Sunday, November 2, 2008

KARAOKE BIẾN DẠNG NGUY HIỂM

Karaoke biến dạng nguy hiểm!
Chủ nhật, 02/11/2008, 02:12 (GMT+7)
http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/2008/11/170438/

Hiện nay, các tụ điểm karaoke biến tướng “nở rộ” nhiều nơi, từ nội thành đến quận ven, ngoại thành, đâu đâu cũng có, gây bức xúc cho không ít người dân. Điều đáng lo ngại là sự biến tướng này ngày càng thác loạn, bệnh hoạn hơn…

Nở rộ như nấm sau mưa

Karaoke vốn dĩ là loại hình văn hóa giải trí lành mạnh, khá phổ biến nhưng khi bị một số người lợi dụng, kinh doanh karaoke trá hình, trục lợi bất chính, thì loại hình này đã tạo ra nhiều tệ nạn xã hội. Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 17/2005/CT-TTg yêu cầu tạm ngưng việc cấp phép mới cho những dịch vụ karaoke. Thế nhưng, thực tế, trên địa bàn TPHCM, nhiều tụ điểm karaoke vẫn ngang nhiên mở, hoạt động không phép, kèm theo những hoạt động trá hình, kích dục, mại dâm.
Làm ăn phát đạt nên nhiều tụ điểm karaoke mới cứ tranh nhau mọc lên như nấm sau mưa. Một số địa phương có nhiều điểm kinh doanh karaoke ôm mà các “tay chơi” thường rủ rê nhau “đáp” là quận 5, Bình Thạnh, Bình Tân…
Ở Bình Tân, mặc dù là quận mới thành lập, nhưng chỉ riêng phường Bình Trị Đông B, số lượng quán karaoke trá hình đã là mấy chục quán, nào là H.P, A.K, T.T, T,P, M.H… Còn ở quận 5, địa điểm karaoke ôm thường xuất hiện ở khu vực Lê Hồng Phong…

Thác loạn ở... vùng ven
Nếu như trước đây, những điểm karaoke thác loạn chỉ xuất hiện ở một số quận nội thành thì nay, ở quận ven cũng chẳng thua kém.
Nhìn thoáng qua, quán N.M (đường số 5, phường Bình Trị Đông B, Bình Tân) khá đơn giản, nhỏ hẹp, không ai có thể hình dung nổi, đây là điểm ăn chơi thác loạn. Vừa nghe tiếng xe đỗ xịch phía trước, tay quản lý quán nhanh nhảu: “Các em ơi, khách vô nè, nhanh nhanh đi…”. Chúng tôi được dồn vào phòng karaoke chỉ hơn 10m2… Trong tích tắc, gần chục cô gái xuất hiện với những bộ trang phục đủ sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng… đứng xếp hàng để khách muốn “chấm” ai, chọn nấy.
Chỉ sau mấy cái cụng ly, có chút men bia trong người, các cô gái này càng vô tư hơn, không có chút gì ngại ngùng. Lúc này tiếng nhạc cũng được mở lớn hơn để kích thích cho các cô gái ngồi uốn éo, lắc lư, mỗi lúc quằn quại hơn. Cái bàn nhậu lúc đầu để ly, dĩa trái cây… giờ là “sàn diễn” của các cô gái.
Màn đầu tiên mà các cô biểu diễn là kêu thực khách đặt tiền (mỗi lần 50.000 đồng) vô miệng chai bia, dựng trên bàn, rồi từng cô sẽ… cởi hết quần áo, lần lượt leo lên bàn đứng nhún nhảy, dùng chỗ… lấy tiền. Nếu anh nào đặt 100.000 đồng, thì cô gái đó “boa” thêm màn kẹp điếu thuốc lá đang cháy. Thêm một két bia khác được đưa vào phòng, chỉ trong nháy mắt, một cô gái nhanh tay khui hết nắp bia và chủ động leo lên bàn, tay cầm chai bia đổ lên người, rồi uốn éo, mân mê. Một cô, rồi hai cô… Sau những màn “diễn xiếc… trần như nhộng”, nếu khách nào muốn “đi tiếp” thì có thể lưu số điện thoại hẹn riêng.

Ngang nhiên đến thế là cùng!
Thời gian qua, dù thành phố và cả quận huyện, phường xã đều thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành 814 (gọi tắt là 814) nhằm kiểm tra, phát hiện, xử lý ngăn ngừa tệ nạn xã hội, trong đó có karaoke biến tướng. Thế nhưng, trên thực tế hiện nay ngành chức năng xử phạt – cứ xử, còn quán hoạt động – cứ hoạt động (!?). Như ở Bình Chánh, quán karaoke ôm H.H nằm cạnh một trường tiểu học, hoạt động từ gần chục năm qua, các ngành chức năng rất muốn “xóa sổ”. Nhưng, sau hàng chục lần xử phạt về các vi phạm karaoke không phép, tiếp viên không có hợp đồng lao động… đến nay, quán này vẫn hoạt động “vô tư”.
Còn ở quận Bình Tân, những quán T.P, T.T ở đường số 7, phường Bình Trị Đông B từng bị Đoàn 2 kiểm tra liên ngành 814 của TPHCM kiểm tra, bắt quả tang hoạt động karaoke không phép, tiếp viên mặc đồ hở hang… vào ngày 8-7-2008, nhưng hiện các địa điểm này vẫn hoạt động như trước. Quán T.T.T ở đường số 5, Bình Trị Đông B, đã bị kiểm tra, xử lý vào tháng 9-2008 khi hoạt động không phép, sử dụng 28 tiếp viên không hợp đồng lao động, sử dụng hình thức kinh doanh khiêu dâm… Nhưng đến nay, quán này vẫn ngang nhiên hoạt động (tháng 7-2008, quán này từng bị phạt trên 53 triệu đồng với những vi phạm tương tự).
Lẽ nào các cơ quan quản lý văn hóa, các ngành, các cấp lại “bó tay” và không thể đóng cửa các tụ điểm xấu ấy để loại trừ nguy hại cho xã hội?
Nhóm PV

No comments: