Sunday, November 16, 2008

CƠ HỌC VIỆT NAM : THỰC TRẠNG và GIẢI PHÁP

Cơ học Việt Nam - Thực trạng và giải pháp
TS.Phạm Đức Chính
11:10-05/11/2008
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=76&News=2509&CategoryID=3
Tại Hội thảo “Nghiên cứu khoa học đào tạo và triển khai ứng dụng trong lĩnh vực cơ học” do Viện Cơ học, Viện KH&CN Việt Nam tổ chức ngày 6-7.11 tại Tam Đảo, TS.Phạm Đức Chính đã được Ban tổ chức mời báo cáo đề dẫn, nhưng một thành viên của Ban tổ chức (nguyên là Viện trưởng Viện Cơ học) cho rằng nội dung của báo cáo này đi chệch mục tiêu cuộc Hội thảo, nên đã kiến nghị với Ban tổ chức chỉ xếp báo cáo của TS.Phạm Đức Chính “vào phần tham luận cá nhân, nếu không được chấp nhận sẽ xin rút khỏi danh sách Ban tổ chức và không tham dự Hội thảo” (Trích thư gửi Ban tổ chức hội thảo). Theo TS.Phạm Đức Chính, toàn bộ thành viên Ban tổ chức Hội thảo đã đồng tình với kiến nghị này, vì vậy anh cũng sẽ không báo cáo tại Hội thảo .
Tia Sáng xin đăng bản báo cáo của TS.Phạm Đức Chính để các nhà khoa học và nhất là cộng đồng khoa học ngành Cơ xem nó có thực là đi chệch với mục tiêu của cuộc Hội thảo hay không?
---------------

Cơ học đóng một vai trò chính trên hướng gọi là Engineering (kỹ thuật). Thật vậy, ngoại trừ một số lĩnh vực đặc thù như công nghệ hóa-sinh, điện tử-hạt nhân, phần lớn các lĩnh vực trong kỹ thuật, từ chế tạo máy, xây dựng, giao thông, hầm mỏ,… tới thủy lợi và khí tượng-thủy văn, đều làm nghiên cứu và thiết kế với các mô hình cơ học về ứng xử và chịu lực của vật liệu, kết cấu, tương tác dòng chảy… Các KS cơ học-kỹ thuật thực hành đã có nhiều đóng góp trong tiến trình xây dựng và công nghiệp hóa đất nước.
Việc thành lập Viện Cơ học thuộc Viện KH&CN VN, rồi Hội Cơ học VN cách đây hơn ¼ thế kỷ đã giúp liên kết các nhà cơ học thuộc các lĩnh vực kỹ thuật khác nhau từ các ĐH và Viện nghiên cứu, với mong muốn thúc đẩy trao đổi chuyên môn, hợp tác đào tạo và nghiên cứu cơ học. Các quan chức đầu ngành (là các TSKH Cơ học đầu tiên của VN) đã vận động thành công để ngành Cơ học có vai trò độc lập được công nhận, được quan tâm và đầu tư thỏa đáng. Tuy nhiên những năm gần đây nhiều bất cập và tiêu cực nổi cộm dần hình thành đã dẫn tới hệ quả là các kết quả nghiên cứu và xây dựng lực lượng cơ học không đáp ứng được các đòi hỏi ngày càng cao đối với KHKT của VN trên tiến trình hội nhập – vấn đề được Hội thảo của chúng ta quan tâm. Bài tham luận này được trình bày thành 2 phần:
1. Vị thế của Cơ học VN và Viện Cơ học.
2. Cơ học VN cần được tháo khỏi các trở ngại

***
Vị thế của Cơ học VN và Viện Cơ học

Một số người trong và ngoài ngành Cơ học vẫn ngộ nhận rằng năng lực và các kết quả nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế của ngành Cơ học VN (với đầu tàu là dân Toán-Cơ của mô hình Liên Xô) chỉ thua hai ngành Toán và Vật lý. Đúng là trong quá khứ thời bao cấp, các bạn trẻ giỏi có xu hướng và được phân theo Toán, Lý, rồi đến Toán-Cơ ,…, và thực lực ban đầu của ngành Cơ và Viện Cơ – nhất là ở thời điểm những năm đầu 80 với số đông các nhà khoa học trẻ được đào tạo từ Đông Âu trở về - cũng đúng là như vậy. Tuy nhiên các con số thống kê thời gian gần đây đã cho một bức tranh khác hẳn.

Báo cáo của Bộ KH&CN về kết quả NCCB các ngành 5 năm 2001-2005 cho các con số cụ thể như sau về số các bài báo và báo cáo hội nghị được công bố:
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=76&News=2509&CategoryID=3

Không kể 2 hướng 8 và 9 được tách ra từ các ngành Vật lý và Khoa học Sự sống, trong số 7 lĩnh vực NCCB thì ngành Cơ học là một trong 2 lĩnh vực yếu nhất về số bài báo đăng tạp chí quốc tế, nhưng lại đứng đầu về số báo cáo hội nghị quốc gia – là thứ dễ dãi nhất.
Lần đầu tiên, thống kê số bài báo quốc tế ISI (SCI & SCIE) 2004-2008 của Viện KH&CN VN được thực hiện đã cho thấy Viện Cơ học xếp thứ 11 trong số các Viện thành viên, so sánh theo tỷ lệ [số bài báo/số biên chế] của 4,5 năm, với thứ tự cụ thể: 1.Viện Toán (1.68), 2.Vật lý (1.05), 3.Sinh học Tây nguyên (0.83), 4.Hóa học (0.54), 5.Vật lý TP. HCM (0.51), 6.Hóa học các HCTN (0.50), 7.Khoa học Vật liệu (0.45), 8.Sinh thái TN Sinh vật (0.30), 9.Công nghệ Sinh học (0.28), 10.Kỹ thuật Nhiệt đới (0.26), 11.Cơ học (0.24).
Thống kê của Viện thông tin khoa học (ISI) về số các bài báo khoa học quốc tế chuẩn mực cũng cho thấy số các công bố quốc tế của Việt Nam là rất yếu, chỉ cỡ 1/3 con số tương ứng của Malaysia (trong khi số dân nước ta lớn hơn 3 lần số dân Malaysia), 1/5 số bài của Thái Lan, chứ chưa dám so sánh với khối Ðông Á và TQ. Số bài báo quốc tế của chúng ta chủ yếu do hợp tác quốc tế (80%). Ðiều đó cho thấy các nhà khoa học của chúng ta vẫn còn phải dựa nhiều vào hỗ trợ quốc tế (về chuyên môn, phương tiện, hoặc tài chính).

Ngành Cơ học thậm chí còn yếu hơn mức trung bình: số bài báo nói chung của chúng ta ít hơn Thái Lan và Malaysia tương ứng là 5 và 3 lần, nhưng trên lĩnh vực Kỹ thuật (Cơ học) thì lại thua họ tới 6 và 4 lần.
Thống kê của Viện thông tin khoa học (ISI) về số bài báo quốc tế các ngành của VN và một số nước 11 năm qua (1/1997-12/2007) cho:
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=76&News=2509&CategoryID=3

Từ các con số này cũng có thể thấy rằng các công bố quốc tế của Việt Nam đều đến từ tất cả các lĩnh vực, và chủ yếu là từ các lĩnh vực khoa học ứng dụng, chứ không phải là đặc thù riêng của các lĩnh vực lý thuyết như Toán hay Vật lý - như ngụy biện của một số người ở ta.

Mặc dù xuất phát điểm (thời kỳ sau thống nhất đất nước) của ngành Cơ không thua kém nhiều các ngành Toán và Vật lý về mặt lực lượng, nhưng đến nay về chất lượng khoa học của ngành Cơ thua xa họ. Các chức sắc đầu ngành Toán và Vật lý là các nhà khoa học vươn tới được các công bố quốc tế độc lập đã giúp định hướng cho thế hệ tiếp nối tới một văn hóa làm khoa học nghiêm túc và đã thiết lập được các mối quan hệ quốc tế giúp duy trì và phát triển các ngành này vượt qua các khó khăn của thời bao cấp trì trệ, ngành Cơ học không có được may mắn như vậy. Các lãnh đạo ngành đã tỏ ra là yếu kém về năng lực công bố quốc tế, nhanh chóng buông xuôi và đưa sự phát triển của ngành xa rời các chuẩn mực khách quan quốc tế. Họ duy trì các chuẩn mực mập mờ, cơ chế quan liêu, đặc quyền đặc lợi, để giành lấy kinh phí nghiên cứu, giữ cho bản thân và những người thân quen yếu năng lực chuyên môn những xuất đi nước ngoài hiếm hoi được viện trợ hay bao cấp Nhà nước – nhất là trong thời bao cấp khó khăn. Điều đó đã làm đẩy nhanh tiến trình chảy máu chất xám, hủy hoại đạo đức và tinh thần khoa học của cả cộng đồng.Viện Cơ học những năm 80 nhận chủ yếu các nhà cơ học trẻ tiềm năng được đào tạo từ Đông Âu, nay phần lớn trong số đó đã ra đi và bỏ nghề (khác với lớp người thời đó, giới trẻ giỏi ngày nay có xu hướng chọn các ngành kinh tế thay cho khoa học và kỹ thuật). Thay thế cho họ là nhiều người thân quen và quan hệ của các chức sắc, thiếu cả năng lực chuyên môn lẫn tâm huyết nghề nghiệp, nhằm vào bao cấp Nhà nước để dựa dẫm nhưng làm việc vật vờ hoặc sử dụng thời gian Nhà nước làm các việc khác. Số người có năng lực công bố quốc tế ở Viện Cơ hiện chỉ còn vài người (trong khi đó ở các Viện Toán và Vật lý còn được hai ba chục người). Số công bố quốc tế đạt chuẩn ISI (SCI Expanded) của Viện Cơ học 5 năm qua không bằng con số công bố trong 1 năm của Viện Toán hay Vật lý, mặc dù số biên chế chính thức đều cỡ 100 người như nhau.

Số công bố quốc tế ngành Cơ học, nhất là công bố nội lực, tập trung chỉ vào một số rất ít người và một số bài quốc tế là của các NCS, TTS của ta làm chung với thầy ở nước ngoài (nhưng có ghi địa chỉ VN). Điều đáng quan tâm là hàm lượng khoa học trong các đề tài nghiên cứu cơ học là rất thấp, nhất là các đề tài nghiên cứu ứng dụng kinh phí lớn – vốn không được bảo đảm bởi các bài báo khoa học được phản biện độc lập, mà chỉ được nghiệm thu bởi một hội đồng chức sắc rõ mặt rõ tên nể nang nhau. Ý nghĩa ứng dụng của các đề tài này lại càng mơ hồ - vốn chỉ có thể được tài trợ bằng kinh phí bao cấp Nhà nước trực tiếp từ các cơ quan chủ quản hay qua các đối tác. Khi các cơ quan quản lý yêu cầu, Viện Cơ đã không thể đưa ra được các sản phẩm ứng dụng hay công nghệ gì đáng giá và có sức thuyết phục để khoe. Thậm chí có người còn đi xa hơn với luận điểm “NCCB làm cơ sở cho NCƯD không cần phải có công bố quốc tế” để giành thêm cho mình và thân hữu các đề tài NCCB với kinh phí lớn nhất – thêm vào các đề tài NCƯD kinh phí lớn đã có. Có tới cả hai chục đề tài NCCB trong Viện Cơ học, nhưng điều vô lý nổi cộm là 80% số công bố quốc tế chuẩn mực ISI của Viện Cơ học 5 năm qua là thuộc về 3 đề tài được cấp kinh phí ít nhất. Người ta đã làm như vậy kể cả khi hướng dẫn cụ thể của Bộ KH&CN từ năm 2005 nhấn mạnh phải ưu tiên các đề tài có công bố quốc tế. Mọi người đều nhận thấy các đề tài khoa học, nhất là các đề tài gọi là ứng dụng được bao cấp kinh phí lớn, là các vụ đánh quả của một số người, và thiếu chuẩn mực khách quan rõ ràng. Nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng với nội dung chính chỉ là chạy thông các chương trình tính mua hay xin được ở nước ngoài (hoặc thậm chí được cho miễn phí trên Internet) áp với một số số liệu thực tế.

Có một sự kỳ thị rõ rệt đối với những người đã vươn tới được công bố quốc tế, đặc biệt là tại Viện Cơ học. Họ chỉ có thể được các đề tài NCCB kinh phí nhỏ nhất, và cũng không có kinh phí để nhận đào tạo lực lượng trẻ. Thậm chí người ta còn ngăn chặn số ít nhà khoa học có thành tích công bố quốc tế khỏi các hội đồng chuyên môn… Các nhà cơ học trẻ có năng lực công bố quốc tế ở Viện Cơ hiện không có, mà chỉ có ở các ĐH và trong số NCS và TS đang học tập và thực tập ở nước ngoài xuất phát từ các ĐH.
Chính những tiêu cực nói trên đã làm mất đi rất nhiều sức mạnh và vị thế của Viện Cơ học nói riêng và ngành cơ học so với triển vọng và tiềm năng sức trẻ cách đây hơn ¼ thế kỷ.

Cùng với việc chảy máu chất xám ồ ạt lực lượng đã được đào tạo ở Đông Âu như đã nói, sự buông xuôi của số người còn lại, đã hai chục năm nay hầu như không có TS, KS, CN trẻ nào được đào tạo ở nước ngoài vào Viện Cơ học. Số đông biên chế của Viện được các chức sắc nhận vào chủ yếu do thân quen và quan hệ, thậm chí cũng không phải là sinh viên khá giỏi của các ĐH trong nước. Về mặt này Viện Cơ còn thua cả các ĐH vì họ có nguyên tắc là chỉ nhận giữ lại làm giảng viên từ số ít sinh viên giỏi (trong khi Viện lại phải đảm nhận vị trí đầu tàu nghiên cứu và đào tạo sau ĐH!). Một số người trong Viện được cử đi đào tạo TS ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước (đề án 322) cũng là theo chế độ và do các chức sắc chọn chứ không phải là nhà khoa học trẻ có tiềm năng (những người trẻ giỏi ở Viện Cơ hiện cũng không có). Tình hình mới nhất là hầu hết số bạn trẻ được nhận vào Viện Cơ năm vừa qua, sau một thời gian làm việc đã bỏ đi do lương thấp và công việc chuyên môn không rõ ràng, không hấp dẫn, và không có triển vọng.

Về nhiệm vụ đào tạo

Việc lập ra khoa Cơ kỹ thuật đặt ở Đại học Công nghệ - ĐHQG HN do Viện Cơ học kiêm nhiệm giảng dạy đã không được suy nghĩ nghiêm túc, không xuất phát từ nhu cầu của thực tế, và các khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra hiện nay là đều có thể nhìn thấy trước. Nói là cơ kỹ thuật nhưng thực chất vẫn dạy các giáo trình cũ theo đường mòn của khoa Toán-Cơ (ĐH KHTN) kiểu Liên Xô vốn đã khó khăn từ trước, học viên không có được các kiến thức kỹ thuật chuyên môn cụ thể. Trong ĐHQG HN hầu như không có ngành nào khác cần dạy môn cơ học dù như một môn phụ, trong khi các trường kỹ thuật lại tự đào tạo được những người làm cơ của ngành mình vừa có kiến thức kỹ thuật chuyên môn của ngành, và chọn được những người tốt nghiệp giỏi của mình để dạy cơ. Các viện kỹ thuật chuyên ngành cũng chỉ tuyển người từ các trường theo ngạch dọc của mình chứ không chọn đa dạng như quốc tế. Thậm chí các học viên Cơ học cũng không cạnh tranh được với các học viên Toán và Lý để dạy các môn này ở trường phổ thông. Các học viên gọi là Cơ học kỹ thuật này cũng chẳng có ưu thế về tiềm năng nghiên cứu khoa học (mặc dù NCKH nghiêm túc vẫn còn chưa được thực sự đề cao ở ta), khi mà đầu vào thì kém, trong khi các giảng viên kiêm nhiệm được chọn phần nhiều là dân Toán cơ lớn tuổi thiếu kinh nghiệm giảng dạy và không có năng lực nghiên cứu công bố quốc tế - là các chức sắc và thân hữu (để được hưởng lương kép và chức danh). Tới nay sinh viên học kém thi lại nhiều, trong khi điểm tuyển vào là thấp nhất trong khối A ở ĐHQG HN, mà đều vào miễn cưỡng – hầu hết từ nguyện vọng 2. Đầu ra lại càng mờ mịt. Tại chi hội Cơ học vật rắn nhân Đại hội Cơ học toàn quốc 12/2007, một sinh viên Cơ học ĐHQG HN đã phát biểu thẳng thắn và xác đáng: “Các thầy đã lừa chúng em, nói cứ học đi …, nhưng đến khi ra trường thì không xin được việc làm và chỉ có thể xin đi trái ngành làm thợ tin học …

Một số giải pháp để hội nhập và phát triển

Trong sự yếu kém chung của khoa học nước nhà, có thể nói Viện Cơ học đang trong khủng hoảng. Đất nước đã hơn 20 năm đổi mới, nhưng một số chức sắc (vốn đã được đào tạo đầy đủ ở nước ngoài) vẫn né tránh chuẩn mực quốc tế, nói rằng phải từ từ (?), nhưng thực chất chẳng làm gì giúp hướng tới mục tiêu hội nhập, mà chỉ tìm mọi cách kéo dài cơ chế lạc hậu cũ để duy trì đặc quyền đặc lợi. Vì vậy muốn phát triển và hội nhập trước hết phải được tháo gỡ khỏi những trở ngại hiện hữu.

Việc tiên quyết là phải đề cao các chuẩn mực khách quan trong khoa học, đó là các bài báo khoa học được phản biện kín (đặc biệt là các bài báo công bố tạp chí quốc tế SCI, SCIE), bằng sáng chế, sản phẩm mới hữu dụng tự đứng được trên thị trường, chứ không phải bám vào chiêu bài “ứng dụng hình thức”, “chức danh hình thức”, hay “quan hệ”, như thời gian qua.

Chỉ dựa vào chuẩn mực khách quan khoa học chúng ta mới tạo được môi trường khoa học lành mạnh để các cá nhân phấn đấu vươn lên, đào tạo và hợp tác khoa học thực chất và có hiệu quả.

Các hội đồng chuyên môn phải được chọn là những người có thành tích chuẩn mực khách quan quốc tế tốt nhất trong 5-10 năm qua, bất kể thâm niên, chức danh, chức vụ.

Các chức sắc thâm niên đã qua tuổi hưu 60-65 mà không có kết quả nghiên cứu chuẩn mực quốc tế nào trong 5-10 năm qua (nhất là các cá nhân từ cơ quan nghiên cứu đầu tàu là Viện Cơ học) nên rút lui khỏi các Hội đồng chuyên môn, ban biên tập Tạp chí Cơ học, và các vị trí chủ chốt trong Hội Cơ học. Họ cũng không nên áp đặt đưa người thân tín thay thế mình bất chấp các chuẩn mực khách quan và lợi ích quốc gia - một ví dụ - như Hội đồng NCCB Cơ học năm 2008 mới được thành lập, gồm phần lớn là những người gần gũi của mấy cựu trào chứ không phải là những nhà cơ học tiêu biểu nhất về thành tích công bố quốc tế theo đề xuất của Bộ KH&CN.

Vấn đề sống còn đối với Viện Cơ học là phải vươn lên thực sự là đầu tàu nghiên cứu và đào tạo sau ĐH tới chuẩn mực quốc tế của ngành Cơ học. Tiếp nhận và xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng là quan trọng nhất.

Viện tuy hiện có biên chế đông (100 người) nhưng thiếu trầm trọng cả các đầu tàu khoa học và lực lượng trẻ có năng lực. Viện cần có chính sách ưu tiên thu hút các TS giỏi (nhất là mới từ nước ngoài trở về) đã có các thành tích công nghệ và công bố quốc tế và đang có đà, sinh viên giỏi của các ĐH.

Trong khó khăn chung của khoa học VN không hấp dẫn giới trẻ giỏi, hiện mới chỉ nhận thấy một số ít các nhà cơ học trẻ có tiềm năng từ số sinh viên giỏi của các trường ĐH Bách khoa, Xây dựng, Giao thông Vận tải, và lớp cử nhân tài năng ĐH KHTN, đang làm TS và sau TS ở nước ngoài. Một số khá nhất đang có xu hướng xin làm việc ở nước ngoài, trong khi trong nước chúng ta chưa có chính sách gì thu hút họ. Ngành Cơ học và Viện Cơ học đang rất cần những mầm ươm đó sau khi đã để lãng phí thế hệ vàng đã được đào tạo ở Đông Âu những năm trước đây. Viện Cơ học cần đi trước một bước trong việc hướng tới nguồn trẻ này. Nguồn nội lực trẻ của Viện hiện rất yếu, nếu không nói là không có.

Cần phải có đảm bảo rằng các nhà nghiên cứu khoa học trẻ tài năng sẽ có được điều kiện làm việc, nhận đề tài, thăng tiến thuận lợi (không bị cản trở bởi các chức sắc thâm niên đặc quyền đặc lợi, hẹp hòi và đố kị); Các sinh viên trẻ giỏi phải có điều kiện thuận lợi thăng tiến nghề nghiệp, hướng tới các bằng cấp ThS, TS thông qua nghiên cứu khoa học thực sự ngay từ khi vào cơ quan, và có thu nhập thỏa đáng (chứ không phải chỉ làm đầu sai và lao công cho các chức sắc cai đầu dài – tuy có chút tiền nhưng không tiến bộ gì thực chất về chuyên môn, hoặc làm khoa học chay không có thu nhập ở mức tối thiểu). Có thực mới vực được đạo. Nếu làm giả ăn thật tiếp tục ngự trị, chức quyền lấn át chuyên môn, không ai có năng lực khoa học thật muốn vào hay ở lại Viện, và sự tàn lụi của Viện trên cái đà hiện nay là không tránh khỏi giống như nhiều xí nghiệp quốc doanh những năm qua.

Chỉ có biết đặt ra mục tiêu chung là chuẩn mực quốc tế khách quan, chúng ta mới động viên được sự hợp tác liên ngành thực thụ trong nghiên cứu và giải quyết những vấn đề cụ thể của công nghệ đáp ứng các yêu cầu nâng cao của hội nhập. Còn như hiện nay thì các cơ sở khác nhau việc ai người ấy làm theo kiểu riêng như trong lô cốt, và nếu có hợp tác chỉ là hình thức nhằm chia chác nguồn lợi bao cấp từ Nhà nước là chính.

Khi có được môi trường khoa học lành mạnh và tin cậy lẫn nhau, chúng ta sẽ có thể khuyến khích và yêu cầu – giống như quốc tế - để các CN, KS tốt nghiệp ở cơ sở này đăng ký học ThS, TS, và cả xin việc ở cơ sở khác. Điều đó giúp cho kiến thức các cá nhân liên quan được đa dạng và giúp thúc đẩy cộng tác khoa học giữa các cơ quan. Khi đó Viện Cơ học có thể phát huy vai trò là một địa điểm giúp đào tạo nâng cao các kiến thức chuyên sâu và tổng quát về Cơ học cho các nhà Cơ học kỹ thuật các lĩnh vực cụ thể.

Vì lợi ích chung của Cơ học nước nhà, chúng ta không nên e ngại chuẩn mực khách quan quốc tế: khó khăn là chung cho tất cả, chứ không phải là của riêng ai. Trên tinh thần ưu tiên các yếu tố tích cực dể những yếu tố đó được có điều kiện nhân rộng và phát triển, chúng ta phải phấn đấu nâng dần số lượng và chất lượng bài báo khoa học được phản biện nghiêm chỉnh, nhất là công bố quốc tế SCI, SCIE, số người có công bố quốc tế nội lực, số các cơ sở khoa học có công bố quốc tế, số bằng sáng chế và sản phẩm công nghệ mới hữu dụng thực thụ. Mong ước là trên cơ sở có được nhiều cá nhân và cơ sở khoa học làm việc nghiêm chỉnh trên mọi hướng và lĩnh vực, chúng ta sẽ có đủ nguồn nhân lực để dần xây dựng được các nhóm liên kết làm cả mô hình cơ học, tính toán số, thực nghiệm, và chế tác mẫu – như mô hình nhiều nhóm cơ học quốc tế hiện nay, vừa có sản phẩm hữu dụng vừa có công bố quốc tế từ chính các vấn đề ứng dụng của thực tiễn.

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2008
Phạm Đức Chính, Viện Cơ học Hà Nội.

No comments: