Saturday, November 22, 2008

GIÁO SƯ HUỲNH SANH THANH QUA ĐỜI NGÀY 17-11-2008

Giáo Sư Huỳnh Sanh Thông Vừa Ra Đi
TÂM VIỆT
Việt Báo Thứ Sáu, 11/21/2008, 5:18:00 PM
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=115&nid=137436
Giáo-sư Huỳnh Sanh Thông, một trong mấy dịch-giả văn-học hàng đầu từ tiếng Việt sang tiếng Anh, vừa mất hôm thứ Hai, 17 tháng 11, 2008, tại nhà thương gần nhà ở Hamden, Connecticut, do tim ngừng đập.

Được biết, đã từ nhiều năm nay, ông phải ngưng làm việc do một vụ tai-biến mạch máu não làm cho ông bị liệt nửa người và phải ngồi xe lăn.

Sinh năm 1926 ở miền Nam Việt-nam, ông Huỳnh Sanh Thông là một trong những du-học-sinh Việt-nam sang Hoa-kỳ từ rất sớm, chỉ ít năm sau Thế-chiến II. Sự-nghiệp của ông có thể chia ra làm mấy giai-đoạn như sau:

Ông bắt đầu làm giảng-viên dạy tiếng Việt tại Đại-học Yale ở New Haven, Connecticut, vào những năm cuối thập niên 1950 và liên-tiếp dạy ở đây trong vòng 15 năm, tới đầu thập niên 1970. Trong giai-đoạn này, ông đã là tác-giả chung với một học-giả người Mỹ, ông Robert B. Jones, Jr., để làm ra một số sách giáo-khoa dạy tiếng Việt cho người nói tiếng Anh. Đó là những cuốn như Introduction to Spoken Vietnamese (Washington, DC: American Council of Learned Societies, có hai ấn-bản, năm 1957 và 1960). Sau đó, hai ông lại cộng-tác trong một tác-phẩm khác, đó là cuốn Spoken Vietnamese (Ithaca, New York: Spoken Language Services, khoảng năm 1979). Cũng trong thời-gian này, ông được Hội-đồng Hoa-kỳ các Hội Chuyên-khoa (American Council of Learned Societies) tài-trợ trong nhiều năm để làm một cuốn từ-điển Việt-Anh thật lớn mà cuối cùng ông chỉ hoàn-tất được đến có vần “G” mà thôi. (Cuốn đại-từ-điển này, tuy chưa hoàn-tất, vẫn được Trung-tâm Ngôn-ngữ-học Ứng-dụng, Center for Applied Linguistics, in ra thành nhiều tập khoảng năm 1968-69 trong một lần in rất giới-hạn.)

Có một thời-gian, khoảng giữa thập niên 1960, ông theo tiếng gọi của quê hương và về Việt-nam để đảm trách chức Tổng-giám-đốc Việt Tấn Xã nhưng duyên chính-trị của ông không bền. Ông đã rời VN và trở lại Mỹ sau chỉ mấy tháng làm việc trong một khung cảnh rất khó khăn, gặp nhiều gò bó.

Trở lại Mỹ, ông lại lao vào học-thuật và tác-phẩm đầu tiên làm cho ông nổi tiếng là bản dịch Truyện Kiều, The Tale of Kieu, của Nguyễn Du (1765-1820) do nhà Random House in ra năm 1972, với Gloria Emerson (ký-giả New York Times) viết tựa và Alexander Woodside, cựu-sinh-viên của ông mà sau này đã trở thành một giáo-sư nổi tiếng về VN ở Harvard, viết về phần lịch-sử. Cuốn này, đến năm 1986, ông lại để cho Yale University Press in ra trong một bản song ngữ Việt-Anh đối-chiếu, với minh-hoạ của Hồ Đắc Ngọc.Sự thành công của bản dịch Kiều này đã khuyến khích ông dốc toàn-thời vào việc dịch thơ văn VN. Và cuối cùng là hai tuyển-tập thơ Việt-nam dịch sang tiếng Anh, The Heritage of Vietnamese Poetry (“Di-sản Thi ca Việt-nam,” Yale University Press, 1979) và An Anthology of Vietnamese Poems from the Eleventh through the Twentieth Centuries (“Tuyển-tập Thơ VN từ Thế-kỷ XI đến Thế-kỷ XX,” Yale University Press, 1996). Ba tác-phẩm trên đây đã mang lại cho ông nhiều giải thưởng cao quý: Giải thưởng Harry Benda của Hội Á-đông-học (Association of Asian Studies) năm 1981 và nhất là Đại-tặng-dữ MacArthur Fellowship năm 1987 (trị giá $365,000, tương-đương hay còn lớn hơn cả với giải Nobel về văn-học).

Với giải MacArthur, ông không còn thấy cần phải đi dạy học nữa và đã bỏ toàn thời ra làm mấy tập-san về Việt-học nổi tiếng một thời. Ông lập ra Lạc Việt Series để in sách dịch từ Việt-ngữ hay Pháp-ngữ nhưng chuyên về Việt-nam, trong đó phải kể bản dịch Lục súc tranh công (The Quarrel of the Six Beasts, in song ngữ, tựa-đề do G.S. Nguyễn Ngọc Huy và minh-họa của Mạnh Quỳnh) (New Haven, CT: Yale Southeast Asian Studies, 1987), To Be Made Over: Tales of Socialist Reeducation in Vietnam (dịch một số truyện đi cải tạo tập trung của người miền Nam sau khi CS vào thành) (New Haven, CT, 1988), The Song of a Soldier's Wife - Chinh Phụ Ngâm (bản dịch song ngữ, New Haven, CT, 1986, với tranh minh-hoạ của Hồ Đắc Ngọc) và nhất là Flowers from Hell - Hoa Địa Ngục (bản dịch song ngữ tác-phẩm nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, dịch khoảng gần 200 bài, New Haven, CT: Southeast Asia Studies, 1984). Chính bản dịch sau này đã mang lại cho nhà thơ Nguyễn Chí Thiện Giải Thơ Quốc-tế Rotterdam (Hoà-lan) năm 1985. (Cách đây vài tháng, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã lên thăm ông và cho hay ông đã nói lại và viết lại được, tuy còn rất chậm chạp.)

Sức sáng-tác của ông được xem là phi thường vì ngoài những tác-phẩm trên, ông còn cho ra tập-san chuyên-đề về văn-chương và văn-hoá VN in trong ba thứ tiếng, Việt-Anh-Pháp, mang tên The Vietnam Forum, cuối cùng cũng ra được mười mấy số. Sau đó, ông đã cộng-tác với nhà phê-bình Hoàng Ngọc Hiến ở trong nước và nhà văn Trương Vũ ở Maryland để cho ra tạp-chí The Vietnam Review in bài trong hai thứ tiếng Anh và Pháp mà ông là chủ-biên, phát hành hai số một năm. Số ra mắt độc-giả là vào năm 1996 và số 2 (dày 568 trang) là số Xuân-Hè 1997 gồm nhiều thơ, truyện, biên khảo của các tác-giả cổ, kim, trong và ngoài nước.

Ngoài ra, ông cũng còn có những bài biên-khảo khá sâu sắc, có khi dài cả 100 trang, để nói về một đề-tài như nguồn gốc tiếng Việt trong tập-san Dòng Việt (1994), do hai G.S. Lê Văn và Nguyễn Đình Hoà chủ-trương và G.S. Hà Mai Phương đứng tên chủ-bút.

Rất tiếc là ông đang khi sung sức nhất thì bị tai-biến mạch máu não làm cho ông phải ngưng mọi hoạt-động viết lách cũng như xuất bản trong nhiều năm qua. Tuy-nhiên, sự đóng góp của ông vẫn phải kể là thật đồ sộ trong nỗ lực giới-thiệu văn thơ VN với thế-giới nói tiếng Anh mà ít người bì kịp.

G.S. Huỳnh Sanh Thông ra đi, để lại một người vợ, bà Vân Yến, một quản-thủ thư-viện (bà đã làm việc nhiều năm tại Thư-viện Đại-học Yale, cho tới tháng 3 năm 2008), một dương-cầm-gia có hạng và là một người mẹ hiền, hy-sinh tất cả cho chồng con.

Tang-lễ được cử-hành trong vòng thân mật vào cuối tuần này ở Nghĩa-địa Grove Street ở thành-phồ Hamden, CT.

Vĩnh biệt học giả Huỳnh Sanh Thông
Bùi Văn Phú
Viết cho BBCVietnamese.com từ California
23 Tháng 11 2008 - Cập nhật 13h13 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/story/2008/11/081123_huynh_sanh_thong.shtml
Giáo sư Huỳnh Sanh Thông, một trong số những người Việt đầu tiên đã đưa văn chương Việt Nam đến với độc giả Hoa Kỳ vừa qua đời hôm 17.11 tại Thành Phố Hamden, cạnh Đại Học Yale ở bang Connecticut.
Đây là nơi ông đã làm việc trong nhiều chục năm, từ giảng dạy Việt ngữ, văn chương Việt Nam cho đến dịch thuật và làm chủ biên các tạp chí văn chương Việt trong gần một thập niên, gồm The Vietnam Forum và Lạc Việt.
Tôi biết đến tên ông khi được đọc The Tale of Kieu trong những ngày mới vào đại học ở Hoa Kỳ giữa thập niên 1970. Đây là tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của Việt Nam được ông chuyển qua Anh ngữ, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1973.
Bản dịch này sau ông hiệu đính lại và được Đại Học Yale tái xuất bản dưới dạng song ngữ Anh - Việt vào năm 1987.

Sưu tầm sáng tác
Từ đầu thập niên 1980, Giáo sư Thông đã có nhiều nỗ lực trong việc sưu tầm sáng tác của người Việt tị nạn.
Năm 1982, Văn Khố Việt Nam được thành lập tại Đại Học Yale, do ông khởi động và kêu gọi những người quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt tại hải ngoại đóng góp.
Trong một chuyến đến thăm văn khố, tôi biết ông cũng quan tâm đến những sáng tác của sinh viên qua dạng báo chí hay đặc san.
Nếu Đại Học Cornell có được một kho tàng báo sinh viên, học sinh ấn hành tại miền Nam trước năm 1975 thì Văn Khố Việt Nam tại Đại Học Yale là nơi lưu trữ nhiều ấn phẩm của sinh viên Việt xuất bản tại Hoa Kỳ trong những năm đầu định cư kể từ tháng 4.1975.
Giáo sư Thông đã có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt tại hải ngoại qua việc dịch nhiều thơ, truyện sang Anh ngữ.

Truyện Kiều được Huỳnh Sanh Thông dịch sang Anh ngữ và in năm 1973
http://www.bbc.co.uk/worldservice/images/2008/11/20081123132016kieu.jpg

Thành tựu dịch thuật
Tạp chí nghiên cứu văn hoá, lịch sử Việt Nam là The Vietnam Forum, do Đại Học Yale xuất bản, ra được 16 số, với 13 số đầu tiên từ 1983 đến 1990 do Giáo sư Thông làm chủ biên.
Qua đó ông đã giới thiệu đến độc giả nói tiếng Anh nhiều nét đa dạng của văn hoá Việt Nam như 9 bài thơ tình của Xuân Diệu, Chuyện Hai Con Vịt của Nguyễn Ngọc Ngạn (Vietnam Forum No. 5), Hai Chữ Nước Nhà của Á Nam Trần Tuấn Khải, hay chuyện học tập cải tạo trong tiểu thuyết Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh (Vietnam Forum No.6).
Trong số những tác phẩm ấn hành trong 17 tuyển tập Lạc Việt có Flowers from Hell (Hoa Điạ Ngục) của Nguyễn Chí Thiện là thơ trong tù miền Bắc Việt Nam, Fallen Leaves là hồi kí của một phụ nữ Việt, Nguyễn Thị Thu-Lâm, đã lớn lên và chứng kiến những biến chuyển của Việt Nam trong giai đoạn từ thập niên 1940 đến cuộc di tản tháng 4.1975 đưa nhiều người Việt đến Hoa Kỳ.
Về truyện cổ ông đã dịch Lục Súc Tranh Công, Chinh Phụ Ngâm; văn chương lưu vong có những sáng tác của Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Ngọc Ngạn, Nhật Tiến, Võ Kỳ Điền.
Từ lúc đến Hoa Kỳ du học trong cuối thập niên 1940, sinh viên Huỳnh Sanh Thông đã tỏ ra đam mê văn chương, ngôn ngữ Việt và dành nhiều thời gian học hỏi và tìm hiểu.
Đã có một lúc ông tham gia sinh hoạt chính trị miền Nam. Dưới thời Đại Tướng Nguyễn Khánh lãnh đạo, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ,
Giáo sư Thông đã trở về nước đảm nhiệm vài trò giám đốc Việt Tấn Xã, nhưng chỉ được một thời gian rất ngắn , ông thấy không thích hợp với sinh hoạt chính trị nên lại rời Việt Nam trở lại Hoa Kỳ.
Là một dịch giả uyên bác, Giáo sư Huỳnh Sanh Thông đã nhận được những giải thưởng văn chương cao quý như Harry Benda và MacArthur Fellowship với ngân quỹ nhiều trăm nghìn đô-la để ông không phải lo nhiều về tài chính trong cuộc sống mà dành toàn thời gian cho việc biên soạn và dịch thuật mà kết quả là những tác phẩm của ông để lại cho hậu thế.
Có một điều tôi biết về Giáo sư Huỳnh Sanh Thông là ông sống rất giản dị, mộc mạc và trong mấy ngày tôi thăm Văn Khố Việt Nam, không thấy ông lái xe mà đưa đón tôi bằng những chuyến xe buýt công cộng.
Trước sự ra đi của Giáo sư Huỳnh Sanh Thông, xin gửi lời chia buồn đến phu nhân của giáo sư là cô Huỳnh
Vân-Yến cùng toàn gia quyến. Xin cho Giáo sư được yên giấc nghìn thu.


GS Huỳnh Sanh Thông qua đời
21 Tháng 11 2008 - Cập nhật 17h52 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/story/2008/11/081121_huynhsanhthong.shtml
Giáo sư Huỳnh Sanh Thông vừa qua đời hồi đầu tuần vì đau tim ở Hoa Kỳ, để lại nhiều đóng góp quan trọng cho ngành Việt Nam học ở Hoa Kỳ.

GS Huỳnh Sanh Thông được ngưỡng mộ không chỉ trong phạm vi ĐH Yale
http://www.bbc.co.uk/worldservice/images/2008/11/20081121174426huynhsanhthong.jpg

Được giới nghiên cứu đánh giá như một trong số các nhà khoa học xã hội và nhân văn đầu tiên trong nhóm người Việt bước vào dòng chính ở Hoa Kỳ, giáo sư Huỳnh Sanh Thông từng làm giám đốc Trung tâm nghiên cứu người tị nạn Đông Nam Á ở đại học Yale.
Ông cũng là người dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh và soạn bộ Hợp tuyển thơ Việt Nam, đều do NXB đại học Yale xuất bản.
Quan trọng hơn đối với giới nghiên cứu các vấn đề có liên quan tới Việt Nam, là series sách Lạc Việt và bộ tạp chí Vietnam Forum xuất bản từ năm 1983 đến 1997, mà ông là người khởi xướng và phụ trách biên tập, có thể coi là một trong số những tạp chí Việt Nam học đầu tiên ở các nước nói tiếng Anh.
Những đóng góp của GS Huỳnh Sanh Thông được giới nghiên cứu đánh giá cao qua giải thưởng AAS Brenda năm 1981 và giải MacArthur năm 1987.
Các hoạt động dịch thuật của ông cũng gắn liền với tên tuổi nhà thơ bất đồng chính kiến Nguyễn Chí Thiện và tập thơ được dịch sang tiếng Anh và Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của đại học Yale xuất bản với tựa đề Flowers from Hell.
Quyển sách được tặng giải Thơ quốc tế ở Rotterdam năm 1985.



No comments: