Barack Obama làm lịch sử
Phạm Phú Đức
10.11.2008
http://damau.org/2008/11/barack-obama-lm-l%e1%bb%8bch-s%e1%bb%ad/
Theo dõi cuộc bầu cử từ Melbourne, Úc thì chỉ chưa đầy vài tiếng sau khi tất cả các phòng phiếu từ Đông sang Tây Hoa Kỳ lần lượt đóng cửa, kết quả quá rõ ràng để không còn chỗ nào dành cho mọi sự nghi vấn ai sẽ thắng. Đến khoảng 15 giờ giờ Melbourne Úc (ngày 5/11/2008), đài truyền hình Úc như số 7 và SBS đã bắt đầu đưa tin thắng cử của Obama, và rằng McCain đã gọi chúc mừng Obama.
Không ngoài dự đoán từ kết quả thăm dò dư luận quần chúng vào những tuần qua, liên danh của Barack Obama – Joe Biden đã thắng áp đảo đối với liên danh John McCain – Sarah Palin trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Barack Obama sẽ trở thành tổng thống dân cử (president-elect) lần thứ 44 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Như Obama tuyên bố, thay đổi đã đến nước Mỹ, và đó là thắng lợi của người Mỹ. Mặc dầu tổng số phiếu phổ thông hay dân bầu (popular votes) chưa được đếm hết, tuy nhiên số phiếu cử tri đoàn (electoral-college votes) đã quá rõ để quyết định thắng thua của cuộc đua. Nếu chỉ cần 270 phiếu cử tri đoàn để thắng, thì cho đến nay Obama đã được ít nhất là 349 phiếu so với 163 phiếu dành cho McCain theo thống kê của CNN, hoặc 349 phiếu so với 162 phiếu theo thống kê của nhật báo The New York Times. Theo tạp chí The Economist thì Obama thắng ít nhất là 333 phiếu cử tri đoàn và đối với phiếu phổ thông thì có thể cũng sẽ thắng lớn.[i] Đảng Dân chủ chiếm 56 ghế thượng viện so với 40 của Đảng Cộng Hoà, và 254 ghế hạ viện so với 173 của Đảng Cộng Hoà. Tóm lại, Đảng Dân chủ thắng áp đảo cả hai ngành hành pháp và lập pháp.
Đến khoảng 15 giờ 15 phút, thượng nghị sĩ McCain chính thức công nhận thất cử trước đám đông ủng hộ ông tại Phoenix, Arizona: “Các bạn của tôi ơi, chúng ta đã đến phần cuối của một chặng đường dài. Người Mỹ đã nói lên suy nghĩ của họ, và đã nói một cách rõ ràng”.[ii] Trong bài phát biểu dài gần 15 phút, tuy không tránh được nỗi buồn và thất vọng hiện trên khuôn mặt mình, McCain vẫn giữ được nét mặt uy nghi, giọng nói hùng hồn cũng như sự trong sáng, thẳng thắn và khí phách trong bài phát biểu. Thứ nhất, ông ghi nhận và tôn kính khả năng và sự bền chí của thượng nghị sĩ Obama, nhất là khả năng đã động viên được bao nhiêu người Mỹ về niềm hy vọng và sự quan trọng của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Thứ hai, mặc dầu có nhiều khác biệt giữa ông và thượng nghị sĩ Obama, ông ghi nhận rằng kết quả bầu cử kỳ này cho thấy quan điểm của Obama đã thắng, tuy sự khác biệt không phải vì thế mà biến mất. Tuy nhiên, ông đã làm hai cử chỉ đẹp: một, ông hoàn toàn sẵn sàng giúp tổng thống Obama, nếu cần, để vượt qua thời gian khó khăn trước mặt mà nước Mỹ phải đối diện; hai, ông kêu gọi tất cả mọi người, nhất là những người đã từng ủng hộ ông, hãy ủng hộ cho tổng thống Obama bằng những nỗ lực đứng đắn nhất để tìm ra những thoả hiệp, những giải pháp cần thiết hầu bảo tồn sự thịnh vượng của Hoa Kỳ, sự an ninh trong một thế giới hiểm nguy và cố gắng để lại một đất nước mạnh hơn và tốt hơn cho con cháu mà mình đã kế thừa. Thứ ba, ông cho rằng mặc dầu cố gắng tranh đấu hết sức, nhưng sau cùng, dẫu thất bại, sự thất bại đó thuộc về ông, không phải của các bạn (ý nói đám đông trước mặt và những ai ủng hộ McCain-Palin và Đảng Cộng hoà). Thứ tư, ông nói rằng ông không giữ gì khác ngoài tình thương cho mọi công dân Hoa Kỳ, dù người đó có ủng hộ ông hay ủng hộ thượng nghị sĩ Obama, và ông mong ước mọi điều may mắn thành công cho nguyên đối thủ và sẽ là tổng thống của ông. Sau cùng, ông kêu gọi tất cả mọi người Mỹ, đừng có tuyệt vọng đối với hoàn cảnh khó khăn hiện nay, mà hãy tin vào sự hứa hẹn và sự cao đẹp của nước Mỹ, bởi vì không có bất cứ điều gì là không thể xảy ra ở đây. Ông kết thúc: “Người Mỹ không bỏ cuộc. Người Mỹ không đầu hàng. Người Mỹ không bao giờ trốn tránh lịch sử. Người Mỹ làm nên lịch sử”.
Thật là một bài phát biểu đầy ý nghĩa, đầy phẩm cách (dignified) và lịch thiệp (gracious) mà nhiều nhà bình luận chính trị đã nhận định John McCain. Tư cách và tinh thần như thế đáng để cho chúng ta suy ngẫm và học hỏi.
Khoảng 16 giờ chiều Melbourne Úc, thượng nghị sĩ Barack Obama và gia đình đã xuất hiện trước khán đài công viên Grant Park, Chicago thuộc tiểu bang nhà của ông, Illinois. Hàng trăm ngàn cử tri thuộc mọi thành phần sắc tộc tung hô vang rền trời Chicago, và nhiều giọt nước mắt rơi xuống trong niềm vui mừng hãnh diện cho một giấc mơ mà họ không bao giờ nghĩ sẽ xảy ra trong đời mình. Nếu những ý tưởng về sự cao đẹp của nước Mỹ là đoạn kết của bài nói chuyện của thượng nghị sĩ John McCain thì đó lại là những ý niệm mở đầu cho bài nói chuyện của tổng thống dân cử Barack Obama. Ông nói: “Nếu còn ai đó vẫn hồ nghi về một nơi mà mọi thứ đều có khả năng xảy ra, nếu còn ai đó vẫn tự hỏi không biết giấc mơ của các nhà lập quốc Hoa Kỳ còn hiện thực trong thời điểm này không, nếu còn ai đó vẫn chất vấn về quyền lực của nền dân chủ của chúng ta, đêm nay là câu trả lời của bạn”.[iii] Vâng, Obama đã làm nên lịch sử, trở thành tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, và trở thành người da đen có quyền lực nhất trên thế giới. Nhưng trên hết, chính người Mỹ mới là yếu tố quyết định cho sự thay đổi lịch sử đó.
Trong phần phát biểu chiến thắng cũng rất hùng biện như các lần trước đây, Obama trình bày các điểm chính sau đây. Thứ nhất, Obama cho biết ông đã nhận “một cú gọi cực kỳ lịch thiệp” từ thượng nghị sĩ McCain để chúc mừng, mà theo Obama thì McCain là người đã tranh đấu lâu dài và cam go trong kỳ bầu cử này, và là người mà đã chiến đấu lâu dài hơn và cam go hơn cho đất nước mà ông yêu mến, và đã hy sinh rất nhiều cho đất nước này mà đại đa số chúng ta không thể tưởng tượng hết. Ông cho biết rất mong muốn được làm việc với McCain cũng như thống đốc Palin để có thể hoàn thành những hứa hẹn đối với quốc gia này trong những ngày tháng tới. Thứ hai, sau khi cảm ơn tất cả những người then chốt trong cuộc vận động tranh cử gay go kéo dài hai năm qua, Obama nhấn mạnh rằng trên hết, ông không bao giờ quên được chiến thắng này thuộc về các bạn (tức những người đã ủng hộ ông và đường lối quan điểm của ông). Ông nói ông không bao giờ là ứng cử viên có xác xuất cao nhất cho nhiệm vụ này. Lúc bắt đầu thì chẳng có bao nhiêu tiền và chẳng được mấy ai ủng hộ; và được xây dựng bởi những người lao động rút tiền túi dành dụm được để ủng hộ $5, $10 hay $20; và từ hàng triệu người đã tình nguyện và tổ chức và chứng minh rằng “… hơn hai thế kỷ sau, một chính phủ của dân, do dân và vì dân đã không tàn lụi trên quả đất này.” Ông nhấn mạnh lần nữa rằng chiến thắng này thuộc về họ. Thứ ba, và có lẽ là quan trọng nhất, là ông không dừng lại ở đó, ở những người ủng hộ ông, mà nhân cơ hội đó kêu gọi mọi người trên nước Mỹ, dù có bầu cho ông hay không, cùng ông đối diện với những thử thách trước mặt. Ông nói: “… tôi biết các bạn không làm như thế (bầu cho tôi) chỉ để thắng cử. Và tôi cũng biết các bạn làm như thế không phải cho tôi. Các bạn làm như vậy vì hiểu rõ tầm mức quan trọng của công việc đang nằm trước mặt. Bởi ngay cả khi chúng ta đang ăn mừng đêm nay, chúng ta biết những thử thách mà ngày mai sẽ mang tới là những thứ to lớn nhất trong thời đại của chúng ta: hai cuộc chiến (Iraq và Afghanistan), một quả đất đang lâm nguy (ý nói môi trường và thay đổi khí hậu), một cuộc khủng hoảng tài chánh tệ nhất trong một thế kỷ”. Quả là một sự vận động không gì tài tình hơn cách nhắm vào niềm tự hào, lòng tự tin và sự hiểu biết trên tinh thần tương kính của người Mỹ. Thứ tư, Obama hiểu rõ những thử thách to lớn trước mặt, và biết rằng muốn thành công và muốn vượt qua các thử thách này thì phải biết hướng dẫn dư luận bằng sự thẳng thắn thành thật của mình. Do đó ông nhấn mạnh rằng con đường trước mặt còn dài, còn dốc phải trèo, và có thể sẽ không đạt được kết quả đó trong vòng một năm, một nhiệm kỳ (tức bốn năm), nhưng ông hứa ông sẽ đến đích đó, và người Mỹ sẽ đến được đích đó. Ông cam đoan rằng sẽ có những người không đồng ý với mọi chính sách ông quyết định trong vai trò của một tổng thống, và chính phủ không có khả năng giải quyết hết mọi chuyện, nhưng ông hứa là sẽ thành thật đối với những thử thách đối diện, và sẽ lắng nghe người dân, đặc biệt khi có sự bất đồng. Ông nhìn nhận rằng chiến thắng tự nó không thể thay đổi được gì nhưng là cơ hội để mang lại thay đổi, nhưng điều đó không thể xảy ra nếu cứ trở lại thói (cách) cũ. Ông nói thay đổi sẽ không xảy ra nếu không có người dân ủng hộ, không có một tinh thần phục vụ mới, một tinh thần hy sinh mới, vì thế cho nên cần có một tinh thần yêu nước mới, với trách nhiệm, để cùng nhau góp phần ra sức giải quyết không chỉ vấn đề cá nhân mà còn cho nhau. Thứ năm, đối với thế giới, ông gửi thông điệp rằng với những ai muốn phá hoại, chúng tôi (Mỹ) sẽ đánh bại; với những ai tìm hoà bình và an ninh, Mỹ sẽ ủng hộ; với những ai tự hỏi (ngọn đuốc) dẫn đường Mỹ có còn thắp sáng không thì đêm nay chứng tỏ rằng sức mạnh của quốc gia này không đến từ bắp thịt hay mức độ thịnh vượng mà chính từ sức mạnh của lý tưởng đã tồn tại bấy lâu nay: dân chủ, tự do, cơ hội và niềm hy vọng không thể lây chuyển. Nghĩa là, thông điệp của chính sách ngoại giao mới của ông là một chính sách đa phương (multilateralism) và sự vận dụng quyền lực mềm (soft power, tức ngoại giao, ý tưởng, văn hoá v.v…) thay vì cứng (hard power, tức quân sự). Sau cùng, Obama nhấn mạnh rằng chúng ta có thể (thay đổi) – Yes we can, và đó là tinh thần trọng yếu và là thông điệp chính mà ông muốn gửi đến toàn thể người Mỹ, và một phần nào đó, với mọi người ở khắp thế giới.
Rõ ràng cả hai thượng nghị sĩ McCain và Obama đều là những đối thủ xứng đáng của cuộc bầu cử lịch sử này. Sự thành công hay thất bại của hai ông không chỉ tùy thuộc vào tài năng và phẩm cách của mỗi cá nhân mà còn bối cảnh chính trị hiện nay, nhất là các yếu tố di sản văn hoá, chính trị, kinh tế, ngoại giao v.v…
Trước hết, về thất bại, thì mặc dầu McCain nhận lấy trách nhiệm chính về mình, thế nhưng rất nhiều nhà bình luận chính trị uy tín đều công nhận rằng hai yếu tố then chốt là kinh tế và ngoại giao mà “Đảng Cộng hoà” và chính phủ Bush đóng vai trò trọng yếu trong đó. Tuy dấu hiệu không tốt về thị trường tài chánh đã lộ ra từ năm ngoái, mãi cho đến thời điểm then chốt của cuộc đua vào Nhà Trắng chỉ còn vài tuần (tức khoảng đầu tháng Chín, 2008) thì cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng. Đây không phải là lỗi của McCain nhưng lại là cơ hội quý báu của Obama (cũng cần nên nhớ là trước đó không lâu, sự chênh lệch về mức độ ủng hộ dành cho Obama và McCain không bao nhiêu, có khi chỉ vài điểm, và có lúc McCain còn dẫn đầu vài điểm). Obama nắm lấy cơ hội hiếm có này để nhấn mạnh về sự thất bại của chính phủ Bush và Đảng Cộng hoà mà trong đó McCain là đảng viên và cộng tác đắc lực. Ngoài ra, vì chính sách ngoại giao của chính phủ Bush không được thành công, đặc biệt qua cuộc chiến Iraq, và hình ảnh của nước Mỹ do đó cũng bị hoen ố, nên người Mỹ mong muốn một sự thay đổi. Obama là người đưa ra đúng khẩu hiệu, đúng lúc, và biết cách “bán” nó thành công, nên mặc dầu khả năng của McCain cũng xứng đáng để làm tổng thống không thua gì Obama, tình thế đã nằm ngoài tầm tay để McCain có thể nắm bắt. Cái xui xẻo của McCain cũng chính là cái may mắn của Obama. Mặc dầu, như đã viết trong bài “Barack Obama sẽ chuyển hoá chính trị”, rằng Obama là người rất có khả năng hùng biện, có sức thuyết phục ghê gớm (thì mới có thể làm cho cả cựu tổng thống Bill Clinton và đối thủ Hillary Clinton trước đây quay sang ủng hộ ông hết mình trong ba tháng qua, hay chính cựu ngoại trưởng Colin Powell thuộc Đảng Cộng hoà khen ngợi Obama là “nhân vật chuyển hóa” v.v…,) thế nhưng Obama còn nhiều cái may khác mà nếu không có thì khó thể nào đưa đến sự kiện chính trị diễn ra như đã thấy hôm nay.
Vâng, cái may (hay cái rủi) chính là do bối cảnh lịch sử: nếu không có một tổng thống George W Bush, nếu không có những Al Gore và John Kerry v.v… thì cũng khó thể có một tổng thống dân cử Barack Obama. Thật vậy, cứ hình dung Al Gore có thêm vài trăm phiếu để thắng cử Florida và do đó đắc cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2000, thì mặc dầu biến cố 11/9 vẫn sẽ xảy ra và cuộc chiến tại Afghanistan sẽ khó tránh khỏi, tuy nhiên điều gần như chắc chắn là sẽ không có cuộc chiến Iraq năm 2003. Mà cho dầu nếu có xảy ra thì cũng sẽ không giống theo kiểu đơn phương như đã thấy qua sự đạo diễn và điều động có quá nhiều sai lầm của cựu Tổng trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld. Nói chung, phương thức lãnh đạo của Al Gore chắc chắn sẽ khác với phương thức của George Bush. Chẳng hạn, nếu Al Gore là tổng thống dân cử năm 2000 thì Hoa Kỳ không bị mất uy tín về các vấn đề môi trường, và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ là thành viên ký vào Kyoto Protocol. Tuy sự khủng hoảng tài chánh năm nay cũng có nguy cơ xảy ra dưới bất kỳ tổng thống nào, nhưng giữa hai khuynh hướng thị trường tự do rộng rãi nhất (của Đảng Cộng hoà) và thị trường tự do có quy định (tức more regulated của Đảng Dân chủ) thì xác xuất dưới chính phủ Dân chủ sẽ thấp hơn. Trong khi đó, Obama trổi lên từ những chính sách không mấy được người Mỹ ưa chuộng trong vòng 8 năm qua. Tóm lại, nếu Al Gore đắc cử năm 2000 thì không có lý do vững chắc nào Barack Obama sẽ được đảng Dân chủ tín nhiệm để đưa nước Mỹ vào khúc quanh mới, khoan nói đến việc thắng cử. Tương tự, nếu John Kerry thắng cử năm 2004 trong cuộc đua với tổng thống Bush thì hiển nhiên sau đó cũng đưa đến nhiều thay đổi trong đó ít nhiều theo khuynh hướng của Đảng Dân chủ mà Obama đã vận động trong thời gian qua. Nếu không có một tổng thống Bush mà là một tổng thống Cộng hoà theo khuynh hướng ôn hoà hơn, đa phương hơn thì các hệ quả chính trị ngày hôm nay có lẽ cũng đã khác so với những gì xảy ra trong 8 năm qua. Nếu không có Osama Bin Laden hay nhóm khủng bố Al Qaeda thì chưa chắc gì biến cố 11/9 đã xảy ra như đã xảy ra, mặc dầu có bằng chứng (qua lá thư của nhóm người tân bảo thủ neo-cons gửi cho tổng thống Bill Clinton vào 19/2/1998) cho thấy cuộc chiến Iraq cũng có thể xảy ra nếu không có biến cố 11/9. Nếu không có khủng hoảng tài chánh ở mức độ to lớn và nghiêm trọng như tháng 9 vừa qua hoặc nếu xảy ra sau ngày bầu cử thì chưa chắc gì Obama sẽ thắng McCain trong kỳ bầu cử vừa rồi v.v… Nói chung, điều oái ăm là Obama đã nhờ (ở thất bại) của Gore, Kerry và Bush mà đắc cử, nhưng thành công chính trị lại là một chuyện khác.
Trong chính trị chữ nếu có khả năng thay đổi mọi thứ, nhưng vẫn chỉ là nếu. Tuy nhiên, bối cảnh lịch sử và tình hình chính trị tại Mỹ và thế giới trong nhiều năm qua đã cần một sự thay đổi lớn lao, do đó đã tạo ra một cơ hội vô cùng hiếm có trong lịch sử Mỹ để Obama lên làm tổng thống. Cũng có thể có người cho rằng với tài năng đặc biệt hiếm có như Obama thì có thể trước sau gì cũng làm tổng thống (hay nói như nhiều người thì cái mệnh như thế thì sẽ là như thế), nhưng Obama đã hội đủ cả ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Nhân hoà là yếu tố rõ ràng nhất và quan trọng nhất: người Mỹ đã sẵn sàng cho một sự thay đổi lớn lao, và chỉ có nước Mỹ thì những chuyện hơi khác thường hay phi thường mới xảy ra như đã xảy ra.
Nhưng cũng chính từ sự may mắn hiếm có trong bao nhiêu những sự kiện không may xảy ra cho Hoa Kỳ giúp Obama bước lên đài danh vọng đó thì thời gian sắp tới cũng chính là những thử thách vô cùng to lớn mà Obama phải có khả năng lãnh đạo để giải quyết. Đưa nước Mỹ thoát khỏi sự khủng hoảng tài chánh hiện nay, giảm bớt hay chấm dứt tình trạng trì trệ của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm và giải quyết các vấn đề năng lượng, tìm chính sách thích hợp để cải tổ nền giáo dục và y tế v.v…, chưa kể đến vấn đề đối ngoại bao gồm hai cuộc chiến Iraq, Afghanistan, thì những ngày tháng tới đây không phải là thời gian trăng mật mà là những đêm mất ngủ cho bất cứ một tổng thống nào, dù tài giỏi đến đâu. Lịch sử thường bất công bởi nó ít ghi nhận sự thành công hơn là phê phán sự thất bại. Đối với nhiệm kỳ tổng thống dân cử Obama thì đây chỉ là khởi điểm của chặng đường lịch sử, và bốn năm hay tám năm tới mới có thể đánh giá được vị tổng thống lần thứ 44 này của Hoa Kỳ.
Với tài cán và phẩm cách của Obama mà có khả năng kích động hàng triệu người, nhất là giới trẻ, lâu nay coi thường lá phiếu của mình để đứng lên làm lịch sử, Obama rõ ràng đã huy động được sức mạnh quần chúng Hoa Kỳ và sẽ tiếp tục được sự yểm trợ nếu vẫn giữ được niềm tin của họ. Trong bài phỏng vấn trên đài ABC’s 7:30 Report của Kerry O’Brien với giáo sư lịch sử chính trị Allan Lichtman thuộc Washington’s American University, Lichtman nói rằng tổng thống John F Kennedy đã từng nói một tổng thống lớn (great) là người phải có viễn kiến và cùng lúc phải thực dụng, tức phải có tầm nhìn cho đất nước nhưng phải có đủ tài năng để biến nó thành hiện thực.[iv] Theo Lichtman thì chính Barack Obama đã thể hiện như thế qua cuộc vận động này, nghĩa là Obama có viễn kiến, và đã động viên người Mỹ không giống một người Dân chủ nào kể từ thời John F Kennedy. Nếu Obama có khả năng hàn gắn những rạn nứt giữa người dân trong cuộc bầu cử vừa qua để đưa Hoa Kỳ đối mặt và vượt qua các thử thách to lớn trước mặt thì ông không chỉ làm nên lịch sử mà còn viết lại lịch sử. Tóm lại, chìa khoá thành công của ông là nằm ở chỗ vận dụng được lòng dân, nghĩa là tiềm lực và trí tuệ, Hoa Kỳ cho những sự thay đổi lớn lao trước mặt.
Melbourne 5-6/11/2008
Tài liệu tham khảo:
[i] Xin theo dõi các website của CNN: http://edition.cnn.com/; của The New York Times:
http://www.nytimes.com/; của The Economist: “Obama’s historic victory”, 4/11/2008,
<http://www.economist.com/world/unitedstates/displayStory.cfm?story_id=12544678&source=features_box_main>.
[ii] Bản ghi âm (transcript) của bài phát biểu công nhận thất cử của TNS John McCain. Xem CNN, “Transcript: McCain concedes presidency”, 4/11/2008,
<http://edition.cnn.com/2008/POLITICS/11/04/mccain.transcript/index.html>.
[iii] Bản ghi âm (transcript) của bài phát biểu công nhận thắng cử của TNS Barack Obama. Xin xem CNN, “Transcript: ‘This is your victory,’ says Obama”, 4/11/2008,
<http://edition.cnn.com/2008/POLITICS/11/04/obama.transcript/index.html?iref=mpstoryview>
[iv] Xin xem ABC, “US election analysis”, 05/11/2008,
<http://www.abc.net.au/7.30/content/2008/s2411282.htm>.
No comments:
Post a Comment