guardian.co.uk
Giải thưởng Dylan Thomas 60.000 bảng về tay tác giả với tác phẩm đầu tay viết về nhiều nơi trên thế giới
£60,000 Dylan Thomas prize goes to globetrotting debut author
Richard Lea
Tuesday November 11 2008 00.05 GMT
http://www.guardian.co.uk/books/2008/nov/11/dylan-thomas-prize-nam-le-the-boat
Nhà văn sinh trưởng ở Việt Nam Lê Nam đã được trao giải thưởng Dylan Thomas 2008 và kiếm được một tấm séc 60.000 bảng Anh tại một buổi lễ ở Swansea tổ chức đêm qua cho tuyển tập truyện ngắn đầu tay của anh, cuốn The Boat [Con Thuyền] *.
'A clear eye, focused intelligence and wonderful use of words' ... Nam Le
Chủ tịch ban giám khảo, ông Peter Florence, đã chào đón Nam như là một "người thắng cuộc xứng đáng với giải Dylan Thomas".
"Nam xử lý các tư liệu từ vốn sống và các hoàn cảnh của riêng mình cũng như của người khác với một nhãn quan tinh nhạy, tập trung vào việc sử dụng ngôn từ một cách thông minh và đáng khâm phục," ông Florence nhận xét. "Anh ấy, theo quan điểm của ban giám khảo, là một tài năng văn học lạ thường, và tôi trông chờ sự nghiệp tới đây của anh trên bước đường phát triển."
Sinh ra tại Việt Nam và lớn lên trên nước Úc, Lê Nam hiện sống ở New York và đã đi khắp hoàn cầu bằng những câu chuyện được bắt đầu ở những địa điểm từ các con phố của Tehran cho tới một ngôi làng đánh cá của Úc. Truyện ngắn mở đầu tuyển tập, có tên "Tình yêu và Danh dự và Lòng trắc ẩn và Niềm kiêu hãnh và Tình thương và Đức hy sinh", đã trực tiếp gắn chặt với di sản của riêng anh, ở một cây viết trẻ tên là Nam này được thôi thúc bởi bạn bè để trở lại những trải nghiệm của người cha mình tại Việt Nam cho cảm hứng văn học. Nó là một chủ đề anh trở lại trong câu chuyện cuối cùng của tuyển tập, cũng là tên cho tựa đề "The Boat", một bản miêu tả trung thực những con người đã phải tranh đấu để thoát khỏi đất nước Việt Nam Cộng sản trên những con thuyền.
Nam đã thắng trong cuộc đua tranh trước người đã giành được phần thưởng cho cuốn sách đầu tay của tờ Guardian năm ngoái, Dinaw Mengestu, cũng như với Ross Raisin, người được vào danh sách cuối cùng cho giải của Guardian năm nay. Họ cùng có tên trong danh sách ngắn để chọn lựa lần cuối của giải Dylan Thomas cùng nhà thơ 22 tuổi Caroline Bird, cũng như các nhà văn xuất hiện lần đầu Ceridwen Dovey và Edward Hogan.
Giải thưởng văn học Dylan Thomas "đầu tiên" được công bố vào đầu thập niên 1980, với một khoản ngân quỹ nhỏ hơn nhiều, song bị rơi vào tình trạng đình trệ sau khi nguồn tài chính kiệt quệ. Giải thưởng mới, được ban bố hai năm một lần bởi Trường Đại học Wales, được khởi đầu năm 2006.
Giải thưởng này giành để động viên tài năng sáng tạo trong các nhà văn dưới độ tuổi 30, và không hạn chế cho các tác phẩm tiểu thuyết hư cấu, thi ca và kịch bản sân khấu bằng tiếng Anh - tất cả các thể loại mà Thomas đã từng viết. Giải thưởng mở màn năm 2006 cũng rơi vào tay một tuyển tập truyện ngắn, cuốn Fresh Apples [Những Trái Táo Thanh Khiết] của Rachel Tresize.
Hiệu đính: Blogger Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2008
Tuesday November 11, 2008 - 03:47pm (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-C6To.awlc6eMWmDUvAozkYGe?p=2479
* Cuốn sách đã từng được Ba Sàm đề cập khi nhiều tờ báo lớn của Mỹ như The New York Times, San Francisco Chronicle, The Los Angeles Times, ... giới thiệu (mời bấm vào đây xem trang web gồm tất cả các bài trên các báo phương Tây) và trích đăng một số truyện ngắn trong đó. Trang web của nhà văn nầy: http://namleonline.com/
Nam Lê được trao giải thưởng dylan thomas
Nguyễn Thị Hải Hà
14.11.2008
http://damau.org/2008/11/nam-l-d%c6%b0%e1%bb%a3c-trao-gi%e1%ba%a3i-th%c6%b0%e1%bb%9fng-dylan-thomas/
Tờ báo mạng của đài ABC ở Úc (ABC.net.au), ngày 10 tháng 11 đã loan tin đứa con yêu quí của Úc, Nam Lê, với tuyển tập truyện ngắn đầu tay The Boat (Chiếc Thuyền) đã được chọn trao giải thưởng Dylan Thomas.
Dylan Thomas (27 tháng 10, 1914 – 9 tháng 11, 1953) là nhà thơ và nhà văn nổi tiếng nhất của Wales. Vì muốn nối gót ông, nhạc sĩ Bob Dylan đã đổi tên thật của mình là Bob Zimmerman thành Bob Dylan. Bài thơ bất hủ của Dylan Thomas là bài villanelle Do Not Go Gentle Into That Good Night (Đừng Đi Êm Ái Vào Đêm Vĩnh Hằng) (khuyên nhủ người bố đang bệnh nặng đừng chịu thua tử thần). Dylan Thomas mất năm 39 tuổi vì bị ngộ độc rượu ở Nữu Ước.
Để ghi nhớ di sản văn chương của ông, không những là một nhà thơ tiền vệ của thế kỷ 20 mà còn là một nhà văn và kịch sĩ với nhiều sáng tạo và thử nghiệm (tiêu biểu qua vở kịch radio nổi tiếng Under Milkwood), phần thưởng đã được thành lập với ước vọng rằng “chữ nghĩa và tư tưởng sẽ tiếp tục gây cảm hứng cho mọi người, như chúng đã gây cảm hứng cho nhà thơ, đồng thời thu hút những nhà văn trẻ và tài hoa đến thành phố Swansea là quê quán xưa của Dylan Thomas.” Nữ tài tử Catherine Zeta-Jones tuyên bố. Cô là "sứ giả" của giải Dylan Thomas và cũng là một nghệ sĩ xuất thân từ Wales.
Tuy giải thưởng này chưa được phổ biến rộng rãi trên thế giới vì mới được thành lập năm 2004, đây là giải thưởng có giá trị tài chính rất cao; 60,000 bảng Anh (94,000 đô la Mỹ) so với Orange Broad Band (78,000 đô la) và Putlitzer (10,000 đô la). Giải Dylan Thomas được Đại học Wales bảo trợ dành cho tài năng trẻ từ ba mươi trở xuống bao gồm địa hạt rộng rãi gồm có bộ môn thơ, truyện ngắn, truyện dài, và kịch.
Nếu đo giá trị của sự thành công bằng cái giá người ta phải trả thì đây là một thành công xứng đáng bởi vì Nam Lê đã từ bỏ nghề luật sư trong một tổ hợp có tiếng ở Úc để theo đuổi nghiệp văn chương. Trong nghề luật sư Nam Lê được trả lương cao theo đơn vị thời gian, mỗi đơn vị có sáu phút. Thật may, nghiệp văn chương cũng rất hậu đãi Nam Lê, quyển sách đầu tay của anh (với lời đề tặng bố mẹ và hai em trai ở đầu sách), đã được giới văn học Mỹ tiếp nhận nồng hậu với vô số lời khen ngợi xuất hiện trên những tờ báo danh tiếng nhất, bởi đa số các nhà phê bình tiếng tăm nhất trong đó có bà Michiko Kakutani của báo New York Times. Bà Kakutani là một nhà phê bình văn hóa Hoa Kỳ gốc Nhật bản rất nghiêm khắc. Bà không ngần ngại chỉ trích công khai những tác phẩm bà cho là có khuyết điểm cho dù tác giả rất nổi tiếng trên thế giới hay có nhiều sách bán chạy ở thị trường Mỹ-Anh, thí dụ như The Enchantress of Florence, tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Anh Salman Rushdie hay Lulu in Marrakech của nữ văn sĩ Hoa Kỳ Diane Johnson. Lời khen hay chê của bà Kakutani có thể ảnh hưởng đến số sách được bán ra. (Một show rất nổi tiếng trên truyền hình như Sex and the City của đài HBO cũng tả cảnh Carrie Bradshaw (Sarah Jessica Parker), một trong bốn vai chính, bị hồi hộp lo lắng khi ra mắt tác phẩm đầu tay của cô, vì cô không biết bà Kakutani có “ưng” sách của cô hay không.) Bà Kakutani đã dành cho Nam Lê những lời khen nồng nhiệt “…tác giả làm chủ vấn đề với phong cách tự tin rất hiếm hoi mà nhiều tác giả viết đã lâu năm vẫn không có, tác giả diễn tả được sự xung đột nội tâm của những người khi mơ ước và tham vọng của họ bị dày xéo bởi tình gia đình hay sự tàn khốc của lịch sử.”[1]
Ngoài giải thưởng Dylan Thomas, Nam Lê còn được nhiều giải thưởng khác như Pushcart Prize, the Michener-Copernicus Society of America Award, học bổng của Iowa Writers Workshop, the Fine Arts Work Centre của Provincetown và được trường trung học nội trú danh tiếng Phillips Exeter Academy của Mỹ mời đến làm “nhà văn tại gia”(writer-in-residence) nhằm có cơ hội yên tĩnh để sáng tác và đồng thời khuyến khích các học sinh tại trường.
Ông Peter Florence, Chủ tịch hội đồng giám khảo của giải Dylan Thomas cũng đã khen ngợi rằng Nam Lê “ biểu lộ sự sắc bén rất hiếm hoi, đáng khen ngợi về cả hai mặt đề tài và văn phong.” Ông còn nói thêm là “Nam đã dùng kinh nghiệm và những chuyện trong quá khứ của chính anh hay của người khác với cái nhìn trong sáng, trí thông minh chuyên chú, và cách dùng chữ sắc sảo.” Đại diện cho Hội đồng Giám Khảo, ông nhận xét Nam Lê là một hiện tượng văn học xuất chúng và ông mong là sẽ được nhìn thấy sự nghiệp của Nam được lên mãi.
Có lẽ ông Florence không đơn độc trong mơ ước này. Bên cạnh ông sẽ có rất nhiều người trong giới văn học trên thế giới chú ý theo dõi tài năng và sự nghiệp của Nam Lê. Hiện nay, một tác giả muốn được chú ý phải đạt tính toàn cầu. Tập truyện đầu tay của Nam Lê bao gồm bảy truyện ngắn, trong đó chỉ có truyện đầu và truyện cuối lấy bối cảnh Việt Nam còn các truyện ngắn khác đưa độc giả đi khắp nơi từ chuyện ám sát tên trùm ma túy ở Colombia cho đến cuộc tranh đấu chống chế độ độc tài tôn giáo ở Tehran, cho đến làng nhỏ đánh cá ở Úc, đến những tàu buôn lớn ở Nam Hải. Sinh ra ở Việt Nam, lớn lên ở Úc, phát triển sự nghiệp văn chương ở Mỹ, được giải thưởng văn chương vốn là di sản của một nhà thơ người Welsh, xem chừng định mệnh của Nam Lê đã vượt nhiều biên giới: bất cứ ở đâu trên hoàn cầu, hình như người đọc có thể tìm thấy một phần nào đời sống và kinh nghiệm có liên hệ đến bản thân họ trong tác phẩm của Nam với lời văn mượt mà trau chuốt và những hình ảnh đôi khi đẹp như những bài thơ, đôi khi tàn bạo khốc liệt như chiến tranh và sự chết.
Nguồn: http://www.abc.net.au/news/stories/2008/11/11/2416097.htm
“Thế là chúng tôi lên khỏi hầm. Chung quanh khói và bụi mịt mù, không thể nghe cái gì khác ngoài tiếng máy bay trực thăng và tiếng M16. Nhà cửa chung quanh đang cháy. Xuyên qua đám khói tôi thấy một thằng Mỹ. Tôi suýt bật cười. Nó mặc một bộ quân phục thật sạch sẽ - hơi quá to với nó – và nó đeo một xâu chuỗi hạt và một cái nón kết bằng vải. Nó vác cây súng trên vai như người ta vác một cái xuổng. Trời ơi, nó chẳng giống mấy ông Việt Cộng chút nào, áo bỏ trong quần, nút áo cài lên tới cổ ngay cả khi bò trong hầm đất cả ngày.”
Ba tôi cầm đũa và với lấy đĩa tiết canh. Mấy người bạn nhậu của ba tôi đang lắng nghe, cười mỉm như biết trước câu chuyện ông sắp kể. Tôi thấy răng của ba tôi dính tiết canh–ông nhai suốt câu chuyện, “Tụi nó bắt chúng tôi đi về hướng đông của làng. Tụi nó có chừng mười đứa, còn dân làng chúng tôi khoảng năm chục người. Bà Trần nói ‘No VC no VC.’ Chúng không nghe thấy tiếng của bà bởi vì tiếng súng máy và lựu đạn M79 nổ át đi. Nhớ mấy cái đó không? Chỉ có mình tôi nghe thấy tiếng của bà. Tôi thấy những mảnh thịt của thú vật văng vữa đầy đồng lúa, có một con trâu mà nguyên bên hông bị văng mất tiêu – như là bị lấy muỗng múc đi vậy. Rồi xuyên qua đám khói tôi thấy ông nội Long đang cúi đầu chào một thằng lính Mỹ. Tôi muốn gọi ông quá. Vợ ông và con gái và hai đứa cháu ngoại gái, Mỹ và Kim, đứng thẹn thò nép bên cạnh ông. Thằng Mỹ bước tới, dùng báng súng đập đỉnh đầu ông, rồi quày súng lại dùng dao găm thọc vào cổ ông. Không ai nói lời nào cả. Má tôi cố che mắt tôi, nhưng tôi thấy thằng Mỹ đó đổi cò súng từ tự động đổi thành bắn từng viên rồi bắn bà nội Long. Xong rồi thằng Mỹ đó với một thằng bạn của nó kéo cô con gái vào trong một cái chòi, hai đứa cháu gái nhỏ cũng bị kéo theo ôm chân mẹ.
“Tụi nó bảo chúng tôi đứng trước một rãnh nước cạnh đầu cầu. Có rất nhiều xác chết trên đường, có cả xác của một em bé sơ sinh chỉ còn lại phần dưới của cái đầu, một vị sư, áo trở nên màu hồng. Tôi thấy hai xác chết với hình con ách khắc trên ngực. Tôi không hiểu nó có nghĩa gì. Mấy đứa em gái tôi cũng không khóc lóc gì cả. Mọi người kêu nhao nhao, ‘No VC no VC,’ nhưng tụi Mỹ chỉ nhăn mặt, phun nước bọt, và cười ha hả. Một thằng trong bọn nói cái gì đó rồi mấy thằng kia xô chúng tôi xuống rãnh. Cái rãnh lưng lưng, nước đục. Má tôi nhảy xuống trước đỡ mấy đứa em gái của tôi xuống, từng đứa một. Tôi nhớ mình ngó lên và thấy máy bay trực thăng bay đầy, có cái lớn hơn cái kia, có cái bay cao tuốt trên trời. Tụi nó bắt chúng tôi quì trong nước. Súng của tụi nó được dựng trên chân chạc ba. Tụi nó lại bắt chúng tôi đứng lên. Một trong mấy thằng Mỹ, cái thằng con nít có cái mặt mập, đang khóc và rên khẽ lúc nó lại lắp đạn vào súng. No VC no VC. Tụi nó không nhìn chúng tôi. Tụi nó lại bắt chúng tôi quay lưng và quỳ xuống nước. Rồi chúng bắt đầu bắn, và tôi cảm thấy thân hình của má tôi nhảy đè lên người tôi; và thân hình của má tôi cứ giật bắn lên lâu thật là lâu, rồi tiếng trực thăng vang rền khắp nơi, càng lúc càng to như là chúng đang cùng nhau đáp xuống, rồi tất cả trở nên tối sầm, ướt đẫm, ấm áp và ngọt ngào.”
Nguồn: trích từ truyện ngắn Love and honour and pity and pride and compassion and sacrifice của Nam Lê (Nguyễn thị Hải Hà trích dịch).
Zoetrope All Story, Volume 10, Number 2.
No comments:
Post a Comment