Saturday, November 1, 2008

GIẢI NHÂN QUYỀN VIỆT NAM 2008

Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam năm 2008
Trà Mi, phóng viên RFA
2008-10-31
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-2008-vietnam-human-rights-award-10312008112911.html

Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam ra đời từ năm 2002, được tổ chức đều đặn mỗi năm một lần, nhằm vinh danh những cá nhân và tổ chức đóng góp tích cực cho công cuộc dân chủ hoá đất nước, đòi hỏi nhân quyền cho người dân Việt Nam.

Quyền làm người của dân Việt Nam
Ông Nguyễn Thanh Trang, đại diện Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, đơn vị lập ra giải thưởng này, cho biết thêm:
Giải nhân quyền Việt Nam còn có mục đích khác đó là Mạng lưới nhân quyền muốn bày tỏ sự liên đới, quyết tâm của cộng đồng người Việt khắp nơi trong nỗ lực đấu tranh dành lại quyền làm người của người dân Việt Nam hiện đang bị vi phạm nặng nề.

Hai cá nhân được chọn trao giải Nhân quyền Việt Nam năm nay là Thựơng toạ Thích Thiện Minh và blogger Điếu Cày. Còn giải thưởng dành cho tổ chức thì thuộc về tờ bán nguyệt san Tự do Ngôn luận do khối 8406 thành lập.
Những thành tích dấn thân tranh đấu vì nhân quyền được ghi nhận để xét trao giải năm nay đối với từng trường hợp ra sao?

Thựơng Toạ Thích Thiện Minh:
Ban tổ chức Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam nói về Thựơng Toạ Thích Thiện Minh:
Sau 30/4/1975, Thựơng toạ Thích Thiện Minh bị bắt giam và bị kết án chung thân kể từ năm 1976. Đến năm 1986, tại trại tù Xuân Phước, Thựơng toạ bị tra tấn dã man. Đặc biệt nhà nước đã mở một phiên toà ngay trong trại giam để kết tội và Thựơng toạ lại bị thêm một bản án chung thân nữa.
Năm 2004, Việt Nam phải để cho đại diện của Liên Hiệp Quốc đặc trách về Sự bất khoan dung tôn giáo, ông Abdelfattah Amor, đến trại tù thăm và phỏng vấn Thượng toạ. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc trong buổi họp báo quốc tế đã vinh danh Thựơng toạ là người tù lương tâm của Việt Nam.
Dưới áp lực của công luận quốc tế, Việt Nam đã phải trả tự do cho Ngài vào dịp Tết 2005 sau 26 năm cầm tù. Thựơng toạ đã luôn luôn nói lên tiếng nói của lương tâm, đòi hỏi tự do tôn giáo và nhân quyền cho toàn dân Việt Nam.

Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải
Về blogger Điếu Cày, tức nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải:
Ông đã thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do quy tụ các nhà báo tình nguyện viết về thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay, phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của người dân, lên tiếng tranh đấu cho họ. Ngoài ra, ông cũng thành lập trang mạng mang tên “Dân báo” ghi nhận tất cả những suy nghĩ về thực trạng xã hội, đặc biệt là tình trạng dân chúng bị đàn áp, bóc lột, và bị vi phạm nhân quyền. Ông cũng tham gia các cuộc tuần hành, biểu tình để lên án chính sách xâm lăng của Trung Quốc đối với Hoàng Sa-Trường Sa. Sau các cuộc biểu tình đó, công an đã liên tục quấy nhiễu, khủng bố ông. Ông là một tấm gương của tuổi trẻ, của một nhà báo dám nói lên sự thật.

Bán nguyệt san Tự do Ngôn luận
Về lý do vì sao bán nguyệt san Tự do Ngôn luận đựơc bầu chọn nhận giải nhân quyền năm nay, Ban tổ chức giải thích:
Tất cả các cơ quan ngôn luận hiện nay tại Việt Nam đều do nhà nước kiểm soát, khống chế. Do đó, người dân không đựơc biết những sự thật. Sau khi khối 8406 ra đời, bán nguyệt san Tự do Ngôn luận được thành hình. Cho đến nay, tờ báo đã liên tục phát hành miễn phí mỗi tháng hai lần và xuất hiện trên mạng internet. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một cơ quan ngôn luận không bị nhà nước khống chế. Đó là một bước tiến, một nỗ lực hết sức quan trọng mà chúng tôi đánh giá rất cao.

Sự hy sinh và lòng dũng cảm của họ phải được ghi nhận
Một trí thức tại Việt Nam thường xuyên tìm hiểu thông tin đa chiều qua mạng internet phát biểu cảm nghĩ về giải thưởng nhân quyền này:
Tôi đọc qua internet, tôi có biết về giải thưởng này. Tôi nghĩ nhân quyền là mục tiêu đấu tranh của rất nhiều đất nước, không riêng gì ở Việt Nam. Ở Việt Nam thì chưa bao giờ chính phủ có một giải thưởng như thế, cũng không có một tổ chức phi chính phủ nào ở trong nước vinh danh những người đấu tranh vì nhân quyền. Cho nên, có một tổ chức độc lập xét chọn như thế thì rất tốt, rất cần thiết, và nó có một ý nghĩa động viên rất lớn cho những người đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam. Những người đấu tranh cho nhân quyền tại đây đa số đều bị đe doạ, hay bị hiểu lầm và bị vu cáo thế này, thế kia. Hầu như họ đều bị tù đày, trấn áp, đàn áp, nhưng thật ra mục tiêu của họ đấu tranh là vì quyền làm người của dân Việt Nam, chứ họ không phải là “tội phạm” như cách tuyên truyền của nhà nước. Tôi nghĩ những người này rất dũng cảm, có lý tưởng rất mạnh mẽ, dám đương đầu với bạo lực, bạo quyền. Những người hoạt động như vậy phải được một sự ghi nhận nhất định.

Thế nhưng, trong điều kiện ở Việt Nam, không phải người dân nào cũng tiếp cận được những thông tin bên kia bức tường lửa ngăn chặn của nhà nước, chẳng hạn như thông tin về Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam này, như bộc bạch của một sinh viên từ miền Trung:
Những người khác thì tôi không biết nhưng giới trẻ như trong trường tôi học thì hầu như ít có ai hay biết về giải thưởng này.

Tuy không được thông tin về giải thưởng này, nhưng bạn trẻ này tỏ ra rất ủng hộ khi nói đến các giải thưởng vinh danh những người đấu tranh cho quyền con người:
Tôi thì tôi hoan nghênh giải thưởng này, hy vọng nó sẽ tác động mạnh hơn nữa đối với giới cầm quyền Việt Nam, làm sao để họ phải mở rộng nhiều quyền tự do cho người dân như tự do báo chí, tự do ngôn luận. Những người đấu tranh cho các quyền đó, tôi cũng hoan nghênh thôi.

Sự khiêm tốn của họ phải được tôn trọng
Còn cảm tưởng của người được trao giải ra sao? Từ Việt Nam, Thựơng Toạ Thích Thiện Minh chia sẻ với chúng tôi:
Đây là niềm vinh dự không những riêng cho cá nhân tôi mà là một động lực khuyến khích vô biên cho tất cả những nhà dân chủ đang dấn thân trong cuộc đấu tranh chung nhằm mang lại dân chủ-nhân quyền trên quê nhà, phù hợp với tiến trình vận động phát triển dân chủ hoá toàn cầu và nêu cao giá trị về quyền con người. Khi tôi được tin này, tôi rất hoan hỉ vui mừng để đón nhận giải thưởng, đặc biệt vào dịp quốc tế kỷ niệm 60 năm ngày Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, thừa nhận phẩm giá vốn có của con người, sự bình đẳng của con người, nền tảng cho tự do-công bằng-hoà bình trên thế giới.

Thực tế cho thấy những gương mặt đấu tranh bất bạo động vì lý tưởng nhân quyền được thế giới tự do vinh danh là những anh hùng dân chủ, những tiếng nói lương tâm, đều bị chính quyền Việt Nam coi là “tội phạm” “chống đối nhà nước.” Các giải thưởng khuyến khích, tuyên dương họ tất nhiên sẽ bị chính phủ Hà Nội xem như hành động cổ võ chống phá nhà nước Việt Nam. Cá nhân những người được vinh danh Giải thưởng Nhân quyền, họ sẽ nói gì?

Thựơng Toạ Thích Thiện Minh:
Ngày hôm qua Bộ Công An có mời tôi làm việc. Họ hỏi tôi có biết tin tôi sẽ nhận giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2008 không? Tôi cũng trình bày thẳng rằng đây là danh dự không chỉ cho cá nhân tôi mà cho mọi người khi mà họ nghĩ đến quê hương, đất nước. Vì một nền tự do, dân chủ cho đất nước trong đó là hạnh phúc của cả toàn dân, mặc dù nhà nước rất ái ngại. Qua cuộc nói chuyện thì ông trên Bộ Công An tên Thắng nói rằng: “Chúng tôi quan ngại không biết sau giải thưởng đó thì sẽ còn vấn đề gì nữa hay không?Thì sẽ có nhiều đài gọi về phỏng vấn thầy về giải thưởng này mà thầy trả lời nhiều khi không khéo thì cũng bất lợi cho chính quyền, cho nhà nước lắm. Thành ra chúng tôi cũng thông báo trước với thầy.”
Theo tôi nghĩ, giải thưởng Nhân quyền cũng đánh giá đựơc chuẩn mực của từng quốc gia. Những nước thực hiện nghiêm túc những công ước thì mới xứng đáng là một quốc gia thật sự có tự do, dân chủ. Còn ngược lại thì là vi phạm nhân quyền, chưa xứng đáng với những khẩu hiệu “công bằng- dân chủ- văn minh.”
Người dân trong nước lúc nào cũng mong muốn có sự thay đổi để cuộc sống đựơc thoải mái hơn. Đó là những niềm khao khát. Còn phong trào dân chủ trong nước cũng nhiều nơi gặp khó khăn. Tình hình tôn giáo và xã hội cũng còn nhiều phức tạp và nhiều vấn đề mà nhà nước chưa giải quyết được. Chúng tôi cũng mong cầu làm sao nhà nước có sự mạnh mẽ tiến bộ hơn nữa để đổi mới có tự do, dân chủ, đáp ứng được nguyện vọng của lòng dân.”

Buổi lễ trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2008 sẽ được cử hành tại Toà Thị Chính thành phố Westminster của tiểu bang California, Hoa Kỳ, vào chiều ngày 14/12, đúng ngày kỷ niệm 60 năm Liên hiệp quốc công bố Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.
Giải Nhân quyền Việt Nam năm ngoái được trao cho giáo sư Hoàng Minh Chính, luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân.

No comments: