KỶ NGUYÊN BARACK OBAMA
Phạm Trần
http://www.doi-thoai.com/baimoi1108_089.html
Tại Sao Cả Thế Giới Trông Đợi Kết Quả Bầu Cử Mỹ ?
Hoa Thịnh Đốn.- Lần đầu tiên trong 232 năm lịch sử của Hiệp chủng Quốc, cử tri đã chọn Thượng nghị sỹ da mầu Barack Hussein Obama của đảng Dân chủ làm Tổng thống thứ 44 . Ông đã đánh bại ứng cử viên của đảng Cộng hòa, Nghị sỹ John McCain với tỷ lệ 53% - 46%, hay trên 64 trong số 133 triệu người đi bỏ phiếu.
Nếu tính theo số phiếu của Cử tri đòan thì Nghị sỹ Obama được 349, trong khi chỉ cần 270 phiếu là đắc cử. Nghị sỹ McCain được 163 phiếu. Số ít phiếu Cử tri đòan còn lại sẽ được loan báo sau khi có kết qủa kiểm soát lại số phiếu bầu các Dân biểu và Nghị sỹ tại 4 Tiểu bang Alaska, Oregon, Minnesota và Georgia.
Cũng nên biết tổng số Phiếu của cư tri đòan của Hoa Kỳ hiện nay là 538 gồm tổng số Dân biểu và Nghị sỹ lưỡng viện Quốc hội và 3 phiếu đại diện cho Thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Dictric of Columbia), theo Tu chính án 23.
Sự kiện ông Obama có dòng máu Cha là người Phi châu và Mẹ người Mỹ da trắng trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đã tạo ra phản ứng vui mừng khắp nơi trên thế giới, đặc biệt tại nước Phi châu Keynia, quê nội của ông. Báo chí và các hệ thống truyền thanh và truyền hình khắp năm Châu đã “thức trắng đêm” theo dõi kết qủa cuộc kiểm phiếu và họ đã chạy những hàng chữ lớn trên trang nhất loan báo việc ông Obama đắc cử.
Nhưng tại sao người ngoại quốc lại theo dõi cuộc bầu cử Tổng thống của nước Mỹ đến mức độ như thế ?
Có 5 sự kiện then chốt giải thích cho “biến cố” có một không hai này:
Thứ nhất, trước ngày bỏ phiếu, mặc dù tất cả 159 hãng thăm dò dư luận đều có kết qủa tốt cho ứng cử viên Obama hơn ông McCain từ 7 đến 11 điểm nhưng không ai dám tin chắc một người da mầu có thể thắng phiếu người da trắng vì vấn đề kỳ thị mầu da vẫn còn sâu đậm trong đầu nhiều người dân Mỹ.
Thứ hai, lấy kinh nghiệm cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000 giữa Tổng thống Bush, khi ấy là Thống đốc Tiểu bang Texas và Phó Tổng thống Al Gore của đảng Dân chủ khi số phiếu tranh chấp tại Tiểu bang Floria phải nhờ Tối cao Pháp viện giải quyết, dành phần thắng cho Tổng thống Bush bằng cuộc bỏ phiếu 5/4, nên ai cũng lo ngại có thể lại tái diễn tron g cuộc bầu cử ngày 4/11 (2008).
Thứ ba, không ai nắm chắc được số cử tri “độc lập” sẽ bỏ phiếu cho ai vì nhiều cuộc thăm dò dư luận trước đây đã chứng minh không đúng sau cuộc bỏ phiếu.
Thứ tư, so với các cuộc bầu cử trước đây thì năm 2008 có nhiều người trẻ ghi danh đầu phiếu hơn các năm trước, nhưng cũng không ai nắm chắc họ sẽ đi bỏ phiếu như khi tuyên bố với báo chí vì giới trẻ thường ít đi bỏ phiếu như đã xẩy ra từ trước.
Thứ năm, nếu so về tuổi tác thì ông Obama mới 47 tuổi so với Nghị sỹ McCain 72 tuổi. Về kinh nghiệm nghị trường, ông McCain có 16 năm trong khi nghị sỹ Obama chưa làm hết nhiệm kỳ 6 năm đầu tiên của một Nghị sỹ. Ông McCain là một anh hùng Phi công của Hải quân Mỹ. Máy bay ông lái tham chiến bị bắn rơi trên nền trời Hà Nội, Việt Nam và bị nằm tù tại Hỏa Lò trên 5 năm. Ông McCain cũng có nhiều kinh nghiệm ngoại giao và quốc phòng vượt xa hơn ông Obama.
Tuy nhiên cử tri ủng hộ ông Obama trong nước Mỹ và người nước ngòai đều hy vọng nếu đắc cử, Tổng thống Obama sẽ mở ra một kỷ nguyên mới thân thiện hơn với các nước về mặt ngọai giao.
BẤT LỢI CHO McCAIN
Ngay từ những ngày đầu cuộc tranh cử sơ bộ, phe Dân chủ đã tấn công đường lối chiến tranh của TT Bush tại hai chiến trường Iraq và Afganistan. Ông McCain không những không phê bình ông Bush mà lại vẫn khẳng định Quân đội Mỹ đang chiến thắng tại đó. Ông cũng muốn duy trì quân Mỹ tại Iraq cho đến khi nào đạt được chiến thắng tòan diện mới thôi.
Lập trường này ít được dân Mỹ ủng hộ vì ai cũng thấy chi phí cho Quốc phòng nhiều qúa vì mỗi tháng phải chi mất 12 tỷ dollars trong khi kinh tế nước Mỹ đi xuống và dân chúng thì khó tìm được công ăn việc làm. Họ cũng bất bình vì sự đóng góp cho chiến tranh để bảo vệ đất nước của chính quyền Iraq ít qúa, dù lợi tức của việc bán dầu đem về cho Iraq mỗi ngày hàng chục triệu dollars.
Tuy nhiên, sau hai Đại hội đảng Dân chủ (tháng 8-08) và Cộng hòa (tháng 9-08) thì cuộc tranh cử chính thức giữa Obama và McCain vẫn ngang ngửa, đội khi McCain trội hơn Obama nhờ việc McCain chọn Bà Sarah Palin, Thống đốc Tiều Bang Alaska đứng chung liên danh.
McCain chọn Palin vì hy vọng lấy được phiếu của phe cấp tiến trong đảng Cộng hòa và phiếu phụ nữ từng ủng hộ Nghị sỹ Hillary Clinton, đảng Dân chủ trước khi Bà thua ông Obama trrong cuộc bầu cử sơ bộ.
Tình hình cuộc tranh cử thay đổi từ sau tháng 9, sau khi nước Mỹ bất ngờ lâm vào cuộc khủng hỏang tài chính lớn nhất từ năm 1939. Số người dân mất nhà tăng nhanh và số người thất nghiệp cũng vượt từ 4.5 lên 6 % trong vòng 1 tháng khiến Chính phủ và Quốc hội phải cấp thời bỏ ra 700 tỷ Mỹ kim “mua” lại một số công ty tài chính và ngân hàng sạt nghiệp để cứu nền kinh tế không bị sụp đổ tòan diện.
Trong khi cuộc khủng hỏang kinh tế bén rễ và lan nhanh sang nhiều công ty và xí nghiệp, nặng nhất là kỹ nghệ xe hơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng do số xe bán ra không được, và kỹ nghệ xây cất bị tê liệt khắp nước Mỹ thì Nghị sỹ McCain, vào ngày 15-9 (2008) vẫn như không nhìn thấy để đưa ra lời tuyên bố tại Jacksonville , Floria rằng “ Căn bản của nền kinh tế vẫn còn mạnh” ("fundamentals of the economy are strong”).
Lời tuyên bố xa rời thực tế của ông McCain đã làm cho các cố vấn của ông sảng sốt tìm cách sửa lại, nhưng không kịp vì làn sóng dân chúng bất bình và nghi ngờ khả năng vãn hồi kinh tế của ông đã lan nhanh trong cuộc tranh cử của phe Dân chủ.
Trong khi đó ông Obama, ngòai việc tăng cường chỉ trích ông McCain “xa rời thực tế” lại ràng buộc ông chặt hơn vào chính sách thất bại của Tổng thống Bush vì ông McCain đã bỏ phiếu ủng hộ đến 90% các biện pháp kinh tế và quốc phòng trong hai nhiệm kỳ của TT Bush. Ông Obama lập đi lại thông điệp nếu bỏ phiếu cho John McCain thì không khác gì bỏ phiếu cho ông Bush thêm một nhiệm kỳ nữa để kéo dài thất bại.
Mặt khác thông điệp “phải thay đổi” (Change) và phải có “hướng đi mới” cho nước Mỹ (New direction) của ông Obama đã nhận được sự tán thành nồng nhiệt của giới trẻ và cử tri, sau 8 năm cầm quyền không có mấy tiến bộ và làm mất uy tín của nước Mỹ trên chính trường quốc tế của TT Bush và đảng Cộng hòa.
Vì vậy mà uy tín của liên danh McCain-Palin càng ngày càng “tụt hậu” so với uy tín lên như diều của liên dân Dân chủ Obama- (Joe) Biden, nhất là sau khi dân chúng nhận ra Bà Palin không có khả năng lãnh đạo nước Mỹ, nếu chẳng may có chuyện không lành xẩy ra cho Nghị sỹ McCain. Trong khi đó có tới 70 phần trăm dân chúng đồng ý Nghị sỹ Biden, Tiểu bang Delaware, với kinh nghiệm trên 35 năm tại Thương viện và là một chuyên viên gạo cội về ngoại giao và quốc phòng có đủ điều kiện làm Tổng thống hơn bà Palin.
Nhiều chuyên gia đảng Cộng hòa thấy bà Palin trở thành một gánh nặng cho ông McCain. Bà Palin cũng mất dần phiếu phụ nữ từ đây.
CHÍNH QUYỀN OBAMA
Vì những nguyên nhân kinh tế-tài chính mà cuộc tranh cử sau cùng đã coi nhẹ yếu tố chiến tranh tại Iraq và Afghanistan. Cử tri thấy rõ liên danh McCain-Palin không có khả năng vãn hồi nền kinh tế trong khi có tới 60% dân chúng tin liên danh Obama-Biden có nhiều triển vọng hơn.
Kết qủa có tới 56% phụ nữ, 66 % cử tri gốc Nam Mỹ (Hispanic), 66 % cử tri dưới 30 tuổi, 68% số cử tri đi bỏ phiếu lần đầu trong đời và 55% người cớ lợi tức dưới 100 ngàn Mỹ kim một năm đã ủng hộ liên danh Obama-Biden.
Riêng số phiếu người Mỷ da mầu dành cho ông Obama lên đến 95% so với 4% ủng hộ Nghị sỹ McCain. Số cử tri da trắng cũng đã thay đổi định kiến của họ về da mầu trong cuộc bầu cử năm 2008 qua tỷ lệ 6/10 không còn coi vấn đề màu da quan trọng cho quyết định bỏ phiếu của họ.
Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Obama không dễ vượt qua những khó khăn đang chờ đợi trong một thời gian ngắn như đã xẩy ra cho các chính quyền trước ông. Bởi vì ông phải đối phó cùng một lượt hai vấn đề lớn hàng đầu hiện nay là 2 cuộc chiến tranh (Iraq và Afghanistan) chưa có lối thoát để ổn định hòa bình vĩnh viễn và cuộc khủng hỏang kinh tế – tài chính đang đe dọa cả thế giới.
Ông Obama cũng phải tìm cách đáp lại sự trông đợi của cử tri về lời hứa khi tranh cử của ông nhằm giải quyết nạn thất nghiệp, bảo hiểm sức khỏe, chính sách giáo dục thiếu công bằng đối với nhiều người, nhất là con em của những gia đình nghèo.
Giải tỏa phần nào cho những áp lực này, ông Obama có lợi điểm sẽ được Quốc hội do đảng Dân chủ, lần đầu tiên trong nhiều năm, chiếm đa số cả hai viện tiếp sức, mặc dù đảng Dân chủ chưa có đủ số phiếu của đa số cần thiết 60 Nghị sỹ để vượt qua dễ dàng các đề nghị tại Thượng viện.
Các báo cáo chưa hòan tất cho thấy trong tổngh số 435 ghế dân biểu, đảng Dân chủ chiếm thêm ít nhất 19 ghế Hạ viện nâng tổng số lên 254, Cộng hòa còn 173 ghế. 8 ghế còn lại chưa có kết qủa. Tại Thượng viện, Dân chủ được thêm 5 ghế đưa tổng số lên 56 và Cộng hòa có 40 ghế.
Số Thương nghị sĩ có thể thay đổi vì còn 4 Tiểu bang Alaska, Oregon, Minnesota và Georgia chưa kiểm phiếu xong hay có thể phải qua vòng bỏ phiếu thứ hai.
Khi nhận chức vào ngày 20-1-2009, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Obama không phải là việc phải phục hồi nhanh chóng uy tín của nước Mỹ trên thế giới, hay rút quân ra khỏi chiến trường Iraq, mà là làm sao vãn hồi được cuộc khủng hoảng kinh tế đang đe dọa nhiều gia đình người Mỹ.
Ông Obama biết như thế và đã mong dân Mỹ kiên nhẫn để giúp ông giải quyết các khó khăn này. Ông nói có thể không giải quyết hết mọi vấn đề trong năm đầu tiên hay trong một nhiệm kỳ, nhưng ông cam đoan với dân chúng trong đêm liên hoan chiến thắng ở Chicago 4/11 rằng “chúng ta sẽ tiến tới đích đó.”
Phạm Trần(11/08)
No comments:
Post a Comment