phải làm tốt hơn nữa điều tiết vĩ mô nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện cho người lao động Mỹ thích ứng được với tình hình cơ cấu kinh tế và do đó cơ cấu lao động ở Mỹ đang có nhiều thay đổi lớn ở nấc thang hiện tại của quá trình toàn cầu hóa. Nhiều học giả Mỹ cho rằng chính nước Mỹ cũng chưa thích nghi tốt quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới ngày nay.
Thực tế này càng nhắc nhở chúng ta phải nỗ lực làm cho kinh tế nước ta thích nghi và phát triển được trong tình hình mới.
Có hai vấn đề lớn cần đặc biệt quan tâm, đó là (a) dứt khoát phải chuyển sang phát triển chủ yếu dựa trên phát huy nguồn lực con người và hội nhập; (b) cần quan tâm đúng mức phát huy lợi thế Việt Nam là một nền kinh tế lớn, một thị trường lớn của một quốc gia có dân số đứng thứ 13 trên thế giới.
Đó cũng là hai điều kiện để kinh tế nước ta có thể thích nghi và phát triển được trong thế giới ngày nay.

Xin lưu ý: phát triển mà không thích nghi được, hoặc thích nghi được mà không phát triển được, kiểu gì nước ta cũng thua trong hội nhập và cạnh tranh toàn cầu ngày nay; bởi vì so sánh lực lượng sẽ quyết định kết cục như vậy. Do đó tôi nghĩ rằng thành hay bại trong những điều tôi vừa trình bầy sẽ chi phối rất sâu sắc tình hình phát triển kinh tế xã hội nước ta trong một hai thập niên tới.

Phương Loan (ghi)

No comments: