Friday, November 7, 2008

NƯỚC MỸ LUÔN THAY ĐỔI

Nước Mỹ luôn thay đổi
Ngô Nhân Dụng
Thursday, November 06, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=86506&z=7

Có những người nghi ngờ sức mạnh của thể chế dân chủ. Họ hãy coi kết quả cuộc bầu cử ngày 4 tháng 11 năm 2008 ở Mỹ, đó là câu trả lời cho họ hết nghi ngờ. Nghị Sĩ Barack Obama nói đại ý như vậy khi mở đầu bài diễn văn ông đọc sau khi Nghị Sĩ John McCain tuyên bố chịu thua và chúc mừng đối thủ, vị tổng thống tân cử.

Trong hơn một thế kỷ rưỡi từ khi thành lập, giới thượng lưu lãnh đạo chính trị và kinh tế vẫn nằm trong nhóm người gọi là “WASP,” viết tắt những chữ Da Trắng (White), Gốc Anh (Anglo-Saxon) và theo đạo Tin Lành (Protestant). Sau khi bầu ông George Washington 172 năm, nước Mỹ có một vị tổng thống đầu tiên theo đạo Công Giáo. Từ khi John F. Kennedy mở được cánh cửa Tòa Bạch Ốc, người Mỹ Công Giáo mới thấy họ đã được đối xử bình đẳng thật. Ðứng bên ngoài vẫn còn các phụ nữ, người Do Thái, và người da mầu. Phải đợi 220 năm và sau 43 vị tổng thống, mới đến lượt một người Mỹ không phải da trắng lên làm tổng thống. Một người da đen, vợ đen, con đen, tên đệm là Hussein, sắp lên làm tổng thống Hoa Kỳ. Bây giờ trở đi, những người sinh ở Mỹ gốc da vàng, da đen, da nâu nâu hay xám xám, đều có thể nuôi cao vọng lãnh đạo Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu!

Nửa thế kỷ trước đây nhiều nơi trên đất Mỹ còn những tấm bảng cấm người da đen không được ngồi hàng trước trên những xe buýt hay xa lửa, để dành cho người da trắng. Nhiều nơi cấm người da đen không được học trường chung, vào rạp hát chung, hay uống một vòi nước chung với người da trắng. Năm 1955 bà Rosa Park đã làm cả nước Mỹ bừng tỉnh khi bình tĩnh và thản nhiên từ chối không để người ta đuổi bà xuống ngồi hàng ghế cuối xe. Mới 40 năm trước, nhà tranh đấu dân quyền Martin Luther King Jr. bị ám sát. Vào năm 2000 khi Nghị Sĩ John McCain tính ra tranh cử tổng thống nhưng không thành, một trường đại học ởSouth Carolina vẫn còn cấm sinh viên trai gái khác chủng tộc không được hẹn hò với nhau trong trường! Tổng Thống George W. Bush đã tới vận động ở đại học đó.

Nay một người mang mầu da đen đắc cử tổng thống với một số phiếu cử tri đoàn áp đảo và trên 52% số phiếu của dân! Nhiều người Mỹ da trắng cũng như đen đã khóc vì cảm động. Họ có quyền cảm thấy yêu thương đất nước của họ hơn. Có quyền hãnh diện về xứ sở của họ hơn. Họ tin tưởng ở thể chế tự do dân chủ hơn. Ước mơ của hàng triệu người, từ thời lập quốc, đã thành sự thật. Ðây quả thật là một quốc gia thuộc về toàn thể mọi người dân. Người ngoại quốc, ở khắp thế giới, cũng chia sẻ những xúc động chân thành đó.

Bây giờ câu hỏi là: Ông tổng thống sắp tới, Barack Obama sẽ làm gì để cho dân Mỹ và những người ngưỡng mộ ông ở nước ngoài khỏi thất vọng?

Hai lần trước gần đây đảng Dân Chủ đã thắng lớn, kiểm soát cả 2 ngành Hành Pháp và Lập Pháp nước Mỹ, là vào năm 1964 (Tổng Thống Carter) và 1992 (Clinton) vì đa số dân lúc đó chán đảng Cộng Hòa. Lần thứ nhất là sau vụ WaterGate và Tổng Thống Richard Nixon từ chức; lần thứ nhì sau vụ khủng hoảng các ngân hàng tiết kiệm và cựu Tổng Thống George W.H. Bush đã tăng thuế, không giữ lời hứa long trọng khi tranh cử.

Cả hai lần này, đảng Dân Chủ nghĩ rằng họ đã được dân trao cho một sứ mạng lớn lao. Cho nên họ đã “thừa thắng xông lên.” Kết quả là mấy năm sau đảng Dân Chủ bị dân Mỹ cho một bài học về khiêm tốn! Ông Carter thua đậm trước ông Reagan năm 1980, và đến năm 1994 ông Newt Gringrich giành lại quốc hội về cho đảng Cộng Hòa.

Liệu tổng thống tân cử Obama và các đại biểu Dân Chủ chiếm đa số ở Quốc Hội năm nay có phạm vào lầm lẫn giống như hai lần trước hay không? Nếu đảng Dân Chủ nhân đà thắng lợi mà tính thực hiện tất cả các chương trình trong bản văn lập trường của đảng được chấp thuận trong kỳ đại hội vừa qua, thì họ có thể thất bại. Họ có thể bị phản ứng ngược trong hai năm tới khi dân Mỹ đi bầu lại Quốc Hội.

Ðảng Dân Chủ sẽ khiêm tốn hơn nếu nhớ rằng kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua là do đa số dân chúng Mỹ đang chán các chính sách của Tổng Thống Bush và đảng Cộng Hòa, chứ không phải vì họ thiết tha với ông Obama và đảng Dân Chủ. Ngày 4 tháng 11 vừa rồi người thất bại chính là Tổng Thống George W. Bush chứ không phải Nghị Sĩ John McCain. Chính ông Obama biết điều đó khi ông cố gắng cho dân Mỹ có cảm tưởng McCain đắc cử tức là Bush thêm một nhiệm kỳ thứ ba!

Cho nên cách tốt nhất cho tổng thống tân cử Barack Obama là hãy thực hiện lời hứa “đoàn kết” mà ông vẫn tuyên dương khi tranh cử. Ông cần thể hiện được tinh thần ôn hòa và bao dung, đề cao sự hợp tác của cả hai đảng.

Ông Obama có thể làm được như vậy. Vì ông được tiếng là một người điềm tĩnh, thực tế, biết lắng nghe chứ không phải chỉ lo thuyết phục người khác theo mình. Ông tỏ ra đủ thông minh và khôn khéo khi suy nghĩ, lựa chọn, và quyết định. Chung quanh ông người ta thấy những khuôn mặt trung dung, ôn hòa. Như nhà tỷ phú Warren Buffett. Như cựu chủ tịch Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang Paul Volker, người đã cầm cân nẩy mực nền tài chánh nước Mỹ trong thời các Tổng Thống Carter cùng Reagan, và đã chặn được cơn cuồng phong lạm phát trong thời gian đó. Ông cũng được những người thuộc đảng Cộng Hòa ủng hộ, như Tướng Collin Powell.

Một cuộc nghiên cứu dư luận gần đây cho biết chỉ có 22% dân Mỹ tự coi thuộc thành phần “cấp tiến” (liberal), 34% tự nhận là “bảo thủ” (consevative) còn 44% mô tả họ là những người “ôn hòa” (moderate). Trong thành phần ôn hòa này, Nghị Sĩ Obama được 61% ủng hộ và chỉ có 38% chống. Chắc chắn ông Obama phải coi sự đắc thắng của ông là do ông được những người ôn hòa tín nhiệm, sau 8 năm ông Bush nghiêng hẳn về phía hữu.

Nếu có một sứ mạng (mandate) mà dân Mỹ gửi cho ông Barack Obama, sứ mạng đó là thi hành những chính sách cải thiện guồng máy luật lệ chi phối kinh tế, tài chánh, với một chính phủ Mỹ đóng vai trò giám sát mạnh mẽ hơn trước, để tiến tới một xã hội công bằng hơn và nhờ thế cũng phồn thịnh hơn. Chính phủ Obama có thể đóng vai trò “san sẻ của cải” như ông đã nói, mà không lo bị gán danh hiệu “xã hội chủ nghĩa.” Trong cuộc bỏ phiếu vừa qua ông Obama đã chiếm được đa số phiếu của những gia đình Mỹ có lợi tức từ 200,000 đô la một năm trở lên! Những vùng nhiều người giầu nhất nước như các tiểu bang ở miền Ðông Bắc và tiểu bang California, cũng chính là những tiểu bang ông Obama chiếm đa số.

Như Nghị Sĩ John McCain đã nêu lên nhiều lần, trong Thượng Viện ông Obama luôn luôn bỏ phiếu giống như đảng Dân Chủ đòi hỏi. Liệu ông có thể cưỡng lại áp lực của những người lãnh đạo đảng Dân Chủ trong Quốc Hội hay không?

Có hai yếu tố khiến người ta có thể tin rằng ông Obama có khả năng giữ những chủ trương ôn hòa, độc lập, không phải chạy theo yêu cầu của các đại biểu đảng Dân Chủ đang kiểm soát Quốc Hội.

Thứ nhất là rất nhiều đại biểu Quốc Hội Dân Chủ thắng cử kỳ này nhờ vào cơn gió lớn mà ông Obama đã tạo ra trong cuộc vận động tranh cử của chính ông. Nghị sĩ tân cử Kay Hagan chắc khó lòng lật đổ được Nghị Sĩ Elizabeth Dole ở North Carolina nếu không có ông Obama đến đó nhiều lần huy động người ta đi bỏ phiếu, nhất là đẩy thêm nhiều người da đen tới phòng phiếu. Trên toàn quốc, số cử tri da đen đi bầu đông hơn hẳn mọi lần cũng là một yếu tố giúp các ứng cử viên đảng Dân Chủ. Các đại biểu quốc hội Dân Chủ nợ ông Obama, ông không mang nợ họ.

Hơn nữa, một vị tổng thống được lòng dân có khả năng làm ngược lại ý kiến của các đại biểu quốc hội cùng đảng. Khi ông Obama thắng cử với số phiếu cử tri đoàn áp đảo, thanh thế của ông đủ lớn để ông có thể từ chối những chương trình lập pháp quá khích nếu các đại biểu quốc hội Dân Chủ đưa ra. Uy tín của Quốc Hội Mỹ đang rất thấp. Trong hai năm qua đảng Dân Chủ đã kiểm soát cả 2 viện; và Quốc Hội bị 73% cử tri chê là không làm tròn nhiệm vụ. Mặc dù gần 71% dân không tín nhiệm Tổng Thống Bush, đảng Dân Chủ hiện chỉ tăng thêm được 20 ghế dân biểu và 7 ghế nghị sĩ. Những sự kiện đó cũng khiến các đại biểu Dân Chủ trong Quốc Hội phải khiêm tốn hơn.

Yếu tố thứ hai có thể khiến tổng thống tân cử Obama cai trị với những chủ trương ôn hòa và thu hút được sự hợp tác của cả hai đảng là ngân sách chính phủ Mỹ đang thiếu tiền. Tất cả các chương trình cải tổ y tế, giáo dục, các kế hoạch giảm thuế cho những người lợi tức dưới 200,000 đô la đều cần tiền! Trong ít nhất một năm tới số thu của chính phủ Mỹ sẽ giảm đi vì kinh tế xuống thì số thuế thâu vào cũng xuống! Ngân sách chính phủ liên bang sẽ thâm thủng 1,000 tỷ đô la năm nay, và sang năm chắc sẽ khiếm hụt thêm 1000 tỷ nữa. Chính phủ Obama cũng sẽ khó tăng thuế đầu tư và thuế lợi tức trên những người lợi tức cao hơn 250,000 đô la. Vì trong một thời kỳ kinh tế suy yếu mà tăng thuế thì chỉ làm kinh tế yếu hơn.

Cho nên có thể tin rằng trong năm đầu tiên tổng thống tân cử Barack Obama sẽ lo hàn gắn những vết thương kinh tế, tài chánh cho nước Mỹ hơn là tìm cách thi hành tất cả mọi chương trình của đảng Dân Chủ. Nếu ông thành công thì sau đó ông sẽ thuyết phục dân Mỹ dễ dàng hơn.

Khi đưa ra khẩu hiệu “Thay đổi,” ông Obama biết rằng không phải ông là người sẽ thay đổi nước Mỹ. Chính nước Mỹ đã thay đổi và đang thay đổi. Cựu Ngoại Trưởng Powell đã ủng hộ ông Obama vì coi việc đắc cử của ông có khả năng chuyển hóa nước Mỹ. Chuyển hóa là một quá trình tiệm tiến, sâu và bền. Mà nước Mỹ lúc nào cũng chuyển hóa. Có lúc chuyển hóa nhanh, lúc chậm, mà trong 4 năm tới chúng ta biết là thế nào cũng nhanh. Không phải vì một vị tổng thống tân cử muốn như vậy; mà vì thời thế đẩy cả dân tộc này chọn như vậy.

No comments: