Thursday, November 6, 2008

CHỢ NGƯỜI VÙNG SƠN CƯỚC

“Chợ người” vùng cao
Thứ năm, 06/11/2008, 00:11 (GMT+7)
http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/2008/11/170826/

Cứ mỗi sáng, khi sương mù còn phủ dày đặc cả khu rừng thì vài chục người, chủ yếu là phụ nữ hối hả đạp những chiếc xe cọc cạch về họp “chợ” ở khu trung tâm thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh). Trên khuôn mặt của họ còn in đậm sự khắc khổ của những tháng ngày mưu sinh giữa rừng bạt ngàn. Họ họp nhau để làm thuê kiếm sống ở nơi mà dân quanh vùng Hương Khê quen gọi đó là “chợ người”..

Chợ người” vùng cao với khoảng 30-40 người thường họp tại một khu chuyên buôn bán vật liệu xây dựng, trên một góc phố sầm uất của thị trấn này. Họ, phần lớn là những phụ nữ vùng Phú Gia, Hương Vĩnh đến “chợ” này để mong kiếm được một vài công việc nặng nhọc vốn chỉ dành cho cánh đàn ông – khuân vác, phu hồ, thồ hàng.

Mỗi người một nỗi buồn


Bước vào thị trấn Hương Khê người ta sẽ bắt gặp những phụ nữ và một số đàn ông ăn mặc lôi thôi, nước da đen sạm, nhỏ con nhưng tất cả đều toát lên sự mạnh mẽ của những người quen lao động vất vả. Trên gương mặt họ đầy vẻ hy vọng về một ngày mới sẽ được nhiều người thuê làm việc.

Những người phụ nữ đến “chợ” đều có gia cảnh vô cùng khó khăn cho nên công việc nào mà kiếm được nhiều tiền là chị em sẵn sàng nhận làm. Không có những việc làm cần tay nghề như ở Hà Nội hay vài khu “chợ người” vùng thành phố nên lao động tìm được việc làm ở đây toàn là những việc “cỏn con” như cuốc đất bón cây, xúc cát, trộn hồ nên thu nhập cho một ngày “bán” sức lao động chẳng đáng là bao.

Nhưng có việc làm là các chị cảm thấy vui lắm rồi, “bởi ngày hôm sau gia đình chúng tôi chắc chắn sẽ có cơm ăn”, chị Liên, thành viên của nhóm cửu vạn bộc bạch. Tại chợ, khi có chiếc xe nào trờ tới thì những người lao động lại như đàn chim vỡ tổ ùa ra hè đường, gương mặt ai cũng tươi tỉnh.
Có người “phô diễn” vẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn của mình với khách bằng cách nhấc bổng chiếc xe đạp cũ đang dựng ở gần khách lên hè. Khách bỏ đi, chẳng ai được thuê. Họ lừ đừ quay vào hè nhà với tay lấy bộ bài tây cũ rích, đen nhẻm, quăn queo ra chơi tiếp.

Một người đàn ông chạy chiếc xe công nông vừa dừng bánh, họ vứt tung những lá bài chạy ra hăm hở, xúm quanh người khách đon đả: “Bốc gì vậy anh? Để bọn em làm cho, tụi em quen việc lắm”. Người khách đứng nhìn từng người băn khoăn không biết chọn ai vì ông chỉ cần 5 người. Sau khi chọn người xong ông ra giá: “Bốc hàng nặng, 10.000 đồng một tấn”.

Vừa nói xong liền có 5 người nhảy xốc lên chiếc công nông, cười hớn hở. Hàng chục người chưa “đi” được lại quay về với những lá bài cũ đen. Một nhóm khác xì xào nói chuyện nhà, chuyện con cái với nhau ở gốc cây ven đường để chờ sự may mắn tiếp tục.

Anh Cờ So, người dân tộc Chứt ở xã Hương Liên huyện Hương Khê, người có “thâm niên” trong nhóm cửu vạn ở chợ bán sức lao động này. Anh nói như phân trần: “Phải xuống đây làm việc để mua gạo chứ tụ tập ở trong rừng mà chết đói à?”.
Cờ So năm nay đã hơn 50 tuổi, dù không làm được “nhiều việc” như hồi trước nữa nhưng anh vẫn phải bám vào khu “chợ” này để kiếm sống vì ngoài việc “bán sức mạnh” thì Cờ So chẳng thể làm gì khác để kiếm tiền nuôi gia đình.
Cờ So làm cật lực mỗi tháng kiếm được 900.000 đồng. Có những ngày “ế”, bà chủ quán cơm bụi cho anh Cờ So ăn thiếu, khi nào có tiền thì trả. Và chưa bao giờ Cờ So để bà chủ quán cơm to tiếng về nợ nần. Có lẽ cũng vì có sức khỏe hơn người và tính chịu khó, thật thà nên Cờ So thường được các chủ cũ quay lại thuê anh làm việc.

Bác Hòa, năm nay đã 60 tuổi nhưng vẫn phải đi bốc vác để nuôi vợ con vì ở nhà bác chẳng biết làm gì để sống khi ngay một thước ruộng bác cũng không có.
Công việc được thuê làm khá đa dạng. Việc làm chính của các chị là bốc vác, thồ hàng nhưng người ta cũng thuê các chị đào hố trồng cây, đóng táplô, thậm chí cả việc xoi (móc rác) ống cống. “Việc gì bọn tôi cũng làm được, miễn là có tiền nuôi mấy miệng ăn ở nhà là được!”- chị Lan, người bắt đầu công việc bốc vác ở khu thị tứ này 40 năm qua, nói thế.

Chợ họp lúc 5 giờ sáng nên các chị thường phải ra khỏi nhà lúc 4 giờ. Bởi nếu đến chậm thì chẳng có ai thuê họ làm nữa bởi các ông chủ thường muốn người lao động được thuê bắt đầu ngày làm việc thật sớm và về thật trễ.

Chị Đặng Thị Liễu ở Hương Vĩnh, cách thị trấn chừng 15km, có ba người con, đứa đầu mới 15 tuổi và một người chồng tật nguyền không thể làm gì được nên chị nhận làm cả những việc mà nhiều người không thích làm. Cả nhà chị, 5 con người chỉ có vài sào ruộng nên thiếu đói triền miên. “Một mình tui phải nuôi 5 miệng ăn trong gia đình, nhiều lúc nghĩ rằng mình không thể nào vượt qua được. Nhưng nhìn chồng con đói, lạnh tui lại phải gồng mình lên để kiếm sống, bởi trong nhà chỉ có tui là khỏe nhất!”.
Tình người giữa phố

Những cửu vạn nữ ở đây mỗi người đều có một nỗi khổ riêng. Người thì mất chồng, người thì chồng bệnh, người thì con tàn tật, cha mẹ già yếu… Công việc của các chị không có thời gian quy định. Có khi bắt đầu một ngày làm việc lúc 6 giờ sáng và đến khi 4 giờ sáng hôm sau họ mới thất thểu trở về nhà . Đó là khi họ nhận bốc vác hàng hóa từ bên Lào về Việt Nam.

Đôi khi các ông chủ ma mãnh chỉ tuyển toàn lao động nữ dù hàng hóa của họ là những súc gỗ to được buôn lậu qua biên giới; bởi họ nghĩ, chẳng ai nỡ bắt những người phụ nữ nghèo khổ này. Vất vả, đói và lạnh nhưng chị Liễu và nhiều chị khác vẫn chấp nhận làm vì giá làm thuê một ngày ở đây khoảng 50.000đồng/ngày.

Cùng cảnh ngộ khó khăn nên tất cả những người đến “chợ” luôn đùm bọc nhau, sẵn sàng chia việc cho nhau,cố gắng nương nhau mà sống. Ở đây có nhiều người hơn 60 tuổi vẫn đến để bán “sức già” kiếm sống.

Người đứng đầu khu “chợ người” là chị Hà, là một phụ nữ to khỏe và cá tính mạnh mẽ. Chị chia những người lao động thành từng nhóm nhỏ, trong đó có đàn ông và phụ nữ; có người to khỏe kèm với những người gầy còm. Bởi thế, khi có việc làm thì mọi người ở đây đều có việc và được nhận tiền như nhau.
Chị Hà thường đại diện anh chị em ở chợ để đàm phán giá cả và công việc với những chủ cần thuê đông người. Bác Nguyễn Thị Hoa ở xóm 2 xã Phú Phong huyện Hương Khê nói giọng cảm động: “Nếu không được các cô chú ở đây đùm bọc, tui không biết làm gì ra tiền nuôi chồng con”.

Chị Hà thường làm việc trong nhóm có những người gầy còm nhất. Thậm chí, trong nhóm của chị còn có những người cụt một tay, phụ nữ sức yếu như chị Thảo, chị Hoài, người sốt rét rừng da bủng beo như anh Cường và cả người già yếu. Chị nói: “Cùng là những người bán sức lao động kiếm sống, không biết chia sẻ, đùm bọc lấy nhau mà sống thì còn ai muốn giúp mình nữa”.

Những ngày vui nhất của những người bán sức lao động ở khu “chợ” này là khi họ nhận được công việc bốc hàng bên Lào về Hương Khê (chủ yếu là gỗ). Đó là những ngày may mắn và hạnh phúc nhất của chị em ở đây vì tuy mệt nhưng bù lại khoản tiền kiếm được sẽ khá hơn, có thể để dành cho những ngày thất nghiệp sau (khoảng 200.000đồng cho 28 giờ làm việc cật lực)
NGUYỄN VIẾT LONG

No comments: